Thứ Tư, 8 tháng 11, 2023

VỀ HAI PHÁT BIỂU CỦA BÀ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TÔ THỊ BÍCH CHÂU VÀ ÔNG BỘ TRƯỞNG NGUYỄN VĂN HÙNG

 VỀ HAI PHÁT BIỂU CỦA BÀ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TÔ THỊ BÍCH CHÂU VÀ ÔNG BỘ TRƯỞNG NGUYỄN VĂN HÙNG

Theo https://vnexpress.net/: “7-11, đại biểu Quốc hội Tô Thị Bích Châu (Bí thư quận 1, TP HCM) đề nghị Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết giải pháp bảo vệ cá nhân, tổ chức khi bị cộng đồng mạng xã hội bạo hành.
Bà Châu dẫn hai ví dụ vừa qua là hoa hậu Ý Nhi chỉ vì phát ngôn thiếu tế nhị mà bị "ném đá", và phim Đất rừng phương Nam "bị cộng đồng mạng đập cho tơi bời". "Vậy lúc đó ai bảo vệ họ, cách bảo vệ thế nào hay phải chờ họ khiếu nại, kiến nghị, làm đơn. Góp ý theo kiểu đập cho chết chứ không phải đập cho chừa là rất nguy hiểm", bà Châu nói, cho rằng việc này liên quan đến Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Công an”.
***
Ý nhi chỉ là một thiếu nữ chiến thắng trong một cuộc thi Hoa Hậu, nhân danh hoạt động văn hoá nhưng chủ yếu mang tính giải trí và từ thực trạng các cuộc thi thì dư luận cho mục đích chính là kinh doanh, vì có lợi nhuận nên các cuộc thi diễn ra như nấm mọc sau mưa. Vì vậy, có nhiều kết quả không xứng đáng với tiêu chí hoa hậu là sắc đẹp tiêu biểu cho hình thể và tâm hồn phụ nữ VN. Ý Nhi chưa có một đóng góp gì cho dân, cho nước, vậy mà khi trả lời phỏng vấn đã đặt mình trước danh nhân văn chương là Hàn Mặc Tử, và còn trước cả Anh hùng Dân tộc, Vua Quang Trung Nguyễn Huệ. Như vậy, Ý Nhi không chỉ thiếu tế nhị mà còn thiếu khiêm tốn, tức thiếu đạo đức, thiếu giáo dục và thiếu văn hoá. Với một thiếu nữ bình thường cũng sai huống hồ Ý Nhi lại là người mới được chọn là hoa hậu. Vì vậy, bất cứ một công dân nào cũng có quyền phê phán phát ngôn thiếu đạo đức, thiếu giáo dục, và thiếu văn hóa. Ý kiến của bà Đại biểu Quốc hội Tô Thị Bích Châu là chưa chính xác khi cho Ý Nhi chỉ là thiếu tế nhị, cho tất cả sự phê phán Ý Nhi của cộng đồng mạng là “ném đá”, “đập cho chết”. Bà ta còn cho tồn tại tình trạng đó liên quan đến cả ba bộ: Văn hóa Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, và Công an. Lẽ ra bà ta phải phê phán Ý Nhi trước, phê phán ban tổ chức cuộc thi hoa hậu đó trước, khen ngợi cộng đồng mạng có thái độ đúng trước sự sai trái. Tuy nhiên, nếu só sự sai trái, phê phán cực đoan, như bạo hành Ý Nhi thì ý kiến của bà Bích Châu bảo vệ Ý Nhi là đúng, nhưng bà đã “vơ đũa cả nắm” như trên là sai.
Với bộ phim “Đất rừng phương Nam” xuyên tạc lịch sử, cả những người làm phim lẫn cơ quan xét duyệt là Cục Điện ảnh đã nhận sai, đã phải sửa như chữa cháy, vậy mà bà Tô Thị Bích Châu chỉ bênh vực bộ phim một chiều như trên cũng không đúng.
***
Đặc biệt, ông Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khi trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều 7/11 cũng cho rằng “phim Đất rừng phương Nam đã được Hội đồng thẩm định phim quốc gia cấp phép theo đúng Luật Điện ảnh. Phim không vi phạm pháp luật. "Dư luận cho rằng phim có biểu hiện này, biểu hiện khác là chưa chuẩn xác, cần xem xét xử lý với hành vi xúc phạm, bôi xấu".
Vậy tôi xin hỏi ông Bộ trưởng, chuyện bộ phim cho “Thiên địa hội” và “Nghĩa hoà đoàn” có công chống Pháp ở miền Nam có thật không? Nếu không, đó tất là hành vi xuyên tạc lịch sử. Cục Điện ảnh và những người làm phim đã thấy sai và sửa, nghĩa là đã công nhận có sự xuyên tạc lịch sử. Nhưng họ sửa “Nghĩa hòa đoàn” thành “Nam hòa đoàn”, “Thiên địa hội” thành “Chính nghĩa hội”, vậy cũng xin hỏi ông BT Hùng, trong công cuộc Kháng chiến chống Pháp của Nhân dân miền Nam có hai tổ chức “Nam hòa đoàn” và “Chính nghĩa hội” không? Nếu không có, đích thị là một sự bịa đặt. Vậy sự bịa đặt làm khán giả hiểu sai lịch sử anh hùng của dân tộc là sai hay đúng?
Phim “Đất rừng phương Nam” không chỉ xuyên tạc lịch sử mà còn lợi dụng tên tuổi và tác phẩm của Nhà Văn Đoàn Giỏi nhân danh “ lấy cảm hứng”. Không có nhà văn chân chính nào chấp nhận sự xuyên tạc tác phẩm của mình như vậy, và không có pháp luật nghiêm minh nào chấp nhận sự lợi dụng, đạo nhái như vậy. Với bút pháp hiện thực, sự hư cấu nghệ thuật tất nhiên là sáng tạo ra những điều không có thực nhưng phải giữ nguyên được bản chất của hiện thực, còn hư cấu mà xuyên tạc bản chất sự thật thì cũng chính là sự xuyên tạc.
