Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2016

TỔNG KẾT VỤ CÁ CHẾT

ĐÔNG LA
TỔNG KẾT VỤ CÁ CHẾT


Chuyện văn chương là chuyện trà dư tửu hậu nên tôi xin gác lại trước thông tin mới mất về vụ cá chết do ô nhiễm biển Miền Trung.
5h chiều qua, 30-6-2016, Chính phủ họp báo công bố kết quả điều tra nguyên nhân và thủ phạm gây cá chết hàng loạt ở biển miền Trung.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nói: "Những vi phạm và sự cố trong quá trình thi công vận hành thử nghiệm tổ hợp nhà máy của công ty Formosa Hà Tĩnh là nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng, làm hải sản tại 4 tỉnh miền Trung chết bất thường"; “Ngày 28/6, Formosa Hà Tĩnh đã nhận trách nhiệm làm hải sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh
Formosa đã đưa ra 5 cam kết: 1. Xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam; 2. Bồi thường thiệt hại cho dân và hỗ trợ giải quyết hậu họa 11.500 tỉ đồng, tương đương 500 triệu USD; và cam kết hoàn thiện công nghệ, không tái phạm, v.v…
Như vậy vụ việc nóng nhất, quan trọng nhất, liên quan đến cuộc sống của người dân cả một dải biển mấy tỉnh, mấy trăm km đã được giải quyết.
***
Trước hiện tượng một số người chuyên kiếm cớ quấy rối, làm loạn, vụ cá chết là một vụ to, họ lại diễn trò, người thì viết bài, người ra tuyên bố, người viết kiến nghị, rồi đến kích động biểu tình, v.v… tôi đã có viết mấy bài.
Như chuyện ông Thiện Ý Tống Văn Công đã có “ác ý” viết: “Thay vì đến thăm người dân bị nạn, Nguyễn Phú Trọng còn làm cái gọi là “thị sát kiểm tra tiến độ công trình Formosa” của Công ty Hưng Nghiệp Formosa Đài Loan đóng tại Vũng Áng Hà Tĩnh (Formosa Hà Tĩnh)… khiến nhân dân cả nước và người Việt ở hải ngoại phẫn nộ và nghi ngờ rằng đảng và nhà cầm quyền VN đang cố tình bao che, tìm cách “hoãn binh chi kế” cho thủ phạm có thời gian xóa sạch dấu vết một tội phạm”.
Nhóm Nguyễn Quang A, Hoàng Hưng, Nguyễn Huệ Chi cũng ra TUYÊN BỐ cho có “một số thế lực bao che và tìm cách hoãn binh để phi tang”.
Trước yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm rõ nguyên nhân, điều tra sai phạm: “Dù bất cứ cơ quan nào, dù bất cứ tổ chức nào, bất cứ cá nhân nào mà vi phạm pháp luật thì đều có điều tra làm rõ trên cơ sở các căn cứ khoa học, chứ không phải, không ai bao che được hết cả. Chính phủ kiên quyết bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân”, thì với kết luận và kết quả được chính phủ thông báo rộng rãi trước cơ quan truyền thông ngày hôm qua, chính phủ VN đã nói là làm, hoàn toàn không có chuyện “bao che để phi tang” như “suy diễn đểu” của các vị quấy rối nói trên.
***
Nhưng với tôi kết quả thủ phạm là Formosa Hà Tĩnh là điều bất ngờ.
Thứ nhất, trước dư luận cho cá chết do nước thải của việc súc rửa đường ống mà ông Giám đốc trung tâm an toàn vệ sinh môi trường của Formosa Hoàng Dật Thuyên khẳng định, trong 296 tấn hóa chất mà công ty nhập về, chỉ có 2 loại được để tẩy rửa đường ống là axit HCl và xút NAOH. Hai chất này là chất thường, không phải chất độc, nếu thải cùng nhau sẽ tự trung hòa thành nước nên không thể làm cá chết. Hơn nữa ông Thuyên cũng cam kết: "Từ khi hệ thống hoạt động, chưa một lần xảy ra trục trặc kỹ thuật hay phải trả nguồn nước thải về xử lý lại. Hiện những chất thải ra môi trường tự nhiên như chất rắn, dầu mỡ, ni tơ… đều đạt giới hạn giá trị tối đa"; "Khoảng mấy ngày đây chúng tôi không đi kiểm tra, nhưng có một số đơn vị nhà nước đi kiểm tra và xác định cá không chết quanh khu vực đó". 
