Thứ Năm, 12 tháng 11, 2015

NHỮNG CÁNH CỬA (Truyện ngắn)

ĐÔNG LA
NHỮNG CÁNH CỬA
(Truyện ngắn)
Tính viết bài quất cho “ông em yêu quý” của ông bạn TS Thành 1 roi, rồi bài về Myanmar, v.v… nhưng hôm nay tôi có chuyện buồn, chưa viết được. Sau gần 20 năm tôi phải chia tay với cái sản phẩm mà tôi tự tạo ra, luôn coi nó như một đứa con. Chính nó đã giúp tôi nuôi con ăn học, xây nhà dựng cửa, sinh sống cho đến hôm nay. Xin nhớ thuốc này được cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp khảo nghệm nghiêm ngặt, được cấp giấy phép sản xuất và được đưa vào danh mục thuốc được sử dụng tại thị trường VN.
Sau mỗi một điểm mốc quan trọng của cuộc đời tôi, tôi đều “thêm mắm muối” viết thành truyện ngắn. Chuyện tôi bắt tay làm cái sản phẩm này cũng vậy. Xin cảnh báo trước, các Phật tử đàn ông theo cô Hòa không nên đọc truyện này vì có vài chi tiết sex. Tôi thực ra đã sáng tác nhiều dạng, như thơ tình cảm, thơ trí tuệ, thơ bản năng… muốn thể hiện một cách sâu sắc và toàn diện bản tính con người. Là nhà văn ta cũng buộc phải viết trung thực tất cả những gì thuộc về cuộc sống, miễn là phù hợp. Chế Lan Viên từng viết nhà sáng tác có tài là có thể dùng được một cách khéo léo cả những chữ khó dùng nhất như hai câu thơ: “Thân em như đóa hoa hồng/ Lấy phải anh chồng như cứt bò khô”.
Truyện này đã được đăng trên TC Sông Hương, Huế, hồi anh Nguyễn Quang Hà làm TBT. Ít ai ngờ người “môi giới” bài vở của tôi rất nhiều cho anh Hà đăng chính là “nhà dân chủ” Nguyễn Hoàng Đức bây giờ, tôi gặp Đức trong số rất nhiều người quen của Nguyễn Quang Thiều.
Mới đó mà đã gần 20 năm. Cuộc đời đúng là vô thường. Thật buồn! Nhưng thôi, đành nghe lời cố Nhạc sĩ lừng danh Trịnh Công Sơn vậy: "Để gió cuốn đi!"
Xin giới thiệu với các bạn.
12-11-2015
ĐÔNG LA
          Sài Gòn mùa mưa, trời lúc nào cũng âm u. Những tán cây sẫm hơn, không khí nóng rát của những tháng cuối mùa khô đã được làm nguội lại, dịu mát. Mấy ngôi nhà cao lênh khênh dường như chỉ cần kiễng chân lên một chút là có thể gội đầu được trong những đám mây sũng nước, là là bay trên đầu. Anh đi mua lọ mực in, vừa về được nửa đường thì trời mưa. Cơn mưa đầu mùa thật dữ dội, những ngọn gió thi nhau ném những vốc nước vào mặt anh, xoắn vặn hai hàng cây bên đường răng rắc, ào ào. Anh lạnh sống lưng khi nghĩ đến những trường hợp chết người do cây đổ. Về được tới nhà thì nước ở con hẻm đã lên đến quá đầu gối. Bố khỉ! Con kênh thoát nước đã bị dân lấn chiếm gần như đút nút lại! Anh e ngại thấy cơn mưa lần này như quyết tâm đẩy kỳ được nước cống vào nhà mới thôi. Cuối cùng nó đã thắng. Vợ chồng anh vội sơ tán tất cả các thứ dưới nền nhà lên giường, lên bàn ghế, lên tất cả những chỗ gọi là cao trong căn nhà. Rất may trên ti vi đã có phim Bao Công, hai đứa nhỏ ngồi im trên ghế xem, không coi nước ngập ra gì.

(Chính là thời kỳ tôi ở ngôi nhà thứ 1 này)
Phải đến gần tiếng đồng hồ sau nước mới rút, để lại một lớp bùn mỏng màu xám, mùi tanh tanh. Hai vợ chồng thi nhau hì hục dội nước rửa nhà. Khi lau chùi đến giá sách anh mới giật mình: giấy tờ, sách vở ở hai ngăn thấp nhất đã bị ướt. Có một xấp dầy, với người ngoài chỉ là mớ giấy lộn nhưng với anh lại quý giá nhất. Đó chính là tập thư từ, di bút của cha anh để lại. Vội mang một tấm chiếu lên nóc nhà, rồi như mẹ phơi bánh đa thuở nào, thận trọng, nhẹ nhàng gỡ từng mảnh một, anh trải chúng ra phơi mà thấy như phơi từng mảnh đời, phơi từng  kỷ niệm của mình!        
