Thứ Hai, 1 tháng 8, 2016

SỰ TỰ PHÊ CỦA BAN CHẤP HÀNH HỘI NHÀ VĂN KHI TRAO GIẢI CỦA HỘI CHO BẢO NINH


ĐÔNG LA
SỰ TỰ PHÊ CỦA BAN CHẤP HÀNH HỘI NHÀ VĂN
KHI TRAO GIẢI CỦA HỘI CHO BẢO NINH


Giải thưởng văn chương thường bị chê, tiếc là nhiều cái đúng, như nhiều người được giải thưởng trong các cuộc thi mất dạng luôn, nhiều người được lăng xê vì các nguyên cớ khác nhau thì như trong truyện ngắn “Những cánh cửa” tôi đã viết: “Có những tên tuổi được rang trên cái chảo văn chương như người ta rang ngô, ngổ toang toác, nhưng hết lửa là bị ỉu ngay”. Có người rất hay to mồm chê giải thưởng của người khác cũng bị chê lại, như Trần Mạnh Hảo chê Hữu Thỉnh, chê Nguyễn Quang Thiều chẳng hạn, nhưng cũng bị chính tôi chê khi được giải của HNV mà “đếch” cãi lại được. Riêng tôi cũng đã 4 lần chê: tác phẩm được Giải HCM của Cao Xuân Huy; “Thơ phản thơ” của Trần Mạnh Hảo; hai cuộc thi lớn nhất chào đón Giao thừa Thiên niên kỷ trên báo Văn nghệ (HNV VN) và Tạp chí VNQĐ. Sau đó thì chán không coi nữa thì biết đâu mà chê! Riêng tôi cũng hai lần được giải thưởng, thậm chí một lần của tổ chức to nhất là Liên hiệp các Hội VH&NT VN, và hai lần được tặng thưởng hàng năm của tạp chí Văn nghệ QĐ, nhưng không thấy có ai chê, nếu biết tôi sẽ tranh luận lại ngay.
            Nhưng tất cả các giải thưởng bị chê không có trường hợp nào đặc biệt như cuốn “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, những người chịu trách nhiệm trao giải cho nó đã phải tự phê bình. Nhưng chuyện không dừng lại vì “Nỗi buồn chiến tranh” viết về cuộc Kháng chiến chống Mỹ nên giá trị của nó không trung tính như khoa học tự nhiên mà nó tùy theo cách nhìn đối kháng của hai phía chiến tuyến, rất dở cho “ta” thì rất có thể lại rất hay cho “địch”. Nó cũng lại ra đời như đáp ứng lời kêu gọi “đổi mới” của Nguyên Ngọc với khuynh hướng phủ nhận văn chương kháng chiến. Nhà văn Nguyễn Minh Châu còn viết hẳn một bài: “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa” được Nguyên Ngọc nắm báo Văn nghệ đăng lên như một lời hiệu triệu. Rồi không biết có linh ứng gì không mà sau đó người ta lại đọc lời ai điếu cho chính Nguyễn Minh Châu vì ông chết bởi ung thư.
Xã hội Việt Nam là một xã hội kém phát triển, văn chương cũng như mọi mặt còn kém là tất yếu. Cái kém của văn chương kháng chiến là còn chưa phản ánh toàn diện và sâu sắc cuộc sống, còn một chiều và nặng tính tuyên truyền. Lẽ ra đổi mới văn chương là khắc phục những yếu kém đó nhưng đổi mới theo chính đạo khó quá, Nguyên Ngọc không làm nổi nên đã đi “lộn ngược văn chương” theo tà đạo. Ông ta đã tạo ra một tình trạng loạn giá trị, đã gây ra hậu họa lớn cho sự phát triển và sáng tạo chân chính của nền văn chương VN, kéo dài đến tận hôm nay và chắc sẽ còn tiếp diễn.
