Thứ Bảy, 27 tháng 2, 2016

ĂN TẾT TẬP IV: NHỮNG BÀI HỌC LÀM NGƯỜI

ĐÔNG LA
ĂN TẾT
TẬP IV: NHỮNG BÀI HỌC LÀM NGƯỜI

Đã làm người rồi cần học làm tiền, cần học thăng quan, tiến chức để làm sao cho cuộc sống sung sướng chứ sao phải học làm người? Với quan điểm vô thần chết là hết thì đúng là như vậy. Nhưng theo các tôn giáo, tín ngưỡng và đặc biệt tại VN ta, những hiện tượng tâm linh xuất hiện đã chứng tỏ chết không phải là hết, mà có luân hồi, quả báo.  Kiếp sau, không phải là người rồi thì mãi được là người, mà tùy theo công tội luật nhân quả sẽ xử, sẽ được tiếp làm người, được siêu thoát lên các cõi giới cao hơn hay bị đày đọa thấp xuống. Với thời thực dụng, mạt pháp thì thường kiếp sau người ta  bị đầy xuống thấp hơn; đường trần người có quyền có thể đạp trên luật, kẻ lươn lẹo có thể lách luật, nhưng với luật nhân quả thì không ai lách được.
Cô Hòa kể tôi nghe hồi mới “phát sáng” cô đã nhìn thấy cõi âm. Tôi hỏi cô:
-Theo Đạo Phật có mấy cõi đấy, tùy theo nhân quả, tùy theo nghiệp, chết đi người ta về tầng, tầng đó, cô có nhìn thấy cái đó không?
-Em nhìn thấy hết, em nhìn thấy nó như thế này…
-Cô mô tả nó xem như thế nào?
-Thì anh phải để em miêu tả. Đầu tiên là em nhìn xuống dưới này này. Hiện tại lúc nào em cũng nhìn thấy, kể cả ngay bây giờ, chỗ nào em cũng nhìn được. Đầu tiên em nhìn được xuống dưới, tại sao có người “A Di Đà Phật”, tại sao mà lúc em nhìn em mới bảo “Tại sao mà lắm chó thế kia? Lắm chó thế?” Có người người ta bảo cô là “A Di Đà Phật, đấy là người đấy” Thế thì cô bảo “Sao lại là người?”. Thế thì bắt đầu em mới bước vào chỗ đấy, bắt đầu là, không biết cái tay của em này này, em bảo sao lắm chó thế, em chỉ thế này thôi nhá, cái tay của em, em chỉ thế này thôi, thế là tự nhiên là hóa hết ra người. Bắt đầu là cứ cúi xin nọ kia đấy. Thế thì em lại nhìn thấy, tức là thế này này, ối giời ơi, có những người mà em đã gặp, mà có cả người thân nhà em đang bị giam ở trong địa ngục, khổ vô vàn, khổ lắm, không bao giờ để mà giải thoát nổi. Cho nên là chính vì vậy, cho nên là những cái đêm ấy em ngồi em viết ra kinh. Hay là em đưa cho anh quyển kinh để anh tham khảo. Em đưa cho anh đỡ phải nói. Em nói nhiều quá.
Nhiều lần cô nói với tôi chết được làm chó là may đấy còn rất nhiều người phải bị giam cầm ngàn ngàn kiếp vô cùng khổ sở. Cô thấy cả những ông to, bà lớn, cả vua chúa từ đời nào, trên trần vẫn ca ngợi, cúi lậy, nhưng vẫn còn bị giam trong địa ngục.
Chính vì vậy mà là người rồi vẫn phải học làm người, bài học để kiếp sau lại được làm người.
