Thứ Năm, 24 tháng 11, 2016

ĐÔI NÉT VỀ LịCH SỬ “CHỬI NHAU” CỦA ĐẢNG CỘNG HÒA VÀ ĐẢNG DÂN CHỦ

ĐÔNG LA
ĐÔI NÉT VỀ LịCH SỬ “CHỬI NHAU” CỦA
ĐẢNG CỘNG HÒA VÀ ĐẢNG DÂN CHỦ

Mối quan tâm về kết quả cuộc bầu cử TT Mỹ đã lan vào diễn đàn của kỳ họp Quốc hội VN vừa rồi. Đại biểu Lê Quân nói và đề nghị Thủ tướng cho biết ý kiến về tương lai của Hiệp định TPP khi nó không nhận được sự ủng hộ của Tổng thống mới đắc cử Donald Trump. Đại biểu Lê Thanh Vân chất vấn việc Chính phủ Việt Nam có những đối sách nào liên quan kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua?
Mối quan tâm của các vị đại biểu quốc hội xuất phát từ cơ sở quan hệ Việt-Mỹ đã trở thành quan trọng đối với sự ổn định và phát triển của Việt Nam.
Riêng về kinh tế. Đến năm 2015, sau 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam đã xuất sang Mỹ 38 nhóm hàng với giá trị 33,73 tỷ USD. Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam và chiếm tới 1/5 tổng giá trị xuất khẩu của cả nước. Chủ yếu chúng ta xuất hàng dệt may, giày dép, đồ gỗ, hải sản, v.v… và đã là một trong 15 nhà cung cấp lớn nhất của Mỹ trên toàn thế giới. Ngược lại chúng ta nhập khẩu từ Mỹ máy móc thiết bị, phương thiện vận tải, nguyên liệu ngành dệt, da giày, bông nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi và hóa chất… với tổng giá trị hàng hóa đạt con số 7,7 tỷ USD trong năm 2015. Vậy chúng ta đã xuất siêu sang Mỹ tới 26,03 tỷ USD. Việt Nam là một trong 10 nước có xuất siêu lớn nhất vào thị trường này.
Trả lời các vị đại biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói:
“Đảng, Nhà nước thực hiện chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, chúng ta sẵn sàng hợp tác với Mỹ để cùng nhau phát triển trên tinh thần tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không làm phương hại lẫn nhau. Với tinh thần đó, tôi tin chắc thời gian đến quan hệ Việt Nam với Hoa Kỳ sẽ tốt hơn, vì lợi ích chung của hai nước”. Ông cho biết hiện Việt Nam có quan hệ với cả đảng Cộng hoà và đảng Dân chủ ở Mỹ, có 10 cơ chế quan hệ với chính quyền Mỹ về giáo dục, y tế, v.v… và sẽ tiếp tục thực hiện các cơ chế đó.
***
Nhân cuộc bầu cử TT Mỹ kỳ này coi lại những nét chính lịch sử của nước Mỹ, lịch sử hình thành và quan điểm ngược nhau của hai đảng chủ yếu của nước Mỹ là Dân chủ và Cộng hòa, thấy có những bất ngờ thú vị.
Vào thập niên 1770, Mười ba thuộc địa Anh đã phát triển nhanh chóng, phát triển các hệ thống pháp lý và chính trị tự chủ. Nghị viện Anh đã áp đặt quyền lực của mình đối với các thuộc địa này bằng cách đặt ra các thứ thuế mà người Mỹ cho rằng là vi hiến. Các cuộc xung đột đã diễn ra đã biến thành cuộc chiến tranh bắt đầu vào tháng 4 năm 1775, dẫn đến ngày 4 tháng 7 năm 1776, các thuộc địa tuyên bố độc lập khỏi Vương quốc Anh bằng một văn kiện do Thomas Jefferson viết ra, trở thành Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Lực lượng yêu nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của Tướng George Washington, đã giành được chiến thắng và hòa bình đạt được vào năm 1783.
