Thứ Năm, 26 tháng 10, 2023

“LỊCH SỬ” CỦA HÀNH TRÌNH LẬT SỬ

 “LỊCH SỬ” CỦA HÀNH TRÌNH LẬT SỬ

Sự xuyên tạc lịch sử trong Văn chương nghệ thuật không chỉ bắt đầu từ bộ phim “Đất rừng phương Nam” mà đã có cả một hành trình, một “lịch sử”. Trước đây hơn 30 năm cũng đã có một vụ ồn ào, thú vị là lại có liên quan đến Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, chính là cha của Nguyễn Quang Dũng, đạo diễn Phim “Đất rừng phương Nam”.
Tiểu thuyết Thân phận tình yêu (Nỗi buồn chiến tranh) của Bảo Ninh đã được Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam 1991-1992, khi bị dư luận phản ứng, Ban Lãnh đạo Hội Nhà Văn VN đã phải tự phê bình bằng văn bản, đọc trước toàn Đại hội lần thứ V, còn in trên báo Công an TPHCM số 478, ra ngày 13-9-1995. Báo Công an thành phố đã có cuộc trao đổi với Ban Lãnh đạo HNVVN, trong đó có Nguyễn Quang Sáng, Tổng thư ký Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh và là một thành viên của cuộc bỏ phiếu trao giải cho tác phẩm nói trên. Nguyễn Quang Sáng nói: “…việc trao giải cho Thân phận của tình yêu (Nỗi buồn chiến tranh) năm 1991 là thiếu chín chắn, nặng về khuyến khích một cây bút trẻ đã trải qua chiến đấu, mà coi nhẹ tính định hướng của giải thưởng… Bảo Ninh khi miêu tả cuộc kháng chiến chống Mỹ… xóa ranh giới giữa chiến tranh chính nghĩa và phi nghĩa; thêm nữa, chính tác giả cuốn sách khi trả lời nước ngoài phỏng vấn cũng bộc lộ những quan điểm sai trái… Nếu hỏi trách nhiệm của riêng tôi … thì tôi là người chịu trách nhiệm chung với Ban Chấp hành…” (Báo Công an thành phố Hồ Chí Minh, Tp.HCM (13-9-1995).
Có điều hơi buồn cười là, rất gần sau đó, Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton tuyên bố chính thức bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào ngày 11 - 7 - 1995, nhiều nhà văn với bản tính cơ hội đã thay đổi quan điểm về cuốn “Nỗi buồn chiến tranh” theo thời cuộc, kể cả Nguyễn Quang Sáng. Có thông tin ông đã xin lỗi Bảo Ninh cứ như Bảo Ninh là quân Mỹ vậy.
Nhưng rồi chuyện kỳ lạ về “Nỗi buồn chiến tranh” vẫn chưa dứt, năm 2016, Ban Lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam, thời Hữu Thỉnh đứng đầu, lại nhất trí 100% đưa “Nỗi buồn chiến tranh” vào danh sách đề cử xét “Giải thưởng Nhà nước”. Khi “Nhà nước” đã loại tác phẩm sai trái và độc hại này thì theo tienphong.vn, 17/07/2016, “đã làm giới văn chương choáng váng”. Theo tôi, nếu đúng như vậy thì “giới văn chương” và cả ông Hữu Thỉnh đã hoàn toàn mất trí! Khi đề nghị nhà nước tôn vinh cuốn sách xuyên tạc, bôi đen cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, họ nghĩ thế nào về những anh hùng liệt sĩ và lịch sử đất nước?
***
Với Hội Nhà Văn VN, không chỉ có sự nhố nhăng trong nhận thức về lịch sử mà còn nhố nhăng cả trong hội họp. Không biết các vị lãnh đạo nhà nước nếu biết thì thấy có cần phải duy trì sự tồn tại của một hội nhà văn như vậy không?
Tôi đã được mời tham dự Hội nghị Lý luận Phê bình lần thứ 4 của HNV VN tổ chức ở Tam Đảo, 2016.


