Thứ Hai, 6 tháng 6, 2016

ĐÔNG LA BÀO CHỮA CHO BOB KERREY

ĐÔNG LA
BÀO CHỮA CHO BOB KERREY

Vừa rồi, một độc giả ở Củ Chi, cũng là một tác giả viết trên báo Văn nghệ TPHCM mà tôi đã gặp ở tòa soạn, tôi cũng thấy ông có bài trên trang Sách hiếm và được trang Google Tiên Lãng giới thiệu là “cộng tác viên thân thiết”, đã gọi điện bảo tôi nên có ý kiến về vụ ông Bob Kerrey được Mỹ bổ nhiệm làm Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam. Cách đây mấy năm gặp lại một anh bạn cùng cơ quan, từng học vật lý khoe cùng lứa và làm cùng Viện Kỹ thuật Quân sự với Nguyễn Quang A, bảo trước những vấn đề tranh cãi thường đợi ý kiến của tôi để hiểu cho đúng hơn, và gần đây nhất, một chị độc giả trên facebook cũng nhắc lại ý y như ông bạn trên.
          Vậy thì tôi sẽ có ý kiến về vụ ông Bob Kerrey.
          Trước hết là tôi buồn cười vì trước một việc đơn giản thế tại sao lại có những ý kiến ngược nhau đến vậy?
          Khác với những dư luận về những vấn đề nóng trước đây thường có những ý kiến của những người kiếm cớ gây rối, họ sẵn sàng xuyên tạc, kích động, ý kiến lần này về vị Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam là những ý kiến chân thực của nhiều người đủ các thành phần. Trong các ý kiến phản đối có cả ý kiến của nhà ngoại giao đã đi vào lịch sử là bà Nguyễn Thị Bình và một nhà ngoại giao nữ khác cũng rất nổi tiếng là bà Tôn Nữ Thị Ninh. Chính vì thế tôi mới e ngại về nhận thức của dân VN. Đó là nhận thức thiên về cảm tính, chú ý cái nhìn thấy, cái hiện tượng mà không nhận ra bản chất sâu xa của các vấn đề, tức không có cái nhìn tổng thể, biện chứng. Có lẽ đây chính là nguyên nhân sâu xa nhất của những sự yếu kém của xã hội VN và chính vì vậy mà còn lâu chúng ta mới tiến lên chủ nghĩa xã hội được.
          ***
          Trước kết ai cũng nhất trí đối với cả nước Mỹ “khép lại quá khứ hướng tới tương lai” tại sao lại không “khép lại” với Bob Kerrey?
          Nếu cho vì Bob Kerrey đã gây ra tội ác vậy những người chủ mưu đại diện cho cả nước Mỹ gây ra cuộc chiến, những quan chức, tướng lĩnh trực tiếp chỉ huy cuộc chiến không có tội sao? Chúng ta nhất trí tha thứ cho họ sao lại không tha thứ cho Bob Kerrey khi thực chất Bob Kerrey chỉ là một công dân thực hiện nghĩa vụ đối với nước Mỹ?
