Thứ Hai, 21 tháng 12, 2015

VỀ “LÁ THƯ CỦA TT NGUYỄN TẤN DŨNG” GỬI TBT NGUYỄN PHÚ TRỌNG VÀ BỘ CHÍNH TRỊ

ĐÔNG LA
VỀ “LÁ THƯ CỦA TT NGUYỄN TẤN DŨNG” GỬI
TBT NGUYỄN PHÚ TRỌNG VÀ BỘ CHÍNH TRỊ

Tôi viết nhiều về chính trị nhưng lại không quan tâm chuyện nhân sự trước Đại hội Đảng, dù biết nhân sự là quan trọng nhất vì chính nhân sự sẽ chọn ra những người làm chính trị. Tôi không quan tâm bởi đơn giản là vì nó nằm ngoài tầm tay của tôi. Tôi muốn người này, không muốn người kia thì ai sẽ giúp tôi thực hiện được ý muốn đó? Thôi, tốt nhất không chấp như thiền là xong, đành trông chờ vào luật siêu hình vậy. Đất nước còn phúc sẽ chọn ra được người tài, đức lãnh đạo đất nước, giữ được sự ổn định và thúc đẩy sự phát triển; ngược lại, đất nước sẽ loạn. Nhiều tấm gương tầy liếp đang hiển hiện trước mắt chúng ta, sự thay đổi chế độ và người lãnh đạo bằng sự cực đoan, không phù hợp và ảo tưởng, như nước Nga thời sau Liên Xô tan vỡ, Iraq, Lybia, Ucraina, v.v… đã đẩy đất nước họ đến hỗn loạn như thế nào!
          Nhưng cây muốn lặng mà gió lại chẳng đừng, nhà cũng chuẩn bị có việc quan trọng, vậy mà bạn viết, bạn đọc lại hỏi, ý tôi như thế nào trước một việc cực “hot”,  trên mạng đang lan truyền lá thư của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gởi cho TBT Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị?
          ***
            Lên mạng coi thì thấy cộng đồng “rận” lại sôi sục, lại có cớ công kích lãnh đạo, công kích thể chế.
Tương Lai, lại cái ông GS “tương cà” này mau mắn viết bài Cái gì cần đến sẽ đến:
“…lời khuyến cáo của Nguyễn Phú Trọng trong cuộc tiếp xúc cử tri ngày 8.12.2015 “không cẩn thận thì sẽ gây phá hoại từ trong ra, chứ không phải từ bên ngoài đâu” là một chỉ dấu cho thấy cuộc chiến quyền lực đã đến hồi chung kết. Trên mạng đang lưu hành rộng rãi một văn bản với tên gọi là “Thư của TT Nguyễn Tấn Dũng gửi TBT Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị”. Nếu đây là thật, thì sự kiện này đã bộc lộ qúa rõ cái gì cần đến đã đến”.