***
Tháng giêng là tháng ăn chơi, cả nước đang vào mùa trẩy hội. Các hiện tượng tâm linh luôn xuất hiện ở mỗi làng quê, ngay ở làng tôi vừa rồi về quê tôi cũng được nghe kể, đó chính là cơ sở để người ta tín ngưỡng. Hiến pháp cũng có điều luật tôn trọng tự do tín ngưỡng. Có điều giáo lý lại không được giáo dục bài bản, thành ra trong thực tế, tín ngưỡng trở thành mê tín, văn hóa trở thành phản văn hóa, mỗi mùa trẩy hội có quá nhiều chuyện trái đạo và hỗn loạn.
Riêng trường hợp cô Hòa hoàn toàn ngược lại. Không chứng kiến khó tin, đến chỗ cô hoàn toàn không có bàn thờ, không có một nén nhang. Đến với cô có đủ tầng lớp trong xã hội, từ cán bộ cao cấp, sĩ quan cao cấp, các nhà trí thức, các nhà văn, nhà báo cho đến người dân bình thường. Có nhiều chuyện dư luận vẫn cho là hoang đường thì người ta chứng kiến ở chỗ cô là sự thật. Mọi người tin cô, nghe cô hoàn toàn tỉnh táo, có suy xét chứ không phải mê tín. Đạo mà cô giảng giải, khuyên bảo người ta tu hành chính là Đạo Phật, cô nói mọi người cần phải phân biệt, cô không tự cho mình là Phật, là Bồ Tát mà là cô có tâm Phật, tâm Bồ Tát như mọi người. Cái chính là người ta có khởi cái tâm đó lên hay không mà thôi. Cô gọi những người đến với cô là Phật tử. Cô thường giảng đạo nhưng cô không giảng theo kinh sách như các ông sư trong chùa mà bằng khả năng thực chứng thế giới tâm linh của cô. Cô hay nói là cô nhìn thực, nói thực. Là một người nghiên cứu nên tôi thấy rất thú vị là có nhiều điều cô nói khớp với kinh sách, nhưng cũng có những điều độc đáo mà chỉ có người thấy được như cô mới nói ra được.
Một điều cô hay giảng cho mọi người nghe chính là những bài học làm người.
***
Hiểu những bài học làm người thật dễ nhưng thực hành mới khó, ai cũng thích người khác làm điều tốt nhưng tự mình làm điều tốt lại không dễ. Cũng đúng mồng 8 Tết năm ngoái cô giảng về chuyện tu tại gia, cô bảo với người phụ nữ Phật ở nhà chính là bố mẹ chồng già đấy. Sắm nải chuối đi lễ chùa, mẹ già đói vặt một quả ăn, la oai oái, vậy là còn chưa tu được tại gia. Chưa tu được tại gia sao tu được ở chợ, đến chùa Phật nào chứng cho, độ cho một kẻ bất hiếu? Còn mồng 8 tết năm nay, qua những câu chuyện, cô cũng lại giảng những bài học làm người.
Đêm mồng 8 biểu diễn văn nghệ, MC Hoàng giới thiệu Hiền, cô con gái lớn của cô lên hát tặng mẹ. Cô từng nói với tôi mấy đứa con cô đều quý tôi, chúng nó rất hay đọc bài tôi viết đấy nhưng ngại không xuất hiện. Tôi nhớ lần “họp” đầu tiên mà tôi tham dự, cô kể con cô đi học vừa báo cô biết đã kiếm tiền được bằng buôn bán trên mạng rồi làm cô khóc quá chừng. Cô kể cái Hiền học Bác sỹ, đi thực tập, bệnh nhân dúi tiền, noi gương cô nó không nhận. Kỳ này, Hiền lên hát, Hoàng hỗ trợ, một tiết mục thật xúc động, cô con gái hát xong, hai mẹ con ôm nhau nước mắt tuôn trào trên sân khấu. Vì ồn ào tôi chỉ loáng thoáng nghe cô kể, Hiền đi học, cha mẹ không có tiền cho, phải đi làm thêm bằng cách giữ con cho chính cô giáo, không mất tiền trọ, cô còn cho thêm tiền hàng ngày, đủ ăn bữa bánh mỳ, bữa mỳ tôm. Chuyện khắc phục khó khăn, kiên trì học tập để đạt được mục đích như Hiền, cô con gái lớn của cô, chính là bài học làm người.
