Thứ Bảy, 19 tháng 12, 2015

Nguyễn Văn Thịnh: LẠI NÓI CHUYỆN LỊCH SỬ (TỪ TÍCH HỢP ĐẾ SANG NGỌN ĐUỐC?)

Nguyễn Văn Thịnh
LẠI NÓI CHUYỆN LỊCH SỬ
(TỪ TÍCH HỢP ĐẾ SANG NGỌN ĐUỐC?)

Trong cuộc tọa đàm bàn tròn của đài BBC ngày 22/11/2015 về đề tài tích hợp môn sử ở cấp học phổ thông mà nhà đài lại lái sang “biểu tượng ngọn đuốc sống Lê Văn Tám là ngụy tạo! là nói láo! Liệu có cách thức nào giải quyết ổn thỏa chuyện này”? Lập tức ông GS. sử học Ngô Vĩnh Long (Đại học Maine, Hoa Kỳ) bập ngay vào: “Trước hết là chuyện Lê Văn Tám ấy, khi dạy lịch sử mình phải lập lại tại sao người ta đã lập lên chuyện Lê Văn Tám, bởi vì cái này nó trở thành vấn đề lịch sử của Việt Nam. Nếu mà một đất nước, một dân tộc mà nói láo thì phải hiểu tại sao mình nói láo? Mình nói láo là vì mình yêu nước phải không? Nếu mà yêu nước mà nói láo như vậy có thể là không đúng thì mình phải học được bài học lịch sử này. Vấn đề này tôi đã nói không phải là vấn đề lịch sử nữa, mà nó là vấn đề xã hội, vấn đề luân lý, vấn đề con người”. Trong dịp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đáp lời mời sang thăm Đức của Tổng Thống Joachim Gauck. Tại buổi Chủ tịch gặp gỡ với cộng đồng người Việt Nam ở đây, báo Tuổi trẻ ngày thứ bảy 28/11/2015 lược ghi bài phỏng vấn TS Nguyễn Văn Cường (Đại học Postdam, Đức), như sau: “Tích hợp và dạy học theo chủ đề liên môn là xu hướng quốc tế, là một biện pháp phát triển năng lực học sinh, tuy nhiên nó đòi hỏi nhiều điều kiện. Ở ta, trong quá trình cải cách giáo dục đã cập nhật xu hướng này là rất tốt, tuy nhiên đi vào cụ thể thì có nhiều nội dung cần bàn. Xu hướng tích hợp trên thế giới có nhiều mức độ khác nhau. Ngay ở Đức, tích hợp các môn học, họ cũng làm một cách thận trọng. Chúng ta nên làm từng bậc một, làm tới đâu chắc tới đó”. Ngày 27/11/2015, trước khi bế mạc kỳ họp thứ 10 khóa 2011-2015, Quốc hội CHXHCN Việt Nam đã ra nghị quyết vẫn giữ Sử học là một môn riêng trong chương trình giáo dục phổ thông.
Việc tích hợp các môn học có liên quan với nhau là phương thức mới của khoa học giáo dục nhằm tinh giản chương trình giảng dạy, tránh sự trùng lặp để học sinh khỏi bị nhàm chán, chứ không chỉ với riêng môn sử. Đó là vấn đề thời sự nghiêm túc của khoa học giáo dục, đang ở giai đoạn đầu khởi xướng và cần nhiều thời gian trải nghiệm, kiểm chứng để được vận dụng rộng rãi ở các hệ thống giáo dục trong thế giới hội nhập. Nó đòi hỏi nhiều công sức, trí tuệ, tâm đức của các nhà giáo dục, nhà khoa học và các bậc phụ huynh. Vậy mà từ chuyện “tích hợp”, người ta đế cái chuyện “ngọn đuốc” ấy vào! Khốn nỗi không ít vị học hàm học vị cùng mình mà bốn mắt vẫn mờ, đeo máy tăng âm mà tai vẫn điếc, bị mắc bẫy mấy anh nhà báo lọc lõi với nghề truyền thông xọc xịa! “Đây là lần đầu tiên câu chuyện “không có thật” này được chính thức công nhận từ một người có trách nhiệm cao nhất của giới sử học Việt Nam hiện nay – Gs Phan Huy Lê. Điều đáng ngạc nhiên là sau khi Gs Phan Huy Lê tiết lộ sự thật về Lê Văn Tám, không một tờ báo hay một cơ quan truyền thông nào của VN đăng tin này”! Khẩu khí của nhà báo được coi như lời khẳng định. Khéo thay!
Tấm gương anh hùng Lê Văn Tám đã trở thành ngọn đuốc thiêng của lòng yêu nước Việt Nam suốt trong mấy mươi năm chiến tranh gian khổ khốc liệt, đã động viên thôi thúc lớp lớp người “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” để có một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập ngày nay. Nó như một sự kiện đã được đóng đinh vào lịch sử thì cần chi phải thanh minh, giải thích. Như câu chuyện đặt điều Cụ Hồ là một người Đài Loan thế mạng vì Nguyễn Ái Quốc thật đã chết ở trong tù! Chỉ ai ngớ ngẩn mới tin, vì để bày tỏ lòng biết ơn vị ân nhân, vào giữa những năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời ông bà luật sư Loseby cùng con gái sang thăm Hà Nội. Sự kiện công khai trên các phương tiện truyền thông, người Việt Nam nào chẳng biết? Nhiều lãnh tụ tầm cỡ như Chu Ân Lai, Lưu Thiếu Kỳ… ở Trung Quốc và Nêrhu ở Ấn Độ, thời trẻ từng ở Paris, cùng hoạt động với nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc trong “Hội các dân tộc thuộc địa ở Á châu”, sau này lại gặp nhau trên cương vị nguyên thủ quốc gia, họ lạ chi nhau.
Ở đây, người viết chỉ đề cập tới chuyện “thằng Tám tẩm dầu” đốt kho xăng giặc ở Thị Nghè, người Sài Gòn và miệt miền Tây, ai chẳng từng nghe. Hiện giờ nhiều người vẫn còn đang sống.
Ngọn lửa ấy sáng bừng lên đêm 17/10/1945 ngay tại khu Thị Nghè-Gia Định trong những ngày đầu nhân dân Nam bộ hừng hực khí thế chống ngoại xâm, với lời kêu gọi của Ủy ban kháng chiến Nam bộ dán đầy tường, trên các gốc cây, rải trắng  đường phố, theo những chuyến xe đò lan về vùng phụ cận và lục tỉnh, như sau:
“Đồng bào Nam bộ!
Nhân dân thành phố Sài Gòn!
Anh em công nhân, thanh niên, tự vệ, dân quân, binh sỹ!
Đêm qua thực dân Pháp đánh chiếm trụ sở chính quyền ta ở trung tâm Sài Gòn.
Như vậy là Pháp bắt đầu xâm chiếm nước ta một lần nữa.
Ngày 2 tháng 9, đồng bào đã thề quyết hy sinh đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ độc lập của Tổ quốc:
“Độc lập hay là chết!”
Hôm nay Ủy ban kháng chiến kêu gọi:
Tất cả đồng bào già trẻ gái trai hãy cầm võ khí xông lên đánh đuổi quân xâm lược.
Ai không có phận sự do Ủy ban kháng chiến giao phó thì hãy lập tức rời khỏi thành phố. Những người còn ở lại thì:
- Không làm việc, không đi lính cho Pháp.
- Không đưa đường không báo tin cho Pháp.
- Không bán lương thực cho Pháp.
