Chủ Nhật, 3 tháng 7, 2016

Phần IV: Đông La “chém gió” trên diễn đàn nhóm các nhà lý luận phê bình

ĐÔNG LA
Phần IV: Đông La “chém gió”
trên diễn đàn nhóm các nhà lý luận phê bình


Cuộc thảo luận nhóm thuộc lĩnh vực lý luận phê bình bắt đầu. Phó Chủ tịch Trần Đăng Khoa phát biểu lĩnh vực Lý luận Phê bình quan trọng nên ban lãnh đạo Hội cử hai phó chủ tịch là Trần Đăng Khoa và Nguyễn Trí Huân tham dự, nhưng không có mặt Nhà văn Nguyễn Trí Huân vì bận tổ chức lễ tang cho nhà văn Bùi Bình Thi mới mất. Trần Đăng Khoa giới thiệu Nhà Phê bình Phan Trọng Thưởng, nguyên Viện trưởng Viện Văn học, Trưởng ban Lý luận Phê bình HNV VN, điều hành cuộc thảo luận.
Một nhà phê bình, tôi không quen nhưng thấp thoáng thấy ở đâu đó, được giới thiệu lên đọc tham luận đầu tiên. Bài viết dài, công phu mang tính tổng kết, nhưng dường như không được hợp lắm với không khí hội thảo mang tính đối thoại và không ít nhà văn đi hội nghị với tinh thần vui là chính, hội nghị là dịp để gặp được bạn bè nơi xa xôi. Rồi tôi không ngờ được giới thiệu phát biểu kế tiếp. Tôi thấy trong các cuộc hội thảo được trình bầy thứ hai, thứ ba chính là thời gian vàng. Bởi đầu tiên thì sớm quá, người ta còn ồn ào, chưa ổn định chỗ ngồi, còn muộn quá thì người nghe đã thấm mệt, chưa kể có người còn ngủ gật bởi sự nhàm chán do diễn giả lặp lại nhau, hoặc đơn giản là do những bản tham luận dở bởi khả năng người soạn ra nó.
Tôi chỉ chú ý bài tham luận trước nói là cần phải vận dụng lý luận của nước ngoài. Điều này tôi cũng đã viết. Nước ta vốn không phải là nôi của những phát minh khoa học và lý luận nên học tập, nghiên cứu của nước ngoài để vận dụng là cần thiết. Nhưng cần phải “gạn đục khơi trong” để “tiếp thu tinh hoa” của thế giới. Sự du nhập luôn có lẫn cỏ dại và nấm độc. Cả ngành truyền thông dường như đang lạc đường khi tối ngày cổ vũ lối sống tranh đoạt, đề cao cái tôi, những cái cao quý, sâu sắc, tinh tế đang bị những cái nhăng nhít, mốt miếc, hot hiếc dồn đến chân tường! Trong lĩnh vực tri thức uyên thâm cũng có tình trạng ham của lạ, chạy theo những khái niệm lấp lánh, kêu beng beng, nhưng thực chất chẳng hiểu gì.
Tôi nói:
-Về lý luận của nước ngoài, tôi đã viết và đã in về siêu thực, hậu hiện đại, Kundera, Hiện tượng học, v.v… Ông GS Trần Đình Sử rất thích tôi viết về siêu thực, ông còn lưu những bài tôi viết. Việc nghiên cứu áp dụng lý luận nước ngoài cũng giống như chúng ta áp dụng tri thức khoa học công nghệ vậy. Bây giờ tri thức có sẵn đầy trên trời, tức internet, nhưng tại sao nước ta không làm ra được những sản phẩm có thương hiệu cạnh tranh được trên thị trường thế giới. Đơn giản là vì chúng ta kém. Với lý luận văn học nước ngoài cũng vậy, cái chính ở đây không phải giới thiệu nó như thế nào (ý tôi hội nghị không phải lớp học) mà cần phải xem nền văn học của chúng ta đã áp dụng nó như thế nào? Đã đưa nền văn học của chúng ta đi lên hay tụt xuống? Còn hôm nay tôi cũng có ý bàn về thi pháp nhưng là thi pháp theo quan niệm của chính tôi.
