NGUYÊN NGỌC TRAO GIẢI PHAN CHÂU TRINH
CHO NHÀ SỬ HỌC MỸ VIẾT SỬ VN THEO CÁCH NHÌN CỦA KẺ XÂM LƯỢC
Cái chuyện trao giải thưởng văn hoá nghệ thuật ở nước VN chúng ta, với những người hiểu biết, có nhiều chuyện rất buồn cười, thể hiện sự yếu kém không chỉ ở những những giám khảo mà ở cả công tác quản lý ở các cấp. Như việc trao Giải thưởng Nhà nước cho thằng Nguyễn Đăng Điệp với công trình đạo văn; trao Giải thưởng Nhà nước cho ông Nguyễn Huy Thiệp từng “nôn mửa vào cuộc Kháng chiến Giải phóng Dân tộc”, viết truyện lịch sử bôi đen anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ, viết truyện “Tướng về hưu” miêu tả vị tướng chiến thắng trở về không có đất sống trong chính ngôi nhà mình; nóng hổi nhất là bộ phim “Đất rừng phương Nam” được dự thi tranh Bông sen vàng trong Liên hoan phim Việt Nam năm 2023, một bộ phim xuyên tạc lịch sử cho Nghĩa hoà đoàn và Thiên địa hội có công chống Pháp cho nhân dân VN ta.
Hội Nhà Văn HN khi Phạm Xuân Nguyên làm Chủ tịch cũng từng trao Giải Thành tựu trọn đời cho Nguyên Ngọc, một người quyết chống phá thể chế đến hơi thở cuối cùng, trong đó có việc lật sử. Bữa trước tôi có viết bài “Lịch sử của hành trình lật sử” có ý trong lĩnh vực văn chương “công” đầu có lẽ thuộc về Nguyên Ngọc. Hôm nay tôi đăng lại bài về chuyện Nguyên Ngọc trao giải thưởng cho một Cựu Chiến binh Mỹ viết về Lịch sử VN với cách nhìn của kẻ xâm lược, một cách lật sử của Nguyên Ngọc mà nhiều người còn chưa biết.
1-11-2023
ĐÔNG LA
Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh là một Quỹ trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, do bà Nguyễn Thị Bình, nguyên phó chủ tịch nước và đồng thời cũng là cháu ngoại của Phan Châu Trinh làm chủ tịch. Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh được trao vào ngày 24/3 hằng năm, cũng là ngày mất của Cụ Phan Châu Trinh.
Tôi nhận được thư của khối nhà báo thuộc Câu Lạc Bộ Kháng Chiến TPHCM cho rằng Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh đã trao giải sai cho Nhà Sử học Keith W.Taylor, từng là Cựu Chiến Binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam!
***
K.W.Taylor, Tiến sĩ sử học, Giáo sư Đại học Cornell, trong bài “Các xung đột vùng miền giữa các dân tộc Việt từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 19” (Sách “The Birth of Vietnam”), từng viết:
“Không khó để đọc cái gọi là ‘phong trào giải phóng dân tộc’ của Lê Lợi như là cuộc chinh phục của Thanh Nghệ đối với Đông Kinh, với việc nhiều nhân vật Đông Kinh xem người Minh như thế lực bảo vệ chống cự sự quê kệch của các tỉnh phía nam”.
Có lẽ do là công dân một nước từng xâm lược VN nên ông GS người Mỹ này mới đồng tình cho giặc Minh xâm lược là “bảo vệ chống cự sự quê kệch của các tỉnh phía nam”, như nước Mỹ từng bảo vệ VNCH chống Cộng sản Miền Bắc xâm lược vậy. Ông “sử Mỹ” cần phải biết Nhà Minh nhân cơ hội Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, xâm lược VN, đã thực hiện chính sách xóa bỏ cả nền văn minh của nước ta, như đốt sách, phá văn bia, thiến hoạn đàn ông Việt, khiến dân ta vô cùng căm giận. Vì vậy Lê Lợi mới khởi binh, mới được dân theo về, mới có sức mạnh chính nghĩa đánh thắng được giặc Minh, giành lại đất nước. Chứ đâu phải như cái nhìn của ông “sử Mỹ” cuộc khởi nghĩa của Lê Lợi chỉ là “cuộc chinh phục của Thanh Nghệ đối với Đông Kinh”!
Về sự thống nhất của lịch sử, của đất nước, của dân tộc Việt Nam, K.W.Taylor viết:
“Hiện nay ở Việt Nam chính phủ rất muốn nói rằng lịch sử Việt Nam là một lịch sử thống nhất và người Việt Nam là một cộng đồng thống nhất. Nhưng thật ra theo tôi, về quan điểm lịch sử thì điều đó không đúng”; “Cho nên tôi nghi ngờ về ý kiến phát triển lịch sử liên tục, một lịch sử thống nhất liên tục, tức là lịch sử của một nhóm lấy quyền hành chính dùng chuyện lịch sử để giảng dạy theo chính sách quốc gia của chính phủ. Lịch sử thống nhất liên tục là lịch sử không là lịch sử khoa học” (Bài: Cái nhìn mới về Việt Nam).