- Hãy tìm thực dân Pháp mà giết.
- Hãy đốt sạch tất cả các sở, xe cộ, tàu bè, kho tàng, nhà máy của Pháp.
Sài Gòn bị Pháp chiếm phải trở thành một Sài Gòn không điện, không nước, không chợ búa, không cửa hàng.
Hỡi đồng bào!
Từ giờ phút này nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là tiêu diệt giặc Pháp và tiêu diệt tay sai của chúng.
Hỡi anh em binh sỹ, dân quân, tự vệ! Hãy nắm chặt võ khí trong tay, xông lên đánh đuổi thực dân Pháp, cứu nước.
Cuộc kháng chiến bắt đầu!
                                    Sáng ngày 23 tháng 9 năm 1945
                                Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam bộ
 TRẦN VĂN GIÀU
Dẫn lại nguyên văn lời hiệu triệu lịch sử ấy để bạn đọc liên tưởng nếu sống trong bối cảnh xã hội lúc bấy giờ thì bất kỳ ai già, trẻ, gái, trai, dù là trí thức hay dân thường, tất phải làm gì? Chỉ những kẻ lòng dạ bất trắc mới đang tâm làm tay sai cho giặc, phản lại tổ quốc, trong khi những kẻ ươn hèn yếu đuối sẽ nằm nhà chùm chăn chờ xem thời thế. Ông Trần Văn Giàu là nhà yêu nước nhiệt thành, nhà cách mạng chân chính, là người có trọng trách lớn thời kỳ đầu Nam bộ kháng chiến, là sử gia tâm huyết, đã “khẳng định là có sự kiện kho xăng địch ở Thị Nghè bị đốt cháy và trong tình hình lúc đó là do ta đốt, nhưng không biết do ai tổ chức và người nào thực hiện”. Thế hệ U40 ngày đó rất quen thuộc với những bài ca yêu nước như “Em bé tẩm dầu”, “Anh Bát sắt”… Bà Trịnh Ngọc Hạnh – nguyên Giám đốc Thư viện khoa học tổng hợp TPHCM, đã nghỉ hưu, hồi đó ở Giồng ông Tố, là chiến sỹ của Chi đội Bảy tỉnh Bà Rịa, sau phiên chế thành Trung đoàn 307, nay tuổi đã cao nhưng vẫn còn hát được những bài ca yêu nước thuộc nằm lòng từ thời con gái: “Cuộc kháng chiến Việt Nam có biết bao nhi đồng/ Đã hiến thân liều mình vì nước/ Gương em bé tẩm dầu xông vào kho xăng… lửa cháy bùng lên/ Từ đây tên em nêu cao trên bảng vàng son…” và “Anh Bát Sắt ơi/ Tinh thần anh cao qúy thay/ Anh là một người anh hùng thiếu niên/ Anh đặt Tổ quốc lên trên gia đình…”. Trong lúc vận nước ngả nghiêng, đến những chú bé cũng biết “đặt Tổ quốc lên trên gia đình” thì sự kiện “ngọn đuốc sống” có gì lạ đâu? Nhiều chiến sỹ dũng cảm hy sinh, lai lịch cụ thể ra sao nào mấy ai được biết. Nó khác hẳn với lời nói mơ hồ nước đôi của nhà sử học Phan Huy Lê lúc đó còn đang là chú học trò mươi mười lăm tuổi ở mãi đâu đâu, sau này có ghế vị, lời nói có thép có gang là bởi được hưởng phúc lộc của các bậc tiền nhân anh hùng liệt sỹ, đã hàm hồ phủ nhận:“Nhân vật lịch sử anh hùng Lê Văn Tám là hoàn toàn không có thật!” để không ít người nhẹ dạ vội tưởng rằng con người Lê Văn Tám và sự kiện anh hùng ấy là ngụy tạo!
Những nhà sử học khi nghiên cứu lịch sử Việt Nam đều kính cẩn ngả mũ cúi đầu trước hàng chục cuộc chiến tranh chống xâm lược từ các nước lớn hơn rất nhiều lần về mọi mặt. Đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống xâm lược phương tây vừa qua, nay còn rất nhiều nhân chứng. Đó là cuộc chiến tranh nhân dân, mỗi người đều là chiến sỹ, gặp giặc là đánh, vũ khí là bất cứ cái gì có được, thậm chí dù chỉ tay không, chiến trường là bất cứ nơi nào có bóng quân thù. Thắng lợi là chiến công chung, không ai nghĩ đến công mình và đồng đội cũng không kịp tìm hiểu chiến công đó là của riêng ai: gái trai, tên họ, tuổi tác, quê quán. Trong hoàn cảnh ấy, dù không biết chiến sỹ hành động thế nào nhưng vẫn một lòng cảm phục, càng nung nấu ý chí căm thù quân cướp nước và mỗi người lại nghĩ ra một hình thức chiến đấu mà mình có thể. Những tấm gương cụ thể chỉ là biểu tượng cho sự hy sinh âm thầm lặng lẽ của bao nhiêu chiến sỹ vô danh mà công trạng có khi còn lớn hơn rất nhiều lần. Đó là điều hiển nhiên, người thời ấy mấy ai cho là sự lạ huống chi những nhà sử học!
Về ngọn đuốc thiêng Lê Văn Tám, dù là tên thật hay ẩn danh nhưng đã thành bất tử trong lòng dân tộc và hiển hiện bằng hình tượng một thiếu niên thiên thần có cánh trong một công viên mang tên người con dũng cảm của dân tộc giữa lòng thành phố Hồ Chí Minh đang từng ngày đổi mới đi lên. Đó là sự tôn vinh với những liệt sỹ anh hùng vì nước quên thân. Những thế lực đen tối không chỉ muốn xô đổ một tượng đài Lê Văn Tám mà sẽ lấn lướt đi tới xóa bỏ mọi chiến tích xứng đáng là niềm tự hào của nhân dân ta trong thời đại Hồ Chí Minh, hòng thay vào đó hình hài của những kẻ coi rẻ quyền lợi của dân tộc mình, cúc cung phụng sự các thế lực ngoại bang xâm lược. Một ông cỡ bậc thầy nói toạc móng heo: “Với cái đà này rồi đây người ta cũng phải nghĩ đến việc đổi tên các công viên, trường học mang tên Lê Văn Tám thành công viên Gia Long, trường Trương Vĩnh Ký”! Mới hay: Chống giặc mạnh dù phải gian khổ trường kỳ, ngày thắng lợi rồi cũng đến; mà chống lại nền văn hóa nô dịch ngoại lai vong bản, chẳng những cần có bản lĩnh vững vàng, sự kiên trì chăm chút bồi đắp công phu mà lại không thể coi như chống giặc, càng không thể giới hạn thời gian.
Xin nêu một số bằng chứng có căn cứ cụ thể để độc giả khỏi mất công tìm:
- Báo Cứu quốc số 74 ra ngày 23/10/1945 đưa tin trong cuộc họp báo tại Hà Nội, Hồ Chủ tịch nói: “Sự hy sinh của đồng bào ta trong cuộc chiến đấu oanh liệt trong Nam bộ bây giờ, cái cử chỉ phi thường của một chiến sỹ tự tẩm dầu xăng vào mình để vào đốt một kho dầu của bên địch, tỏ ra rằng một dân tộc đã có tinh thần cao đến bậc ấy thì không sức mạnh nào có thể đè bẹp được”.