            Cái đáng buồn ở chỗ khuynh hướng lộn ngược các giá trị không chỉ được coi là kim chỉ nam của những kẻ cơ hội, đón gió, trở cờ mà nó còn cuốn phăng cả những người có trọng trách về văn chương hôm nay. Như chuyện đương kim Ban lãnh đạo Hội Nhà Văn VN vừa đề nghị trao giải thưởng Nhà nước năm 2016 cho cuốn “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội, phải chăng đã quên béng câu thơ mình từng viết trong bài “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” ngày nào:
Trước quân thù mình chỉ biết tiến công!
Bởi như đã viết, 1991, khi cuốn sách được tặng giải thưởng của Hội Nhà Văn Việt Nam, dư luận đã phản đối dữ dội, Ban Chấp hành đã tự phê bình bằng văn bản, đọc trước toàn Đại hội lần thứ V, mà Hữu Thỉnh hình như cũng là thành viên Ban Chấp hành hồi đó. Nhà văn Vũ Tú Nam, lãnh đạo cao nhất Hội, khi trả lời phỏng vấn đã nhận trách nhiệm: “Trách nhiệm thuộc về toàn thể Ban Chấp hành, nhưng tôi là người chịu trách nhiệm trước nhất. Sự phê phán của công luận sau đó là chính đáng”.
Rồi sau đó, Tổng thống Bill Clinton tuyên bố Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam, nhiều nhà văn đã thay đổi quan điểm về cuốn “Nỗi buồn chiến tranh” theo thời cuộc, kể cả những người có trong Ban Lãnh đạo Hội Nhà Văn.
Tính chân, thiện, mỹ là tiêu chuẩn vĩnh cửu của văn chương không thể nào thay đổi chỉ trong mấy tháng, mấy năm và phụ thuộc vào một sự kiện ngoại giao như vậy! Nên hôm nay tôi xin đăng lại sự tự phê bình của Ban lãnh đạo HNV VN năm 1991 cho các vị lãnh đạo Hội Nhà Văn hôm nay đã quên thì nhớ lại.
1-8-2016
ĐÔNG LA

         
1. PHỎNG VẤN NHÀ VĂN NGUYỄN QUANG SÁNG VỀ QUYỂN NỖI BUỒN CHIẾN TRANH CỦA BẢO NINH

Cuốn tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh sau khi được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam đã gây ra nhiều cuộc tranh cãi trong giới văn học. Nhiều bài viết phê phán tác phẩm này đã in trên các báo và dư âm của nó vẫn còn trong dư luận không chỉ riêng với văn học mà đã trở thành nỗi quan tâm trong dư luận quần chúng.
Tại sao tác phẩm bị nhiều tai tiếng ấy lại được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải, bối cảnh “lịch sử” lúc ấy như thế nào và suy nghĩ của các thành viên Ban Giám khảo ra sao? Bức xúc trước vấn đề của bạn đọc quan tâm, vừa qua báo Công an thành phố đã có cuộc trao đổi với nhà văn Nguyễn Quang Sáng, Tổng thư ký Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh và là một thành viên của cuộc bỏ phiếu trao giải cho tác phẩm nói trên.
Sau đây là bài trả lời của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, với tựa nhỏ là “Lời báo trước của một bạn đọc”.
Lời báo trước của một bạn đọc
Nhắc đến tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của anh Bảo Ninh, tôi xin trích một đoạn trong Dự thảo báo cáo của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam trong Đại hội Nhà văn lần thứ V trong vấn đề này, như sau:
“… Hội đã thực hiện đều đặn việc trao giải thưởng hàng năm. Nhìn chung, các tác phẩm được giải đều lành mạnh, được bạn đọc quan tâm. Tuy nhiên, thời gian đã và đang sàng lọc có giá trị. Một vài cuốn sách đã gây nên những ý kiến khen chê rất trái ngược nhau. Đáng chú ý nhất là tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Khi thảo luận để xét trao giải, Ban chung khảo và Ban Chấp hành Hội đều có một số ý kiến thấy cuốn sách có những mặt mạnh cần biểu dương, khuyến khích; nhưng ngược lại, có những nhược điểm quan trọng.