Hôm sau, lễ chính đã xong, những người còn lại là những người thân thiết nhất với cô, tụ họp quanh cô vừa tổng kết, vừa chuyện trò tâm sự. Ông Đại tá Sử làm MC, tâm sự với mọi người cơ duyên đến với cô rồi giới thiệu tôi. Tôi bảo đời tôi đúng là có số thật vì tôi cứ định một đằng thì số phận lại đẩy tôi đi một nẻo, ngay chuyện đến với cô Hòa cũng vậy, thấy cô Thu Uyên nói láo trên tivi thì tôi viết thôi chứ không có ý viết để rồi gặp cô. Rồi ông Sử gọi điện, hẹn đến nhà, nối máy nói chuyện với cô, thành ra có mối quan hệ với cô như ngày hôm nay. Có điều cơ duyên không thẳng băng mà nó ngoằn nghoèo. Số là có ông Viết Sơn, Đại tá Nhà báo ở báo Quân đội nhân dân, sống ở Hà Nội, đã mê đọc các bài chính luận của tôi, viết thư cho tôi nói là tôi chính là một “phát hiện” của đời ông ấy, cả tháng trời ông ấy luôn tuyên truyền về tôi với người thân, bạn bè và đồng nghiệp khắp nơi, đến nỗi hồi đó mí mắt tôi bị giật khiến tôi phải dán salonpas vào. Rồi ông Sơn này đã chuyển vào ở Quận 2 TPHCM, tôi đã đến gặp và rủ ông ấy đi “chén” một bữa ở đường Trần Não. Ông Sơn đã U80 nên có thời làm “sếp” của chính đ/c Sử của chúng ta. Vì thấy ông Sử viết về cô Hòa, rồi tôi viết về cô Hòa, đã báo cho ông Sử biết, nên mới có chuyện ông Sử liên lạc với tôi. Rắc rối ở chỗ từ chỗ mê tôi, cũng ông Sử cho biết, ông Sơn bảo khi tôi viết về “cái nhà bà ấy” nhiều quá ông ấy chán “đếch thèm đọc” tôi nữa. Ông Sơn đã không liên lạc với tôi từ đấy. Nhưng chuyện đời lại không dễ trôi xuôi, ông Sử lại mới cho tôi biết, thật oái oăm, chính ông Sơn ấy đã bị ung thư. Ông Sử khuyên nên nhờ cô Hòa, đã nối máy cho nói chuyện với cô Hòa. Ông Sơn hỏi cô tình trạng của mình. Cô bảo nói thật sợ bác buồn, bác cần phải ra tận chỗ cô cô chữa cho thì sẽ tốt hơn. Tôi nói với ông Sử thật khó quá, ở chỗ ông không tin cô lắm, lại quen khụng khiệng quan chức, từng tháp tùng cả Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đi khắp nơi, liệu có kiên trì ra chỗ cô vạ vật để chữa bệnh không?
