VÀI ĐIỀU VỀ “SỰ GIẢN DỊ” NHÂN CHUYỆN BÀI “CON CHÀO MÀO” ĐƯỢC CHỌN VÀO SGK
Chở cô cháu ngoại 7 tuổi đi tập thể dục ở một lớp học ở sân vận động đàng hoàng, cách đây vài ngày, nó hỏi: “Mấy bài thơ thiếu nhi ông ngoại lấy tên mình là gì?”/ “Là Đông La. Sao con hỏi?”/ “Con khoe mấy chị, mấy chị hỏi con”. Thật mừng, mừng là cháu đã biết quý trọng giá trị tinh thần, nhưng cũng rất lo, lo ở lứa tuổi ham học hỏi, cháu tôi cũng như mấy cháu cùng trang lứa sẽ học được gì ở những SGK còn những điều không tốt?
Bữa trước tôi đã viết về bài “Bắt nạt” của Nguyễn Thế Hoàng Linh, nay viết tiếp mấy chữ về bài “Con chào mào” của Mai Văn Phấn cũng được đưa vào SGK, một bài cũng bị dư luận chê dở, nhưng dở cụ thể thế nào thì ít người viết được.
Theo văn bản thì Mai Văn Phấn đã làm “thơ” về chuyện “vồ hụt” con chào mào vì thấy nó đẹp và hót hay, đã hối hả đuổi bắt để nhốt nó trong lồng, dù chỉ là cái lồng tưởng tượng làm bằng nắng, bằng gió. Rồi ngẫm nghĩ nhờ mình thất bại mà con chim vẫn được bắt sâu ăn và hót vui vẻ, và nhận ra, dù chim không cần bay về thì mình vẫn nghe rõ tiếng hót.
Đây là bài thơ theo thi pháp hiện thực, tác giả muốn suy tư điều này điều nọ nhưng lại viết bằng lối ú ớ như người chưa sõi tiếng Việt, đến người lớn cũng không hiểu thì các cháu lớp 6 hiểu gì?
Ta thử châm chước, cố hiểu ý tác giả muốn nói: con chim chỉ hạnh phúc khi được tự do, vì vậy con người yêu thiên nhiên bằng sự tôn trọng thì dù con chim ở đâu thì người ta vẫn nghe rõ tiếng hót. Có điều ý nghĩa phải dựa trên câu chữ chứ không thể bình tán tuỳ tiện, vì vậy, theo lý thì con chim bị vồ hụt sợ khiếp vía thì sao còn vui vẻ kiếm mồi, líu lo ca hát được. Chúng ta phải ứng xử với thiên nhiên sao đó để chim không sợ bay đi, để cây cối xanh tươi là sự thực, không gian thanh bình là hiện thực chúng ta được sống trong đó thì mới chính là hạnh phúc đích thực. Còn trống không, cằn cỗi, hoang vắng lại tưởng tượng ra hạnh phúc đủ thứ như ý Mai Văn Phấn viết thì chỉ là trạng thái thần kinh của thằng ngáo ma tuý đá!
***
Thơ thiếu nhi được chọn vào sách GK phải chuẩn về ngữ pháp, phải chuẩn diễn đạt, còn ngữ pháp thì sai, diễn đạt thì ú ớ, thử hỏi các cháu sẽ học được gì? Có một thực tế sáng tác mà không ở trong làng văn người ta khó mà hiểu được. Có không ít người sáng tác thơ trí thì thấp, tài thì kém, nói rõ ý thì quá tầm thường nên đã “cao siêu” hoá bằng cách diễn đạt rối rắm, ú ớ, tức thơ họ, nói theo ngôn ngữ lý luận phê bình, là không “đạt được sự giản dị”. Tôi có chuyện thú vị là có hai người nhận xét về thơ tôi giống hệt nhau, đều so sánh với Nguyễn Quang Thiều. Một lần tôi nhận được điện thoại của lão Nhà thơ Hải Như, tác giả bài thơ nổi tiếng “Chúng cháu canh giấc ngủ, Bác Hồ ơi”, và tác giả lời ca khúc bất hủ “Thành phố hoa phương đỏ”: “Tôi là Hải Như, từng là người giới thiệu Vũ Tú Nam (nguyên Tổng thư ký HNV VN, như Chủ tịch) vào Hội đấy. Vừa rồi tôi đọc chùm thơ của Đông La trên Báo Văn Nghệ, nếu tôi có quyền tôi sẽ cho Đông La giải nhất. Thơ Đông La hiện đại, đã đạt được “sự giản dị” không như Nguyễn Quang Thiều”. Một lần đến Trường “Nhân văn” chơi, anh bạn tên là Dung, một TS Sử, sau đó một thời gian làm Trưởng khoa Sử, cũng đọc chùm thơ của tôi mà Hải Như đã đọc, cũng nói y như Hải Như: “Thơ anh đã đạt được sự giản dị, không như Nguyễn Quang Thiều”.
