Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2018

ĐƯỜNG VỀ NHÀ


ĐÔNG LA
ĐƯỜNG VỀ NHÀ

Lần thứ hai tôi sang Mỹ; lần trước mục đích chủ yếu là du lịch, là khách; còn lần này là chuyện sinh hoạt gia đình nên tôi và bà xã đã và đang thực sự trải nghiệm một “cuộc sống Mỹ” bên con cái. Tất nhiên luôn nhớ rất nhiều về VN, nhớ con cháu, bạn bè và đặc biệt căn nhà của tôi ở Sài Gòn hiện chỉ có con mèo sinh sống. Tôi phải nhờ người thân chăm sóc nó và vợ chồng cô con gái phải hàng tuần về thăm nhà.
         Ngẫm lại thấy cuộc đời tôi thật quá kỳ lạ, tôi cứ định một đằng thì số phận lại sắp sếp một nẻo. Thuở nhỏ tôi chỉ mơ mình thành nhà phát minh khoa học nhưng rồi lại thành nhà văn. Và không bao giờ tôi nghĩ có ngày mình đi Mỹ nhưng bây giờ tôi cũng đang toòng teng trên chiếc võng viết, y như ở VN, nhưng trên đất Mỹ.
Sau giải phóng tôi vào học đại học ở SG, về quê tôi bất ngờ gặp lại và đã yêu một cô bé cùng xóm vì cô không bé như xưa nữa mà đã trở thành một thiếu nữ xinh xinh. Tôi đã quyết chí xin về Hà Nội học nhưng không được và tình duyên với cô gái cùng xóm cũng không thành. Rồi từ cơ duyên văn chương, tôi đã gặp người sau đó sẽ thành bà xã tôi tại nhà Nhà thơ Anh Thơ, điểm tập kết để lên xe đến dự đám cưới của một người bạn tổ chức ở cơ quan. Lúc đó tôi đang náo nức thập thò trước ngưỡng cửa của đền đài văn chương nên tôi thấy một người gương mặt có nét hay hay nên đã làm một bài thơ tặng. Chỉ vậy thôi mà đã nên vợ nên chồng, sinh con đẻ cái dù rằng khi gặp lại “người ấy” tại nhà riêng tôi thấy có quá nhiều khác biệt. Nhà có hai người chú đi “học tập cải tạo”, đặc biệt một là cha tuyên uý; còn ba từng là một ông chủ nhà máy xay xát lúa gạo thì về quê trồng khoai mì. Tôi cũng băn khoăn rất nhiều nhưng không như anh bạn tôi là đảng viên yêu một cô dược sĩ cùng phòng “có Đạo”, nhưng khi cưới, cô dâu lại là người khác, cũng là một đảng viên; tôi coi trọng tình cảm hơn chuyện “phấn đấu”. Với “đối tượng” của tôi không chỉ là chuyện tình yêu mà còn lớn hơn nữa, đó là tình người. Đến nhà, tôi thấy có một không khí thật là ảm đạm vây quanh người mà tôi từng viết tặng những vần thơ lung linh này:
         Có phải em như một vì sao khuya?
         Rải chi chít những hạt vàng óng ánh
         Anh là một ngọn cỏ dưới gốc cây giá lạnh
         Có thấy không sao ở nơi chín tầng Trời?
         Tôi bỗng thấy mình như có một sứ mệnh phải giải phóng một người khỏi cái vỏ ốc mà cái phần lịch sử đau thương của đất nước đã tạo ra. Thế là một đám cưới đã diễn ra.
Gần đây, sau mấy chục năm, bà xã tôi tâm sự:
         -Ông Hùng ơi, ông có biết tại sao ngày ấy cả nhà tôi phản đối nhưng tôi vẫn quyết lấy ông không? Ngày trước kỹ sư ở SG là ghê lắm, ông lại làm ở viện nghiên cứu chắc phải giỏi, nên tôi nghĩ sau này ông nhất định sẽ làm ra tiền nuôi vợ con!