          Dọn dẹp xong được một lúc thì Chương đến, một thằng bạn cùng lớp đại học, kém anh hai tuổi, đang làm bên viện hoá, đầu óc khá năng động. Thấy Chương anh hơi ngạc nhiên :
          -Sao, có chuyện gì mà phải đội mưa đến vậy?
          -Lúc đi đâu đã mưa. Phải trú ở quán cà-phê sốt ruột muốn xỉu luôn. Lại ngập à! Tôi không hiểu sao ngày ấy ông lại đi mua cái nhà khỉ nầy, cho tôi tôi cũng chẳng nhận!
          -Tiền nào của nấy, được như thế này là phúc tổ rồi, đâu phải như mày mà kén chọn.
          -Kiến thức đầy mình như ông, sao không chịu đổi mới tư duy làm một cái gì đó kiếm tiền đổi béng cái nhà này đi.
          -Chậc -anh tặc lưỡi- Ngoài việc ở Trung tâm ra, cũng chỉ biết viết lách thêm tí tỉnh, chứ đâu biết làm gì, mày!
          -Rồi, hôm nay tôi đến là muốn bàn chuyện làm giàu với ông đây. Thi sĩ như ông thì có thích tiền không?
          -Mày cứ đùa. Có mưu gì hay nói ra xem sao. Trước nay tao chưa bao giờ tính chuyện làm ăn, chẳng để ý gì đến chuyện giàu nghèo. Còn ngày xưa đúng là buồn cười, nghèo khó có khi còn là niềm tự hào nữa chứ!
- Tôi thấy có cái này chắc của ông dụng được. Trên thị trường có môt loại thuốc của Nhật nông dân mình đang chuộng lắm, ông thử nghiên cứu xem.
          -Tao cũng đã biết loại đó, nhưng không hiểu sao nó lại dùng hormon sâu non mày ạ, mà hormon sâu non mình lại chưa có?
          -Mình đâu cần giống người ta. Miễn là ông cứ chế ra được một loại thuốc tốt là được rồi. Cái quan trọng là ông có làm được hay không ấy?
          -Mày yên tâm, nhiều chuyện tày trời tao còn làm được huống hồ chuyện này. Nhưng tao ngại lắm mày ạ. Mình làm như thế không biết có phải là ăn cắp kiến thức không?
          -Giời ơi! Hâm ơi là hâm! Thời buổi này mà nghĩ gì lẩn thẩn thế!? Ông có biết ăn cắp bây giờ là như thế nào không? Phải hàng chục tỷ đồng, có khi còn đến cả chục triệu đô nữa tiền của nhà nước chui vào túi riêng nhà chúng nó! Bởi vậy mới có những thằng đánh bài có một lúc hết cả trăm ngàn đô, hứng lên chúng nó còn sang tận cả Hồng Công chơi gái! Vậy đó! Còn ông ấy à, miễn là đừng lấy mấy quy trình của cơ quan, còn kiến thức là của chung chứ của riêng ai? Ăn cắp kiến thức chung là sự ăn cắp sang trọng nhất. Tôi mong ông ăn cắp thật nhiều vào, thiên hạ sẽ được nhờ. Biết chưa, bố !
-Rồi, OK! Nhưng đâu phải cứ làm ra được sản phẩm là xong?
-Tất nhiên rồi, sản xuất mà không có đầu ra là tắc tị ngay, rồi tôi và ông sẽ gặp một thằng bạn tôi. Nghề của nó thường đi các tỉnh nên nó quen hết ráo các đại lý ở dưới. Rủ nó nhậu một bữa là xong ngay. Có cái quán kia hay lắm, tiếp viên áo dài mỗi ngày một mầu, trông còn hay hơn cả tiếp viên hàng không, bước vào là mắt cứ hoa cả lên.
          -Mày coi chừng, sa vào cái chốn ấy tan nát nhà cửa như bỡn.
