Thứ Bảy, 27 tháng 1, 2018

Nguyễn Văn Thịnh: DẪN CHỨNG SỬ HỌC CẦN ĐƯỢC XEM CẨN TRỌNG VÀ GIẢI TRÌNH TRUNG THỰC.



DẪN CHỨNG SỬ HỌC
CẦN ĐƯỢC XEM CẨN TRỌNG
VÀ GIẢI TRÌNH TRUNG THỰC.
Nguyễn Văn Thịnh
*****************

Trong bài Mấy tư liệu về Lê Văn Tám (Tạp chí Xưa & Nay, số 490 tháng 12/2017), ông Nguyễn Huy trích dẫn bức thư của cố GS Trần Huy Liệu gửi ông Trần Quang Huy – Trưởng Ban Khoa Giáo TƯ lúc đó:
Hà Nội ngày 14/4/1967
Kính gửi anh Huy
Chuyện em Lê Văn Tám, tôi cho đến nay vẫn không tin có việc này, vì nó vô lý quá. Ai cũng biết kho thuốc đạn của giặc bố trí cẩn mật và khoa học thế nào, vậy thì làm sao một em bé có thể xông thẳng vào đốt cháy một cách dễ dàng và đã xông thẳng vào được thì việc gì phải tự tẩm xăng vào mình thì mới đốt cháy được. Câu chuyện này đồn lên chính xác vào hồi tôi làm bộ trưởng Bộ Tuyên truyền, nhưng hồi ấy là đốt kho dầu xăng ở Khánh Hội, chớ không nói là đốt kho thuốc đạn ở giữa thành phố Sài Gòn. Tôi còn nhớ một bài báo của địch lúc đó đã chế riễu chuyện này và liên hệ với đôi chân khập khiễng của tôi và cái chân thọt của anh Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt). Thế rồi chuyện đó êm đi, trên báo chí của ta cũng không hề chính thức một lần nào nói về chuyện đó và trong câu chuyện đồn thổi cũng chỉ nói có một thiếu nhi tẩm dầu xăng, chớ không hề nói tên là Lê Văn Tám. Mãi đến năm gần đây thì kịch Lê Văn Tám mới xuất hiện như một sự thật đã xảy ra. Tôi nghĩ nếu nó chỉ thuộc loại truyền thuyết hay giai thoại thì ta cũng không cần thiết phải cải chính nhưng nếu dùng làm sử liệu, viết vào lịch sử của Đảng thì rất không nên”.
Rất cảm ơn ông Nguyễn Huy vì tôi chỉ là người yêu sử, tìm hiểu lịch sử của dân tộc mình và của người ta để biết có gì hay dở, nên không có điều kiện tiếp cận kho tàng lưu trữ chuyên ngành.

Dù rằng tác giả giới thiệu bản chụp bức thư nói là của GSTHL, lưu tại Viện Sử học, hộp 29, tếp 1032, nhưng không phải là di bút của nhà sử học, mà chỉ là bản sao viết tay của người thư ký tên Lê Vũ Hiển. Đúng là thời đó chưa có máy photocopy nhưng máy đánh chữ thì đã có cả thế kỷ rồi và “gõ” một lần cũng cho ra năm ba bản. Tuy bản sao có đóng dấu mộc “Viện Sử Học” nhưng lại thiếu cái cốt yếu là chữ ký xác thực của người thủ bút (là ông THL)! Thực ra tài liệu ấy chưa có giá trị để tham khảo thì sao có giá trị pháp lý như một chứng nhân. Nhưng là người nhà, có thể châm chước vì quá trình ta đi lên từ không đến có thì không thiếu gì sự khiếm khuyết nếu cứ bới lông tìm vết.
