Tôi viết chữ từ biệt Thủ tướng Nguyễn
Tấn Dũng vì ngày mai vĩnh viễn không còn cái tên này nữa mà chỉ còn là cái tên “nguyên” hoặc “cựu” Thủ tướng. Lời nhắn
nhủ của ông cách đây vài ngày cho “lính” của ông “ráng làm người tử tế” đã làm
dậy sóng dư luận. Theo tôi đây là câu nói hớ vì sự tử tế phải là tự bản chất,
tự nhiên, còn làm quan mà phải “ráng tử tế” thì “chết mẹ nó” dân rồi! Vì con
người ta chỉ ráng trước những lúc cần thiết chứ không ai có thể ráng suốt đời
được.
Tôi thường không chạy theo dư luận
mà viết ngược lại dư luận, không phải lập dị để gây chú ý mà muốn người ta
nhận thức sự thật khách quan hơn. Ngay khi ông Nguyễn Tấn Dũng nhận chức Thủ
tướng, trả lời trực tuyến, dư luận hân hoan, tin tưởng, tôi đã viết bài phản
biện. Phản biện là phân tích, phê phán một cách khách quan có tính xây dựng
khác với phản bội cũng phê phán nhưng không khách quan để chống đối, lật đổ.
Hồi Vinashin, dư luận theo đuôi nghị Thuyết, nghị Quốc công kích và đòi ông
từ chức, tôi lại “bênh” ông, chỉ ra cho mọi người thấy khách quan hơn sự sai
phạm ở Vinashin. Gần đây nhất lực lượng chống đối đã đồng ca bơm thổi ông,
muốn ông như Enxin ở Nga, muốn Chính phủ đảo chính Đảng, lật đổ thể chế,
nhưng rồi ông lại đưa ra một lá thư như thùng nước lạnh dập tắt ngọn lửa kích
động trên, khi ông xin “không tái cử”, khẳng định cha, chú, cậu, cha vợ mình
đều là liệt sĩ, bản thân ông còn mang trong mình hơn 10 mảnh đạn của Mỹ, ông
không thể phản bội lại con đường mà ông đã chọn, đã gắn bó bằng cả máu xương.
Khách
quan nhận xét, với hai nhiệm kỳ thủ tướng của Nguyễn Tấn Dũng, thành tựu nổi
bật của nước ta là ngoại giao, hội nhập sâu rộng hơn trên trường quốc tế, đặc
biệt quan trọng là với Mỹ để tạo thế ứng xử với Trung Quốc; nhưng còn nguyên
đó giặc tham nhũng, lãng phí, việc hình thành và phát triển các nhóm lợi ích
và trình độ mọi mặt xã hội còn kém. Như khoa học công nghệ còn kém nên nền
kinh tế không vững, năng suất thấp, sức cạnh tranh kém, nhiều doanh nghiệp
nhà nước kém hiệu quả, nợ
công tăng; trình độ
pháp luật cũng kém, nhiều cán bộ và cơ quan sai trái gây bức xúc trong dân
chúng, làm việc khiếu kiện tăng, kể cả biểu tình, tạo cớ cho lực lượng chống
phá hoạt động.
Hôm nay,
tôi đăng lại bài phản biện ngay khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mới nhận chức,
bài viết đã 10 năm nhưng tính thời sự của nó xem chừng còn lâu nữa.
6-4-2016
ĐÔNG LA
|
ĐÔNG LA
VÀI SUY NGHĨ VỀ CUỘC
ĐỐI THOẠI CỦA THỦ TƯỚNG
Đọc Đông La tôi
không thể không liên tưởng tới rượu Pháp có năm đặc biệt ngon được liệt kê là
có "niên hiệu" (millésime). Bài bình luận về những câu trả lời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, theo tôi, đáng được "millésimé
năm heo vàng” (Talawas, Phong Uyên - Việt kiều Pháp).
Mấy hôm nay cả nước râm ran về chuyện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đối thoại trực
tuyến với người dân, một việc chưa có trong tiền lệ. Nói chung, mọi người đều
phấn khởi
và thỏa mãn trước hình
ảnh của một thủ tướng trẻ trung, khỏe mạnh, cởi mở và đặc biệt là phong thái tự
tin, ông trả lời “vo” không cần giấy tờ 3 tiếng liền cụ thể, không né tránh tất
cả những câu hỏi từ chuyện đại sự quốc gia cho đến chuyện riêng tư của gia đình
ông. Sau một thời gian ngắn giữ chức, hành động ông cho một loạt cán bộ cao cấp
đã đến tuổi về hưu, hoạt động sôi nổi của vài vị bộ trưởng mới, cộng với hình
ảnh của chính ông trong những ngày hôm nay đã tạo nên một luồng gió mới trong
không khí chính trị ở Việt Nam .