  Xem bộ phim TỔNG THỐNG LINCOLN, Đạo diễn Steven Spielberg; Diễn viên Daniel Day Lewis thủ vai Lincoln đã đoạt giải Oscar cho vai nam chính xuất sắc nhất (2013), đã thể hiện rất sống động về cả lịch sử nước Mỹ lẫn lịch sử “chửi nhau” giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ.
Lịch sử nước Mỹ chính là lịch sử cách ly, cắt đứt sự đô hộ của thực dân Anh. Trong phim TT Lincoln kể câu chuyện, sau khi nước Mỹ tuyên bố độc lập, Ethan Allen, vị anh hùng của chiến tranh cách mạng Mỹ, đã đi Anh để “chầu” vua. Ông thấy khắp nước Anh chế nhạo dân Mỹ như thổ dân, thô lỗ và ngu ngốc. Tới một ngày, ông được mời dự bữa tiệc chiêu đãi tại nhà của một lãnh chúa. Trong khi ăn uống, nhà cách mạng Mỹ muốn đi nhà vệ sinh để “giải quyết” sự cố, ông thấy trong nhà vệ sinh treo ảnh George Washington, cha đẻ nước Mỹ. Quay lại bàn tiệc, phía chủ nhà ngạc nhiên khi thấy thái độ của vị khách Mỹ hoàn toàn thản nhiên trước một sự xúc phạm nước Mỹ như vậy đã phải hỏi vị khách. Ông đã trả đũa đầy thông minh và hóm hỉnh nhưng cực kỳ sâu cay, ông nói ông đã không ngạc nhiên bởi quá hợp lý khi treo ảnh như vậy. Bởi “Ở đó nó sẽ có ích”, vì “Chẳng phải thế giới biết chẳng có gì làm một người Anh vãi cả ra quần nhanh hơn khi thấy Washington đó sao?”
***
Ngày nay thấy Đảng Dân chủ thực hiện các chính sách xã hội nghiêng về phía dân nghèo nhưng khởi thủy chính Đảng Cộng hòa mới là đảng đưa ra Tuyên ngôn Giải phóng nô lệ. Bản tuyên ngôn do chính Tổng thống  Abraham Lincoln, người thuộc Đảng Cộng Hòa đầu tiên đắc cử năm 1860, đề xuất. 11 tiểu bang theo chế độ nô lệ ở miền Nam đã tuyên bố ly khai khỏi Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ và lập ra Liên minh miền Nam
(Confederate States of America) gây ra cuộc Nội chiến Hoa Kỳ (1861–1865) giữa Chính phủ Liên bang và các tiểu bang phía nam. Cuộc chiến kéo dài 4 năm và chấm dứt khi quân miền Nam đầu hàng năm 1865 và chế độ nô lệ bị đặt ra ngoài vòng pháp luật trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ.
          Bộ phim TỔNG THỐNG LINCOLN cũng tái hiện rất sống động quá trình đấu tranh trên nghị trường và chiến thắng đã thuộc Đảng Cộng hòa trước Đảng Dân chủ về việc xóa bỏ chế độ nô lệ, cái điều khởi nguồn cho việc ông Obama, người da mầu đầu tiên lại thuộc Đảng Dân chủ, làm TT Mỹ.
Trong phim, các nghị viên hai đảng tranh cãi, chửi nhau không khác gì cuộc tranh cử TT Mỹ vừa qua giữa ông Donald Trump và bà Hillary Clinton. Một nghị viên thuộc Đảng Dân chủ cho TT Lincoln thuộc Đảng Cộng hòa như bạo chúa Caesar, đã phạm luật và tự do báo chí.
Phía Đảng Cộng hòa phản pháo:
-Nếu Lincoln thực sự là một bạo chúa , anh Wood, thì ông ấy đã xiên cái đầu rỗng tuếch của anh lên cọc nhọn rồi! Và thế sẽ tốt hơn cho đất nước đấy!