          -Có một tay nhạc sĩ nói một câu hay lắm. Khi bị hỏi có phải là một người chồng chung thủy không, lão trả lời: “Tôi là một người chồng có trách nhiệm”. Thế đấy, cái đạo đức cao nhất của người đàn ông thời nay chính là cái trách nhiệm ấy. Còn ông, ngoài đồng lương ở trung tâm ra, không làm gì thêm, cứ ngồi đấy mà thơ với thẩn ca ngợi nàng thơ của ông thì có khi chính nó sẽ chán ông đấy. Nghe tôi, ông cứ làm cho cuộc sống thành thiên đường đi, rồi có nhôm nhoan một tí cũng chẳng sao đâu! Biết chưa?
          -Mày có thể đi làm luật sư được. Nhưng ăn vụng thì cũng khéo mà chùi mép. Có đàn bà nào mà không ghen? Mà mày còn muốn gì, vợ đẹp con ngoan. Số mày đúng là nhất, ra trường một cái là người ta đã dọn ổ cho sẵn. Lớp mình có đứa nào được như mày?
          -Ông nói vậy chớ, nhiều lúc tôi cũng buồn thấy mẹ. Vợ thì cứ đẹp như người mẫu, con trai thì học giỏi, con gái cũng lại như công chúa nữa!
          -Mày cứ đùa.
          -Tôi không đùa đâu. Thứ nhất, con người ta nếu nó giỏi, nó sang ấy, thì đòi hỏi của nó sẽ lại rất cao. Cái mà người bình dân mơ không được thì nó lại coi không ra gì. Vì thế mà cứ phải nhoai người ra mà bươn chải thôi. Thứ hai, vợ mình đẹp, đi đâu đàn ông nó cũng cứ dòm như nuốt chửng ấy, lại phải mất công giữ! Nó mà cắm cho một cái sừng thì đẹp mặt! Với lại, mình đã mê cái đẹp của vợ mình tất sẽ mê cái đẹp của người khác. Các em thì cứ mỗi ngày một đẹp lên, còn ta thì ngày một già đi. Váy của mấy cô thư ký cũng càng ngày càng ngắn, vậy mà lại đi kiện mấy ông giám đốc quấy rối tình dục! Thực tế thì ai quấy rối ai? Công nghệ phát triển, vải cứ mỏng thêm mãi, mịn thêm mãi, áo dài gì mà mặc cứ như dán vào người, bố thằng nào mà chịu được. Chưa cần gì đã chết con nhà người ta rồi, lại còn thời trang mới thời chiếc. Hôm nọ, xem ti vi, chiếu lễ trao giải cành cọ cành kiếc gì đấy, có một con bé diễn viên mặc cái áo lạ lắm, không chỉ khoét nửa ngực như thông thường, mà còn khoét hết cả lưng, trưng ra nguyên nửa cái mông tròn xoe nữa...Thời buổi này đúng là thú vị thật. Ông bảo, bây giờ đi đâu, nhìn đâu cũng va vào sắc đẹp, làm sao mà đàn ông lại không hư cho được! Như vậy, vợ nó cũng lại ghen. Thế là, cứ như quân ta quân địch tối ngày trinh sát, rình mò. Ông thấy có khổ không?
          - Theo dõi chồng là công việc say mê nhất của đàn bà khi không còn phải lo công việc kiếm sống. Nhưng còn hai đứa con mày, con giỏi, con đẹp là mơ ước của người đời, mày cũng lại buồn là nghĩa làm sao?
          -Làm sao không lo cho được? Ông không thấy mấy thằng học giỏi ở lớp mình đấy à, kính cận dầy như đít chai mà có thằng nào ra gì?! Dường như khi ban cho người ta trí thông minh hơn người một chút, ông Trời cũng lại lấy lại nhiều thứ, nhất là cái khôn khéo. Vào đời, chính óc tổ chức, khả năng giao thiệp mới là cái quan trọng, còn hơn cả khả năng chuyên môn. Đứa nào có khả năng này sẽ làm chủ, còn đứa nào chỉ biết có chuyên môn không thôi thì giỏi lắm cũng chỉ là một công cụ tốt trong tay những ông chủ. Còn con gái đẹp ư? Ông không thấy sao? Mọi thứ đến với cái đẹp đều dễ dàng nhưng đầy những bất trắc và tai ương. Nếu kèm theo cái đẹp mà  không có một ít trí tuệ có khi thành tai họa đấy.
          -Mày đúng là “ông cụ non”. Nghĩ xa quá hóa quẩn. Nói như mày thì đến vua chúa ngày xưa, tỷ phú ngày nay cũng vẫn là những kẻ bất hạnh. Giàu có vậy mà cũng có người chán đời phải đi tự sát đấy!
