Thứ Hai, 14 tháng 1, 2019

VIẾT THÊM VỀ “MỐI CƠ DUYÊN SIÊU THỰC” VỚI NGUYỄN TRỌNG TẠO


ĐÔNG LA
VIẾT THÊM VỀ “MỐI CƠ DUYÊN SIÊU THỰC”
VỚI NGUYỄN TRỌNG TẠO

Trong bài tôi viết về Nguyễn Khoa Điềm có nhắc đến Nguyễn Trọng Tạo vừa rồi, một độc giả là Lê Trung bình luận thế này: “Từ một người khác nói cho mình biết có người thích thơ của chú rồi kết luận Nguyễn Trọng Tạo ko hiểu về thơ siêu thực có cái gì đó sai sai chú nhỉ hi. Cháu gặp nhiều lỗi nguỵ biện theo kiểu tự khen mình thông qua một cá thể abc nào đó rồi tiện thể lấy luôn làm luận điểm chống lại xyz cũng nào đó (ở đây là NTT). Hoàn toàn ko ổn chút nào chú ạ hihi”.
Với một nhà lý luận phê bình đứng đắn thì cần phải trả lời những lời phản biện nghiêm túc của những nhân vật mà mình phê bình và những lời góp ý có lý lẽ của bất cứ độc giả nào, nhưng không ai có thể trả lời hết được độc giả trên cái “chợ Giời” (trên mạng). Tôi thường xoá ngay lập tức những góp ý cố tình hỗn láo của những kẻ ngu dốt và lưu manh nên có lần tôi hỏi một ông bạn: “Sao ông cứ kết bạn với bọn mất dậy để chúng nhảy vào nói láo mỗi khi ông chia sẻ tin về cô Hoà như vậy?” Ông bạn trả lời: “Cũng phải vậy mới biết người ta suy nghĩ như thế nào chứ?” Không chỉ ông bạn mà còn rất nhiều người viết facebook (nói chung) cũng nghĩ như vậy nên đã để “còm” tự do. Đúng là chúng ta cần phải biết những người đàng hoàng nghĩ như thế nào, kể cả chuyện họ nghĩ sai, về những điều mà mình muốn chia sẻ, nhưng liệu chúng ta có cần xem “rác” như thế nào khi bọn lưu manh cố tình ném vào nhà mình không? Mà theo Luật An ninh mạng mới ra, nói láo về người khác như vậy là phạm pháp.
Còn bạn Lê Trung nhận xét như trên sai ở chỗ không hiểu gì về tôi, bởi tôi đã viết ra điều gì thường phải hiểu 10, 100, tôi mới viết ra 1. Không phải chỉ “Từ một người khác nói cho mình biết có người thích thơ của chú rồi kết luận Nguyễn Trọng Tạo ko hiểu về thơ siêu thực” và “lỗi nguỵ biện theo kiểu tự khen mình thông qua một cá thể abc nào đó”, mà sau đó tôi đã gặp gỡ trực tiếp GS Trần Đình Sử, ông không chỉ nói mà còn viết thư qua lại thể hiện sự tôn trọng không chỉ tôi viết về siêu thực mà còn về tất cả những gì liên quan đến lý luận phê bình văn học. Năm 1997, tôi đã được tặng thưởng của Tạp chí Văn nghệ Quân đội về một tác phẩm lý luận phê bình hay nhất trong năm; và năm 2003, “nhà nước” còn bỏ tiền in cho tôi cuốn lý luận phê bình “Bóng tối của ánh sáng” và được Liên Hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam trao giải thưởng năm đó.  Và hôm nay tôi đàng hoàng chính danh là một nhà lý luận phê bình của Hội Nhà Văn Việt Nam.
 Như vậy, thực chất cái chuyện tôi nói Nguyễn Trọng Tạo không hiểu gì khi chê tôi viết về siêu thực là chuyện tất nhiên và chỉ là chuyện vặt. Tôi không xoá “còm” trên vì tôi muốn nói rõ thêm về cái “thái độ ông kễnh” của một số người thuộc lớp nhà văn kháng chiến từng được chế độ ưu ái, vì thái độ ông kễnh mà người ta tuy rất dốt nhưng không chỉ lên mặt với cá nhân mà còn dám chửi mắng lung tung, từ lãnh tụ, vĩ nhân cho đến cả chế độ và lịch sử cách mạng. Ví dụ, ngoài “điển hình” Trần Mạnh Hảo, có đàn chị Dương Thu Hương, xem chừng còn bạo liệt hơn. 2006 tại Mỹ, bà ta từng nói: “Tôi theo chân đoàn quân chiến thắng vào tiếp quản TP. Sài Gòn, tôi đã ngồi xuống vỉa hè ôm mặt khóc như cha chết vì nhận ra rằng kẻ thắng trận man rợ hơn người thua”. Dương Thu Hương nói điêu vì ngày đó bà ta không có mặt tại SG và nói vậy bà ta cũng tự vả vào miệng mình vì mâu thuẫn với chính bà ta đã nói và viết giai đoạn trước đó. Một kẻ chỉ viết được mấy tác phẩm văn chương mà dám xúc phạm cả Quân đội Nhân dân Việt Nam như trên thì đúng là cực kỳ hỗn láo! Bà ta không hiểu nhờ nhà nước ưu ái nên mới có cái danh nhà văn, và chính vì thế mới có cái thái độ “bà kễnh”, ảo tưởng vĩ cuồng, nanh nọc, hỗn láo. Với tôi thì Dương Thu Hương cũng thuộc dạng ngu đần, không thể viết được, đọc cũng không thể hiểu được những tri thức trong những bài tôi viết, như về Chủ nghĩa Siêu thực chẳng hạn. Siêu thực là một trường phái trong văn học nghệ thuật ra đời đã trọn 100 năm, những hoạ phẩm siêu thực nổi tiếng giờ giá đã hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu USD, nhưng chắc chắn đa phần người xem không hiểu gì.
Vì vậy và cũng vì muốn viết rõ thêm mối “cơ duyên siêu thực” với ông Nguyễn Trọng Tạo mà hôm nay tôi muốn đăng lại và hoàn chỉnh thêm một chút bài về Chủ nghĩa Siêu thực mà tôi đã viết từ 20 năm về trước.
TPHCM
14-1-2019
ĐÔNG LA

