ĐÔNG
LA
BÀN
VỀ CHUYỆN Ý THỨC SINH RA THỰC TẠI
VÀ
VỀ “TÍNH KHÔNG” CỦA PHẬT GIÁO
Tôi đang ở New York, nói chung
thằng con tôi đã đáp ứng được những yêu cầu chủ yếu của tôi khi muốn tận mắt
chứng kiến về nước Mỹ. Rồi tôi sẽ kể lại hết, như đã đăng 3 kỳ, trước mắt là
lưu giữ kỷ niệm của bản thân, thứ hai là cho người thân biết, và cuối cùng, bạn
đọc ai thích coi thì coi. Hôm nay nghỉ xả hơi sau hai ngày rạc cẳng trên các
đường phố New York thăm thú các nơi trong nắng nóng y như Sài Gòn vậy. Như
thường lệ, có thời gian tôi lại quan tâm đến mọi chuyện nên lại muốn chia sẻ
với mọi người câu chuyện liên quan đến nhận thức mới đây.
Tôi nhận được một bài viết dài của
một độc giả liên quan đến cả khoa học lẫn Phật giáo. Với tôi, trước những phát minh trụ cột của khoa học, người Việt ta, kể
cả những giáo sư viện sĩ, “những nhà khoa
học” nổi tiếng, hiểu cho đúng cũng là rất khó, vì vậy tôi đã từ chối đăng
toàn bài của người độc giả và trả lời tế nhị như sau: “mong anh thông cảm, tôi không có toàn quyền
đăng bài trên blog của tôi. Nên bài dài của anh tôi chỉ có thể đăng như thế này, nếu anh chịu thì
tôi sẽ đăng lên”.
Tác giả bài viết hỏi: “Ủa,
bộ có những người giám sát những bài đăng trên blog của anh sao? Mà
anh lại nói là không có toàn quyền?… anh cứ nói thật, bộ có một thế lực
nào đã cố kềm hãm những nêu lên giá trị của Phật Giáo chăng? … "họ" sợ Phật Giáo hay quá, tốt quá, mà đọc
giả quên vai trò của họ?”
Tôi đành phải trả lời thực:
“Trước hết, tôi là người được viết hoàn toàn tự do (như việc tôi
bênh vực cô Hoà đó, tôi phải tố cáo nhiều cá nhân và cơ quan rất to, vì lẽ phải,
tôi có sợ đâu). Nếu có sợ thì sợ chính mình viết sai, phạm pháp thôi! Nhưng những
bài chính luận của tôi lại được nhiều, cả cá nhân và cơ quan, coi trọng. Chính
vì vậy tôi luôn tự kiểm soát mình, viết và đăng tải trước hết phải khách quan,
thứ hai là phải chính xác về mặt tri thức, và cuối cùng là viết làm sao đó để mình
có thể góp phần vào công cuộc bảo vệ sự ổn định và phát triển của đất nước.
Cái phần anh tâm đắc trong bài dài của
mình thì nói thật với anh, tôi lại không tâm đắc, mà nói thẳng nói thật với anh
thì tôi lại ngại, tôi chỉ lấy ví dụ đoạn này:
Ông
Nguyễn Tường Bách viết: <Trích> “Lấy ví dụ, cái bàn này là một
hạt hạ nguyên tử, nó không nằm yên. Khi nào chúng ta nhìn nó thì nó
mới xuất hiện, nếu chúng ta nhìn nơi khác thì nó không có mặt. Nếu
dùng thước để đo, ban đầu chúng ta đo, nó dài 3m, nhưng sau đó, chúng
ta đo lại thì chỉ còn 2,5m, lần sau nữa thì lại 3,5m. nó xuất hiện có
vẻ ngẫu nhiên, không tuân thủ theo quyết định luận của Newton.
Dĩ nhiên, tính ngẫu nhiên này chỉ
xuất hiện trong mức độ nhỏ nhất của vật chất. Mức độ này rất nhỏ,
chúng ta không thể tưởng tượng được, mức độ đó phải được cộng thêm
với 17 con số 0 nữa mới thành một centimet. Đó là mức độ nhỏ
nhiệm nhất của vật chất, với mức độ đó, người ta hy vọng nếu khám
phá được quy luật vật chất thì sẽ khám phá được thế giới, bởi nó
là viên gạch cuối cùng của ngôi nhà vụ trụ, nhưng người ta không ngờ
đến mức đó, hành tung của vật chất lại không như chúng ta chờ đợi.
