Thứ Bảy, 26 tháng 4, 2014

VỤ NHÃ THUYÊN- "BẢN PHẢN ĐỐI VÀ YÊU CẦU", AI PHẠM PHÁP?

Dù bận viết cái bài về Nhã Thuyên liên quan đến những lý thuyết lằng nhằng, mất khá nhiều thì giờ, tôi vẫn không quên nhiệm vụ mà tôi coi là thiêng liêng, bảo vệ nữ thánh Vũ thị Hòa (Xin nhớ tôi tạm gọi như thế chứ chưa chính xác đâu). Hôm qua cô gọi:
-Anh Đông La ơi, bao giờ Đoàn ĐBQH Yên Bái trả lời em?
-Một tỉnh cũng đông người mà, cô phải chờ thôi.
-Nếu người ta không trả lời em thì sao?
-Phải trả lời chứ, vì họ là đại biểu của nhân dân cơ mà.
-Nhưng cái ông em gửi chính lại là cái ông từng gửi thông báo của QK7 xuống các nơi ở Yên Bái bảo em lừa đảo đấy.
-Tại ông ấy không hiểu, nên lẽ ra ông ấy phải tìm hiểu để bảo vệ dân thì ông ấy lại đi làm hại dân. Bây giờ ông ấy đọc đơn của cô hiểu ra vấn đề rồi thì ông ấy sẽ phải làm đúng chức trách của ông ấy thôi. Còn ông ấy cố tình làm sai thì em sẽ viết ra. Cái trang em là trang cá nhân nhưng toàn bàn chuyện của đất nước nên mấy ông Trung Ương cũng đọc đấy. Em mà viết ra thì cái ông ĐBQH Yên Bái đó muôn đời không tiến nổi đâu!
VỤ NHÃ THUYÊN-
"BẢN PHẢN ĐỐI VÀ YÊU CẦU", AI PHẠM PHÁP?

Trong những người ký tên vào BẢN PHẢN ĐỐI VÀ YÊU CẦU gửi PGS. TS. Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đặc biệt nhất chúng ta lại thấy có những “gương mặt thân quen”, luôn ở trên tuyến đấu chống đối như Nguyên Ngọc, Nguyễn Huệ Chi, Chu Hảo, Nguyễn Quang A, Phạm Xuân Nguyên, Tương Lai, Nguyễn Quang Lập. Tôi cũng chỉ ra thêm một số những ngưởi tôi biết, những người tôi quen, và thật tiếc có cả những người từng thân thiết với tôi như Chu Văn Sơn, Hoàng Hưng, Ngô Văn Giá, Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Thị Từ Huy, Trần Đình Sử, Trần Ngọc Vương, Lại Nguyên Ân, Phạm Vĩnh Cư, Đỗ Lai Thuý, Trương Đăng Dung “Đã và đang làm việc trong lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu, tại Việt Nam”.  Họ ký tên để phản đối và yêu cầu ông hủy Quyết định số 667/QĐ-ĐHSPHN ngày 11 tháng Ba năm 2014 và Quyết định số 708/QĐ-ĐHSPHN ngày 14 tháng Ba năm 2014, do trường Đại học Sư phạm Hà Nội ban hành, về việc không công nhận luận văn và thu hồi bằng Thạc sĩ Khoa học Ngữ văn của Đỗ Thị Thoan bởi hai văn bản này là phi pháp và phi lý” vì:   
Theo Quy chế Đào tạo Trình độ Thạc sĩ ... của Bộ Giáo dục và Đào tạo... không có cơ sở pháp lý cho việc được gọi là “thẩm định”” 
Khoản 1 Điều 22 Quy chế văn bằng, chứng chỉ ... của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo... đã quy định cụ thể năm trường hợp bị thu hồi hay huỷ bỏ văn bằng... Đỗ Thị Thoan không thuộc trường hợp nào trên đây, do đó thu hồi văn bằng của Bà là trái với Quy chế này”.
Thật tiếc cho những “nhà trí thức này” không biết có phải do “nghiên cứu” nhiều quá mà “tẩu hỏa nhập ma”, không thấy trong 5 trường hợp “văn bằng, chứng chỉ” bị thu hồi thì có trường hợpb) Cấp cho người không đủ điều kiện.