Phía Dân chủ:
-Kẻ độc tài chuyên chế của Đảng Cộng hòa các ông điều hành bằng hình phạt và thiết quân luật, đã tự gắn tên mình với cái Tuyên ngôn Giải phóng tàn bạo và bất chính đó…
Phía Cộng hòa:
-Cho phép tôi phát biểu… Mọi người ở đây thở bằng Oxy, và chúng tôi thấy mùi tởm lợm của bài diễn văn này là một thử thách khủng khiếp cho hệ hô hấp đấy!
Trong cuộc trò chuyện với hai nhân viên điện báo, TT Lincoln nói cơ sở để ông đưa ra “Chủ nghĩa Cộng hòa” chính là Tiên đề toán học Euclid:
          Về cuộc đấu tranh trên nghị trường để thông qua Tu chính án 13 bãi bỏ chế độ nô lệ. Đại diện Đảng Dân chủ phát biểu:
Đại diện Đảng Cộng Hòa trả lời:
   Cuối cùng, Tu chính án 13 đã được thông qua. Thực kỳ lạ khi có một sự tương đồng giữa Mỹ và Việt Nam, hai nước khác biệt nhau. Cũng như Việt Nam, để giành lại được những điều quý giá thiêng liêng, dân Việt đã phải đổ rất nhiều máu, nước Mỹ để xóa bỏ được chế độ nô lệ cũng đã trả giá bằng máu của cả một cuộc nội chiến, và chưa hết, cả máu của chính TT Abraham Lincoln! Ngày 14 tháng 4, Lincoln đến xem vở kịch "Our American Cousin" khoảng 10 giờ tối, John Wilkes Booth,  một diễn viên, là gián điệp của phía chống quân Liên bang, lẻn vào và bắn vào sau đầu của Tổng thống từ cự ly gần.
Ngày nay Lincoln luôn có tên trong ba người đứng đầu được vinh danh tại Mỹ cùng George Washington và Franklin D. Roosevelt. Chính ông là người nói câu nói nổi tiếng “Chính phủ của dân, do dân và vì dân” (Nguyên văn: that this nation, under God, shall have a new birth of freedom -- and that government of the people, by the people, for the people, shall not perish from the earth).
***
Đảng Dân chủ như là một cách sửa chữa sự kỳ thị trong quá khứ hiện tại đã hậu thuẫn chính sách ưu đãi dành cho thành phần thiểu số (affirmative action) và bảo đảm sự tuyển dụng công bằng mà không phận biệt chủng tộc hay giới tính, mạnh mẽ ủng hộ Đạo luật Người Mỹ với người Khuyết tật nhằm cấm đoán sự kỳ thị đối với người khác dựa trên sự khiếm khuyết về thể chất hoặc trí tuệ.
Còn vị TT mới đắc cử hậu duệ của Đảng Cộng hòa Donald Trump, về đối ngoại ông nói:
“Tôi muốn nói với cộng đồng thế giới rằng trong khi chúng ta sẽ luôn đặt lợi ích của Mỹ trước, chúng ta sẽ làm việc công bằng với tất cả mọi người, với tất cả mọi người”.
Chữ “công bằng” ở đây chính là theo tinh thần của Chủ nghĩa Cộng hòa mà Lincoln đã xây nên nền tảng.
Nhiều ẩn số còn đặt ra đối với thế giới, đối với Việt Nam trong nhiệm kỳ sắp tới của vị tổng thống mới, nhưng việc bình thường hóa với Nga, tinh thần không can thiệp vào nội bộ nước khác có thể là tín hiệu tốt đẹp và cũng vì thế mà niềm tin của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “quan hệ Việt Nam với Hoa Kỳ sẽ tốt hơn” là có cơ sở.
24-11-2016
ĐÔNG LA