Lý do để ông ta cho Lịch sử thống nhất liên tục của VN không có tính khoa học là vì “Những người quyết tâm cai trị toàn bộ các dân tộc Việt… thể hiện niềm tin chính trị chứ sự thống nhất không phải là điều nghiễm nhiên”; “Nó không phải là một di sản mà đúng hơn, nó được nghĩ ra, được dạy dỗ và được học từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nó là một vấn đề truyền thụ. Một ‘lịch sử chung của người Việt’ là chuyện ý thức hệ và chính trị, không phải là học thuật”.
Ông ta hoàn toàn không hiểu Miền Nam là vùng đất hình thành khởi nguồn từ việc Nhà Nguyễn khai phá, xây dựng căn cứ địa để chống lại Nhà Trịnh. Một hài nhi được sinh ra từ cơn đau đẻ của người mẹ, còn hình hài chữ S của nước Việt chúng ta thực tế đã sinh ra từ máu của cuộc nội chiến Trịnh-Nguyễn phân tranh đó! Cái giá phải trả quả là rất đắt,vì vậy mỗi tấc đất của Tổ quốc có được như hôm nay là rất thiêng liêng! Sự thống nhất cũng là rất thiêng liêng!
Dù lịch sử hình thành nước Việt như vậy, nhưng để biện hộ cho Mỹ có mặt tại VN, ông ta cho miền Nam là một quốc gia độc lập, vì “Đông Kinh” (Miền Bắc) thuộc Đông Á còn Miền Nam thuộc Đông Nam Á:
“Thật dễ dàng để cho rằng Đông Kinh có thể xem như một phần của Đông Á trong khi Nam Bộ được xem là một phần của Đông Nam Á. Nhưng điều này có ý nghĩa gì cho một ‘lịch sử chung’ của các dân tộc Việt? Và điều này có ý nghĩa gì cho Đông Á và Đông Nam Á với tư cách các phạm trù kiến thức học thuật?” (Bài Các xung đột vùng miền giữa các dân tộc Việt từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 19)
Không chỉ có vậy, ông ta còn cho nước Mỹ vì giàu mạnh nên phải có sứ mệnh sử dụng sức mạnh ấy để áp đặt ý muốn của mình lên thế giới:
“...tôi không chấp nhận nguyên lý cho rằng Hoa Kỳ không có lý do hợp pháp nào để can dự vào Việt Nam. Tôi cho rằng quyền lực toàn cầu trong tay Hoa Kỳ phải được nắm lấy như là một trách nhiệm, không phải là điều mà chúng ta cần tỏ ra hối hận” (Tôi đã bắt đầu giảng dạy về chiến tranh Việt Nam như thế nào?); “Mỹ hoàn toàn có lý do để dùng sức mạnh ngăn chặn sự hủy diệt một tương lai dân chủ cho ít nhất là một số người Việt Nam”; “Thảm kịch Việt nam không phải là việc Hoa Kỳ can thiệp vào Việt Nam mà là sự can thiệp được tiến hành một cách tệ hại và sự phản bội những người Việt đã tin tưởng vào chúng ta”; “Ðể xóa đi trong tâm thức chuyện nhục nhã này, nhiều người Mỹ tìm thấy sự hài lòng khi dựa vào những mơ mộng lãng mạn của Hồ Chí Minh và những sáo ngữ lịch sử ngớ ngẩn về một dân tộc Việt Nam anh hùng đánh bại những đoàn quân xâm lược” (Bài: Tôi đã bắt đầu giảng dạy về chiến tranh Việt Nam như thế nào?)
***
Theo Quy chế giải thưởng của Quỹ Phan Châu Trinh: “Người nhận giải phải là ứng viên được 100/100 số phiếu của toàn thể thành viên HĐKH… do nhà văn, nhà nghiên cứu, dịch giả Nguyên Ngọc làm Chủ tịch”.
Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh do bà Nguyễn Thị Bình làm chủ tịch nhưng lại có ông Chu Hảo làm phó chủ tịch và ông Nguyên Ngọc là Chủ tịch Hội đồng Khoa học!
Có điều khó hiểu là Bà Nguyễn Thị Bình từng là Phó Chủ tịch nước, Bộ trưởng Bộ Giáo dục, tại sao lại kết hợp với ông Chu Hảo, ông Nguyên Ngọc như vậy? Dù Chu Hảo cũng từng là thứ trưởng, Nguyên Ngọc là nhà văn nổi tiếng, nhưng hiện tại hai người này từng có trong danh sách 72 người, đề nghị Quốc hội thay Hiến Pháp hiện thời bằng "Hiến Pháp" của họ viết, đề nghị bỏ Điều 4, hiến định quyền lãnh đạo của Đảng, nghĩa là lật đổ chế độ.