Tuy nhiên một đoạn trích chưa tới 250 từ cũng đủ làm rõ ra mấy điều chính yếu mà tôi trình bày ra đây để bạn đọc suy xét:
1/ GSTHL viết: “Chuyện em Lê Văn Tám, tôi cho đến nay vẫn không tin có việc này, vì nó vô lý quáCâu chuyện này đồn lên chính xác vào hồi tôi làm bộ trưởng Bộ Tuyên truyền… Tôi còn nhớ một bài báo của địch lúc đó đã chế riễu chuyện này và liên hệ với đôi chân khập khiễng của tôi và cái chân thọt của anh Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt)”. Rõ ràng là câu chuyện trên ông THL chỉ biết qua các phương tiện thông tin báo, đài và dư luận chớ không do ông tự viết ra! Ông đã nói: “Ai cũng biết kho thuốc đạn của giặc bố trí cẩn mật và khoa học thế nào, vậy thì làm sao một em bé có thể xông thẳng vào đốt cháy một cách dễ dàng và đã xông thẳng vào được thì việc gì phải tự tẩm xăng vào mình thì mới đốt cháy được”, thì làm sao một sỹ phu, nhà cách mạng, nhà văn, nhà báo lão làng có thể cầm bút viết ra những dòng chữ ngây ngô như vậy?! Ông Trần Quang Huy (1922-1995) là đồng chí vong niên với ông Trần Huy Liệu (1900-1969) nhưng cũng là nhà cách mạng kỳ cựu, lúc đó lại là cán bộ quản lý cấp trên, thì sao khi trao đổi về một vấn đề rất nghiêm túc liên quan tới lịch sử của Đảng, nhà sử học không nói thẳng ra “chuyện đó do tôi (THL) sáng tác ra để phục vụ yêu cầu cách mạng lúc đó”, trong khi ông dễ dãi trải lòng ra nhiều lần với những học trò vào hàng con cháu câu chuyện mà ông thấy rằng “không cần thiết phải cải chính”?!
2/ Điều nhà sử học nói “nó vô lý quá” thì ai cũng thấy. Đến nay còn có những chứng nhân tại chỗ xác định ở khu vực Thị Nghè lúc đó có kho xăng (thực ra chỉ là trạm trung chuyển không lớn lắm của hãng dầu Shell) bảo vệ sơ sài, gần chợ Thị Nghè và kho đạn Pyrotechnicque kế bên Sở thú. Hai điểm này cách nhau con rạch chừng vài trăm mét (Báo Cựu chiến binh TPHCM số 269) bởi về nguyên tắc kho xăng và kho đạn không được để cùng một chỗ. Trong không khí căm thù sục sôi những ngày đầu cả Nam bộ kháng chiến thì “có nhiều sự kiện đốt cháy các kho xăng dầu, thuốc đạn của địch tại Sài Gòn”. Vụ cháy kho xăng xảy ra ngày 17/10/1945 sau ngày Nam bộ nổ súng kháng chiến 23/9 chưa đầy một tháng, lại do một một thiếu niên tên TÁM, người địa phương khu Đakao gần đó thực hiện. Kho xăng cháy trong đêm nhưng rất xúc động lòng người, gây tiếng vang lớn lắm (Tuần báo Văn nghệ TPHCM số 79, 297, 383). Vụ nổ kho đạn xảy ra sau đó chừng 6 tháng (ngày 8/4/1946). Đó là kho dự trữ cho cả chiến trường nam Đông Dương nên đạn nổ rần rần, tóe lửa rực trời suốt mấy ngày đêm, địch bị tổn thất rất lớn, bà con ta vô cùng phấn chấn. Tuy nhiên đó là một địa điểm trọng yếu, lại gần Tổng hành dinh tướng Le Clerc – chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương, nên được canh phòng rất cẩn mật. Tất nhiên muốn đánh kho đạn này phải có sự điều nghiên rất kỹ và hợp đồng tác chiến chặt chẽ, vậy mà ít ra cũng có ba chiến sỹ hy sinh (Hồi ký Những năm tháng không thể nào quên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp do Hữu Mai chấp bút, Hồi ký của nhà cách mạng Dương Quang Đông, Hồi ký của ký giả Nam Đình tức Nguyễn Kỳ Nam, khá trùng hợp với nhau).