Thứ hai, về phía VN, báo chí cũng đưa tin, ngày 2/5/2016, sau khi thu thập 12 mẫu cá biển, tôm, cua, mực... tại Hà Tĩnh, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia kết luận, hàm lượng kim loại nặng, thuốc bảo vệ thực vật trong các loại thực phẩm này đều trong giới hạn cho phép. Phân tích từ 9 đến 16 chỉ số mẫu nước biển tại 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, Tổng cục Môi trường đánh giá tất cả nằm trong giới hạn cho phép. Tới thời điểm hiện nay, chưa có bằng chứng kết luận của mối quan hệ liên quan của Formosa và các nhà máy tại Vũng Áng tới hiện tượng cá chết hàng loạt.
Rồi truyền thông đưa hình ảnh Bộ trưởng Bộ TT - TT Trương Minh Tuấn đã mời tất cả các nhà báo có mặt tại một cuộc họp đi ăn cá biển tại nhà hàng hải sản Hải Yến nằm trên đường du lịch ven biển Nhật Lệ thành phố Đồng Hới, rồi Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh cùng Chủ tịch thành phố Huỳnh Đức Thơ xuống biển Mỹ Khê tắm cùng với người dân.
Cộng với thực tế nắng nóng hạn hán kéo dài, cả nước đợi mưa, cá chết nhiều nơi ở VN và trên thế giới chứ không chỉ ở biển Miền Trung.
Vì vậy tôi và không ít người cho rằng nguyên nhân chính là El Niño. El Niño là hiện tượng nước biển nóng lên gây nhiều đại họa, trong đó có việc làm giảm oxy hòa tan trong nước biển làm cá chết hàng loạt.
***
Nhưng đúng như triết học Mác thực tế mới là tiêu chuẩn kiểm tra chân lý. Thực tế không phải như thông tin phía “ta” đưa ra để “an dân”, cũng không phải như phía “người ta” đưa ra để che chắn tội. Sau một khoảng thời gian làm việc cật lực, từ các vị có trọng trách đến các chuyên gia của VN và nước ngoài, Ban lãnh đạo Formosa Vũng Áng đã phải thừa nhận trách nhiệm của họ về nguyên nhân sự cố cá chết hàng loạt tại vùng biển 4 tỉnh Bắc Trung Bộ. Ông Trần Nguyên Thành, Chủ tịch Công ty Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, đã viết: "Sự việc này là một sự cố ngoài ý muốn, nguyên do chính của sự cố trong hệ thống xử lý môi trường của chúng tôi là có một số ngày bị mất điện trong thời gian đầu tháng 4 năm 2016, trong thời gian đó hệ thống quản lý của chúng tôi không kiểm soát được chất lượng nước thải, điều này đã làm ảnh hưởng tới môi trường nước biển miền Trung và là nguyên nhân sinh ra cá chết".
Như vậy họ đã thải trực tiếp chất thải vào biển không qua xử lý không như ý của ông Hoàng Dật Thuyên nói trên.
Chìa khóa để mở ra cánh cửa điều tra đó là hiện tượng 50% mẫu cá chết có nhiễm phenol và xyanua mà trong vùng chỉ có nhà máy luyện cốc của Formosa Hà Tĩnh thải ra hai chất này. Từ đây các nhà điều tra đã phát hiện tới 53 sai phạm từ thiết kế, thi công cho đến vận hành của Formosa Hà Tĩnh.
Quá trình sản xuất gang của lò cao, than cốc được dùng vừa đốt cháy để cung cấp nhiệt nung quặng vừa thực hiện phản ứng khử quặng sắt (gồm các ôxít sắt) hoàn nguyên thành sắt để tạo gang. Vì vậy cần phải luyện than đá (than mỡ) thành than cốc. Quá trình cốc hoá than người ta thu được ngoài than Cốc còn có các thành phần hữu cơ trong than đá bay hơi được ngưng tụ thành dầu cốc chứa các chất hoá học, trong đó có Phênol và Xyanua. Vì vậy mà nước thải nhà máy cốc hóa than chứa Phênol và Xyanua. Đây là cơ sở khoa học khẳng định  nhà máy luyện cốc của Formosa Hà Tĩnh là thủ phạm chính. Mà Xyanua thì đúng là một chất cực độc!