Do đó hàng loạt vấn đề triết học được đặt ra về tự tính của thế
giới. Heisenberg nói: cái thiên
nhiên, cái nature dường như xuất hiện theo cách chúng ta hỏi nó. Bởi
vì khi thì nó xuất hiện theo dạng từng hạt, lúc thì xuất hiện theo
dạng sóng, về mô hình, hai dạng này không tương thích với nhau. Nhưng
nếu chúng ta mở một thí nghiệm khảo sát hạt thì nó có vai trò của
hạt thật. Nhưng nếu chúng ta đo để xem vật chất có phải là sóng hay
không thì nó cũng là sóng thật. Thiên nhiên là gì thì chưa biết,
nhưng dường như nó trả lời theo cách mà chúng ta hỏi nó. Thế
thì ý thức con người có ảnh hưởng gì lên thiên nhiên?
Ngày
trước, người ta nói thực tại là gì không biết, nhưng nó luôn tồn tại
độc lập, không bị ý thức con người ảnh hưởng lên nó. Con người dù có
chết đi nữa thì thực tại vẫn là thực tại. Nhưng bây giờ, ở hạ
nguyên tử thì ý thức xem ra có thể tác động lên được. Dường như thực
tại là cái gì đó “nói chuyện” với ý thức, và có những nhà khoa
học đi xa hơn, họ nêu lên vấn đề: phải chăng khi ý thức khảo sát thực
tại thì chính lúc đó ý thức “tạo tác” ra thực tại, phải chăng thực
tại là một sản phẩm do ý thức bày ra. Cho nên ngày nay mối quan hệ
giữa thực tại và ý thức đã được đặt ra…<Hết Trích>.
Theo tôi (Đông La), viết thế này là không chuẩn: “Dĩ
nhiên, tính ngẫu nhiên này chỉ xuất hiện trong mức độ nhỏ nhất của
vật chất. Mức độ này rất nhỏ, chúng ta không thể tưởng tượng được,
mức độ đó phải được cộng thêm với 17 con số 0 nữa mới thành một
centimet”. Vì theo toán học, một số dù có “được cộng
thêm” một triệu, một tỷ số 0 nữa thì nó vẫn giữ nguyên là nó thôi, không có giá
trị nào “cộng thêm với 17 con số 0 nữa mới thành một centimet” cả! Lẽ ra phải viết “mức độ đó phải được nhân với một con
số rất lớn, có tới 17 con số 0 thì mới thành 1 cm” (như cho nó là a thì:
a(cm) x
100000000000000000 = 1cm).
Còn ý này của ông Nguyễn Tường
Bách:
“ở hạ nguyên tử thì ý thức xem ra có
thể tác động lên được. Dường như thực tại là cái gì đó “nói
chuyện” với ý thức, và có những nhà khoa học đi xa hơn, họ nêu lên
vấn đề: phải chăng khi ý thức khảo sát thực tại thì chính lúc đó
ý thức “tạo tác” ra thực tại, phải chăng thực tại là một sản phẩm
do ý thức bày ra”.
Theo tôi (Đông La) là duy tâm, nó cũng là trung tâm tranh cãi của hai trường
phái triết học duy tâm và duy vật giữa các nhà triết học và giữa chính các nhà
khoa học; và viết như trên ông Nguyễn Tường Bách cũng lại hiểu không chính xác
về vật lý.
Trong cơ học lượng tử, các
hạt vi mô vì quá nhỏ, quá linh động, các hạt cũng có tính chất sóng, vì vậy nó
có thuộc tính bất định. Người ta không thể đo được hạt vi mô chính xác, có các
giá trị khác nhau, vì chúng có tính bất định, vì tính chất sóng (như không thể
đo được đường đi của giọt nước trong biển cả chẳng hạn) chứ không phải vì ý thức
con người tác động lên”.
Đặc biệt, bài viết còn có phần bàn về “tính không” của Đạo Phật. Hiểu chính xác vấn đề này không dễ. Khi
khoa học phát minh toàn bộ vũ trụ được hình thành từ vụ nổ Big Bang, nhiều người,
kể cả những nhà khoa học nhất là những người theo Phật giáo, đã cho rằng vũ trụ
đúng là được tạo thành từ “trống không”
y như giáo lý Phật giáo nói.
Điều này xem chừng cũng hơi bị lạc quan tếu, có những nhận thức
chưa chuẩn kể cả về khoa học lẫn Phật giáo.
Về điều này tôi đã viết một bài dài, nay xin trích một số ý.
