Thứ Sáu, 22 tháng 1, 2016

VÀI SUY NGHĨ NHÂN ĐẠI HỘI ĐẢNG

ĐÔNG LA
VÀI SUY NGHĨ NHÂN ĐẠI HỘI ĐẢNG

Chưa bao giờ mọi người lại quan tâm đến tình hình chính trị của đất nước như những ngày hôm nay. Điều này chỉ có thể có được do nền dân chủ của Việt Nam phát triển, người dân mạnh dạn thể hiện suy nghĩ của mình. Song song với điều đó, trình độ khoa học phát triển cũng đã tạo nên môi trường truyền thông internet, nó chính là phương tiện rất thuận lợi cho mọi người truyền đạt ý kiến. Tôi cũng ở trong xu thế chung đó, nên đây là lần đầu tiên tôi viết cảm nghĩ của mình nhân Đại hội Đảng.
          ***
          Tôi không phải là một Đảng viên, hoàn toàn không có quyền lợi gì liên quan đến cơ cấu tổ chức và hoạt động của Đảng. Nhưng Đảng lại lãnh đạo đất nước, Đảng tốt, Đảng giỏi làm cho đất nước ổn định và phát triển dân sẽ được nhờ, ngược lại thì đất nước sẽ loạn, dân sẽ khốn khổ, tôi và nhà tôi cũng sẽ khổ!
          Nên như một lẽ tự nhiên ai cũng quan tâm đến Đại hội Đảng, quan tâm đến chuyện nhân sự.
Chuyện nhân sự quan trọng bởi có khi chiến tranh bom đạn không thể thay đổi được chế độ nhưng một cá nhân thì có thể.
Như khi Gooc-ba-chov lên nắm quyền, thực hiện “cải tổ”, đã đẻ ra tầng lớp đặc quyền, đặc lợi. LX đứng trước nguy cơ tồn vong, tầng lớp này đã công khai thúc đẩy vứt bỏ CNXH đi theo con đường của CNTB để hợp thức hóa tài sản. Gooc-ba-chov đã phủ nhận Chủ nghĩa Mác, thực hiện đa đảng, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô. Vì đại sai lầm trong công tác tổ chức cán bộ ở Liên Xô nên mới có việc một kẻ phản bội như Goóc-ba-chov lại leo lên được chức vụ tối cao TBT ĐCSLX để rồi đập vỡ LX ra từng mảnh, đồng thời tự đập nát sự nghiệp của chính mình, thành kẻ bên lề nhục nhã, lang thang!
Nhớ lại hồi sửa đổi Hiến pháp, nhóm 72 trí thức nước ta gần như đã copy từng bước, từng hành động của những kẻ đã đập vỡ LX ngày ấy. Từ việc nhân danh đấu tranh cho dân chủ, vin vào mọi cớ để quấy rối, đến việc đưa Kiến nghị thay thế Hiến Pháp, xóa bỏ sự hiến định quyền lãnh đạo của Đảng, tách quân đội và công an khỏi Đảng, thay đổi chế độ!
Hiện tại, một trong những thủ đoạn phá hoại Đại hội Đảng đó là việc chủ ý tô vẽ người này để bôi đen người kia. Có điều nếu cần họ cũng sẵn sàng bôi đen người mình từng tô vẽ.
Hiện tại lực lượng chống phá Đại hội cho Đại hội bị xếp đặt bởi Trung Quốc, họ cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là kiên cường bất khuất chống Tầu với phát biểu Việt Nam không chấp nhận đánh đổi “chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ” để nhận lấy “một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó" nên ông bị thất thế. Có điều trước đây vài năm chính TT Nguyễn Tấn Dũng cũng lại là mục tiêu công kích trong vụ Vinashin và chuyện “văn hóa từ chức”.