Trong phiên họp toàn thể, Chủ tịch đoàn gồm Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội; Nguyễn Quang Thiều; Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch; và Phan Trọng Thưởng, Trưởng ban Lý luận Phê bình. Khách mời có một vị Phó Ban Tuyên Giáo Trung ương, và anh Đào Duy Quát, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình VHNT Trung ương.
Buổi sáng, sau các nghi lễ, các bản tham luận ít được nghe, hội trường ồn ào như cái chợ vỡ, đến nỗi Nguyễn Quang Thiều phải nói:
-Ở ngoài có nhiều bàn trà, ai có nhu cầu trò truyện xin ra ngoài, còn ở đây xin các vị trật tự, lắng nghe cho.
Ở đại hội nhà văn, các nhà văn thường có cách “đuổi” diễn giả xuống bằng vỗ tay, nên đến lượt ông GS Phong Lê phát biểu, ông nói “nếu vỗ tay tôi xuống ngay”, nhưng ông chưa vào bài người ta đã vỗ tay ngay, nhưng ông lại quyết không xuống!
Đến lượt ông Lại Nguyên Ân, ông ta nói đại ý cần phải ghi nhớ “công ơn” của nước Pháp đã mang đến cho VN. Trước khi Pháp đến, VN chưa có 1m đường xe lửa, rồi Pháp đào tạo cho VN nhiều trí thức ưu tú, v.v… Tôi nói với người ngồi cạnh: “Ông Ân nói vậy là ngu. Pháp làm tất cả để nó đô hộ VN chứ không phải làm vì dân VN, vì thế mới có kháng chiến chống Pháp. Pháp bỏ lại tất cả vì nó thua bỏ của chạy lấy người thôi”. Ông Ân nói tiếp về cuốn Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, cho là thành tựu của đổi mới, dù dư luận thế nào thì nó vẫn là cuốn sách có giá trị. Lại Nguyên Ân, cũng như Phạm Xuân Nguyên, hùa theo khuynh hướng lật sử của Nguyên Ngọc. Còn nhớ, khi các nhà văn phê phán Nguyễn Huy Thiệp xuyên tạc lịch sử, ông Ân từng bảo: “Đọc văn phải khác đọc sử”. Tôi bảo, văn khác sử đúng rồi, nhưng văn làm sử cuốn hút hơn mới là văn chân chính, còn văn bôi đen lịch sử thì là thứ văn mất dạy!