          -Có thế mới có chuyện cho văn chương các ông. Thôi tôi về đây, cứ cà kê dê ngỗng với ông, có khi đến tết vẫn không hết chuyện. Nhớ tiến hành công việc ngay nhá. Có làm mới có ăn. Ông cứ làm cho thật tốt vào, bán thật chạy vào, thế là có tiền thôi. Có nhiều tiền rồi thì lại tha hồ mà văn với chương, bố cũng nhiều trò lắm cơ !
          Chương về, anh đến chỗ chiếc võng nằm xuống, hai tay đan nhau đặt xuống dưới gáy, đung đưa. Thoắt cái, mới hôm nào còn là thằng trẻ ranh, giờ đã gần bốn mươi rồi! Cuộc đời vẫn mãi thăng trầm, đổi thay, trôi giạt. Mọi ước mơ, dự định thủơ thiếu thời đều sai bét cả. Anh đã làm được gì? Địa vị, danh vọng, tiền tài...? Cái gì anh cũng có được một tí nhưng gần như lại chẳng có cái gì cả. Dường như tất cả mọi con dốc anh muốn chinh phục để vươn tới những tầm cao cho xứng với cái khả năng của mình đều bị chặn lại bởi những cánh cửa lạnh lùng, khoá chặt. Oái oăm thay, chính anh lại được Tạo hóa thiên vị mà phú cho nhiều khả năng hơn một người bình thường; lĩnh vực nào anh cũng có thể dễ dàng xông vào được, ở đâu cũng có người đánh giá rất cao khả năng của anh, mà họ đều là những người rất am tường, rất tài năng, thậm chí có người đã trở thành bất tử bởi tên của ông đã được đặt cho tên đường phố. Nhiều người biết anh cũng rất ngạc nhiên khi thấy anh có thể tham gia những lĩnh vực hoàn toàn trái ngược nhau. Điều này tốt hay xấu anh cũng không biết nữa. Có thể anh sẽ có nhiều cơ hội, sẽ được trải nghiệm một cuộc đời có nhiều cuộc đời, nhưng cũng chính vì thế đôi lúc lại làm anh mất cả phương hướng. Ví như cái việc quan trọng nhất là việc kiếm sống, anh lại chưa quan tâm bao nhiêu. Vậy chuyện thằng bạn gợi lên hôm nay buộc anh phải suy nghĩ nghiêm túc. Có khi rồi anh sẽ phải dốc toàn bộ tâm sức cho nó, may chăng mới đạt được chút ít kết quả, còn cứ cái kiểu “sớm nắng chiều mưa” chắc sẽ chẳng nên cơm cháo gì. Tính anh hay đang chuyện nọ lại xọ sang chuyện kia, chuyện kia lại lia sang chuyện nọ, chẳng cái nào đến nơi đến chốn cả. Ngay như lúc đang nghĩ về công việc làm ăn này đây, dư âm của những bài báo về một cuốn sách vẫn còn lảng vảng trong anh. Đó là cuốn sách phê bình của một tác giả nữ trẻ, từng vừa xuất hiện là nổi tiếng ngay, từng khiến mấy tay đàn ông đồng trang lứa hậm hực: “Tiên sư cái con này, nó cậy có cái bàn ủi, nó ủi hết ráo cả!”. Riêng anh, anh không quan tâm lắm đến ba cái phèng la ồn ào ấy của văn chương. Anh thấy có những tên tuổi bị rang trên cái chảo văn chương như người ta rang ngô, nổ toang toác, nhưng hết lửa lại bị ỉu ngay.
          Đột nhiên, từ trạng thái phấn khích anh chuyển ngay sang sự buồn nản. Tự dưng thấy đầu óc trống rỗng và không thiết làm gì, anh chợt thấy cần có một nhu cầu được trò truyện, được giải toả. Như thường lệ, hoặc anh cưỡi xe đi lang thang ngoài đường, hoặc đến một quán cà phê ở cạnh trường đại học, nơi có một ông anh cùng quê và rất nhiều người quen là cán bộ giảng dạy thuộc mọi lĩnh vực. Ở đó, anh có thể nghe mọi chuyện và nói mọi chuyện, từ nghiêm túc nhất đến bông phèng nhất, nó cũng chính là nơi giết thời gian có hiệu quả nhất.
          ***
          Tại quán cà phê, dưới tán một cây bồ đề khổng lồ, già nua rêu mốc, không biết đã có từ bao năm mà những cái rễ phình to cứ như những cái cột đình; anh ngồi đàm đạo với ông anh.