- Lịch sử Đảng bộ TPHCM xác nhận sự việc thiếu niên Lê Văn Tám đốt cháy kho xăng vào những ngày đầu Nam bộ kháng chiến và còn ghi rõ người tổ chức là đồng chí Lê Văn Châu ở Gò Vấp, sau này hy sinh ở mặt trận Thị Nghè năm 1947. Trong hồi ký của nhiều nhà lãnh đạo kháng chiến ở Sài Gòn lúc đó như Nguyễn Văn Linh (Mười Cúc), Mai Chí Thọ (Năm Xuân) và sau này trong bài viết của ông Trần Trọng Tân, đều khẳng định sự kiện này với tình cảm yêu thương, trân trọng.
- Ông Hoàng Quốc Việt là một yếu nhân của chính quyền trung ương được cử vào Nam bộ lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp lúc bấy giờ, trong hồi ký “Con đường theo Bác” (NXBThanh niên - 2003) viết: “Thanh niên và thiếu nhi Sài Gòn chiến đấu với tinh thần “bóp nát quả cam” của Trần Quốc Toản năm xưa. Hình ảnh em thiếu niên Lê Văn Tám đốt cháy kho xăng địch tại Thị Nghè để lại một ấn tượng sâu sắc trong lòng nhân dân. Nhìn kho xăng bốc cháy, tiếng đạn nổ, khói tỏa mịt mùng ai nấy tự hào về sức sống mãnh liệt của một em thiếu nhi nghèo khổ của Sài Gòn”.
- Đại tá Võ Thành Khiết, cựu chiến binh ở Quận 10, sinh năm 1929, quê ở xã Tân Bửu, Trung Huyện, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc địa bàn huyện Bình Chánh và Bến Lức). Năm 1940 lên học ở Sài Gòn. Sau ngày Nhật đảo chánh Pháp 9/3/1945, về quê, tham gia Thanh niên tiền phong. Ngày 24/8/1945, tham gia cướp chính quyền ở tòa Bố tỉnh Chợ Lớn. Sau đó làm liên lạc cho báo “Kèn gọi lính” của ta và cho Ủy ban kháng chiến Sài Gòn-Gia Định đóng tại quê ông. Năm 1947, vào du kích Hạ Trung Huyện, rồi lên trung đoàn 308 Nguyễn An Ninh do ông Huỳnh Văn Một chỉ huy, liên tục chiến đấu ở vùng Chợ Lớn cho đến năm 1950 thì được đi học Trường Quân chính Khu VII đóng ở Bời Lời, Trảng Bàng, Tây Ninh. Ông kể thời kỳ làm liên lạc, thường xuyên ra vào thành phố lấy tin tức: “Có hai sự kiện xảy ra trên địa bàn cách nhau chừng vài trăm mét trong khoảng thời gian khá gần nhau, nhưng lâu quá rồi dễ lẫn. Cả hai sự kiện trên đều được báo chí kháng chiến và báo chí nội thành lúc ấy phản ánh khá đầy đủ, có thể sưu tra để phản ảnh đúng sự thật lịch sử. Đạn nổ điếc tai, lửa khói ngất trời thì cả thành phố ai mà không biết. Hôm sau đồn rầm lên những tin truyền khẩu rồi mới là trên báo chí. Do đơn vị nào đánh thì không biết nhưng thiệt hại của nó và tâm lý địch, ta thì biết. Dù không chính xác nhưng báo chí của nó đã nêu lên một phần sự thật. Vụ đánh kho đạn Sở thú còn có tên là Pyrotechnique, nằm trên đường Docteur Angier (nay là đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, ngang với Bảo tàng lịch sử thành phố trong Thảo cầm viên) vốn là một doanh trại, toàn lính lê dương canh gác, lại gần Tổng hành dinh của tướng Le Clerc nên được bố phòng cẩn mật, bị một tổ vũ trang của ta đánh nổ đêm 8/4/1946. Vụ đốt cháy kho xăng Thị Nghè vào đêm 17/10/1945 (Có nguồn tin nói xảy ra ở kho Khánh Hội có tên là Simon Piétry bên Quận 4 hiện nay. Mong được các vị lão thành, các nhà địa chính học Sài Gòn xác minh), người làm việc đó được truyền nhau là em Tám. Còn tiến hành như thế nào thì làm sao biết được. Vùng này lúc đó phức tạp, cả ta và tây đều không làm chủ được, tập trung rất nhiều trẻ em lang thang cơ nhỡ và có tinh thần đánh tây hăng lắm. Khi lửa phật lên, xăng phụt ra bắt cháy. Gọi là “ngọn đuốc sống” cũng không có gì là qúa. Ngay hôm sau, báo chí đã lên tít lớn và còn mô tả khá là chi tiết. Lớp thiếu niên chúng tôi thời ấy đều được học tập noi theo tấm gương em Tám. Hãy coi như một cái tên lịch sử”!
- Ông Hồ Thanh Điền (Hai Điền: 1926-2014), lão thành Cách mạng, đội viên Thanh niên Tiền phong đoàn Trần Cao Vân, sau thuộc Chi đội 13 (tiền thân của trung đoàn 300). Năm 1952 được ra Việt Bắc, qua Trung quốc học. Từ 1956 làm Tiểu đoàn trưởng bảo vệ bờ bắc cầu Hiền Lương. Sau 1975 chuyển sang ngành công an, làm bí thư Đảng ủy công an tỉnh Đồng Nai, nghỉ hưu tại TP.Biên Hòa. Lúc sinh thời, người viết được nghe ông kể: “Tôi không phải là chứng nhân trực tiếp nhưng là người biết rất sớm chuyện này. Lúc đó đơn vị tôi đóng quân ở Trung Chánh. Ngay sớm hôm sau khi cháy kho xăng Thị Nghè, Nguyễn Thanh Hùng là chiến sỹ của tiểu đội tôi, nhà ở Đa Kao, chạy về báo tin: Thằng Tám trong xóm nhà tui là người đốt kho xăng hồi hôm đó!”. Ông Hùng đã hy sinh trong kháng chiến chống Pháp! Nay còn ông Phạm Văn Đông là đồng đội vong niên, nhà ở 22/3 Hồ Văn Đại, KP3, TP.Biên Hòa, nhiều lần được nghe ông Hai Điền kể chuyện này.
- Trong hồi ký “Đứng lên đáp lời sông núi – tập II” (NXB Thanh niên – 1995) của Trần Thắng Minh (nguyên UVTƯ Đoàn TNCSVN) cho biết Lê Văn Tám là bạn trong đội thiếu niên ở Đa Kao với ông. Bạn đọc cần lưu ý là cuốn sách được viết ra 10 năm trước khi ông Phan Huy Lê phủ định chuyện này! Ông Hồ Thanh Điền và ông Trần Thắng Minh thuộc hai thế hệ, không quen biết nhau.
