TÂM SỰ CUỐI TUẦN NHÂN CÔ BẢO NGỌC CÓ ĐỌC BÀI TÔI VIẾT VỀ PHIM ĐẤT RỪNG PHƯƠNG NAM
Thứ sáu tuần rồi, cô Bảo Ngọc chủ kênh Viet TV https://www.youtube.com/@viettv1053 có nhắn tin cho tôi: “Alo anh. Em xin phép sử dụng bài phản biện của anh đọc vào tối mai anh nhé! Bài đất rừng phương nam ạ. Có mấy bài nhưng em thấy bài anh viết là thuyết phục nhất ạ. Em cảm ơn anh”. Trước khi phát, cô nhắn tin cho tôi vào xem. Xem xong, tôi trả lời: “Mình đã nghe. Rất hay!!!”
Bảo Ngọc là trường hợp lạ, một thiếu phụ xinh xắn, lẽ thường sẽ quan tâm đến thời trang, giải trí, du lịch, v.v…. nhưng cô lại quan tâm đến chính luận. Một lĩnh vực rất khó, đến học giả hàng đầu, nhà chính trị, kể cả lãnh đạo nhiều khi cũng còn nói hớ, nói sai. Nhưng với Bảo Ngọc, với đôi lần tôi nghe thì thấy cô rất chắc chắn, rõ ràng, mạch lạc, và có lẽ vì vậy mà cô cũng là một độc giả theo dõi và đồng cảm nhiều với tôi. Trước đây 10 năm, có một tác giả nữ là Võ Khánh Linh viết trên blog về Cù Huy Hà Vũ, tôi thấy sao cô này nghĩ giống mình thế, nên đã nhắn tin làm quen. Trả lời email của tôi là tên đàn ông, và một dịp tôi ra HN alo gặp thì lại thành đàn bà, một thiếu phụ cũng xinh xinh. Cuộc gặp gỡ với Võ Khánh Linh đã mở ra cho tôi những cuộc gặp, những mối quan hệ rất thú vị, rất quan trọng, trở thành những kỷ niệm nhớ đời của tôi.
Đàn bà thật lạ, cậy là phái yếu, ai thiện thì rất thiện, ngược lại, ai ác thì cũng rất ác. Bên văn chương có mấy người ghê gớm như Dương Thu Hương, Võ Thị Hảo, Đỗ Hoàng Diệu, Nhã Thuyên… mà tôi đều đã viết về họ.
***
Nghe Bảo Ngọc đọc những chữ mình viết ra, tôi lại bâng khuâng nhớ về khoảng năm 1983, đi làm ở Viện Công nghiệp Dược về căn phòng ở khu tập thể, qua tầng có nhà anh Thái Thăng Long ở, không biết đài nhà ai cứ oang oang đọc cái truyện ngắn đầu tay của tôi, “Chuyện về hai người”, vừa được đăng trên Báo Văn nghệ TPHCM, người lâng lâng cứ như đi trên mây.
Giờ ngẫm lại, cái số tôi vào đời văn sao lại dễ dàng đến thế, đúng là cái gì cũng “làm một phát là được ngay”. Truyện ngắn đầu tay của tôi được đăng xong, được đọc ngay trên cả đài TPHCM và Đài TNVN, sau đó đăng tiếp báo Người Hà Nội, báo Văn nghệ (Hội Nhà văn VN), in sách.