Sau tôi ông Sử giới thiệu ông Phó Tư. Ông Phó Tư là bí thư chi bộ thôn, là chủ nhà cho cô thuê, tâm sự đúng là đã có cơ duyên xếp đặt từ trước nên hôm nay mới đến được với cô. Từ chỗ thấy cô có nhiều chuyện lạ, tự điều tra, hiểu ra, đã phục cô sát đất, xin làm đệ tử theo cô luôn, đã giúp cô chuyện rất quan trọng là ổn định được nơi ăn chốn ở, đại gia đình cô ở khắp hai miền Nam Bắc thuận lợi tụ về. Cô nói mấy câu về ông Tư nhưng chuyện chính cô muốn nói với mọi người là về vợ ông Tư chứ không phải ông Tư. Tôi không nhớ được chi tiết, đại ý cô bảo chị vợ ông Phó Tư là một phụ nữ tuyệt vời. Có chuyện em ruột ông Phó Tư mượn đất, không trả thế nào đó, ông Phó Tư cằn nhằn, vợ ông Phó Tư bảo nhà mình ổn định rồi, chú ấy còn thiếu thì cho chú ấy. Đối xử với người nhà mình như vậy cũng đã là hiếm, ở đây lại là nhà chồng, cách ứng xử của chị Phó Tư đúng là phải bái phục thật. Cô Hòa bắt ông Phó Tư tường trình vụ ông mượn ông em cái lờ bắt cá gì đó. Ông Tư người dân tộc Sán Dìu chân chất, theo đúng phong cách tự nhiên chủ nghĩa của cô Hòa, như cuộc nói chuyện hôm trước cô bảo: “Để cô chuyển ra chỗ này chứ đứng đây nói, mọi người chỉ nhìn thấy đít cô thôi”, ông Tư nói: “Thằng em con nó bảo cái lờ nhà tôi có phải là cái … ba vạ đâu mà cứ …”. Mọi người cười rũ. Vợ ông Tư lại bảo lờ của chú ấy thì trả lại cho chú ấy. Một chuyện nữa khi mẹ ông Phó Tư bị bệnh nặng, vợ ông Phó Tư đã chăm sóc mẹ chồng, làm hết phần của người khác mà không nề hà gì. Lại một tấm gương nữa về bài học làm người.
Đang nói chuyện có một người cỡ trên ba mươi, chắc là người giúp cô chuyện nấu nướng, đến chào cô ra về và có ý muốn công đức những gì mình mang đến. Cô bảo không được, nếu ngày mai muốn cô đến nhà giúp thì phải thanh toán đầy đủ. Người này ra về, nhưng đi được mấy bước cô lại gọi quay lại. Cô nói với mọi người đó là “anh Lê”. Chuyện về nhà “anh Lê” này cũng là những bài học để mọi người suy ngẫm. Cô bảo, anh Lê theo đạo công giáo, cô bảo gần dân công giáo cô thấy rất quý nhiều nét sinh hoạt của họ vì người ta có tín ngưỡng. Riêng chuyện họ không cúng mặn và đốt vàng mã là đã nhẹ gánh cho cô rồi. Bà Ba nói với tôi gần đây khi giận lên cô hay xưng là “ông”, lần này cũng vậy:
-Ông là ông ghét cái quân bên lương nhà mình, nửa ông nửa thằng, nửa tin nửa không, lươn lẹo, mồm vừa xoen xoét hứa đấy về nhà nghe người nọ người kia là lại ngả nghiêng, lại cúng mặn, lại đốt vàng mã. Như nhà anh Lê đây, khi người ta chưa hiểu thì người ta không tin, còn khi đã hiểu là người ta rất tin và không thay đổi.
Cô cho biết nhà anh Lê đây gặp nhiều tai họa, có 7 người con mà đã chết 4 người rồi, thường do ung thư gan. Nhà ở gần khu vực cô nên đã biết và đến hỏi cô. Cô bảo bên công giáo có tập tục người chết là đào sâu chôn chặt, không cải mả, mà mộ nhà anh Lê bị yểm một cái răng bừa, nên nhà anh Lê sẽ bị chết dần, kể cả chính anh Lê. Nếu anh Lê về thuyết phục được gia đình, tin cô làm theo lời cô, đào mộ lấy lên cái răng bừa, cô sẽ cứu. Việc khó như vậy mà anh Lê đã làm được, gia đình đã tin và làm theo lời cô. Cô bảo anh Lê tự trình bầy cho mọi người hiểu. Anh Lê nói:
-Con đội ơn cô đã cứu nhà con. Khi gặp cô con tin ngay, con thề sẽ hy sinh bản thân, sẵn sàng làm trái tập tục để cứu dòng họ nhà con. Từ ngày cô giúp, con thấy nhà con mọi chuyện thông thoáng, bệnh con cũng giảm nhiều.
