ĐÔNG LA
ĐỔI MỚI VĂN CHƯƠNG
CÁI GÌ VÀ NHƯ THẾ NÀO?
Tôi đi họp Hội Nhà Văn ở HN mấy ngày,
không dửng dưng, không tha thiết. Không dửng dưng vì trách nhiệm công
dân của một nhà văn, người ta mua vé máy bay, lo ăn ở cho mình bằng tiền thuế
của dân (trong đó có của tôi, kể cả bây giờ tôi không sản xuất, sản phẩm của
tôi vẫn đóng thuế). Không tha thiết vì tính tôi coi trọng thực chất vấn đề,
nhiều việc làm ở ta còn mang nặng tính trình diễn, càng cuộc gặp to thì càng
ồn ào đông đúc, gặp nhau vui là chính. Người ta cố mời ông này, ông kia phát
biểu, về chuyên môn thì mời mấy ông già cho phải phép, nên có lần tôi dự một
hội nghị, ông Trương Tấn Sang đang phát biểu chỉ đạo văn học nghệ thuật, tôi
chuồn về đón cô Vũ Thị Hòa ở Bắc vào. Kỳ này vì trách nhiệm tôi cũng viết
tham luận Tôi thích những cuộc thảo luận nhỏ thuần chuyên môn, có vài cuộc
người ta trân trọng mời tôi đọc tham luận đầu tiên. Còn kỳ này tôi có được
đọc không thì chưa biết vì chắc rất đông.
Vậy tôi đăng lên cho mọi người coi
chơi
23-6-2016
ĐÔNG LA
|
Hội
nghị Lý luận Phê bình lần thứ IV lần này mang tên “Văn học - ba mươi năm đổi mới, hội nhâp và phát triển”.
Vậy
thời gian qua các nhà văn đã đổi mới cái gì, đổi mới như thế nào và sẽ tiếp tục
như thế nào?
Xã
hội Việt Nam
là một xã hội kém phát triển, văn chương cũng như mọi mặt còn kém là tất yếu.
Cái kém của văn chương 30 năm qua, và sẽ còn tiếp diễn là chưa phản ánh được
toàn diện và sâu sắc hiện thực cuộc sống. Đã có những cá nhân, những nhóm ồn ào
tuyên bố và thực hiện việc đổi mới văn chương. Bên cạnh có những thành tựu nhất
định thì phần nhiều lẽ ra đổi mới là khắc phục những yếu kém để tốt hơn nhưng
lại có khuynh hướng “lộn ngược văn chương”. Lộn ngược tất cả các quan điểm, từ
chính trị, đạo lý, luân lý cho đến thẩm mỹ.
Một
số người được coi là “cấp tiến” thường có cái nhìn cực đoan và không toàn diện.
Có tác giả, tác phẩm được họ đẩy lên tột cùng, có tác phẩm được ca ngợi chỉ vì
cách viết mà không để ý gì đến nội dung, bất kể đúng sai, tốt xấu. Với một số
người, đổi mới đồng nghĩa với việc trước ca ngợi thì nay phản kháng; trước êm
đềm thì nay giật cục; trước nghiêm trang thì nay giễu cợt, khinh bạc; trước tế
nhị, lịch sự thì nay nanh nọc, thô tục… Theo tôi, đổi mới như vậy mới chỉ là
đổi mới cái vỏ văn chương, khi không khám phá được điều gì nghiêm túc, sâu sắc,
lớn lao thì gây ấn tượng bằng những điều lập dị, ngược ngạo, sản phẩm của trí
tuệ nông cạn nhưng hãnh tiến. Văn chương chân chính muôn đời vẫn luôn dựa trên
bản năng thẩm mỹ mang tính người. Theo tôi, đổi mới thực chất nghĩa là phải làm
cho văn chương “mạnh” hơn, biểu đạt cao hơn, sâu rộng hơn, đúng hơn và có tác
động tích cực hơn đến hiện thực cuộc sống; biểu cảm sâu hơn, toàn diện hơn cuộc
sống tinh thần con người.
***
Nói
chung về văn chương. nước ta là một nước nông nghiệp, hầu hết các nhà văn là
con em nông dân hoặc ít nhiều đều có liên hệ huyết thống với người nông dân, nên
phần lớn tác phẩm văn chương thường tái hiện tâm tư tình cảm và các lĩnh vực
cuộc sống, nhất là nền sản xuất, có liên quan đến người nông dân. Điều này
không thể không ảnh hưởng đến quan niệm sáng tác và việc phê bình thẩm định các
tác phẩm. Bởi nó tuân theo đúng nguyên lý “tồn
tại xã hội quyết định ý thức xã hội” của Triết học Mác.
Vậy
sự khác nhau về bản chất giữa sản xuất nông nghiệp và sản xuất công nghiệp là
gì? Lao động nông nghiệp là lao động giản đơn, dựa theo sự sinh trưởng của tự
nhiên như chăn nuôi, cấy trồng; còn lao động công nghiệp là lao động phức tạp,
không làm theo hình mẫu của tự nhiên mà theo hình mẫu được tạo dựng từ tư duy.
