Thứ Sáu, 10 tháng 11, 2023

CHUYỆN BT BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO CHỐNG LẠI NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI

 CHUYỆN BT BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO CHỐNG LẠI NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI

Vừa rồi Quốc hội có tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm, có 2 ông BT đội sổ là BT Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và BT Giáo dục và Đào tạo. Bài trước tôi đã viết về ông BT Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hôm nay viết nốt về ông BT Giáo dục và Đào tạo.
***
Chiều 14/8, Quốc hội họp bàn về chuyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu, xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa là chủ trương đúng, nhưng thực hiện có những nội dung chưa phù hợp với quan điểm của Đảng, Nhà nước. Giáo dục và đào tạo phải “bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa”; “chủ động phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của cơ chế thị trường”; “Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong phát triển sự nghiệp giáo dục”.
Theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa; các tổ chức, cá nhân khác được khuyến khích tham gia biên soạn sách giáo khoa theo khả năng. Nhưng Đoàn giám sát của QH cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo không tổ chức biên soạn 1 bộ sách giáo khoa, đã hoàn toàn phụ thuộc vào xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa. Nghĩa là bộ này đã làm sai chủ trương của Đảng và Nhà nước. Đoàn đại biểu Quốc hội cũng chỉ ra giá sách chưa phù hợp; và “các bộ SGK có nhiều “hạt sạn””; “Một nguy cơ khác là thị trường xuất hiện tình trạng loạn xuất bản, rối các loại SGK với mức giá quá cao và có thể dẫn tới hậu quả biến chủ trương "xã hội hóa thành thương mại hóa".
***
Với những chuyện tày đình như vậy, nhưng ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn lại hoàn toàn không thấy mình sai phạm, không thấy mình đã không thực hiện trọng trách được giao. Ông ta đã đề nghị đoàn giám sát và Ủy ban Thường vụ Quốc hội “hết sức cân nhắc” điều “giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị nội dung một bộ sách giáo khoa của Nhà nước". Ông ta cho sách giáo khoa chỉ là “học liệu, công cụ, cái hỗ trợ giáo viên”; “Chương trình là duy nhất, thống nhất, học liệu là đa dạng và linh hoạt, vậy có cần một bộ sách giáo khoa - tức một bộ học liệu của Nhà nước hay không?" Không ngờ, một ông BT Giáo dục lại có quan điểm phản khoa học, phản giáo dục đến thế, khi ông ta coi thường SGK như thế. Thầy cô giáo giảng dù hay đến mấy cũng lời nói gió bay, SGK là cái tồn tại để không chỉ học sinh mà cả thầy cô cần phải đọc, nghiền đi, ngẫm lại. Vì vậy SGK phải được soạn đầy đủ, rõ ràng theo khung chương trình mà nhà nước quy định. Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đã phản bác ngay ý ông BT Nguyễn Kim Sơn: “không thể nói sách giáo khoa chỉ là học liệu, không quan trọng, hay người dạy muốn dạy gì thì dạy”.
Nguyễn Kim Sơn tiếp: “Điều này không phải vấn đề kỹ thuật hay vấn đề quản lý, mà liên quan tới tinh thần cốt lõi của đổi mới.
Bộ đang ra sức hướng dẫn, điều chỉnh, yêu cầu giáo viên thay đổi quan niệm về sách giáo khoa, thay đổi cách mà giáo viên sử dụng sách giáo khoa và coi đó là trọng tâm của đổi mới phương pháp dạy học.
Việc này không chỉ ảnh hưởng lớn tới chủ trương xã hội hóa trong việc biên soạn và phát hành sách giáo khoa, mà còn hệ trọng hơn, nó có thể tác động tới tinh thần đổi mới mà toàn ngành đang hướng tới về mặt phương pháp".