Cỗ xe kinh tế Việt Nam trên con đường tới tương lai đã có trớn, với điều kiện
mới (vô WTO, đầu tư tăng vọt) và người cầm lái mới, nó sẽ chạy nhanh hơn là
điều hoàn toàn có cơ sở. Nhìn đại thể người dân có quyền hy vọng. Không chỉ là
một người cầm bút mà còn là người của những việc cụ thể, nên tôi cũng đánh giá
rất cao thành tựu của Việt Nam hôm nay, cũng có rất nhiều hy vọng ở Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng, nhưng tôi vẫn viết bài này.
Nền kinh tế của chúng ta có chỉ số phát triển cao, nhưng lại là một nền kinh tế
nhỏ. Có lẽ không ai không ưu tư trước nhận định của ông IL Houng Lee, Trưởng
Đại diện IMF tại Việt Nam : “Việt Nam có thể mất
18 năm để đuổi kịp Indonesia, 34 năm với Thái Lan và 197 năm với Singapore nếu
dựa trên giả thiết tất cả các nước trên giữ được tỷ lệ phát triển trung bình
như trong 10 năm qua” (VietNam.net, 15/03/2006).
Chắc chắn tố chất con người Việt Nam không thể thua kém người các
nước trên nhiều lần như thế, như vậy sự tụt hậu chỉ có thể do cơ chế vận hành
xã hội của chúng ta thua kém họ. Vậy để tránh tụt hậu, chúng ta không thể tự
thỏa mãn với những gì đã có, mà chúng ta buộc phải có cái nhìn nghiêm khắc hơn
về thực tại, nhìn sâu hơn vào bản chất của những vấn đề, mới mong tìm ra được
những động lực mới, mạnh hơn cho sự phát triển. Từ cái yêu cầu cao như thế, tôi
thấy thực tế những vấn đề kinh tế xã hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày,
trả lời vừa qua, các vị tiền nhiệm cũng từng nói hay không kém, thế nhưng những
trì trệ vẫn luôn dai dẳng tồn tại.
Khi đánh giá một cách khái quát nhất, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho kinh tế xã
hội Việt Nam là ổn định và tăng trưởng cao, năm 2006 GDP tăng gần 8.2%. Đây là
kết quả tốt đẹp không ai có thể phủ nhận. Nhưng đi sâu vào phân tích vẫn có
nhiều vấn đề cần nói. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy năm nay chỉ số giá
cả hàng hóa (CPI) tăng khoảng 6,6%, năm đầu tiên trong 3 năm gần đây đã bảo đảm
mục tiêu tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thấp hơn tốc độ tăng trưởng
kinh tế (Năm 2004, tốc độ tăng CPI là 9,5%; năm 2005 là 8,4%). Mặc dù vậy, so
với nhiều nước trên thế giới, tốc độ tăng CPI của Việt Nam là rất cao.
Như vậy chất lượng tăng trưởng của ta chưa cao. Tăng GDP là quan trọng nhưng
cái quyết định cho cuộc sống tốt đẹp lên lại chính là cái chất lượng ấy. Có đặc
điểm chung của kinh tế thị trường là phân phối lợi ích tăng trưởng không đều mà
theo hình kim tự tháp: giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền. Sự tăng
trưởng ở ta đang nghiêng về công nghiệp và dịch vụ, điều này là tốt bởi của cải
làm ra đỡ đổ mồ hôi hơn, nhưng tỉ lệ lao động nông nghiệp ở ta vẫn chiếm trên
70%, nghĩa là người được hưởng lợi ích của tăng trưởng là con số nhỏ. Chất
lượng của tăng trưởng cũng phụ thuộc vào sản phẩm của đầu tư. Có những công
trình tiêu tiền thật nhưng làm xong chỉ được chất lượng giả, bởi sụt, lún, nứt.
