ĐÔNG LA
GẶP BẠN BÈ NHÂN NGÀY 20-11
Hôm
nay là ngày Nhà giáo Việt Nam
20-11, tối qua theo nhắn nhủ của bạn bè cùng lớp đầu tiên sau giải phóng 1975
của Khoa Hóa, Đại học Tổng hợp Tp HCM, tôi đã về trường gặp lại bạn bè và dự lễ hội của khoa:
Trong lớp có Thúy Nga có cô con gái nổi tiếng xinh đẹp là
Huỳnh Bích Phương, từng đoạt giải “Gương mặt khả ái” của cuộc thi Hoa hậu VN:
Hồi đi học trông Nga không đẹp lắm, có lẽ vì hơi gầy bởi
hồi ấy cả nước thiếu thốn, nhưng với con mắt của một nhà phê bình tương lai tôi
thấy gương mặt Nga có “nét”. Sau này vợ chồng Nga thành đại gia sắc vóc mới
phát tiết, giờ bạn cùng lớp nhiều người có dáng lên “lão” nhưng Nga vẫn giữ được
những nét đẹp.
Tôi
rủ Nga:
-Tôi với mẹ hoa hậu chụp riêng một cái đi tôi đưa lên mạng
cho cả thế giới biết.
Nga cười ra đứng cùng tôi, tôi đưa cái điện thoại cho một
ông bạn chụp giúp:
Trong cuốn “Những dấu vết không phai” tôi đã viết về
cái khoảnh khắc lần đầu tôi đến với ngôi trường:
“Tôi liền trở về nơi đóng quân ở thị xã Biên Hòa, rồi
đi Sài Gòn nộp hồ sơ. Hồi ấy, các khoa tự nhiên của trường Tổng hợp còn là
trường đại học Khoa học. Đến trước cổng trường có hàng chữ to tướng “Khoa Học
đại học đường”, tôi rất bỡ ngỡ. Nhìn bộ quân phục còn vương bụi đỏ và khét mùi
khói rẫy, tôi cảm thấy rất ngượng trước khung cảnh trăm hoa đua sắc của sinh
viên đại học. Nhưng rồi cuối cùng tôi cũng nộp được hồ sơ cho phòng tổ chức”.
Vậy mà đã chẵn 40 năm trôi qua. Một khoảng thời gian khiến
tuổi đời làm việc của bạn lớp tôi hầu hết đã về hưu, nhưng riêng tôi là một nhà
văn, nhà phê bình lý luận, cũng như những người hoạt động chính trị, thì đúng
là mới tốt nghiệp trường đời. Đời đã dạy cho lứa chúng tôi những điều mà những
bạn trẻ dù có thông minh mấy cũng không thể biết được. Đó chính là sự từng
trải, sự trải nghiệm. Về cái điều này, tôi cũng đã viết trong truyện ngắn “Những
khúc quanh cuộc đời”:
“Vừa ra trường, được một nơi sang trọng đến rước ngay,
được làm công việc yêu thích, là một điều chỉ có trong giấc mơ của sinh viên.
Tôi thực sự hạnh phúc. Ở nơi này, vốn là những hãng bào chế của chế độ cũ, từ
hội trường lớn, các phòng thí nghiệm lấp loáng những dụng cụ thủy tinh, thư
viện, đến các phòng ăn, phòng tắm… tất cả, tất cả đều sang trọng, sáng choang. Tôi
thầm nghĩ, mình khỏe mạnh, đầu óc không đến nỗi tồi, cha là chiến sĩ giải phóng
Điện Biên, mình thì giải phóng Sài Gòn, còn điều gì phải lo nữa, cứ làm việc
cho tốt là tiến lên thôi…
Bây giờ nghĩ lại mà buồn cười. Tôi nhớ đến bạn bè
trong lớp thuở nào. Sau hơn chục năm ra trường, đứa làm quan, đứa không, đứa
làm chuyên môn, đứa không, đứa giàu, đứa nghèo, đứa hạnh phúc, đứa bất hạnh …
Nhưng có điều lạ, không phải cứ tài năng, cứ thông minh, học giỏi, đức độ hơn
thì thành đạt hơn; nhưng cũng không phải cứ ngu dốt, cứ đểu cáng, gian manh,
lừa lọc thì được… Như có một sự mầu nhiệm, huyền linh trong cõi sống này. Cả
cõi sống như một bàn cờ vĩ đại”.
