ĐÔNG LA
NGÀY 30 – 4 TRÊN ĐẤT MỸ
Ngày
30-4 của tôi năm nay bình lặng trôi qua như một ngày bình thường trong một lớp
học tiếng Anh tại một trường nhỏ hình như dành riêng cho người nước ngoài tại một
vùng phụ cận Los Angeles. Vì việc riêng của gia đình phụ thuộc vào ông con,
chưa định được thời gian, nên tôi thấy cách “giết” thời gian tốt nhất là đến một lớp học tiếng Anh để tôi bổ sung cái
mình còn thiếu nhất, đó là thực hành giao tiếp bằng tiếng Anh với người Mỹ.
Ngày
30-4, không phải ở “Little Sài Gòn”, nên không có không khí thù
hận, và tất nhiên cũng không thể có không khí chào mừng, kỷ niệm như ở trong nước.
Lớp thanh niên người Việt ở Mỹ lứa con tôi hầu hết không quan tâm chuyện quá khứ
vì phải lo học hành, kiếm cơm và thụ hưởng tuổi trẻ; ngược lại, những người Việt “tị nạn”, từng vượt biên thì cũng hầu hết không quên chuyện quá khứ và còn mang nặng
lòng thù hận. Ấn tượng về Việt Nam sâu đậm nhất trong đầu họ là những ngày xưa đói
khổ từng khiến họ bất chấp hiểm nguy để vượt
biên, còn ấn tượng về Việt Nam trong những ngày hôm nay thì cũng chẳng khá hơn
vì họ chỉ có được thông tin từ những trang chống phá Việt Nam. Với họ, VN bây
giờ toàn những chuyện như thực phẩm bẩn,
mất tự do trong chế độ độc tài, xã hội thối nát do tham nhũng, v.v...
Tiếc là mọi chuyện đều có phần đúng, có điều
không phải tất cả là như thế. Nếu họ được chứng kiến cuộc sống ở Việt Nam như
tôi, có tư duy khách quan như tôi, sẽ thấy được một tổng thể mà trong đó cái phần
tốt đẹp phải lớn hơn nhiều cái phần xấu xa, vì thế Việt Nam mới có thể ổn định,
phát triển và có vị thế trên trường quốc tế như hôm nay. Lần trước khi thấy tôi
mua vé về VN, họ đã rất ngạc nhiên, bởi họ từng sẵn sàng đổi cả mạng sống của
mình để được đến Mỹ, còn vợ chồng tôi thì được mời mọc, đón rước, sao lại quay
về? Chỉ tại họ quá cố chấp vào thù hận nên không hiểu là tôi thích về VN vì ở
VN tôi có cuộc sống sướng hơn ở Mỹ, và tuy không phải là quan chức, dù tiền bạc
tôi có ít hơn nhiều người ở Mỹ, nhưng tôi vẫn có cuộc sống sướng hơn so với nhiều
người Việt ở Mỹ. Đơn giản là vì vợ chồng tôi đã “ăn chơi” từ lâu, còn ở Mỹ, ở tuổi tôi còn phải “đi cày như trâu” là chuyện bình thường.
Nói riêng thì vậy còn nói chung, dù ở VN hay
Mỹ, xã hội nào cũng có mặt tốt và còn những
cái xấu, ở đâu cũng có cái sướng, cái khổ và sướng khổ tuỳ thuộc vào hoàn cảnh,
vào chuyện người ta có thích ứng và sử dụng được khả năng của mình hay không?
Như thằng con tôi, với chi phí du học thì về VN với đồng lương như ở VN, sẽ
không bao giờ có thể kiếm đủ số tiền đã chi. Vì vậy, như một nghịch lý, ở VN
tôi sướng hơn nhưng hôm nay tôi lại đang ở đây.
Sự thật
là vậy, nhưng vì thành kiến, vì đố kỵ, vì cái sĩ diện của lớp người đã sinh ra
trong cái thời mà xã hội VN còn nặng tính phong kiến tiểu nông, khiến họ không
bao giờ nhìn ra sự thật, chấp nhận sự thật. Chỉ có vô cùng ít người như GS Vật lý Trần Chung Ngọc, người cũng từng là sỹ quan VNCH, từng
được đào tạo và giảng dậy tại trường đại học Mỹ, từng tâm sự rằng, dù ở bên
phía bại trận, nhưng chỉ có ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ và ngày 30-4-1975, mới
có thể làm ông tự hào là người VN mỗi khi đứng trước những người ngoại quốc.