Chất lượng tăng trưởng còn nằm ở giá trị công nghệ mới. Ấn Độ có 4% GDP do công
nghệ cao tạo ra. Tại Việt Nam
chưa đến 1%. Mà 1% này là do lao động thô: vặn ốc-vít, lắp ráp, gia công ra sản
phẩm công nghệ cao chứ không phải chế tạo ra chúng.
Với câu hỏi: “Thủ tướng nghĩ thế nào khi có nhận định cho rằng doanh nghiệp
nhà nước yếu kém gây thiệt hại cho nền kinh tế. Việc “Tập đoàn hoá các Tổng
công ty nhà nước hiện nay là không giống ai, bình mới rượu cũ, thậm chí phình
thêm bộ máy, nhân sự, không đúng với bản chất của một tập đoàn kinh tế”?
(Phạm Trường Hà, Đinh Toàn Thắng (Hà Nội)),
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời:
“… nhận định như thế là không
khách quan và không đúng thực tế… Tuy các doanh nghiệp nhà nước còn nhiều yếu
kém… nhưng nói một cách sòng phẳng… đã có những đóng góp xứng đáng vào sự
nghiệp phát triển của đất nước… Từ năm 1986 chuyển từ cơ chế tập trung quan liêu
bao cấp sang cơ chế thị trường… đã có nhiều đổi mới để phù hợp và đến nay đã
thành công. Đến nay các doanh nghiệp nhà nước đã hoạt động hoàn toàn… bình
đẳng với các doanh nghiệp khác… Năm 2006 vừa qua, doanh nghiệp nhà nước đã đóng
góp 30% vào GDP, chiếm gần 40% ngân sách và chiếm 50% giá trị xuất khẩu trong
nền kinh tế… Hiện nay đánh giá doanh nghiệp nhà nước là đánh giá từ hiệu quả,
hiệu quả sản xuất kinh tế, hiệu quả doanh số, hiệu quả theo đồng vốn. Đến nay,
chúng ta có 104 tập đoàn nhà nước, tất cả đều hoạt động tốt có hiệu quả, tốc độ
tăng trưởng gần 12%”.
Câu hỏi trên xuất phát từ thực tế là tại sao doanh nghiệp nhà nước hoạt động
kém hiệu quả hơn so với dân doanh, trong khi thực chất doanh nghiệp nhà nước
không hoàn toàn bình đẳng mà luôn chiếm ưu thế tuyệt đối về các điều kiện kinh
doanh: về lĩnh vực, ngành nghề, về vốn, về cơ hội kinh doanh, về thông tin, về
trụ sở, về mặt bằng… Những lĩnh vực trọng yếu, những ngành mũi nhọn đều thuộc
về Nhà nước. Ví dụ cả nước ta có “hũ gạo” lớn nhất là ngành dầu khí thì thuộc
về doanh nghiệp nhà nước, hàng năm thu nhập riêng ngành này đã chiếm đến gần ¼
tổng thu ngân sách nhà nước rồi. Tôi không có số liệu của năm 2006, nhưng năm
2005, theo VietNam.net (23-02-2006): “Những con số
thống kê còn cho thấy: kinh tế nhà nước… So với khu vực dân doanh và đầu tư
nước ngoài, từ 1996 luôn có tốc độ tăng đầu tư cao nhất, ứng với tốc độ tăng
GDP thấp nhất, chưa nhích lên được. Tình hình năm 2005 rất điển hình: giá trị
sản xuất công nghiệp … ngoài quốc doanh tăng 24,1%, đầu tư nước ngoài 20,9%,
doanh nghiệp nhà nước 8,7% (8,7% là tốc độ cao nhất từ 1996-2005). Như thế là
hiệu quả của kinh tế nhà nước thấp hơn”.
Một câu hỏi khác: “Thưa Thủ tướng, một số vị Bộ trưởng hiện nay khả năng yếu
kém, bất tài, dư luận đã lên tiếng chỉ trích nhưng vẫn đương chức đương quyền.
Vậy Thủ tướng có động thái gì, cải đổi gì và phải thay đổi chính sách sử dụng,
bổ nhiệm nhân sự hiện nay như thế nào để có được người có tài, có tâm phục vụ
đất nước? (Tạ Anh Tuấn, Ngô
Văn Nghị (TP. Hồ Chí Minh).