Trong phiếu giám định cuốn sách của Bảo Ninh, có hai ủy viên Ban chung khảo thiên về khen ngợi.
Một số ủy viên chung khảo khác chấp nhận những mặt được, nhưng có sự đánh giá khác không giống hai ý kiến trên:
“… Chủ đề có chiều sâu. Nhưng cái nhìn hiện thực có nét chủ quan, không đúng hẳn với hiện thực lịch sử. Tác giả muốn đứng cao hơn cả hai phe trong cuộc chiến đó. Nhưng tác giả chưa đủ điều kiện để giữ được thăng bằng”.
“… Cách nhìn nhận lại quá khứ chiến tranh và cả cách nhìn hiện tại có những biểu hiện chủ quan thiên lệch đến nặng nề tối tăm mà độc giả thông thường kể cả những người đã trải qua cuộc chiến đấu khốc liệt như trong truyện khó có thể chấp nhận và coi đó là chân lý lịch sử”.
“… Có những điều khiến người đọc phân vân: Địch và ta vào cuộc chiến phải có cái khác nhau cơ bản chứ. Toàn truyện thiên về các mặt tiêu cực bi kịch. Có cái gì đó hơi quá khích, quá liều lượng. Có thể là do tâm trạng nặng nề ảnh hưởng vào cách nhìn”.
“… Nhưng không ai nghi ngờ tác giả muốn tạc tượng đài cả thế hệ bạn bè mình đã hy sinh, nhưng chỉ quá một tý nữa thì tác giả sẽ phản lại đồng đội mình, tả họ như là hy sinh vô ích”.
“Sau đó Ban Chấp hành có trao đổi bàn bạc, giao cho báo Văn nghệ tổ chức lấy ý kiến về cuốn sách. Đến nay, đa số trong Ban Chấp hành thấy việc tổ chức thảo luận khi ấy chưa thật kỹ, chưa qua thử thách của dư luận, việc trao giải cho Thân phận của tình yêu (Nỗi buồn chiến tranh) năm 1991 là thiếu chín chắn, nặng về khuyến khích một cây bút trẻ đã trải qua chiến đấu, mà coi nhẹ tính định hướng của giải thưởng.
Sự mơ hồ và u ám trong cách nhìn của Bảo Ninh khi miêu tả cuộc kháng chiến chống Mỹ đã bị một số người thiếu thiện ý ở nước ngoài lợi dụng, nhằm xóa ranh giới giữa chiến tranh chính nghĩa và phi nghĩa; thêm nữa, chính tác giả cuốn sách khi trả lời nước ngoài phỏng vấn cũng bộc lộ những quan điểm sai trái. Bạn đọc trong nước phê phán cuốn sách này càng ngày càng nhiều. Đó là sự nhắc nhở chính đáng của dư luận, là bài học kinh nghiệm của chúng ta…”.
Thái độ của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa IV đối với quyển sách Nỗi buồn chiến tranh của anh Bảo Ninh là nghiêm túc và khá đầy đủ.
Nếu hỏi trách nhiệm của riêng tôi và suy nghĩ của cá nhân tôi đối với quyển sách Nỗi buồn chiến tranh, thì tôi là người chịu trách nhiệm chung với Ban Chấp hành.
Giải thưởng Văn học của Hội Nhà văn Việt Nam 1991, tôi không có chân trong Ban Giám khảo, nhưng với tư cách là thành viên của Ban Chấp hành, tôi có quyền bỏ một lá phiếu chấp nhận hoặc phủ nhận giải thưởng.
Tôi nhận ra mặt mạnh cũng như mặt yếu của tác phẩm, và bỏ phiếu thuận với ý nghĩ đây là một cây bút trẻ xuất thân từ một người lính cầm súng, học viên Trường viết văn Nguyễn Du, với tác phẩm đầu tay đã viết với tâm huyết của mình. Lá phiếu của tôi là phiếu khuyến khích một cây bút trẻ trong bối cảnh xã hội lúc bấy giờ. Tôi nghĩ rằng, đối với người hiểu biết văn học không ai có thể coi đây là một tác phẩm tiêu biểu của nền văn học Việt Nam, lại càng không thể coi đây là một tác phẩm tiêu biểu về cuộc chiến tranh đánh Mỹ của nhân dân ta.