          Những người chống Bob Kerrey cần noi gương cách ứng xử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
McNamara, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, từng được coi là "kiến trúc sư trưởng" của chiến tranh Việt Nam, với chiến lược “giết chết những gì động đậy, phá sập những gì bất động” để đẩy Việt Nam vào “thời kỳ đồ đá”. Nhưng ngày 9/11/1995, tại nhà khách Bộ Quốc phòng VN, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tiếp ông ta, khiến ông ta phải xúc động. Khi trả lời báo chí ông ta nói: "Tôi thực sự xúc động khi quay trở lại Việt Nam, điều mà tôi từng mong ước 21 năm qua. Thời gian quả là dài nhưng nó giúp con người ta nguôi đi những dằn vặt về những việc đã làm. Điều đó làm tôi thực sự cảm động là tôi không hề thấy sự thù hận nào trong ánh mắt của người Việt Nan đối với tôi”. Chưa hết, ngày 23/6/1997, tại nhà khách Chính Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại tiếp Robert McNamara. Cuộc gặp diễn ra như hoạt động cuối cùng của cuộc Hội thảo Việt - Mỹ với mục đích từ quá khứ đau thương rút ra những bài học cho tương lai. Về ngày 4/8/1964, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói với ông McNamara là Mỹ đã ngụy tạo chứng cớ Hải quân Việt Nam tiến công chiến hạm Maddox để mở màn cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc và trực tiếp đổ quân Mỹ vào Việt Nam. Đại tướng nói: “Tôi nói thẳng rằng: “Chính sách (mở rộng chiến tranh của Mỹ) quyết định rồi nhưng phải tìm một cái cớ đưa ra Quốc hội!” Ông McNamara chưa chấp nhận sự thật đã bật dậy ngắt lời: “Xin lỗi Đại tướng, ngài nói không đúng”. Dù vậy, lúc chia tay, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn thân thiện bắt tay ông ta và nói: “Bắt tay một con người dũng cảm và có thiện chí”.
Nếu phản đối việc bổ nhiệm Bob Krrey làm Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam sao không ai phản đối Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp McNamara, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ?
Cao hơn cả Robert McNamara, chủ mưu của chiến tranh VN chính là những lãnh đạo cao nhất nước Mỹ, với học thuyết Domino, chống lại sự bành trướng cộng sản ở châu Á. Và không chỉ thế mà còn vì Đông Nam Á là "một trong những khu vực giàu có nhất thế giới, một khu vực Mỹ phải nắm lấy bằng bất kỳ giá nào".  Mỹ đã nặn ra chế độ VNCH kèm theo các kế hoạch quân sự. Trước hết là Kế hoạch Staley-Taylor (hay chiến tranh đặc biệt) với việc sử dụng quân lực Việt Nam Cộng hòa + vũ khí Mỹ + cố vấn Mỹ. Nhưng rồi Ngô Đình Diệm bị đảo chính và bị giết, cộng với các thất bại liên tiếp trên chiến trường, năm 1965, chính phủ Mỹ đã quyết định hủy bỏ kế hoạch Staley-Taylor và đưa quân đội Mỹ sang trực tiếp tham chiến tại VN, thực hiện chiến lược Chiến tranh cục bộ. Đó là một  dạng "chiến tranh hạn chế" với mục đích tiêu diệt quân Giải phóng miền Nam, rồi sẽ tiến hành thương lượng hoà bình để buộc Việt Nam Dân chủ Cộng hoà chấp nhận những điều kiện mà Mỹ đưa ra. Nhưng Mỹ đã bị sa lầy và cuối cùng phải chịu thất bại cay đắng với một núi tiền của hao tốn và gần 60.000 người Mỹ thiệt mạng, còn làm chết gần 3 triệu người Việt Nam ở cả hai miền Nam Bắc.
Dù vậy các nhà lãnh đạo cao nhất ở nước ta ở các thời kỳ đều thống nhất chủ trương quan hệ ngoại giao với Mỹ là khép lại quá khứ hướng tới tương lai. Không chỉ vì lòng nhân đạo, tính vị tha đơn thuần mà còn vì ta quyết tâm thực hiện chiến lược ngoại giao đa phương, làm bạn với tất cả vì lợi ích, sự ổn định và phát triển của đất nước.
***
Nếu tính đúng sai của pháp lý, của đạo lý của loài người giống như quy luật vật lý, là 1+1=2 thì không chỉ Bob Kerrey mà cả McNamara, cả mấy đời TT Mỹ, v.v… phải đứng trước vành móng ngựa. Tiếc là đến tận thời điểm hiện tại chân lý dù không hoàn toàn nhưng vẫn có khuynh hướng nghiêng về kẻ mạnh. Giả sử có một lịch sử lộn ngược, VN thua Mỹ, chắc chắn nhiều nhà lãnh đạo VN sẽ bị xử án.
