Thứ Ba, 17 tháng 4, 2012

VỀ CHUYỆN ÔNG LÊ HIẾU ĐẰNG “ĐẰNG ĐẰNG SÁT KHÍ”!

ĐÔNG LA
VỀ CHUYỆN ÔNG LÊ HIẾU ĐẰNG
“ĐẰNG ĐẰNG SÁT KHÍ”!
Vừa rồi lang thang trên mạng vào Đàn Chim Việt thấy có bài Ai biến chất chính trị và ai là người tự diễn biến?  đăng lại bài của ông Lê Hiếu Đằng trên trang Bauxite .
BÀI LIÊN QUAN: 

*TƯỚNG VĨNH CÓ PHẢI LÀ CON RỐI?

*Cù Huy Hà Vũ – KIỆN NGƯỜI KHI CHÍNH MÌNH PHẠM TỘI

*CHÂN DUNG BÙI THỊ MINH HẰNG, THẦN TƯỢNG CỦA MỘT NHÓM TRÍ THỨC

*YÊU NƯỚC HAY HẠI NƯỚC? (VỀ CÁC CUỘC BIỂU TÌNH GẦN ĐÂY)

   Cách đây mấy năm có thằng thuộc lứa đàn em bảo tôi: “Anh viết cho Đàn Chim Việt đi, em viết được tiền đó”. Viết báo mà được trả công thì cũng khoái và cũng là lẽ thường, có điều khi vô trang này thấy khuynh hướng chống đối ghê quá, nên ăn tiền mà phải đi nói điêu làm chuyện thất đức thì tôi xin kiếu.
  Còn tôi nhiều khi viết chỉ vì “thấy tức quá mà viết” nhưng cũng có lúc nản vì viết “chẳng để làm gì cả”, chưa từng nhận đến một xu nhuận bút của báo mạng, nhưng rồi không viết lại không chịu được, nên có khi tôi phải lấy một cái cớ rất vu vơ là “viết để đức cho con” để mà viết tiếp. Khi thấy Đàn Chim Việt  tuyên bố có vẻ đàng hoàng: “là diễn đàn của những tiếng nói tự do, không phân biệt đảng phái và chính kiến” nên tôi cũng thử gởi cái bài mới viết còn nóng hổi về chuyện Dương Thu Hương đi Mỹ xem sao. Không ngờ đúng là không khác gì cảnh một mình dẫn xác vào hang hùm nọc rắn, tôi đã bị bọn bụi đời internet ném đá tơi bời, còn Đàn Chim Việt  cũng đã “dân chủ” bằng cách đăng ngay bài của chính thằng “đàn em cò mồi” trên phản bác và làm lơ bài trả lời của tôi. Từ đó thấy mấy cái trang nhân danh “đấu tranh cho tự do, dân chủ” mà khiếp vía! Tuy vậy, không hiểu có phải tại “đòn đau nhớ đời” hay không mà thỉnh thoảng lại thấy “nhơ nhớ” cái trang này nên vẫn vào xem, vì thế mới thấy cái bài của ông Hiếu Đằng nói trên. Tôi thấy có điều thú vị, không phải tất cả, nhưng có một số người, cái tên như vận vào cuộc đời họ, hoặc ngược hoặc xuôi. Như ở Viện Dược cũ của tôi có ông tên là Nhai nhưng khi ăn ông lại không nhai được vì răng ông bị hư hết; còn ông Trần Mạnh Hảo, khi viết, quả đúng là một ông mạnh miệng; và với ông Lê Hiếu Đằng trong bài nói trên, ông cũng đúng là một người có cái khí khái “đằng đằng sát khí”, coi mấy vị lãnh đạo nước ta chả là “cái đinh” gì:
    “Trong những năm gần đây, các vị lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam thường nhắc nhở, cảnh báo cái gọi là “mất phẩm chất chính trị và tự diễn biến” của một số đảng viên trong Đảng”.
    Rồi ông lật lại vấn đề: “Nhưng 37 năm đã qua, sau ngày 30.4.1975, chúng ta thấy những gì đã diễn ra trên đất nước Việt Nam chúng ta?
       Trả lời câu hỏi này thì sẽ lộ ra kẻ nào, đảng viên nào là biến chất chính trị và kẻ nào, đảng viên nào là người tự diễn biến, phản bội lại mục tiêu ban đầu của cuộc cách mạng… Vấn đề này phải được tranh luận một cách công khai, minh bạch, nghiêm túc chứ không thể nói theo cách hàm hồ, cả vú lấp miệng em được”.
    Quả thực, để nói ra được những vấn đề rất lớn như vậy phải là một người có bản lĩnh và dũng cảm, đúng là khí phách của người từng trưởng thành từ phong trào đấu tranh của sinh viên khi xưa, một người mà theo ông Nhà thơ Đỗ Trung Quân, một người nổi danh với tư duy thơ trẻ con nay nghe nói đang tích cực thể hiện tư duy người lớn trong lĩnh vực “dân chủ”:  “Con người mang một án tử hình khiếm diện từ trước 1975” (theo Quê choa).