Sau khi gặp cô Anh Thơ ít ngày, thấy tôi “có tài quá”, cô bảo: “Bây giờ chỉ Chế Lan Viên làm thầy cháu được thôi. Cô viết thư, cho cháu một chai rượu thuốc mang đến nhà biếu ông ấy, nhờ ông ấy đọc thơ. Nhưng ông này tự kiêu lắm, cháu phải đi đường vòng. Cháu mang cái truyện ngắn vừa đăng đưa cho cô Thường (Nhà Văn Vũ Thị Thường, vợ CLV) đọc, rồi nhờ cô ấy đưa thơ cháu cho CLV”. Tôi đạp xe đến nhà CLV khá xa phía Bà Quẹo, gặp cô Thường đưa các thứ. Bà tiếp tôi ở ban công thoáng đãng của một căn nhà nhỏ trong khu vườn khá rộng, cây cối um tùm. Sau khi hỏi tôi làm nghề gì, tôi không ngờ cô nói với tôi bằng cái giọng ngán ngẩm, ê chề về nghề văn: “Vậy là tốt quá rồi, văn veo làm gì, hai đứa con tôi (Thắm và Vàng Anh) đây này, tôi cho học Y tất (bây giờ giống tâm trạng của tôi quá). Bây giờ tôi sẽ đọc cái truyện ngắn này, có gì tôi sẽ sửa ngay nhá”. Bà vào trong nhà lấy cái bút chì dắt ở tai, rồi đọc. Thú vị là bà bị cuốn vào câu chuyện, đọc một mạch hết luôn, không sửa chữ nào, bà bảo: “Viết được đấy”. Từ đó, thái độ của bà hoàn toàn thay đổi đối với tôi. Tôi hay khoe người này người kia khen văn, thơ tôi, tuy là riêng tư nhưng lại rất thật, còn những bài báo nghiêm chỉnh, kể cả những quyển sách dầy cộp viết về người này người kia có khi lại là giả, viết vì đủ thứ quan hệ, viết theo khuôn mẫu để phấn đấu thành TS, GS, v.v…
Mấy tháng sau ngày đầu đến nhà CLV, thơ tôi mới đến được tay ông . Hôm ấy tôi đến nhà ông với chùm thơ dự thi ở cuộc thi thơ của Hội Nhà Văn TPHCM mà CLV có trong ban chung khảo, cô Thường gọi: “Anh Hoan (tên thật CLV) ơi, cậu này cũng có làm thơ, cậu ấy có dự thi đây này”. CLV ở phòng trong bước ra phòng khách, gọi tôi là “ông” rất bình đẳng: “Thế hở, ông cũng có làm thơ hở. Đưa tôi xem nào”. Đọc xong ông reo lên: “Ô, ông làm được đấy. Ông sẽ được giải đấy!” Tôi rất mừng, nhưng quá ngạc nhiên không hiểu “được giải” nghĩa là thế nào? Sao ông lại có thể cho tôi giải ngay tại nhà ông? Tôi ngạc nhiên bởi lúc ấy tôi còn chưa hiểu hết uy danh của CLV là như thế nào. Thời ông, về quyền chức ông thua Tố Hữu, nhưng về trí tuệ, tầm tư tưởng trong thơ thì Tố Hữu cũng nể ông. Vì vậy mà ông khoe tôi, những hội họp về văn chương trên thế giới có VN, ông thường được cử đi. Nói tôi sẽ được giải xong, CLV còn vào phòng trong bê ra 3 cuốn vở khổ lớn ra khoe cách làm thơ của ông với tôi như khoe một bạn tâm giao. Từ đó, hàng tuần tôi đều đến thăm ông, rồi ông đã chủ động đứng tên giới thiệu tôi vào Hội Nhà Văn TPHCM, xin cho tôi đi làm ở một tờ báo. Ông đã giúp tôi những điều tôi chưa nghĩ tới, nghĩa là ông đã quan tâm đến tôi giống như một người cha.
***
Sau đó, tôi còn “chinh phục” được những người rất nổi tiếng khác nữa , như Nguyễn Khải, dễ dàng viết những vấn đề rất khó, rất cao, sâu trong văn chương.
Nhưng rồi cho đến nay, kết quả trong làng văn nhiều đứa “ngu như bò” thì rất thành công, như thơ của thằng Linh và Mai Văn Phấn được chọn vào sách GK chẳng hạn, còn tôi thì thất bại. Mà xem chừng cái số phải thế, nếu tôi cũng ăn may như nhiều đứa, có thể tôi cũng sẽ ngậm miệng ăn tiền, trước bao cái sai, cái xấu, cái ác, cũng câm luôn!
12-11-2023
ĐÔNG LA