ĐÔNG LA
GẶP DIỆU Ở SÀI GÒN
Hết Dạ Thảo Phương, Bùi Mai Hạnh tiếp tục tố cáo tên dã thú Lương Ngọc An hiếp dâm nhưng kinh nguyệt đã cứu được cô, một chi tiết có thể viết thành một truyện ngắn độc đáo về thú tính của con người. Còn tôi, nhớ lại có những chuyện chính “các em” lại tạo điều kiện gặp gỡ, nếu tôi giống như Lương Ngọc An chắc chắc sẽ có chuyện tán tỉnh, giở trò.
Đầu thập niên 90 thế kỷ trước, tôi giải quyết được một công trình khoa học công nghệ hơn hai chục năm cả ngành nông dược bó tay, một nữ nhà báo là Hương Trà (giờ là Cô gái Đồ Long rất nổi tiếng) theo một đoàn đến cơ quan tôi, đã viết bài về tôi đăng báo. Sau đó, Hương Trà đã gọi điện mời tôi đến chỗ cô ở tại đường Nguyễn Thái Bình Q1. Tôi đã đến gặp Trà. Tôi đã lúng túng vì căn phòng chỉ có hai người, ngạc nhiên hơn là Trà không nói gì, nên tôi đã về ngay. Đến nay đã 30 năm trôi qua nhưng tôi vẫn không hiểu là chuyện gì? Chuyện thứ hai là với nữ văn sĩ Đỗ Hoàng Diệu. Hồi đó Diệu mới xuất bản tập “Bóng đè” được đám Nguyên Ngọc đưa lên mây xanh. Tôi đã viết một bài vừa khen vừa chê đăng trên Talawas của Phạm Thị Hoài. Sau đó tôi cũng ngạc nhiên là Đỗ Hoàng Diệu vào SG, muốn gặp tôi, và đến nay tôi cũng chưa hiểu Diệu gặp tôi để làm cái gì? Hôm nay cuối tuần đăng lại cái bài viết về cuộc gặp ĐHD này.
16-4-2022
ĐÔNG LA
GẶP DIỆU Ở SÀI GÒN
` Buổi trưa, tôi kéo rèm, tắt đèn, bật quạt, đi nghỉ. Bỗng chiếc mô-bai để chế độ rung gầm gừ trong hộc bàn. Tôi nghe thì nhận ra giọng một anh bạn viết trẻ:
-Anh ĐL hở, Đỗ Hoàng Diệu đang ở Sài Gòn, muốn gặp anh. Anh thu xếp chiều nay gặp nhé.
-Thế có mày không?
-Thôi, em đi làm gì, để nhà văn lớn gặp riêng nhà phê bình lớn chứ.
-Lớn khỉ gì, nhưng thế cũng được, tao cũng muốn nói chuyện riêng với nó.
Anh bạn cho tôi số điện thoại của Diệu rồi cup máy. Tôi nằm xuống chiếc võng đung đưa nghĩ ngợi. Thật không ngờ, vừa đọc xong cái bài nó chửi mình là chó, chắc còn cho mình sủa to nhất nên mới cho mình cái “vinh dự” xếp đầu bảng, nay lại hẹn gặp. Bỗng chiếc điện thoại lại gầm gừ, lại giọng anh bạn văn:
-Có lẽ anh phải đi ngay bây giờ thôi. Mai nàng bay về Hà Nội rồi.
-Trời ơi, tao đang buồn ngủ muốn chết, giữa trưa đổ lửa thế này mà ra đường đúng là cực hình!
-Anh đúng là kỳ, mấy khi được sự chiếu cố của nữ sĩ trẻ trung xinh đẹp nổi tiếng!
-Thôi được, đi thì đi.
Tôi quả có ngại thật nhưng không phải không có cái háo hức của một kẻ tò mò. Tôi liền gọi cho Diệu. Một giọng nói nhẹ nhàng lịch sự vang lên:
-Xin lỗi ai ở đầu dây thế ạ?
Tôi xưng tên. Diệu khẽ reo lên, còn tôi hơi lúng túng, định hỏi Diệu muốn gặp tôi phải không, nhưng thấy nói thế với con gái là không lịch sự, liền nói:
-Có anh bạn cho tôi số điện thoại của Diệu, tôi muốn gặp Diệu một chút có được không?
-Ô thế thì hay quá, Diệu cũng đang muốn gặp anh mà.