Người
nông dân làm ruộng là làm đất, gieo hạt, rồi chăm bón, đợi đến mùa thu hái. Còn
người công nhân làm việc trên những dây chuyền công nghệ theo quy trình sản
xuất, chúng được xây dựng bằng lao động trí óc rất khó khăn và phức tạp từ
những tri thức khoa học công nghệ. Sản phẩm nông nghiệp phải phụ thuộc vào thời
tiết, mùa vụ. Còn sản phẩm công nghiệp là hàng loạt, liên tục, không phụ thuộc
thời vụ.
Về
văn xuôi, các nhà văn ở ta thường theo phương pháp hiện thực, nhưng nếu không
hiểu sâu sắc hiện thực, người ta chỉ có thể phản ánh được một hiện thực giản
đơn, có khi mới chỉ là cái vỏ của hiện thực chứ chưa phải là một hiện thực đúng
đắn, toàn diện, sâu sắc. Hiện thực dưới con mắt người nông dân chỉ là những
chuyện, những cảnh vật trực quan, nhưng với nhà khoa học thì khác, họ không chỉ
nhìn như người nông dân mà còn thấy được cả những cái bên trong, những mối liên
hệ và những quy luật chi phối chúng. Hiện thực mang tính khoa học trong tác
phẩm là một hiện thực không phải được sao chép giản đơn từ nguyên mẫu cuộc
sống, mà là một cấu trúc mới được tái tạo lại bằng lao động sáng tạo của người
viết, sao cho sức biểu đạt, biểu cảm cao hơn, phản ánh cuộc sống một cách sâu
sắc và toàn diện hơn.
Tính
tiểu nông nhỏ lẻ, trực quan, đơn nhất khiến người ta thường thích những gì mộc
mạc dễ hiểu... hơn là vẻ đẹp của những sáng tạo, sự độc đáo, những tư tưởng có
tính khái quát và tầm cao triết lý, những cái không chỉ tác động trong một
không gian hẹp mà liên quan đến tất cả. Một người nông dân làm một vụ mùa bội
thu thì chỉ nhà người ấy hưởng. Nhưng một nhà phát minh đưa ra được một phát
minh lớn thì mang lại lợi ích cho cả nhân loại.
***
Với
nền phê bình, tính tiểu nông thể hiện ở chỗ các nhà phê bình thường đánh giá
tác phẩm theo “gu”, mà không dựa vào một nền tảng tri thức toàn diện, nên không
có cái nhìn khách quan, khoa học, không nhận ra được những giá trị đích thực.
Dường như nền phê bình bị đẩy về phía hai đầu mút của sự cực đoan. Thứ nhất, có
người ta cứ khư khư bám vào những quan niệm giản đơn mòn cũ, mãi đề cao những
thi pháp lạc hậu; ngược lại là sự hãnh tiến, cũng có người luôn chạy theo những
cái mới, cái lạ của nước ngoài, mà không hiểu rằng, nếu không có đủ tri thức và
tài năng, người ta chỉ có thể trở thành người theo đuôi, làm ra được những bản
sao tồi mà thôi.
***
Về
thơ, do hoàn cảnh lịch sử, thơ ca nước ta đã chịu ảnh hưởng nhiều nguồn. Hàng
ngàn năm, ông cha chúng ta không chỉ ảnh hưởng mà còn rập khuôn hình thức thơ
Đường. Tiếp theo dưới thời Pháp thuộc, chúng ta lại chịu sự ảnh hưởng bởi thơ
lãng mạn, thơ tượng trưng Pháp, tạo ra
phong trào Thơ mới. Đến giai đoạn kháng chiến, chúng ta theo trào lưu Hiện thực
xã hội chủ nghĩa, ảnh hưởng văn học Liên xô và Trung quốc (đặc biệt là Liên
xô).
Trước
thực tế như vậy, chúng ta không thể không đổi mới thơ ca. Vì sự câu nệ hình
thức tất dẫn đến sự gò bó ý tưởng. Mối quan tâm của thơ lãng mạn rõ ràng chỉ
mới ở một khoảng rất hẹp của tình yêu riêng tư, chưa thể hiện được toàn bộ
những tình cảm, những tâm trạng, những suy tư lớn lao và phong phú của con
người.
