Thứ Tư, 27 tháng 7, 2016

Nông Hồng Diệu - Nỗi buồn... Bảo Ninh

            Tôi sẽ viết một lá thư ngỏ gởi trực tiếp đến Ban lãnh đạo Hội Nhà Văn VN nêu quan điểm của tôi về cuốn Nỗi buồn chiến tranh. Phải làm vậy vì trong Ban lãnh đạo Hội Nhà Văn VN có những người không đọc mạng bao giờ. Vì tôi thấy việc tôn vinh cuốn sách này là vô cùng nguy hiểm. Ông cha ta đã dạy “Văn dĩ tải đạo” vậy một nền văn học sẽ ra sao nếu văn tải tà đạo. Tiếc là từ lâu nền văn học Việt Nam đã có khuynh hướng tải tà đạo, đã có những trận bút chiến, nhưng qua việc Luận văn của cô Nhã Thuyên được giám khảo gồm Viện trưởng Viện Văn học và các thầy giáo dạy đại học cho điểm 10, và những ngày hôm nay đây, Nỗi buồn chiến tranh được Ban lãnh đạo Hội Nhà Văn VN đề cử được Giải thưởng Nhà nước năm 2016, thì xem chừng khuynh hướng tà đạo đã thắng thế. Tôi và một số tác giả có lương tri đã lên tiếng phản bác rất mạnh về Luận văn của cô Nhã Thuyên, cũng như tôi là người hiếm hoi còn phê phán cuốn Nỗi buồn chiến tranh. Trang của tôi bàn sâu về các lĩnh vực tri thức nên không nhiều người đọc như những trang đưa tin giật gân, gần đây còn bị chặn nữa, nhưng tiếng nói của tôi hình như có tác dụng vì tôi hay được nghe kể lại là các cuộc giao ban báo chí, hoặc cuộc họp người ta hay nhắc đến các  bài viết của tôi, tôi còn biết nước mình còn có một viện theo dõi dư luận gì đó, thậm chí một lần tôi nhận được email của một người giới thiệu là có nhiệm vụ đọc trang của tôi. Thực tế luận văn của Nhã Thuyên đã bị thu hồi, Nỗi buồn chiến tranh cũng trượt giải thưởng. Vậy là đất nước còn phúc vì những người có trọng trách về tư tưởng văn hóa đã hành động đúng. Đất nước chắc chắn sẽ loạn nếu các giá trị tư tưởng văn hóa bị lộn ngược.
             Sau đây để khách quan tôi đăng hai bài thể hiện khuynh hướng ủng hộ Bảo Ninh trước.
            27-7-2016
            ĐÔNG LA

               

Nỗi buồn... Bảo Ninh

TP - Tin Bảo Ninh “trượt” ở vòng cuối cùng xét giải thưởng Nhà nước đã làm giới văn chương choáng váng. Điện thoại của cha đẻ “Nỗi buồn chiến tranh” luôn ở trạng thái không liên lạc được. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam buông tiếng thở dài: Buồn vô cùng!