Như vậy, các nhà “rận” lu loa cho nguyên nhân chính là do súc rửa đường ống bằng hóa chất “cực độc” cũng không phải, nó là đồng phạm nhưng không phải thủ phạm chính.
*** 
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nói:
Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra nguồn thải lớn xuất phát từ khu vực Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh, chứa độc tố như Phenol, Xyanua, kết hợp với Hydroxit Sắt, tạo thành một dạng phức hỗn hợp (Mixel), có tỉ trọng lớn hơn nước biển, theo dòng hải lưu di chuyển theo hướng Bắc - Nam từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế là nguyên nhân làm hải sản và sinh vật biển chết hàng loạt, nhất là ở tầng đáy. Bản thân các hợp chất đó có nhu cầu hút ôxy, nên đi đến đâu trên biển thì lấy ôxy đến đó, góp phần tạo độc tố gây ra cá chết. Toàn bộ sự việc này diễn ra vẫn còn dấu vết… chúng tôi xác định chỉ lò luyện cốc phát thải phenol và xyanua. Đến bây giờ, có thể nói đã có bằng chứng thuyết phục để nhà đầu tư chấp nhận nguồn thải từ lò luyện cốc Formosa. Nhà đầu tư này phải thừa nhận quá trình vận hành thử nghiệm của FHS đã dẫn đến nước thải từ Công ty xả ra biển có chứa các độc tố Phenol, Xyanua, Hydroxit Sắt vượt quá mức cho phép".
  Về Xyanua, đối với sinh vật biển, cá và động vật không xương sống rất nhạy cảm với Xyanua. Nồng độ Xyanua trong nước từ 20 đến 76 μg/l (phần triệu g/lít) có thể gây chết một số loài sinh vật biển và cá. Nếu nồng độ tăng đến 200 μg/l sẽ gây độc cực mạnh và có thể giết hầu hết tất cả các loại cá (http://www.cyanidecode.org/cyanide-facts/environmental-health-effects#sthash.RaVbO3kZ.dpuf).
Theo một chuyên gia, chất thải của nhà máy thép có TSS (thể huyền phù: tổng chất rắn lơ lửng) là những chất rắn có kích thước lớn hơn 2μm, không tan trong nước, và kém khả năng lắng. TSS là nguyên nhân gây độ đục cho nước. Nồng độ TSS càng cao thì gây ra các hiện tượng như giảm khả năng khuếch tán ánh sáng, tăng nhiệt độ của nước, và giảm lượng oxy hòa tan ở tầng dưới. Việc này dẫn đến quá trình phân hủy kỵ khí của các chất hữu cơ, làm giảm oxy hòa tan và sinh ra các hợp chất khí như CH4, H2S, …gây ngộ độc cho sinh vật biển.
COD (nhu cầu oxy hóa hoc) là lượng oxy cần thiết để oxy hoá các hợp chất hữu cơ hòa tan và lơ lửng trong nước. COD thường được sử dụng để ước lượng gián tiếp nồng độ các chất hữu cơ trong nước. Có thể hiểu một cách tương đối rằng: khi hàm lượng các chất hữu cơ tăng cao, chúng sẽ khử hết oxy trong nước. Vì vậy, COD trong nước cao sẽ gây thiếu oxy trong nước cho sinh vật biển và có thể dẫn đến ngộ độc.
***
Như vậy vụ cá chết ở biển miền Trung đã rõ, nhưng theo tôi không chỉ có thế vì nhiều nơi không có Formosa cá cũng chết, nghĩa là ngoài nước thải Formosa có sự tác động của biến đổi khí hậu tới môi trường nói chung. Cái e ngại nhất là Formosa mới chạy thử một phần thôi đã thế, sau này chạy thật, chạy hết thì sẽ ra sao? Sự mâu thuẫn giữa phát triển và hủy hoại môi trường là bài toán đang đặt ra trước mắt các nhà lãnh đạo VN như đã xảy ra từ lâu với các nước phát triển.

1-7-2016
ĐÔNG LA