3/ Ông THL viết: “Trong câu chuyện đồn thổi cũng chỉ nói có một thiếu nhi tẩm dầu xăng, chớ không hề nói tên là Lê Văn Tám. Mãi đến năm gần đây thì kịch Lê Văn Tám mới xuất hiện”. Nhà sử học có nói cái tên Lê Văn Tám là do ông đặt ra đâu? Ông Trần vào Sài Gòn từ năm 1924, làm báo và làm cách mạng. Năm 1935, ở tù Côn Đảo ra, bị chính quyền thực dân trục xuất về Bắc kỳ, cho tới lúc chết ông chưa có dịp trở lại miền Nam. Trong khi cuộc kháng chiến chống Pháp mở rộng ra cả nước, tiếp sau là cuộc kháng chiến chống Mỹ, mỗi ngày, mỗi thời kỳ xảy ra bao nhiêu là sự kiện lớn nhỏ ở khắp nơi trên cả nước, tất nhiên chỉ một số việc và người điển hình tiêu biểu được nêu gương rộng rãi trên hệ thống truyền thông, chớ sao có thể nói hoài một chuyện? Thời đầu ta chống Pháp bằng tầm vông, dao quắm, phảng, giáo, mác thậm chí là tay không giết giặc. Đến thời chống Mỹ, ta đã trưởng thành, dùng đặc công gài thủy lôi, trái nổ kết hợp với tên lửa cải tiến bắn từ xa, đánh đắm tàu chở hàng vạn tấn dầu, cho nổ cả trăm ngàn tấn đạn ở kho Thành Tuy Hạ và đánh cháy hàng trăm triệu lít xăng ở kho chứa Nhà Bè rộng mênh mông (Đặc công Rừng Sác – Lê Bá Ước), đâu cần châm mồi xăng làm ngọn đuốc.Chuyện đó êm đi chỉ đôi lần nhắc tới là vì thế.
Năm 1954, khi bộ đội Cụ Hồ về giải phóng Thủ đô, người viết bài này học lớp đầu trường PTTH Nguyễn Trãi lúc đó ở phố Hàng Bài. Khoảng năm 1955 – 1956, trường diễn vở kịch “Lửa cháy lên rồi”, người thủ vai em Tám là bạn Trịnh Xuân Chính, lúc đó học lớp Đệ thất (lớp 6 ngày nay), lớn lên là diễn viên Đoàn kịch nói TƯ, rồi được sang Ba Lan học kỹ thuật hóa trang, sau 1975 vào làm việc ở TPHCM, hẳn giới nghệ sỹ sân khấu nhiều người quen biết. Cùng thời gian ấy, vở kịch được diễn ở Hải Phòng, sau lên Hà Nội, người xem náo nức. Soạn giả, nhà thơ Phan Vũ kể: “Tôi người Hải Phòng, Vệ quốc quân Nam tiến. Những năm ở chiến trường tây Nam bộ tôi có nghe chuyện một thiếu niên Sài Gòn tên Tám, dũng cảm xông vào đốt cháy một kho xăng. Chuyện chỉ có thế nhưng cái chết của em cứ lởn vởn trong tâm não tôi. Năm 1954, tập kết ra Bắc, niềm thương nỗi nhớ miền Nam hình ảnh em bé đốt kho xăng sống dậy, tôi dồn tâm sức viết vở kịch “Lửa cháy lên rồi. Trước tiên, vở kịch đem diễn ở các trường học sinh miền Nam, thầy trò hưởng ứng sôi động lắm, sau lan rộng ra các tỉnh, không ngờ được thành công lớn, tôi cảm động lắm. Không nhớ tại sao tôi lấy họ Lê đặt cho em. Thật ra cái tên không quan trọng mà sự kiện mới là nguồn cảm hứng cho người viết. Cũng từ đó chuyện em bé LÊ VĂN TÁM đốt kho xăng lan truyền khắp nước.