Thơ ca kháng chiến là một nền
thơ đã đạt được nhiều thành tựu, có một bước tiến nhảy vọt khi không chỉ tiếp
cận được hiện thực đời sống phong phú mà các nhà thơ còn là chiến sĩ, trực tiếp
chiến đấu, cùng đổ mồ hôi và máu với đồng đội, với nhân dân. Từ không gian nhỏ
hẹp của tâm trạng, tình cảm cá nhân chuyển sang một không gian lớn lao của tình
yêu quê hương, đất nước, tình đồng chí, đồng đội. Cả nước chia ly. Sự chia ly
làm cho những điều dù vụn vặt nhất, một lá thư, một tấm ảnh nơi quê nhà; phía
ngược lại những kỷ vật còn lại của người lính hy sinh nơi chiến trường,..., tất
cả đều trở thành thiêng liêng. Cuộc chiến quá gian khổ, quá ác liệt, nên mỗi
hành động, mỗi suy nghĩ, mỗi tình cảm của người lính chốn hiểm nguy đều có thể
làm rung lên được những nỗi xúc động của
mọi người. Chính cuộc kháng chiến là
một cái tứ lớn đã làm “giá đỡ”
cho tất cả các khoảnh khắc, những lát
cắt của hiện thực trở thành những
cấu tứ độc đáo. Một chuyến xe không kính ở giữa chiến
trường có thể là một tứ thơ độc đáo cho Phạm Tiến Duật, nhưng nó không có ý
nghĩa gì nếu chỉ là chuyến xe chở cát xây nhà ở thời bình này.
Nếu phải chọn vài câu vừa độc đáo về ngôn ngữ đồng
thời lại nói lên được cái tinh thần của
thời đại một cách sống động nhất, tôi thấy hai câu thơ của Nguyễn Đình Thi :
Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều
có
thể là tiêu biểu cho thơ ca thời chống Pháp; và những câu của Lê Anh Xuân:
Anh chẳng để lại gì cho riêng anh trước lúc lên đường
Chỉ để lại cái dáng- đứng- Việt- Nam
tạc vào thế kỷ
Về sự mất mát sau chiến tranh, Nhà thơ Hữu Thỉnh
cũng có những câu thơ rất giản dị, với những hình ảnh rất đời thường nhưng lại
chất chứa sự hy sinh vĩ đại của những người phụ nữ VN nơi hậu phương thời chiến
tranh:
Một mình một mâm cơm
Ngồi
bên nào cũng lệch
Hoặc:
Hai mươi năm chị tôi đi đò đầy
Cứ sợ đắm vì mình còn nhan sắc
Còn tôi sau giải phóng, từ chiến trường trở về nhà
gặp lại cha, mẹ. Ông bà làm cơm cúng anh trai tôi tên là Sơn đã hy sinh năm
1968. Tôi cũng đã làm mấy câu thơ. Qua hình ảnh giọt nước mắt của mẹ, tôi muốn
diễn tả cả cái còn và cái mất lớn lao của dân tộc ta sau một cuộc chiến tàn
khốc:
Trước
bàn thờ khói hương lãng đãng
Mẹ đứng lặng rì rầm
Gọi anh con về ăn cỗ
Con bỗng giật mình thấy nhăn nheo giọt nước mắt
Có già nửa phần buồn và non nửa phần vui
***
Nhưng
thơ kháng chiến đã hoàn mỹ chưa? Trần Mạnh Hảo trong cuốn phê bình “Thơ phản
thơ” viết: “Mấy chục năm vừa qua, người
ta đã đồng hóa thơ với các khẩu hiệu tuyên truyền, một nền văn nghệ phục vụ
chính trị”. Ý này cực đoan nhưng có phần đúng. Cuộc sống của con người được
phản ánh trong thơ chỉ phong phú ở bề rộng, bề nổi; nhưng chưa khám phá trọn
vẹn bề sâu. Thơ ca kháng chiến còn: Nhiều ta ít tôi; có buồn nhưng ít đau; có
đau nhưng ít khổ; có ước muốn nhưng thiếu thèm khát; có thèm khát nhưng thiếu
si mê; có dũng cảm nhưng thiếu sợ sệt; nói nhiều đến chiến thắng mà ít nói đến
thất bại. Mỗi tâm trạng cá nhân, mỗi nỗi đau chưa được “nguyên chất” mà thường
được phủ lên một một lớp hào quang của tinh thần lạc quan, nên có phần giảm đi
tính chân thực. Vì dùng nhiều cách phản ánh trực quan, mô tả, kể lể dài dòng,
ít tính tượng trưng, ít cài đặt những ý nghĩa tiềm ẩn, nên thơ kháng chiến ít
khơi gợi, có thể khiến người đọc thích
thú chứ chưa buộc người ta phải suy tư.
Còn
thơ ca giai đoạn tiếp theo thơ kháng chiến sau giải phóng? Có một cuộc hội thảo
đánh giá thơ ca giai đoạn này trên báo Văn nghệ khoảng đầu những năm 1990.