- Người có công tôn vinh “ngọn đuốc sống Lê Văn Tám” là nhà văn Phan Vũ. Ông nói: “Tôi người Hải Phòng, Vệ quốc quân Nam tiến. Những năm ở chiến trường tây Nam bộ tôi có nghe chuyện một thiếu niên Sài Gòn tên Tám, dũng cảm xông vào đốt cháy một kho xăng. Chuyện chỉ có thế nhưng cái chết của em cứ lởn vởn trong tâm não tôi. Năm 1954, tập kết ra Bắc, niềm thương nỗi nhớ miền Nam làm cho hình ảnh em bé đốt kho xăng sống dậy, tôi dồn tâm sức viết vở kịch “Lửa cháy lên rồi”. Không nhớ được tại sao tôi lấy họ Lê đặt cho em. Thật ra cái tên không quan trọng mà sự kiện mới là nguồn cảm hứng cho người viết. Không ngờ vở kịch thành công lớn quá, sôi động một thời. Nhiều buổi diễn, từ trên cánh gà nhìn xuống, tôi thấy những bàn tay nâng khăn lên chấm mắt ở những tiểu cảnh cảm động. Tôi sung sướng quá cũng trào ra nước mắt. Ông Thế Lữ  khen và nhận tôi làm con nuôi để dạy thêm nghề. Vở kịch được đưa vào Phủ Chủ tịch diễn Bác Hồ xem. Tôi cùng đi trong đoàn. Bác hỏi tôi chuyện này có thật không? Tôi thưa thật rằng chỉ được nghe kể như thế rồi sáng tác ra. Bác khen và động viên tôi. Trong vở kịch này, tôi không dựng chi tiết em Tám châm lửa chạy vào đốt kho xăng mà tạo tình huống cho em làm quen tới mức kết thân với một tên lính coi kho để được ra vào tự nhiên trước sự mất cảnh giác của giặc. Cuối cùng thì… lửa cháy lên rồi và em thành bất tử”! Năm 1982, xưởng phim Nguyễn Đình Chiểu TPHCM dựng bộ phim “Ngọn lửa thành đồng” dựa trên kịch bản của tôi do anh Lê Mộng Hoàng đạo diễn. Tổ chức Đoàn thanh niên có bàn với tôi lập hồ sơ truy phong anh hùng cho Lê Văn Tám nhưng tôi không biết gì hơn những điều tôi đã viết về con người ấy”.
Dù thời gian đã qua hơn 60 năm nhưng hẳn là còn nhiều bằng chứng chưa được khai thác hết. Đã có lớp lớp người tiếp bước tấm gương vì nước quên thân cao cả ấy để tổ quốc Việt Nam được về lại với con Lạc cháu Hồng, thì bỗng dưng từ một bản tin của phóng viên Khôi Nguyên đài BBC phát đi làm xôn xao dư luận: “Tại cuộc họp mặt của hãng phim Truyền hình Việt Nam vào cuối tháng 2/2005 tại Hà Nội, GS Phan Huy Lê là một trong hai nhà sử học (ông Dương Trung Quốc) được mời dự, đã tiết lộ: Nhân vật lịch sử anh hùng Lê Văn Tám là hoàn toàn không có thật!”. Vì sao chỉ với mấy lời phát ngôn bất chợt của ông chánh sử gia trong cuộc họp mặt chẳng mấy liên quan tới sử học, lại dựa vào uy tín của một nhà cách mạng, một sử gia bậc thầy đáng kính đã khuất bóng từ lâu, để đưa ra một sự kiện lịch sử rất nhạy cảm trong bối cảnh xã hội hiện nay, làm lung lạc niềm tin của không ít người kể cả những người gọi là nhiều chữ?!
Phải chăng một nước Việt Nam từng bị xóa tên trên bản đồ thế giới nay đang phục hưng và là niềm tin vào sức mạnh chính nghĩa của những người có lương tâm trên thế giới, của những dân tộc bị mất quyền độc lập tự chủ bởi những nước lớn quen ỷ thói cường quyền áp chế? Thắng lợi của cách mạng Việt Nam càng được khẳng định, nước Việt Nam càng phát triển thì không ít người với động cơ bất chính, lợi dụng thời cơ “hội nhập” bám vào đủ các thế lực bên ngoài, ra sức xuyên tạc sự thật lịch sử, đặt điều phủ nhận mọi thành tích chiến công mà nhân dân ta đã quên mình làm nên những kỳ tích vẻ vang được cả nhân loại tiến bộ thừa nhận với lòng ngưỡng mộ. Như ở Nga, khuynh hướng phủ định sạch trơn những thành tựu hiển nhiên thời Liên bang xô viết vẫn len lỏi vào mọi địa hạt của đời sống văn hóa, đặc biệt là trong môi trường giáo dục. Những người lương thiện không thể không nhận ra những việc làm bất minh ấy.
Khi tung ra lời nói giật gân như thế, ông Phan Huy Lê úp mở tiết lộ dần ra: “Anh Trần Huy Liệu tự viết về nhân vật Lê Văn Tám, một thiếu nhi tự tẩm xăng vào người và chạy vào đốt kho xăng giặc Pháp ở Thị Nghè”! Nghĩa là ông trùm truyền thông lúc đó ngồi ở Hà Nội “bịa” ra một chú bé Lê Văn Tám ở Sài Gòn với hành động huyễn tưởng liều mạng thí thân để lừa mị nhân dân cả nước! Coi như một món hàng có giá, ông Lê tiếp thị: “Tôi đã và đang viết bài để công bố sự thật về nhân vật này (Lê Văn Tám) một cách chi tiết và thấu đáo, nhất là dưới góc nhìn của lịch sử và tôi dự định trong thời gian sớm nhất”. Nhưng vì “không muốn việc của mình bị cuốn vào các sự kiện lớn khác, phải cần một điều kiện bình thản hơn, chờ đợi một dịp thuận lợi và nhất định tôi sẽ làm”! Tưởng rằng ông Phan Huy Lê sẽ dập tắt ngay “ngọn đuốc Lê Văn Tám” bởi đó là chuyện do ông Trần Huy Liệu “bịa” ra! Hơn bốn năm sau, câu chuyện râm ran và càng lan rộng gây bất an lòng người và công luận phản ứng bất bình, ông Lê chối khéo bằng những lập luận loanh quanh, mơ hồ, lắt léo! Để chứng tỏ cách làm việc rất chi là khoa học, ông Lê mất công lần mò đi “hỏi một số bác sỹ, và họ cho rằng với sức nóng của lửa xăng, một em bé không thể chạy xa như vậy (50mét)”! Ai cũng biết thập niên 1960, để phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa của giới cầm quyền hiếu chiến Mỹ ở Việt Nam, tại Sài Gòn và ngay cả bên nước Mỹ đã có hàng chục người nam nữ già trẻ tự thiêu, được đăng tải trên trang nhất các báo, kèm hình ảnh rất chi là xúc động. Có ông bác sỹ nào dớ dẩn dám quả quyết phán rằng trong ngọn lửa bừng bừng, một người tự thiêu bất kể lớn bé sẽ ngã lăn quay tại chỗ hoặc có thể chạy thêm được bao nhiêu mét nữa? Bất luận gì thì kho xăng địch bốc cháy từ mồi lửa do một chiến sỹ gây nên. Phải chăng khi tâm con người ta động thì sinh ra tà ý và độc miệng?!
Ông Lê đổi ý ngược với những lời ông đã tung ra mấy năm về trước: “Lê Văn Tám không phải là tên nhân vật lịch sử có thật nhưng phản ánh một sự kiện lịch sử có thật, một tinh thần hy sinh vì Tổ quốc có thật. Đó là một biểu tượng đã đi vào lịch sử mang tính phổ biến và thiêng liêng” với những lời giải thích vòng vo: Ông Trần Huy Liệu vì “không  biết ai là người tổ chức và trực tiếp đốt kho xăng nên tôi (GS.THL) đã dựng lên câu chuyện thiếu niên Lê Văn Tám tẩm xăng vào người rồi xông vào đốt kho xăng địch cách  đấy mấy chục mét”, và “trên cơ sở sự kiện có thật chỉ dựng lên theo cách nói của giáo sư (THL) chuyện thiếu niên tẩm xăng đốt cháy kho xăng địch”, khi “dựng chuyện thiếu niên Lê Văn Tám là nghĩ đến biểu tượng cậu bé anh hùng làng Gióng (Phù Đổng Thiên Vương)”! (Tạp chí Xưa và Nay số 340 tháng 9/2009).