Như vậy, cụm từ “NGỌN ĐUỐC SỐNG LÊ VĂN TÁMgồm có hai phần: “LÊ VĂN TÁM là danh từ riêng, trong đó TÁM là tên thật (Chứng nhân cụ thể là các ông Trần Thắng Minh, Hồ Thanh Điền, Võ Thanh Khiết – báo đã dẫn), gắn vào họ LÊ VĂN chỉ là sự ngẫu nhiên của người nghệ sỹ; và cụm từ biểu tượngNGỌN ĐUỐC SỐNG có thể do nhà sử học THL đặt ra bởi nó hợp với ngữ cảnh mà ông Phan Huy Lê đã trần tình: Trên cơ sở sự kiện có thật và cả dư luận về hình ảnh người chiến sỹ tẩm xăng thời đó, Gs Trần Huy Liệu tạo dựng nên biểu tượng “ngọn đuốc sống” gắn với tên tuổi thiếu niên Lê Văn Tám nhằm động viên tinh thần chiến đấu của quân dân trong những năm đánh Mỹ; hoặc do một cán bộ tuyên huấn nào đó sáng tác ra. Muốn xác minh điều này không khó nếu để công sưu tra thời điểm cụm từ này xuất hiện trên các văn bản truyền thông chính thống của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
4/ Cuộc kháng chiến trường kỳ chống xâm lược phương tây của dân tộc ta được cả nhân loại coi như một cuộc “chiến tranh thần thánh”. Truyền thống yêu nước quật cường là gốc rễ nuôi dưỡng sức mạnh thần thánh ấy. Đảng Cộng sản Việt Nam phát động, bền bỉ đứng mũi chịu sào suốt cuộc đấu tranh, tổ chức đoàn kết toàn dân, nhân lên và phát huy tinh thần xả thân vì nghĩa lớn. Lịch sử Đảng ghi nhận những sự kiện và những con người liên quan đến sự khai sinh và phát triển của Đảng. Còn biết bao con người trong giây phút làm nên lịch sử và cái chết của họ hóa thành bất tử: Lý Tự Trọng, Kym Đồng, Lê Văn Tám, Võ Thị Sáu, Nguyễn Viết Xuân, Nguyễn Thái Bình… dù là danh thật hay không thật, kể cả những người nằm xuống âm thầm lặng lẽ chỉ để lại truyền thuyết thì tên tuổi, chiến tích anh hùng của họ đều đáng được tôn vinh tại nơi họ ghi dấu ấn.
Là nhà cách mạng từng trải, trong bối cảnh xã hội lúc bấy giờ, ông THL đặt vấn đề với tổ chức: không cần thiết phải cải chính nhưng nếu dùng làm sử liệu, viết vào lịch sử của Đảng thì rất không nên, là rất tế nhị, chí lý, chí tình và rất có trách nhiệm trên cương vị một nhà sử học chân chính.

Cuối bài, ông Nguyễn Huy viết: “Vụ đốt kho đạn là có thật. Thiếu niên đốt kho đạn là có thật. Nhưng người mang tên Lê Văn Tám là không có thật, đó là tên do GSTHL đặt ra (?)… Chỉ có biểu tượng Lê Văn Tám, không có anh hùng mang tên Lê Văn Tám (!)”.
Xin thưa, người đọc sử nên tin vào chứng cứ lịch sử lưu trên văn bản cụ thể, hay tin vào những lời nói hoắng “khẩu thiệt vô bằng” không thuyết phục được ai?
Nhà thơ Phan Vũ, soạn giả vở kịch “Lửa cháy lên rồi” đưa tên tuổi LÊ VĂN TÁM khắc dấu son vào lòng bao thế hệ, kể: “Năm 1982, xưởng phim Nguyễn Đình Chiểu TPHCM dựng bộ phim “Ngọn lửa thành đồng” dựa trên kịch bản của tôi do anh Lê Mộng Hoàng đạo diễn. Tổ chức Đoàn thanh niên có bàn với tôi lập hồ sơ truy phong anh hùng cho Lê Văn Tám nhưng tôi không biết gì hơn những điều tôi đã viết về con người ấy”. Đồng đội của dũng sỹ đã hết lòng tìm tung tích nhưng bản “báo công” của anh vẫn còn là tờ giấy trắng và đã có ai dám nhận vơ đâu?! Cho đến nay trong danh sách anh hùng thời kỳ kháng chiến 1945 – 1975 không có tên LÊ VĂN TÁM, dù hành động ấy rất anh hùng. GS.Trần Văn Giàu – nhà cách mạng, sử gia, người anh hùng chính danh và cũng là chứng nhân nhiều