Trinh Đường: “Thơ...gần đây chỉ nặng về
thơ tình và loại thơ vô thưởng vô phạt”;
Ngô Quân Miện: “Thơ trên báo Văn
nghệ có một điều mừng là đã mở ra, xòe ra (như những cái nan quạt) một cách rất
rộng”; Bằng Việt: “Trữ tình tủn mủn”;
Hoàng Cát: “Thế nào là thơ hay hình như bây giờ cũng trở nên ù xịa, lẫn lộn lung
tung”; riêng Trần Mạnh Hảo có chú ý đến thi pháp, đến đổi mới thì viết: “Các nhà thơ gân cổ, xoạc cẳng thi nhau ném
lên nền thơ tất cả chai lọ của lý trí, tất cả cát đá của ngôn từ. Nhưng họ chỉ
đạt được những lời nói chứ không phải những câu thơ”; v.v… Cũng trong cuộc hội thảo trên, tôi thấy
nhà thơ Hữu Thỉnh lại là người đánh giá tinh nhất: “Xu hướng chung của sự chuyển mới này là đi tìm cách biểu cảm hiện đại
của thơ, dồn nén thông tin, ham bày tỏ, ít so sánh trực tiếp, nhiều liên tưởng
ngầm, dồn sức cho cốt trục, tăng trực giác lẫn ngẫu nhiên, câu thơ co duỗi tự
do, đóng mở linh hoạt, hình ảnh táo bạo, có khi chói gắt, ít vần... tránh dềnh
dàng, lao ngay đến cái ý tưởng và khỏe, ngay ở thơ các bạn gái nhiều bài cũng
rất khoẻ” (Sđd).
***
Nhiều thế hệ kế tiếp nhau sau 1975 cũng sáng
tác theo thi pháp của lớp cha anh, nhưng không thể có được những trải nghiệm
đắt giá, tác phẩm của họ không thể so sánh với thơ của lớp cha anh được. Có một
nhóm rất nhỏ có ý thức đổi mới thơ quyết liệt, muốn làm ngược lại hoàn toàn thơ
kháng chiến, thơ hiện thực, khởi thủy từ Trần Dân, Lê Đạt thuộc lớp “lão làng”,
đến Hoàng Hưng, rồi đến nhóm Mở miệng trong những ngày hôm nay. Ngôn ngữ thơ có
khi bị bóp vụn, chỉ là những mảnh ý nghĩ, những mảng vỡ của ngôn ngữ. Tôi tôn
trọng họ có quyền có sở thích riêng. Nhưng nếu ngộ nhận, coi chỉ thơ như mình
mới là sáng tạo, mới là siêu nhất, coi thường, chê bai những tác giả, tác phẩm
khác mình thì tôi thấy vô lý và sẽ chống lại. Thứ nhất, nếu coi sự khó hiểu là
một đặc tính cao siêu, là mục tiêu để phấn đấu thì không thể còn có loại thơ
nào kín mít bằng thơ tượng trưng kín mít (Hermétique). Thứ hai, nếu coi sự tự
do, sự phá vỡ mọi thuộc tính hiện thực của ngôn ngữ của thơ ca, thì cũng không
có loại thơ nào phá phách bằng thơ đa đa, không có loại thơ nào kỳ dị bằng thơ
siêu thực. Vì vậy, muốn làm cách mạng thơ mà chỉ đi sao chép những trường phái
mốc meo thì khó được chấp nhận nên khó thành công.
Lê
Đạt là một người rất nhiệt thành truyền bá tinh thần sáng tác dựa trên cơ sở
khoa học, ông viết: “Nhà nghệ thuật thiếu lý tính chỉ là một nghệ sĩ thứ phẩm
mắc bệnh vĩ đại cũng cần chữa trị hoặc nên đổi nghề”; “Từ khi cầm bút tôi đã
quan niệm việc cách tân thơ Việt là mục đích quan trọng nhất của đời mình...
Vật lý hiện đại (và thơ hiện đại) khuyến khích những giả thuyết thoạt nhìn như
rồ dại nhưng có khả năng mở ra những khía cạnh kỳ bí của ngoại giới (cũng như
thiết kế những tập họp chữ mới vượt qua biên giới cảm nhận sang những vùng tri
nhận phức hợp và quyến rũ…); “Lý thuyết về những phô tông đã khẳng định
tầm quan trọng hàng đầu của những cấu trúc gián đoạn thay thế những cấu trúc
liên tục tăng chế ngự khoa học cũng như thơ ca trong nhiều thế kỷ”.
Tôi
đã viết: “Tính liên tục và tính gián đoạn chỉ khác nhau như
một sợi dây liền và một sợi dây đứt đoạn, nên việc Lê Đạt tưởng tượng ra “nó
chế ngự thơ ca trong nhiều thế kỷ” thực ra là điều không có thực.