Thừa nhận sự kiện “một chiến sỹ dũng cảm đốt kho xăng là có thật và là một biểu tượng đã đi vào lịch sử mang tính phổ biến và thiêng liêng” thì việc chi ông Lê phải dùng những lời lẽ giật gân úp mở làm rùm beng lên chỉ vì một cái tên? Nhằm mục đích gì? Hoàng Văn Thụ, Lý Tự Trọng và nhiều yếu nhân thời mất nước, để chống lại cường quyền có ai mang tên thật của mình đâu. Tưởng nhà sử học họ Lê khôn mà dại, tự lòi cái đuôi ra. Chính ông dẫn chứng báo Kèn gọi lính ngày ?/10/1945 đưa tin: “Một thiếu niên 16 tuổi nhất định không nói tên, họ, làng, tình nguyện lấy thân mình làm mồi dẫn hoả. Em quấn vải quanh mình, tẩm dầu xăng, sau lưng đeo một cái mồi, đứng im đốt mồi lửa, miệng tung hô “Việt Nam vạn tuế”, chân chạy đâm xầm vào kho đạn”. Ông Lý Châu Hoàn tìm được trong thư khố Hà Nội và TPHCM các tờ báo Quyết chiến, Thời mới, Cờ giải phóng, Độc lập, kể cả báo tiếng Pháp La République… vào thời điểm tháng 10+11/1945, khắp trong Nam ngoài Bắc đăng tải chuyện đó rần rần với những tình tiết khác nhau, tựu chung đều ca ngợi gương hy sinh oanh liệt của một thiếu niên tẩm xăng lên người lao vào đốt cháy kho xăng địch. Báo Cứu quốc (cơ quan tuyên truyền tranh đấu của Tổng bộ Việt Minh) số 71, ngày 19/10/1945 có bài “Một gương hy sinh dũng cảm oanh liệt” kèm bài thơ “Lửa thiêng” của tác giả Đông Hà ca ngợi hành động anh hùng.
Vậy thì ông Trần Huy Liệu còn gì để “chế biến” ra một Lê Văn Tám thứ hai? Muốn thanh minh vì lỡ trớn với ông thầy, ông Lê cứ nói quẩn quanh: “Trên cơ sở sự kiện có thật và cả dư luận về hình ảnh người chiến sỹ tẩm xăng thời đó, Gs Trần Huy Liệu tạo dựng nên biểu tượng “ngọn đuốc sống” gắn với tên tuổi thiếu niên Lê Văn Tám nhằm động viên tinh thần chiến đấu của quân dân trong những năm đánh Mỹ (?!)”. Chả hiểu có thật ông Trần nghĩ xa quá xá: “GS còn tiên lượng là biết đâu sau này có người đi tìm tung tích nhân vật Lê Văn Tám hay có người lại tự nhận là hậu duệ của gia đình, họ hàng người anh hùng. Khi đất nước yên ổn, các anh là nhà sử học, các anh nên nói lại giùm tôi, lỡ khi đó tôi không còn nữa”. Thực tế là sau khi hòa bình ổn định, phong trào “đền ơn đáp nghĩa” được phát động rộng khắp cả nước, việc tìm hài cốt liệt sỹ cá biệt có thể nhầm nhưng không có chuyện nhận vơ.
Vốn gốc nho học, chuyển sang tân học, ông Trần là nhà cách mạng chân chính, suốt đời xông pha lận đận dấn thân vì đại nghĩa, đủ để hậu thế hiểu ông không chấp nhận những việc làm cơ hội dù chỉ trong ý nghĩ. Nào đã ai được đọc truyện “em bé tẩm dầu” của ông viết hay dở thế nào, ngay cả chính ông Phan Huy Lê nữa? Truy tìm bài viết của bậc thầy không là điều khó vì thời gian chưa đã quá xa. Thời kháng chiến chống Pháp? Nhà cách mạng Trần vướng đại sự “đào hoa lụy anh hùng”. Giữa lúc đang ẩn dật, nho gia không lòng nào dựng tấm gương sáng rỡ của một đứa trẻ để bêu ra danh tính của mình! Thời kháng chiến chống Mỹ? Ngay từ giữa những năm 1950, lớp trẻ ở miền Bắc trong đó có anh sinh viên Văn khoa Phan Huy Lê ở tuổi đôi mươi, mấy ai không biết Lê Văn Tám đã thành danh trong vở kịch “Lửa cháy lên rồi” của nhà văn Phan Vũ? Ông Phan Huy Lê có nghĩ là mình hại thầy không khi dẫn lời của người quá cố: “Giáo sư (Trần Huy Liệu) giải thích là dựng chuyện thiếu niên Lê Văn Tám là vì họ Lê Văn rất phổ biến ở nước ta và Tám là nghĩ đến cách mạng tháng Tám”?!
Ông Phan Vũ, xấp xỉ cửu tuần mà vẫn còn sống khỏe, mắt tinh, tay khéo vẫn vẽ được tranh. Người viết hỏi ông qua điện thoại về việc sử gia Trần viết chuyện chuyện chú bé Lê Văn Tám tẩm dầu? Ông ngạc nhiên đáp: Chuyện ấy tới nay anh nói ra tôi mới biết! Anh em Nam bộ tập kết ra Bắc nói rằng chỉ sau khi có vở kịch của ông Phan Vũ mới biết chú bé tẩm dầu mang đầy đủ họ tên: LÊ VĂN TÁM. Nguồn gốc cái tên TÁM muốn làm rõ ra không là điều dễ trong tình hình chiến sự rối ren lúc ấy và kéo dài mấy chục năm sau. Trước hết cái tên TÁM xuất hiện tại mặt trận Sài Gòn-Gia Định ngay sau đêm kho xăng ấy cháy. Ai cũng biết tập quán người Nam bộ kêu thứ chớ không kêu tên. Có khi tên trùng với thứ. Vậy TÁM là tên hay thứ? Cần chi làm một chuyện mất công vô ích nữa!
Văn nghệ TPHCM số 383 ngày 10/12/2015 bài “Sự thật về đuốc sống Lê Văn Tám” của Ông Lý Châu Hoàn, sinh 1935, rất ấn tượng khi được nghe chuyện chú bé tẩm dầu như một huyền thoại, đã đưa cậu bé Hoàn mười tuổi tham gia vào các hoạt động thiếu nhi rồi tham gia kháng chiến, trưởng thành một nghệ sỹ trong ngành điêu khắc, sau 1975 từng là Bí thư Đảng ủy khối các cơ quan phía Nam của Bộ văn hóa thông tin du lịch, đã nghỉ hưu, cất công đi tìm về địa chỉ kho xăng Thị Nghè ngày ấy, nay thuộc  quận Bình Thạnh, khu vưc phường 19, 21, đường Ngô Tất Tố, cầu Phú An. Bao nhiêu vật đổi sao dời, chứng nhân làm sao gặp được. Vài cư dân sống lâu ở đây được nghe kể lại: Hồi đó có một em bé bán đậu phộng rang, thuốc lá, diêm quẹt…tên TÁM, không rõ lai lịch, thường la cà quanh đây, ra vào kho bán các mặt hàng và mua xăng dầu của người gác kho bán lén rồi đem ra ngoài bán. Sau vụ cháy kho xăng không ai gặp lại, nghe nói là thằng TÁM đốt. Làm sao mà giữa đồng đội, đồng bào quê hương với nhà sử học Trần Huy Liệu và nhà biên kịch Phan Vũ, về không gian thì xa nhau tít mù, lại ở vào những thời điểm lịch sử khác nhau mà cơ duyên nào đưa đẩy để có trùng một ý nghĩ ra cái tên TÁM thân thương ấy, mới kỳ?