Rồi tôi đọc một số đoạn mà tôi đánh dấu ở bản tham luận. Không thể đọc hết được vì nó dài, và giữa chốn ồn ào, nói những cái tinh tế, cao sâu không phù hợp vì chúng cần chỗ yên tĩnh để người ta đọc, còn suy đi ngẫm lại:
“Thực tế nước ta đã có hiện tượng không phải đổi mới mà là lộn ngược văn chương. Có tác giả, tác phẩm được đẩy lên tột cùng, có tác phẩm được ca ngợi chỉ vì cách viết mà không để ý gì đến nội dung, bất kể đúng sai, tốt xấu. Với một số người, đổi mới đồng nghĩa với việc trước ca ngợi thì nay phản kháng; trước êm đềm thì nay giật cục; trước nghiêm trang thì nay giễu cợt, khinh bạc; trước tế nhị, lịch sự thì nay nanh nọc, thô tục… Theo tôi, đổi mới như vậy mới chỉ là đổi mới cái vỏ văn chương, khi không khám phá được điều gì nghiêm túc, sâu sắc, lớn lao thì gây ấn tượng bằng những điều lập dị, ngược ngạo, sản phẩm của trí tuệ nông cạn nhưng hãnh tiến. Văn chương chân chính muôn đời vẫn luôn dựa trên bản năng thẩm mỹ mang tính người. Theo tôi, đổi mới thực chất nghĩa là phải làm cho văn chương “mạnh” hơn, biểu đạt cao hơn, sâu rộng hơn, đúng hơn và có tác động tích cực hơn đến hiện thực cuộc sống; biểu cảm sâu hơn, toàn diện hơn cuộc sống tinh thần con người”.
Khi nói tới đổi mới thơ ca là người ta, cả bản tham luận trước tôi, thường nhắc tới Trần Dần, Lê Đạt. Nhưng các trường phái nước ngoài mà các nhà đổi mới ở VN vận dụng, trong đó có Trần Dần, Lê Đạt, về thời gian đã là rất cũ. Như Siêu thực đã khoảng 100 năm, Hậu hiện đại khoảng 50 năm, Tân hình thức khoảng 40 năm, v.v… Vậy mới thì mới cái gì? Lý luận của mỗi trường phái là lý luận của một nhóm người, nhóm này phản bác nhóm kia, nên cũng không phải là chân lý của nghệ thuật.
Tôi đọc tiếp:
“Có một nhóm rất nhỏ có ý thức đổi mới thơ quyết liệt, muốn làm ngược lại hoàn toàn thơ kháng chiến, thơ hiện thực, khởi thủy từ Trần Dân, Lê Đạt thuộc lớp “lão làng”, đến Hoàng Hưng, rồi đến nhóm Mở miệng trong những ngày hôm nay. Tôi tôn trọng họ có quyền có sở thích riêng. Nhưng nếu ngộ nhận, coi chỉ thơ như mình mới là sáng tạo, mới là siêu nhất, coi thường, chê bai những tác giả, tác phẩm khác mình thì tôi thấy vô lý và sẽ chống lại. Thứ nhất, nếu coi sự khó hiểu là một đặc tính cao siêu, là mục tiêu để phấn đấu thì không thể còn có loại thơ nào kín mít bằng thơ tượng trưng kín mít (Hermétique). Thứ hai, nếu coi sự tự do, sự phá vỡ mọi thuộc tính hiện thực của ngôn ngữ của thơ ca, thì cũng không có loại thơ nào phá phách bằng thơ đa đa, không có loại thơ nào kỳ dị bằng thơ siêu thực.