          -Mấy ông ở đây thích chú đấy - Ông anh nói - Công nhận chú cũng hay thật, nhiều vấn đề rối như mớ bòng bong, lại ở nhiều lĩnh vực khác nhau, người chuyên nghiên cứu viết còn khó, chú lại viết cứ như không.
          -Vậy mà vẫn có mấy bài chửi em như chó đấy.
          -Đã gọi là tranh luận thì có ai chịu ai.
          -Dân mình cũng hay thật. Chỉ cần viết một bài cãi nhau cho ra trò là cả nước biết. Người ta thích thú đọc những bài cãi nhau cũng như xúm lại xem những vụ đụng xe ngoài đường đấy mà. Tiếc là những sáng tác hay thực sự không được chú ý như thế, có khi còn không được đăng nữa cơ.
          -Phải kiên trì. Các cụ nói, viết thì phải lách, mà cái ngoại giao của chú lại hơi yếu. Viết được cái hay mới khó chứ để được đăng ngay thì quan trọng gì? Có người được đăng rồi, trưng ra nguyên cái dốt của mình rồi, có muốn lấy lại cũng không được. Thời gian là quan tòa nghiêm khắc lắm!
          - Nhưng lỡ cái ông quan tòa này cũng lại biết ăn đút lót thì sao? Có lẽ người ta có số thật anh ạ. Sao có người mọi cái đến với họ dễ dàng quá, có người trông như phỗng ấy, nhưng có khi lại được thiên hạ bắt có tài bằng được thì thôi; có người chỉ cần bỏ ra chút vốn tài năng là xài cả đời không hết. Còn em sao thấy tốn kém quá! Em cũng thấy thật vô lý! Tại sao mình lại phải bỏ ra quá nhiều tâm sức, để mong đạt được một cái quá khó khăn, nhưng thực chất lại chẳng có giá trị bao nhiêu đối với cuộc sống gia đình! Vợ con em chúng chỉ cần tiền để ăn, để học, chứ cần gì đến danh! Biết vậy, nhưng không thể khác được anh ạ, bi kịch của đời em có lẽ chính là thế!
          -Chú yên tâm. Thời đại bây giờ khác rồi. Trồng cây tất phải có ngày ăn quả chứ. Cứ bảo người ta thực dụng, thế mà bài nào ra có vấn đề là cứ phô-tô chuyền tay nhau roàn roạt, roàn roạt. Không thể nắn được cái dòng chảy tự nhiên đâu. Ngay như nước mình chú thấy không? Cứ làm cho đúng là cuộc sống khác ngay thôi.
          -Theo em, sự thành công lớn nhất của nước mình chưa chắc đã là kinh tế đâu, công nghệ còn lạc hậu mà nguyên liệu thì đa phần vẫn phải nhập. Nhưng mình có cái hay là giữ được sự ổn định anh ạ. Trong khi trên thế giới, có ngày nào mà người ta không cắn xé nhau.
          -Đúng là mất ổn định là mất hết, giàu nghèo gì thì cũng mất! Xem mấy thằng khủng bố nó cắt tiết người ta trên tivi tôi thấy kinh quá!
          -Có điều nền tảng vững chắc nhất của sự ổn định chính là sự phát triển kinh tế, mà nền tảng của sự phát triển kinh tế lại chính là sự đổi mới.
-Nước mình mấy năm nay đổi mới nhiều rồi còn gì. Nhưng tôi hỏi chú, ai cũng thấy đổi mới là tốt nhưng tại sao tiến hành lại khó khăn thế?
-Có lẽ do nhận thức, sự đổi mới về nhận thức là khó khăn nhất. Có cái hôm qua tưởng là quy luật, là nguyên lý thì nay lại sai, còn cái tưởng sai, tưởng phản tiến bộ thì nay lại đúng. Nhiều vấn đề làm cho người ta phân vân, chúng đặt ra 2 sự lựa chọn cốt yếu: ổn định hoặc phát triển. Không phải mọi sự phát triển ở các lĩnh vực đều làm nền tảng cho sự ổn định; nếu phát triển mà mất ổn định thì người ta thiên về ổn định hơn. Bởi sự ổn định nhiều khi cũng mong manh lắm! Có khi chỉ cần một vài cá nhân cũng có thể làm xáo trộn tất cả! Như một thằng Hít-le thôi cũng đã mang đến cho loài người cả một cuộc đại chiến tàn khốc rồi. Con người ta thật kỳ lạ, làm như thiên tai, bệnh tật, vô vàn những nỗi bất hạnh chưa đủ làm cho đau khổ, nên mới phải làm ra thêm cái chiến tranh! Con người dường như thích trộn thêm đau khổ vào hạnh phúc. Ăn uống cũng thích thêm những gia vị đắng cay. Ngay lúc sung sướng tột đỉnh, người ta cũng nhăn mặt và rên lên y như lúc khổ đau vậy!