Ông Phan Huy Lê thề rằng: “Tôi kể lại câu chuyện này một cách trung thực với tất cả trách nhiệm và danh dự của một công dân, một nhà sử học”! Là nhà khoa học bậc thầy sao ông có thể nói suông? Cho dù sự việc chính do ông Trần Huy Liệu nói ra thì vẫn phải có bằng cớ thuyết phục trước bao nhiêu người đồng thời sống cùng sự kiện, huống chi câu chuyện phiếm giữa hai thầy trò mà một người đã về cõi thiên thu non nửa thế kỷ rồi và người đặt điều lại đưa ra những tình tiết tiền hậu bất nhất đầy mâu thuẫn. Đều là nhà sử học, tại sao ông thầy không chỉ rõ đích danh bài viết? Tại sao các trò không hỏi cho rõ ra sự thật? Tại sao ông Nguyễn Đình Thanh, ông Nguyễn Công Bình đều là đồng môn, đồng tuế, đồng liêu, được ông Lê gán cho là biết chuyện mà vẫn im hơi lặng tiếng trước sự bối rối của một thân hữu đầy danh vọng? Giới sử học đã đem ra bàn luận mà sao không gỡ rối cho bậc đàn anh? Nhà nghiên cứu sử Dương Trung Quốc nổi tiếng là người táo bạo và mạnh miệng cũng lờ đi? Lý do nào để có những người dễ tin đến thế? Ông Phan Huy Lê có tự coi nhẹ danh dự của mình không khi ông tùy tiện đưa ra câu chuyện “khẩu thiệt vô bằng” về một hình tượng lịch sử “mang tính phổ biến và thiêng liêng”, rồi lại với giọng điệu giả nhân giả nghĩa ông đưa ra lời khuyên nên đối sử với biểu tượng ấy thế nào?! Ông có phụ lòng những người đã ưu ái cho ông được mở mang sự học và trọng đãi ông, tin cẩn ông, giao cho ông trọng trách làm quan chánh sử quốc gia?!  
Điều mà ông Phan Huy Lê lấy làm thoả mãn là đã “làm tròn trách nhiệm với cố GS Trần Huy Liệu”! Nhưng tội nghiệp thầy ông đã không thể nhắm mắt nằm yên dưới mồ bởi những tư tưởng chính kiến của thầy lưu rành rành trong sách, coi như di huấn được nhiều người trân trọng thì trò lại xổ toẹt đi, thay vào sự đặt điều tai tiếng để cho người đời biếm luận: “Như trường hợp giáo sư sử học Phan Huy Lê mãi mấy năm gần đây mới khai thật (trên tạp chí Xưa Nay) nhân vật Lê Văn Tám chỉ là do người tiền bối bậc thầy ông là cố giáo sư Trần Huy Liệu “sáng tác” ra để động viên phong trào kháng chiến… Nghĩ cũng có chỗ đáng thương cảm cho cố giáo sư Trần Huy Liệu, cho đến phút lâm từ mới “dám” trối trăng lại sự thật, nhưng như thế thì nên gọi ông là nhà giáo dạy sử yêu nước, nhà cách mạng đáng tôn kính hơn là nhà sử học, bởi bản chất của sử học, nếu đã có chữ “học” trong đó rồi thì phải tôn trọng sự thật!” (Trần Văn Chánh – Tạp chí Nghiên cứu và phát triển số 4 (87) – Thừa Thiên Huế).
Sự kiện lịch sử chấn động từ Nam ra Bắc mà thời gian càng lùi xa, những chứng nhân ngày càng vắng bóng thì những kẻ tim đen dạ tối xuyên tạc càng nhiều và càng ra công bươi móc. Sự việc rõ ra như thế, nếu như ông thầy sử học họ Phan là người “trung thực, có trách nhiệm và danh dự công dân” tất phải có lời cải chính công khai minh bạch trên các phương tiện truyền thông, chứ không để mặc cho dư luận xã hội đồn thổi những lời xúc phạm anh linh liệt sỹ và người thầy khả kính, làm lớp trẻ không biết tin ai, gây mất ổn định xã hội trong tình hình đất nước lại đang bị họa ngoại xâm đe dọa. Bất cần ông Lê đồng lõa hay chỉ là sự hớ hênh thì bọn người cơ hội đầy rẫy đây kia vẫn lợi dụng việc này để bêu riếu cuộc kháng chiến đầy gian khổ hy sinh của nhân dân ta đồng thời làm hoen ố danh dự của ông. Vậy mà ông còn hùng hồn lý sự: “Đối với sử học, tôn trọng sự thật, tìm ra sự thật, xác minh sự thật là một nguyên tắc cao cả thuộc về phẩm chất và chức năng của nhà sử học. Mọi biểu tượng hay tượng đài lịch sử chỉ có sức sống bền bỉ trong lịch sử và trong lòng dân khi được xây dựng trên cơ sở khoa học khách quan, chân thực”! Vậy ông đã làm gì để tạo lập một nền tảng nhận thức khoa học khách quan về quá trình hình thành biểu tượng Lê Văn Tám? Sử học là chuyện liên quan tới con người mà ông đòi hỏi phải có quá khứ khách quan chính xác, thì xin thưa: Chẳng ai dám mạnh dạn xác minh ngay cả đấng sinh thành ra mình! Như ông Phan Huy Lê có đích thực là con của ông Phan Huy Tùng với bà Cao thị? Cho dù y học tiến bộ đến đâu thì nguyên lý “không có gì tuyệt đối” luôn là chân lý của khoa học khách quan!