Thực tế éo le ở chỗ VN thắng Mỹ nhưng lại là nước nhỏ yếu, kém phát triển, vì vậy mà chúng ta phải khép lại quá khứ hướng đến tương lai. Chúng ta cần phải bình thường hóa quan hệ với Mỹ như sau chiến tranh Biên giới 1979, trước bờ vực của sụp đổ và hỗn loạn, chúng ta cũng đã buộc phải bình thường hóa quan hệ với Trung quốc. Mở cửa hội nhập cũng lại chính là xu hướng của thời đại vì nền kinh tế thế giới như bình thông nhau. Còn vị thế VN, dù chiến tranh lạnh đã chấm dứt nhưng địa chính trị mãi là quan trọng, nên các nước lớn vẫn cần quan hệ với VN. Ai cũng muốn VN thuộc hẳn phe họ nhưng như vậy là lại đi vào vết xe đổ của lịch sử, nên chúng ta cần phải giữ được vị thế độc lập để thực hiện được một nền ngoại giao đa phương vì các lợi ích song phương giữa ta và tất cả các nước. Để làm được điều này chúng ta cần phải ổn định và phát triển tức phải có sức mạnh. Thật đáng quý là hiện tại chúng ta đã và đang làm được.
***
Với Bob Kerrey đúng là đã gây ra tội ác khủng khiếp cho dân thường VN nhưng lại trong không gian của một cuộc chiến. Với tư thế chống chọi để bảo toàn mạng sống trước các cuộc phục kích luôn rình rập, người ta không thể giữ được thiện tính như khi sống trong cảnh thanh bình. Trước đó, ông cũng đã bị thương và mất một chân trong một trận chiến năm 1968 ở tuổi 25. Khi gây tội Bob cũng còn rất trẻ, mà trẻ thì còn nhiều nông nổi.
Sau chiến tranh VN, không chỉ Bob Kerrey mà cả nước Mỹ đã sám hối, nhận ra sai lầm khi gây ra cuộc chiến tại VN, vì thế ở Mỹ mới có Hội chứng Việt Nam (Vietnam Syndrome) dù Mỹ tổn thất nhân mạng ít hơn nhiều so với VN. Những ám ảnh Chiến tranh Việt Nam tiếp tục hằn sâu vào tâm lý người Mỹ khiến sau chiến tranh nhiều cựu binh Mỹ đã tự sát.
Bob Kerrey không tự sát mà trở thành một người Mỹ thành đạt, từng làm thống đốc bang Nebraska (Mỹ), sau đó làm Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ và là ứng viên tham gia chạy đua vào Nhà Trắng năm 1992. Nhưng ký ức về chiến tranh VN luôn dằn vặt ông. 1989, khi đọc lời tuyên thệ trở thành Thượng nghị sĩ bang Nebraska, ông hồi tưởng: “Chiến tranh kéo dài đã gây ra chết chóc, đau thương mà cuộc chiến tại Việt Nam, khi Mỹ đã lấn sâu, là một ví dụ đầy bi kịch".
Bản thân tôi cũng thấy khó tha thứ cho Bob Kerrey khi anh ruột tôi năm 1968 đã hy sinh bởi bom đạn của Mỹ, tôi cũng từng trực tiếp tham chiến và suýt chết ở ấp bên cầu La Ngà, tôi đã moi đồng đội bị đạn pháo Mỹ bắn sập hầm ở đó và trực tiếp chôn họ ở một cánh rừng.