Nhưng cái điều không ngờ nó lại đến. Không ngờ những người trong nước cũng như nước ngoài thiếu thiện chí đã khoét sâu cái mặt nhược của tác phẩm để thực hiện ý đồ chính trị của mình.
Tôi có một người bạn lớn hơn tôi vài tuổi, vừa sành ăn, vừa sành đọc. Lần nào đọc của tôi, anh cũng có lời khen và lời chê. Bao nhiêu năm qua tôi thấy anh chưa chê sai lần nào. Nhân đọc Nỗi buồn chiến tranh, anh bảo tôi:
” …Đọc vô đầu, tôi thấy đây là kiểu mở đề theo kiểu Số phận một con người của “Solokhov”, vừa đọc tôi vừa nhớ “Romac” và nhớ quyển Tấc đấtcủa một nhà văn Nga viết về chiến tranh. Nhưng đọc được, có đoạn cảm động, nhưng buồn quá. Ngay cái tên sách cũng đã nói rõ cái ý của người viết. Chiến tranh, dứt khoát không thể là niềm vui, nhưng không chỉ có nỗi buồn. Cuộc chiến tranh của một dân tộc chống xâm lăng là “khúc ca bi hùng”. Ở đây chỉ có bi mà không có hùng, chỉ có phân nửa sự thật thôi. Phân nửa sự thật thì không phải là sự thật, dễ bị xuyên tạc. Các ông trao giải cho tác phẩm này, trước sau gì các ông cũng bị “ăn đòn”.
Qua lời kiểm điểm của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam về giải thưởngNỗi buồn chiến tranh trong báo cáo đọc trước Đại hội, tôi thấy lời báo trước của anh là đúng, tôi là một trong những người bị “ăn đòn” của nhân dân.
Nguồn: Công an thành phố Hồ Chí Minh, Tp.HCM (13-9-1995)


2. NGUYỄN KHẢI TRẢ LỜI PHỎNG VẤN VỀ CUỐN
NỖI BUỒN CHIẾN TRANH CỦA BẢO NINH
Nhà văn Nguyễn Khải là một cây bút rất cẩn trọng, ông có nhiều tác phẩm gây được tiếng vang và để lại ấn tượng trong lòng người đọc. Trong “bối cảnh lịch sử” của giai đoạn tặng giải thưởng cho cuốn Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, nhà văn Nguyễn Khải cũng là một thành viên trong Ban Giám khảo. Vừa qua, báo Công an thành phố đã phỏng vấn ông về vấn đề này, và sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn…
P.V. – Thưa anh, là một thành viên trong Ban Giám khảo, anh có suy nghĩ như thế nào khi bỏ phiếu trao giải cho cuốn Nỗi buồn chiến tranhcủa Bảo Ninh. Sau khi có dư luận phản ứng, anh nhìn vấn đề này như thế nào?