Vậy thế nào là “đạt được sự giản dị?”, tiện nhất là đăng lại mấy bài thơ thiếu nhi nhân viết về thơ thiếu nhi. Đó là mấy bài tôi làm tận từ năm 1986 do một hôm anh Thái Thăng Long bảo tôi làm mấy bài góp vui vào tuyển tập thơ thiếu nhi mà anh đang soạn để in ở NXB TRẺ. Tôi làm 4 bài, trong đó có bài “Mùa thu mở cửa” anh Long đã chọn làm tên tập thơ luôn.
Trong mấy bài, chỉ mấy câu thôi mà có đầy đủ những hình ảnh độc đáo ở những miền quê khác nhau, tràn đầy tình cảm gia đình, thầy cô, quê hương, đất nước, chất chứa những ý nghĩa có tính giáo dục, thậm chí còn có cả triết lý nhân sinh. Bạn Văn Chương-Skyline Pigeon viết: “Phải là người giàu cảm xúc và trí tưởng tượng mới sáng tạo ra những bài thơ "hay" như thế chú ạ! Thế hệ trẻ bây giờ có mấy ai làm được như chú thời đó? Kính phục”. Một số bạn thì cho rằng bài nào cũng có thể đưa vào sách giáo khoa.
29-10-2023
ĐÔNG LA
VỀ THĂM QUÊ NGOẠI
Con theo má về thăm quê ngoại
Vàm Cỏ Đông dừa nước mọc ngút ngàn
Bên xuồng nhỏ, con bơi đùa thoả thích
Mái vòm xanh, tiếng chim hót âm vang
Trên ấp nhỏ bóng hàng dừa xoã tóc
Bận bịu ôm con suốt tháng, suốt ngày
Mượt mà rẫy thơm nhuộm tím chiều biêng biếc
Triệu mắt tròn núp sau lá thơ ngây
Con như tan vào giữa thiên nhiên xanh ngát
Bàn chân trần lấm bùn đất quê hương
Nhìn bóng ngoại lui cui bên bờ mía
Tự trong lòng trào dâng sóng yêu thương!
Rồi con lại theo má về thành phố
Sớm sớm tới trường dưới mái lá me non
Nhưng dòng sông thắm một màu xanh ấy
Theo tháng ngày lòng sẽ mãi yêu hơn./.
Lương Hoà, Bến Lức, Long An
1986
CHÁU HIỂU RỒI BÀ ƠI
Cháu sinh ở thành phố
Đâu biết cánh đồng làng
Một đời bà cặm cụi
Bàn chân nứt dọc ngang
Thân cháu như nụ hoa
Gót hồng mầu sen thắm
Sao chân bà cáu vàng?
Móng nhét đầy bùn sẫm!
Cháu hiểu rồi bà ơi
Đời bà nhiều vất vả
Nuôi ba con nên người
Bà hy sinh tất cả
Bà là gốc cổ thụ
Ba cháu vươn tán dầy
Trong nắng vàng, trời thắm
Chồi cháu biếc trên cây!
9-1986
Ở GIỮA HAI MÙA
Con theo ba về thăm quê nội
Mùa đông gầy trời chiều phủ kín sương
Bên giếng nước, chiếc lá chè quăn mép
Đêm nằm nghe gió Bấc rít bên tường
Nép bờ ao, con cá rô lạnh cóng
Góc sân phơi rụng nhẹ lá xoan vàng
Cây tre nào cọ vào nhau kẽo kẹt?
Lất phất bụi mưa chờ đón xuân sang
Con ấm áp ngồi bên bà trong bếp
Đêm ba mươi nồi bánh đượm than hồng
Trước ngưỡng cửa mùa xuân pháo đì đẹt
Sáng mai về hoa đào có nở không?
Con đang ở giữa hai mùa khác biệt
Đông cằn khô còn xuân lại thắm tươi
Có phải cuộc đời cũng vui, buồn như vậy?
Qua gian nan khổ luyện mới nên người.
Đông La, Hồng Quang, Thanh Miện, Hải Dương
1986
MÙA THU MỞ CỬA
Không gian cởi chiếc áo choàng mùa hạ
Thêu nắng chói loà, long lanh những hạt mưa
Và khoác lên chiếc áo thu xanh ngắt
Thêu tơ mây, đọng vàng nắng ban trưa
Em ríu rít trên đường vui tới lớp
Hoa khăn quàng nở hồng thắm trên vai
Trên bục giảng mắt cô hiền dịu thế
Con lặng đi trong tiếng “mẹ” giảng bài
Cô là mẹ giữa đàn con ríu rít
Bài giảng thiên nhiên như cuộc dạo chơi
Con bỗng hiểu đất nước mình giầu đẹp
Càng trào lên niềm yêu mến, mẹ ơi!
Phải mùa hạ là ngôi trường đóng cửa?
Mùa thu về nhộn nhịp bước chân vui
Phải tiếng trống là người mở cửa?
Trang vở xinh lại rộng những khoảng trời.
1986
ĐÔNG LA