            Hoàng Sa bị mất vào tay TQ năm 1974 với thỏa thuận ngầm từ phía Mỹ. Năm 1988, khi VN và TQ còn xung đột sau chiến tranh Biên giới, tại Trường Sa, hải quân Trung Quốc đã liên tục chiếm thêm nhiều rạn đá tại quần đảo. Như vậy chuyện ta mất biển đảo là chuyện đã rồi. Nếu các nhà lãnh đạo chỉ cần tuyên bố cứng rắn và “các nhà rân trủ” chỉ cần đánh giặc miệng trên đường phố mà TQ sợ trả lại biển đảo cho ta thì không có ai mà không làm được. Có điều thực tế không dễ dàng thế nên nhà nước ta mới phải thực hiện chiến lược ngoại giao đấu tranh vừa kiên quyết vừa mềm mỏng với TQ như thời gian qua. Như ông Vũ Khoan nói giữ cầu để đối thoại, gỡ rối, có lợi mới khó chứ cắt cầu rồi gây ra xung khắc, bất lợi thì quá dễ.
          Vì vậy việc cho Đại hội củs ĐCSVN bị TQ giật dây và phe thân TQ đang thắng thế hoàn toàn là chuyện bịa đặt!
          ***
          Là một người bình thường không ai không thích đất nước đổi mới. Nhưng đổi mới lại khó, nó phụ thuộc vào khả năng và trình độ của đất nước chứ không phải vào ý muốn chủ quan, phét lác của con người. Vì vậy những ý kiến đóng góp tích cực và có trách nhiệm cho đổi mới có được hiệu quả cũng còn khó huống chi những suy nghĩ và hành động nhân danh đổi mới vì nhiều động cơ khác nhau, trong đó có chuyện “quấy rối ăn tiền”. Nếu đất nước tốt đẹp toàn bích thì những người này sẽ không có cớ lu loa, sẽ đói; ngược lại, đất nước sụp đổ thì họ cũng sẽ thất nghiệp mà chết. Vì vậy có chuyện lạ, xã hội có chuyện dù tốt, dù xấu người ta cũng bu vào, nhất là khi đất nước có những sự kiện lớn thì hoạt động quấy rối càng tích cực hơn như những ngày Đại hội Đảng đang diễn ra hôm nay.
          Họ thường chia phe các nhà lãnh đạo rồi cho người này tiến bộ, người này bảo thủ, với các quan chức và giới trí thức cũng vậy. Có điều tất cả những điều đó đều hết sức cảm tính một cách sai lầm.
Thí dụ ông Nguyễn Trung được cho là một nhà lý luận của đổi mới. Nhưng trong một bài tôi viết, với Thái Lan thì ông cho là thứ đa nguyên “xanh, đỏ, vàng” đứng trên luật pháp; với Nga ông cho “shock therapy” (liệu pháp sốc) và các cuộc “cách mạng da cam, da quýt” tại một số nước Xô viết cũ là “những bài học cay đắng”; với Trung Quốc ông cho là một sự “phát triển chủ nghĩa tư bản gần như với bất kỳ giá nào”, với một chính sách quốc gia “khôn ngoan đến tàn bạo”; còn với “các nước phát triển nhất” ông thấy “cũng muôn vàn khó khăn và không hiếm thất bại, ngay cả ở nước Mỹ hiện nay!” Vậy không có nơi nào, không có ai trên thế giới để ta học hỏi cả, có chăng chỉ trông đợi vào Nguyễn Trung mà thôi. Nhưng ông cũng lại chưa nghĩ ra, hoặc đã nghĩ ra nhưng còn đang giấu?!
Nhớ lại hồi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mới nhận chức đã đối thoại trực tuyến với người dân khiến mọi người đều phấn khởi và thỏa mãn trước hình ảnh của một thủ tướng trẻ trung, khỏe mạnh, cởi mở và đặc biệt là phong thái tự tin, ông trả lời không né tránh tất cả những câu hỏi từ chuyện đại sự quốc gia cho đến chuyện riêng tư của gia đình ông.
