Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2016

TRUYỆN NGẮN THỨ HAI CỦA ĐÔNG LA

Tôi đang làm cái việc phản bác đánh giá và quyết định của Ban Lãnh đạo HNV VN về chuyện đề nghị trao Giải thưởng Nhà nước cho cuốn “Nỗi buồn chiến tranh” của BN. Phê phán một tác giả và cuốn tiểu thuyết không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn trên thế giới. Với con mắt thiển cận có thể cho tôi là một lính mới tò te của Hội Nhà Văn VN sao có thể dám làm thế? Có điều nếu hiểu được tôi còn dám phê phán cả những cán bộ cao cấp, nhà khoa học và nhà văn hàng đầu như Trần Xuân Bách, Trần Độ, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyên Ngọc, Ngô Bảo Châu, v.v… liên quan đến từ khoa học, triết học, lịch sử, lý luận văn học… đến chính trị xã hội thì xem chừng chuyện của Hội Nhà Văn với tôi chỉ là chuyện rất nhỏ.
Hôm nay tôi lại đăng tiếp một truyện ngắn nữa trong số truyện đầu tay của tôi để ai chưa đọc, thích thì đọc, cũng như bài hát hát đi hát lại được thì tác phẩm văn chương cũng có thể đăng lại, vì sáng tác được một tác phẩm có giá trị không dễ. Hơn nữa như viết ở trên, để có tư thế đối thoại, tôi phải chứng tỏ mình là ai. Một người chỉ biết viết lý luận phê bình, có thể biết nhiều nhưng dễ giáo điều, không tinh nhạy để nhận ra cái riêng, cái mới của một tác phẩm bằng một người sáng tác. Còn người chỉ chuyên sáng tác nếu chỉ biết mình và cảm nhận văn người khác một cách chủ quan, không biết trời đất là gì, cũng rất dễ trở thành ếch ngồi đáy giếng. Tôi chính danh là nhà lý luận phê bình nên tôi muốn giới thiệu sáng tác của tôi để người ta thấy rằng tôi biết cả hai, và nếu ai đã hiểu về tôi thì còn hơn thế nữa.
Truyện “Lễ tưởng niệm” dưới đây là truyện ngắn thứ ba của tôi viết năm 1984. Trong giới nhà văn, Nguyễn Khải cũng được cho là rất thông minh, một Chế Lan Viên trong văn xuôi. Vì vậy tôi rất muốn biết ý kiến của ông về văn của tôi. Tôi đã nhờ cô Anh Thơ viết thư giới thiệu (với NK, bà hơn 10 tuổi, thuộc lớp “đàn chị” mà). Tôi đã mang thư và 3 truyện ngắn đầu tay đến nhà NK ở bên Cảng Sài Gòn, trước khi đi tôi xé tờ lịch ghi “Hôm nay đi gặp nhà văn NK”, coi như một sự kiện của đời mình. NK rất niềm nở tiếp tôi, bảo để ông xem rồi hẹn ngày trả lời. Tôi ra về, gặp NK ý tôi muốn là xem ý ông thế nào như một phép thử trong khoa học chứ không phải gặp để rồi lấy ý NK làm chuẩn. Tính tôi luôn ghi nhận tất cả những ý đúng và phủ nhận tất cả những ý sai theo ý tôi, bất kỳ là của ai. Lần sau đúng hẹn tôi đến nhà NK xem sao thì ông không chê truyện nào, chỉ nói ông thích nhất cái truyện “Lễ tưởng niệm”. Ông bảo:
- Một đời người viết may ra thì viết được vài cái truyện thế này. Công nhận cái gì có thật vẫn hay.
Tôi trả lời:
- Không phải thật đâu, em bịa đấy!
- Ồ, bịa như thế mới tài chứ!
Tôi ra về vô cùng mừng rỡ. Không hiểu sao ông còn viết thư cho tôi  nữa, bảo tôi đến lấy cái áo mưa bỏ quên. Sau đó tôi còn tặng Nguyễn Khải cuốn “Những dấu vết không phai”, ông bảo tính đọc để dỗ giấc ngủ nào ngờ đọc đi rồi lại phải đọc lại. Cuốn này NXB Trẻ in cho tôi, quảng cáo thế nào mà ra vài hôm bán hết luôn nên đã được một tờ báo điểm là bestseller. Vậy là những tác phẩm đầu tay của tôi, cả thơ, cả văn, đã được CLV và Nguyễn Khải, hai người được cho vào hàng thông minh nhất trong làng văn VN khen. Cũng chính vì thế mà tôi đã dấn thân vào văn chương.
Còn truyện của tôi tôi viết về cái viện của mình vừa là thật, vừa là bịa, ở chỗ, thật là ở viện có người, có chuyện như thế, nhưng sự thật chỉ là những mảnh lộn xộn, người sáng tác phải cắt gọt, gia cố sao cho những mảnh sự thật khớp với nhau thành một tác phẩm. Như ông viện trưởng nghĩ thế này, nói thế kia là tôi phải bịa ra. Cũng giống như vừa rồi tôi sửa ảnh của cô Hường hồi nhỏ, vừa loang lổ vừa mất cả miệng và mũi, tôi đã xóa loang lổ và phải vẽ thêm vào, nói chung là đã thành công bởi ai coi ảnh cũng nghĩ là ảnh thật chứ không biết là ảnh sửa. Tôi đã trả lời Nguyễn Khải tôi “bịa” trong cái truyện ngắn là như thế.
Nhà văn có quyền hư cấu, bắt buộc phải hư cấu mới thành tác phẩm, nhưng hư cấu để sự thật rõ hơn, sinh động hơn, phải giữ nguyên được bản chất sự thật. Với “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh có thể có sự thật, có hư cấu, nhưng chủ đích tác phẩm lại lộn ngược bản chất của cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Giống như phục hồi tấm ảnh trên nhưng Bảo Ninh sửa có chủ đích thành một chân dung không chỉ khác mà ngược lại, đẹp thành xấu, thiện thành ác.
Truyện “Lễ tưởng niệm” chính là truyện tôi gởi dự cuộc thi năm 1986 của Hội Nhà Văn TPHCM, không hiểu tổ chức thế nào mà lại đăng trên báo Tuổi trẻ, người gọi tôi đến xem mặt là nhà văn Vũ Ân Thy lại ở báo Sài Gòn Giải phóng. Sau đó cô Anh Thơ bảo: “Ông Trần Thanh Giao gọi điện cho cô bảo mày sẽ được giải đấy”. Nhưng không hiểu sao cuối cùng lại không được. Giờ ngẫm lại hồi ấy nếu tôi được giải tất, rồi được tung hô, thành công đến dễ dàng quá có khi lại không hay, tài năng của tôi sẽ không được trui rèn, rất có thể nó sẽ không thành ngọc mà thành một hạt nhựa!
Truyện viết về sự tham ác của con người, vì quyền lợi mà người ta mong người tài đức chết đi, xã hội cũng chính vì thế mà loạn! Giá trị vĩnh cửu là tính cảnh báo của truyện là thế.
31-7-2016
ĐÔNG LA