Về Bản thể, trước hết, ý nghĩa chung nhất, Bản thể là bản chất của sự tồn tại.
Theo quan niệm nhà Phật “BẢN THỂ tức căn bản tự thể của các pháp”,
mà: “PHÁP - Dharma, từ chỉ chung hết thảy mọi sự vật hiện tượng,… sự vật,… đạo
lý,… tất thảy đều là pháp cả”. Theo Hoa
nghiêm tông: “Thế giới bản thể gọi là
“lý pháp giới”, thế giới hiện tượng là“sự pháp giới”. Bản thể như nước, hiện tượng như sóng”; Theo Thiên Thai tông: “Hiện tượng
trong thế giới là chí đa, nhưng đều là biểu hiện của chân như”.
Theo
Phật giáo, con người được tạo thành từ năm yếu tố gọi là Ngũ uẩn, tạo
thành toàn bộ thân tâm. Ngũ uẩn gồm: 1- Sắc, Thọ, Tưởng,
Hành
và Thức. Đặc tính chung của Ngũ
uẩn là Vô thường, Vô ngã và Khổ. Khổ xuất phát từ sự biến hoại của các
uẩn; con người được tạo thành từ năm uẩn đó nên cũng chỉ là một sự giả hợp,
không có một cái "ta" thật sự bất biến đứng đằng sau con người, tức Vô ngã. Bát-nhã-ba-la-mật-đa tâm kinh
nhấn mạnh đến tính Không của ngũ uẩn.
(BÁT NHÃ
(pañña) là thuật ngữ có nghĩa là Trí huệ (đồng nghĩa với Trí tuệ), nhưng Trí
huệ này không phải như Trí tuệ thông thường mà là trí huệ hiểu biết có tính
chất trực giác về những đối tượng và thế giới phần nhiều ngược với tri thức
thông thường. Ban đầu với tư duy khoa học ít có người công nhận, thú vị ở chỗ, thực
tế cuộc sống với nhiều hiện tượng huyền bí xuất hiện, người ta mới giật mình
nhận ra, có những lời Phật Thích – ca dạy được chứng thực. Chính vì khó dịch
cho nên người ta thường giữ nguyên theo phiên âm chữ Phạn là Bát nhã).
Tính Không là một khái niệm trung tâm và cũng trừu tượng nhất của đạo Phật, là tính chất của Bản thể, nên Bản thể cũng
thường được gọi là“Không tướng” hoặc“Chân không”, như trong Bát - nhã tâm kinh nói: “Thị chư pháp không tướng, bất sinh bất
diệt” nghĩa là tướng không của các pháp không sinh không
diệt; trong kinh Lăng Nghiêm nói về
tính chất và mối liên hệ giữa sắc và không của Bản thể: “Tính sắc chân không
tính không chân sắc, thanh tịnh bản nhiên, chu biến pháp giới”, nghĩa là
tính của sắc thực là không, tính của không thực là sắc, cơ bản
tự nhiên thanh tịnh vận động biến đổi khắp nơi. Vậy Bản thể của vũ trụ không phải là không mà là “Chân không”,
một cái không thực tồn tại, không hình tướng, nhưng tạo nên mọi thứ. Trong Tiểu thừa, tính Không nhằm nói về thể tính của con
người. Đại thừa xem Không là mọi sự. Tiếp cận tính Không là
nội dung của các phép tu luyện, nhất là Thiền
tông.
Nhưng liệu cái “không” đó có phải là trống không, là không có gì? Liệu có ai, kể
các nhà khoa học, có thể làm được một việc, một thí nghiệm biến không thành có?
Có chăng chỉ có trong phim thần thoại mà thôi.
Vì vậy, nếu đối
chiếu với khoa học, có thể nói chân không
của đạo Phật chính là năng lượng,
năng lượng cũng không hình tướng (không)
nhưng đã tạo nên mọi vật (sắc) và mọi
vật (sắc) trong điều kiện nhất định
cũng biến thành năng lượng (không).
Theo công thức E = mc2 thì năng lượng chính là nguồn gốc của vật
chất, trong thực tế thì chính từ điều kiện nhiệt độ, áp suất, tỷ trọng lớn vô
cùng (điểm kỳ dị) của Big Bang, một vụ nổ vĩ đại đã xảy ra, rồi tùy theo độ
giảm của nhiệt độ, năng lượng đã tạo thành các hạt cơ bản, rồi thành vật chất,
rồi trải qua hàng tỷ năm, thành muôn loài và chính loài người chúng ta.
New York
20-7-2017
ĐÔNG LA