   Ông Lê Hiếu Đằng cho rằng “một số đảng viên” bị cảnh báo đó đều là những “cán bộ CM lão thành,  trí thức, văn nghệ sĩ” tiêu biểu của “truyền thống yêu nước, tha thiết xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, tiến bộ”. Ngược lại, theo ông chính những nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước hiện nay mới là “tự diễn biến” trong việc bảo vệ “độc lập, tự chủ và toàn vẹn lãnh thổ” và “Con thuyền Việt Nam đang bị lái chệch hướng”!
    Về vấn đề “độc lập, tự chủ và toàn vẹn lãnh thổ”, thể hiện cụ thể trong việc đối phó với Trung Quốc, ông Lê Hiếu Đằng viết: “sau 1975, đâu có ai ngờ kẻ thù đó lại là “ông bạn vàng, môi hở răng lạnh” từ phương Bắc” gây ra “chiến tranh biên giới, đánh chiếm hải đảo, giết chóc, bắt bớ, đánh đập, giam cầm, ngư dân, gây biết bao đau thương, tang tóc cho đồng bào, chiến sĩ chúng ta”  “đã làm nhân dân cả nước bất bình, phẫn nộ nên đã nổ ra các cuộc biểu tình yêu nước ở Hà Nội, TP. HCM”, nhưng lại bị chính quyền “đàn áp dã man, vi phạm nghiêm trọng các quyền tự do của công dân đã được ghi trong Hiến pháp”. Ngược lại, đối với Trung Quốc các vị lãnh đạo lại “nhu nhược”.  Trong Thư gửi các nhà lãnh đạo Việt Nam,  ông  viết: “Trong vòng đối thoại thường niên về quốc phòng giữa Việt Nam và Trung Quốc gần đây, ông Nguyễn Chí Vịnh – thứ trưởng Bộ Quốc phòng … đã có những phát biểu mà nhiều người … cho rằng vượt thẩm quyền … gây phẫn nộ trong những nhân sĩ, trí thức và đông đảo nhân dân… ông Vịnh đã thông báo cho phía Trung Quốc “ Chủ trương kiên quyết xử lí vấn đề tụ tập đông người ở Việt Nam…” . Ông Vịnh nhân danh ai, nhân danh cái gì mà đã hạ mình để làm vui lòng nhà cầm quyền Trung Quốc… Ông Nguyễn Chí Vịnh lấy quyền gì mà cam kết một cách nhục nhã với nhà cầm quyền Trung Quốc như vậy?... Hành động và lời nói của ông Vịnh đã xúc phạm nghiêm trọng đến lòng tự tôn và danh dự của cả một dân tộc”. Rồi trong THƯ NGỎ GỬI ÔNG ĐINH THẾ HUYNH  ông lại viết tiếp: “Tôi đợi một tuần qua để cơn giận dữ, lòng phẫn nộ và khinh miệt của tôi lắng xuống để ngồi bình tĩnh viết thư này cho ông để kịch liệt lên án và phê phán cách thức và nội dung đưa tin sai sự thật… một cách trắng trợn của TTXVN về các cuộc biểu tình tuần hành của nhân dân TP Hà Nội và nhân dân TP Sài Gòn – Hồ Chí Minh, mà xét đến cùng là trách nhiệm của ông với tư cách người lãnh đạo cao nhất của bộ máy thông tin tuyên truyền của Đảng và Nhà nước hiện nay”. “Cái tai hại nhất là việc thông tin sai sự thật trắng trợn của TTXVN, biến các cuộc biểu tình tuần hành thật sự trở thành chỉ là những cuộc tụ tập đông người, đã làm cho nhân dân trong nước, nhất là ở hai thành phố Hà Nội và Sài Gòn – TP.HCM cũng như dư luận nước ngoài càng tin rằng những thông tin chính thức từ TTXVN, cơ quan thông tin chính thức của Nhà nước, đều là nói láo, đổi trắng thay đen”.
     Trước ông Lê Hiếu Đằng, ông Tống Văn Công, nguyên TBT Báo Lao động, cũng đã phê phán đường lối ngoại giao của các vị lãnh đạo Việt Nam khi coi Trung Quốc là “Đồng minh”, mà theo ông, cần phải coi Trung Quốc là kẻ thù nguy hiểm khi viết: “Chúng ta đã từng gọi một cách chính xác “bọn bành trướng bá quyền Bắc Kinh là kẻ thù trực tiếp nguy hiểm”. Trong bài  tranh luận với ông Công, tôi đã viết:
       “Tham vọng bành trướng bá quyền vốn không chỉ là “đặc sản” của riêng người Tàu mà là bản tính chung của cái giống người. Kẻ có sức mạnh dễ sinh tham lam. Nhưng thật may, sau bao cuộc chiến đẫm máu, đã dẫn tới xu hướng của thời đại: đối thoại thay cho đối đầu, nước ta cũng đã thực hiện thành công chính sách ngoại giao đa phương, vì thế “góp ý” của Tống Văn Công coi “Trung Quốc là kẻ thù” đúng là nói ngược! Nó cũng trái với lời dậy tiền nhân trong các cách ứng xử: “bán anh em xa mua láng giềng gần”; “Hận thù nên cởi chứ không nên buộc”. Với tư tưởng “thêm thù bớt bạn” của Thiện Ý Tống Văn Công bất kể ta là ai, lực ta như thế nào, tuơng lai dẫn ta đến đâu, thực sự là nguy hiểm!”