LỄ TƯỞNG NIỆM
(Truyện ngắn)

(Nguyên mẫu nhân vật ngoài cùng bên phải)
Ngay từ sáng sớm, khi tôi đang lúi húi làm thí nghiệm bỗng bà Kim, trưởng phòng cung tiêu, thư ký công đoàn viện, một người tướng đàn ông có dáng đi chữ bát ngửa hềnh hễnh lừng lững vào phòng. Bà hỏi tôi với vẻ sốt sắng:
- Làm gì mà cặm cụi một mình sớm thế cậu? Cô Nhạn đã đến chưa?
- Cô ấy đi họp ngoài Hà Nội cơ mà?
- À, thế mà tôi lại quên mất. Này cậu này, tôi báo cho phòng cậu biết một tin buồn: Ông Huấn chết rồi! Ông ấy bị ung thư dạ dày. Bệnh này mà để đến giai đoạn cuối phải đi cấp cứu như thế thì cậu bảo làm sao mà sống được! Anh Đức họp ngoài ấy đã điện cho tôi…
Trời ơi! Tôi không còn tin vào đôi tai của mình nữa, mặc dù tôi cũng biết lắm tình trạng nguy kịch của bác viện trưởng. Hôm ông đòi đi Bắc điều trị tại bệnh viện Việt Xô, thực ra không chỉ vì muốn được các giáo sư là bạn ông mổ, mà còn vì, nếu không qua khỏi thì ông muốn được chết trên quê. Thể trạng ông đã quá yếu. Hàng tuần lễ ông ăn cái gì vào cũng ói mửa hết. Trông ông không khác gì một thây ma gầy trơ xương, xám xịt. Và mới chiều qua thôi, khi nhận được điện, anh con trai đã cho tôi biết: Khi bác sĩ vừa rạch lớp da bụng, dạ dầy của ông chợt phồng tướng lên như chiếc bong bóng cao su của trẻ em khiến cho các bác sĩ chủ chốt phải tập trung lại hội chẩn. Tuy vậy, tôi vẫn còn hy vọng mong manh. Bởi người trực tiếp mổ cho ông là một giáo sư đầy kinh nghiệm, một nhà khoa học danh tiếng; chính ông đã đưa ra phương pháp cắt dạ dày hổng tràng đã được giới Y học thế giới đánh giá cao. Có lẽ nào… Việc bác viện trưởng mất đi, với chúng tôi, những kỹ sư mới của viện, không chỉ có tình cảm tiếc thương đơn thuần mà còn mất đi một chỗ dựa. Mất ông, chúng tôi có khác gì như rắn mất đầu. Một nỗi trống vắng bỗng tràn ngập lòng tôi. Tôi cảm thấy mình như một chú bé con trong đêm rừng sâu, theo một người thợ săn lành nghề, bất thần một con hổ nhảy ra vồ mất người thợ săn ấy.
Tôi chưa kịp hỏi lại cho rành rẽ câu chuyện thì bà trưởng phòng cung tiêu đã đi ngay, dáng vội vã. Có một vẻ gì đó rất tích cực, sốt sắng trong bộ dạng của bà ấy. Bà ta vốn là một dược tá, cũng dân Bắc đi B đàng hoàng, cùng cơ quan với ông viện phó hồi ở rừng. Vì thế, tất nhiên bà ta thuộc phe ông viện phó.
Nghĩ mà thương bác viện trưởng quá. Cuộc đời ông với bao tâm huyết mà gần như ông chưa làm được việc gì trọn vẹn. Ông kể:
“Có thời tớ đi xây một nhà máy tại Việt Trì, xây gần xong thì mấy thằng phi công Mỹ lại tặng cho mấy quả bom, thế là xong. Đểu thế!”