Thứ Hai, 7 tháng 1, 2019

VỀ LÁ THƯ CỦA NGUYỄN QUANG A GỞI NGÀI TỔNG THƯ KÝ LIÊN HIỆP QUỐC


ĐÔNG LA
VỀ LÁ THƯ CỦA NGUYỄN QUANG A
GỞI NGÀI TỔNG THƯ KÝ LIÊN HIỆP QUỐC

Cách đây vài ngày trên mạng lan truyền một bản của Nguyễn Quang A: “Thư gửi Ngài António Guiterres Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (Letter to The Honorable António Guiterres, Secretary-General of The United Nations). Nội dung cụ thể như sau:
"Hà Nội, ngày 1 tháng 1 năm 2019
Kính gửi Ngài António Guiterres
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc
405 East 42nd Street
New York, NY 10017
Thưa Ngài,
Nhân kỷ niệm 100 năm bản Yêu sách của người dân Annam (tháng 6/1919) – tài liệu được soạn bởi một nhóm người Việt Nam yêu nước, ký tên Nguyễn Ái Quấc và gửi tới Hội nghị Versailles của những nước thắng trận trong Thế chiến Thứ Nhất, họp ở Paris nước Pháp – chúng tôi chân thành đề nghị Ngài giúp cho Yêu sách 2019 đính kèm của chúng tôi được sự chú ý của các thành viên Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.
Thưa Ngài,
Ngài có thể hỏi vì sao người Việt Nam, sau khi đã giành được độc lập và thống nhất hoàn toàn vào năm 1975, giờ đây lại yêu cầu thế giới biết đến kiến nghị và khát vọng từ 100 năm trước của mình? Một kiến nghị có thể bị lu mờ vì Bản Yêu sách chưa bao giờ có cơ may được đưa đến tay Tổng thống Woodrow Wilson.
Câu trả lời là Bản Yêu sách 8 điểm chưa bao giờ được thực thi dưới chế độ Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam với danh nghĩa độc lập và thống nhất, một chế độ tìm cách dập tắt tiếng nói của mọi người bất đồng, nhiều người trong số đó đã bị biến thành tù nhân lương tâm. Vì thế, chúng tôi đề nghị Ngài hướng dẫn và giúp đỡ công bố rộng rãi bản Yêu sách này – tiếng kêu xé lòng của người dân Việt Nam. (Cho đến hôm nay, ngày 1 tháng 1 năm 2019, bản Yêu sách đã được 22 tổ chức và hơn 1600 cá nhân ký tên hưởng ứng).
Trong khi trông đợi vào hảo tâm và sự đáp ứng công chính của Ngài, chúng tôi xin Ngài nhận ở đây lòng biết ơn và cảm kích sâu xa, chân thành nhất.
Kính thư,
Nguyễn Quang A
Thay mặt một số tổ chức và cá nhân đại diện cho những người khởi xướng và hưởng ứng bản Yêu sách".
***
Viết lá thư trên Nguyễn Quang A chứng tỏ mình quá dốt về lịch sử, không, nói ông ta quá dốt về nhận thức như bị thiểu năng trí não thì đúng hơn, vì ông ta không còn biết phân biệt đúng sai, phải trái, chính nghĩa, phi nghĩa.
Bản “Yêu sách” mà Nguyễn Quang A nhắc tới ở lá thư trên chính là văn bản mà Bác Hồ cùng các chí sĩ yêu nước đã cất lên tiếng nói chính nghĩa của một dân tộc đã bị Thực dân Pháp xâm chiếm, dân ta đã bị mất nước, nó hoàn toàn khác với việc Nguyễn Quang A đòi tự do cho việc nói bậy, quấy rối, làm càn của những kẻ bất hảo, chống phá đất nước.  Thực tế những người như Nguyễn Quang A đã chống lại Hiến pháp Việt Nam, chống lại thể chế Việt Nam, chống lại sự ổn định và phát triển của xã hội Việt Nam, chống lại cuộc sống thanh bình của nhân dân, tất cả đều là những hành động phạm pháp. So với lịch sử, hành động gởi thư như Nguyễn Quang A ở trên đã làm cho ông ta giống y như những nhân vật mà để chống lại triều đình đương thời, thực hiện tham vọng giành quyền lực, đã để lại ô danh lưu truyền muôn đời trong hậu thế, như Trần Ích Tắc Nhà Trần, Lê Chiêu Thống Nhà Lê, Nguyễn Ánh Nhà Nguyễn, v.v… Họ cũng từng có những hành động cầu viện ngoại bang, rước voi về giày mả tổ như Nguyễn Quang A làm trong những ngày hôm nay.