      Tôi cũng viết: “nhiều khi chiến tranh xảy ra không chỉ do kẻ gây hấn mà còn vì phía bị gây hấn không khéo hóa giải, trái lại còn rơi vào cái bẫy khiêu chiến, tích cực “hợp tác” cho chiến tranh xảy ra!”
     Nhìn lại cuộc chiến Biên giới 1979, trong nhiều nguyên nhân có nguyên nhân chính là chúng ta đã không khéo hóa giải những căng thẳng. Chúng ta đã thẳng thừng từ chối vào liên minh chống Liên Xô của Trung Quốc, ngược lại ngày 3/11/1978, ta lại ký với Liên Xô Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác, mà  điều 6 là nhằm vào Trung Quốc khi viết: “Việt Nam và Liên Xô sẽ “tham vấn nhau ngay lập tức” nếu một trong hai nước “bị tấn công hoặc đe dọa tấn công … nhằm loại bỏ mối đe dọa đó”. Đại hội lần IV của Đảng Cộng Sản Việt Nam đã xác định Trung Quốc là “kẻ thù nguy hiểm và gần cận nhất”. Thêm vào đó vấn đề Hoa kiều cũng khiến căng thẳng leo thang. Những chuyện như đuổi việc Hoa kiều nào không nhập quốc tịch Việt; đóng cửa các báo và cơ sở giáo dục tiếng Hoa… đã gây ra một làn sóng Hoa kiều hồi hương. Tất cả những điều đó đã khiến Bắc Kinh nổi giận, họ cho Việt Nam là "hắc tâm", "ngạo ngược". Từng viện trợ cho Việt Nam trên 20 tỷ đô la, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong suốt hơn hai mươi năm, họ đã cho chúng ta là kẻ "vô ơn"! Từ đó, họ đã cắt Viện trợ và kí kết một hiệp ước quân sự với Khmer Đỏ, xúi Khmer Đỏ xâm lược VN. Khmer Đỏ vốn đã xâm lấn biên giới hải đảo và giết dân ta, có thêm sự hậu thuẫn đó, càng hung hăng hơn, từng đưa ra “nghị quyết” thật ngông cuồng: "Chỉ cần mỗi ngày diệt vài chục, mỗi tháng diệt vài ngàn, mỗi năm diệt vài ba vạn thì có thể đánh 10, 15, đến 20 năm. Thực hiện 1 diệt 30, hy sinh 2 triệu người Campuchia để tiêu diệt 50 triệu người Việt Nam". Đến ngày 13 tháng 12 năm 1978, với quy mô lớn, đã thực sự tiến công xâm lược Việt Nam, thực hiện sách lược diệt chủng đối với người Việt như đã làm với người Khmer. Hồi đó tôi còn đang học, nghe nói bọn Miên có rất nhiều cách giết người, trong đó có kiểu chúng treo ngược người ta lên rồi nhúng đầu vào nước sôi! Thật đúng là tội ác “Trời không dung, Đất không tha”. Ngày 23 tháng 12 năm 1978, quân ta đã phản công. Chưa đầy một tháng đã giành thắng lợi. Ngày 17 tháng 1 năm 1979, thị xã cuối cùng là Ko Kong đã được giao cho chính quyền mới của Campuchia. Tuy vậy, theo Chiến dịch phản công biên giới Tây-Nam, ta đã có đến 25.300 người chết và 55.000 người bị thương! Vậy mà để lấy lòng những người chế độ cũ, Hà Vũ từng cho hành động VN phản công bọn diệt chủng CPC đó giống như việc quân Mỹ có mặt tại VN!
     Trước tình trạng đó, Trung Quốc đã lấy cớ tiến hành cuộc chiến chống Việt Nam. Đặng Tiểu Bình tuyên bố: "Việt Nam là côn đồ, phải dạy cho Việt Nam bài học".  Có lần Đặng còn gọi Việt Nam là wangbadan (nghĩa bóng là “đồ chó đẻ”. Phó Thủ Tướng Lý Tiên Niệm đã coi sự tấn công quân sự như “một cái tát vào mặt Việt Nam để cảnh cáo và trừng phạt họ”. 5 giờ sáng ngày 17 tháng 2 năm 1979, quân Trung Quốc tiến vào Việt Nam trên toàn tuyến biên giới, với chiến thuật dùng biển lửa và biển người. Quân Việt Nam dày dạn trận mạc hơn đã đánh trả quyết liệt, có những sư đoàn quân Trung Quốc không phá nổi trận địa phòng thủ của một trung đoàn quân VN. Nhiều trận đánh đẫm máu giành giật các điểm cao quanh Lạng Sơn, quân phòng thủ Việt Nam có trận phải đánh đến viên đạn cuối cùng. Một lần về quê, tôi đã được nghe chú em nhà hàng xóm tham chiến chính trận này kể, quân ta bắn nhiều đến mức nòng súng đỏ rực, đạn rơi ngay trước mặt, phải đái vào cho nguội mới bắn tiếp được. Đến ngày 5 tháng 3 năm 1979, Bắc Kinh tuyên bố đã "hoàn thành mục tiêu chiến tranh", "chiến thắng" và bắt đầu rút quân. Phía ta cũng tuyên bố thể hiện "thiện chí hòa bình", “Việt Nam cho phép Trung Quốc rút quân”. Như vậy thực chất TQ đã bị thất bại, mục đích chính của họ muốn buộc quân ta phải rút quân để bảo vệ bọn diệt chủng Pôn Pốt đã không thực hiện được. Chúng ta đã chiến thắng nhưng theo Chiến tranh biên giới Việt-Trung, phía TQ cho bên ta chết và bị thương là 50.000 người; một tài liệu khác cho khoảng 25.000; theo tạp chí Time thì “có khoảng dưới 10.000 lính Việt Nam thiệt mạng”.  Cuộc chiến cũng đã gây ra những thiệt hại nặng nề: các thị xã Lạng Sơn, Cao Bằng, thị trấn Cam Đường bị hủy diệt hoàn toàn. Khoảng một nửa trong số 3,5 triệu dân bị mất nhà cửa, tài sản và phương tiện sinh sống. Nó còn mở ra tiếp theo hơn 10 năm căng thẳng trong quan hệ và xung đột vũ trang dọc biên giới giữa hai quốc gia, buộc ta phải thường xuyên duy trì một lực lượng quân sự khổng lồ dọc biên giới, gây hậu quả xấu đến nền kinh tế. Ngoài ra, nhiều cột mốc biên giới cũng bị quân Trung Quốc phá hủy.