Bài Ý kiến trí thức gửi Đại hội XII , người viết là “Tiến sỹ Phạm Gia Minh”:
Từ khi Nguyễn Phú Trọng làm Tổng bí thư giới trí thức đã nhận định ông ta sẽ không làm được gì cho đất nước vì ông Trọng là người rất tầm thường và mắc căn bệnh giáo điều rất trầm trọng. Mọi người đều có chung ý nghĩ chờ đến hết 5 năm nhiệm kỳ để chấm dứt “nhân hoạ” này và mong chờ một nhân vật có tư tưởng cải cách, dân chủ, kiên định phục vụ lợi ích của dân tộc. Những năm đầu anh em trí thức bàn đến ông Trương Tấn Sang, một người khi tiếp xúc thấy gần gũi, thân mật, nêu ra được nhiều điều gọi là đổi mới, nhưng càng gần càng thấy ông này thiếu tầm nhìn xa, bạ đâu nói đấy và đáng sợ hơn còn nói một đằng làm một nẻo. Ông Sang đã cùng các ông Nguyễn Phú Trọng, Đinh Thế Huynh chỉ đạo bắt bớ trấn áp những người trí thức có ý kiến phản biện…  Dưới chiêu bài chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng, việc ông Sang đã cho lùng sục bắt những doanh nghiệp ông cho là sân sau của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng như bầu Kiên, Trầm Bê đang gây dư luận xôn xao… Phải mất một thời gian dài anh em trí thức khủng hoảng, đi tìm người tài để cứu nước nhưng xem ra trong BCT chỉ còn mỗi ông Dũng là xứng đáng hơn cả. … ông là người lắng nghe, tiếp thu ý kiến của tầng lớp trí thức. Ông dần dần đã chiếm được cảm tình và có được sự tin tưởng của giới tri thức và tầng lớp doanh nhân. Việc ông không được BCT đề cử tái nhiệm làm TBT rõ ràng không phải do ông yếu kém. Chúng ta đều hiểu rằng đây là do mấu thuẫn nội bộ BCT, do các động cơ của các cá nhân tham vọng mà loại ông Nguyễn Tấn Dũng. Cũng có người lên tiếng là sợ ông Tấn Dũng quá nổi trội so với các ông khác, ai là người gây nên chuyện này chắc các anh đều biết!... Tin rằng anh Tương Lai, Việt Phương, Phạm Đức Nguyên, Nguyễn Trung,… và các em nhân sĩ trí thức trong và ngoài nước cũng chia sẽ quan điểm này”.
***
Việc ông “Tiến sỹ Phạm Gia Minh” ca ngợi TT Nguyễn Tấn Dũng “ông là người lắng nghe, tiếp thu ý kiến của tầng lớp trí thức. Ông dần dần đã chiếm được cảm tình và có được sự tin tưởng của giới tri thức” mà “những trí thức” trên lại là nhóm “Tương Lai, Việt Phương, Phạm Đức Nguyên, Nguyễn Trung,…” mà “cộng đồng mạng tiến bộ” gọi là “chấy thức rận sĩ” thì đúng là yêu nhau thế thì bằng mười phụ nhau!
Thực ra đây là một thủ đoạn gây chia rẽ mâu thuẫn trong tầng lớp lãnh đạo tối cao. Như Tương Lai, Nguyễn Trung… hay đưa ông Võ Văn Kiệt ra đối lập với các nhà lãnh đạo cùng thời và coi thường các nhà lãnh đạo đương thời. Như tôi mới viết, ông Võ Văn Kiệt đúng là một nhà cách mạng, ông có đóng góp và hy sinh lớn lao, cả vợ và ba con ông đã hy sinh. Nhiều câu nói của ông rất được lòng quần chúng, thể hiện tinh thần đổi mới và hòa hợp dân tộc, nhưng có những câu theo tôi đúng là “phổi bò”, không xứng với cương vị Thủ tướng của ông. Câu “một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn” thì rõ ràng là không đúng khi xếp ngang nhau niềm vui chiến thắng của người giải phóng với nỗi buồn thất bại của những người theo địch. Câu “Có hàng trăm con đường yêu nước khác nhau. Tổ quốc Việt Nam không của riêng một đảng, một phe phái, tôn giáo nào”; rồi “Tổ quốc là của mình, dân tộc là của mình, quốc gia là của mình, Việt Nam là của mình, chứ không phải là của riêng của người cộng sản hay của bất cứ tôn giáo hay phe phái nào cả” , tôi đã viết: “Nói như ông, những người thuộc VNCH cũng hoàn toàn có quyền yêu nước theo kiểu của họ, có quyền đòi lại nước của họ, vậy ông có trả lại cho họ không? Nếu trả thì ông tham gia cách mạng làm chi? Hoặc sau giải phóng, ông nhờ một số chuyên gia chế độ cũ làm cố vấn, theo tinh thần trên, người ta cũng hoàn toàn có thể nói ông chỉ giỏi đánh giặc, không biết làm kinh tế, vậy sứ mệnh của ông xong rồi, ông nên nghỉ, giao quyền lại cho họ làm kinh tế, ông có chịu không?”