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:
“Tôi cho rằng nhận xét một số vị Bộ trưởng hiện nay khả năng yếu kém bất tài
là không công bằng và không đúng thực tế… Hiện chính phủ có 26 vị Bộ trưởng,
mỗi người đều có ưu và khuyết, có mặt mạnh và có mặt yếu… Nhưng nghiêm túc nhìn
nhận thì mặt mạnh, mặt ưu là chủ yếu”.
Thật khó thấy các vị bộ trưởng ở ta “có mặt mạnh mặt yếu… nhưng mặt mạnh là
chủ yếu” khi đối chiếu với thực tại: tai nạn giao thông ở ta mỗi ngày làm
chết từ 30-40 người y như chúng ta đang tham gia một cuộc chiến nhỏ vậy. Nhìn
lại thời gian qua, cũng khó nói các vị bộ trưởng mạnh khi tất cả các bộ, ban,
ngành đều có dính đến tham nhũng và vi phạm pháp luật, đặc biệt có cả các vị
thứ trưởng đứng sát nách bộ trưởng cũng vi phạm, có sự phạm pháp còn mang tính
liên minh kiểu ma-fi-a: từ công an, kiểm sát, tòa án đến báo chí (như vụ Năm
Cam chẳng hạn).
Để chọn người tài, trả lời một câu hỏi, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Các
bạn có hỏi là phải làm gì để có chính sách sử dụng, bồi dưỡng nhân sự, đưa thêm
những người có tài, có tâm vào bộ máy Nhà nước. Để chọn người có tâm có tài vào
bộ máy Nhà nước, không có cách nào khác là phải dân chủ. Xét cho cùng, dù áp
dụng quy trình nào, biện pháp nào, kể cả thi tuyển thì đều phải dân chủ thì mới
thực sự chọn được người có tâm có tài vào bộ máy Nhà nước”…
Hiểu được giá trị dân chủ không khó, cái khó chính là làm thế nào để thực hiện
được dân chủ. Chưa bao giờ xã hội ta không coi trọng dân chủ, chúng ta đã nói
quá hay về dân chủ với mục tiêu tối thượng xây dựng một xã hội: “dân giàu,
nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”; xây dựng một xã hội mà vị
trí của người dân: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; chúng ta
cũng muốn xây dựng một chính quyền theo hình mẫu đã trở thành giá trị chung của
nhân loại “chính quyền của dân, do dân và vì dân” theo định nghĩa về dân
chủ của Abraham Lincoln. Chúng ta còn còn nói hay hơn nữa: “mỗi cán bộ là
đầy tớ của nhân dân”… Vậy tại sao xã hội ta có quá nhiều cán bộ không vì
dân mà vì mình, một người làm quan cả họ được nhờ. Không khó kiếm những người
có vị trí cao đã tạo liên minh, liên kết giữ vững quyền lực. Tôi có ba người
bạn học cùng khóa đầu tiên trường Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh sau ngày giải
phóng, một người không say mê khoa học mà chỉ say mê đá bóng, sau đó anh chàng
lấy con ông phó chủ tịch một thành phố lớn, sau hơn hai chục năm, chính anh
chàng này thay thế vị trí ông bố vợ mình, nhiều người nói như thế còn tốt chán
bởi nó có học thật; nhưng rồi “có công” giúp đỡ cho việc nhập nhằng tiền bạc
trong công trình đại lộ Đông - Tây đã “được” cho đi học nâng cao trình độ rồi;
anh bạn thứ hai không chỉ cùng khóa mà cùng lớp, so mọi mặt về đầu óc thì tôi
hoàn toàn tự tin nói anh ta không thể so sánh với tôi được, anh bạn con giám
đốc sở một tỉnh, ra trường về quê rồi dần dần cũng trở thành giám đốc sở, nhiều
năm là đại biểu Quốc hội, được đi họp Đại hội Đảng toàn quốc, có vài lần gặp
nhau, anh chàng khoe chụp hình chung với các nhà lãnh đạo, tôi hỏi: “Sao mày đi họp Quốc
hội luôn mà tao thấy không bao giờ phát biểu gì vậy?”, anh bạn trả lời: “Đến thầy mình (thầy chúng tôi là GS. Chu Phạm
Ngọc Sơn cũng là đại biểu Quốc hội – ĐL thêm) nói cũng khó huống
chi là mình; người thứ ba không rõ con cháu nhà ai, ra trường dần dần trở
thành chủ tịch Vũng Tàu - Côn Đảo, sau dính đến chuyện đất đai đã bị mất chức.