          Truyện trò được một lúc lâu, có hai ông giáo viên cũng kéo nhau vào bàn hai anh em, góp chuyện.
          Thấy anh, ông dạy văn nói:
          -Hai anh em chuyện trò gì mà sôi nổi thế? Sao nhà thơ, kỳ này có chưởng mới nào không?
          -Tôi viết lăng nhăng ấy mà.
          Ông anh nói:
          -Chú đừng nghe nó. Nó mà quan tâm đến thơ thẩn gì? Trên bục giảng thấy mấy em ở dưới ngực vun lên là cấm có dạy dỗ gì được?
          -Bác cứ nói oan cho em! Em dạy văn, không quan tâm đến thơ thì quan tâm cái gì? Rồi, bây giờ em sẽ đọc hai câu thơ mới sưu tầm được hôm đi Vũng Tầu cho các bác nghe xem có hay không nhá: “Hai hòn ôm lấy Vũng Tầu/ Khoan cho một cái phọt dầu lên ngay”.
          Mọi người đều phì cười.
          Bông phèng một lúc nữa, anh xem đồng hồ, cáo từ ra về.
          ***
          Khoảng 6 giờ tối thì Chương đến. Chưa bao giờ anh thấy có một cảm giác lạ lùng như lần này. Không ngờ thằng bạn ngổ ngáo, buồn buồn thì đến với anh như tìm đến những phần còn thiếu trong tính cách hắn chứ đã có với nhau những chuyện nghiêm túc bao giờ đâu, lại bất ngờ mang đến anh một niềm hy vọng. Chương nói:
          -Tôi nói với thằng bạn thủy lợi rồi, bây giờ tôi với ông đi nhậu với nó.
          -Sao nhanh thế, mới truyện trò khơi khơi lúc sáng, giờ gặp nhau biết gì mà bàn?
          -Thì cứ gặp nhau làm quen, có sao đâu!
          Anh ghé tai Chương hỏi nhỏ:
          -Thế, bia ôm hử ?
          -Tất nhiên rồi.
          -Tao chưa đi bao giờ mày ạ. Vợ con nó biết cũng mệt. Hay mày đi gặp nó một mình đi.
          -Giời ơi! Có đời thủa nào mèo lại chê mỡ bao giờ!
          -Mèo nhà tao chê mỡ thật, nó chỉ thích cá thôi.
          -Thôi không giỡn nữa, làm ăn chính quy phải bàn bạc cụ thể, ông không đi sao được! Mà nhà văn với nhà thơ thì cũng phải đi thâm nhập thực tế chớ. Ông cứ sống như Bụt vậy thì làm sao mà viết cho ra hồn được! 
          -Thôi được. Anh nghĩ, mẹ kiếp, con người thường tự đặt ra những chuẩn mực, nhưng rồi chính cuộc đời lại buộc người ta phải vượt qua những chuẩn mực ấy.
          Chương chở anh lòng vòng một lúc khá lâu tới quán “Thiên Thai” ở đường Phan Đăng Lưu, Phú Nhuận. Quán khá thơ mộng. Phòng ngoài cùng có mấy cô mặc áo dài đủ mầu ngồi ở một cái bàn, thỉnh thoảng diễu qua diễu lại như những con cá vàng lững lờ bơi trong một không gian lộng lẫy, đã được đánh phấn bằng một lớp ánh sáng màu hồng nhạt, có lồng chim, chậu kiểng, bể cá, ... hệt như  một chốn Bồng lai.
          Chương dẫn anh vào một phòng đã có sẵn anh bạn đang ngồi chờ, trông to như phi công. Vài lời xã giao xong, cả ba ngồi xuống bộ salong cao, quây lại như một căn phòng nhỏ. Chương nói với người phục vụ đã chầu sẵn bên cạnh :
           -Cho thùng tiger chai nhỏ, mày kiếm cho anh ba con bé thật chiến vào nhé.
          -Đại ca yên tâm.