Hơn nữa, tại sao một quỹ văn hóa lại chọn một người có quan điểm phản đạo lý, phản lịch sử là Nguyên Ngọc làm chủ tịch Hội đồng Khoa học để xét giải thưởng?
Trực tiếp viết về lịch sử, trên TuanVietNam, 25/11/2013, Nguyên Ngọc viết: “Ở Pháp, một số các nhà sử học nổi tiếng đã lập ra một tổ chức gọi tắt là CVUH (Comité de vigilance face à l’usage public de l’histoire), có thể dịch là Ủy ban cảnh giác đối với việc đưa lịch sử ra sử dụng trong công chúng. Các nhà sử học uyên thâm ấy cảnh giác với việc chính quyền đương thời nhào nặn lịch sử để làm công cụ tuyên truyền cho những lợi ích chính trị…Tôi nghĩ một sự cảnh giác thật hiền minh như vậy cũng rất cần ở ta”.
Tôi đã viết “Việc bên ngoài người ta nhả ra chữ nào Nguyên Ngọc đớp ngay lại chứng tỏ cái dốt của ông ta”. Với các nước thực dân đế quốc đi xâm lược phi nghĩa, bọn bán nước phi nghĩa thì mới cần “nhào nặn lịch sử”. Còn với VN ta chỉ có một lịch sử oai hùng chống ngoại xâm, giành lại nền độc lập, thì cần gì phải “nhào nặn lịch sử” mà cần đến cái “cảnh giác hiền minh”?
Nguyên Ngọc còn “củ chuối” khi viết vì “hoàn cảnh khắc nghiệt của chiến tranh” người ta có những “tình cảm không bình thường”, nghĩa là ông ta cho chuyện căm thù tội ác của giặc là không bình thường! Chưa hết ông ta còn cho đừng tôn vinh các bà mẹ Việt Nam anh hùng quá vì các bà mẹ lính VNCH tử trận sẽ “tủi thân”!
Tôi đã viết:
“Viết như trên Nguyên Ngọc đã ngang nhiên phản bội những đồng chí, đồng bào của mình; lấy lòng những người từng bên kia chiến tuyến còn chưa nguôi thù hận. Nghĩa là đến tận hôm nay, Nguyên Ngọc còn chiêu hồi “Bên thua cuộc”, giống như một công dân mạng viết về Bùi Tín, Nguyên Ngọc cũng chính là “miếng giẻ chùi máu giày quân xâm lược”!
Đến đây thì chúng ta thấy, một người có quan điểm lịch sử phản động như Nguyên Ngọc thì ông ta chọn những cá nhân và tác phẩm trao giải thật khó mà đúng đắn!
***
Nguyên Ngọc quả là một người đặc biệt, tôi đánh giá tài trí ông ta rất thấp dù vẫn còn nhiều người thần tượng ông ta, nhưng tôi phải nể cái tính chai lì, quyết tâm sai đến cùng của ông ta. Trên trang Trelang có đăng bài thú vị của Le Anpô, đúng là theo tinh thần “cái tổ con chuồn chuồn” về nhân vật đặc biệt này: Bác Nguyên Ngọc như tôi đã biết.
Tác giả đã lớn lên ở khu tập thể số 12 Lý Nam Đế, cùng xóm “phố nhà binh” với Nguyên Ngọc và các nhà văn quân đội khác. Le Anpô cho biết tính nết Nguyên Ngọc “rất khác người, ra đường cắm cúi đi, có ai chào mới trả lời, còn thì chẳng chào hỏi ai… Một lần cả nhà đang ăn cơm chiều, nghe tôi hỏi tại sao bác Nguyên Ngọc ít giao du với người trong khu tập thể, mẹ tôi bảo: “Úi giời, ông ấy khinh người chứ còn sao nữa”. Le Anpô kể một lần bếp nhà Nguyên Ngọc bị cháy, không ai giúp, chỉ có nhà văn Nam Hà và nhà văn Chu Lai sang xách nước dập lửa. Vì “cùng ở tạp chí Văn nghệ quân đội với bác Nguyên Ngọc, không giúp là người ta cười cho, chứ chắc gì các chú ấy nhiệt tình”; “Nghe mẹ tôi nói, bố tôi bảo anh em tôi: “Khu này toàn gia đình bộ đội, anh em đồng chí sống với nhau bao nhiêu năm, phải sống thế nào mọi người mới lờ đi như thế. Sau này các con ở đây hay ở đâu cũng phải có hàng xóm láng giềng, đừng để lúc gặp khó khăn mà không ai muốn giúp”. Cuối cùng, người hàng xóm tổng kết: “Hồi bác ấy về làm ở báo Văn nghệ, nghe bác T hàng xóm bảo bố tôi: “Tay ấy mà làm lãnh đạo thì khối thằng chết, đúng là nhất lé nhì lùn tam hô tứ rỗ”.
Xem chừng với Nguyên Ngọc khoa tướng số quả là chính xác thật!
11-4-2014
ĐÔNG LA