***
Bài học làm người tưởng dễ hiểu vì đến trẻ con cũng được học những bài luân lý ngay từ cấp I. Nhưng thời đại ngày nay, khi khoa học đã giúp cho người ta hiểu được những tri thức rất cao sâu, tạo ra được một cuộc sống tiện nghi, rất sung sướng, nhưng qua những cách ứng xử, ta thấy có những bài học làm người đơn giản nhất, cơ bản nhất, người ta lại không hiểu. Ngay đến Ngô Bảo Châu, người đã được giải thưởng quốc tế Fields về toán học, tức vào hàng thông minh nhất, cũng như vậy. Ngô Bảo Châu từng tâm sự thích triết lý sống của nhà Phật. Vậy mà một lần Châu kể: “Tôi đưa bà ngoại về phố Bạch Mai… Một vài người nhìn hai bà cháu tôi với ánh mắt thù địch. Tự nhiên nảy ra trong đầu tôi có một ý nghĩ vu vơ, nhưng là một sự tiếc nuối vô bờ cho một ký ức đẹp đẽ tinh khôi đã bị mất, để đổi lại hình ảnh bạc nhược của một đống máy vi tính vô hồn cũ nát, của những chiếc xe máy gỉ sét trong tiệm cầm đồ. Đành rằng, cầm đồ là một loại hình kinh doanh có lợi”. Tôi đã viết, viết vậy chứng tỏ Châu không có Phật tính. Đạo Phật là phá chấp, vị tha chứ không vị ngã, về chốn nguồn cội rưng rưng xúc động, lẽ ra Châu phải thông cảm, xót xa cho những cuộc đời bụi bặm, lam lũ thì lại chấp vào “ánh mắt thù địch” và khinh bạc cuộc sống của họ. Tất nhiên cuộc sống của người làm nghề cầm đồ ở một đất nước còn nhiều yếu kém không thể sung sướng như một ông GS làm thuê cho các ông chủ đại tư bản được. Chưa hết một trí thức có địa vị, có danh tiếng như Châu lẽ ra phải có nhận thức đúng về chính trị xã hội và về lịch sử, tiếc là thực tế Châu đã nói lăng nhăng quá nhiều nên đã từng bị ném đá đến nỗi phải đóng blog!
Ngay trong đại gia đình tâm đức của cô Vũ Thị Hòa, ai cũng kính trọng, bái phục cô, nhưng tại sao cô thường gọi cho tôi nói là chán quá không muốn gặp ai nữa, cô còn bắt tôi viết thông báo không chỉ một lần. Có lần cô còn “trốn đi”, cắt đứt mọi liên hệ, chỉ giữ liên hệ với Hiền, cô con gái cả, Hường, cô hàng xóm, và người để cô tâm sự chính là tôi. Một kỷ niệm về cô sẽ không bao giờ quên được. Đó là lần cô lấy lá cọ làm mái che, thiền bên bờ suối giữa rừng gần nửa tháng liền, cô bảo khi đó cô ở cõi âm, không nói chuyện điện thoại với tôi được mà chỉ nhắn tin thôi:
Đó chính là thời điểm Trung Quốc đặt giàn khoan 981 trái phép tại vùng biển của nước ta. Tôi thật lo lắng bởi có lúc cô còn muốn “đi luôn”, không muốn trở lại cõi phàm tội lỗi nữa:

          Vì vậy nhiều khi cô vui cười đấy nhưng là gượng theo đời phàm, cô chỉ vui thực sự khi mọi người hiểu và hành đúng đạo lý làm người.
          27-2-2016
          ĐÔNG LA