     Nhắc lại cuộc chiến như vậy để thấy rằng chiến tranh là điều tối kỵ. Nếu ai đã đọc những ý của ông Vũ khoan về ngoại giao nói chung và việc ứng xử với Trung Quốc nói riêng trong TƯỚNG VĨNH CÓ PHẢI LÀ CON RỐI?  thì sẽ hiểu và thấy các vị lãnh đạo nước ta đã xử lý rất đúng và rất khéo léo. Nhưng ta thử xem ông Nguyễn Chí Vịnh đã làm gì mà để ông Lê Hiếu Đằng cho là: “vượt quyền”, “gây phẫn nộ”, “cam kết một cách nhục nhã với nhà cầm quyền Trung Quốc”, “làm thương tổn lòng tự trọng dân tộc, xấu hổ với bạn bè năm châu”…
     Đúng là ông Nguyễn Chí Vịnh trong cuộc “đối thoại chiến lược quốc phòng an ninh Việt-Trung cấp thứ trưởng lần hai ở Bắc Kinh” đã thông báo với phía Trung Quốc rằng Việt Nam sẽ  “kiên quyết xử lý vấn đề tụ tập đông người ở Việt Nam”, và dứt khoát “không để sự việc tái diễn” (xin xem Thứ trưởng Quốc phòng ca ngợi quan hệ Việt-Trung).
     Về các cuộc biểu tình đó, tôi đã viết trong YÊU NƯỚC HAY HẠI NƯỚC? như sau:   
      “ngay sau khi Người phát ngôn Bộ Ngoại giao ta lên tiếng phản đối Trung Quốc, những cuộc biểu tình xảy ra đã tạo được một sự cộng hưởng tuyệt vời… đã tỏ rõ ý chí của dân tộc, hậu thuẫn cho các nhà ngoại giao hóa giải mâu thuẫn. Có điều, như các cụ thường dạy “già néo đứt dây”. Khi những cuộc biểu tình biến thành phản ứng dây chuyền kích động thù hận để rồi xảy ra chiến tranh, rồi máu xương lại đổ, nhà cửa ruộng vườn lại nát tan, thì những cuộc biểu tình quá khích nhân danh lòng yêu nước đó sẽ không phải là yêu nước mà là làm hại đất nước”.
     Thực tế, những cuộc biểu tình đúng là đã trở thành quá khích, kéo dài đến mấy tháng trời, đã thực sự gây rối trật tự công cộng, ảnh hưởng đến sản xuất. Trong đó, đã có những chứng cớ chứng tỏ có sự kích động của thế lực thù địch, ảnh hưởng xấu đến an ninh quốc gia. Vì thế chính quyền mới vận động, thuyết phục giải tán biểu tình. Như vậy, với tư cách của nhà ngoại giao, đại diện cho Bộ Quốc phòng VN, ông Vịnh hoàn toàn có quyền trình bày quan điểm của nhà nước ta đối với TQ, chứ hoàn toàn không phải ý của riêng ông ta. Ông Lê Hiếu Đằng cũng cần phải biết, ta và TQ đang có những rắc rối và hai bên đang giải quyết chứ cả hai phía đều chưa tuyên bố chiến tranh. Nên trong quá trình hóa giải mâu thuẫn thì mọi lời nói trong đàm phán cần phải biến những chuyện không tốt cho hòa giải từ to thành nhỏ, từ nhỏ thành không có gì. Vì thế, chuyện ông Vịnh hoặc Thông Tấn xã VN gọi “biểu tình” là “tụ tập” là rất khéo léo và hoàn toàn phù hợp. Hơn nữa, ông Vịnh không chỉ có “nhu” như vậy mà ông cũng có “cương”: “Việt Nam luôn coi trọng “quan hệ đại cục” với Trung Quốc và mong muốn hai bên tìm được giải pháp “cùng thắng”. Cơ sở để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông là luật pháp quốc tế”, và “Việt Nam không bao giờ nhượng bộ vô nguyên tắc về chủ quyền”. Đặc biệt trong bài  “Đoàn kết là phải tôn trọng lẫn nhau”, về vụ tàu hải giám Trung Quốc gây hấn với tàu khảo sát địa chấn của PetroVietnam, BBC đã có cuộc phỏng vấn tướng Vịnh:
        “BBC: Thưa ông, gần đây trên các diễn đàn của người Việt có nhiều ý kiến chỉ trích rằng Chính phủ Việt Nam chưa có được phản ứng mạnh mẽ tương thích với các hành động gây hấn tàu bè, ngư dân và hoạt động dầu khí của Việt Nam. Ông nghĩ thế nào về các chỉ trích này?