sự kiện quan trọng ở Nam Bộ trong thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp, nhưng vào thời điểm xảy ra sự kiện thì ông được triệu ra Hà Nội. Thực tế thì đánh một trạm xăng, một đồn bót… là nhiệm của đơn vị trực tiếp cụ thể, thậm chí có thể là tự phát, đúng như lời ông nói: “…Không có, tôi không có chỉ huy… Nhưng mà theo tôi thì trận đánh đó là có thực phải không?... Tôi nghĩ rằng ta đánh giá không hết lòng yêu nước nồng nàn, dám làm việc lớn của thanh niên và cán bộ lúc bấy giờ. Cái chuyện đó không thể nói là không có. Nhưng nó có ở đâu, có như thế nào mới là cái khó cắt nghĩa. Khó cắt nghĩa lắm. Người viết sử phải ghi nhận lòng yêu nước nồng nàn ở trong lòng người Việt Nam, mà có khi không biết là ai làm. Khi gặp được cơ hội, làm được việc gì, gặp cơ hội đánh được bọn thực dân xâm lăng thì không bao giờ từ chối, không việc gì không dám làm… Không có Lê Văn Tám làm chuyện đó thì có người khác làm chuyện đó”. Đòi hỏi phảitìm ra sự thật, xác minh sự thật là một nguyên tắc cao cả thuộc về phẩm chất và chức năng của nhà sử học(PHL), thì cũng cần hiểu rằng cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc ta là một cuộc chiến tranh toàn dân, đâu cũng là chiến trường, mỗi người dân là một chiến sỹ, tay không cũng thành vũ khí. Ngay giữa thành phố Sài Gòn, sớm mai, một tên đại tá vào tiệm hớt tóc. Lựa lúc vắng người, kẻ xâm lược nhắm mắt mơ màng, tiện con dao hành nghề, anh thợ cạo xiến ngang cổ thằng giặc rồi biến đi luôn! Một buổi đầu hôm, người ta tình cờ phát hiện tên Việt gian chỉ điểm chết gục ở góc đường với một bóng hồng thoáng qua! Ở vùng quê nọ, một tên sếp bốt ác như quỷ sứ bỗng lôi ở đâu một cô gái xinh xẻo dịu dàng về làm vợ; trước những con mắt giận dữ khinh thị của người bản xứ cặp đôi coi họ chẳng phải giống người. Rồi một đêm phát ra tiếng nổ long trời, sáng ra người qua nghe vọng ra vài tiếng kêu rên thảm thiết từ khu đồn đổ nát tan hoang; chẳng biết phận hồng nhan phiêu dạt nơi nào! Giới chức đương quyền bó tay đã đành mà “phía bên kia” cũng không biết ai làm chuyện đó, tin tức trên các phương tiện truyền thông đều phỏng đoán khoa trương. Những chuyện như thế, nhà sử học ghi chép thế nào? Vô vàn chuyện như thần như thánh ấy xảy ra không ít ở khắp nơi trên đất nước này, khiến quân giặc ăn không ngon, ngủ không yên, phát điên lên và nhận ra Việt Nam không là chốn dung thân của quân xâm lược.
Dẫn chứng sử học cần được xem xét cẩn trọng và giải trình trung thực. Giấy trắng mực đen rành rành mà người ta vẫn làm xiên xẹo đi huống chi lịch sử vốn không thiếu điều mơ hồ rối rắm. Dù sao thì ngọn lửa của anh hùng mang biểu danh LÊ VĂN TÁM đã thành bất tử, biểu tượng thiêng liêng” của tuổi trẻ yêu nước Việt Nam. Sự thật lịch sử được bảo vệ. Và chuyện này chấm dứt được rồi.
Chí sỹ Lương Văn Can để lại lời nhắn nhủ cho đời: “Bảo quốc túy – Tuyết quốc sỷ”. Rửa sạch nỗi nhục mất nước, thế hệ hôm nay đang được hưởng. Giữ gìn cái tinh túy là bản sắc dân tộc, là hồn của giống nòi, điều tiên quyết là đất nước phải thanh bình, lòng người ổn định, nhân dân bốn cõi đồng tâm hiệp lực thì mới mong có được một đất nước phát triển, văn minh, tiến bộ bằng người.  

Thành phố Hồ Chí Minh ngày 25 tháng 01 năm 2018.