. Rồi: “Có hồi xí nghiệp mình, có cậu làm công đoàn mình bồi dưỡng cho thành anh hùng. Thành anh hùng rồi cậu ấy lại chơi lại mình. Trò đời đúng là hay thật”. Khi thành lập viện này, ông mừng lắm. Chính phương án thành lập viện là của ông. Nghe nói nước ngoài còn viện trợ hàng mấy triệu đô để ông thực hiện nó. Có lần ông nói: “Cậu có biết trong chuỗi phản ứng bán tổng hợp từ Diosgenin có một phản ứng phải cần đến công nghệ sinh học không? Công nhận mấy con vi khuẩn hay thật, có bao nhiêu vị trí trên cái khung steroidmà nó lại gắn đúng cái nhóm chức mình cần vào đúng cái vị trí mình cần! Hay thật”. Ông đã gần 60 tuổi. Đối với các nhà khoa học làm việc chủ yếu bằng kinh nghiệm và trí tuệ thì tuổi này còn đang xoan. Nhưng sức khỏe ông lại không được tốt. Căn bệnh dạ dầy đã gặm mòn cơ thể ông. Có lẽ việc thành lập viện, rồi ông được về làm viện trưởng sẽ là cơ hội cuối cùng để ông thực hiện những ước nguyện của cuộc đời mình. Không ngờ…
- Cậu này!
Tôi giật mình. Mải suy nghĩ nên tôi không biết bà trưởng phòng cung tiêu đã quay lại. Bà tiếp:
- Cậu này, lúc nãy tôi quên mất không nói, tôi muốn cậu đi đặt cho cơ quan một cái vòng hoa lớn. Cậu ra ngoài chỗ Lê Lợi ấy, ngoài đấy có nhiều lắm. Nhớ đi ngay rồi về. Chiều nay công đoàn họp bàn kế hoạch làm tang lễ cho ông ấy. Chiều nay anh Đức cũng đã về, xem binh tình ra sao. Mai cơ quan sẽ tổ chức.
Nói rồi bà xăng xái bỏ đi ngay.
Tôi không nhớ là mình có nhận lời không, chỉ thấy khi nhìn vào đôi mắt ti hí, dưới đôi mi mắt nhẵn bóng, hùm hụp của bà ấy, tôi không chịu được. Không biết có phải do có thành kiến hay không mà tôi nhìn thấy một nụ cười mỉm, một niềm vui man rợ trong cái vẻ trang nghiêm của bà ta. Một con người mà trí tuệ thì rất nghèo nàn song thủ đoạn lại hết sức giầu có. Ai cũng biết, sau lần bác viện trưởng phát biểu: “Tôi chỉ muốn mọi người cùng nhau làm việc hết mình để sớm đưa ra được những quy trình tối ưu. Tôi nghĩ chính cái quy trình sản xuất sẽ sắp xếp đúng đắn vị trí của từng người”. Bà ta đã tỏ ra rất hằn học. Nếu ông viện phó là tổng chỉ huy thì bà là một chiến tướng hùng hổ nhất trong vụ đấu đá này. Bà đã tụ tập tất cả những nhân vật mà bộ máy hành chính cồng kềnh của thời ông Đức từng đẻ ra, những người có nguy cơ không giữ nổi chiếc ghế của mình vì không tìm được chỗ đứng trong cái quy trình nghiêm khắc và khó tính kia. Bà đã tổ chức một cuộc họp công đoàn, thực chất là họp với quân của bà, rồi đưa ra một bản tố cáo bác viện trưởng gồm 10 điểm với rất nhiều chữ ký. Sau đó lại còn kiến nghị với bộ, đưa viện nghiên cứu này trở lại là xí nghiệp sản xuất như cũ.
Không biết có phải tại việc làm độc hại này cùng với việc một người con bị tai nạn của bác mới bị mất đã tiếp tay với căn bệnh ung thư quỷ quái giết chết bác viện trưởng hay không? Ông đã vĩnh viễn ra đi, mang theo bao dự định dở dang và những tâm sự nặng nề…
Tôi chợt nhớ đến việc bà trưởng phòng cung tiêu nhờ, mà tôi cũng muốn mình được làm công việc này. Trong mấy đứa về viện ông có gần gũi với tôi hơn. Bà vợ ông thì quý tôi ra mặt. Bà không đến viện bao giờ, cũng không biết chúng tôi làm gì, nhưng đi đâu bà cũng tuyên bố tôi là đứa giỏi nhất viện. Khi người ta có cảm tình với ai thì rất dễ có thiên vị. Tôi xuống phòng đọc tài liệu ở tầng dưới, nói với mấy đứa phòng tôi đang đọc sách:
- Bác Huấn mất rồi! Bà Kim phòng cung tiêu đã báo cho tớ thế.
- Ổng bị bao tử, sao mất được? -  Nghiêm ngạc nhiên.
- Trời ơi! Tội nghiệp bác ấy quá! -  Thư kêu lên.
Tôi rủ Công:
- Bà Kim nhờ tao đi đặt một cái vòng hoa lớn, tao với mày đi đi.
Công đồng ý. Hai đứa chúng tôi chở nhau ra đại lộ Lê Lợi. Đến nơi, chúng tôi thấy bên những ki-ốt  bán cá cảnh, cây cảnh, người ta bày bán rất nhiều vòng hoa. Một bà đang kết hoa, khung và vòng ngoài cùng là những cành đủng đỉnh, cành măng màu xanh rất tươi, phía giữa là đủ các loài hoa rực rỡ. Bà ấy nói với chúng tôi, nếu người mất mà chưa có gia đình thì kết một vòng toàn cúc trắng, còn đã có rồi thì lấy vòng nhiều màu cũng được. Tôi đặt bà kết một vòng thật lớn, nhưng chỉ có hai mầu thôi, gồm những vòng bông màu trắng xen kẽ những vòng bông màu đỏ. Tôi tự gán cho chúng những ý nghĩa. Màu trắng tượng trưng cho cuộc đời trong sạch, thanh khiết, còn mầu đỏ tượng trưng cho cuộc đời say mê làm việc, suốt đời phấn đấu cho sự nghiệp của bác viện trưởng. Thỏa thuận xong chúng tôi về viện.
Về đến nơi, tôi thấy chị bí thư chi đoàn đang chỉ huy mấy người chuẩn bị phông màn, cắt chữ, lồng ảnh… trang trí cho buổi lễ tưởng niệm. Bà Kim thì đi đi lại lại, lúc chỗ này, lúc chỗ khác, luôn giữ vẻ mặt nghiêm trang của một chủ tang gia. Bà nói với bí thư chi đoàn:
- Cô Tuyết này, phải kiếm một cái bình nhang lớn. Khoa học khoa khiếc gì thì cũng phải có hương có khói chứ.
Đến chiều, chúng tôi đi lấy vòng hoa về, để tạm trên một chiếc bàn. Bà Kim trông thấy liền nói:
- Sao các cậu không đặt làm một cái nhiều mầu cho nó đẹp, lại chọn cái chỉ có hai mầu chòng chọc như thế này!
Chúng tôi im lặng không nói gì.
Sau đó, với tư cách thư ký công đoàn viện, bà triệu tập một cuộc họp gồm một số cán bộ hành chính, cán bộ đoàn thể và mấy đứa nghiên cứu chúng tôi.
Bà nói:
- Tôi xin thông báo cho anh chị em được rõ, hôm qua anh Đức ngoài Hà Nội đã điện cho tôi biết là tình hình đồng chí viện trưởng rất xấu, đồng chí đã bị ung thư rất nặng, đã ở giai đoạn cuối, nên đã không qua khỏi. Đơn vị chúng ta là cơ quan đầu ngành, lại là viện nghiên cứu, nên tôi muốn chúng ta tổ chức một lễ tang thật long trọng để tưởng niệm đồng chí viện trưởng, một nhà khoa học đã có nhiều công lao đóng góp cho sự phát triển của ngành Dược chúng ta. Cũng là để cho các xí nghiệp họ nhìn vào. Tôi muốn chúng ta chuẩn bị sẵn sàng, đâu vào đó, chỉ lát nữa anh Đức sẽ ở ngoài Hà Nội vào, ảnh sẽ chỉ đạo thêm. Tôi đã cho lái xe đi đón ảnh…