Sau ông Ân, tôi bất ngờ khi ông Phan Trọng Thưởng lại giới thiệu tôi phát biểu. Vừa nghe ông Ân nói, tôi “nóng máy”, có lẽ trên diễn đàn một đại hội chưa có ai nói toạc móng lợn như tôi như thế này:
-Vừa rồi ông Lại Nguyên Ân khen cuốn Nỗi buồn chiến tranh nhưng tôi thì chê. Tôi chê cái gì và như thế nào thì tôi đã viết rất nhiều và đã in thành sách, không có thì giờ trình bầy ở đây… Từ sáng đến giờ chúng ta nói bao chuyện nhưng những vấn đề bức xúc nhất, nổi cộm nhất của đời sống tôi thấy chưa có. Như tình trạng đất nước TBT Nguyễn Phú Trọng nói đang đứng trước “nguy cơ tồn vong” chẳng hạn… sai trái, tệ nạn, tham ô, tham nhũng. Vậy nhà văn đã viết được với tinh thần phản biện chưa? Nhưng muốn phê phán được người ta anh phải giỏi hơn, nếu sai rất dễ bị kiện; hơn nữa phê phán nhưng phải có tâm, phê phán để xây dựng chứ không phải lật đổ. Thực tế đã có những người lợi dụng sai trái, tệ nạn, đã thổi phồng, xuyên tạc, viết để ngóng đợi sự “giải ngân” của những tổ chức chống VN ở nước ngoài… Còn chuyện về ông Bob Kerrey vừa rồi, ông Nguyên Ngọc bảo, bản thân ông Nguyên Ngọc cũng như bộ đội ta đã núp vào dân, tức lấy dân làm bia đỡ đạn, nên ông Bob Kerrey giết Việt Cộng tất phải giết dân thôi. Ông Nguyên Ngọc tự thấy ông ấy và bộ đội ta cũng có tội như ông Bob Kerrey. Có một Blogger tên là Thiên Lý viết là ông Nguyên Ngọc đã dùng miệng lưỡi xảo quyệt của mình liếm sạch máu dân lành dính trên giày của ông Bob Kerrey, cũng như trước kia có một công dân mạng ví ông Bùi Tín như miếng giẻ chùi máu giầy quân xâm lược vậy…
Tiếp theo tôi, tôi thấy ông Văn Chinh lên nói, nhưng với giọng bỡn cợt của loại hủ nho, đại ý:
-Thưa anh Đào Duy Quát, nhà văn chúng tôi từ trước tới nay yêu Đảng lắm, sợ Đảng lắm, không ai dám viết chống Đảng đâu ạ. Không biết ông Đông La thấy ai hợp tác với Việt Tân mà hôm nay ông ấy lên dạy dỗ chúng tôi…
Văn Chinh vừa xuống, tôi lên ngay, không ai ngăn nhưng tôi lên với tư thế “cướp diễn đàn”:
-Cho tôi được đính chính, ông Văn Chinh nói sai thì tôi phải đính chính. Tôi bảo thực tế có những người viết để đợi những tổ chức ở nước ngoài chống VN “giải ngân” chứ không phải hợp tác với Việt Tân. Như dư luận cho Huy Đức viết Bên thắng cuộc được cả 2 triệu đô, ông Trần Đĩnh cũng bắt chước viết cuốn Đèn Cù, còn cô Nhã thuyên thì viết toạc móng lợn ra là cô làm luận văn như thế là để đợi tiền của một cái quỹ gì đó. Các vị hãy lên mạng đọc đi. Tôi chỉ nói ra sự thật, cần gì phải dạy dỗ ai ở đây. Ông Văn Chinh nói sai tôi kiện ông ra tòa đấy!
***
Viết chuyện xuyên tạc lịch sử thì không thể thiếu Huy Đức với cuốn “Bên thằng cuộc” được. Qua trang của bạn bè, tôi biết với vụ phim “Đất rừng phương Nam” HĐ cũng cho là “mang tâm thức nô lệ” khi độc giả phê phán sự xuyên tạc lịch sử và yêu cầu cơ quan chức năng xử lý. Giống kẻ giết người giấu tội luôn nhạy cảm với chuyện giết người và luôn tìm cách che chắn, Huy Đức cũng thường che chắn bản chất nô lệ của mình bằng cách nói ngược như vậy. Bản chất Huy Đức là kẻ nô lệ đồng tiền bất chấp chính tà, thiện ác. Vì thế tôi đã viết Huy Đức viết lịch sử trong “Bên thắng cuộc” là “Lịch sử nhìn qua lỗ đồng xu”. Huy Đức sau giải phóng đã bị lóa mắt bởi: “Mấy chiếc xe đạp bóng lộn xếp trên nóc xe; cặp nhẫn vàng chóe trên ngón tay một người làng tập kết vừa về Nam thăm quê ra; con búp bê nhựa – biết nhắm mắt khi nằm ngửa và có thể khóc oe oe … Những chiếc máy Akai, radio cassettes”. Từ đó thấy: “Có một miền Nam không giống như miền Nam trong sách giáo khoa của chúng tôi”. Viết vậy, HĐ đã không hiểu rằng, đó chỉ là “lợi nhuận” của việc chống cộng mà cư dân ở những vùng đô thị miền Nam được hưởng từ việc đánh đổi bằng máu của dân Bắc bởi “chiến tranh phá hoại” và máu của dân cư vùng nông thôn. Theo "Fire In The Lake" by Frances Fitgerald, Vintage Books, New York 1985, pp. 134-139, khi viết về Ngô Đình Diệm, tác giả viết: “Đối với hắn, thế giới hiện đại là Sài-Gòn, cái thành phố ký sinh trùng đó đã trở nên béo mập bởi máu của thôn quê và lợi lộc của Tây phương. (For him, the modern world was Saigon, that parasite city that fattened from the blood of the countryside and the lucre of the West)”.
Tổng chi phí của Mỹ cho Chiến tranh VN gấp hơn 130 lần mà phía VNDCCH đã nhận được viện trợ. Vì thế cái “giầu sang” mà Huy Đức thấy đều có nguồn gốc từ “925 tỷ USD” mà Mỹ đã chi cho cuộc chiến ở VN, kèm theo 58000 nhân mạng nữa, để rồi mất trắng trở về.
***
Truyện lật sử trong lĩnh vực văn chương “công” đầu có lẽ thuộc về Nguyên Ngọc. Với mặt trận là tờ Văn nghệ, diễn đàn trung tâm của Văn chương VN, khi làm TBT, Nguyên Ngọc đã cho đăng một loạt truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp mà truyện"Phẩm tiết" chính là một trong những yếu tố khiến cả Trần Độ lẫn Nguyên Ngọc bị thất sủng! Trong truyện này Nguyễn Huy Thiệp đã dựng lên hình ảnh Vua Quang Trung như tay du côn, tầm thường, “ăn hối lộ”, thù vặt. Chính Trần Độ cũng phải thừa nhận Nguyễn Huy Thiệp “có thể chưa hay, chưa giỏi trong việc xây dựng nhân vật văn học lấy nguyên mẫu từ một anh hùng dân tộc, vua Quang Trung”.
Nhà văn Hồ Phương cho rằng “Về quan hệ văn-sử… Có người nói… cũng có thể có một Quang Trung trong văn học với tính cách ngược lại… đó là một kiểu ngụy biện, và … chưa hiểu biết đầy đủ về văn học” (Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp, tr. 452). Mai Ngữ cho Nguyễn Huy Thiệp: “ đã lăng nhục cha ông, tổ tiên mình” (tr. 426). Tạ ngọc Liễn: “Việt Nam nếu đích thực là một nước nhược tiểu… thì con cháu làm gì có được một giang sơn như ngày nay”; “Nước ta nhỏ… mà không yếu. Những cuộc phá Tống, Bình Nguyên, đuổi Minh, đánh Thanh… chẳng lẽ chưa đủ… là một xứ sở mạnh mẽ sao?”(tr. 173).
Đoạn người cha trăng trối lại cho Đặng Mậu Lân (Kiếm sắc): “Tây Sơn bây giờ đang lên như thế chẻ tre, nhưng ta thấy sức chơi của bọn này bất quá chỉ như trọc phú nhà giàu, gánh vác giang sơn sao được?... Hiện Gia Định có Nguyễn Phúc Ánh là nòi vương giả, con gắng vào đấy tìm xem”. Đánh giá cao Nguyễn Ánh đồng nghĩa với sự biện hộ cho hành động Pháp có mặt tại Việt Nam. Điều này giải thích tại sao Pháp in cho Nguyễn Huy Thiệp tới 14 đầu sách và với số tiền nhuận bút ông ta khoe là cả 70.000 - 80.000 đô.
26-10-2023
ĐÔNG LA