 lần xét duyệt thứ 3, cấp Nhà nước,  Hội nhà văn Việt Nam đã “rớt” thêm 7 tác giả ở hạng mục giải thưởng Nhà nước. Trong số đó, ngỡ ngàng nhất, đáng tiếc nhất chính là trường hợp của Bảo Ninh với tác phẩm được đề cử: “Nỗi buồn chiến tranh”.
Sao lại scandal như thế?
Nhà văn Trung Trung Đỉnh từ chối trả lời phỏng vấn bởi ông không còn giữ được bình tĩnh. Các nhà văn: Cao Duy Sơn, Dương Hướng, đón nhận tin “nóng” bình tĩnh hơn,  điềm đạm hơn nhưng vẫn vô cùng ngạc nhiên khi “Nỗi buồn chiến tranh” không qua nổi vòng xét duyệt cuối cùng để được tôn vinh.
PSG.TS Lưu Khánh Thơ, chuyên gia về văn học Việt Nam hiện đại bày tỏ: “Trong số các nhà văn Việt Nam hiện đại, Bảo Ninh có lẽ là người xứng đáng nhất, “Nỗi buồn chiến tranh” là đỉnh cao về đề tài chiến tranh, đối với dư luận trong nước và quốc tế. Một tác phẩm văn học đỉnh cao mà “trượt” thì thật đáng tiếc. Tôn vinh “Nỗi buồn chiến tranh” không phải chỉ cho tác giả Bảo Ninh, mà còn cho độc giải Việt Nam. Người sáng tạo không kì vọng viết ra để đạt giải này hay giải kia. Nhưng cớ sao những người bên ngoài có cái nhìn, cách đánh giá về một tác giả Việt Nam lại công bằng hơn, chính xác hơn  những người cầm cân nảy mực đánh giá giá trị của một nền văn học của chúng ta?”.
Nhưng vị nữ tiến sỹ văn học vẫn tin  “Nỗi buồn chiến tranh” sẽ được trả lại giá trị xứng đáng, “nhưng nếu muộn hoặc không kịp thời thì thật đáng tiếc, nó khiến cho những người tin và yêu văn học Việt không khỏi hẫng hụt”.
Lưu Khánh Thơ hi vọng:  “Tôi đã từng thấy Hội nhà văn vừa qua có những quan điểm hợp tình hợp lí để bảo vệ những tác giả khác trong Hội. Biết đâu lần này Hội sẽ nghĩ ra cách? Quy chế do con người đặt ra thì có thể thay đổi được chứ”.
Văn Sáng - người thiết kế bìa sách văn học thâm niên ở Việt Nam và cũng là người đọc nhiều, đọc kỹ đã thốt lên: “Ối giời ơi, sao lại scandal như vậy? Nghe “như sét đánh ngang tai”. Như tôi biết, kỳ này đã xét đến thế hệ của Bảo Ninh, Nguyễn Quang Thiều, thế hệ hậu chiến tranh chống Mỹ hoặc đổi mới cũng được. Nhưng nếu Bảo Ninh không được giải thưởng Nhà nước thì tôi thấy không công bằng. Bởi văn học Việt Nam trong thời kỳ đổi mới Bảo Ninh là nhà văn đóng góp nhiều nhất, sức ảnh hưởng của tiểu thuyết lớn, tuy anh không phải là người sáng tác đều và nhiều. Nhưng văn chương không thể đánh giá bằng số lượng mà đánh giá trên cơ sở giá trị tác phẩm và ảnh hưởng của tác phẩm. Mà văn học Việt Nam nửa sau thế kỷ 20 không nói về chiến tranh thì nói về cái gì?”.
Họa sỹ Văn Sáng đặt câu hỏi:  “ Có vấn đề, có ẩn ý gì phía sau chăng?  Bởi “Nỗi buồn chiến tranh” là một trong những áng văn mẫu mực, dù ai có khó tính đến đâu, đố kị đến mấy vẫn phải công nhận tác phẩm này là thành quả của một nền văn học”.
“Tỉ lệ 90% hội đồng nói có thì mới trao giải là quá cao, cứ thế này, có mà rớt hàng loạt, đau khổ vô cùng”.

Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam
Liên lạc với nhà thơ Trần Anh Thái, đồng nghiệp sát cánh vào hạng nhất bên Bảo Ninh, anh không tin nổi trước sự việc này: “Đó là một trong những tiểu thuyết hay nhất của thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21 viết về chiến tranh. Cho đến nay, viết về đề tài chiến tranh ở Việt Nam chưa ai vượt qua được cuốn tiểu thuyết đó. Đó là về cuốn tiểu thuyết. Còn về con người, trong mắt tôi,  Bảo Ninh là một người lớn, một người đàng hoàng, một nhà văn của tự do, của độc lập. Ông là người xứng đáng nhất trong số tất cả những nhà văn được giải thưởng nhà nước trong đợt này. Trong đợt này, tôi không biết những ai được giải, nhưng Bảo Ninh là người số 1, là người đầu tiên. Không phải bàn cãi”.
Vậy vì đâu một tác phẩm được đồng nghiệp hết sức tôn trọng, độc giả yêu mến lại trượt giải thưởng danh giá ở vòng cuối cùng? Nhà văn Thái Bá Lợi đưa ra câu trả lời hài hước và thật thà: “Thuộc về những ai không bỏ phiếu cho Bảo Ninh”.
Lỗi tại “anh” tỉ lệ ?
Tôi gõ cửa Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh. Ông cũng đang buồn. Trường hợp của Bảo Ninh khiến ông lao tâm khổ tứ nhất xưa nay: “Hội đồng có 28 người nhưng thực ra số người hoạt động trong văn học nghệ thuật chỉ chiếm nửa thôi. Trong văn chương chỉ có mấy tên: Tôi, Nguyễn Trí Huân, Chu Lai, Hoàng Nhuận Cầm. Tôi đã bảo vệ Bảo Ninh, lí giải, thuyết phục về trường hợp này, thậm chí cãi nhau ở hành lang, hết mức rồi, đành chịu. Có người nói thẳng với tôi: Sẽ không phát biểu làm phiền nhưng không bỏ phiếu, không ủng hộ Bảo Ninh. Trên hàng ghế “cầm cân nảy mực” những người trong nghề chỉ là thiểu số, không có tiếng nói gì, vô nghĩa thôi”.
Ông cho biết ở hai vòng dưới, tỉ lệ phiếu bầu cho Bảo Ninh rất tốt: ở tuyến cơ sở, Bảo Ninh đạt tỉ lệ 100% phiếu bầu; ở ủy ban chuyên ngành cấp bộ, Bảo Ninh cũng đạt tới 90 % phiếu bầu, ở cấp Nhà nước, tỉ lệ sụt xuống chỉ còn 76% phiếu bầu. Và Bảo Ninh “rớt” sâu.
Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam phàn nàn: “Tỉ lệ 90% là quá cao, cứ thế này, có mà rớt hàng loạt, đau khổ vô cùng”. Ông nói rằng, nếu giờ Hữu Thỉnh “thi” thì cũng “trượt” như thường thôi: “Tôi đã từng nói trước hội nghị mấy trăm người đề nghị phải thay đổi tỉ lệ này. Qui định 75% đã là chiếm 3/ 4 đồng thuận rồi. Giờ nâng lên 90 %, nghĩa là trong hội đồng chỉ cần mất 3, 4 phiếu đa trượt. Tôi cho rằng vẫn nên giữ tỉ lệ cũ 75% là phù hợp. Quá bán thì hơi thấp”. (Tiến sỹ Lưu Khánh Thơ cho rằng, chỉ nên lấy tỉ lệ quá bán  là được, vì còn tính đến quan điểm, cách nhìn của những người trong hội đồng khác nhau). 
Nhà thơ Hữu Thỉnh cũng tiết lộ, Hội nhà văn Việt Nam đã lọc rất kỹ đề cử giải thưởng Nhà nước: Từ 200 tác giả đăng ký, hội đồng cơ sở lọc ra 54 tác giả, lên hội đồng chuyên ngành, lọc tiếp, còn 29 tác giả. Đến cấp nhà nước, còn 22 tác giả, “rụng” mất 7 tác giả.
Bảo Ninh đưa ra 2 tác phẩm xét tặng giải thưởng Nhà nước, ngoài cuốn “Nỗi buồn chiến tranh”, còn có tập truyện ngắn do NXB Trẻ thực hiện, cách đây 3 năm: “Tập truyện ngắn rất hay, chỉ tiếc là mới ra đời cách đây 3 năm chưa đủ thời gian thử thách là 5 năm công bố với dư luận, nên không được đưa vào xét. Giá mà tập truyện ngắn cũng được xét thì may ra Bảo Ninh còn có cơ hội thắng”, Hữu Thỉnh tiếc.
Cuốn tiểu thuyết ban đầu có tên “Thân phận tình yêu” khi ra mắt đã gây bão trong dư luận. Ai cũng biết “Nỗi buồn chiến tranh” từng bị nhiều năm “cấm cửa”. Nhưng cùng với thời gian, “Nỗi buồn chiến tranh” đã được trả lại vị trí  xứng đáng. Tác phẩm từng được Hội nhà văn Việt Nam vinh danh, được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, thuyết phục giới chuyên môn trong và ngoài nước.
Mới đây nhất, gương mặt tiêu biểu của văn học Trung Quốc đương đại Diêm Liên Khoa đã hết lời tụng ca “Nỗi buồn chiến tranh” trong bài phê bình “Tầm cao của văn học chiến tranh phương Đông”: “Một tác phẩm cực hiếm của một nhà văn châu Á phương Đông, hiếm có những miêu tả, nhận thức, phê phán thẩm mỹ đối với chiến tranh, hiếm có trong những lí giải và tình yêu đối với con người, những suy nghĩ về nhân tính, hiếm có cả trong biểu đạt nghệ thuật- một phương diện cá tính nhất, quan trọng nhất đối với một nhà văn”.
Một tác phẩm được dư luận quốc tế công kênh lại rớt ngay chính sân nhà. Song theo như nhà thơ Hữu Thỉnh, vẫn còn những ngày “kháng án”, tạo cơ hội cho những người trong nghề, những người yêu văn học nói lên tiếng nói bảo vệ “Nỗi buồn chiến tranh”.