Thật khó nói dân chủ khi có quá nhiều cán bộ đã biến cơ quan thành một vương
triều nhỏ (cơ quan tôi từng làm là như vậy), biến cơ quan thành nhà mình, lập
ra những công ty gia đình. Cũng khó nói dân chủ khi xã hội chưa bao giờ hết
quan liêu, cửa quyền. Ở ta, thực tế quyền dân chủ của người dân thể hiện cụ thể
nhất là quyền bầu cử. Nhưng những chức vụ Đảng và chính quyền chủ yếu do sự sắp
xếp của các cơ quan tổ chức cán bộ, người dân có đi bầu cũng là lựa chọn trong
phạm vi đó, có mấy người do dân cử, tự ứng cử mà thành công?
Một phương thức thực hiện dân chủ quan trọng đó là tự do ngôn luận trên các
phương tiện thông tin đại chúng. Với câu hỏi: “Kính chào Thủ tướng! Vì sao
Thủ tướng lại ký chỉ thị nghiêm cấm tư nhân hoá báo chí dưới mọi hình thức? Như
vậy, có đi ngược lại mục tiêu tự do dân chủ mà Thủ tướng phấn đấu hay không?” (Pham Duong Quoc Tuan).
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời:
“Đúng là… tôi đã ký chỉ thị tăng cường quản lý báo chí nhằm phát huy tối đa,
phát huy tốt nhất vai trò của báo chí trong sự nghiệp phát triển của đất nước.
Trong Chỉ thị có một điều quy định nghiêm cấm tư nhân hóa báo chí dưới mọi hình
thức, và nghiêm cấm không để bất cứ một thế lực nào chi phối hoạt động của báo
chí vì lợi ích riêng, trái pháp luật, gây phương hại đến lợi ích đất nước. Chỉ
thị này của Thủ tướng Chính phủ phù hợp với pháp luật Việt Nam (pháp luật
nước ta chưa cho phép tư nhân hóa báo chí) cũng là phù hợp với tuyệt đại đa số
nguyện vọng của nhân dân, đồng bào ta… Mong muốn của Đảng, Nhà nước ta là mỗi
tờ báo, tạp chí, đài phát thanh và truyền hình (nước ta hiện nay có hơn 600 tờ
báo) phải là cơ quan ngôn luận, diễn đàn dân chủ của nhân dân, phải là ngọn cờ
chiến đấu của dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân
chủ, văn minh…”.
Tôi thấy câu trả lời của thủ tướng hoàn toàn đúng đắn, bởi đã là một công dân
Việt Nam thì cần phải chấp
hành pháp luật phù hợp với thực tế Việt Nam . Có điều để hiểu cho thấu đáo ý
“các báo đài phải là cơ quan ngôn luận, diễn đàn dân chủ của nhân dân”
của thủ tướng là một việc khó. Trong thực tế, các báo đài vẫn nghiêng về chức
năng công cụ của Đảng và Nhà nước, những tác phẩm, những bài viết làm tốt chức
năng này luôn được cổ võ, ưu ái. Những tác phẩm, bài viết thực hiện một cách
sâu sắc quyền làm chủ, như công khai tư tưởng, sự phản biện những vấn đề thuộc
ý thức hệ, chủ trương chính sách,… rất khó được xuất hiện. Những điều này trước
đây có thể là những vùng cấm kỵ, nhưng thực tiễn của của công cuộc đổi mới đã
chứng tỏ không có gì là bất biến, không có gì là bất khả xâm phạm, kể từ những
nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin đến phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa
đều đã phải thay đổi theo thực tế. Mà sự thay đổi không phải xuất phát từ các
nhà lãnh đạo, các học viện, các nhà lý luận mà lại xuất phát từ những con người
cọ sát trực tiếp với đời sống, tức từ nhân dân. Như vậy, thực hiện đầy đủ quyền
làm chủ về tư tưởng của nhân dân có giá trị rất lớn đối với sự phát triển của
đất nước. Tiếc là trong thực tế vẫn có khuynh hướng đồng nhất những người có
tâm huyết, trách nhiệm với những người chống đối, coi những bài viết nói thẳng
nói thật giống với những bài xuyên tạc.