Lê Đạt là một người rất nhiệt thành truyền bá tinh thần sáng tác dựa trên cơ sở khoa học, ông viết: “Từ khi cầm bút tôi đã quan niệm việc cách tân thơ Việt là mục đích quan trọng nhất của đời mình... Vật lý hiện đại (và thơ hiện đại) khuyến khích những giả thuyết thoạt nhìn như rồ dại nhưng có khả năng mở ra những khía cạnh kỳ bí của ngoại giới…Lý thuyết về những phô tông đã khẳng định tầm quan trọng hàng đầu của những cấu trúc gián đoạn thay thế những cấu trúc liên tục tăng chế ngự khoa học cũng như thơ ca trong nhiều thế kỷ”.
Tôi đã viết: “Tính liên tục và tính gián đoạn chỉ khác nhau như một sợi dây liền và một sợi dây đứt đoạn, nên việc Lê Đạt tưởng tượng ra “nó chế ngự thơ ca trong nhiều thế kỷ” thực ra là điều không có thực.
Người ta cũng đã dựa vào tính bất định, tính phi tuyến tính của chuyển động trong Cơ học lượng tử làm cơ sở cho việc sử dụng tính phi logic của ngôn ngữ, gây ra sự khó hiểu. Lê Đạt, Trần Dần và các tín đồ sau này đã cho rằng cần phải đổi mới thơ ca bằng cách “phá vỡ “những quy luật nghiệt ngã nhiều khi bảo thủ của ngữ pháp”. Chính vì thế mới có loại thơ sai ngữ pháp ngô ngô ngọng ngọng mà với người đọc bình thường thì không tài nào hiểu nổi tại sao lại có loại “thơ” như thế. Có điều cơ học lượng tử thuộc thế giới vi mô của các hạt cơ bản, còn ngôn ngữ là một trong những sản phẩm ý thức của não người, tức thuộc về thế giới của các chất chứ không phải của các hạt. Cũng như người ta chỉ ăn chất bột, ăn thực phẩm chứ không ai có thể ăn được hạt cơ bản.
Ngữ pháp thực chất chỉ là quy tắc của ngôn ngữ. hoàn toàn không thể có chuyện diễn tả các vấn đề một cách “sai ngữ pháp” thì sẽ hay hơn. Không ai có thể đưa ra được một thí dụ về điều này. Trong tác phẩm, ngôn ngữ nhân vật có thể sai ngữ pháp, còn nhà văn viết tác phẩm mà sai ngữ pháp là do học dốt.
Chính vì vậy cái mới, cái giá trị của thơ hiện tại (chứ không phải hiện đại) không có chuẩn mực để đánh giá, còn rối như mớ bòng bong. Ai cũng tự tin đưa ra quan điểm của mình. Yêu thích là quyền mỗi người, nhưng người nào hiểu biết hơn sẽ có cái nhìn đúng đắn hơn. Theo tôi, thơ ca là sản phẩm của con người, dù thời nào con người vẫn là con người, với tất cả những thuộc tính về thể chất và tâm trí. Nếu khoa học cũng như nghệ thuật coi sáng tạo là phá vỡ quy chuẩn, là sự lộn ngược thì không biết thế giới này sẽ đi tới đâu? Ngành lai tạo trong sinh học sẽ chỉ cho ra những quái thai. Nhưng có lẽ chúng ta nên tôn trọng quyền tự do say mê cái lập dị, cái lộn ngược, cũng như tự nhiên đã tôn trọng sở thích ăn xác thối của loài linh cẩu, kỳ đà vậy. Có điều cần phải biết nhận ra cái giới hạn mà vượt qua nó là đồi trụy, là băng hoại, kể cả phạm pháp, nếu không bị tù như chơi!
Thật e ngại khi sự quái dị của con người không chỉ dừng lại ở sự lộn ngược thẩm mỹ mà còn có cả sự lộn ngược thiện ác. Tiêu chuẩn của cái mới, cái tiến bộ không chỉ là cái nghịch thường, phản luân thường đạo lý, phản thuần phong mỹ tục, mà còn là phản kháng, kể cả phản động.