***
Trong văn chương, Nguyên Ngọc cũng từng phất cờ đổi mới, nhưng thực tế là đổi mới lộn ngược, vì ông ta đã khai sinh tên tuổi Nguyễn Huy Thiệp khi cho in trên báo Văn nghệ Truyện ngắn “Tướng về hưu”. Trong truyện, Nguyễn Huy Thiệp đã cho cái lý tưởng của thời chiến đã chết trong thời bình, ông tướng chiến thắng trở về không có đất sống trong chính ngôi nhà mình. Nguyên Ngọc cũng cho in truyện Thiệp viết về Vua Quang Trung như du côn, giặc cỏ, Nguyễn Ánh mới là nòi vương giả. Nguyên Ngọc cũng ca ngợi hết lời cuốn “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh bôi đen đội quân cách mạng, con đi bộ đội cha dặn ý “đừng ngu mà chết vì lý tưởng”, cho cuộc kháng chiến giành lại chủ quyền đất nước chỉ là “nỗi buồn” .
Bên Sử, Phan Huy Lê và đồng bọn cũng cho Nguyễn Ánh đã có công “thống nhất đất nước” bởi đã tiêu diệt được Nhà Tây Sơn; cho VNCH là quốc gia độc lập, chính danh, chính nghĩa; cho cuộc Kháng chiến Chống Mỹ là cuộc chiến ý thức hệ Quốc-Cộng.
Vậy, Nguyễn Kim Sơn đã thực hiện “đổi mới” giáo dục như thế nào? Khi không cho Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ SGK, Nguyễn Kim Sơn đã ngang nhiên chống lại Nghị quyết 88 của Quốc hội, đã đẩy việc SGK hoàn toàn cho “xã hội hoá”. Việc này đã không “hạn chế mặt tiêu cực của cơ chế thị trường” theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, trái lại, còn làm tăng mặt tiêu cực. Vì lợi nhuận, đã tính chiết khấu cao, làm tăng giá sách lên mấy lần. Đúng như Đoàn Giám sát của QH chỉ ra cái nguy cơ “biến chủ trương xã hội hóa thành thương mại hóa". GSTS Nguyễn Cảnh Toàn cũng viết: “Việc xã hội hóa SGK đã biến ngành GD trở thành thị trường mầu mỡ dành cho các quan chức và các doanh nghiệp ngành giáo dục”.
Còn nguy hiểm và độc hại hơn nữa khi Nguyễn Kim Sơn đã không chấp hành chủ trương “Giáo dục và đào tạo phải “bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa” và “Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong phát triển sự nghiệp giáo dục”. Nguyễn Kim Sơn đã tiếp tục BT Phùng Xuân Nhạ thực hiện chương trình đổi mới SGK với tổng chủ biên là ông Nguyễn Minh Thuyết, người có trong danh sách “72 tên” đòi đổi tên nước XHCN, công khai đòi xóa bỏ Điều 4 Hiến Pháp, công khai đòi thừa nhận VNCH là chính danh.
GS Trần Đình Sử có mặt ở hai khâu quan trọng biên soạn và thẩm định sách GK, nhưng ông cũng có tên trong danh sách “72 tên” đòi lật đổ chế độ. Trần Đình Sử từng bênh vực Phương Uyên là cô sinh viên trương khẩu hiệu viết bằng máu lợn: “Đảng Cộng Sản chết đi”; còn mưu đồ đặt bom tượng đài Bác Hồ. Ông cũng bênh vực cô Nhã Thuyên làm luận văn ca ngợi thơ nhóm Mở miệng dơ bẩn, tục tĩu, kêu gọi chống phá, lật đổ, xúc phạm cả Bác Hồ, cả Phật, cả Chúa, v.v… Trần Đình Sử còn viết trên facebook: “Gia Long là vị vua vĩ đại bậc nhất phong kiến Việt Nam. Tên ông cần được đặt cho con đường đẹp nhất Hà Nội”. Là một người như vậy nên Trần Đình Sử khi làm chủ biên sách giáo khoa theo một độc giả “lại ca ngợi những đứa phản quốc”. Đúng thật, sách giáo khoa văn 12 đã ca ngợi những tác giả có tác phẩm và phát ngôn phản lịch sử cách mạng, chống chế độ như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Nguyễn Quang Lập, Phạm Thị Hoài, Tạ Duy Anh, Võ Thị Hảo (về văn); Nguyễn Duy, Nguyễn Quang Thiều (về thơ).
***
Có một chuyện đúng là cười ra nước mắt. Bộ GD&ĐT đã chấp thuận vay 80 triệu USD từ IMF và WB với điều kiện WB chỉ định ông Nguyễn Minh Thuyết là tổng chủ biên SGK chứ không được giao cho ai khác trong hệ thống đương chức! Như vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã không theo chủ trương của Đảng và Nhà nước “Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong phát triển sự nghiệp giáo dục” mà vì 80 triệu đô vay đã để cho WB chỉ đạo sự phát triển ngành Giáo dục VN theo tư tưởng của một kẻ phản nghịch, đòi lật đổ chế độ.

10-11-2023
ĐÔNG LA