  
Bây chừ hẳn GS. Ngô Vĩnh Long có thể bình tâm suy nghĩ lại xem những cứ liệu sử học của người đồng nghiệp tung ra dù chưa được kiểm chứng kỹ càng, liệu đã đủ sức thuyết phục chưa? Nhân đây người viết xin giới thiệu với bạn đọc một sử liệu thật 100% trong thời kỳ toàn dân ta chống Mỹ: Giữa năm 1964, Lầu Năm Góc tạo dựng lên sự kiện vịnh Bắc bộ, lấy cớ thúc ép Quốc hội Mỹ thông qua nghị quyết cho phép quân đội Mỹ trực tiếp tham chiến ở Việt Nam. Ở miền Bắc thì mở rộng chiến tranh phá hoại bằng phi pháo và phong tỏa. Ở miền Nam thì biến cuộc chiến tranh đặc biệt thành chiến tranh cục bộ. Đầu năm 1965, quân Mỹ ùn ùn đổ vào miền Nam. Chiến sự trở lên ác liệt và ngân sách chiến tranh đổ vào tăng nhanh cùng với quân số thương vong. Những người Mỹ yêu chuộng hòa bình công lý phản kháng quyết liệt, không chịu để con em họ chết bởi một cuộc chiến tranh phi nghĩa. Chiều ngày 02/11/1965, tiến sỹ thần học Norman Morrison bế con gái nhỏ Emily 18 tháng tuổi đến trước lầu Năm góc tự thiêu để đánh thức công luận. Cụ Hồ lúc đó có gửi thư chia buồn và mời bà Anne Welsh Morrison sang thăm Việt Nam. Nhà thơ Tố Hữu làm ngay bài thơ “Emily con ơi” nói thay tâm tư tình cảm của Morrison rất là xúc động, đại khái như sau:
“Emily, con đi cùng cha/ Ra bờ sông Pôtômac/ Có Lầu năm góc/ Cha bế con đi tối con về với mẹ/ Giônxơn, tội ác bay chồng chất/ Cả nhân loại căm hờn/ Mac Namara/ Như đà điểu rúc đầu trong cát bỏng/ Hãy nhìn ta đứng đây với trái tim vĩ đại/ Của trăm triệu con người nước Mỹ/ Để đốt sáng đến chân trời một ngọn đèn công lý/ Nhân danh ai?/ Bay mang những B52, những napan, hơi độc đến Việt Nam/ Để ám sát hòa bình và tự do độc lập/ Để đốt những nhà thương trường học/ Giết những con người chỉ biết yêu thương/ Giết những trẻ em chỉ biết đến trường/ Giết những đồng xanh bốn mùa hoa lá/ Và giết cả những dòng sông của thơ ca nhạc họa!/ Nhân danh ai?/ Bay chôn tuổi thanh xuân của chúng ta trong những quan tài/ Ôi những người con trai khỏe đẹp/ Có thể biến thiên nhiên thành điện thép/ Cho con người hạnh phúc hôm nay!/ Ôi Việt Nam sứ sở lạ lùng/ Đến em thơ cũng hóa những anh hùng/ Những làng phố trở nên những pháo đài ẩn hiện/ Và xin nghe nước Mỹ ta ơi!/ Tiếng đau thương căm giận đời đời/ Của một con người thế kỷ/ Emily, con ơi/ Trời sắp tối rồi/ Cha không bế con về được nữa/ Đã đến lúc lòng ta sáng nhất/ Ta đốt thân ta/ Cho ngọn lửa chói lòa: Sự thật!”.
Lúc ấy đang ở chiến khu trong rừng sâu, đọc bài thơ mà những người lính giải phóng chúng tôi không cầm được nước mắt vì thương bé Emily quá!
34 năm sau, khi quan hệ Việt-Mỹ đã bình thường hóa, mẹ con bà mới có chuyến thăm Việt Nam. Trong buổi gặp gỡ thân tình, nhà thơ nói: “Sự hy sinh của Norman Morrison không phải là không có ý nghĩa. Chúng tôi kính trọng Morrison như kính trọng những anh hùng liệt sỹ của chúng tôi”. Thật vậy, chúng tôi nghĩ giá như ở Việt Nam có những con đường, trường học mang tên Morrison thì còn ý nghĩa bao nhiêu lần hơn những cái tên Alexandre de Rhode, hoặc Phan Thanh Giản hay là Trương Vĩnh Ký.
Bà Anne W. Morrison nói: “Nhiều năm qua tôi đã đọc bài thơ nhiều lần và cứ mỗi lần đọc, một cái gì đó lại trào dâng trong cổ”. Tuy nhiên khi Emily 15 tuổi mới được biết bài thơ đó. Trong dịp này, cô đọc tặng lại bài thơ “Gửi ông Tố Hữu”, tóm lược như sau:
“Ở Việt Nam/ Trong tro tàn và máu/ Sau mấy ngày cha tôi đi xa/ Có một bài thơ ông đã viết/ Ông đã tạo nên biểu tượng của hy vọng và tương lai/ Emily!/ Ông đã giúp họ hiểu cha tôi/ Và yêu tôi/ Ở Mỹ tôi như đứa trẻ lạ thường/ Với một quá khứ không ai biết/ Ở Mỹ nhiều người không hề thích/ Kể về tuổi thơ mình/ Nhất là về người cha đã chết/ Đến 15 tuổi tôi mới biết/ Có một bài thơ ông đã viết/ Ngồi trên thảm cỏ non xanh/ Dưới bóng cây thông, giữa không gian yên bình/ Tôi mới đọc bài thơ, từng dòng từng chữ/ Và òa khóc không thể nào kìm giữ/ Nước mắt cứ trào ra từ nơi trái tim mình/ Bởi tôi hiểu/ Mình không phải lạ thường kỳ quặc/ Mà là con gái một con NGƯỜI/ Được yêu thương được giữ lại cho đời/ Được trân trọng và được cùng chia sẻ/ Cảm ơn ông đã viết một bài thơ/ Về tình yêu mà cha tôi để lại/ Từ đất nước ông xa xôi ngọt lành hoa trái/ Ông đem tình yêu gửi vào trái tim tôi” (Tuần báo Văn nghệ TPHCM số 378 ngày Thứ năm 5/11/2015).              
Ở một nước được coi là thiên đường của tự do và công lý mà sao những tấm gương hy sinh cao cả vì công lý lại không được trân trọng đề cao, thậm chí không được người ta thích? Để đời mau lãng quên đi một con NGƯỜI! Giá như giới cầm quyền Mỹ lúc đó sớm tỉnh thức thì sẽ không có vụ thảm sát ở Mỹ Lai làm ô danh nước Mỹ, cũng không có sự thầy bỏ trò tháo chạy đã thành bia miệng để đời và không đến nỗi hơn 58 ngàn con gái con trai bỏ mạng ở một xứ sở nhiệt đới xa xôi, hơn 300 ngàn người tàn phế, ngốn hơn 5.000 tỷ USD tiền thuế của dân, lại thêm gánh nặng “Hội chứng Việt Nam” hủy hoại bao nhiêu thế hệ thanh niên Mỹ! Tất nhiên phía Việt Nam phải chịu tổn thất hơn rất nhiều lần. Nhưng đó là cái giá phải trả để có được hòa bình, thống nhất và độc lập dù không ai muốn thế. Sao có thể biết được thời ba lần đánh giặc Nguyên-Mông, thời đánh giặc Minh, thời đánh giặc Thanh chúng ta chịu tổn thất bao nhiêu? Với giặc Nhật, chỉ có 5 năm trong khi chiến sự xảy ra không đáng kể mà dân ta chết hơn hai triệu! “Bao giờ bánh đúc có xương/ Bao giờ giặc nước nó thương dân mình!”. Phải chăng đó là định mệnh của người Việt Nam ta?!