Như vụ ồn ào vừa qua, Luận văn của cô Nhã Thuyên có quan điểm sai trái tất về văn chương, chính trị và thẩm mỹ lại được hội đồng giám khảo cho điểm 10, khi bị thu hồi, cũng lại có cả một phong trào phản đối, trong đó có nhiều trí thức danh tiếng. Chuyện về một cái luận văn thạc sĩ là một việc rất nhỏ nhưng có hiện tượng cả một phong trào ủng hộ Nhã Thuyên, phản đối quyết định thu hồi luận văn, trong đó có nhiều trí thức danh tiếng, thì lại hoàn toàn không nhỏ vì phản ánh một sự thoái hóa nhân tính khi người ta ủng hộ một điều bất hảo!”.
***
Bàn về thi pháp, nói nôm na là các phương pháp để sáng tạo văn chương, với tôi, đến với văn chương từ một người nghiên cứu KHTN, tôi thấy cũng như mặt hàng công nghệ, đổi mới văn chương là phải làm văn chương tốt hơn, có ích hơn, cuốn hút người đọc hơn, vì bị giới hạn thời gian, tôi kết thúc phần thảo luận bằng đoạn này:
“Nước ta là một nước nông nghiệp, hầu hết các nhà văn là con em nông dân nên phần lớn tác phẩm văn chương thường tái hiện tâm tư tình cảm và cuộc sống của người nông dân. Điều này tuân theo đúng nguyên lý “tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội” của Triết học Mác.
Vậy sự khác nhau giữa sản xuất nông nghiệp và sản xuất công nghiệp là gì? Người nông dân làm ruộng là làm đất, gieo hạt, rồi chăm bón, đợi đến mùa thu hái. Còn người công nhân làm việc trên những dây chuyền công nghệ theo quy trình sản xuất, chúng được xây dựng bằng lao động trí óc rất khó khăn và phức tạp từ những tri thức khoa học công nghệ. Các nhà văn ở ta thường theo phương pháp hiện thực, nhưng nếu không hiểu sâu sắc hiện thực, người ta chỉ có thể phản ánh được cái vỏ của hiện thực chứ chưa phải là một hiện thực đúng đắn, toàn diện, sâu sắc. Hiện thực dưới con mắt người nông dân chỉ là những chuyện, những cảnh vật trực quan, nhưng với nhà khoa học thì khác, họ không chỉ nhìn như người nông dân mà còn thấy được cả những cái bên trong, những mối liên hệ và những quy luật chi phối chúng. Hiện thực mang tính khoa học trong tác phẩm là một hiện thực không phải được sao chép giản đơn từ nguyên mẫu cuộc sống, mà là một cấu trúc mới được tái tạo lại bằng lao động sáng tạo của người viết, sao cho sức biểu đạt, biểu cảm cao hơn, phản ánh cuộc sống một cách sâu sắc và toàn diện hơn.
Tính tiểu nông nhỏ lẻ khiến người ta thường thích những gì mộc mạc dễ hiểu... hơn là vẻ đẹp của những những tư tưởng có tính khái quát và tầm cao triết lý, những cái không chỉ tác động trong một không gian hẹp mà liên quan đến tất cả. Một người nông dân làm một vụ mùa bội thu thì chỉ nhà người ấy hưởng. Nhưng một nhà phát minh đưa ra được một phát minh lớn thì mang lại lợi ích cho cả nhân loại”.
Nói gọn lại, văn chương là sự phản ánh đời sống. Vậy ý tôi đổi mới văn chương là sự tăng cường tính khoa học của cái nhìn của nhà văn đối với đời sống. mà muốn vậy nhà văn không chỉ tích lũy vốn sống như trước đây người ta thường nói mà còn cần phải tích lũy tri thức.
“Thi pháp” Đông La chỉ giản dị như vậy thôi!