Tôi hỏi chỗ Diệu, rồi sửa soạn đi ngay, tiện có cuốn sách để sẵn trên bàn, mang luôn đi tặng Diệu. Tôi dừng lại nơi đầu con hẻm nhỏ mà Diệu đang ngồi uống cà phê “bụi” hình như với mấy nhà thơ “rác” của SG, lại móc điện thoại alo, và rồi Diệu đi ra. Chúng tôi nhận nhau với thái độ có chút ngạc nhiên của những người gặp nhau lần đầu, và cả hai đều... cười hiền lành, ngỡ như chưa từng có chuyện người thì bảo người kia văn chương còn trẻ con, người thì phản pháo lại ông chê tôi cũng chỉ như con chó sủa... Và không ngờ Diệu nói với tôi tự nhiên như thể đã quen nhau từ kiếp trước:
-Em đói bụng.
-Ờ thì đi ăn, nhưng Diệu đang ngồi với những ai, bụng trống rỗng mà vẫn sôi nổi văn chương thơ phú được à?
-Em ngồi với mấy người bạn làm thơ ở SG này, mà em cũng mới ra. Nhưng mình ăn ở chỗ nào đơn giản thôi.
- Đâu được. Khách quý thì phải tiếp lịch sự chứ.
Tôi chở Diệu đến quán Ngọc Sương trên đường Lê Quý Đôn, quận 3, kể vắng người thì cũng lịch sự thật đấy, nhưng giữa trưa đắt khách quá nên cũng như một cái chợ. Tôi nói với Diệu rằng tôi muốn tới chỗ này là để nhớ lại một kỷ niệm tôi đã tiếp một nữ dẫn chương trình rất xinh của VTV tại đây, tôi còn nhớ tôi bảo với nàng: “Bây giờ anh đã có vợ, em sắp lấy chồng, nhưng chúng mình vẫn sẽ là bạn nhé”, cô ấy bảo: “tất nhiên rồi”!... Diệu bảo:
-Anh ĐL cũng lãng mạn nhỉ?
-Thế mới làm thơ được chứ. Hồi năm cuối đại học, tôi cũng từng thích một cô quê ở cái nơi toàn có chữ Hoằng ở Thanh Hoá của Diệu đấy.
-Đó là Hoằng Hóa.
-Cô ấy là em ông bạn tôi, mới 18, má bồ quân, môi đỏ, cũng xinh lắm; người bạn nhờ tôi luyện thi đại học; rồi luyện thi thì ít mà luyện mộng mơ thì nhiều nên cô ấy bị trượt. Ông bạn tức quá cấm tiệt luôn!
Tôi đưa cuốn thực đơn với ý chiều chuộng, Diệu muốn gọi gì thì gọi, nhưng nữ sĩ trẻ trung nổi tiếng quả cũng có phiền phức, đến “ăn cũng chẳng đuợc yên”, điện thoại cứ reo liên tục, Diệu giao nhiệm vụ chọn món ăn cho tôi với ý “em thế nào cũng được”. Tôi đành kêu súp cua và một con cá bống mú to tướng nấu canh chua ăn với bún, một trong những loại cá mắc nhất.
Rồi hai người ăn uống truyện trò, nhưng tôi nhâm nhi bia là chính vì đã ăn cơm rồi. Vòng vo một lúc tôi lấy bút ký tặng cuốn phê bình cho Diệu, Diệu lịch sự khẽ reo lên là đã được nghe nhiều mà nay mới thấy. Tôi bắt đầu đi vào chuyện chính:
-Cái bài đầu tôi viết về Diệu là nghiêm túc đấy. Mà tôi viết thế là đã đề cao Diệu lắm đấy. Có những sự sáng tạo văn chương, chỉ những nhà phê bình cũng có sáng tác mới thấy được. Văn của Diệu là như thế. Còn việc tôi chê Diệu về trình độ, về tri thức thì cũng là chuyện vô cùng, vì đến ông Einstein cũng còn sai cơ mà. Chỉ tiếc là tại cái thằng Cố Nhân (trên talawas) nó cứ lằng nhằng làm tôi cáu lên nên mới có những câu quá lời.
-Không, cái bài đầu em thấy anh viết có nhiều cái hay đấy.
-Còn bài Các Mác (trên talawas) tôi đặt tên bài thì khiêu khích, lại còn diễu cả “thần tượng” Hoàng Minh Chính của mấy ông “đấu tranh dân chủ” nữa nên mới bị người ta “đánh” hội đồng. Còn bị Talawas nó phạt thẻ đỏ nữa, cái talawas nó cũng không khách quan đâu. Nhiều cái mạng hải ngoại chúng nó bảo làm ra để đấu tranh cho dân chủ, nhưng chúng nó chỉ đăng những bài hợp gu chúng nó, vậy dân chủ gì? Dân Việt mình chán thật!
-Rồi em sẽ đọc kỹ lại bài đó.
-Còn chuyện Diệu, người ta chê, mình phản pháo, cũng là lẽ thường, nhưng bảo tất cả là chó thì cũng ghê đấy. Chắc Diệu cho tôi sủa to nhất, phải cỡ becgiê, nên xếp đầu bảng phải không?