***
Với quy mô một nước , dù là một xã hội phát triển nhất như Mỹ, Đức, Anh, Pháp, v.v… thì vẫn luôn có những điều bất công, sai trái và tệ nạn. “Bạo động áo vàng” đang diễn ra trên nước Pháp, tỷ lệ ủng hộ thấp của dân Mỹ đối với những lãnh đạo của họ ngay trong những ngày hôm nay là những dẫn chứng sống động nhất. Vì vậy, với một xã hội còn đang phát triển như Việt Nam, trình độ còn yếu kém nhiều mặt, tất vẫn còn nhiều chuyện không tốt, trong đó làm người dân bức xúc nhất chính là nạn tham ô, tham nhũng của bọn tham quan, ô lại. Có rất nhiều điều để cho những nhà trí thức nặng lòng với dân, với nước phản biện, góp ý với tinh thần xây dựng để đất nước phát triển tốt hơn, để xã hội Việt Nam dần tốt đẹp hơn. Nhưng làm như thế thì “ăn gì?”. Bản thân tôi, với tư cách là một nhà văn, có thể là một ví dụ. Một lần, trong cuộc gặp gỡ cuối năm của Hội Nhà Văn TPHCM, ông Nhà văn Hà Văn Thuỳ nói với tôi: “Viết như Đông La là đi giữa hai làn đạn đó!” Quả đúng vậy, nếu phản biện với tinh thần xây dựng để đất nước tốt hơn tất sẽ bị lực lượng chống phá đất nước ghét; còn với những kẻ dốt, tham, đang “ấm chỗ” trong guồng máy chế độ, đang lợi dụng được quyền chức để trục lợi, tất cũng sẽ không thích khi bị vạch mặt, phê phán. Vì vậy, có rất ít nhà phản biện chân chính mà thực tế chỉ có khá nhiều bọn quan chức (thường đã hưu), bọn trí thức cơ hội, vì tham vọng chưa thoả, vì đố kỵ, vì cay cú, vì thất sủng do sai phạm và vì vô vàn nguyên nhân khác, đã phản trắc, trở cờ, chống lại chế độ, chống lại sự ổn định và phát triển của đất nước, chống lại cuộc sống thanh bình của nhân dân. Chúng luôn bu vào những chuyện xấu của xã hội để kiếm cớ, để phóng đại, tệ hơn nữa không có thì xuyên tạc, tìm mọi cách chống phá chế độ, cầu viện những thế lực chống Việt Nam ở tất cả các nước, ở các tổ chức quốc tế. Để tìm được sự giúp đỡ của những thế lực từng gây ra những khổ đau cho dân ta, chúng không chỉ chống lại những tệ nạn của xã hội Việt Nam mà chống lại cả tính chính nghĩa của chế độ, một chế độ được sinh ra bởi lịch sử cách mạng, bởi những cuộc kháng chiến giành lại chủ quyền của dân tộc. Nguyễn Quang A là một nhân vật điển hình, vụ gởi thư trên là vụ việc điển hình. 
Nguyễn Quang A là một người có bề dầy hoạt động chống phá chế độ, từng tham dự Hội thảo Hè tại Đại Học Humboldt ở Berlin, Đức, trong đó ông ta đã gửi bài tham luận với nội dung là nghiên cứu kinh nghiệm lật đổ thể chế ở một số nước, rồi đưa ra vài kịch bản có thể lật đổ chính thể ở Việt Nam, vận động các lực lượng chống Việt Nam ủng hộ mình. Nguyễn Quang A cũng từng sang tận Mỹ tham gia buổi gây quỹ của những người còn ôm hận “mất nước” và tham dự buổi lễ chào cờ VNCH, một chế độ đã chết gần nửa thế kỷ.
Nguyễn Quang A và những băng nhóm quấy rối thường rêu rao là mình hành động vì dân vì nước, được lòng “nhân dân”, nhưng nhớ lại vụ Nguyễn Quang A tự ứng cử đại biểu quốc hội, Nhật Lệ và các bạn trong nhóm thanh niên nổi tiếng với hành động tích cực chống bọn “dân chủ giả cầy” đã xuống tận nơi Nguyễn Quang A sinh sống gặp gỡ những người hàng xóm, đã cho dư luận biết Nguyễn Quang A là người như thế nào. Bà Trần Thị Dung bảo chỉ biết ông ta là cùng ngõ, từ trước tới nay không bao giờ hỏi nhau, nhưng Tết đó lại đi chúc Tết để xin chữ ký, bà không đồng tình vì thấy ông ta có hoạt động chống lại đất nước. Ông Nguyễn Sĩ Phúc nói: “Anh này là con rể của ông anh tôi. Vừa rồi tôi mới nghe được tin anh ấy ra ứng cử đại biểu quốc hội kỳ này. Nhưng chúng tôi hoàn toàn không thể ủng hộ được cái phần tử mà đi nói xấu đất nước”. Nhật Lệ hỏi: “Ông Nguyễn Quang A tuyên truyền trên mạng internet ông ấy nhận được ủng hộ rất lớn từ cộng đồng dân cư nơi ông ấy sinh sống. Điều đó chỉ là bịa đặt phải không ạ?” Ông Phúc: “Đúng rồi!”
Tóm lại, ở VN không có ai đấu tranh cho nhân quyền, tự do, dân chủ cả, chỉ có những kẻ xấu nhân danh những điều cao cả để quấy rối kiếm ăn và vì đủ thứ mục đích mà thôi. Cái quan trọng của xã hội Việt Nam không phải ở cuộc đấu tranh đó mà chính là cuộc chiến chống lại mọi sự yếu kém của xã hội, kể cả ý thức về nhân quyền, tự do và dân chủ.
         TPHCM
         7-1-2018
ĐÔNG LA