Bà ấy nói rất nhiều, rồi một số người phát biểu này nọ. Tôi chán không muốn nghe, thấy trong lòng trĩu nặng. Tôi nhận thấy vẻ côi cút trên khuôn mặt bạn bè. Rồi thời gian sẽ trôi đi vào trong lãng quên của người đời, nhưng tôi tin là sẽ có không ít người vẫn giữ được những kỷ niệm sâu nặng về những ngày làm việc cùng ông. Trong lòng tôi cũng dậy lên niềm chua xót khi nhận thấy có những bộ mặt trang nghiêm giả tạo, vẻ buồn đau giả tạo. Ánh mắt họ chạm nhau đầy ẩn ý.
Chợt tôi thấy phía sau lưng, ngoài hội trường, có người đi vào. Tôi quay lại thì thấy ông Đức và cô Nhạn, trưởng phòng của chúng tôi. Hai người mới ở sân bay về, mặt cô Nhạn còn đỏ lịm vì nắng. Thấy tôi, cô ngạc nhiên hỏi:
- Trời đất! Cơ quan có chuyện chi vậy em?
- Công đoàn họp bàn, chuẩn bị làm lễ tưởng niệm bác Huấn, cô.
Tôi thấy vẻ mặt cô vô cùng ngạc nhiên. Còn ông viện phó thì lẩm bẩm:
- Trời ơi! Thế này thì bả giết tui rồi!
Tôi ngạc nhiên chưa hiểu chuyện gì thì thấy cô Nhạn đi rất nhanh lên phía trên hội trường. Tôi thấy mặt bà trưởng phòng cung tiêu chợt biến sắc. Bà lúng túng trong miệng câu gì đó. Cô Nhạn cầm micro nói lớn:
- Tôi xin báo cho anh chị em biết một tin mừng. Đồng chí viện trưởng của chúng ta vẫn còn sống. Tuy phải cắt gần hết bao tử trong lúc thể trạng vô cùng nguy kịch, chết đi sống lại nhiều lần, tin ảnh chết quả là có lan ra ngoài nhưng thực tế đến nay ảnh vẫn còn sống. Với sự tận tình cứu chữa của những giáo sư là bạn của ảnh nên ảnh đã qua khỏi. Với những phương pháp điều trị rất mới, các giáo sư nói ảnh sẽ về làm việc bình thường nay mai. Sức khỏe sẽ còn khá hơn trước nhiều nữa. Bữa nay, trước khi lên máy bay, tôi có đến thăm ảnh. Tuy không được gặp vì ảnh còn nằm phòng cách ly, nhưng…
Tôi đang sung sướng lắng nghe thì lại thấy có tiếng ai đó đang lầm bầm sau lưng:
- Làm sao lại như thế anh?
- Thì tôi mới điện ổng bị ung thư nặng, chắc chắn là chết, chớ nói ổng chết hồi nào!
- Nhưng… nhưng… anh cũng còn nói cứ chuẩn bị là vừa…
- Thôi đi, thôi đi… Tôi nói chuẩn bị là chuẩn bị tinh thần chứ ai bảo bà làm như vầy!
Tôi quay lại thì nhìn thấy hai bộ mặt đang cúi xuống, bì bì. Một bộ mặt vuông chữ điền xám xịt của bà trưởng phòng cung tiêu, bên cạnh, trên một thân hình loắt choắt, là một bộ mặt trắng bủng xanh mét hình tam giác của ông viện phó. Trong câu chuyện này, có thể công nghệ viễn thông còn yếu kém có lỗi một phần. Nhưng tôi vẫn rất ngạc nhiên trước hành động của họ.
Tôi bỗng cảm thấy ghê tởm những con người này, bởi niềm vui và nỗi buồn của họ cũng nguy hiểm và độc hại như những hành động mà họ gây ra. Chính chúng là những động lực cho những hành động ấy.
Lúc này, phía trên hội trường, tấm phông đã được kéo lại. Mấy cô kỹ sư trẻ của phòng tôi thì đang tranh nhau xé tung vòng hoa, chia hoa cắm vào mấy cái erlen thủy tinh thành những bình hoa nhỏ. Anh chàng quản đốc phân xưởng sản xuất thử đang hét tướng lên, đòi viện phó chi tiền mua thuốc lá, bánh kẹo về liên hoan.
Còn tôi, trong niềm vui vô bờ, sao vẫn cứ dậy lên, dậy lên một nỗi buồn xót xa.

