Thứ Năm, 24 tháng 4, 2014

NGUYÊN NGỌC VÀ NHÃ THUYÊN


Trong BẢN PHẢN ĐỐI VÀ YÊU CẦU gửi: PGS. TS. Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội có 108 « NHÀ TRÍ THỨC» (Cập nhật từ ngày 18/4/2004 - 0h30 20/04/2004), trong đó Nguyên Ngọc đứng thứ 28. Họ viết: “Chúng tôi phản đối và yêu cầu Ông hủy Quyết định số 667/QĐ-ĐHSPHN ngày 11 tháng Ba năm 2014 và Quyết định số 708/QĐ-ĐHSPHN ngày 14 tháng Ba năm 2014, do trường Đại học Sư phạm Hà Nội ban hành, về việc không công nhận luận văn và thu hồi bằng Thạc sĩ Khoa học Ngữ văn của Đỗ Thị Thoan” vì  « không có cơ sở pháp lý» và « đã xâm phạm thẩm quyền và quyền lợi của Hội đồng Đánh giá luận văn, của Người Hướng dẫn và Tác giả luận văn».

Tôi đang viết về điều này chưa xong, xin đăng trước bài này :

ĐÔNG LA

NGUYÊN NGỌC VÀ NHÃ THUYÊN




“nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng vụ đả kích luận văn Đỗ Thị Thoan đã đưa chúng ta «về thời kỳ đồ đá, nhất là trong lĩnh vực tư tưởng văn hóa».

TUYÊN HÓA trong bài MỘT “GÓC NHÌN” PHẢN VĂN HÓA … trên Báo Quân Đội Nhân Dân viết:


“…thơ của nhóm Mở Miệng còn hào hứng miêu tả những bộ phận sinh dục của đàn ông và đàn bà, những hành vi làm tình, hành lạc… bằng những từ ngữ thô tục, trần trụi nhất mà một người bình thường không thể nhắc lại được, dù là để phê phán… Ấy thế mà Đỗ Thị Thoan ca ngợi: “Những thi phẩm này (đúng là phải gọi bằng từ “thi phẩm”) đều sạch, đẹp và giàu năng lượng cảm xúc…” (tr.64)… Từ việc đồng lõa, bênh vực và “tôn vinh” thứ thơ bệnh hoạn, tắc tị như trên, tác giả đã bộc lộ thái độ chính trị của mình thông qua việc ca ngợi  những nhà văn “phản kháng” như Phạm Thị Hoài, Dương Thu Hương… để rồi xuyên tạc và kích động: “Nhưng giai đoạn khủng hoảng, phẩm tính phản kháng vốn tiềm tàng trong lòng các xã hội chuyên chế sẽ trỗi dậy. Đây là giai đoạn thích hợp cho nổi loạn, cho phá phách, cho thái độ vô trật tự, vô chính phủ…”

Tôi cũng thấy ngoài hành động kích động có tính chất phạm pháp của những kẻ nổi loạn, việc sử dụng tùy tiện hình ảnh các bậc thần thánh là hành động báng bổ của kẻ lưu manh, vô văn hóa, xúc phạm nghiêm trọng tín ngưỡng giáo dân. Giáo hội Thiên Chúa giáo và Giáo hội Phật giáo cần phải kiện những kẻ phạm pháp ra tòa!

Với những sự phê phán rất đúng, đầy tinh thần trách nhiệm, có chứng cớ cụ thể như vậy, tại sao Nguyên Ngọc lại cho rằng “vụ đả kích luận văn Đỗ Thị Thoan đã đưa chúng ta «về thời kỳ đồ đá, nhất là trong lĩnh vực tư tưởng văn hóa»? Việc phản đối bất chấp như vậy, phải chăng Nguyên Ngọc sống ngoài vòng pháp luật, theo luật rừng, thời bầy đàn ăn lông ở lỗ? Phải chăng do tuổi cao mờ mắt không còn đọc được chữ hay do cay cú thất bại trong tham vọng chính trị đã khiến ông mù văn hóa? Việc bênh vực Nhã Thuyên một cách bất chấp như vậy, Nguyên Ngọc thực sự đã có hành động vu cáo, nghĩa là đã phạm pháp!

Còn nếu Nguyên Ngọc cũng như Phạm Xuân Nguyên mang danh “khoa học” ra che chắn thì như tôi đã viết trong cuốn Bóng tối của ánh sáng: “Chủ nghĩa Hậu hiện đại cũng như mọi trào lưu đã xuất hiện khác đều có phần có lý. Tư tưởng … đấu tranh cho bình đẳng, dân chủ, vai trò cá nhân; phá vỡ những quy phạm nghệ thuật mòn cũ… là những mặt tốt”.

Một thể chế cũng có thể như một hệ kín, nó cũng tuân theo quy luật tăng entropy dẫn đến sự đổ vỡ nếu không mở để tiếp năng lượng của nền dân chủ. Vì vậy nếu coi Chủ nghĩa Hậu hiện đại như là phần bổ sung, sự đóng góp của hệ thống ngoài trung tâm, sẽ rất tốt cho sự phát triển.

Nhưng thực tế nhóm Mở miệng vì tôi cao, trí thấp với tính vọng ngoại đã hành động với tâm thế nô lệ tri thức, chỉ tiếp thu cái phần cực đoan, phản tiến bộ của Chủ nghĩa Hậu hiện đại. Một độc giả của tôi là chị  Phung Kim Yen, đã có ý kiến: “Tội ác trời không dung đất không tha cho những kẻ đầu độc thế hệ thanh thiếu niên bằng sản phầm văn chương, văn hóa, đồi trụy, đầy thú tính . Những kẻ tiếp tay bảo vệ ca tụng như PXN nên bị đuổi ra khỏi HNV Việt Nam”. (Chị Yến không biết PXN là Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội nhưng không “thèm” xin vào HNV Việt Nam).

Còn tôi đã viết: “Văn chương như phòng khách của tinh thần, không thể quăng bừa rác, uế tạp và thô bỉ lên đó được”.

Chỉ những người như Nguyên Ngọc, Phạm Xuân Nguyên cũng như những “nhà phê bình” vọng ngoại, nhai bã mía cũng suýt xoa khen ngọt, mới bênh Nhã Thuyên, mới bảo vệ thơ của nhóm Mở miệng. Nhưng thái độ đó chỉ là cái việc như tôi đã viết:

“… cố công độc đáo hóa cái lập dị, nghiêm túc hóa cái bông phèng, sâu sắc hóa cái vô nghĩa, cao siêu hóa cái tầm thường, và cuối cùng là nhân bản hóa cái phi nhân tính, bởi đã kỳ công đi phân tích mùi thơm của thối rữa, tô vẽ màu sắc cho rác rưởi; cả hai, cả sự sáng tạo và thẩm định, hoàn toàn có thể nói thực chất chỉ là sự xả rác trí tuệ mà thôi”.

Chỉ lạ là ở ngoài đời các vị vẫn phân biệt được bát cơm với phế thải nhưng tại sao trong văn chương thì lại không phân biệt được, những điều mà bất cứ ai có nhân tính cũng thấy. Hay tại các vị bất chấp tất cả, nên đã tận dụng mọi cơ hội để quấy rối?

24-4-2014

ĐÔNG LA