        Tướng Nguyễn Chí Vịnh: Tôi cho là các chỉ trích ấy xuất phát từ tấm lòng đối với đất nước, nhưng cũng có một phần vì thiếu thông tin. Vấn đề là có đạt được mục đích của mình hay không chứ không phải cứng rắn như thế nào. Mục đích chính của Việt Nam là hòa bình, ổn định và chủ quyền lãnh thổ. Chỉ cần làm đủ để đạt được những điều đó.Thí dụ vụ tàu Bình Minh 02, sự việc hết sức nghiêm trọng, nhưng Việt Nam xử lý rất ôn hòa, bình tĩnh, phát biểu rất cương quyết nhưng thái độ rất xây dựng. Đây là vụ việc Trung Quốc sử dụng bạo lực đối với tàu của Việt Nam. Việt Nam không sử dụng bạo lực để đáp trả, nhưng kết quả là như thế nào? Tàu Bình Minh 02 vẫn tiếp tục hoạt động như cũ trong vùng biển của Việt Nam… Chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam là để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thì quan trọng nhất là xây dựng được sự đoàn kết với các nước có tranh chấp. Nhưng đoàn kết là phải tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng luật pháp quốc tế. Các mối quan hệ cũng phải công khai minh bạch. Tôi nghĩ đây là chủ trương đúng đắn”.
       Tôi có anh bạn từng là học sinh Miền Nam học với tướng Vịnh kể rằng tướng Vịnh hồi nhỏ rất quậy, từng là “học sinh cá biệt”; rồi gần đây trên cái chợ trời internet, biết bao “chuyện thâm cung bí sử” liên quan đến tướng Vịnh được tung lên, thực hư khó lòng phân biệt, đã khiến tôi thật e ngại khi ông Vịnh được giao những trọng trách. Nhưng rồi không gì bằng “thực tiễn là tiêu chuẩn kiểm tra chân lý”, tướng Vịnh gần đây, qua những chuyến công du, đối thoại với các đối tác về những vấn đề rất nan giải và phức tạp; qua những cuộc phỏng vấn, cụ thể là cuộc vừa dẫn ở trên; đã khiến tôi rất yên tâm và tin tưởng ông sẽ làm tốt được trọng trách rất nặng nề mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã giao cho ông: Lĩnh vực ngoại giao quốc phòng.
        Còn chuyện ông Lê Hiếu Đằng thấy “phẫn nộ”, rồi “nhục nhã” trước những hành động ngoại giao của ông Vịnh thì tôi thấy cũng đúng thôi. Có điều nó chỉ đúng với phạm vi nhỏ hẹp của thái độ ứng xử cá nhân vặt vãnh trong đời thường, chứ những người có suy nghĩ thâm sâu của một nhà tư tưởng hoặc những người có tầm nhìn xa trông rộng mang tính chiến lược của một nhà lãnh đạo về những vấn đề trọng đại liên quan đến vận mệnh của cả dân tộc, không ai lại có thái độ hời hợt, bốc đồng như vậy. Ông Đằng cũng nên hiểu, là người ai cũng có cái sĩ diện, ông Vịnh chắc cũng không sung sướng gì khi phải mềm mỏng với phía Trung Quốc, vì vậy việc ông phải nhún nhường như vậy phải được coi như là một sự hy sinh vì đại cục; cũng như ông Lê Thanh Nghị hồi kháng chiến trước đây, chắc ông ấy cũng không sung sướng gì, khi hàng năm phải “vác rá” đi xin viện trợ khắp nơi cho đất nước. Biết làm sao được khi nước ta đến tận bây giờ, dù đã có những bước phát triển mà trong mơ ngày xưa cũng không thấy, vẫn còn là một nước nhỏ và yếu về mọi mặt! Còn chỉ cần biểu tình mà làm TQ sợ, chỉ cần biểu tình mà cứu được đất nước thì tôi cũng sẽ vận động, không chỉ cả nhà mà cả họ nhà tôi, cũng sẽ tham gia biểu tình với các vị. Tiếc là thực tế không phải như vậy, những cuộc biểu tình quá khích không chỉ gây mất trật tự công cộng mà còn làm khó cho công việc hóa giải mâu thuẫn. Thật tiếc cho nhiều người tham gia biểu tình, họ không biết hành động yêu nước của họ đã bị lợi dụng bởi những thế lực mà trong đó có những người mang danh “cán bộ CM lão thành,  trí thức, văn nghệ sĩ”, mà như ông Vũ Khoan nói, chỉ “vì những tính toán riêng”. Chúng ta hãy coi lại ông Phó Thủ tướng nói về lòng yêu nước chân chính: “Lãnh đạo mà có được người dân nhiệt tình yêu nước thì còn gì hơn! Chỉ có điều cách thể hiện lòng yêu nước sao cho có lợi nhất cho đất nước. Những người thể hiện lòng yêu nước cao đẹp nhất là các chiến sỹ ở hải đảo không quản ngại gian nan, giữ vững chủ quyền. Tôi vô cùng khâm phục họ, nhất là các chiến sỹ ở những điểm DK nhỏ xíu giữa biển khơi mênh mông, sóng bão bịt bùng mà vẫn kiên định. Tôi cứ trộm nghĩ phong tặng danh hiệu Anh hùng cho tất cả những người đó cũng xứng đáng!”