Thứ Ba, 19 tháng 11, 2019

NHỮNG KỶ NIỆM VỀ BUỔI HỌC ĐẦU TIÊN


ĐÔNG LA
NHỮNG KỶ NIỆM VỀ BUỔI HỌC ĐẦU TIÊN

Ngày mai là 20-11, ngày nhà giáo VN, một ngày gợi lại bao kỷ niệm của thuở cắp sách đến trường, với tôi, nhớ nhất là buổi học đầu tiên. Tôi học muộn nên chữ đầu tiên tôi học không phải chữ a mà là số 1, tôi đã viết điều này thành thơ:
         Rồi tôi đến trường trong một sáng thiêng liêng
         Kiến thức đầu tiên ông giáo trao cho là con số 1
         Có phải mày là khởi đầu của bao điều không hở con số 1?
         Như chiếc gậy thần tôi vịn dọc đời đi
         Đó là mấy câu trong bài thơ Tuổi thơ, đăng lần đầu trên báo Văn nghệ TPHCM, vì là sáng tác, tôi không chỉ viết về tuổi thơ đến trường của mình mà là của cả một thế hệ đi học thời chiến tranh. Không chỉ thành thơ mà buổi học đầu tiên đó cũng thành văn của tôi trong cuốn Những dấu vết không phai in ở Nhà xuất bản Trẻ. Trong mẩu truyện đó có nhân vật Dụ, chính là anh bạn hàng xóm phía trái nhà tôi. Vừa rồi tôi về quê sửa nhà, Dụ hay sang xem. Tôi hỏi:
-Ông còn nhớ buổi đầu tôi đi học ngồi bên ông không?
-Nhớ chứ!
Trả lời tôi xong, Dụ bảo:
         -Sửa xong rồi về quê ở luôn đi ông Hùng ơi, sướng lắm, có gì ới cái là  anh em gặp nhau ngay.
Có chuyện thế thật. Lần trước về thăm nhà thấy hoang vắng, lạnh lẽo  quá, tôi bảo thằng em:
-Mạnh ơi, mày làm ít đồ nhậu rồi mời mấy ông bạn chơi với tao ngày xưa đến nhà bia bọt một chút cho nhà cửa nó ấm cúng lên.

         Dụ hơn tôi vài tuổi, sau mấy năm ở quân ngũ thời trẻ đã về quê ở luôn cho đến giờ. Con người ta hay lấy mình làm chuẩn mực so sánh nên Dụ thấy ở quê sướng hơn, còn tôi không dám cho mình sướng hơn Dụ nhưng chắc chắn tôi có một cuộc sống phong phú hơn Dụ rất nhiều. Tôi xa quê, dấn thân vào nhiều lĩnh vực, biết nhiều thứ, từng gặp và chơi với đủ loại người, từ người bình dân đến những người tài giỏi nhất, nổi tiếng nhất, kỳ lạ nhất và làm to nhất nước. Riêng đi đây đi đó thì Dụ chỉ ở quê, còn tôi quả có điều thú vị, vì từng có thời gian ở Leningrat (Saint-Pétersbourg) bên biển Baltic, vừa rôi lại sang Mỹ chơi, đến tận đảo có Tượng Nữ thần tự do ở biển New York, nghĩa là tôi đã được bay trọn qua cả dải lục địa của Trái đất.



         Hôm nay, nhân ngày 20-11, đăng lại hai bài viết về buổi học đầu tiên và đăng mấy tấm hình chất chứa bao kỷ niệm không quên. 
         19-11-2019
         ĐÔNG LA