Nhân
dịp 30-4, để góp phần tìm hiểu cụ thể hơn vô vàn những nguyên nhân dẫn tới chiến
thắng, tôi xin trích đăng lại vài ý bài “Gặp điệp viên Việt Cộng từng vào Nhà Trắng nước Mỹ” của Dương Linh viết về nhà tình
báo Đinh Văn Đệ.
Với
tác giả Dương Linh tôi cũng có một kỷ niệm vui. Một hôm Nhà văn Vũ Hạnh gọi điện
bảo ông Dương Linh, một kịch tác gia, vì thích đọc tôi viết nên muốn gặp tôi
trò chuyện bằng cách chiêu đãi tôi một bữa tại một quán ăn. Hôm đó thật cảm động,
vì tôi nghe nhầm Phan Xích Long thành Nơ Trang Long nên tôi đã đến chỗ hẹn muộn
gần cả tiếng. Đến nơi tôi thấy hai ông, Vũ Hạnh 89 tuổi, Dương Linh 85 tuổi, vẫn kiên trì ngồi uống nước
đợi tôi đến. Không phải ngay trong bữa ăn đó mà sau đó tôi đã nhớ hồi mới có
blog, tôi đã đăng một bài của Dương Linh. Không biết có phải là Dương Linh, “fan” đó của tôi không, nhưng qua cuộc trò chuyện trong bữa ăn, tôi đoán hai cái
tên là của một người.
Hiện
tại ngành tình báo có “vài con sâu” đang “làm rầu nồi canh”, dù vậy và dù có thế nào
thì lịch sử anh hùng của ngành tình báo sẽ mãi mãi ngời sáng.
Qua
bài của Dương Ninh, nhà tình báo Đinh Văn Đệ sinh năm 1924, tại xã Long Thuận,
H. Tân Châu, tỉnh Châu Đốc, nay thuộc H. Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Ông đã tốt
nghiệp Trường Võ bị Thủ Đức và ĐH Quân sự Đà Lạt. Từng làm Chánh Văn phòng của
Tổng Tham mưu trưởng (1954-1961). Sau 1963, ông giữ chức tỉnh trưởng Tuyên Đức,
kiêm thị trưởng Đà Lạt. 1964-1967, ông giữ chức tỉnh trưởng Bình Thuận (Phan
Thiết). Những ngày cuối cùng của chế độ miền Nam, ông giữ vai trò Chủ tịch
Ủy ban Quốc phòng Hạ viện. Tại sao một người thành đạt gần như tột cùng ở một
chế độ mà đến giờ không ít người còn cho là “chính nghĩa” lại làm tình báo cho
“việt cộng”, cái việc mà chỉ sơ suất một tí ti thôi là tù tội, là mất mạng như
chơi?
3-5-2018
ĐÔNG
LA
Gặp điệp viên Việt Cộng từng vào
Nhà Trắng nước Mỹ
Dương Linh
… Đinh
Văn Đệ sinh năm 1924 (Giáp Tý) tại xã Long Thuận - xã anh hùng, trước thuộc huyện
Tân Châu, tỉnh Châu Đốc, nay thuộc huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, cũng tại quê
hương Long Thuận này đã sản sinh ra nhiều nhà tình báo…
… sau khi đắn đo suy nghĩ cân nhắc, anh đồng ý kể lại chuyện hoạt động
của mình trong giai đoạn cuối cuộc chiến tranh trong vỏ bọc là “Chủ tịch Uỷ ban
Quốc phòng của Hạ Viện Việt Nam Cộng Hoà”…
… Xin viện trợ để Mỹ cắt viện trợ
Chuyện tham gia phái đoàn sang Mỹ không phải xin viện trợ bình thường mà chính
là xin “viện trợ khẩn cấp”. Anh giải thích - số là sau khi tan vỡ mặt trận Tây
Nguyên phải bỏ Pleiku, Đà Nẵng, tình hình quân VNCH rất nguy kịch. Tất cả đều
trông chờ vào viện trợ Mỹ để cứu vãn. Thiệu vẫn ngoan cố không chịu từ chức,
còn Nguyễn Cao Kỳ vẫn hung hăng thề tử thủ, đại sứ Mỹ ở Sài Gòn Martin thì hối
thúc viện trợ. Chính trường bên Mỹ rất hoang mang không biết nên tiếp tục hay bỏ
cuộc chiến. Chính trong tình thế đó, Sài Gòn quyết định cử phái đoàn Quốc hội
sang Mỹ để vận động xin viện trợ khẩn cấp để cứu nguy.