Người
ta cũng đã dựa vào tính bất định, tính phi tuyến tính của chuyển động trong Cơ
học lượng tử làm cơ sở cho việc sử dụng tính phi logic của ngôn ngữ, gây ra sự
khó hiểu. Lê Đạt, Trần Dần và các tín đồ sau này đã cho rằng cần phải đổi mới
thơ ca bằng cách “phá vỡ “những quy
luật nghiệt ngã nhiều khi bảo thủ của ngữ pháp”. Chính vì thế mới có
loại thơ sai ngữ pháp ngô ngô ngọng ngọng mà với người đọc bình thường thì
không tài nào hiểu nổi tại sao lại có loại “thơ” như thế. Có điều cơ học lượng
tử thuộc thế giới vi mô của các hạt cơ bản, còn ngôn ngữ là một trong những sản
phẩm ý thức của não người, tức thuộc về thế giới của các chất chứ không phải
của các hạt. Cũng như người ta chỉ ăn chất bột, ăn thực phẩm chứ không ai có
thể ăn được hạt cơ bản.
Ngữ
pháp thực chất chỉ là quy tắc của ngôn ngữ. hoàn toàn không thể có chuyện diễn
tả các vấn đề một cách “sai ngữ pháp” thì sẽ hay hơn. Không ai có thể đưa ra
được một thí dụ về điều này. Trong tác phẩm, ngôn ngữ nhân vật có thể sai ngữ
pháp, còn nhà văn viết tác phẩm mà sai ngữ pháp là do học dốt.
***
Chính
vì vậy cái mới, cái giá trị của thơ hiện tại (chứ không phải hiện đại) không có
chuẩn mực để đánh giá, còn rối như mớ bòng bong. Ai cũng tự tin đưa ra quan
điểm của mình. Yêu thích là quyền mỗi người, nhưng người nào hiểu biết hơn sẽ
có cái nhìn đúng đắn hơn. Theo tôi, thơ ca là sản phẩm của con người, dù thời
nào con người vẫn là con người, với tất cả những thuộc tính về thể chất và tâm
trí. Nếu khoa học cũng như nghệ thuật coi sáng tạo là phá vỡ quy chuẩn, là sự
lộn ngược thì không biết thế giới này sẽ đi tới đâu? Ngành lai tạo trong sinh
học sẽ chỉ cho ra những quái thai. Nhưng có lẽ chúng ta nên tôn trọng quyền tự
do say mê cái lập dị, cái lộn ngược, cũng như tự nhiên đã tôn trọng sở thích ăn
xác thối của loài linh cẩu, kỳ đà vậy. Có điều cần phải biết nhận ra cái giới
hạn mà vượt qua nó là đồi trụy, là băng hoại, kể cả phạm pháp, nếu không bị tù
như chơi!
Thật
e ngại khi sự quái dị của con người không chỉ dừng lại ở sự lộn ngược thẩm mỹ
mà còn có cả sự lộn ngược thiện ác. Tiêu chuẩn của cái mới, cái tiến bộ không
chỉ là cái nghịch thường, phản luân thường đạo lý, phản thuần phong mỹ tục, mà
còn là phản kháng, kể cả phản động.
Như
vụ ồn ào vừa qua, Luận văn của cô Nhã Thuyên có quan điểm sai trái tất về văn
chương, chính trị và thẩm mỹ lại được hội đồng giám khảo cho điểm 10, khi bị
thu hồi, cũng lại có cả một phong trào phản đối, trong đó có
nhiều trí thức danh tiếng. Chuyện về một cái luận văn thạc sĩ là một việc rất
nhỏ nhưng có hiện tượng cả một phong trào ủng hộ Nhã Thuyên, phản đối quyết
định thu hồi luận văn, trong đó có nhiều trí thức danh tiếng, thì lại hoàn toàn
không nhỏ vì phản ánh một sự thoái hóa nhân tính khi người ta ủng hộ một điều
bất hảo!
***
Một
nhóm nhỏ các nhà thơ tiếp cận cái mới, cái hiện tại, cái đang chuyển động. Thơ
họ kế thừa được những mặt tốt của thơ giai đoạn trước, cố gắng vươn tới một tầm
cao, một trật tự mới chứ không đi tới sự hỗn độn. Ngôn ngữ thơ của họ rất phong
phú, đã phát huy triệt để một trong những tính chất chủ yếu của thơ ca là tư
duy hình tượng, bài thơ như những cấu trúc đã mở ra những không gian nghệ thuật
nhiều chiều, gợi mở nhiều vẻ đẹp, nhiều ý tưởng, nhiều ý nghĩa. Thơ ca không
chỉ tạo nên sự xúc động, sự khoái cảm, sự tâm đắc mà gợi nên những suy tư,
những trăn trở, ý thức trách nhiệm lớn lao đối với đồng loại. Có những bài thơ
có một kết cấu triết lý,thể hiện được những điểm mấu chốt, những quy luật cơ
bản, những mạch ngầm, những dòng chảy chính của tâm trạng, của sự vận động,
phát triển …
Cái
khó là phải thiết lập được một hình thức sao đó để thi sĩ có thể thể hiện tốt
nhất cái riêng của mình, vừa đạt được sự sáng tạo lại vừa có khả năng biểu đạt
có ấn tượng nhất, sâu sắc và toàn diện nhất cái thế giới sống ngổn ngang hôm
nay. Từ khi loài người sáng tạo ra chữ viết, một hình thức mã hóa đầu tiên.
