CHUYỆN VĂN CHƯƠNG CUỐI TUẦN, NGUYỄN QUANG THIỀU BÌNH THƠ ĐÔNG LA
Vừa rồi tôi có trả lời tin nhắn một bạn: “Văn chương, nghệ thuật ngoài tính giải trí nó cũng có tính tri thức, tức người có kiến thức khác nhau, sự nhạy cảm, tinh tế khác nhau sẽ hiểu và đồng cảm khác nhau, sẽ cảm nhận hay dở, giá trị cao thấp khác nhau. Vì thế mới có lĩnh vực lý luận phê bình trong các bộ môn văn hoá nghệ thuật. Cũng có phần như tri thức khoa học, với văn chương cao siêu của những tác giả cao siêu thì độc giả cũng cần phải có trình độ mới hiểu được những ẩn ý, những hàm nghĩa sâu xa.
Trong cái chuyện viết lách của tôi có chuyện lạ là người ta hay so sánh tôi với người này, người khác, như bài trước tôi kể, người ta đã so thơ của tôi với Nguyễn Quang Thiều. Còn chính Nguyễn Quang Thiều thì có lần đã so sánh thơ tôi với Chế Lan Viên. Lần đó, sau khi đăng cho tôi bài thơ 4 câu “Những cái xác”, Thiều gọi điện thoại bảo: “Đến bài này thì ông hay hơn CLV rồi!”, còn bình tán đến nóng cả máy. Tôi khoe với Nguyễn Quốc Chánh, khi còn thân nhau, Chánh bảo: “Nó nói vậy là nó chê ông đó, Chế Lan Viên dù có hay nhất thì vẫn là cũ”. Mãi về sau tôi mới hiểu được “cái mới” của Chánh khi nó lại trở thành một thằng “chống Cộng như điên”. Cũng mới gần đây, khi có quyền lực, Thiều đã thể hiện rõ quan điểm của mình thì tôi mới hiểu đúng câu của Thiều đã khen tôi “hay hơn CLV” khoảng 20 năm về trước. Nghĩa là Thiều đã hiểu thơ tôi theo khuynh hướng “phản động”, nghĩ là tôi đã cho tất cả những gì tốt đẹp của xã hội VN ta chỉ là những “xác chết”:
NHỮNG CÁI XÁC
Những cánh hoa sặc sỡ
Nằm sõng soài trên thảm cỏ biếc
Con ba tuổi ngây thơ
Say sưa cóp nhặt
Thực ra ý của tôi hoàn toàn không phải như vậy. Một sáng chủ nhật, 1988, tôi và bà xã chở thằng con ba tuổi đi chơi ở sân Chùa Vĩnh Nghiêm, thấy thằng bé cứ nhặt những cánh hoa rơi trên thảm cỏ chất đống lại, tôi thấy hay hay, có thể là hình ảnh tượng trưng gợi mở những ý nghĩa xâu xa, nên đã viết bài thơ 4 câu trên. Cuộc sống loài người có nhiều thứ, ở trong các tuyên ngôn, các khẩu hiệu, kể cả ở trong các chủ nghĩa, các tôn giáo, thực chất chỉ là những xác chết, thậm chí còn là những nguyên nhân gây ra tội ác, nhưng chúng lại lấp lánh, chỉ những ai ngây thơ như đứa trẻ lên ba mới cóp nhặt, nâng niu những thứ đó. Những ai có tầm tư tưởng sẽ nhận ra điều này là một hiện thực. Như Mỹ và Phương Tây hay nhân danh dân chủ, nhân quyền chẳng hạn, cũng rất “lấp lánh”, nhưng thực tế lại là nguyên nhân gây ra chiến tranh đổ máu, chết chóc ở nhiều quốc gia. Như vậy, bài thơ của tôi mang tầm nhân loại, chứ không có ý nghĩa hạn hẹp như cái đầu thiển cận của Nguyễn Quang Thiều hiểu.
Còn với Nguyễn Quốc Chánh thì thời kỳ mới vào đời, đã có khoảng hơn chục năm tôi và Chánh rất thân nhau. Bà xã tôi còn nhắc: “ Ông đúng là kỳ cục, hôm tôi mới sanh về, ở tập thể có một phòng nhỏ như vậy. Tôi nằm ôm con trên giường, vậy mà ông với thằng Chánh nhậu dưới sàn cứ oang oang bàn chuyện thơ ca”. Hồi ấy, Chánh đọc thơ tôi bảo: “Trong dòng chính thống thì thơ ông là đổi mới”, cũng lại so sánh: “Thơ ông hay hơn đám Nguyễn Duy rồi”. Nhưng rồi tôi không ngờ đến ngày Chánh lại thể hiện thái độ “chống Cộng” ghê gớm. Nhưng Chánh có cái hay hơn đám Nguyễn Quang Thiều, đã chống là chống luôn, “cóc cần gì”, không có cái kiểu lưu manh, gian xảo bắt cá nhiều tay.
Tôi làm thơ nhiều kiểu, có thơ tình cảm, thơ ngợi ca quê hương đất nước, nhưng cũng có những bài thơ chất chứa đầy những ưu tư. Đức Phật nói: “Đời là bể khổ”, vậy mà còn chưa đủ, con người còn tự làm mình khổ thêm khi gây ra những cuộc chiến tranh. Xin giới thiệu mấy bài.