         Thật hú vía ở chỗ ngày gặp bà ấy tôi toàn nghĩ chuyện trên Trời chứ không nghĩ chuyện dưới đất, tôi luôn muốn mình trở thành một người tài giỏi chứ không bao giờ nghĩ đến chuyện làm tiền! Thật may mắn, chắc Chúa của bà ấy đã đáp lời cầu nguyện của bà ấy, số phận đưa đẩy đã biến tôi thành một ông chủ, tự chế ra sản phẩm, bán lấy tiền. Không thành đại gia vì cái nghiệp chữ nghĩa giằng kéo nhưng cũng có tiền nuôi vợ con, xây nhà dựng cửa, đúng như “tính toán” của bà ấy.
         Còn chuyện đi Mỹ, con trai tôi đã thi đậu và học 2 năm CNTT ở ĐH Bách khoa TPHCM, tôi đâu tính chuyện phí tiền du học. Nhưng rồi cô em bên Mỹ nhớ thương bà chị quá cứ muốn bảo lãnh, tôi bảo:
         -Bảo lãnh cả nhà nhiều rắc rối lắm, thằng Huy nó đang học đại học đấy, hay dì cho nó sang đó học đi, sau này nếu nó thành công thì chúng tôi sẽ sang chơi là hay nhất.
         Thế là “OK”, là thành như bây giờ và tôi và bà xã đang ở trong cái trạng thái mà người ta thường hỏi “sống ở VN và Mỹ nơi nào sướng hơn?” Tôi xin trả lời ngay là: “Tuỳ người. Ở nơi nào người ta thành đạt hơn và phù hợp hơn thì sướng hơn”. Riêng tôi thì ở VN sướng hơn, con trai tôi thì nó thấy ở Mỹ phù hợp hơn, còn sướng thì ở VN nó cũng từng rất sướng”.
         ***
         Sướng hay khổ ở Mỹ tuỳ thuộc vào sự thích ứng được với cuộc sống Mỹ, tuổi trẻ dễ thích ứng hơn, tuổi càng lớn càng khó thích ứng. Khổ nhất là con người có thói quen, có tình cảm, có kỷ niệm, càng lớn tuổi càng bị níu kéo nhiều bởi những điều ấy. Nên vợ chồng tôi sang Mỹ được con, em chăm lo chu đáo nhưng vẫn khổ vì nhớ đủ thứ.
Vì vậy mà tôi biết những “chiến sĩ rân trủ” bị đuổi khỏi VN sang Mỹ khốn khổ đến mức nào. Tuổi lớn dù biết nhiều tiếng Anh nhưng vẫn rất khó giao tiếp bằng tiếng Anh; nước Mỹ rất rộng, đi đâu cũng rất xa  nên phải đi bằng xe hơi. Vậy phải có tiền mua xe, biết lái xe, thông thuộc đường xá, tất cả đều là những bài toán rất khó giải với những người mới nhập cư. Còn về “chính trị” “chính em”, còn ở VN người ta cần mình như cái loa quấy rối, sang Mỹ vô tích sự chắc chắn bị khinh rẻ. Ở VN cùng hội cùng thuyền coi nhau như ruột thịt, sang Mỹ phải giành giật lẫn nhau nên quay ra “cắn” nhau, chuyện giữa Hải “Điếu cày” và Tạ Phong Tần đang là chuyện “hot”. Vì vậy vừa phải thích ứng, vừa phải kiếm sống, vừa bị khinh rẻ, lại “cắn” lẫn nhau, đường về nhà lại bị chặn, thật không gì khổ nhục hơn.
         Vậy mà ở VN lại đang có “mốt” “vượt biên hợp pháp” bằng cách phạm pháp chống phá thể chế VN, thật ngốc nghếch biết bao!
         Los Angeles
         23-3-2018
         ĐÔNG LA