Về quốc nạn tham nhũng, với câu hỏi “Thưa
Thủ tướng, Thủ tướng sẽ thể hiện quan điểm Sắt và Sạch như thế nào trong việc
chống tham nhũng?” (Lê Thanh (40 tuổi, Nghệ An), Trần Văn Thanh (36 tuổi,
An Giang), Tống Mai Sang (18 tuổi, Hà Nội), Vũ Sang (19 tuổi, TP. Hồ Chí Minh),
Lê Công (17 tuổi, TP. Hồ Chí Minh), Tạ Vinh (Việt kiều châu Âu)…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời:
“… theo tôi, người lãnh đạo
muốn chống được tham nhũng thì phải có được mấy điều kiện: Thứ nhất là, phải có
quyết tâm chống tham nhũng… phải dám chống tham nhũng dù bất cứ kẻ tham nhũng
là ai, ở vị trí nào, không sợ phức tạp, không sợ bị trù úm, trả thù, mất ghế…
Thứ hai, bản thân anh phải không tham nhũng, không dính đến tham nhũng, không
bao che tham nhũng mới kiên quyết được… phải hiểu biết luật pháp, làm đúng luật
pháp. Đương nhiên, tham nhũng là có tội, nhưng không dám chống tham nhũng hay
chống tham nhũng mà không đúng luật pháp cũng là có tội. Theo tôi, cái khó nhất
trong chống tham nhũng nói gọn lại là ngân sách chưa đủ lo cho đời sống của
công chức. Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ đảng viên, công chức không gương
mẫu, không quyết liệt chống tham nhũng… Thứ hai, Chính phủ đang tập trung chỉ
đạo rà soát các cơ chế, thể chế, thủ tục để bổ sung, hoàn thiện, nhằm ngăn
ngừa, phòng chống tham nhũng…”.
Tôi
tâm đắc nhất hai ý của Thủ tướng, muốn chống tham nhũng “bản thân anh phải
không tham nhũng, không bao che tham nhũng, không dám chống là có tội”. Qua
câu trả lời của thủ tướng, không ai nghi ngờ quyết tâm chống tham nhũng của
ông, có điều những vị tiền nhiệm của thủ tướng cũng quyết tâm không kém, nhưng
tại sao tham nhũng vẫn mãi là quốc nạn. Như vậy, không thể chống tham nhũng chỉ
bằng tinh thần và tình cảm mà phải bằng biện pháp được thể chế hóa. Không hiểu
sao cái công cụ hữu dụng nhất là minh bạch hóa mà các nước tiên tiến đã sử dụng
như: công khai tài sản, công khai thu nhập, công khai chi tiêu thông qua thẻ
tín dụng, nhưng chúng ta không làm triệt để mà chỉ tiến hành nửa vời hình thức.
Chúng ta có đầy đủ lực lượng thực thi pháp luật nhưng lại đặt dưới sự lãnh đạo
toàn diện của Đảng. Sự lãnh đạo toàn diện nếu mọi người đều đồng lòng hướng về
điều tốt sẽ tạo ra sức mạnh vô địch, nhưng cũng có chuyện ngược lại, người ta
cũng hoàn toàn có thể liên minh toàn diện để làm điều xấu. Vụ Năm Cam đã dẫn là
một ví dụ. Vậy theo tôi, dù xã hội ta dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng nhưng
vẫn cần phải tạo ra những hình thức sao đó, để mọi hoạt động của mỗi cơ quan
đều có sự giám sát lẫn nhau, không thể phạm pháp được. Vừa qua, rất nhiều vụ án
lớn không phải do các cơ quan thực thi pháp luật phát hiện mà chủ yếu những vụ
đó như những nhọt bọc tự bung vỡ người ta mới thấy: như nợ ngân hàng không trả
được, riêng vụ Năm Cam nếu Hải Bánh không giết Dung Hà chắc bây giờ vẫn chưa bị
phát hiện. Như vậy, còn biết bao vụ phạm pháp được che chắn kỹ như những căn
bệnh mãn tính vẫn đang hàng ngày làm mục ruỗng nền kinh tế cũng như sức mạnh
của đất nước chúng ta? Cuộc chiến chống tham nhũng còn cam go, bởi bài toán về
tiền lương chưa giải được, không ai phấn đấu lên quan chức chỉ để lĩnh đồng
lương kém thu nhập của những bà tiểu thương ở các chợ. Kinh nghiệm chống tham
nhũng của ông Lý Quang Diệu ở Singapore cũng rất chú ý điều đó, ngoài khả năng
chuyên môn, ông chọn những người gia đình có công việc ổn định, thu nhập khá
vào nội các để toàn tâm phục vụ đất nước. Còn ở ta, nhiều cán bộ sử dụng cái
ghế làm công cụ sản xuất.