PGS. TS. Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã thu hồi bằng thạc sĩ của Đỗ Thị Thoan chính vì điều b đó nên hoàn toàn hợp pháp. Như vậy, chính BẢN PHẢN ĐỐI VÀ YÊU CẦU ” của các vị tố ông Hiệu trưởng “phạm pháp” thì chính các vị lại phạm pháp. Còn nếu các ông, bà không hiểu điều này thì chứng tỏ các vị chưa đọc luận văn của Đỗ Thị Thoan, còn đọc rồi mà vẫn chưa hiểu thì là do các vị dốt!
Với nước ngoài, theo TRẦN VIỆT QUANG - HỒ NGỌC THẮNG trên nhandan trong bài Ho-đâu-cần-quan-tâm-tới-khoa-học: “Ðiều 21 quy định thủ tục thi, bảo vệ luận văn thạc sĩ ngành kinh tế Trường Ðại học Tổng hợp Dortmund ghi rõ: Học vị thạc sĩ có thể bị tước nếu sau khi trao, phát hiện người làm luận văn lừa dối hoặc có sự ngộ nhận của hội đồng chấm luận văn”.
Thật buồn cười khi thấy có cái “BẢN” trên thì lại quá bất ngờ khi có thêm “Thư gửi ông Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội” của 4 ông GS dạy ở nước ngoài: Hồ Tú Bảo (Nhật Bản), Trần Văn Thọ (Nhật Bản), Cao Huy Thuần (Pháp) và đặc biệt nhà toán học nổi danh thế giới Ngô Bảo Châu (Hoa Kỳ). Riêng Ngô Bảo Châu, với toán học, GS Ngô Bảo Châu đúng là châu, ngọc. Tiếc là Châu không hiểu điều một nhà chuyên môn rất giỏi rất có thể lại là một nhà trí thức tồi. Nên khi dấn thân sang lĩnh vực tư tưởng, chính trị, xã hội cần một loại tư duy khác mà Châu không có, đó là tư duy minh triết, thì nên tránh xa là hơn, nếu không Châu phải sửa lại tên mới đúng đó!
Trong “Thư” trên 4 ông GS viết: “Chúng tôi thấy cần phải phân biệt rõ ràng hai chỗ đứng khác nhau: một đằng là một hiện tượng văn học, một đằng là việc nghiên cứu hiện tượng đó. Nghiên cứu một hiện tượng không có nghĩa là người nghiên cứu đồng ý với hiện tượng ấy”. Điều này chứng tỏ các vị này cũng chưa đọc, hoặc dốt đọc không hiểu luận văn của Đỗ Thị Thoan. 4 vị cần phải hiểu, việc thu hồi bằng không phải do Đỗ Thị Thoan nghiên cứu thơ Mở Miệng mà do Đỗ thị Thoan “không đủ điều kiện” theo đúng “Khoản 1 Điều 22 Quy chế văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân” nói trên.  
***
Việc thu hồi luận văn của Đỗ Thị Thoan vì “không đủ điều kiện” bởi những điều cụ thể như sau:
1- Đỗ Thị Thoan sai lầm về cơ sở lý luận:
Về cơ sở lý luận để viết luận văn, theo Nhà phê bình - dịch giả Nguyễn Văn Dân, trong bài Văn học nhìn từ lý thuyết trung tâm - ngoại vi trên http://nhavantphcm.com.vn/, từ đầu thế kỷ XX đã có rất nhiều lý thuyết về trung tâm và ngoại vi thế nhưng không hiểu sao tác giả luận văn lại chọn Derrida, Foucault và Lacan, nhất là Derrida, trong khi nếu nói về lý thuyết trung tâm – ngoại vi thì họ không phải là đại diện. Cụ thể  Nguyễn Văn Dân viết:
“Hầu hết toàn bộ phần giới thuyết của mục 1 chương I luận văn là những đoạn văn dịch lại các bài lược thuật về các lý thuyết trong cuốn từ điển đã dẫn ở trên (Encyclopedia of Contemporary Literary Theory [Irena R. Mararyk chủ biên], University of Toronto Press, Toronto – Buffalo – London, 1993-1997, tr. 585) (thỉnh thoảng mới được để trong ngoặc kép, còn nhiều chỗ viết như thể chính tác giả đang lược thuật tác phẩm gốc vậy), và đều có nhiều chỗ dịch sai”.