NGUYỄN KHẢI – Tôi là người đã bỏ phiếu ủng hộ ba cuốn tiểu thuyết: Nỗi buồn chiến tranh, Mảnh đất lắm người nhiều ma và Bến không chồngvào giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn. Lần đầu được đọc ba cuốn sách đó, tôi rất mừng vì những mảng hiện thực khá gai góc đã được miêu tả kỹ lưỡng và tài hoa, và cả những tìm tòi rất đáng ghi nhận trong nghệ thuật viết tiểu thuyết. Chúng tôi cũng có bàn nhiều tới mặt yếu kém của từng tác phẩm, nhất là cuốn Nỗi buồn chiến tranh vì cách nhìn chiến tranh của tác giả còn phiến diện và cái không khí ngột ngạt, u ám bàng bạc trong nhiều chương sách. Riêng tôi thì nghĩ đây là tác phẩm đầu tay của một tác giả còn trẻ. Nếu được khuyến khích thì anh ta sẽ nhanh chóng khắc phục được cách nhìn chủ quan, hạn hẹn của tác phẩm đầu. Tôi nói thế nhưng có mấy anh trong Ban chung khảo vẫn rất phân vân. Khi bỏ phiếu, riêng cuốn tiểu thuyết của Bảo Ninh không được toàn thể số phiếu. Sau khi giải thưởng được công bố, sự phản ứng của dư luận bạn đọc là tức thì, vượt khỏi cách nghĩ ban đầu của tôi. Nhiều bạn bè trong quân đội đã gặp tôi để bày tỏ sự phản đối việc trao giải của Hội Nhà văn cho Nỗi buồn chiến tranh. Các anh ấy nói với Bảo Ninh thì chẳng có gì để nói nhiều. Sự từng trải của anh ta ở chiến trường là thế, tâm sự của anh ta là thế thì cũng chỉ viết được đến thế, không thể đòi hỏi hơn. Nhưng Hội Nhà văn lại tuyên dương một cuốn sách viết về chiến tranh với một tâm trạng và cách nhìn của một người bi quan thì thật hết sức lạ lùng. Các anh ấy có quyền hỏi chúng tôi: Vậy chúng tôi là những người như thế nào? Chúng tôi muốn gì? Nghe xong mà tôi ớn lạnh cả người. Tôi chỉ còn biết tự rút ra một kết luận: phàm đã đọc và đánh giá một tác phẩm văn học không nên chỉ căn cứ vào những cảm hứng ban đầu thuần túy văn chương của mình, mà còn phải biết nghĩ đến tác động của nó về mặt xã hội và chính trị tới đông đảo bạn đọc không chỉ ở trong nước mà còn cả ở ngoài nước. Không phải mình muốn bày vẽ ra thế, mà sự đời nó buộc mình không thể không nghĩ rộng ra như thế.
P.V. – Vừa qua đã có những cuộc tranh luận trên lãnh vực văn học mà một số tác phẩm đã tạo sự tranh cãi giữa các nhà phê bình văn học với nhau hoặc với chính tác giả của tác phẩm bị phê phán. Qua đó anh nghĩ gì về tình hình văn học hiện nay?
NGUYỄN KHẢI: Theo tôi, tình hình sáng tác văn học hiện nay là rất đáng lạc quan. Các thể loại văn học: tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký, phóng sự và phê bình văn học đều có sức sống mới với nhiều cách viết khác nhau. Tác phẩm thật hay thì còn hiếm, nhưng đọc được, đọc thích thì nhiều. Ngay những bài báo của hôm nay đọc cũng rất thích. Dân trí phát triển thì những cây bút chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp cũng phải tự nâng mình lên. Tất nhiên cũng như các mặt hoạt động khác của một xã hội đang phát triển, có nhiều cái hay xuất hiện thì cũng không thiếu cái dở xen lẫn vào. Cuộc đấu tranh giữa cái tốt và cái xấu, cái đúng và cái sai, cái hay và cái dở là mãi mãi. Nó chính là sự sống của một nền văn học. Nó có ý nghĩa rất tích cực nếu các cuộc tranh luận ấy đều nhắm tới mục tiêu là đoàn kết đội ngũ, mong muốn giúp nhau gạt bỏ mọi trở ngại để cùng tiến lên cho kịp với bước đi của xã hội, của bạn đọc.
Trong số bạn bè quen biết nhau đã lâu năm, có nhiều anh rất mẫn cảm về cái đẹp, cái mới trong nghệ thuật, lại có những anh đặc biệt sắc bén về chính trị, thường có những nhận định chính xác trước mọi diễn biến phức tạp của thời cuộc. Nếu họ biết cách nói với nhau và chịu khó nghe nhau thì mọi sự sẽ tốt đẹp biết mấy. Tôi vốn là người không được chín chắn về chính trị nên rất thích kết bạn với những anh từng trải hơn để mở rộng sự hiểu biết của mình. Chả có gì phải ngượng ngùng, phải tự ái cái chuyện đó cả. Có mấy ai được hoàn toàn đâu. Mình biết nghe và chịu nghe, dẫu những lời được nghe không phải bao giờ cũng dễ chịu, thì dễ vứt bỏ được những hành lý thừa. Đời nhiều việc, việc nào cũng khó, buộc chặt những thứ không cần thiết vào người làm sao mà đi nhanh, đi xa được. Huống chi tuổi cũng đã lớn rồi.