Về quốc nạn tham nhũng, với câu hỏi “Thưa Thủ tướng, Thủ tướng sẽ thể hiện quan điểm Sắt và Sạch như thế nào trong việc chống tham nhũng?” Ông trả lời: “… theo tôi, người lãnh đạo muốn chống được tham nhũng thì phải có được mấy điều kiện: Thứ nhất là, phải có quyết tâm chống tham nhũng… phải dám chống tham nhũng dù bất cứ kẻ tham nhũng là ai, ở vị trí nào, không sợ phức tạp, không sợ bị trù úm, trả thù, mất ghế… Thứ hai, bản thân anh phải không tham nhũng, không dính đến tham nhũng, không bao che tham nhũng mới kiên quyết được… phải hiểu biết luật pháp, làm đúng luật pháp. Đương nhiên, tham nhũng là có tội, nhưng không dám chống tham nhũng hay chống tham nhũng mà không đúng luật pháp cũng là có tội”.
Từ năm 2007, tôi đã viết, những vị tiền nhiệm của thủ tướng cũng quyết tâm không kém, nhưng tại sao tham nhũng vẫn mãi là quốc nạn. Như vậy, không thể chống tham nhũng chỉ bằng tinh thần và tình cảm mà phải bằng biện pháp được thể chế hóa. Không hiểu sao cái công cụ hữu dụng nhất là minh bạch hóa mà các nước tiên tiến đã sử dụng như: công khai tài sản, công khai thu nhập, công khai chi tiêu thông qua thẻ tín dụng, nhưng chúng ta không làm triệt để mà chỉ tiến hành nửa vời hình thức.
           Nghĩa là tôi không tin lắm vào kết quả chống tham nhũng của TT Nguyễn Tấn Dũng, đến nay xem chừng thì hình như ý tôi là đúng.
Về ngành Giáo dục, dưới thời Bộ trưởng giáo dục Nguyễn Minh Hiển, ngành giáo dục nước ta có quá nhiều chuyện quái lạ: có học sinh học cấp hai chưa biết đánh vần, có học sinh học dốt muốn trượt không được, có học sinh không làm được bài thì hát một bài thầy sẽ cho điểm cao. Ông Nguyễn Thiện Nhân lên thay với một hình ảnh và quyết tâm đổi mới giáo dục khiến mọi người tràn đầy hy vọng. Tôi cũng viết từ năm 2007, sau một thời gian ông đã có công hạ được chỉ số khá giỏi của học sinh xuống cho gần với sự thực. Nhưng nhiệm vụ chính của bất kể ông bộ trưởng nào cũng phải làm là đưa chất lượng thực của học sinh lên chứ không phải kéo xuống. Có lẽ ông Nguyễn Thiện Nhân bận quá còn chưa có nhiều giải pháp cụ thể cho điều này. Và cho đến tận hôm nay, với lãnh đạo là ông Phạm Vũ Luận, ngành giáo dục vẫn rối như cũ.
***
Ngược lại nhìn lại quá trình đổi mới của đất nước chúng ta, những quyết định quan trọng nhất ở thời điểm quan trọng nhất lại xuất phát từ những vị lãnh đạo mà dư luận lại cho một cách đầy cảm tính là “bảo thủ”, “giáo điều”, “khốt-ta-bít”. Như TBT Trường Chinh lại chính là kiến trúc sư của công cuộc đổi mới và TBT Nguyễn Văn Linh chính là thuyền trưởng của công cuộc đổi mới.
Còn những ngày đang Đại hội Đảng hôm nay, ngược với hình ảnh hiền lành như mọi người vẫn nghĩ, TBT Nguyễn Phú Trọng lại thể hiện sự kiên quyết chèo lái để Đại hội diễn ra thành công, bảo đảm được tính kế thừa, có bước đi chắc chắn, phù hợp với tình hình, chống lại sự ảo tưởng, phiêu lưu và tứ bề phá hoại. Như vậy là đất nước còn phúc. Ngược lại nếu người đứng đầu nhu nhược như những ông vua thời nhà Lê mạt vận thì chính là nguyên nhân xảy ra cuộc nội chiến Trịnh-Nguyễn phân tranh dai dẳng và tàn khốc.
22-1-2015
ĐÔNG LA