BUỔI HỌC ĐẦU TIÊN
Khi tôi được 7 tuổi, đám bè bạn cùng xóm đã đi học hết. Chúng nó học lớp vỡ lòng do ông giáo Dưỡng, một ông già hiền từ, tính tình rất cẩn thận, dạy. Lớp học chính là nhà thờ họ tôi, một ngôi nhà ngói gỗ lim năm gian, thời gian đã phủ mầu xám và rêu mốc lên mặt ngoài các bức tường.
Ở nhà một mình buồn quá, nên tôi nói với mẹ:
- Mẹ, con đi học thôi. Ở nhà chẳng có thằng nào chơi, buồn lắm!
- Chúng nó đã học hơn tháng nay, làm sao con theo kịp được ? – Mẹ tôi trả lời.
- Mặc kệ, con cứ đi học!
Vốn rất chiều tôi nên mẹ đã đồng ý:
- Thôi được, cuốn sổ ghi công điểm của anh Sơn còn nhiều giấy trắng đấy, con lấy mà chép bài. Đến chiều, nói ông dẫn đi.
Một giờ chiều hôm ấy, tôi đã theo ông nội dẫn đến lớp học của ông giáo Dưỡng. Gần đến nơi, tự dưng tôi cảm thấy việc học là của riêng đám thằng bạn, nên rất ngượng ngùng khi bước vào lớp. Ông tôi nói với ông giáo Dưỡng câu gì đó, nghe xong, ông giáo dẫn tôi tới bàn cuối cùng, chỉ chỗ đầu bàn bên cửa ra vào cho tôi. Khi ông nội ra về, tôi bỗng cảm thấy bơ vơ. Cũng vẫn những thằng bạn cùng xóm thường chơi với nhau thôi mà sao lúc này thấy chúng lạ quá! Đứa nào cũng có vẻ kiêu căng với tôi. Chúng nó học hơn tôi đến những một tháng cơ mà! Chưa đến giờ học nên tôi thơ thẩn một mình ngoài đầu hè. Chợt một thằng sấn đến:
- Mày đi học thì làm sao mà về bú mẹ được, Huy! Chúng bay ơi! Một thằng còn bú…
Thuở nhỏ, tôi vốn là một thằng hay tự ái, cũng không đến nỗi yếu lắm, nên nóng máu xông vào nó ngay. Tôi quật nó ngã u đầu trên nền gạch. Bọn bạn reo hò ầm ĩ. Từ đó chúng nó không còn vẻ kiêu căng nữa. Ông giáo Dưỡng vội chạy lại can ngăn. Ông dọa sẽ phạt, nếu chúng tôi lại tiếp diễn cái trò đó.
Giờ học đầu tiên đối với cuộc đời tôi bắt đầu. Ông giáo già dạy viết hàng chữ số từ 1 đến 10. Tôi vô cùng ngỡ ngàng khi thấy những nét trăng trắng, ngoằn ngoèo trên chiếc bảng đen. Khi ngượng nghịu điều khiển cây bút chì, miệng tôi méo cả đi mà nó vẫn không chịu chuyển động theo như ý của mình. Loay hoay mãi tôi mới viết được số 1, nhưng nó lại ngoằn ngoèo như con giun đất. Đến số 2, nhìn sang phía phải là thằng Dụ, nó viết phần trên số 2 gồm rất nhiều vòng xoắn lại như trôn ốc. Ôi! Khó quá! Tai tôi nóng bừng, trống ngực đập thình thịch. Đột nhiên, tôi đứng bật dậy:
- Thưa ông giáo, em đau mắt, em xin về.
Đến tận bây giờ, tôi vẫn không hiểu tại sao mình lại có thể bịa ra được như thế.
Cả lớp ngạc nhiên, rồi cùng cười ồ lên. Tôi không còn để ý đến ông giáo già, đến lũ bạn nữa, ôm vở chạy thục mạng về nhà, vừa chạy vừa khóc tức tưởi. Tôi cảm thấy tiếng cười lũ bạn cứ bám riết sau lưng. Ôi, học hành tưởng vui vẻ chứ lại tập viết khó như vậy thì sợ quá!
Về đến nhà, tôi nói với ông nội là không đi học nữa, học khó lắm. Ông tôi nói:
- Cháu sinh năm mùi, tháng mùi. “Niên cốt nguyệt bì” tức “da dê lại bọc xương dê”, là vừa khít, hiếm có người như thế. Đáng lẽ phải học hơn người mới phải chứ, sao lại bỏ trốn như vậy?
Tối ấy, ông tôi đến nhà ông giáo Dưỡng, nói ông giáo chú ý đến tôi hơn vì tôi học sau. Ông giáo già đồng ý ngay.
Thế rồi tôi lại đi học. Không ngờ, một thời gian sau đó, tôi lại trở thành đứa giỏi nhất lớp. Tất cả lớp đều phải nể tôi. Tôi luôn luôn được vinh dự cầm hộp phấn của ông giáo về nhà ông. Mỗi lần tôi được điểm 10, ông lại thưởng cho tôi một quả chuối.
Đến khi tôi vào học lớp 10 thì ông giáo qua đời. Ông thọ 75 tuổi. Các thế hệ học trò đã đi đưa đám ông rất đông. Tôi đã khóc ông như khóc những người thân yêu nhất. Ông là người đã ươm những mầm mống kiến thức đầu tiên vào lòng chúng tôi. Tôi đã thầm hứa là sẽ giữ hình ảnh của ông trong ký ức suốt cả cuộc đời mình. Giờ đây, buổi học đầu tiên ấy đã trở thành kỷ niệm, nhưng nó đã chỉ cho tôi thấy một điều hệ trọng: Con người ta phải làm quen được với cái khó cũng như với cái khổ, thành công chỉ đến với những ai kiên trì, vững vàng, biết vượt qua những thất bại ban đầu của mình.
Viết tại Phú Nhuận
9-1986