Theo đà phát triển của cả nền văn minh, các tri thức trừu tượng hơn, các thông
tin cần được dồn nén hơn; để thể hiện, lưu trữ hoặc sử dụng chúng, con người
buộc phải thông qua các phương thức đều có tính mã hóa. Tương tự, nghệ thuật là
một sự biểu đạt, đã biểu đạt phải thông qua ký hiệu, đã là ký hiệu phải có tính
mã hóa. Vì vậy, sự mã hóa hoặc dạng này dạng kia, hoặc cấp độ này cấp độ kia,
là chuyện tất yếu của sự biểu đạt nghệ thuật. Riêng với thơ ca, sự mã hóa đó
chính là sự mã hóa ngôn ngữ, sự mã hóa những hình ảnh, những biểu tượng, những
ẩn dụ… Diễn tả trực quan một điều gì thì chỉ nói được riêng một điều ấy, nhưng
thông qua những biểu tượng, những ẩn dụ, ý nghĩa được mở ra nhiều chiều và cũng
gây được ấn tượng mạnh hơn.
***
Tôi
đến với văn chương đúng vào giai đoạn đổi mới ồn ào, đầu tiên bằng những bài
thơ do nhà thơ Anh Thơ phát hiện và khuyến khích, chính bà đã giới thiệu tôi
đến với Chế Lan Viên. Là người đang làm công việc nghiên cứu Khoa học tự nhiên,
nên tôi đã cố gắng sáng tác theo khuynh hướng trên. Chế Lan Viên quả thông minh, ông đã nhận ra ý
hướng của tôi ngay từ lần đầu đọc những bài thơ đầu tiên của tôi. Ông không chỉ
khen mà còn đề nghị trao giải cho tôi trong cuộc thi Thơ của HNVTPHCM năm đó,
năm 1986, chưa hết ông còn tự đứng tên giới thiệu tôi vào HNVTPHCM nữa. Tôi
cũng từng chơi thân với Nguyễn Quang Thiều, giờ đã làm PCT Hội Nhà Văn VN, to
hơn cả CLV rồi. Hình như ông bạn có phần nào đồng cảm với thơ tôi, nói miệng
thì tôi không tin lắm, cái chính là Nguyễn Quang Thiều đã chọn đăng thơ tôi
không ít lần. Tôi còn được tặng thưởng
hàng năm về thơ ở TCVNQĐ mà lẽ ra nếu công bằng tôi sẽ còn được giải nữa.
Vậy
mà sau 30 năm, rất ít người biết tôi làm thơ, rất nhiều người biết tôi viết phê
bình, nhất là khi có internet, tôi có trang blog hơn một trăm nước có người vào
đọc tôi viết rồi, nước ngoài nhiều nhất là Mỹ, rồi đến Đức. Không biết vì tâm
lý con người thường chú ý sự giật gân, chuyện cãi lộn, xung khắc, hay vì tôi là
Đông La la to trên diễn đàn.
Tôi làm nhiều bài có khuynh hướng suy tư về đời
người, về thế sự, chuyện chở con đi học cũng thành thơ, nhưng chủ yếu viết về
cái khác chứ không phải chuyện chở con đi học:
Ngày ngày cha chở các con
trên những con đường SG
như những dòng sông luôn
dâng lên vô
tận
Chi chít người xe
Chi chít số phận
Tất cả bị bó chặt bởi những
giới hạn
Nhưng các con có biết không?
Chúng ta đang đi trong giới
hạn không phải của lề đường
mà giới hạn của những suy nghĩ
Chúng không thể mở ra bằng
xẻng cuốc mà chỉ bằng
những con chữ.
Tôi
có cái dở là viết phê bình nhưng lại ít đọc sáng tác, chỉ chú ý những tác giả,
tác phẩm “có chuyện”, thế hệ trước tôi đọc và viết về Chế Lan Viên, tôi thích
nhiều thơ ông, nhưng khi lớn tuổi, hiểu hơn về thế giới tâm linh, tôi hiểu hơn,
thấm thía hơn mấy câu trong bài Người đi tìm hình của nước:
Lũ chúng ta ngủ trong giường
chiếu hẹp
Giấc mơ con đè nát cuộc đời con!
Hạnh phúc đựng trong một tà áo đẹp!
Một mái nhà yên rủ bóng xuống tâm hồn.
Giấc mơ con đè nát cuộc đời con!
Hạnh phúc đựng trong một tà áo đẹp!
Một mái nhà yên rủ bóng xuống tâm hồn.
Ai cũng hiểu ý ông ca ngợi sự hy sinh vì dân vì nước
lớn lao của Bác Hồ nhưng ông lại viết về sự ích kỷ, cái tôi, về lòng tham,
những điều chủ yếu của Đạo Phật. Triết lý
cao sâu nhất của Đạo Phật là Tính Không, cái gốc của mọi sự, mọi vật là không,
các sắc đều vô thường, biến hoại, kể cả cái quý nhất là thân xác chúng ta đây.