Nguyễn Văn Dân đã dẫn chứng cách hiểu sai. Đỗ Thị Thoan viết:
“Khái niệm” ‘Lề’ (Margin) và trung tâm (centre) của Derrida “chỉ ra những giới hạn được kiến tạo gắn chặt với tiến trình hình thành những cặp đối lập có tính chất thứ bậc”.
Mà theo ông phải là:
Thuật ngữ” ‘lề’ [ngoại vi] và trung tâm (centre) của Derrida “chỉ những giới hạn được tạo dựng gắn với một quá trình vượt khỏi những quan hệ đối lập nhị nguyên và có thứ bậc”.
Đỗ Thị Thoan cho “Lề” và “Trung tâm” là hai khái niệm để chỉ ra “những giới hạn” bởi các cặp đối lập. Còn theo cách hiểu của Nguyễn Văn Dân, “Lề” và “Trung tâm” cũng chỉ ra “những giới hạn” nhưng “gắn với” một quá trình “vượt khỏi những quan hệ đối lập”.
Như vậy là hai cách hiểu ngược nhau, Đỗ Thị Thoan cho hai khái niệm “Lề” và “Trung tâm” dùng để chỉ ra cái “giới hạn” xác định giữa hai cái. Còn Nguyễn Văn Dân cho “Lề” và “Trung tâm” là hai thuật ngữ dùng để chỉ ra sự “vượt khỏi” cái “giới hạn” ấy.
Nếu ai hiểu thuyết Giải cấu trúc (Deconstruction) của Derrida thì sẽ thấy cách hiểu của Nguyễn Văn Dân là đúng.
Cấu trúc luận (structuralism) cho ngôn ngữ đóng vai trò trung tâm. Nhà ngôn ngữ học F. Saussure đã định nghĩa ngôn ngữ là sự kết hợp hai phần: cái biểu đạt (Signifier, SFR) và đối tượng được biểu đạt (Signified, SFD). Ngôn ngữ là đối tượng chính để xác định cấu trúc của một văn bản. Cấu trúc luận coi cấu trúc văn bản là vị trí trung tâm tạo nghĩa, loại trừ những yếu tố chủ quan mà cái TÔI chủ thể luôn đóng vai trò then chốt của thái độ phê bình. Chính tại điều này, cấu trúc luận đã bộc lộ những khuyết điểm, mở đường cho một học thuyết mới ra đời: Giải Cấu Trúc (Deconstruction).
Deconstruction (giải cấu trúc) là sự kết hợp của hai từ construction/destruction (xây dựng và phá hủy). Giải cấu trúc lật đổ quan niệm cấu trúc ngôn ngữ của cấu trúc luận. Coi cấu trúc ngôn ngữ không tồn tại như những khuôn mẫu bất biến, mà tính chất năng động của ngôn ngữ sống (“sinh ngữ”) luôn luôn vượt qua mọi quy ước đã có, sẽ mở ra một loạt những ý nghĩa mới.
Giải cấu trúc cho mọi hệ thống đều được tạo nên từ ít hoặc nhiều các cặp đối lập nhị phân (binary oppositional pair). Theo Derrida, một trong hai phần của cặp sẽ quan trọng hơn phần còn lại. Như Tốt/xấu, Hiền hậu/gian ác, Sáng/tối, Nam/nữ, Phải/trái, các yếu tố đứng trước bao giờ cũng có giá trị hơn so với phần đứng sau. Trong một hệ thống nguyên tắc của sự khác biệt (différance, principle of difference) sẽ chỉ ra cái “trung tâm”. Nhưng trung tâm là một phần của hệ thống nhưng lại vượt thoát tính chất cấu trúc của hệ thống.
(Tham khảo Nguyễn Minh Quân trong bài Lý thuyết và phê bình văn học đương đại: từ cấu trúc luận đến giải cấu trúc).
