Thứ Bảy, 25 tháng 1, 2020

GIẢI TRÍ KHOA HỌC ĐÊM GIAO THỪA


ĐÔNG LA
GIẢI TRÍ KHOA HỌC ĐÊM GIAO THỪA

Đêm 30 tết, nhiều người chú ý xem chương trình “Gặp gỡ cuối năm” để so sánh và tiếc nuối “Táo quân” còn tôi thì đi giải trí xem lại “Thuyết Tương đối”. Càng hiểu thì tôi càng thấy người có công nhất đối với nhân loại là những nhà khoa học chứ không phải là vua chúa, tổng thống, chủ tịch nước hoặc càng không phải những người làm công việc giải trí. Như Einstein chứ không phải ai khác đã được tạp chí Time bầu chọn là người có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20. Nhưng loài người có mấy người hiểu đúng và hiểu hết những phát minh của Einstein? Tôi đã viết mấy bài về Thuyết Tương đối để chỉ ra những sai lầm ngớ ngẩn của cả các bậc đại trí thức lẫn những “bác học móc cua” khi họ ngông ngạo phê phán Einstein, vậy mà đêm giao thừa hôm qua tôi vẫn ngạc nhiên khi lần đầu tiên đọc câu này:
“Lorentz đã quy sự co ngắn của vật thể tương tự với sự co lại của trường tĩnh điện. Tuy nhiên, chính Lorentz cũng thừa nhận rằng đó chưa phải là lý lẽ xác đáng và sự co độ dài vẫn là một giả thuyết thuần túy ad-hoc”.
         “Ad-hoc” là gì? Đây là lỗi của người dịch, lẽ ra người ta phải dịch nghĩa rồi dẫn thêm khái niệm gốc này thì người đọc mới hiểu. Tra ra mới biết “ad-hoc” là một cách làm chủ quan của các nhà nghiên cứu để làm hợp lý hoá những nghịch lý của những lý thuyết.
         Như Einstein thấy kết quả tính toán của mình vũ trụ là “động” ngược với suy nghĩ mà ông vẫn cho là vũ trụ là “tĩnh”, nên ông đã thêm vào phương trình một hằng số. Và rồi khi người ta xác định vũ trụ đang giãn nở đúng như phương trình gốc của ông, ông mới thốt lên rằng cái việc “ad-hoc” thêm vào cái hằng số trên là “việc ngu ngốc nhất đời tôi”!
         Với Lorentz, ông đã tính ra sự co ngắn độ dài của vật chuyển động để đảm bảo cho kết quả vận tốc ánh sáng là hằng số là “có lý” trong các phép đo đạc và ông cho là một phép “ad-hoc”. Nghĩa là ông chính là người đã dọn tiệc mà không biết xơi! Người xơi tiệc đó không ai khác chính là Einstein. Trước Einstein rất nhiều bác học làm thí nghiệm và tính toán ra những kết quả mâu thuẫn với tri thức hiện có. Chính Einstein là người đã hiểu đúng và dám hiểu đúng về những kết quả đó bằng việc đưa ra Thuyết Tương đối hẹp (Special relativity). Theo ông, vận tốc ánh sáng bằng hằng số, một vật chuyển động sẽ co lại kích thước và thời gian trong hệ chuyển động sẽ giãn nở. Tất cả những điều lạ lùng này là sự thật, là quy luật vật lý, chứ không phải là một phép “ad-hoc”.
         Quay lại chuyện viết sách của tôi, rất có thể tôi sẽ viết một cuốn về Einstein và Thuyết Tương đối để ai đọc cũng hiểu, mà muốn viết được thế người viết phải hiểu biết rất sâu sắc. Tôi không lo về phía mình mà chỉ lo về phía độc giả khi đám đông luôn phát cuồng về chiến thắng bóng đá, về các thần tượng âm nhạc và các diễn viên hài, có bao người ham tìm hiểu về Einstein-người có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20!
Cũng như hai cuốn sách tôi mới viết về bệnh ung thư đều đã được Amazon duyệt, viết xong tôi thấy có nhiều điều quý giá, có điều muốn biết người ta phải đọc, phải hiểu và phải áp dụng.   
 
Đêm mồng 1 Tết, 2020
ĐÔNG LA