Về giáo dục, với một câu hỏi, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời:
““Nhân tài là nguyên khí
quốc gia”, “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, ông cha ta đã đúc kết chân lý
như vậy. Đảng và Nhà nước đã coi giáo dục là quốc sách hàng đầu. Trong suốt
những năm đổi mới vừa qua, chúng ta đã tập trung phát triển giáo dục đào tạo.
Nói một cách công bằng, nếu không quan tâm đến giáo dục đào tạo, chúng ta không
có nguồn nhân lực như hiện nay, không thể đạt được những thành tựu trong quá
trình đổi mới. Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến người nghèo, để tạo
điều kiện cho đồng bào ta như Bác Hồ mong muốn “người nghèo cũng được đi học”.
Đây là mục tiêu, bản chất của chế độ ta”.
Dưới thời Bộ trưởng giáo dục Nguyễn Minh Hiển, ngành giáo dục nước ta có quá nhiều
chuyện quái lạ: có học sinh học cấp hai chưa biết đánh vần, có học sinh học dốt
muốn trượt không được, có học sinh không làm được bài thì hát một bài thầy sẽ
cho điểm cao. Bộ trưởng mới Nguyễn Thiện Nhân mới lên một thời gian đã có công
hạ được chỉ số khá giỏi của học sinh xuống cho gần với sự thực. Nhưng nhiệm vụ
chính của bất kể ông bộ trưởng nào cũng phải làm là đưa chất lượng thực của học
sinh lên chứ không phải kéo xuống. Có lẽ ông Nguyễn Thiện Nhân bận quá còn chưa
có nhiều giải pháp cụ thể cho điều này. Như tôi đã viết vài lần về giáo dục,
cái quan trọng nhất là chúng ta cần phải thay đổi chiến lược đào tạo, phải dạy
cho học sinh hiểu biết chứ không phải thuộc bài, thi cử nhắm vào hiểu biết chứ
không phải thi thuộc bài, cần tạo cho các em tăng tính độc lập suy nghĩ, sáng
tạo, học một biết mười chứ không phải học mười biết một như hiện nay; còn giáo
dục đại học cần phải gắn học đi đôi với hành nhiều hơn, chương trình ở ta nhiều
thứ sinh viên học xong không biết để làm gì, ngược lại, thực tế cần quá nhiều
thứ sinh viên lại chưa được học. Thật buồn khi đến tận hôm nay, một công trình
lớn, một dây chuyền công nghệ lớn, ta đều phải dựa vào trí tuệ nước ngoài, ai
học hóa sẽ thấy ta chỉ làm được vài hóa chất đơn giản, còn những nguyên liệu
cao cấp cho ngành dược, thuốc trừ sâu, ta vẫn phải nhập hoàn toàn, nhiều sản
phẩm thuốc của ta đều là gia công, các sản phẩm công nghệ cao cũng là gia công.
Đóng góp vào ngân sách chủ yếu vẫn là sản phẩm của tài nguyên, khoáng sản, dịch
vụ, gia công, sản phẩm hoạt động cơ bắp chứ không phải sản phẩm của trí tuệ.
Chính vậy, nền kinh tế của ta mãi là nhỏ. Chỉ số phát triển nền kinh tế của ta
là cao nhưng lại của một nền sản xuất nhỏ, như 10% của 1 triệu chẳng thấm gì
khi so với 1% của 1 tỷ.
Không có sự phát triển đột biến về trí tuệ của nguồn nhân lực để tạo ra một nền
kinh tế tri thức thì chúng ta, không phải như ông Trưởng Đại diện Quĩ Tiền tệ
quốc tế (IMF) tại Việt Nam, IL Houng Lee nói: 197 năm nữa mình sẽ
đuổi kịp Singapore mà là mãi mãi, vì người ta có dừng lại cho mình theo kịp
đâu.
TP
Hồ Chí Minh,
14-2-2007.