Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2017

TIỄN BIỆT VÀ HY VỌNG TRONG NGÀY ĐẦU NĂM

ĐÔNG LA
TIỄN BIỆT VÀ HY VỌNG
TRONG NGÀY ĐẦU NĂM
Năm 2016, nước ta đối mặt với nhiều thiên tai và nhân tai ghê gớm, từ nắng như nung biến ruộng đồng thành sa mạc đến mưa lũ như trút nhấn chìm nhà dân, biến phố xá thành sông và  thảm họa môi trường biển tại các tỉnh miền Trung. Nhưng tổng thể đất nước vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2016 tăng 6,21%. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 0,22; khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp 2,59; khu vực dịch vụ đóng góp 2,67 điểm.
Về sự cố do Formosa gây ra rõ ràng là một thảm họa. Nhưng thiệt hại không chỉ do môi trường mà xã hội còn mất ổn định không ít do những nhóm quấy rối lợi dụng sự cố gây ra. Nhưng thực tế hoàn toàn không phải như sự xuyên tạc là nhà nước “câu giờ” để thủ phạm phi tang, trái lại trước sự cố liên quan đến khoa học phức tạp, các cơ quan chức năng với sự hợp tác của các chuyên gia quốc tế đã tìm ra được chứng cớ chính xác, buộc lãnh đạo Formosa phải cúi đầu nhận tội và đền bù. Các ban ngành cũng đã đưa ra thêm một bài học về sự quản lý giám sát sản xuất công nghiệp liên quan đến môi trường. Chưa hết bọn quấy rối còn kích động dân khiếu kiện, biểu tình. Một đất nước đang phát triển không thể không có sản xuất công nghiệp, một nền công nghiệp còn yếu kém như ta không thể không trải thảm kêu gọi nước ngoài đầu tư. Nếu có sai phạm thì sửa. Nên việc biểu tình, chống phá sản xuất chẳng khác gì tự đập niêu cơm nhà mình.
Formosa đúng là đã quá sai nhưng so với Công ty Gang thép Thái Nguyên ở ta xem ra họ giải quyết sự cố tốt hơn ta rất nhiều. Công ty Gang thép Thái Nguyên khởi công dự án từ năm 2007, tổng chi phí đã đội lên từ 3.843 tỷ đồng lên 8.104 tỷ. Dự án còn được Nhà nước ưu ái, hỗ trợ nhiều nhưng cuối vẫn không đi đến đâu. Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà Đầu tư Tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng: “Vấn đề ở đây không phải là thiếu tiền mà có tham nhũng và có vấn đề về trình độ, năng lực”.
Cũng về thép, Trong ngày làm việc cuối cùng của năm 2016, 30/12, Bộ trưởng Bộ Công Thương, ông Trần Tuấn Anh đã có một buổi nói chuyện khá dài với báo chí riêng về vấn đề của dự án thép Cà Ná- một trong những dự án đang gây tranh cãi thời gian qua.
Về quan điểm phát triển ngành thép và ngành công nghiệp nói chung, ông Trần Tuấn Anh nói: "Nếu không có dự án thép này, hay bất kỳ dự án phát triển công nghiệp nào, kể cả như dự án nhiện điện thì đất nước Việt Nam có phát triển được hay không? Đất nước của chúng ta có thể chỉ phát triển bằng hạt muối của Cà Ná và hạt thóc của Tây Nam Bộ không?"; "Và như vậy, chúng ta đang tự đánh mất đi những lợi thế, nguồn lực hiện có? Nếu chỉ e sợ những hệ luỵ xảy ra, không làm gì cả, vậy thì vai trò của các nhà quản lý, nhà làm chính sách ở đâu?"
Ông khẳng định: "Nếu hệ luỵ xảy ra ở một dự án ở đây (thép Cà Ná) và có phần trách nhiệm nào đó của Bộ Công Thương thì tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm, Bộ trưởng Bộ Công Thương sẵn sàng chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước nhân dân"; "Trước khi là một Bộ trưởng, tôi cũng là một công dân và chúng ta bình đẳng trước pháp luật. Nhưng là Bộ trưởng thì phải chịu trách nhiệm cao hơn nữa, tương xứng với hành vi và trách nhiệm của mình". Và ông nhấn mạnh: "Hơn nữa, tôi là Đảng viên của Đảng, tôi thực hiện nhiệm vụ của mình cũng là theo sự phân công của Đảng. Tôi không e ngại chuyện từ chức".
Đúng là sự trả lời không né tránh, nói thẳng, nói thật đầy bản lĩnh và trách nhiệm của một bộ trưởng. Cùng với hành động quyết liệt và đầy trách nhiệm của Bộ trưởng Trương Minh Tuấn trong lĩnh vực thông tin vừa qua, thái độ như ông Trần Tuấn Anh như thể hiện một luồng sinh khí mới của ekip Chính phủ được bầu trong năm qua do ông Nguyễn Xuân Phúc đứng đầu. Một ê-kip trách nhiệm, thực chất và ít “diễn” hơn.
Riêng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, với cương vị Thủ tướng, đầu tiên ông đã gây bất ngờ lớn đối với dư luận khi chỉ đạo xử lý vụ “nhỏ xíu” quán “Xin chào”, một việc nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn, đó là người lãnh đạo, người được dân giao phó trọng trách đã không vô cảm trước những oan sai, rắc rối của dân. Không chỉ vậy, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 3 của Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa Việt Nam sáng 3-12, ông nói: “Xây dựng môi trường liêm chính, phải xóa bỏ ngay tình trạng quan hệ thân hữu đã bóp chết việc làm ăn chân chính, xóa bỏ tư tưởng quan hệ tốt với chính quyền để có cơ hội tốt hơn tiếp cận tài nguyên, đất đai, thể chế và những ưu đãi ngầm”; gần đây nhất, tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, ông nói: “Tôi nhắc lại Tết năm nay các đồng chí ở các bộ, ngành, địa phương không lên chúc Tết Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, để không phải băn khoăn, không phải mấy ngày đêm suy nghĩ mua quà gì…Đồng chí, anh em sống tình nghĩa với nhau là tốt rồi, mọi việc làm gọn nhẹ đi. Tôi có nói chuyện với Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải thì thấy anh em cấp dưới mỗi khi Tết đến lo lắng lắm. Nay tôi công khai thẳng thắn như vậy để giải tỏa cho anh em vui vẻ…”. 
Toàn là những chuyện nhỏ nhặt nhưng là tàn dư của lối ứng xử phong kiến, tiểu nông đã bám rễ rất chặt, rất sâu trong tâm thức của người Việt, và chính chúng đã góp phần không nhỏ gây ra lỗi hệ thống rất khó sửa ngày hôm nay.
Hy vọng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và ê-kíp trong Chính phủ không chỉ nói mà còn làm được những gì mình nói. Được vậy thì tên ông đúng có ý nghĩa là mùa xuân mang phúc đức về cho dân tộc.
Khai bút đầu năm
1-1-2017
ĐÔNG LA