Cái tôi chỉ là giả tạm nhưng nó lại “khoái khẩu” ba món tham, sân, si là
những “độc dược”, tạo nghiệp nặng, làm hại cho sự tu sửa để thần thức
tiến hóa cao hơn ở kiếp sau.
Còn
cùng lứa, người tôi đọc và viết nhiều nhất chính là Nguyễn Quang Thiều. Nguyễn
Quang Thiều có bài “Bầy chó của tôi”, bài mà Trần Mạnh Hảo đã cho là: “nhìn
con chó thật ghê tởm”, nhìn “một cách kinh hãi”. Quả thật, nếu nhìn
những con chó chỉ là những con chó thì thấy việc nhà thơ tả cảnh chúng cắn xé,
tranh giành nhau đúng là kinh hãi thật; và với một quan điểm thẩm mỹ cho tính
thơ cao nhất chỉ là những mây trăng hoa lá, xanh xanh đỏ đỏ, thì không thể nào
đồng cảm được những câu sau đây thật:
Bầy chó gầy bẩn thỉu ốm đau
Ngày lùng sục kiếm ăn
Liếm cả vào lưỡi dao sắc
ngọt
Lưỡi bị cứa máu trào ra
ở đó
Con đến sau lại liếm máu bầy
mình
Với tôi, đây là những câu thơ hay nhất, Nguyễn Quang
Thiều đã biểu đạt vấn đề chính yếu, không chỉ buồn mà còn đau, còn khắc nghiệt,
luôn hiện diện trong cuộc sống muôn loài, kể cả loài người chúng ta, đó là sự
đấu tranh sinh tồn!
***
Bây
giờ để góp vui văn nghệ, tôi kết thúc bài tham luận, bình một chút về thơ của
nhà thơ, nhà phê bình khét tiếng Trần Mạnh Hảo.
Cái
hay của của ngôn ngữ thơ ca chính là sản phẩm của trí tưởng tượng. Đó là việc
mượn cảnh tả tình, dùng hình nói ý, nhà thơ phải có tài sử dụng những hình ảnh
tương hợp để biểu cảm, biểu đạt, tức dùng từ phải “đắt”. Như nghệ thuật xiếc và các môn thể dục nghệ thuật, các động
tác càng khó, càng mất thăng bằng thì càng hay, nhưng chúng chỉ thành công khi
người nghệ sĩ giữ được thăng bằng, nếu không thì tiết mục sẽ bị hỏng, thậm chí
diễn viên bị tai nạn.
Với
Trần Mạnh Hảo, TMH cũng là người giỏi “làm
xiếc ngôn ngữ”, hồi mới thập thò trước cửa làng thơ, tôi được nghe trực
tiếp Chế Lan Viên khen ngôn ngữ thơ TMH giầu hình ảnh. Bây giờ trưởng thành
hơn, sau mấy chục năm đọc lại thấy không còn đồng cảm được như xưa. Lâu nay
thường có quan niệm không thể dùng dao mổ trâu mổ xẻ thơ ca. Nhưng theo tôi đó
là sản phẩm của cái tính đại khái, cảm tính theo con mắt nhìn của người nông
dân, không phải là cái nhìn của lý luận. Giờ bằng con mắt lý luận ta thử xem kỹ
một đoạn trong bài “Tôi mang Hồ Gươm
đi” rất nổi tiếng của TMH, nó còn được Phú Quang phổ nhạc nữa:
Gió níu hoàng hôn xuống đáy tranh
Lá rụng trời xao động cổ thành
Đổi dòng, sông gửi hồn ngưng đọng
Mượn hồ trả kiếm lại trời xanh
Tôi muốn mang hồ đi trú đông
Mà không khiêng vác được sông Hồng
Mà không gói nổi heo may rét
Đành để hồ cho gió bấc trông
Sao Hồ Gươm biết tôi ra đây
Mà thương ôm bóng kẻ lưu đầy
Mà lau đôi mắt tôi bằng sóng
Mà cả trời kia xuống hết cây?”
Đoạn
thơ có rất nhiều hình ảnh lạ như “gió níu
hoàng hôn”, “Muốn mang hồ đi trú đông”,
“khiêng vác sông Hồng”, rồi “gói heo may” v.v… nghĩa là nghe rất
kêu. Nhưng đi sâu phân tích cụ thể về ngôn ngữ, như cách TMH vẫn hay làm với
người khác, ta sẽ thấy bài thơ hoàn toàn rỗng về ý, TMH đúng là điển hình
về việc “viết sai tiếng Việt”.