***
Tôi ngừng lời, xuống chỗ ngồi, mọi người vỗ tay nhưng chắc không hết, vì ở dưới có những người từng cho luận văn của Nhã Thuyên điểm 10 và cũng có những người coi lộn ngược văn chương là đổi mới. Nhưng tôi thì có sợ ai mà không dám nói vì tôi chỉ nói ra sự thật và không mưu cầu riêng một điều gì hết. Anh Lê Thành Nghị, nguyên Trưởng ban Lý luận Phê bình khóa trước, ngồi bàn trước tôi, ra dấu tay ủng hộ tham luận của tôi.
Công việc đầu tiên của tôi “chém gió” ở nhóm các nhà Lý luận Phê bình là như thế. Một hội nghị gồm các đại biểu của cả nước được chọn mời về, có cả cây đa cây đề trong làng văn và hầu hết đều có danh vị, “chém” được mấy ý như tôi cũng là ghê rồi.
Còn lĩnh vực Lý luận Phê bình của một nền văn học là mênh mông, mấy phút phát biểu làm sao mà nói hết được.
Phê bình và sáng tác là hai bộ phận cấu thành một nền văn chương. Tâm lý nhà sáng tác vốn “văn mình vợ người”, coi mình là rốn vũ trụ, là “nhất”, nên cần phải có nhà phê bình để thẩm định xem có đúng là “nhất” không hay là “bét”? Vì vậy ai được khen thì rất thích còn bị chê thì rất ghét, nhà phê bình vì thế mà bị nhà sáng tác coi như mụ dì ghẻ của văn chương. Nhưng thực tế vẫn có dì ghẻ tốt, nhưng tốt với nhà phê bình chưa đủ. Nếu nhà phê bình kém tài thì chỉ là người ăn theo, còn nhà phê bình tài năng thì có thể làm thầy nhà sáng tác. Nhất là với những người chưa thành danh, những người trẻ, nếu được những nhà phê bình có uy tín xác nhận tài năng, giới thiệu thì với họ chẳng khác gì một sự khai sinh, một sự đỡ đầu. Với các nhà thơ thời Thơ Mới ở VN, Nhà phê bình Hoài Thanh là một người như thế. Khi Chế Lan Viên xuất hiện với tập “Điêu tàn” mới mười mấy tuổi, Hoài Thanh đã viết “như một niềm kinh dị”. Từ nhận xét đó, tài năng của Chế Lan Viên đã được chắp cánh. Tương tự ở bên Nga, Nhà phê bình Belinsky, đúng lúc Gogol bị dư luận chỉ trích, bị tuyệt vọng, Belinsky, một người không quen, không ai yêu cầu, không chấp vặt, không để ý những đàm tiếu vặt về Gogol, Belinsky tuyên bố Gogol là nhà văn vĩ đại của nền văn học Nga. Chính ông đã chìa tay ra giúp đỡ, xốc dậy tinh thần sa sút của Gogol, giúp Gogol đứng vững và phát triển văn tài, vì vậy Belinsky được coi là người đỡ đầu, khai sinh ra nhà văn vĩ đại Gogol. Chưa hết, với Dostoyevsky cũng vậy, với tác phẩm đầu tay, Belinsky đã nhận xét và đưa ra lời tiên tri, đã tác động mạnh đến văn nghiệp của một người sau trở thành một đại văn hào của thế giới.  Năm 1877, trong “Nhật ký nhà văn”, Dostoyevsky đã kể lại cuộc gặp gỡ với Belinsky: “Tôi chia tay ông trong niềm hoan hỉ. Tôi đứng trong con hẻm cạnh nhà ông, ngước nhìn lên bầu trời, ngước nhìn một ngày trong sáng, nhìn những người qua lại và cảm thấy hết sức rõ ràng rằng trong cuộc đời tôi đã diễn ra một thời khắc trọng đại, một bước ngoặt mãi mãi, rằng đã bắt đầu một cái gì đấy hết sức mới mẻ, nhưng lúc bấy giờ thậm chí tôi không hình dung được ngay cả trong những ước mơ tha thiết nhất… Đó là giây phút tuyệt vời nhất trong suốt cuộc đời tôi. Trong chốn tù đày, mỗi khi nhớ tới nó là lòng tôi trở nên can đảm. Bây giờ tôi vẫn thường xuyên nhớ tới nó với nỗi hân hoan”.