          Người bồi đi ngay, Nam tiếp:
          -Tranh thủ lúc đợi bia, đợi các em, ông Dũng quen việc phát biểu đi:
          Dũng nói:
          -Bây giờ mình cũng làm một loại thuốc nước, cũng đóng ống như thằng Nhật. Nhưng trước hết phải xin giấp phép thành lập cơ sở, phải thử nghiệm, đăng ký chất lượng...
          Anh buột miệng:
          -Cũng phức tạp nhỉ?
          Chương nói ngay:
          -Ông đừng nản! Tất cả những chuyện ấy tôi sẽ lo. Ông cứ lo phần kỹ thuật. Còn phần Maketing thế nào Dũng?
          Dũng trả lời:
          -Tôi đã đánh tiếng mấy đại lý gốc rồi. Họ chịu đấy, cứ có lời thì thằng quái nào mà chả chịu. Nói chung, muốn hàng chạy và bền, không chỉ thuốc tốt mà còn phải nhiều quà thưởng nữa, kiểu bây giờ người ta gọi là khuyến mãi đấy. Thưởng nhiều nó bán nhiều. Không thưởng nó không bán. Thế thôi!
          Anh lại chép miệng:
          -Cũng khó khăn nhỉ?
          -Nhưng anh cứ yên tâm. Chỉ khó bước đầu thôi, hàng mà chạy rồi, nó còn cầu cạnh mình nữa là khác đó. Làm ăn thì phải vậy thôi. Nếu dễ thì ai cũng làm giàu được cả sao!
          Lúc này, bia và đồ nhậu đã được mang tới, ba “em bé” cũng đã được chọn. Cả ba còn rất trẻ, người dong dỏng, đầy đặn, nói theo từ chuyên môn nhà hàng là “điện nước đầy đủ”, nhưng trông thấp thoáng thì được còn nhìn gần mặt cũng bình thường. Cũng may cho anh, bởi anh rất yếu đuối trước sắc đẹp. Anh rất dễ bị thiêu cháy trong một niềm đam mê, nhưng nếu không thích, thì lại như một người lãnh cảm. Mấy cô bé xinh đẹp phòng ngoài chắc là mấy con chim mồi. Anh phì cười khi thấy hai cặp kia, sau vài lần cụng bia, bắt đầu xoắn lấy nhau. 
          Nghe phòng bên cạnh bập bùng tiếng đàn. Chương rủa:
          -Mẹ kiếp, bài “Lá diêu bông” đúng là quốc ca của giới bia ôm nước mình thật! À này, cái mũi của em có sửa không đấy?
          -Có, thì sao?
          -Không sao cả. Người ta có thể đẽo gọt vải vóc cho thành thời trang, thì sao các em lại không thể đẽo gọt cơ thể mình cho xinh đẹp hơn. Nhưng cái quan trọng là tay nghề của mấy tay bác sĩ em ạ. Có em sửa mũi trông như cái mỏ quạ ấy, kinh lắm. Thế còn ngực em có sửa không?
          -Em cho anh kiểm tra đấy!
          Hai người lại rúc rích quấn lấy nhau.
          Thấy ngồi im lặng cũng kỳ, anh góp chuyện:
          -Người ta có thể có thể cắt gọt cơ thể cho thành xinh đẹp, nhưng tính cách thì khó cắt gọt được.
          Cô gái ngồi với anh nói:
- Anh hai nói hay cứ như nhà văn thứ thiệt í. Nhưng sao anh hai hiền khô vậy?
          -Ờ.
          -Em ngồi với anh có được không?
          -Ờ.
          -Sao anh lại ờ?
          -Ờ, không sao đâu, em cứ ăn tự nhiên đi...          
          Đến khoảng 11 giờ, anh đề nghị giải tán. Thanh toán, bo biếc xong xuôi, anh nói với Chương:
          -Tao thấy con bé đó không bén gót vợ mày, sao mày say sưa thế?
          -Ông đúng buồn cười, đã gọi là ngoại tình thì người ta cần cái lạ chứ cần gì cái đẹp! Cứ trắng trẻo, thon thả, tròn đầy là được rồi. Với lại, cái tuổi trẻ của chúng nó cũng đáng đồng tiền lắm chớ!
          Dũng tham gia:
          -Con bé của tôi hai cái mụn ngực của nó cứ mâng mâng! Đúng là có tiền mua tiên cũng được, sướng thật! Thôi gút bai nhé, việc ai người ấy làm khẩn trương lên! Có làm thì mới có em, nhớ chưa mấy bố!