Như câu “Lá rụng trời xao động cổ
thành”. “Lá rụng đầy trời làm xao
động cổ thành” mới có nghĩa chứ còn “Lá
rụng trời” là lá rụng gì? Cái khó ở chỗ này là viết cho có nghĩa thì không
thành thơ mà viết thành thơ thì lại không có nghĩa. Rồi muốn “mang hồ đi trú đông” sao lại “không khiêng vác được sông Hồng”, ông
Hảo muốn “mang hồ” đi cơ mà, sông
Hồng thì có liên quan gì? Theo truyền thuyết, Hồ Gươm là nơi Lê Lợi sau
khi dùng gươm thần đánh đuổi được giặc Minh đã “hoàn kiếm” lại cho Long Vương qua tay Thần Kim Quy, mà Long Vương ở
dưới biển chứ đâu ở trên trời, như vậy, câu “Mượn hồ trả kiếm lại trời xanh”, TMH đã “nói điêu”!
Thực
ra TMH chủ yếu để ép vần nên đã dùng từ “sai tiếng Việt như vậy”.
TMH,
ngoài “tài” “làm xiếc” ngôn ngữ, nếu theo “lý
luận” về đổi mới của Nhà văn Nguyễn Minh Châu, thơ TMH cũng điển hình cho
lối viết “minh họa”.
Với
khổ thơ:
Mẹ ơi, bất kỳ từ điểm nào trên trái đất
Ai cũng thấy mẹ sinh nhiều con trai
Khi đất nước Việt Nam mang dáng hình tia chớp
Rạch chân trời một lối đến tương lai
Ở
đây cũng có sự ép vần khiên cưỡng, để vần với “tương lai” ở câu kết thì TMH phải viết “con trai” ở câu trên, chính vậy mới làm cho khổ thơ khấp khểnh về
nghĩa. Sao lại “bất kỳ từ điểm nào
trên trái đất/ Ai cũng thấy mẹ sinh nhiều con trai”? Có phải TMH
muốn đe dọa thế giới bằng chuyện nước ta có nhiều con trai, rồi sẽ “cung ứng” cho quân đội nhiều lính
không? Rồi sao “đất nước mang
dáng hình tia chớp/ Rạch chân trời một lối đến tương lai”? Nghĩa là
cho nước ta là một “tia chớp” chỉ “lối
đến tương lai” bằng cách “rạch
chân trời” một nhát, còn tương lai cho cái gì thì TMH không nói; còn ý
muốn nói tương lai đó là tương lai của nước ta thì viết như vậy nghĩa là cho
nước ta là một quả bom sẽ mở được lối đến tương lai bằng cách nổ một phát!
Chính
vì thế tôi mới viết: “Một đoạn ‘thơ”
rất có vần nhưng ý thì lủng củng, nghĩa theo ngữ pháp thì vô nghĩa, còn tứ thì
"Rạch chân trời một lối đến tương lai" đúng là một ví dụ tiêu biểu về
lối “minh họa”.
Còn
khổ này:
Thế hệ chúng con ồn ào, dày dạn
Sống thì đi mà chết thì nằm
Giọt lệ phần mình, nụ cười dành bạn
Đất nước là một cuộc hành quân
điển
hình cho lối viết “minh họa”, cách viết một chiều, chỉ mô tả bề mặt hiện thực
chứ không thâm nhập bề sâu, đã miêu tả chiến tranh như ngày hội, dù có hy sinh
gian khổ nhưng chỉ có niềm vui mà không có đau thương, người lính Cụ Hồ như con
rô bốt chỉ biết xông lên chiến đấu và chiến thắng! Riêng hai câu này:
Thế hệ chúng con ồn ào, dày dạn
Sống thì đi mà chết thì nằm
thì thật thản nhiên, vô cảm, điển
hình cho lối “sáng tác”, nghĩa là
những người có chút năng khiếu, có thể sản xuất ra hàng loạt thơ ca bằng cách
ghép vần làm ra những câu thơ chung chung, nghe kêu “beng beng”, nhưng là những
câu thơ giả, không đúng với hiện thực.
***
Tóm
lại, con đường đi lên của văn chương, của thơ ca, theo tôi đó là con đường:
Vượt qua giới hạn của những giới hạn; hoàn thiện những điều còn chưa hoàn
thiện; bỏ đi những điểm yếu của những cái cũ
để xây nên cái mới chứ không phải đập nát cái cũ; hướng tới cái mới là
hướng tới cái năng động, cái phong phú, vươn tới một tầm khác, trí tuệ hơn và
có học hơn, hướng đến một trật tự mới chứ không phải hướng tới sự hỗn lọan; đó
là một trật tự không phải siêu hình cứng nhắc, duy lý thô sơ, mà là trật tự
biện chứng, mọt trật tự chất chứa trong nó những sự vận động biến đổi. Công
việc chính của sự đổi mới là sự loại bỏ những nhàm chán, những thô sơ, những
phiến diện, để tăng hiệu suất những ấn tượng, để có thể chinh phục được tính
thờ ơ ngày càng cao đối với thơ của con người, làm nên những giá trị cao hơn.
22-6-2016
ĐÔNG LA