Nhưng ông cha đã dạy: “Đánh kẻ chạy đi chứ không đánh kẻ quay lại”, và ta sẽ thấy tội ác nào cũng có thể tha thứ nếu họ biết sám hối nếu hiểu Thái tử Tất-đạt-đa phải toàn thiện, toàn mỹ mới trở thành Đức Phật Thích-ca nhưng tiền kiếp ngài cũng đã phạm tội giết người không chỉ một lần. Trước khi trở về cõi Phật, trong kiếp cuối cùng, ngài phải trả nốt những nghiệp mà ngàn vạn kiếp trước ngài chưa trả hết. Như một kiếp Đức Phật là Tịnh Nhãn đã giết một người là Lộc Tướng rồi đổ tội cho một vị Bích Chi Phật nên kiếp cuối cùng ngài đã bị Tôn Ðà Lợi phỉ báng. Thứ hai trong một kiếp khác, khi thấy trong đám người buôn bán trên thuyền đi biển có người muốn giết hết để đoạt của. Đức Phật kiếp đó biết đã dùng kích đâm y gãy chân rồi chết. Mọi việc vẫn chưa diễn ra mà ngài lại tự hành động giết người nên mới có quả báo kiếp cuối cùng bị thanh gỗ đâm vào chân. Thứ ba Đức Phật kể có kiếp mình là Tu Ma Ðề đã giết em là Tu Da Xá để hưởng trọn gia tài, người em Tu Da Xá nay chính là Ðề Bà Ðạt Ða. Nên tuy đã thành Phật nhưng ngài vẫn không thoát khỏi quả báo, đã bị Ðề Bà Ðạt Ða đẩy tảng đá lên đầu, vì được thần núi cứu nên chỉ có một mẩu đá nhỏ rơi trúng ngón chân cái làm chảy máu mà thôi.
Như vậy ai phạm tội cũng có thể sám hối lập công chuộc tội, Bob Kerrey không phải ngoại lệ.
Sau chiến tranh Bob Kerrey đã không ngừng suy nghĩ và đặt ra các câu hỏi về quá khứ ở Việt Nam. Ông nói: "Tôi đã xin lỗi người Việt về những gì tôi gây ra trong chiến tranh và giờ tôi xin lỗi lại một lần nữa. Một cách chân thành và cùng những nỗi đau của ký ức mãi mãi ám ảnh, tôi xin lỗi những người mà tôi đã gây hại tới... Nhưng một lời xin lỗi sẽ luôn là không đủ. Nó giống như món súp cá mà thiếu con cá vậy. Vì thế, tôi cố gắng giúp người Việt mỗi khi có thể. Như đóng góp chấm dứt đạo luật TWEA (coi Việt Nam như nước thù địch), bình thường hoá quan hệ, ủng hộ đàm phán BTA, và đặc biệt là ủng hộ nỗ lực cải thiện hệ thống giáo dục Việt Nam thông qua chương trình Fulbright".
***
Hơi buồn cười ở chỗ những người chống việc bổ nhiệm Bob Kerrey làm Chủ tịch Hội đồng tín thác Đại học Fulbright Việt Nam đã đi đúng theo tinh thần “chủ nghĩa lý lịch” ở VN, cứ như Bob Kerrey nhận được một sự ưu đãi, hưởng bổng lộc chức quyền gì đó, nhưng họ đã lầm. Vì với Trường Đại học Fulbright Việt Nam (Fulbright University Vietnam - FUV), Bob Kerrey nói: 'Tôi muốn hành động để bù đắp đau thương'. Ba năm qua, ông và các cộng sự đã thuyết phục Quốc hội Mỹ dành tiền thanh toán nợ để xây dựng Đại học Fulbright tại Việt Nam. Nỗ lực này đã thành công khi Quốc hội Mỹ quyết định tài trợ 20 triệu USD.
Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng tín thác Đại học Fulbright Việt Nam, ông muốn trường phát triển như một tổ chức giáo dục của Việt Nam, do chính người Việt Nam xây dựng và phát triển. Nhiệm vụ của ông là hỗ trợ việc vận động vốn, huy động nhiều nguồn lực phát triển để trường có một vị thế tầm cỡ. Nghĩa là ông lập công chuộc tội, là tu sửa, là cho chứ không phải nhận.
Như thông tin chính thức của FUV, Bob sẽ đảm nhận vai trò cố vấn và huy động nguồn lực cho Trường Đại học. Năng lực cố vấn từ bề dày kinh nghiệm quản lý đại học và năng lực huy động nguồn lực thành công là lý do chúng ta nên ủng hộ ông như chúng ta đồng tình “khép lại quá khứ hướng tới tương lai” với cả nước Mỹ vậy.
6-6-2016
ĐÔNG LA