Tôi thiển nghĩ, người có lẽ phải từ xưa tới nay luôn luôn là người có tấm lòng khoan dung, nhân hậu. Vì bản thân lẽ phải không cần tranh thua hơn với ai, cũng không cần căm ghét hoặc loại bỏ ai, tự nó đã có đủ sức mạnh để thuyết phục, đoàn kết mọi người cùng làm việc trong niềm vui, trong niềm tin cho sự nghiệp đổi mới trong văn học.
P.V. – Thưa anh, với một dư luận chung rất quan tâm đến vấn đề văn học như hiện nay, cũng có nghĩa là dự báo cho tương lai. Vậy theo anh, có thể hy vọng một sự phục hưng về văn hóa dân tộc trong tương lai không?
NGUYỄN KHẢI: Thời này đối với chúng ta là thời phục hưng dân tộc. Quang cảnh đất nước bừng sáng ở mọi nơi, tất nhiên có nơi sáng nhiều, có nơi còn sáng ít nhưng tất cả đã đổi thay, nhanh chóng đến kinh ngạc. Không phải mọi việc đều đã tốt nhưng mọi sự tốt đẹp đều đã bắt đầu. Trong tình hình đó nếu ta hy vọng một sự phục hưng về văn hóa dân tộc cũng không có gì là quá đáng. Nên tôi rất tin vào sự phát triển mới của văn học Việt Nam vừa rất dân tộc vừa rất hiện đại, vừa là chính mình, vừa là một phần của nhân loại. Nếu không là chính mình thì cũng mong ai trọng mình. Mà mình đâu có tầm thường. Dân tộc Việt Nam, tính cách Việt Nam, tâm hồn Việt Nam đã là một đề tài được bàn luận, được nghiên cứu, được viết trong nhiều cuốn sách của bạn bè khắp năm châu. Còn chúng ta, là người Việt Nam, người trong cuộc lại chưa đóng góp được bao nhiêu trong sự giải đáp nhiều câu hỏi của bạn bè. Tôi đã hỏi chuyện nhiều anh hùng trong chiến tranh và trong lao động. Việc làm của họ gần như một kỳ tích, một huyền thoại nhưng họ lại bảo là chả có gì và chỉ kể lại một cách bình thường về những sự “chả có gì” của họ. Khi tôi viết xong đưa các anh ấy đọc, họ có vẻ ngạc nhiên và khen: “Nhà văn viết có khác”. Suốt một đời sống với cái hàng ngày, lo lắng buồn vui với bao nhiêu chuyện vặt vãnh hàng ngày nên đã quên mất tầm nhìn bao quát của con đại bàng bay lượn trên tầng cao. Phải sống với cái hàng ngày, đó là điều tất nhiên, không thế thì sống làm sao? Nhưng cũng lại phải biết tự tách mình ra để ngẫm nghĩ, để nhìn lại chính mình và đồng loại, nghĩ về hôm nay và cội nguồn sâu xa của nó thì rồi sẽ có lúc nhận được cái ánh sáng kỳ diệu của sự kết tinh, là phần hồn của những hình tượng nghệ thuật độc đáo có sức quyến rũ lâu dài.
P.V. – Xin cám ơn nhà văn Nguyễn Khải.
P.V. thực hiện
(Nguồn: Công an thành phố Hồ Chí Minh, Tp.HCM (20-9-1995)
3. VŨ TÚ NAM TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA BÁO CÔNG AN THÀNH PHỐ VỀ CUỐN NỖI BUỒN CHIẾN TRANH CỦA BẢO NINH
Nhà văn Vũ Tú Nam, nguyên Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam khóa IV, là thành viên của Ban chung khảo trao giải thưởng cho cuốn Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Vừa qua, báo Công an thành phố đã phỏng vấn ông về bối cảnh lịch sử để đi đến quyết định trao giải thưởng này và phần trách nhiệm của riêng ông khi bỏ lá phiếu “thuận” cho một cuốn sách đã gây nhiều cuộc tranh cãi và nhận nhiều điều phê phán của dư luận trong thời gian qua.