          Tôi không dám so mình với ông “Đốt” nhưng tâm trạng trên cũng chính là tâm trạng của tôi sau khi được Chế Lan Viên khen. Đang làm nghiên cứu ở một viện dược, tôi không dễ bỏ mồi bắt bóng theo văn chương. Sự quý mến của cô Anh Thơ (cũng đã được Giải HCM) vẫn chưa đủ, phải được sự ưu ái của một người cỡ Chế Lan Viên thì mới đủ lực khiến tôi dấn thân vào con đường văn chương, dù rằng không ít lần tôi muốn “quẳng mẹ nó đi”, nhưng giờ ngẫm lại, đã là số thì không sao “thoát” được!
          ***
Nhưng tại sao tôi lại viết được phê bình? Phê bình là thẩm định, có khen, có chê, có phê phán. Nhất là những chuyện liên quan đến chính trị, đến luật pháp. Muốn phê phán được người ta anh phải giỏi hơn, nếu không “nó đập cho bỏ mẹ!” Đặc biệt có những trường hợp tôi không học, chỉ liếc qua, nhưng tôi lại có thể phê phán được những chuyên môn sâu mà người ta cả đời kỳ công học tập, nghiên cứu. Có lẽ Trời đã phú cho tôi cái khả năng đó chăng? Tôi từng hỏi cô Hòa thì cô bảo là Đại Thế chí Bồ Tát đã khai mở cho tôi! Nhớ lại hồi nhỏ dù tôi ghét học môn văn nhưng ngược lại tôi cũng lại rất thích đọc những cuốn sách hay. Thời chiến tranh ở quê sách ít lắm, tôi nhớ nhất là “Tam quốc” và cuốn “Thép đã tôi thế đấy”. Nhưng tôi không thích hết mà chỉ thích những câu, nhưng đoạn hay thôi, nhất là tuổi mới lớn thường chú ý những chuyện yêu đương. Những câu sau trong “Thép đã tôi thế đấy” sau nửa thế kỷ rồi tôi vẫn còn nhớ:
“Tuổi thiếu niên! Tuổi thiếu niên tươi đẹp biết bao, khi bạn còn chưa biết gì đến khát vọng, mà bạn chỉ mới cảm thấy mơ hồ trong những tiếng đập gấp gấp của trái tim; khi bàn tay của bạn run rẩy, sờ sợ, rụt nhanh lại, vì vô tình chạm vào ngực người bạn gái, khi tình bạn của tuổi niên thiếu còn ngăn được lòng bạn không để đi đến bước cuối của tình cảm. Còn gì trên đời có thể ngọt ngào hơn hai cánh tay người yêu đang quàng lên cổ bạn và cái hôn của ai nồng cháy, như có luồng điện phát ra”.
Giờ tôi mới nhận ra, thì ra cái ghét môn văn cũng là thái độ của một nhà phê bình. Thích đoạn này đoạn kia trong một cuốn sách cũng là thái độ của một nhà phê bình. Đặc biệt tôi lại có tính hay cãi, nhất là thời sinh viên, đến nỗi thời đó có thằng bạn cứ gọi tên tôi là “Cãi” thôi! Mà cãi thực ra là một phẩm chất quan trọng của một nhà phê bình.
***  
Như đã kể, bài phê bình đầu tiên của tôi chính là bài tôi bênh vực cô Anh Thơ, và như sứ mệnh, sau đó và đến tận hôm nay, bằng chữ nghĩa, tôi còn bênh vực nhiều người nữa, mà khó nhất, lâu nhất, kỳ công nhất, chính là việc bênh vực cô Vũ Thị Hòa.