. Lần đầu đọc chữ DK, tôi cứ tưởng là những giàn khoan dầu khí có bộ đội, sau có một đứa cháu cùng quê là lính hải quân đóng tại chính “điểm DK” đó cho biết, tôi mới không ngờ rằng, DK chính là những nhà giàn của Hải quân, ở mãi tít tận đường biên giáp lãnh hải quốc tế, chính là những đồn biên phòng, những cột mốc biên giới sống trên biển! Cứ sáu tháng đằng đẵng, họ thay nhau ở trên cái nhà giàn nhỏ xíu giữa trập trùng sóng bão đó, ngày thì nắng lửa thiêu đốt, đêm thì mịt mù tối đen, để canh giữ biển trời! Đó mới thực sự là yêu nước, lòng yêu nước đó mới cần được tôn vinh, chứ đâu có thứ vinh quang nào lại giành cho bọn “chính khách sa lông”, bọn “hồng vệ binh dân chủ” thùng rỗng kêu to!
       Về vấn đề “Con thuyền Việt Nam đang bị lái chệch hướng”, ông Lê Hiếu Đằng viết:
     “Thực tiễn cho chúng ta thấy là trong 37 năm qua, từ 30.4.1975 đến nay, các quyền tự do, dân chủ được qui định trong Hiến pháp 1946 đã bị tước đoạt toàn bộ. Nhà nước dân chủ cộng hòa đã bị thay thế bằng một nhà nước toàn trị, độc đoán. Tinh thần tiến bộ của “Tuyên ngôn độc lập” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên đọc tại Ba Đình lịch sử với cam kết đem lại “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” cho đất nước và cho nhân dân đã gần như bị lãng quên, nếu không nói là đã bị phản bội. Thành quả cách mạng đã bị đánh tráo. Các quyền cơ bản của người dân như tự do báo chí, tự do biểu tình, đình công, tự do lập hội… đều bị ngăn cấm hoặc xâm phạm thô bạo như đàn áp các cuộc biểu tình ở TP. HCM, ở Hà Nội, bức tử viện nghiên cứu độc lập đầu tiên của trí thức (IDS), bắt bớ, giam cầm các nhà đấu tranh cho dân chủ, các blogger, các nhà báo tự do và gần đây nhất là tại TP. HCM, bằng chỉ thị miệng, lén lút và hèn hạ, đã cấm chiếu phim “Hoàng Sa – Nỗi đau mất mát” của André Menras, giải tán hoạt động của các tụ điểm văn hóa lành mạnh như Ami ở Văn Thánh, café Thứ Bảy, bãi bỏ một số buổi giao lưu giữa bạn đọc với một số học giả, trí thức, nhà văn mà chính quyền cho là có “vấn đề” tại Hội sách TP. HCM mới đây, không cho tiếp tục chuyên mục “Câu chuyện triết học” hằng tuần vào số báo thứ tư của Sài Gòn Tiếp Thị”.
      Về những điều trên đây, ông Lê Hiếu Đằng viết không hoàn toàn sai. Bản thân tôi là một người viết văn thấy việc công bố tác phẩm của mình cũng lắm chuyện, việc đăng hay không không tùy thuộc vào chuyện đúng sai, hay dở mà tùy thuộc vào trình độ và ý thích của ông, bà biên tập viên ở mỗi tờ báo. GS Trần Đình Sử từng một lần nói là ông rất thích những bài phê bình của tôi đăng trên mạng, ông hỏi tôi sao không đăng Báo Văn Nghệ cho nhiều người đọc. Tôi trả lời rằng trước khi đăng trên mạng, bài nào tôi cũng gởi báo Văn nghệ nhưng gần như họ không đăng, chỉ đăng vài lần thôi. Gần đây tôi có viết một bài về văn của ông bạn Nguyễn Quang Thiều, giờ đã là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn rồi, thấy nhiều người thích, tôi bảo Nguyễn Quang Thiều: “Giờ ông đã là lãnh đạo, ông phải công bằng với tôi và cả với chính ông nữa, ông phải gởi báo VN đăng đi”. Ông Phó Chủ tịch đã trả lời: “Ông viết dài quá. Bao giờ ông là ông Nguyễn Phú Trọng thì sẽ được đăng bài dài như thế”. Tôi nản, không lẽ dài ngắn lại là tiêu chuẩn quan trọng nhất của báo Văn nghệ, diễn đàn trung tâm của nền văn chương VN?