Lớp tôi so với chuẩn mực thông thường thì hầu hết
thành đạt, tức có nhà cao cửa rộng, con cái đỗ đạt, nhưng không ít người bất
hạnh, chuyện bất hạnh. Bất hạnh nhất là có tới sáu người đã mất, so với những “chiến
sĩ rân trủ” U80, U90 vẫn hăng hái trên tuyến đầu chống chế độ thì họ đều chết
rất trẻ. Bất hạnh kế tiếp là có những người đã mất đi những người thân yêu nhất
như chồng con, vợ con.
Kỳ này có anh Nguyễn Trọng Định từng là lớp trưởng ở
ngoài Bắc vào, anh tuy ở xa nhưng lại là trung tâm tụ hội, một phần vì anh lớn
tuổi (hơn tôi 7 tuổi), một phần tính anh cởi mở, hòa nhã, thân thiện với tất
cả. Trước khi họp lớp, có bữa tiệc nhóm tại nhà Mạnh chiêu đãi anh Định, có mặt
tôi. Anh kể:
-Thằng Hoàng Anh nó đi đón tôi, nó bảo lớp mình đông,
em sẽ dẫn anh đi thăm những người có sự cố đặc biệt thôi. Như thằng Nghiêm bị
tai nạn xe ngã gãy cổ, anh Xuyến bị mổ cắt ruột, thằng Nghĩa bị mổ đặt “ten”.
Tôi gặp thằng Nghiêm rồi, gãy cổ phải nẹp inox cả chục cái “vít”, một tay còn
liệt nhưng vẫn đi lại bình thường, vẫn bia bọt được. Công nhận y học hay thật!
Sau hội khoa, lớp tôi tụ được khoảng vài chục người,
từ trường ở Nguyễn Văn Cừ đến quán “Hương Thủy Tiên” ở bùng binh đầu đường gần
đó “đánh chén”, một cái quán rất quen thuộc với tôi. Ngồi bên kia bàn trước tôi
chính là anh chàng Nghiêm bị ngã gãy cổ đây:
Người ngồi bên cạnh Nghiêm mặc áo xanh
chính là anh Trường, một người có trong sơ đồ số mệnh của tôi, vì chính ông này
đã dẫn tôi đến gặp Nhà thơ Anh Thơ, người đã mở cánh cửa dẫn tôi vào lĩnh vực
văn chương, và trong đám cưới Trường, tôi đã gặp vợ tôi là bạn dạy cùng trường
với vợ Trường. Trường trước khi hưu là “phó tổng” của Vina Giầy, tức một chức
khơ khớ, nhưng lại thuộc nhóm người từng gặp chuyện không phải bất hạnh mà là
rất bất hạnh! Gặp tôi bạn bè cũng hay nhắc chuyện tôi viết lách tôi thường gạt
đi: “Để chỗ khác chỗ này khác tần số”!
Dù thế nào cuộc sống vẫn không ngừng
trôi, thời gian chữa lành tất cả vết thương, dù ngã gãy cổ, đặt “ten”, người
chồng chết, người vợ chết, con chết, dù thân hay không, hợp tính hay không, v.v…
nhưng bạn học gặp lại nhau luôn tràn ngập niềm vui, rộn rã tiếng cười, bởi ta
không chỉ gặp lại bạn bè mà là gặp lại kỷ niệm, gặp lại thời sinh viên đẹp nhất
của cuộc đời mình!
20-11-2016
ĐÔNG LA