TPHCM
Viết 6/1984
BÌNH LUẬN
Lee • 4 năm trước
Cái nghiệp văn nghệ sĩ nó bạc vậy đấy bác Đông La, em nghĩ Cụ Chế và cả các cụ khác mang tiếng "ác" chả có gì là "ác" đâu.
Cụ cũng có dự cảm về việc này và có viết mấy câu rất hay và dự rất chính xác ở đâu đó trong Di cảo đấy bác ạ.
Nhưng trên hết, cụ là một người trung thực và thẳng thắn, như trường hợp cụ chọn Thanh Thảo mà bỏ Huy Cận nói trên. Bởi vậy dễ mang tiếng này nọ.

Mít sờ tơ Khù văn Khoằm • 4 năm trước
Em đọc thấy cụ Vương Trí Nhàn gọi Chế Lan Viên là trạng, ở đâyhttp://vuongdangbi.blogspot.co... nhưng không biết có đúng thế không? Tức là đúng cụ Vương Trí Nhàn viết vậy không?

ĐÔNG LA • 4 năm trước
Từ ngày CLV mất đi thơ như bị loạn chuẩn. Mấy năm chơi với ông có người biết nên nói với tôi là ngày xưa có quyền ông "ác" lắm, nhưng tôi lại thấy ông sống rất tình cảm, rất quý bạn bè, ông không nói xấu ai, chỉ có lần làm thơ nói có những kẻ nhân danh thơ đến với ông như những kẻ trộm, ông nói vì quý Yến Lan nên bút danh ông có chữ Lan, ông cũng rất quý Hàn Mặc Tử, Hoàng Trung Thông, Trần Nhật Thu v.v...