Từ chuyện này cho ta suy nghĩ: Thời chống Mỹ, quân kháng chiến Việt Nam dù có vài chục máy bay phản lực mà cổ lỗ, vài trăm quả tên lửa cũ kỹ mà quá “date”, những khẩu pháo tầm trung bắn từng phát một (!) thì cũng chỉ là những đội du kích lẻ tẻ, ăn nhằm gì trước đội quân chính quy thiện chiến Hoa Kỳ hùng mạnh nhất thế giới với đủ loại vũ khí tối tân hiện đại. Nhưng không muốn con em mình bỏ mạng vì dính vào một cuộc chiến tranh phi nghĩa, sát hại những người lương thiện ở bên kia đại dương chẳng thể làm hại đến mình, mà không ít người Mỹ quyết đứng lên bảo vệ chân lý, thậm chí không chỉ một người lấy thân mình làm đuốc sống thắp sáng lên ngọn lửa lương tri. Huống chi một dân tộc có truyền thống giữ nước giữ nhà, đang bị giặc ngoại xâm tàn phá quê hương, diệt chủng giống nòi, thì cũng một ý như hội nghị Diên Hồng: “Trước nhục nước nên hòa hay nên chiến”? Câu trả lời vẫn chỉ một con đường: “Hy sinh quyết chiến”! Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh. Người lớn có cách đánh của người lớn. Trẻ con có cách đánh của trẻ con. Lịch sử hàng nghìn năm giữ nước đã chứng minh điều đó. Ngọn lửa Lê Văn Tám chỉ là một trong hằng hà những sự hy sinh muôn hình vạn trạng. Thế mới có ngày thống nhất giang sơn, giành độc lập cho nước và quyền tự chủ cho dân. Đó là nghĩa đạo, là nền tảng của lòng yêu nước nồng nàn tiềm ẩn trong mỗi con người Việt Nam, để: “Mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước” (Hồ Chí Minh). Bao nhiêu cuộc xâm lược đều bị “đẩy lùi từng bước, đánh đổ từng bộ phận, tiến tới đánh đổ hoàn toàn ý chí xâm lược” của những đội quân mạnh nhất mọi thời đại. Những kẻ ỷ vào sức mạnh đã không hiểu được chiều sâu văn hóa Việt Nam. Đó là bài học lịch sử rõ ràng mà sao những kẻ xâm lăng không học được? Ăn có nhai, nói có nghĩ, lẽ nào chỉ từ lời nói bốc đồng của một sử gia thiếu trách nhiệm mà người ta dễ dàng phủ nhận một sự kiện chỉ nhằm tôn vinh lòng yêu nước từng được khẳng định suốt mấy mươi năm, mà thành quả rõ ràng mọi người đều được hưởng?! Dân ta có lòng yêu nước nồng nàn – Đó không phải là điều nói láo! Thờ ơ với nước với dân trước cơn tai họa mới là điều trái với luân lý Việt Nam!
Quý vị quá rành lịch sử phương Tây. Tại sao người con gái 17 tuổi Jeanne d’Arc được thừa nhận là vị nữ tướng vĩ đại nhất trong lịch sử nước Pháp, mặc dù quanh bà có những chuyện đồn thổi mơ hồ huyễn hoặc? Nhưng sự dũng cảm và lòng yêu nước của người con gái phi thường ấy đã xốc lại dũng khí cho một đạo quân đang hồi rệu rã là có thật, mới được các tướng lĩnh trao quyền cầm quân, binh sỹ tin tưởng, đồng lòng xông lên quyết chiến, đuổi quân xâm lược chạy dài, liên tiếp giành nhiều thắng lợi. Và khi vị nữ tướng anh hùng bị phản bội, hy sinh thì khí thế của đội quân chiến đấu vì tổ quốc không hề nao núng, tiếp tục chiến đấu tới thắng lợi cuối cùng, kết thúc cuộc chiến 100 năm giữa Anh và Pháp. Tuy nhiên, bởi sự đố kỵ nhỏ nhen cùng những lời cáo buộc hèn mạt của những thế lực đen tối đương thời, mà vị nữ anh hùng từng bị coi là dị giáo, bị phủ định mọi công tích và bị thiêu trên giàn hỏa! Mãi 500 năm sau bà mới được hậu thế thừa nhận công lao, được giáo hội phong Thánh và được nhân dân dựng tượng tôn vinh như niềm tự hào của nước Pháp.
Người viết vốn tính tò mò, hay tìm đến các thông tin hải ngoại. Qua những PHỐ BOLSA, VIET WEEKY, KBCHN… được biết mấy ông bà trí thức kể cả những vị cao niên từng là trùm sỏ cờ vàng, lừng danh chống cộng một thời, mà giờ lại khuyên thính giả hãy đừng nghe mấy cái đài BBC, RFA, VOA mà bị lỡm! Khó tin các vị ấy quay lưng lại với lý tưởng của mình, mà các vị quá đủ thời gian chiêm nghiệm thế giới chung quanh đủ điều hay dở, cùng với nhìn ra hiện tình đất nước hôm nay. Còn nhiều điều bất an nhưng không phải toàn là những điều xấu xa như vẫn bị nghe để oán hận cứ trùng trùng. Cái nghĩa “đồng bào”, cái “tình quê” của người Việt ta nặng lắm. Những ngày kháng chiến gian lao vất vả, sống đó mà chết đó! Một lúc chợt nghe tin tức từ đài BBC qua giọng đọc dửng dưng của ông Đỗ Văn, ông Xuân Kỳ mà nghĩ tương lai mù mịt quá và có lúc lòng thấy nản! Nhiều người còn nhớ sau khi ký Hiệp định Paris 1973, một trong hai ông có phỏng vấn phái đoàn Việt Nam DCCH điều gì đó, ông Xuân Thủy là nhà ngoại giao bặt thiệp và thâm nho, trả lời một câu ngắn gọn: “Ông có phải là người Việt Nam không?!”. Ăn cơm nhà Chúa phải múa tối ngày là thế. Được biết sau ngày đất nước thống nhất, các ông về thăm quê hương trong cảnh thanh bình, gặp gỡ bà con họ tộc vui vẻ thân tình. Ấy là hồng phúc tổ tiên ta phù trợ cho con cháu muôn đời. Tuy nhiên trong thế giới phẳng ngày nay, chẳng nên cực đoan đến nỗi chỉ biết nghe từ một phía. Đã làm tuyên truyền thì dù là ai, ở đâu cũng phô ra những điều đẹp đẽ. Dù sao cũng chỉ dối được vài người trong một thời gian, chứ lâu dài không thể dối được nhiều người. Những điều xấu xa và cả những điều tốt đẹp cũng không thể che đậy mãi. Sự thật là cái hậu hồi như sau vụ lúa.
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, một trí thức miền Nam tiêu biểu trọn đời cống hiến hy sinh cho sự nghiệp hòa bình, thống nhất, độc lập của tổ quốc từng nói: “Người ta ai cũng có một gia đình để yêu thương, một quê hương để luyến nhớ, một tổ quốc để phụng thờ, một dân tộc để phục vụ và một niềm tin hướng thiện. Người trí thức càng thấm sâu hơn điều ấy”. Những trí thức thế hệ ông như LS Thái Văn Lung, KS Nguyễn Ngọc Nhựt, NS Lưu Hữu Phước, KS Lâm Văn Tết, LS Trịnh Đình Thảo, KTS Huỳnh Tấn Phát,  KS Phạm Ngọc Thảo, LS Nguyễn Thị Thanh Vân (Bà Ngô Bá Thành), BS Phùng Văn Cung… đã cùng lớp con cháu đồng thời như Lê Văn Tám, Võ Thị Sáu, Trần Văn Ơn… góp phần xứng đáng làm nên một “Miền Nam thành đồng Tổ quốc”.
Nói chuyện lịch sử không thể dễ dãi, vô căn, vô tâm và không thể quên lời dạy của người xưa: “Sự kiện lịch sử, thời gian càng xa càng nhiều cái khó tin. Người đời thường ưa cái lạ, nghe được một điều truyền lại thì muốn viết cho lớn chuyện lên, thế là gạt bỏ cái đồng, truy tìm cái dị, khiên cưỡng phụ họa, sống sượng thêm bớt. Ghi sử quý ở chỗ đáng tin. Người viết sử phải chịu trách nhiệm với cả đất nước, nếu như lại tùy tiện viết sai thì thật là nguy hại”! (Lưu Hiệp – Văn tâm bửu giám).

     Tuần báo Văn nghệ TP Hồ Chí Minh
Số 384 Thứ năm ngày 17 tháng 12 năm 2015.