          Giống ông “Tiến sỹ Phạm Gia Minh”, Minh Đường, trong bài "Mong như Thủ tướng nói: Từ nay hết Viễn vông, hết Lệ thuộc" cũng viết:      
Ngày 21/5/2014 Thủ tướng Chính phủ đã làm cho mỗi người dân Việt Nam trong nước, ngoài nước ấm lòng và tự hào khi tuyên bố "Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó".
Phải chăng “lửa thử vàng” và thực tiễn đã chứng tỏ Thủ tướng chính là người lãnh đạo mà dân tộc Việt Nam đang cần lúc này, bởi trước hết với đầy đủ chí khí và trí tuệ, Thủ tướng Chính phủ là người lãnh đạo cao nhất trong những người lãnh đạo đã đàng hoàng, minh bạch, công khai chỉ rõ, kẻ thù bên ngoài nguy hiểm nhất với dân tộc Việt Nam và hòa bình thế giới là “chủ nghĩa bành trướng, bá quyền” của nhà cầm quyền Trung Quốc, kẻ thù bên trong nguy hiểm nhất với tiến bộ xã hội là tư tưởng “Viển vông, Lệ thuộc”?”
Tôi đã viết Minh Đường viết vậy là kích động chia rẽ. Nước ta đang kiên quyết và khôn khéo đấu tranh với sự xâm lấn của Trung Quốc bằng biện pháp hòa bình. Chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng tuyên bố một mặt kiên quyết đấu tranh nhưng ta vẫn giữ mối quan hệ làm ăn bình thường với Trung Quốc. Vì vậy hung hăng khoét sâu thêm thù hận loại như Minh Đường là cách nghĩ của kẻ tiểu nhân, sĩ diện hão, vĩ cuồng, không phù hợp với vị thế và thực tế, sẽ gây nguy hiểm cho đất nước. Tôi hoàn toàn có thể lấy dẫn chứng chứng tỏ Minh Đường nói ngược. Trong mối quan hệ với Trung Quốc, cũng như chính cố TT Võ Văn Kiệt cùng TBT Đỗ Mười ký các hiệp định bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, TT Nguyễn Tấn Dũng cũng từng có những hoạt động “thân” TQ.
Theo Cổng TTĐT Chính phủ :
6:12, 22/10/2008
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội đàm với Thủ tướng Ôn Gia Bảo: Cụ thể hóa một bước quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc
Theo Chinhphu.vn:
7:05, 02/09/2013
Thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam-Trung Quốc
-Chiều 2/9, tại Nam Ninh, Trung Quốc, nhân dịp dự Hội chợ, Hội nghị thượng đỉnh Đầu tư-Thương mại ASEAN-Trung Quốc lần thứ 10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã hội đàm với Thủ tướng Quốc vụ viện nước CHND Trung Hoa Lý Khắc Cường”. 
Còn Dự án Bô-xít liên quan mật thiết với TQ, cũng chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được Trung Quốc đón tiếp với nghi lễ long trọng nhất dành cho các nguyên thủ quốc gia để họ có được lời hứa VN sẽ phê duyệt ngay dự án. Không những được phép đưa người vào VN, TQ còn được những quy chế riêng đặc biệt tại khu vực khai thác.