TUỔI    THƠ
            
Tôi sinh ra khi đất trời vừa tạnh chiến tranh
            Tưởng mỗi tế bào trên cơ thể đều mang vết thương
                            của cha trên đất Điện Biên bỏng khét
            Tưởng mỗi niềm vui, mỗi nỗi đau đều có
                                 dấu vết chờ trông ngày nào của mẹ
            Tiếng khóc chào đời có sạm màu khói đạn bom?

            Chở nặng kỷ niệm thơ ngây dòng sông nhỏ thân thương
            Gốc đa già buông râu rễ lòng thòng trên mặt nước
            Chiếc vó bè nhà ai đêm ngày mài miệt
            Dưới trăng hè vẩy cá sáng lung linh

            Nhớ những chiều đầy gió heo may cưỡi trâu giữa cánh đồng
            Nhìn đàn chèo pheo đen tuyền về đậu kín rặng tre đầu ngõ
            Hương cốm dâng khi mờ khi tỏ
            Đàn vịt bầu lạch bạch góc bờ mương

            Rồi tôi đến trường trong một sáng thiêng liêng
             Kiến thức đầu tiên ông giáo trao cho là con số 1(*)
             Có phải mày là khởi đầu của bao điều không hở con số 1?
            Như chiếc gậy thần tôi vịn dọc đời đi
                ***
            Cha còn nhớ không lần đầu tiên con được điểm 10 môn toán?
            Như mố trụ đầu bắc những nhịp cầu vui
            Con kiêu hãnh suốt một thời thơ bé
            Trang vở xinh mở rộng những khoảng trời

            Tâm hồn thơ ngây trải ra như khoảnh đất
             Ông giáo già gieo vãi hạt sớm hôm
            Tay nâng niu từng mầm chồi kiến thức
            Như nâng niu từng hạt ngọc thiêng liêng

            Như đứa trẻ mới tập đi lẫm chẫm trong khu rừng bí ẩn
            Mỗi bài toán đơn sơ giống một cuộc ú tim
            Cái ẩn số cứ chập chờn phía lùm cây trước mặt
            Đốt đèn lên con lóng ngóng đi tìm

            “Con sau này phải thành kỹ sư, bác sĩ
            Cha sẽ cho học hết các lớp trên đời”
Ôi ước mơ của người nông dân chân tay vàng cáu
Con sẽ sống suốt đời trong mệnh lệnh ấy cha ơi!
               ***
Nhưng bỗng một chiều cả trời xanh vỡ vụn
Mái ngói đỏ tươi lả tả sân trường
Hàng phi lao mảnh bom thù chém gục
Sông quằn lên những cồn sóng đau thương!

Thương chiếc bảng đen mảnh bom găm rách nát
Khung trời vuông ngã gục dưới chân tường
Cái điểm 10 tròn xoe cũng bị thương trên trang vở
Khói đốt trường cay đến muôn phương!

Nhưng chiến tranh là gì con chưa thể hiểu?
Chỉ tiếc màu lá rêu phủ sạm màu áo trắng học trò
Chỉ khó chịu trên đầu chiếc mũ rơm nặng trịch
Tiếng kẻng liên hồi chặt khúc bài giảng thầy cô!

Con lại đến với ngôi trường sơ tán
Bốn bờ tường như bốn ụ đất lom khom
Cô vá lại cho con cái ước mơ rách nát
Vết nứt trên cây lại nảy những chồi non./.

                                  Viết năm 1989 tại TPHCM