***
Tác phẩm “Đất rừng phương Nam” của Đoàn Giỏi tái hiện những ngày Nam Bộ kháng chiến được lấy mốc là ngày 23 tháng 9 năm 1945. Trước đó, khởi thuỷ, tận từ tháng 8 năm 1920, Tôn Đức Thắng đã từ Pháp trở về Việt Nam thành lập các công hội, nông hội ở Sài Gòn và một số tỉnh khác ở Nam Kỳ. Sau năm 1930, từ khi ra đời Đảng Cộng sản Đông Dương đã lãnh đạo Nam kỳ kháng chiến. Trong tác phẩm, Đoàn giỏi viết đích danh những nhà cách mạng như Trần Văn Giàu, Huỳnh Văn Tiếng, v.v… Còn bộ phim của Nguyễn Quang Dũng lùi ngược thời gian về khoảng những năm 1920-1930, “kể công” chống Pháp của Nghĩa Hòa Đoàn và Thiên Địa Hội, mà các “Hội kín” của xã hội đen được hình thành ở Nam bộ có sự góp mặt của Thiên Địa Hội, và theo Nhà văn Sơn Nam, Phong trào “du côn Sài Gòn” vào đầu thế kỷ gồm những thành phần, trong đó cũng có Thiên Địa hội. TS Văn học Hà Thanh Vân đã có bài viết rất công phu, đầy đủ chứng cớ, lý lẽ chặt chẽ, cô cho: “Toàn bộ phim chỉ mang dấu ấn đậm nét của Thiên Địa Hội”, và theo cô nên “đổi tên phim thành “Thiên Địa Hội ở Nam Kỳ”. Bài viết của Hà Thanh Vân đã được đăng tải trên nhiều báo chính thống. Chính Cục Điện ảnh và những người làm phim thấy cô viết đúng nên đã phải sửa.
Là người viết chính luận, phê phán nhiều người có quan điểm sai trái suốt gần 30 năm nay, tôi thấy sự lên tiếng của Hà Thanh Vân là một chuyện lạ. Bởi đội quân chiến sĩ cầm bút có tới hàng ngàn, hàng vạn nhà văn, nhà báo, nhưng trước những sai trái về chính trị tư tưởng, về xuyên tạc lịch sử, họ thường im lặng, dĩ hoà vi quý, ngậm miệng ăn tiền, có rất ít người lên tiếng. Phần tôi chỉ thấy có mấy người như Nhà Lý luận Phê bình Nguyễn Văn Lưu, Nhà Văn Vũ Hạnh, GS Trần Thanh Đạm, Nhà Văn BS Nguyễn Văn Thịnh.
***
Về ý kiến của ông BT Nguyễn Văn Hùng “Phim không vi phạm pháp luật”.
Theo Khoản 4 Điều 11 Luật điện ảnh 2006, phát hành phim mà có nội dung xuyên tạc lịch sử là hành vi bị cấm. Nếu như cá nhân, tổ chức phát hành phim có nội dung xuyên tạc lịch sử Việt Nam thì sẽ được xem là vi phạm pháp luật. Đồng thời có thể cấu thành Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân được quy định tại Điều 331 Bộ luật hình sự 2015.
Theo Luật An ninh mạng 2018 :
Điều 8. Các hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng
1. Sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi sau đây:
………..
c) Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc…
Như vậy, ông Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành đã không hiểu luật khi thông báo, ngày 29-9, kết quả 100% thành viên Hội đồng Thẩm định thống nhất kết luận phim không vi phạm Luật Điện ảnh và cho phép bộ phim được phổ biến”; và ông BT Nguyễn Văn Hùng khi đồng tình với Cục Điện ảnh thì cũng không hiểu luật.
***
Đối với quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin…” (Điều 25). Luật Báo chí năm 2016, Điều 11 quy định quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, đó là quyền phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới; tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với cá nhân và tổ chức”. Luật cũng xác định trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện quyền tự do báo chí: “Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình; Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ”.
Vì vậy, tôi là Nguyễn Văn Hùng, Nhà Lý luận Phê bình Đông La, Hội viên Hội Nhà Văn VN, một công dân là Cựu Chiến binh, từng tham gia Chiến dịch HCM; anh ruột tôi từng tham gia và hy sinh tại Chiến dịch Mậu thân 1968; Cha tôi Nguyễn Huy Xuất từng tham gia Chiến dịch ĐBP, nên tôi không thể im lặng trước sự xuyên tạc lịch sử.
Với phát biểu của bà đại biểu Tô Thị Bích Châu và ông BT Nguyễn Văn Hùng như trên thì có vi phạm quyền tự do ngôn luận không?
Nếu có, rất mong Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ban công tác đại biểu, cơ quan giúp Uỷ ban Thường vụ QH thẩm tra tư cách đại biểu Quốc hội, thẩm tra tư cách đại biểu Quốc hội của bà Tô Thị Bích Châu; Rất mong Chủ tịch QH Vương Đình Huệ, Thủ tướng Phạm Minh Chính và BCH Trung ương ĐCSVN, những cá nhân và cơ quan cấp trên của ông BT Hùng về chính quyền và về Đảng, thẩm tra tư cách và trách nhiệm của ông bộ trưởng.

8-11-2023
ĐÔNG LA