-Không, không phải, ý em không phải như vậy đâu. Ý đó em chỉ dành cho một người thôi.
-Là ai?
-Em không nói, anh đọc phải biết chứ!
-Quả thực tôi mới chỉ liếc qua thôi, thậm chí nhiều bài viết về tôi tôi cũng chẳng đọc, vì đọc lại cáu lên, lại cãi, vừa tốn “giấy” mất thì giờ của nhà báo và của chính mình, mà cái chính là vô bổ. Vì khi phân chia chiến tuyến, mọi lý lẽ, học thuật đều thành vô nghĩa. Còn Diệu viết một cuốn con con mà “cả thế giới” biết, thế là thành công lắm rồi. Viết để cho người ta chê cũng đâu có dễ.
-Chê, khen thì cuối cùng em vẫn là em thôi. Còn những người tưởng tượng ra những điều không có để gán cho em thì họ chỉ cãi nhau với chính họ.
-Nhưng tôi nói thực, nếu tôi biên tập sách của Diệu, ý tưởng của Diệu vẫn giữ nguyên mà khó có ai có thể bắt bẻ được. Như bài thơ “Những cái xác” của tôi mang ra để cãi nhau với thằng Cố Nhân đó, Diệu có thấy ý tưởng của tôi có nét tương đồng với truyện của Diệu không?
-Em có chú ý điều đó.
- Nhưng có cái khác là tôi chỉ nói chung chung thôi. Trong cuộc sống có nhiều cái vô giá trị nhưng lại mang danh những điều tốt đẹp nên mới lừa được những người ngây thơ. Mà loài người thì đa phần ngây thơ chứ được bao người thông minh. “Những cánh hoa sặc sỡ/ Nằm sõng soài trên thảm cỏ biếc/ Con ba tuổi ngây thơ/ Say sưa góp nhặt”. Thế đó, tôi chỉ viết chung chung thế thôi, ai hiểu gì thì hiểu. Khi nói cụ thể một điều gì ta chỉ nói được điều đó, còn nói một cách tượng trưng ta sẽ nói được tất cả. Sức mạnh của ngôn ngữ tượng trưng là như thế. Tương tự như chuyện người ta định nghĩa về khái niệm, khi nội hàm càng lớn thì ngoại diên càng nhỏ. Ý tưởng văn chương có thể cho là ngoại diên, nếu viết càng cụ thể, càng chi tiết thì biên độ của ý tưởng sẽ giảm đi. Nhưng viết kiểu này dễ thành vô danh lắm vì nó cần nhà phê bình cao cường mà nước ta còn hiếm lắm. Như bài thơ trên của tôi, không phải người ta muốn nghĩ gì thì nghĩ mà đa phần chẳng nghĩ gì cả. Tư duy độc giả nước mình, kể cả nhiều nhà phê bình, là tư duy học trò, họ cần người sáng tác viết kiểu giảng giải.
-Ý này rất hay, em sẽ suy nghĩ về điều này.
-Nếu truyện của Diệu bỏ đi vài chi tiết cụ thể “người đàn ông tên Karl”; “bức tượng tôi vẫn thường trông thấy mỗi khi đến cơ quan bố”; “hàm râu quai nón rậm rì loen nhoen nhiều vệt trắng”, “người đàn ông uyên bác và nhiều vốn tư bản”, thì ý nghĩa truyện có giảm đi đâu, thậm chí còn lớn hơn, bao hàm nhiều vấn đề hơn. Còn Diệu nói cụ thể ra thế thành ra ý cũng chẳng có gì mới, cũng chỉ là nói theo những người chống Cộng, hoàn toàn có chứng cớ để người ta phê phán Diệu...
Đã tới lúc phải chia tay vì “Diệu no rồi”. Tôi bảo Diệu sau này viết gì cứ gởi cho tôi đọc, có thể tôi sẽ có góp ý có ích cho Diệu, còn những người tung hô Diệu tôi thấy cũng thường thôi. Diệu có vẻ thích điều này. Khi ra khỏi nhà hàng Diệu bảo tôi phải cho địa chỉ i-meo chứ, tôi kê vào thành chiếc ta-xi viết vào trang cuối cuốn sách tôi vừa tặng Diệu.
Thế đó, có chuyện tưởng “không đội trời chung” nhưng chỉ gặp nhau nói vài câu là xong. Thế mới biết “đối thoại” quả là quan trọng nên thế giới văn minh càng ngày càng phải sử dụng nó thay vì phải “đối súng”. Tất nhiên muốn đối thoại thành công hai bên cần phải tôn trọng và dựa trên những giá trị nhân bản vĩnh cửu.
TPHCM 25-3-2006