        Dù có như vậy, nhưng tôi thấy những ý của ông Lê Hiếu Đằng ở trên có nhiều chỗ cực đoan và không đúng với thực tế. Bàn về tự do dân chủ của một xã hội là khó, nó cũng có tính tương đối như thuyết tương đối của Einstein vậy. Nếu không gian, thời gian theo thuyết tương đối tùy thuộc hệ quy chiếu thì tự do dân chủ cũng tùy thuộc vào trình độ của một xã hội. Như bầu cử bên Mỹ, họ đấu nhau rất dữ, nhưng bầu xong rồi thì thôi, nhưng ở Thái Lan, bầu bán xong rồi, biểu tình vẫn cứ diễn ra. Ở Hà Lan,  mại dâm là một nghề được luật pháp công nhận và được tự do sử dụng những chất gây nghiện, với những nước lạc hậu mà cũng như vậy thì không biết xã hội của họ sẽ dẫn tới đâu? Với nước ta, trình độ xã hội chưa cao, với một lịch sử bị xâu xé, nên việc lấy hình mẫu dân chủ tự do ở một nước nào đó để so sánh rồi phê phán thì không thỏa đáng. Riêng tôi thấy, những quyền cơ bản nhất là quyền sống và mưu cầu hạnh phúc thì chẳng có ai bị nhà nước ngăn cấm cả. Cả xã hội ta đang đua nhau làm giàu, đua nhau khoe của, ở Sài gòn tôi thấy những khu dân cư mới mọc lên như nấm, khiến biên giới sắp dính vào các tỉnh lân cận rồi. Có chăng, chỉ có tự do nói bậy, tự do viết bậy, tự do quấy rối là bị ngăn cản mà thôi! Với trình độ xã hội đến GSTS, Nhà văn, Nhà thơ, và đủ các loại nhà khác nữa, khi thể hiện chính kiến còn loạn xà ngầu thì không biết với quy mô toàn xã hội sẽ như thế nào?  Tôi thấy có nhiều việc, như Bô-xít, như  vấn đề Trung Quốc chẳng hạn, đã trở thành những cái cớ cho nhiều vị nhân danh đủ thứ để công kích các nhà lãnh đạo vì “những tính toán riêng” như ông Vũ Khoan nói, chứ chẳng phải vì đất nước. Nếu vì đất nước thật thì chẳng có nhiều hành động phi lý như vậy. Có người hành động giống như  sự giải tỏa những uất ức do nhiều tham vọng không đạt được, từng phải kìm nén trong suốt cuộc đời công chức, giờ hưu rồi không sợ gì nữa mới xổ toẹt hết ra! Có điều mạnh miệng phê phán lãnh đạo không có nghĩa là mình có tài hơn họ, cũng như tự do ngôn luận lại đồng thời tự do bộc lộ cái tâm tối, cái trí thấp của chính mình!
      Riêng những điều mà ông Lê Hiếu Đằng đã viết này:
      “Sự phân hóa sâu sắc giàu nghèo, sự xuống cấp, tha hóa của đạo đức xã hội với tệ nạn dối trá, sống không trung thực, chạy theo chức quyền, đồng tiền một cách mù quáng… Họ đặt lợi ích của Đảng mà thực chất là lợi ích của cá nhân, của gia đình các nhóm lợi ích lên trên lợi ích của quần chúng, của xã hội, lên trên sự tồn vong của đất nước, của Tổ quốc. Phẩm chất chính trị của người đảng viên Đảng Cộng sản, nếu Đảng Cộng sản Việt Nam còn là một đảng cách mạng, là anh có còn trung thành với những mục tiêu ban đầu của cuộc cách mạng xã hội không? Trên cơ sở tiêu chuẩn này, thì hiện nay ai là người biến chất về mặt chính trị, tự diễn biến để trở thành tay sai của các thế lực, dù thế lực đó bất cứ là ai, là ngoại bang hay tập đoàn, nhóm lợi ích, các chủ đầu tư, bọn làm giàu bất chính, nghĩa là tay sai, nô lệ cho đồng tiền?”
      Tiếc là lại có thật trong xã hội VN hôm nay, cái sự thật mà chính ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã cảnh báo là “nguy cơ tồn vong của chế độ”.
      Có điều, cả những người yêu chế độ lẫn những người chống chế độ đều thấy nhưng cách giải quyết thì ngược nhau.
      Những người chống chế độ, từ những mầm mống bất ổn đó, muốn kích động thành bạo loạn, muốn xảy ra một cuộc cách mạng mầu sắc như mấy nước Đông Âu; hoặc viển vông hơn, họ mơ tưởng đến một sự can thiệp quân sự của nước ngoài, như Irắc, Lybie chẳng hạn. Có điều dân Việt mình lại không như dân mấy nước trên dễ dàng chịu khuất phục. Còn Mỹ, Pháp bây giờ cũng đã là bạn, họ đã rút ra được những bài học “cay đắng” sẽ chẳng bao giờ dại dột đi theo vết xe đổ cũ; chỉ giả sử có một lực lượng “từ trên trời rơi xuống” giúp một ông “Ngô Đình Diệm” mới nào đó “phục quốc”, tụ tập những đồng bào “mất nước” của VNCH, những lực lượng “đổi mới” như Nguyên Ngọc, Dương thu Hương, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Thanh Giang, Hà Sĩ Phu, Bùi Tín; những “trí thức” như Huệ Chi, Xuân Diện; những công dân “yêu nước” như Minh Hằng v.v… thì nước ta chắc lại phải bước lại những bước đi của lịch sử, lại bắt đầu như năm 1954. Rồi sẽ lại đầu rơi máu chảy, sẽ lại “Toàn thắng”; sẽ lại “Đấu tranh dân chủ” nữa… Có lẽ nào đất nước này mãi mãi quanh quẩn trong vũng lầy của bùn và máu đó?