VỀ CHỦ NGHĨA SIÊU THỰC

Trên diễn đàn văn học nghệ thuật đã có khá nhiều người viết hoặc nhắc tới Chủ nghĩa siêu thực. Nhưng hiểu về nó không nhất quán. Riêng Trần Mạnh Hảo cũng đã dấy lên những cuộc tranh luận: “thơ muốn siêu trước hết phải thực đã, đi tới tận cùng cái thực sẽ đạt được cái siêu”. Hàn Vũ Hùng phản đối: “Nếu tôn trọng cái logic của sự thực thì siêu thực thế quái nào được”; Đỗ Minh Tuấn cũng tham gia: “Chúng tôi chỉ muốn trao đổi vắn tắt với nhà thơ Trần Mạnh Hảo rằng, không nên quan niệm “muốn siêu thực, thơ phải đi tới tận cùng, tới đầu mút của hiện thực cái đã”. Chủ nghĩa Siêu thực và chủ nghĩa Hiện thực là hai phương pháp sáng tác xây dựng trên những nền tảng triết học và mỹ học hoàn toàn khác nhau... không nên nghĩ rằng muốn bay như chim phải bò thật giỏi như bò sát đã”. Riêng tôi cũng đã có viết một số bài có đôi nét nói đến thơ siêu thực.
       Trước hết, tại sao có sự hiểu biết khác nhau về thơ siêu thực? Người thì cho siêu thực nghĩa là cái gì đó cao siêu, người thì cho là những gì hư ảo, ma quái… Có lẽ bởi chính nó là một vấn đề trừu tượng và phức tạp. Người ta bàn luận, tranh luận về nó nhiều, nhưng hình như ở ta chưa có bài phê bình thơ siêu thực thuần tuý nào để có thể chỉ ra những đặc tính siêu thực và bình giá chúng. Chế Lan Viên viết về Hàn Mặc Tử có nhắc tới, nhưng cũng mới chỉ nói phớt qua về “yếu tố siêu thực”. Nói chung, người biết thì nhiều, nhưng người hiểu được tường tận thường ít.
Chữ suréalisme (chủ nghĩa siêu thực) do G.Apollinaire đề xuất năm 1917 cũng có tính quy ước, bởi trước đó ông đã đề nghị chữ surnaturalisme, nhưng không dùng vì chữ này các nhà triết học đã dùng rồi. Cơ sở lý luận của chủ nghĩa Siêu thực, như đã nói nhiều, được khởi phát trên một nền tảng có “thế chân vạc” dựa trên những phát minh mới lạ lùng thời đó: Phân tâm học của S.Freud; thuyết trực giác của H.Bergson và thuyết Tương đối của A.Einstein. Đầu thế kỷ, Freud đã phát minh ra vô thức, một tầng tâm lý chìm sâu chi phối mọi chuyện mà ý thức con người không nhận biết được; một trong những biểu hiện của nó chính là những giấc mơ. Thuyết Trực giác coi việc nhận thức trực tiếp bằng trực giác không qua lý tính, tư duy logic. Những điều này đã khiến Breton cho rằng, thơ ca đích thực chính là sản phẩm của quá trình tâm lý này, đó chính là những hình ảnh giống như trong mơ, xuất hiện một cách tự động, ngẫu nhiên, không qua sự kiểm soát của lý trí. Sau đó các nhà cách mạng siêu thực còn tìm thấy ở những cuộc cách mạng lớn của khoa học xảy ra thời ấy một cơ sở khoa học cho quan điểm nghệ thuật của mình. Khi Einstein chứng minh được rằng, khả năng nhận thức thế giới của các giác quan con người vô cùng hạn hẹp và đầy định kiến sai lầm, tất cả không có gì là tuyệt đối như chúng ta vẫn tưởng; mà cả không gian, thời gian, kích thước mọi vật thể đều bị biến đổi theo chuyển động và không gian quanh các thiên thể đều bị uốn cong. Thêm nữa Cơ học lượng tử cũng cho thấy, sự chuyển động của các hạt vi mô cấu tạo nên muôn loài muôn vật của thế giới chúng ta lại là quá trình có tính bất định. Vì thế, các nhà siêu thực cho rằng: Định luật ngẫu nhiên mới chính là định luật bao trùm mọi định luật. Câu thơ của Lautréamont được coi là một trong tính chất chủ yếu của chủ nghĩa Siêu thực: Đẹp như một cuộc gặp gỡ tình cờ của một cái máy may với một cây dù trên bàn mổ.
Từ những cơ sở lý luận đó, sự tưởng tượng muôn hình muôn vẻ không giới hạn bởi bất cứ cái gì, nhiều tác phẩm kỳ lạ, kỳ dị của Chủ nghĩa Siêu thực ra đời. 
       Breton là người khai sinh ra Chủ nghĩa siêu thực, ông làm những bài thơ với những hình ảnh không hề có trong đời thực. Bài “Tự do kết hợp” (L’Union libre) như một tuyên ngôn bằng thơ về thơ siêu thực của ôngtrong đó ta thấy rất rõ tính gán ghép kỳ lạ, sự liên tưởng đa chiều và tất nhiên là không thể có trong đời thực. Ông tả cái lưỡi: vừa bằng hổ phách và thủy tinh, lại cũng có thể bằng bánh thánh. Hình dáng người đàn bà: vừa như đồng hồ cát, lại cũng như con rái cá:

Vợ tôi có mớ tóc của lửa gỗ...
Có vóc hình của đồng hồ cát
...có vóc hình con rái cá trong hàm răng con hổ.
                               (Tự do kết hợp)
Bên cạnh thơ ca, hội hoạ siêu thực cũng phát triển rất mạnh và để lại những bức tranh vô giá. Chính xem tranh siêu thực người ta sẽ dễ hiểu về Chủ nghĩa Siêu thực hơn.
 Dali vẽ những hình ảnh không có trong tự nhiên, như một tác phẩm khắc họa hình ảnh của những chiếc đồng hồ quả quýt đang tan chảy:
Theo một tài liệu, Sử gia nghệ thuật Dawn Adès viết, "những chiếc đồng hồ là biểu trưng không rõ ràng về thuyết tương đối không gian - thời gian, là quan điểm siêu thực về sự sụp đổ các khái niệm trong một trật tự vũ trụ cố định". Adès cho rằng Dali đang quan sát thế giới bằng việc thấm nhuần thuyết tương đối hẹp của Albert Einstein. Tuy nhiên, khi giải đáp thắc mắc trong một buổi trao đổi với nhà hóa học Ilya Prigogine, Dali cho biết chúng không phải lấy cảm hứng từ thuyết tương đối, mà chỉ là từ những nhận biết thực tế khi ông quan sát một miếng pho mát Camembert tan chảy dưới ánh nắng.
Magritte, một hoạ sĩ siêu thực khác, miêu tả các bức tranh của mình như sau: “Những bức tranh của tôi là những hình ảnh hữu hình nhưng không hề ẩn chứa bất cứ thứ gì; chúng khơi gợi sự bí ẩn và… bí ẩn không có nghĩa, đó là điều không thể nhận biết”. Ông nổi tiếng với những bức tranh sắp xếp các sự vật, hiện tượng hữu hình với nhau theo những cách kỳ lạ:



Ngay thời hiện tại, cũng có các hoạ sĩ vẽ tranh siêu thực, như Rafal Olbinski. Ông vốn sinh ở Ba Lan, hiện là giáo sư trường Mỹ thuật ở New York, Mỹ. Ông là họa sĩ có những bức tranh kỳ lạ theo đúng trường phái siêu thực nhưng mầu sắc và hình ảnh cũng đẹp theo cách nhìn thông thường:




Thật thú vị khi thấy có một hoạ sĩ siêu thực thế hệ 8x gốc Việt, Trần Nguyễn, sinh năm 1987 tại Việt Nam, lớn lên ở Augusta, tiểu bang Georgia, Hoa Kỳ. Chỉ bằng chì và màu acrylic, nữ họa sĩ đã cho người xem lạc vào thế giới hình ảnh tưởng tượng phong phú và tuyệt đẹp của cô:
***
Còn tôi là một người làm thơ. Nhớ hôm ở chỗ cô Hoà bị đau chân, Khúc Đạo Thành có xoa bóp và nấu thuốc cho tôi, biết Thành có làm thơ và thích thơ, tôi đã tâm sự về con đường đến với văn chương của mình. Tôi bảo nếu theo câu Thiên kinh vạn quyển không bằng một điểm của Bồ Tát thì chính Nhà thơ Anh Thơ là một Bồ Tát đã điểm, đã khai mở cho tôi đi vào con đường văn chương. Sau một cuộc gặp gỡ, chỉ từ một câu bà nói: Thơ bây giờ phải thực, phải tình cảm, phải sâu sắc, và đặc biệt là không được giống ai, ngay hôm sau và từ đó cho đến tận hôm nay, đột nhiên tôi không chỉ làm thơ mà còn viết văn xuôi và viết phê bình, và hầu hết các tác phẩm đều được in báo và in sách, một số được đọc trên đài, và đặc biệt dù không có vị thế và luồn lách nào, tôi có tới 4 lần được tặng thưởng và giải thưởng văn chương.  Chính vì ý cô Anh Thơ nói làm thơ không được giống ai tôi đã viết ra rất nhiều câu thơ có hình ảnh đúng là không giống ai. Tôi đã đọc cho Khúc Đạo Thành nghe những câu thơ kỳ lạ đó, như khi ở Liên-xô tôi viết về nỗi nhớ: Anh xa em gần nửa vòng Trái Đất/ Nỗi nhớ cũng cong theo dáng địa cầu; viết về nỗi cô đơn: Ngày đầu năm lòng chợt thấy rỗng không/ Em bỏ đi đâu trong ba ngày Tết/ Anh như con thuyền lênh đênh sóng nước/ Nghiêng bên nào cũng chạm phải cô đơn; viết về chuyện đi học, làm toán: Như đứa trẻ mới tập đi lẫm chẫm trong khu rừng bí ẩn/ Mỗi bài toán đơn sơ giống một cuộc ú tim/ Cái ẩn số cứ chập chờn phía lùm cây trước mặt/ Đốt đèn lên con lóng ngóng đi tìm; rồi: Thương chiếc bảng đen mảnh bom găm rách nát/ Khung trời vuông ngã gục dưới chân tường/ Cái điểm mười tròn xoe cũng bị thương trên trang vở/ Khói đốt trường cay đến muôn phương; rồi nữa: Con lại đến với ngôi trường sơ tán/ Bốn bờ tường như bốn ụ đất lom khom/ Cô vá lại cho con cái ước mơ rách nát/ Vết nứt trên cây lại nẩy những chồi non; và v.v Mỗi lần nghe tôi đọc, Thành đều xuýt xoa khen: Thơ chú hay quá! Thơ chú tuyệt quá!
Khi làm những câu trên, tôi không hề nghĩ đến siêu thực siêu thiếc gì cả, nhưng ngay lúc này đây, khi đã hiểu rất sâu sắc về Chủ nghĩa Siêu thực, tôi càng nhận ra những nỗi nhớ cong; con thuyền lênh đênh nghiêng bên nào cũng chạm phải cô đơn; các ẩn số bài toán ẩn núp như trò ú tim trong lùm cây; bảng đen như khung trời vuông ngã gục; cô giáo vá lại cái ước mơ bị rách, v.v... trong thơ tôi đó mà nếu có tài vẽ, tôi cũng sẽ vẽ ra được những bức tranh siêu thực tuyệt đẹp. Thơ tôi không phải là thơ siêu thực, nó là thơ hiện thực, nhưng tôi đã tưởng tượng ra các hình ảnh một cách siêu thực.
Tôi cũng rất quý những đứa con tinh thần của mình nhưng nghĩ tới thực tế cái làng văn VN tôi chẳng thiết làm gì cả, chính vì vậy mà nhiều khi rất tiếc khi nhiều bạn đọc yêu thơ không biết và không hiểu gì về thơ mình, và rồi chúng sẽ đi vào lãng quên. 
Và cuối cùng, tóm lại, siêu thực là gì? Siêu thực là tất cả, nhưng là một hiện thực trong giấc mơ sáng tạo của người nghệ sĩ, nó có dấu vết, có tính chất của hiện thực, nhưng không tuân theo cái logic của hiện thực vốn có. Chỉ là thế thôi !        
                                                                  
                             Phú Nhuận trưa 1 -1998
Viết thêm tại Bình Thạnh 1-2019
(Đã đăng Tạp chí Sông Hương, 8 - 1998)