Nhưng hồi đầu, cái chuyện khiến tôi dấn sâu hơn vào phê bình chính là chuyện nhận định của cô Anh Thơ và Cô Thường về khả năng văn chương của tôi có phần ngược nhau. Cô Anh Thơ bảo tôi có tài về thơ thôi, cô Thường bảo tôi biết viết văn thôi. Mà cả hai người trong giới văn chương đều có vị trí. Vậy ai đúng, ai sai? Rồi cả sau khi tôi được Chế Lan Viên khen về thơ, Nguyễn Khải khen về văn, hai người được xếp hạng uy tín và thông minh nhất trong làng văn, nhưng tôi vẫn gặp không ít nhà văn dạng “kỳ nhông cắc ké” nhận xét về tác phẩm của tôi ngược nhau.
Vậy chân lý văn chương ở đâu? Thế nào là hay, dở, đúng, sai, cao, thấp? Tôi đang làm công việc nghiên cứu KHTN nghĩa là tìm những cái chưa biết, cũng tinh thần ấy, tôi đi tìm chân lý của văn chương, nghĩa là dấn thân vào con đường nghiên cứu lý luận, viết phê bình.
Nhưng mọi chuyện diễn ra rất tự nhiên chứ không cụ thể như kế hoạch của chi bộ Đảng đâu. Đầu tiên là tôi tranh luận về Chủ nghĩa Siêu thực. Thấy ông Trần Mạnh Hảo viết “đi hết đầu mút của hiện thực là đến siêu thực”; “siêu thực và hiện thực là hai mặt của một thực thể”. Tự dưng tôi biết ngay ông Hảo “đếch” biết gì, lại “làm văn” về lý luận. Bởi siêu thực là khuynh hướng sáng tác coi hiện thực được nhận thức một cách tự do bởi một “giấc mơ khi thức” không bị kiểm soát bởi lý trí mới đúng là hiện thực đích thực, một siêu thực. Những bài của tôi về siêu thực đã khiến ông GS Trần Đình Sử, một nhà nghiên cứu hàng đầu về thi pháp, chú ý.
Sau đó quen thân với Nguyễn Quang Thiều, tôi viết nhiều về thơ hiện đại để bênh vực thơ Thiều; rồi đến các vụ tranh luận về quyết định luận, vô định luận với Đỗ Minh Tuấn; về chủ toàn chủ biệt của cao Xuân Huy với Nguyễn Huệ Chi, về Chủ nghĩa Mác với Hoàng Minh Chính, TMH; về chủ nghĩa Hậu hiện đại; về Hiện tượng học liên quan đến Kundera với Nguyên Ngọc; rồi về Kant, Huserl, Nietzche với Từ Huy; v.v… Cứ thế tôi bị “sa lầy” vào lý luận phê bình và rồi hôm nay thành luôn một nhà lý luận phê bình.
Và đúng là số mệnh, hai cuốn phê bình “to” của tôi, tôi đều không có ý xuất bản. Cuốn đầu, tự dưng như trên trời rơi xuống, ông Nguyễn Văn Lưu khi tôi chưa quen, đang làm giám đốc NXB Văn Học, gọi điện bảo tập trung bài vở lại đi, ông ấy in thành sách cho. Cuốn “Biên độ của trí tưởng tượng” đã ra đời vì thế. Rồi bao phen muốn buông bút, Nguyễn Quang Thiều vào chơi bảo: “Ông là người chồng, người cha tốt, nhưng ông mà không viết là ông có tội với chính ông đó”. Thiều cũng bảo tập trung bài vở lại đi Thiều bỏ tiền in cho một cuốn. Tôi đã soạn cuốn “Bóng tối của ánh sáng” là vì thế. Nhưng rồi nó “hay” quá, nhà nước đã giành mất phần in của Thiều!