          ***
          Ngày hôm sau, sau khi hoàn tất những công việc chung, anh tranh thủ vào thư viện đọc tài liệu. Anh đâu ngờ mình đang thực hiện những bước đầu tiên của một chặng đường mới. Bất chợt, anh thấy phấn khích hẳn lên khi đọc những công trình nghiên cứu của những nhà sinh hóa thực vật. Khi nghiên cứu quá trình thụ phấn hình thành trái cây, họ đã thấy trái cây phát triển được chính là do một hoạt chất trong hạt sinh ra. Cây cối thường bị thiếu chất này, nên vào kỳ đậu quả, trái non hay bị rụng. Họ đã thành công trong việc tổng hợp được một loạt hoạt chất có tác dụng tương tự như loại hormon đó để bổ sung, không chỉ giúp trái non không bị rụng mà còn làm tăng được năng suất và chất lượng nông sản. Sau nhiều cân nhắc, cuối cùng anh chọn một hoạt chất. Anh run run ghi vào sổ tay một đoạn tài liệu tiếng Anh: “ACTION: Plant growth regulator. USE: Prevents flower, fruit, boll drop in apple, groundnut, mango, orange...Increases fruit size and weigh...”
          Chép xong, anh thở phào. Thế là anh đã biết được những thứ cần biết, với anh chỉ vậy là đủ. Anh tin là công việc sẽ thành công, bởi nó sẽ là một sản phẩm rất thiết thực cho người nông dân. Mình còn phải đặt tên cho nó chứ ? Tên là gì để phù hợp với công dụng cũng như ra dáng một sản phẩm thương mại? Thuốc kích thích trái cây? Thuốc tăng trưởng trái cây? Thôi, FRUCTONIC là hay nhất, đúng thật, FRUCTONIC, thuốc bổ dưỡng cho trái cây! Anh đắc ý, nắn nót viết vào phần trên của đoạn tài liệu anh vừa ghi được.
         
          ***
          Chiều ấy ra về anh rất vui. Một niềm vui khác lạ. Nó không như sự vui thú, mà êm đềm trong lòng ta, tạo nên trong ta một sự thanh thản, một sự bình tâm về một cái gì đó còn chưa định hình mà anh chỉ có thể cảm nhận được một cách rất mơ hồ.
          Nghĩ lại quãng đời đã trải, dường anh cũng đã sưu tập khá đủ bộ những niềm vui mà cuộc đời của mỗi con người có thể có: Ngày chiến thắng trở về gặp mẹ, ngày đầu bước vào cổng trường đại học, tình yêu đầu tiên, đêm tân hôn, ngày ra đời của hai đứa con... Nhưng những niềm vui ấy thường nhỏ nhoi, chúng chỉ là những khoảnh khắc tâm lý quá ngắn ngủi nếu so với cuộc đời dài đẵng này, chúng chỉ như những ngọn lửa nhỏ, cháy lung linh và dịu dàng trên cái nền ký ức màu xám của nỗi buồn mà cuộc đời thường hào phóng tặng cho anh, cộng với những nỗi buồn mà anh cũng thường tự tặng thêm cho mình. Anh thấy mình luôn đi giữa cái đường biên, cái đường đường tiếp tuyến của những niềm vui và nỗi buồn, chệch một chút là vui, chệch một chút là buồn, những thoắt vui  buồn vô tích sự, chỉ được việc cho sự mất ngủ. Anh luôn bị kéo nhùng nhằng về hai phía, phía của say mê và phía của những trách nhiệm sống. Hơn chục năm ra trường, việc gì với anh cũng dở dang, cuộc đời lúc nào cũng mới chỉ như một bản nháp vậy. Đến cơ quan nào, làm gì, cũng là những cản trở, những tường chắn, những cánh cửa khóa kín. Giờ đây, chính công cuộc đổi mới đã mở rộng cái cánh cửa lớn của cuộc sống, liệu anh có đủ sức bước vào một chặng đường mới có nhiều cơ hội nhưng cũng đầy những thách thức không? Cả cuộc đời ông nội anh cuốc ruộng, lang bạt kỳ hồ, cả đời mẹ anh chỉ biết độc một công việc làm ruộng, rồi bình thản phó mặc cho tất cả, cho thiên tai, cho chiến tranh... Đó là những thế hệ sinh ra để hy sinh và chịu đựng. Nhưng cuộc đời anh, con cháu anh, ở thời hiện tại này, không thể mãi như thế!      
1999
          ĐÔNG LA