Nhân
có mấy chuyện trên, hôm nay tôi xin đăng mấy ý để chúng ta cùng xem lại đôi nét
lịch sử của nền ngoại giao VN.
Los
Angeles
10-8-2017
ĐÔNG LA
VIỆT NAM TRÊN BÀN CỜ CHÍNH TRỊ,
NGOẠI GIAO CỦA NHỮNG NƯỚC LỚN
(Nhân BTQP Ngô Xuân Lịch thăm Mỹ)
Để
có được những ngày như hôm nay, từ một nước phong kiến nhược tiểu, như có một
phép mầu, chúng ta đã giành lại được nền độc lập. Nhưng không chỉ bằng ý
chí sắt đá, chúng ta đã giành chiến thắng bằng cả sự khôn khéo. Với hai bàn tay
trắng, chúng ta buộc phải nhờ vả thiên hạ, nhưng chúng ta cũng đã vượt qua được
sự toan tính xếp đặt của các nước lớn.
Quan
hệ của Việt Nam với các nước lớn “anh em”, thực tế chưa bao giờ có một tình hữu nghị lý tưởng nào cả, mà họ
ai cũng vì lợi ích của mình trước hết. Họ đều từng có những toan tính, có khi
mâu thuẫn với chính họ, mâu thuẫn lẫn nhau và hoàn toàn bất lợi cho Việt Nam. Số
phận của Việt Nam từng bị đặt trên bàn cờ chính trị, ngoại giao trong mối tương
quan giữa ba nước lớn Liên Xô – Trung Quốc – Mỹ.
***
Trước
hết là mối quan hệ của ta với Liên Xô và Trung Quốc. Ngay từ năm 1960 đã xảy ra
tranh cãi gay gắt giữa Trung Quốc và Liên Xô. Khơ-rút-sốp lên án Mao Trạch Đông
chống lại phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, phê phán sự sùng bái Mao Trạch
Đông ở Trung Quốc.
Ngược
lại, phía Trung Quốc cho rằng Stalin đã làm họ thiệt hại lớn. Trần Độc Tú do
Stalin chỉ định làm Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc đã làm cho Trung Quốc
mất sạch căn cứ địa Tỉnh Cương Sơn và phải làm cuộc Vạn Lý Trường Chinh lên
Diên An. Trung Quốc cũng cho Liên Xô mặc nhiên hợp pháp hóa việc Nga hoàng đã
xâm chiếm một phần rất lớn lãnh thổ Trung Quốc.
Năm
1950, sau khi cách mạng Trung Quốc thắng lợi, Stalin mời Mao Trạch Đông sang
Mat-xcơ-va giảng hòa, đã có sự viện trợ ồ ạt cho Trung Quốc. Vào những năm cuối
của thập kỷ 50, Mao Trạch Đông khởi xướng công cuộc đại nhảy vọt, cả nước thi
đua làm sắt thép, nhà nhà làm sắt thép. Không có than thì lấy cả thóc làm chất
đốt. Mao nói kỹ thuật của Liên Xô là kỹ thuật tư bản, kỹ thuật của Trung Quốc mới
chính là kỹ thuật cộng sản. Trung Quốc sẽ tiến vào giai đoạn cộng sản chủ nghĩa
trước Liên Xô. Thấy vậy, Khơ-rút-sốp đã nói cái chủ nghĩa cộng sản mà Trung Quốc
định đi tới trước Liên Xô chính là cái “chủ nghĩa cộng sản mặc quần đùi” và cho
Mao đã già, lẩm cẩm, nên nghỉ đi. Vì thế mới xảy ra chuyện Trung Quốc đuổi
chuyên gia Liên Xô về nước.
Nước
ta không thể tay trắng giành độc lập mà buộc phải nhờ vả thiên hạ, mà sự giúp đỡ
của “anh cả”, “anh hai” đều quan trọng cả. Đến thời kỳ “xét lại”, Liên Xô cho rằng
các nước có chế độ xã hội khác nhau có thể chung sống hòa bình, vấn đề ai thắng
ai sẽ giải quyết bằng thi đua hòa bình, xây dựng tính ưu việt chế độ, ai ưu việt
hơn, được lòng dân hơn sẽ chiến thắng. Không ai phản đối chung sống hòa bình,
nhưng với nước ta như vậy sẽ mãi mãi là chia cắt. Trung Quốc gọi quan điểm đó của
Liên Xô là “chủ nghĩa xét lại hiện đại”. Các nước nhỏ buộc phải hoặc là theo Liên Xô, hoặc là theo Trung Quốc,
rất khó ở giữa. Mà ta thì cần cả hai nên buộc phải giải cái bài toán khó đó.
Còn
Trung Quốc, sau Hiệp định Paris 1973, muốn duy trì nguyên trạng ở Ðông Dương,
nhất là việc Việt Nam chia cắt thành hai miền dưới hai chế độ chính trị khác
nhau là phù hợp với ý đồ lâu dài của họ ở Ðông Nam á. Sau khi đi thăm Trung Quốc
về, thượng nghị sĩ Mỹ K.Mansfield báo cáo trước Quốc hội Mỹ: "Trung Quốc
tán thành để hai nước Việt Nam tiếp tục tồn tại. Trung Quốc cho rằng một nước
Campuchia thống nhất, trung lập là điều chủ yếu trong một Ðông Dương ổn định".