Lee • 4 năm trước
KHÁCH QUAN, CÔNG BẰNG NHƯ CHẾ LAN VIÊN
Sinh thời, nhà nghiên cứu mỹ học Triều Dương kể: “Trước khi cuộc thi thơ của Tuần báo Văn nghệ năm 1969 - 1970 kết thúc ít tháng, có một lần, tôi bất ngờ gặp Chế Lan Viên đi vào cửa số nhà 17 Trần Quốc Toản trên tay cầm một tập bản thảo thơ Phạm Tiến Duật. Rồi ông vừa đi vừa nói với đồng nghiệp bằng một giọng rất quả quyết: Chúng ta chẳng phải tìm kiếm và chờ đợi gì nữa. Giải nhất cuộc thi đây chứ đâu!”.

Sau đó, quả nhiên nhà thơ Trường Sơn Phạm Tiến Duật đã đoạt giải nhất với chùm thơ Lửa đèn, Gửi em cô thanh niên xung phong, Nhớ, Tiểu đội xe không kính.

Trong cuốn Chế Lan Viên - người làm vườn thế kỷ ở bài Hai câu chuyện về Chế Lan Viên, nhà văn Nguyễn Thành Long viết: “Câu chuyện thứ hai thuộc về văn học, sự lựa chọn một trong hai tác phẩm về thơ của Thanh Thảo và Huy Cận (giải thưởng thơ thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1979). Chế Lan Viên ở thành phố Hồ Chí Minh mới ra, hôm trước đã xạc tôi một trận không đúng phép tắc cho lắm: Huy Cận dạy Thanh Thảo chứ Thanh Thảo dạy Huy Cận à? Vấn đề này hôm sau chuyển vào cuộc họp. Xuân Diệu và Chế Lan Viên nói suốt buổi, Thanh Thảo có cơ mất giải thưởng. Đến phút quyết định, Chế Lan Viên cầm tập thơ của Thanh Thảo (Dấu chân qua trảng cỏ) đứng lên và nói: Hãy khoan, những câu thơ như những câu này, Huy Cận không viết được thật, anh Xuân Diệu ạ. Xuân Diệu đang phản bác hăng hái, bỗng trở nên hiền lành hẳn. Xuân Diệu nói: Mà tôi không hiểu sao cái cậu Thanh Thảo ấy làm được những câu thơ như thế mà không biết”.
Nhờ sự khách quan của Chế Lan Viên, năm ấy, Thanh Thảo đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam.