          Ngược lại TT Nguyễn Tấn Dũng, dư luận “đểu” luôn cho ông TBT Nguyễn Phú Trọng sợ Tầu, ghét Mỹ, “bên Đảng” vì “ý thức hệ” thì “bảo thủ”, thân TQ, còn “bên Chính phủ” “đổi mới” thì chống TQ, thân Mỹ và phương Tây… thì thực tế đã chứng tỏ ngược lại. Như tôi đã viết, theo lời kể của Tướng Nguyễn Thanh Tuấn, TBT Nguyễn Phú Trọng từng đối đáp mềm mỏng nhưng rất kiên quyết, có chứng lý, với TBT Trung Quốc Hồ Cẩm Đào về chủ quyền biển đảo. Còn với chuyến thăm Mỹ của ông, ngược lại với một vị lãnh đạo đối diện với người Mỹ đã bị “khớp”, đối thoại phải dùng “phao”, thật thú vị khi thấy TBT Nguyễn Phú Trọng với thái độ tự tin, ung dung nhưng cởi mở, hòa nhã; lời nói với ý tứ sâu sắc nhưng lại rất chi tiết, thực tế. Ông đã mang đến Mỹ một tấm chân tình. Nước Mỹ rất thông minh và thực dụng nên dễ dàng nhận ra những điều tốt đẹp từ ông và cuộc gặp gỡ lịch sử này. Hình ảnh dưới đây của hai vị nguyên thủ Quốc gia đã nói lên tất cả:
          ***
Nhớ lại phe “đổi mới” không chỉ tung hô, lợi dụng TT Nguyễn Tấn Dũng, mà có thời ông cũng là đối tượng bị công kích.
Ông GS Nguyễn Minh Thuyết trên diễn đàn quốc hội từng cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phạm “Điều 33 Luật doanh nghiệp” quy định Chủ tịch Hội đồng quản trị không kiêm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc công ty, nhưng Thủ tướng là người ký quyết định đã để cho ông Phạm Thanh Bình vừa là Chủ tịch Hội đồng quản trị, vừa là Tổng giám đốc công ty; rồi “ai đã chỉ đạo đăng tải một số bài công kích, chụp mũ đại biểu Quốc hội ở trên website của Chính phủ?”.  TT Nguyễn Tấn Dũng đã trả lời hoàn toàn tự tin, khiến chính ông GS Thuyết phải lúng túng khi bị vặn lại, khi được phóng viên hỏi sau cuộc chất vấn, ông Thuyết phải thừa nhận: “Thật khó có thể hỏi thêm được Thủ tướng
Ông Dương Trung Quốc, tại nghị trường quốc hội, cũng từng đặt vấn đề “văn hóa từ chức” với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Thủ tướng cũng đã trả lời đâu ra đó thì ông Dương Trung Quốc đã vội vàng chữa thẹn, nói sở dĩ đặt câu hỏi là để xem Thủ tướng trả lời thế nào, và với nội dung Thủ tướng vừa đối đáp thì nhân dân yên tâm, tức là đã “an dân”. Blogger Tư Mã Thiên viết: “Quốc hội là nơi bàn chuyện đại sự nước nhà, không thể là nơi để đại biểu của nhân dân làm bài test (thử nghiệm)?”. Cộng đồng mạng gọi Dương Trung quốc là “kịch nghị viên” là vì thế!
***
Đợt này, nếu đúng có lá thư của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gởi cho TBT Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị chứng tỏ thể chế nước ta đúng là dân chủ thật, mọi công dân, từ thủ tướng cho tới người dân cũng đều bình đẳng trước luật khiếu nại tố cáo. Với nội dung lá thư, vì không được công bố chính thức, tôi không được phép bàn luận. Nếu là thực cũng là dịp cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng minh oan. Vì thực tế có quá nhiều lời đồn đại không hay về ông và vợ con ông. Có cái đã được sáng tỏ như tin đồn cho ông có lâu đài như vua chúa nhưng thực tế là của bà Bhutto, cố TT Pakistan, còn nhiều tin thì chưa. Còn sự việc dẫn tới đâu, kết quả thế nào, khi đã đưa ra tập thể thì sẽ theo quy định của Đảng và pháp luật, chứ không có một cá nhân, nhóm người nào có thể tùy tiện quy kết một đương kim Thủ tướng được, vì như vậy chính họ cũng bị tố cáo.
21-12-2015
ĐÔNG LA