ĐÔNG LA
THAM QUAN VIỆN BẢO TÀNG
NGHỆ THUẬT
PHILADELPHIA, CHIA TAY BÀ “SUI”,
THẲNG TIẾN NEW YORK
Philadelphia là thành phố lớn
thứ 5 của Mỹ, được thành lập năm 1682, từ năm 1790 đến năm 1800 là thủ đô của Mỹ,
được xem là The Birth place of America (Nơi sinh của nước Mỹ) hay "Thành
phố của Tình huynh đệ" (City of Brotherly Love). Philadelphia có các viện
bảo tàng để lưu giữ những giá trị văn hóa nghệ thuật. Khi bạn gái bận “làm
tóc”, biết tôi thích nghệ thuật, con trai tôi đưa vợ chồng tôi đi Bảo tàng nghệ
thuật Philadelphia, nơi lưu giữ rất nhiều tác phẩm có giá trị. Chúng tôi chụp
hình lưu niệm còn tôi chụp một số tác phẩm. Tôi thấy bảo tàng có khá nhiều
tranh của Claude Monet (1840 -1926), là ông tổ của hội họa Ấn tượng. Tôi giải
thích sơ lược cho ông con và mẹ nó hiểu. Theo trường phái Ấn tượng
(Impressionism) thì người họa sĩ không vẽ chi tiết đường nét hình ảnh sự
vật như chụp ảnh mà chỉ vẽ những ấn tượng nắm bắt được thôi, thường chủ ý để lại
những nét vẽ, có người vẽ như trát màu, có người lại chấm chấm, v.v… Những ấn
tượng phụ thuộc rất nhiều vào ánh sáng, ánh sáng là một yếu tố quan trọng trong
hội họa ấn tượng nên các hoạ sĩ thường vẽ phong cảnh. Ngay phòng khách nhà
tôi cũng treo hình chụp bức tranh nổi tiếng của Claude Monet "Người
phụ nữ trong vườn" ("Femme au jardin", 1867).
Đi
xem đã kha khá, 3-4 phòng tranh, tượng, tính đi tiếp thì gặp một nhân viên hỏi
“vé đâu?”, chúng tôi ngớ người vì “quên” mua vé, thấy cũng đã đủ nên ra về. Là
nhà phê bình lý luận, với hội hoạ tôi cũng không lạ gì, từng tranh luận với
thiên hạ về các trường phái, cũng đã được đến Bảo tàng Ermitazh (Эрмитаж, Sankt-Peterburg),
một trong mấy bảo tàng đẹp và lớn nhất
thế giới.
Về
nhà, bà “sui” quá chu đáo, mua cả yến về nấu tẩm bổ cho bà xã tôi. Cô con gái lớn,
chủ nhà, cũng khéo nấu nướng, mấy ngày trổ tài hết nấu bún bò Huế, lại hủ tiếu, v.v… Ông con tôi được mẹ và chị
bạn gái rất quý, hiểu cả sở thích ăn uống của nó. Hàng tối, chủ nhà tập trung bạn
bè uống bia rượu lai rai hát karaoke rất vui. Tôi cũng tham gia, một lần hứng
lên hát bài “Như cánh vạc bay” của Trịnh Công Sơn. Bà “sui” gặp vợ tôi coi như
chị em, tâm sự không thiếu một chuyện gì. Vì thế mà tôi phải bái phục khi biết
chị trên đất Mỹ xa lạ, tiếng tăm không biết, mấy chục năm là bà mẹ đơn thân
nuôi cả 5 đứa con trưởng thành. Riêng bạn gái con tôi là con gái út còn được học
đại học tử tế, không chỉ 1 mà giờ còn đang học trường thứ 2, không phải ngành
thường mà ngành Dược. Ở Mỹ, liên quan đến
tính mạng con người như Y, Dược được coi là một trong số ít ngành cao quý nhất,
buộc phải tốt nghiệp một trường đại học rồi, thi tuyển tiếp, đậu mới được vào học.
Ở Philadelphia mấy ngày, rồi cũng phải chia
tay bà “sui”, lưu luyến quá mãi mới dứt ra được. Tôi bắt tay bà “sui” nói với
bà ấy cũng là nói với hai đứa con:
-Chị
là phụ nữ mà tay chai sạn như đàn ông làm việc nặng, tôi là đàn ông mà tay lại
mềm như phụ nữ, vì vậy tôi rất khâm phục chị. Ai cũng thích người khác tốt bụng
nhưng mình có tốt không thì chưa chắc. Vì vậy các con không cần phải học tập ai
cả, chẳng cần GSTS, nhà khoa học hay nhà văn nhà veo, các con hãy học chính mẹ
các con đây này.
Nói
rồi chúng tôi lên xe thẳng tiến New York.
Sau
đây là mấy tấm hình khi tham quan Viện Bảo tàng Nghệ thuật Philadelphia.
Los
Angeles
9-8-2017
ĐÔNG LA