***
Một nền phê bình khoa học, khách quan, tiên tiến sẽ thúc đẩy nền văn học phát triển, là bà đỡ cho những tài năng. Còn nền phê bình với những kiểu phê bình nịnh hót để tiến thân; kiểu phê bình thượng đội hạ đạp; kiểu phê bình cánh hẩu, băng nhóm để chia chác danh lợi; sẽ biến nền văn chương thành một đám bùng nhùng, trắng đen lẫn lộn, thiện ác bất minh. Không phải tất cả nhưng đâu đó đã có xuất hiện ở nền văn chương VN. Một nhà sáng tác chân chính thật hãi trước một nền phê bình vô cảm, mù điếc, khi những tín hiệu nghệ thuật được phát ra như vào chỗ không người. Những bài thơ tôi viết đến Chế Lan Viên cũng khen, Hải Như, một thi sĩ lão làng, gọi điện thoại cho là hay nhất; còn truyện ngắn đầu tay có cái đến Nguyễn Khải cũng xuýt xoa; đặc biệt có truyện tôi viết cách đây hơn 30 năm, đăng lại trên bog, nhiều độc giả ngạc nhiên về những điều tôi viết vẫn còn đang được thảo luận sôi nổi trên diễn đàn quốc hội; v.v… Nhưng cả nền phê bình văn học VN đều không biết, dù nó đã được đăng những báo trung tâm nhất, thậm chí có truyện còn được dựa vào dựng thành phim. Cuốn “Bóng tối của ánh sáng” của tôi, đến “Trung ương” cũng khen, còn đến thăm nhà, Chủ tịch Hữu Thỉnh gọi điện “Sao em không để số điện thoại lên sách để anh kiếm gần chết. Em viết hay lắm. Những bài viết của em có sức mạnh như những sư đoàn”. Vậy mà khi xét giải thưởng của Hội nhà Văn nó đã bị loại. Tôi đã có ý kiến, một vị lãnh đạo bảo: “Toàn mấy đứa cho luận văn Nhã Thuyên điểm 10 thì sao mà chúng nó bỏ phiếu cho em được!” Rồi chính anh Hữu Thỉnh phải “chữa cháy”, cũng anh ký, trao giải của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật cho tôi.
Tôi viết những dòng này không phải để nói xấu mà vì từ thực tế cá nhân tôi muốn nói ra một điều hệ trọng: một nền phê bình dốt, vô cảm, không công tâm, sẽ làm thui chột động lực sáng tác của nhà văn. Như tôi đây còn biết bao dự định sáng tác, thậm chí viết rồi cũng cũng không muốn xuất bản, bởi thấy viết ra để làm gì? xuất bản để làm gì? Một sản phẩm thường có giá trị, công nhận hay không thì người ta vẫn dùng được, nhưng sản phẩm văn chương, nghệ thuật nếu không được thẩm định, bình phẩm, công nhận, công bố thì dù có giá trị đến mấy cũng sẽ thành mớ giấy lộn. Van Gogh cả đời sáng tác chỉ bán được một bức tranh có 40 đô, phải tự sát năm 37 tuổi, vậy mà khi ông chết, tranh của ông, vì giá trị một phần, vì thương mại hóa một phần, được bán hàng trăm triệu đô một bức!
Chưa hết, tệ hơn nữa là nền phê bình văn chương nước ta còn có khuynh hướng phê bình lộn ngược do hãnh tiến và cơ hội, mọi quan điểm về chính trị, lịch sử, thẩm mỹ đều bị lộn ngược. Ồn ào nhất là từ thời “đổi mới” của Nguyên Ngọc. Thật e ngại là nó đã tạo ra được một dư luận có quán tính ghê gớm, một sự đối trọng ghê gớm, làm lung lay các giá trị cũ, che khuất đi các giá trị mới. Nguyên Ngọc còn đang kêu gọi thành lập một Văn đoàn độc lập đối chọi với Hội Nhà văn VN nữa kia mà.
***
Xin đón đọc phần tới về chuyện nhà văn Đông La cho “nổ bom” trên diễn đàn, trong đó có phần nói về ông Nguyên Ngọc.

3-7-2016
ĐÔNG LA