ĐÔNG LA
GẶP GỠ BẠN VĂN VÀ NHỮNG KỶ
NIỆM
Sáng
nay đi dự buổi lễ tổng kết và buổi liên hoan cuối năm của Hội Nhà Văn TPHCM tại
trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM, 81 Trần Quốc Thảo,
nơi có quá nhiều kỷ niệm với tôi. Trước kia nó là một biệt thự xây từ Pháp với
khuôn viên rất rộng, phía góc trái là một quán bình dân mà hầu hết văn nghệ sĩ ở
TPHCM ít nhiều đều đến; còn tôi có thời thường xuyên có mặt cùng Nhà thơ Hoài
Anh. Anh là người mà Nhà thơ Anh Thơ đã viết thư giới thiệu tôi nhờ anh gởi
đăng cho tôi bài thơ đầu tiên trên báo Văn nghệ TPHCM. Tại đây, 1986, tôi được
lên bục nhận giải thưởng cuộc thi thơ của HNV TPHCM do chính Chế Lan Viên “phát
hiện” và đề nghị trao giải, hai năm sau, khi tôi in cuốn văn xuôi thiếu nhi “Những
dấu vết không phai”, chính Chế Lan Viên bảo tôi đến nhờ Nhà thơ Chim Trắng cùng
ông đứng tên giới thiệu tôi vào Hội Nhà Văn TPHCM với tư cách là người viết văn
xuôi. Đến hôm nay cả bốn người từng phát hiện, khuyến khích, ưu ái, nâng đỡ tôi
đi vào con đường văn chương đều đã mất. Như vậy, với HNV thành phố HCM, tôi thuộc
diện lão làng, dù có rất nhiều người lớn tuổi hơn tôi vào Hội sau tôi nhiều năm.
Hồi ấy, dù là một hội cấp thành phố nhưng là thành phố trung tâm phương Nam nên
hội có rất nhiều hội viên nổi tiếng, mỗi lần hội họp, tôi đúng như một đứa trẻ dự
họp cùng với những tên tuổi lừng danh mà hồi tôi đi học phải học văn thơ của họ,
như Chế Lan Viên, Nguyễn Khải, Nguyễn
Quang Sáng, Anh Đức, Thu Bồn, v.v…
Sáng nay, phần họp, sau khi nghe Nhà Văn Trần Văn Tuấn, Chủ
tịch Hội đọc báo cáo tổng kết, đến lễ trao giải thưởng và phần cuối là kết nạp
hội viên mới, trong đó có một bạn làm thơ mới làm quen với tôi và một lần chúng
tôi đã gặp nhau là Bình Địa Mộc. Họp xong tất nhiên vui hơn là phần gặp gỡ bạn
bè thân quen và liên hoan. Tôi rất vui là được gặp Nhà thơ Nguyễn Ngọc Thu, người
cùng làng Đông La với tôi, gặp lại Nhà thơ Nguyễn Thái Sơn từng có giai đoạn
cùng tôi đến với Chế Lan Viên khi ông bị bệnh rồi mất, gặp lại lão Nhà thơ đã
89 tuổi, rất quý mến tôi, Nguyễn Huy Dung, một GSTS Y khoa, em ruột hai nhân vật
lịch sử, anh hùng liệt sĩ: Nguyễn Thị Minh Khai và Nguyễn Thị Quang Thái. Nguyễn
Thị Minh Khai là vợ cố TBT Lê Hồng Phong; Nguyễn Thị Quang Thái là vợ đầu của Đại
tướng Võ Nguyên Giáp, người mà theo chính cố TBT Lê Duẩn, trong một phiên toà của
Thực dân Pháp, bà đã có một hành động cứu thoát ông. Tôi cũng gặp Nhà Văn BS
Nguyễn Văn Thịnh, đã 79 tuổi nhưng là một cây bút chính luận sung sức, hàng đầu
hiện nay; và Đại tá Nhà Văn Đỗ Viết Nghiệm từng là đại diện phía Nam của Tạp
chí Văn nghệ QĐ, nơi một thời tôi đến chơi thường xuyên, và bây giờ anh cũng là
người thường xuyên theo dõi từng bước cuộc chiến chữ nghĩa của tôi. Tôi cũng gặp
lại vài bạn trẻ như Lê Thiếu Nhơn và Nguyễn Tý, bất ngờ khi Nguyễn Tý tâm sự,
“Hồi em là sinh viên khoa Văn đã mua tập thơ “Đêm thiêng” của anh và còn giữ đến
hôm nay”. Đặc biệt, tôi cũng trông thấy Nhà Thơ Hoài Vũ, đã 84 tuổi nhưng vẫn
khoẻ mạnh, ông là tác giả thơ những ca khúc rất nổi tiếng như: Vàm Cỏ Đông,
Chia Tay hoàng hôn, Anh ở đầu sông em cuối sông, Đi trong hương tràm…
Thời gian cứ trôi đi, nhiều người đã mất, nhiều người đã
thay đổi, nhưng những giá trị văn chương đích thực sẽ còn mãi. Có điều để bảo vệ được những giá trị đích thực của văn chương, của lịch sử, của đạo lý cũng cần phải
có cả một cuộc chiến chữ nghĩa.
22-1-2019
ĐÔNG
LA