Bằng cái nhìn thẳng thắn vào sự kiện, với cái tâm của một ngòi bút và trách nhiệm của một thành viên trong Ban chung khảo, nhà văn Vũ Tú Nam đã trả lời nghiêm túc qua cuộc trao đổi với báo Công an thành phố như sau:
P.V. - Thưa anh, là Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam khóa IV, anh đã suy nghĩ như thế nào khi bỏ phiếu trao giải cho cuốn Nỗi buồn chiến tranhcủa Bảo Ninh? Sau khi có dư luận phản ứng, anh nhìn vấn đề này như thế nào?
VŨ TÚ NAM - Tôi hoàn toàn nhất trí với sự đánh giá về cuốn Nỗi buồn chiến tranh và việc tự phê bình của tập thể Ban Chấp hành Hội Nhà văn khóa IV trong Báo cáo trước Đại hội lần thứ V mà anh Nguyễn Quang Sáng đã nêu lên trên quý Báo, số 478, ra ngày 13-9-1995. Tôi xin phép không nhắc lại ở đây.
Về phần cá nhân, khi bỏ phiếu trong Ban chung khảo, tôi đã thiên về khuyến khích một cây bút trẻ có năng khiếu văn học, đã trải qua chiến đấu thực sự. Tôi cũng đã rất phân vân về những mặt yếu kém của cuốn sách, như: Sự mơ hồ của tác giả giữa chiến tranh chính nghĩa và phi nghĩa, cái nhìn u ám nặng nề, chỉ thấy sự mất mát riêng tư mà không thấy chiến thắng lớn lao do đóng góp của toàn dân. Tôi không cho rằng khi viết, tác giả có ý đồ xấu về chính trị, nhưng sự mơ hồ và cái nhìn u ám của anh đã khiến cuốn sách phản ánh méo mó cuộc chiến đấu thiêng liêng của dân tộc.
Trong cuộc họp Ban Chấp hành để xét giải thưởng, vì còn rất phân vân trước những đánh giá khác nhau, tôi đã nêu lên ý kiến Ban Chấp hành có nên bác bỏ quyết định của Ban chung khảo về cuốn Nỗi buồn chiến tranh không. Nhưng rồi giải thưởng vẫn được thông qua, và tôi cũng vẫn bỏ phiếu thuận. Trách nhiệm thuộc về toàn thể Ban Chấp hành, nhưng tôi là người chịu trách nhiệm trước nhất. Sự phê phán của công luận sau đó là chính đáng. Tuy nhiên, tôi phải nói rằng các đồng chí trong Ban chung khảo và Ban Chấp hành – tuy sự đánh giá của mỗi người về cuốn sách của Bảo Ninh có khác nhau – nhưng các đồng chí đều là những người có thiện chí, muốn đóng góp cho văn học phát triển.
Việc một số người nước ngoài thiếu thiện ý, cố tình xuyên tạc khi dịch và bình luận về cuốn Nỗi buồn chiến tranh rất cần được phê phán để phân rõ trắng đen.
Sau khi cuốn Nỗi buồn chiến tranh ra đời, anh Bảo Ninh viết tiếp những gì, trả lời phỏng vấn báo nước ngoài, hay dở, đúng sai ra sao, cá nhân anh ấy chịu trách nhiệm. Con đường thử thách trước cây bút ấy còn dài lắm.

          ( Trích từ tập tài liệu “Đời sống văn nghệ thời đầu đổi mới” do Lại Nguyên Ân và Nguyễn Thị Bình cùng một số sinh viên, nghiên cứu sinh thực hiện cuối năm 2006)
1-8-2016
ĐÔNG LA