4-11-2023
ĐÔNG LA
TẤM THẢM
Thế là em đã đi lấy chồng
Cô gái nhà bên xin chúc cô hạnh phúc
Nhận lá thư ngày nào cha viết
Ông cụ xóm trên mới mất hôm qua
Nhận lời mời đến dự buổi tiệc vui
Anh bạn được đi Liên Xô làm phó tiến sĩ
Nửa muốn nửa không cứ dùng dằng mãi
Cháu thất nghiệp đến chơi còn ngồi đó chưa về
Ông anh họ bỗng tạt qua bất ngờ
Đón đến nhà xem cái tivi màu “10 hệ”
Ra cổng gặp ông trung tá mắt đỏ hoe rơi lệ
Vợ dược sĩ bị phù mới mất sáng nay
Một chiều buồn đến nhà xuất bản kia chơi
Được uống cà phê của bạn văn mới vô hội viên và ra nhiều sách
Lại được tin con bạn biên tập đêm qua ốm mệt
Bốn tháng tuổi thơ đã vội lìa đời …
***
Ôi tấm thảm cuộc đời sao cứ ken nhau lẫn lộn
Cứ mỗi sợi vui lại có lắm sợi buồn
Tôi nâng tấm thảm ba mươi hai rưỡi năm mình vừa dệt
Cũng nhiều sợi buồn mà chỉ thấp thoáng những sợi vui!
1988
ƠI ĐẤT NƯỚC MANG HÌNH DẤU HỎI
Như một bác nông dân trở về sau khốc liệt cuộc chiến tranh
Đã tạnh rồi đạn bom
Đã tan rồi lửa khói
Nhưng vẫn còn vẹn nguyên căn bệnh mãn tính của lịch sử
Cái nghèo khổ truyền đời
Nên tự bao giờ đất nước đã quặn mình thành dấu hỏi
Chảy dọc theo Người biển mặn mồ hôi
Ta đang ở thời kỳ mà con người có những dự định táo gan đến Trời cũng phải nể sợ
Chị Hằng mộng mơ rồi sẽ thành bãi khai hoang của thế kỷ tương lai
Sao Hỏa xa xôi sẽ thành nơi chốn dạo chơi
Nhưng nơi quê nhà
Gần 70 mẹ vẫn thì thùm chiếc gàu sòng chống hạn
Cha mẹ sinh con tại một vùng quê
Mầu đất nâu như màu máu bầm
Cả tuổi thơ con lớn lên trong vang vang tiếng cà mùa hạ
Với rau muống chấm tương
Lớn lên con cắp sách tới trường
Con lại gặp tiếng cà vang trong thơ kiêu hãnh
Ôi đất nước có thời sao ai ai cũng sợ sự giàu có
Nên cái nghèo từng là vết son trang điểm trang lý lịch của con
Bây giờ con đã là kỹ sư
Có lớn khôn hơn
Nhưng con luôn nhớ cả tuổi thơ mình đã nhúng trong nước ruộng chua đọng váng màu rỉ sắt
Đi qua cuộc chiến tranh con đến với giảng đường
Con từng lơ ngơ như chú bé cưỡi trâu đi tìm thuyết Tương đối của Einstein ở chín tầng mây
Con mắt từng quen nhìn khoai nướng, ngô bung thật khó hình dung đâu không gian lồi, đâu không gian lõm
Nên dù đã gần hai mươi năm xa quê con vẫn luôn thầm nhắc
Máu giội trong buồng tim mình vẫn là máu nông dân
Ôi giai cấp nông dân, giai cấp của Tổ Tiên làm sao ta không yêu không kính!
Nhưng khi đất nước đã ngàn ngàn năm nghèo đói
Khi đất nước đang quặn mình thành dấu hỏi
Cái trí tuệ nông dân lại khó trả lời!
1988
LẠI VẪN CHIẾN TRANH
Đã hai mươi năm ta ra khỏi cuộc chiến tranh
Vẫn có đêm mơ bị bao vây, săn đuổi
Vẫn mơ thấy bạn bè thuở 19 tuổi
Máu chúng mày làm bỏng đất Miền Đông!
Nhưng sao chiến tranh vẫn nơi này, chiến tranh vẫn nơi kia?
Đêm đêm màn hình vẫn ùng oàng đạn nổ
Đàn ông, đàn bà, cụ già, em nhỏ…
Mặt đất này máu nóng hổi vẫn loang!
Vẫn cứ như ngày nào vô lý thế chiến tranh!
Trái Đất nhỏ nhoi vẫn ngày ngày sinh ra kẻ ác
Đến bao giờ mới hết đi cơn khát?
Dù máu đổ ra đã triệu triệu con người!
Bỗng lại vang lên, vang lên bất ngờ
Căn phòng nhỏ lại ùng oàng đạn pháo
Chiến tranh ở đâu mà màn hình như ướt máu?
Tôi vội vàng cầm ngay giẻ đi lau!
10-1995
(Tập Đêm thiêng)
ĐÔNG LA
SAU CHIẾN TRANH
Sau chiến tranh
Có một nghĩa trang không phải nghĩa trang
Không có trắng toát những bia mộ
Chỉ có những nấm mồ của bao mối tình chưa trọn
Những mơ ước không thành
Sau chiến tranh
Có người lính bị thương trong tận cùng máu huyết
Sinh ra đứa con nối dõi tật nguyền
Có lư hương mãi tắt lịm trước bàn thờ
Những dòng họ không cơ hội tái sinh trên mặt đất
Khi mãi không về đứa con độc nhất
Sau chiến tranh
Để lại những ký ức bị thương
Những lở loét vĩnh viễn không bao giờ liền sẹo...
Nhưng lại có lý một cách vô lý nhất
Người ta biết trước cách xin những lỗi lầm mình chuẩn bị gây ra
7-11-2001
ĐÔNG LA