       Còn những người có lương tri nói chung ai cũng muốn Đảng, Nhà nước cần xác định đúng thực trạng yếu kém và đưa ra được những giải pháp phù hợp để khắc phục những tệ nạn đó, giữ gìn đất nước ổn định và phát triển. Đây là một cuộc chiến không tiếng súng, không đầu rơi máu chảy, nhưng lại không kém gian nan, bởi nó là một cuộc chiến chống lại lòng tham, lòng tham về quyền lực, lòng tham về danh lợi. Nó không chỉ có ở người khác mà còn ngự trị trong chính mỗi bản thân chúng ta. Để có được chiến thắng trong cuộc chiến này không thể chỉ trông chờ vào lương tri và đạo lý, mà một thời máu lửa, từng tạo ra được một sức mạnh vô địch của tinh thần cách mạng. Còn trong xã hội thực dụng hôm nay, theo tôi, cái cần hơn hết là những cái mà trong bài phản bác ông Phạm Toàn, bênh ông Nguyễn Trung trên Talawas, tôi đã viết:
       “Phải xây dựng thiết chế xã hội dựa trên cái phần yếu kém, tham lam, xấu xa của con người, phải đề ra các biện pháp để ngăn chặn; phải thấy ai cũng vì mình trước mới vì mọi người; quan chức là cấp trên chứ không phải là đầy tớ, họ phải có đặc quyền đặc lợi gắn liền với trọng trách; Đảng lãnh đạo nhưng là tổ chức ở trong chứ không phải ở trên xã hội, nên trước pháp luật cũng bình đẳng như bất cứ một tổ chức nào khác; các nhà lãnh đạo là công chức cao cấp; cần phải phân biệt đạo đức xã hội khác với đạo đức trong đạo giáo và sách luân lý, không cần phải làm theo những khẩu hiệu cao xa mà chỉ đơn giản là ai làm tròn trách nhiệm nấy và thực thi đúng pháp luật. Được thế thì độc đảng hay đa đảng cũng chỉ là phụ. Thậm chí, với một cơ chế hợp lý, bộ khung pháp luật vững mạnh, chỉ cần vài tay lái có trình độ và bản lĩnh thôi, con tầu đất nước vẫn đủ sức băng qua mọi phong ba bão táp của cuộc sống, tiến thẳng đến đíchdân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
    Cuối cùng, để thỏa lòng “yêu nước” của nhiều vị, tôi thiết tha đề nghị nhà nước thành lập một Mặt trận chống Tàu, suy tôn tướng Vĩnh làm tư lệnh, ông Đằng làm chính ủy, ông Huệ Chi, người từng phát hiện ra điều thâm sâu cả thế giới không ai biết: Einstein học trò của Lão Tử, sẽ làm quân sư chắc chắn sẽ giỏi hơn Gia Cát Lượng nhiều; ông Chu Hảo, Quang A sẽ phụ trách quân giới. Ngày xưa ông Trần Đại Nghĩa mới là kỹ sư còn chế tạo được vũ khí làm Pháp khiếp vía, các ông này là GSTS chắc phải làm được vũ khí hùng mạnh hơn nhiều. Để mặt trận tươi mát cho Minh Hằng làm nữ ủy viên phụ trách việc gào thét cho quân địch ù tai mà chết. Mặt trận sẽ tụ tập con, cháu, chắt, chít của các vị, cùng các chiến sĩ biểu tình, các chiến sĩ hải ngoại thường chê các vị lãnh đạo hèn nhát v.v… Trận đầu sẽ  giành lại Hoàng Sa. Sau đó sẽ thừa thắng chiếm luôn TQ cho gọn. Rồi tiện thể chiếm luôn Nga Xô để biên giới ta giáp các nước dân chủ Tây Âu văn minh. Thế là không còn phải lo gì nữa. Còn tôi, cha từng đánh Điện Biên, chú chết ở Điện Biên, anh ruột chết ở Mậu Thân 68, bản thân xuýt chết ở chiến dịch HCM 1975, giờ có hai đứa con khá xinh và học khá giỏi; tôi xin nhường hết lòng yêu nước cho các vị. Tôi sợ chiến tranh lắm rồi, không muốn đứa con trai lại phải đào hầm, xây chốt, đánh địch; không muốn đứa con gái lại thanh niên xung phong đắp đường.
       Rất mong Nhà nước nhanh chóng chấp thuận! Chấp thuận!

TPHCM
ngày 8-5-2012
ĐÔNG LA
(Người không yêu nước nữa)