Nhưng
cuối cùng, chúng ta vẫn vượt qua được tất cả sự toan tính vụ lợi ích kỷ của các
nước lớn, đã giành chiến thắng, đất nước đã hòa bình, độc lập, thống nhất!
***
Với
Mỹ, hơn một tháng sau khi giải phóng miền Nam, ta đã nhờ Liên Xô chuyển cho Mỹ
một thông điệp muốn có “quan hệ tốt với Mỹ trên cơ sở tôn trọng lẫn
nhau”. Ðại sứ Mỹ tại LHQ, Andrew Young, đã nói: "Chúng tôi coi
Việt Nam như một Nam Tư ở châu á. Không phải là bộ phận của Trung Quốc hay
của Liên Xô, mà là một nước độc lập. Một nước Việt Nam mạnh và độc lập là phù hợp
với lợi ích quốc gia của Mỹ". Năm 1977, chính quyền Carter thực sự
muốn bình thường hoá quan hệ với Việt Nam. Ngoại trưởng Mỹ C. Vance, ngày
10.1.77 tuyên bố: "Việc tiến tới bình thường hoá quan hệ Mỹ - Việt
nam phù hợp với lợi ích của hai nước". Trong khi đó, theo sự xúi dục của
Bắc Kinh, chính quyền Polpot bắt đầu chiến tranh biên giới chống ta từ ngày
30.4.77 và đơn phương cắt đứt quan hệ ngoại giao với ta ngày 31.12.77.
Từ
đầu năm 1978, Mỹ - Trung cấu kết chống Liên Xô. Liên Xô nhân thế yếu của Mỹ sau
thảm bại ở Việt Nam đã ra sức tăng cường ảnh hưởng ở á - Phi và Mỹ Latinh bằng
học thuyết "chủ quyền hạn chế" của Brejnev”. Tại châu Á,
Liên Xô đưa quân vào Afghanistan (1979), đồng thời thực hiện chính sách bao vây
Trung Quốc. Việt Nam bị coi là một mắt xích của vòng vây đó.
Trong
tình hình đó, Mỹ đẩy nhanh quá trình bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc. Ý
tưởng "chơi lá bài Trung Quốc để ngăn chặn Liên Xô" của cố vấn
an ninh quốc gia Z.Bzrezinski đã lấn lướt chủ trương của ngoại trưởng Cyrus
Vance và R.Holbrooke là "cải thiện quan hệ với Việt Nam ".
Ðặng Tiểu Bình tuyên bố "Trung Quốc là NATO phương Ðông" và "Việt
Nam là Cuba phương Ðông". Khi Bizezinski đi thăm Trung Quốc thì Mỹ đã chọn
con đường bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc và gác lại việc bình thường
hoá quan hệ với Việt Nam. Khi ta đưa quân vào Campuchia đánh đuổi
Polpot, ngày 9.1.79, ngoại trưởng Mý Cyrus Vance nói: "Các cuộc nói
chuyện Mỹ - Việt Nam về bình thường hoá đã tan vỡ do cuộc xâm lược Campuchia của
Việt Nam". Ðặng Tiểu Bình đi thăm Mỹ (29.1 - 4.2.79), tỏ ý sẽ tiến
công vào Việt Nam và đã không gặp phải phản ứng bất lợi nào từ phía Mỹ.
***
Nhưng
rồi như “Trời có mắt”, Việt Nam sau chiến tranh tan hoang, bị Mỹ cấm vận, chiến
tranh hai đầu biên giới, ta vẫn đứng vững. Còn Trung Quốc, sau sự kiện Thiên An
Môn, mục tiêu "4 hiện đại", muốn tranh thủ Mỹ, Nhật, phương Tây, lại
bị đe doạ. Ngược lại quan hệ Mỹ - Xô đã cải thiện rất nhanh. Sau khi Việt Nam
đã hoàn tất việc rút quân khỏi Campuchia, Mỹ và các nước cải thiện quan hệ với
ta. Tiếp tục đối đầu với Việt Nam cũng không còn phù hợp với chính sách của
Trung Quốc. Vì thế Trung Quốc cũng nghĩ đến chuyện bình thường hóa với Việt
Nam. Và cuối năm 1991, hai nước Việt-Trung chính thức đưa ra Thông cáo chung về
bình thường hoá quan hệ!
Còn
với Mỹ, ngày 3 tháng 2 năm 1994, Tổng thống Bill Clinton tuyên
bố bỏ hoàn toàn cấm vận Việt
Nam và lập cơ quan liên lạc giữa hai nước. Tiếp theo, ngày 11 tháng 7 năm 1995, Tổng thống Bill
Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
***
Như
vậy, thực tế “tình hữu nghị” của Việt Nam với các nước lớn không hoàn toàn là
êm ấm. Nhưng ta đã vượt qua tất cả, không mắc sai lầm, mà sai lầm trong đối ngoại là dẫn
tới thảm họa, bất kể ai. Nước Đức phát-xít đã phải gánh chịu, Mỹ cũng nhiều lần
lặp lại sự sa lầy!
10-8-2017
ĐÔNG
LA