ĐÔNG LA • 4 năm trước
Tôi vẫn còn nhớ như in hôm ấy, bà Vũ Thị Thường nói:
- Anh Hoan (tên ông) ơi, cậu này cũng có làm thơ, cậu ấy có chùm dự thi đây này, anh coi giúp xem.
- Ông cũng có làm thơ à? - Rồi sau khi đọc xong, ông reo lên - Ô, ông làm được đấy, ông sẽ được giải đấy!
Tôi ngạc nhiên đến độ không còn biết đến vui mừng nữa vì không hiểu “được giải” nghĩa là thế nào? Sao ông lại cho giải ngay tại nhà ông? Rồi ông tiếp: “Tôi có thể cho ông giải cao nhất cũng được, nhưng ông chưa có lực khéo người ta giết ông đấy! Thôi, tôi cho ông đứng đầu giải ba!”. Kỳ ấy giải nhất ưu tiên cho Phạm Sỹ Sáu, thơ về quân tình nguyện Căm pu chia, giải nhì ưu tiên cho anh TMH thơ đánh Mỹ, còn tôi chắc là thơ “đổi mới”. Giải cao thấp với tôi không quan trọng, cái chính là từ đó ông đã quan tâm đến tôi như một người cha. Mấy năm cuối đời, có chuyện gì về văn chương ông đều “lôi” tôi đi theo, như nói chuyện thơ, tổ chức đêm thơ ông v.v… Thực lòng tôi luôn coi ông là cha của mình.

Lee • 4 năm trước
Em đọc giai thoại về cụ Chế,biết Cụ Chế có cái cách trao giải thưởng kiểu đúng như bác Đông La nói đấy, để về nhà xem lại cái đã, nhưng trường hợp đầu tiên (hình như) là tập thơ của Phạm Tiến Duật, cụ vừa đi ngoài cổng vào vừa vung vẩy: giải nhất (?) đây chứ còn đâu nữa, trường hợp 2 là phút thứ 89, cụ lỡm ngài Xuân Diệu một vố.

Thôi để tối về xem lại, mai còm lại cho chắc ăn.

ĐÔNG LA • 4 năm trước
Đăng lại mấy cái truyện ngắn mà thấy thời gian đi nhanh khủng khiếp, nó còn nhiều tuổi hơn cả những đứa con của tôi, vì khi viết tôi còn chưa lấy vợ và bằng tuổi thằng con lớn bây giờ, còn ông viện trưởng thì bằng tuổi tôi hôm nay. Nhiều nhân vật trong truyện của tôi đã mất. Còn chuyện tôi nói mình "bịa" ý là cuộc sống có việc đó, người đó, nhưng để thành truyện ngắn, thành văn thì phải viết giống như việc người ta tạo ra cây kiểng vậy. Nhiều suy nghĩ, lời nói, hành động của nhân vật mình phải tạo ra, nhưng phải bằng vốn sống và tri thức của mình. Truyện bịa như thực mà ông Nguyễn Khải nói "bịa thế mới tài chứ" là như thế. Nói chung phải bắt tay làm một cái gì đó mới thấy hết cái khó của nó. Cảm ơn tất cả các bạn đã thích cái truyện này.

TT • 4 năm trước
Truyện hay quá!

Hòa Bình • 4 năm trước
Truyện hay. Câu chuyện buồn và đắng quá, khiến người đọc không thể không suy ngẫm, sự suy ngẫm giúp người ta hướng thiện. Em thấy đó là thành công lớn của truyện ngắn này. Cám ơn bác Đông La.

ĐÔNG LA • 4 năm trước
Chính vì thế mà đến nay xã hội vẫn đang phải đối mặt với bao tệ nạn. Quả là buồn thật!

Lee • 4 năm trước
Chuyện buồn quá!
Đọc nửa chừng, tôi cũng lờ mờ đoán và mong ông Huấn còn sống.
Ấy thế mà khi đọc hết, biết ông còn sống thật, thì lại buồn.

cuAnhcuEm.net • 4 năm trước
Truyện cách đây gần 30 năm mà cứ như mới hôm qua. Hay lắm chú ĐL ạ!