Tôi là Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ Viện, đương nhiên phải tham gia phái đoàn.
Theo chương trình, khi sang Mỹ các Nghị sĩ sẽ chia nhau làm việc và vận động
“hành lang” với các cơ quan và chính khách Mỹ. Trước khi đi, tôi suy nghĩ mãi
làm cách nào để vận động xin viện trợ mà kết quả lại để Mỹ “cắt viện trợ”. Quả
là một công việc hết sức khó, nhưng phải làm bằng được.
Nhà Trắng của Mỹ
Khi sang Mỹ mỗi đại biểu đều có nhân viên Đại sứ quán Việt Nam Cộng Hoà bên đó
đi kèm, hớ hênh là bại lộ hay đẩy chiều hướng trái ý đồ của mình. Chính kiến thức
quân sự của tôi học của Mỹ đã giúp tôi chọn cách lấy chính sự thật đang diễn ra
trên chiến trường Việt Nam, hướng cho Mỹ thấy chính tình thế không thể cứu vãn
được là cách thuyết phục tốt nhất để Mỹ bỏ cuộc mà mình bề ngoài vẫn tỏ ra tha
thiết yêu cầu viện trợ khẩn cấp để cứu nguy.
Với cái chiêu “nói vậy mà không phải vậy”, làm cho các đại biểu trong Đoàn thấy
tôi là người tận tụy yêu cầu tha thiết nhất xin viện trợ khẩn cấp để cứu chế độ
Sài Gòn khỏi sụp đổ. Chính sự thông tin về chiến trường của tôi – qua cách tư
duy của người Mỹ - khiến họ nản chí muốn bỏ cuộc. Tôi đưa ra hình ảnh những người
lính Cộng Hòa níu càng máy bay trực thăng để trốn chạy khỏi chiến trường thì
người Mỹ hiểu ngay họ phải làm gì.
Qua các cuộc vận động hành lang rồi tiếp đến là phái đoàn được Tổng thống Mỹ G.
Ford mời đến gặp ở Nhà Trắng. Đây chính là phiên họp quan trọng nhất quyết định
sự thành bại của chuyến đi. Mỗi đại biểu đều nói – trong đó có tôi – Tổng thống
Mỹ đều lắng nghe hết, cuối cùng ông kết luận: “Thôi các vị cứ yên tâm về đi.
Tôi sẽ cử một vị tướng qua thị sát tình hình rồi sẽ quyết định sau”. Nghe Tổng
thống Mỹ nói như vậy, tôi hiểu ngay là Mỹ sẽ bỏ cuộc… và như vậy là tôi đã hoàn
thành nhiệm vụ. Ngay sau đó, một vị tướng được cử sang Sài Gòn với rất đông các
quan chức chuyên viên Mỹ tháp tùng… để rồi cắt viện trợ. Và những gì xảy ra sau
đó thì chúng ta đã biết cả rồi.
***
Đã gần 34 năm trôi qua sau chiến thắng lịch sử Mùa Xuân 1975, giải phóng miền
Nam, thống nhất đất nước, cũng như bao chiến sĩ Tình báo quân sự khác – những
anh hùng trong mặt trận thầm lặng – Đinh Văn Đệ trở về cuộc sống một công dân
bình thường cùng gia đình phụng sự Đạo như bao giáo sĩ Cao Đài khác. Anh không
đòi hỏi sự đãi ngộ của cấp trên đối với những thành tích mà anh đã cống hiến bằng
sức lực, trí tuệ cho ngành, cho cách mạng trong suốt quá trình hoạt động bí mật.
Anh coi đó là phần đóng góp nhỏ nhoi của mình vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc,
làm tròn nhiệm vụ của người chiến sĩ vô danh. Anh không được may mắn như các đồng
chí Tình báo chiến lược khác như Phạm Ngọc Thảo, Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ và một
số đồng đội khác – còn sống hay đã hy sinh – được Đảng và Nhà nước thưởng công
lao một cách trang trọng… Trong thâm tâm anh thông cảm và chia sẻ niềm vui với
họ…
Dương Linh,
(Theo honvietquochoc.com.vn,
ngày 28/5/09)