Sự vượt thoát khỏi khuôn mẫu được xác lập bởi tính đối lập nhị phân, vượt thoát sự đối lập giữa “Trung tâm” vả “Lề” chính là tư tưởng “giải cấu trúc” của Derrida. Vì vậy, Đỗ Thị Thoan cho “Lề” và “Trung tâm” chỉ ra cái giới hạn xác định do “hình thành các cặp đối lập” là hiểu ngược. Rồi cho nền văn chương chính thống là “Trung tâm” và thơ nhóm Mở miệng là “Lề” theo lý thuyết Derrida là sai!
Nói đến Derrida là nói đến Giải cấu trúc mà bản chất lý thuyết của Derrida là về việc đọc chứ không phải là lý thuyết văn học. Theo CATHERINE HALPERN trong danh-nhan-triet-hoc trên trang http://www.triethoc.edu.vn/, Giải cấu trúc là trình bầy một cách tiếp cận riêng các văn bản: “Derrida thích phô bày những vùng tối … Ông tỉ mỉ đọc đi đọc lại, phân tích kỹ lưỡng và cạn kiệt các văn bản, đưa ra ánh sáng những gì bị kìm nén, ẩn giấu trong văn bản, làm cho văn bản nói lên một điều gì đó hoàn toàn khác với những gì văn bản có vẻ biểu nghĩa: “Văn bản chỉ là văn bản nếu người đọc lần đầu không thấy được quy luật bố cục và quy tắc kết cấu của nó. Văn bản luôn luôn vô hình.” Đó là đặc điểm của “giải kiến tạo”, khái niệm đã đi khắp thế giới”.
2-Đỗ Thị Thoan có những quan điểm chính trị sai lầm:
Trần Mạnh Hảo, quen thói lu loa đã viết bài “Chính trị hóa khoa học và văn học để ‘đánh’ Nhã Thuyên là không chính danh” cho Luận văn thạc sĩ của Nhã Thuyên là “nghiên cứu khoa khọc… các ông lại dùng chính trị để làm hệ quy chiếu quy kết một văn bản khoa học là hoàn toàn chống lại phương pháp luận Marxism”. Trên BBC tiếng Việt, Phạm Xuân Nguyên gọi vụ Nhã Thuyên là "chính trị hóa", "phi khoa học" của "những thế lực" nào đó. Mặc Lâm (RFA, Bangkok) cũng theo gót tiền bối Trần Mạnh Hảo cho “Nhã Thuyên, nạn nhân của nền chính trị hướng dẫn văn học”.
Không muốn cãi lý với những người này vì họ cố tình không hiểu sao cãi? Nhưng tôi vẫn phải viết ra sự thật cho bạn đọc hiểu. Trong luận văn của mình chính Nhã Thuyên đã “Chính trị hóa” văn chương. Điều này cũng tốt thôi, có thể cần khuyến khích, nhưng hơi khó đấy. Không ai cầm bàn chuyện chính trị, người ta chỉ cấm hoặc có thể xử tù những bàn luận sai trái, xuyên tạc, thổi phồng để chống đối. Tiếc là chính Nhã Thuyên có những sai trái như vậy. Cô viết:
  “nghiên cứu từ góc độ chính trị học văn hóa… có ý nghĩa gợi ý quan  trọng với  tôi  trong quá  trình  thực hiện đề  tài này… Soi chiếu vào Việt Nam hiện nay, có thể hiểu rõ hơn khái niệm „tự do mà chúng  ta có. Một hệ  thống tư tưởng được cấu trúc trên cơ sở chủ nghĩa Marx không chấp nhận sự ngoại biệt đơn lẻ, không chấp nhận những hoài nghi, bởi khi chấp nhận những hoài nghi mang tính ngoại biệt, ý thức hệ này sẽ mất đi … quyền lực tuyệt đối, và tất yếu toàn bộ hệ thống chính trị và kinh tế sẽ bị sụp đổ”.
Như vậy, Nhã Thuyên đã viết với một giọng điệu y như của một kẻ chống cộng thứ thiệt. Cô hoàn toàn không hiểu nên đã xuyên tạc bản chất của Chủ nghĩa Mác. Bởi quy luật quan trọng nhất của phép biện chứng duy vật trong triết học Mác là “Quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập” là nguồn gốc của sự vận động và phát triển. Có điều để vận dụng sao cho đúng các quy luật vào thực tiễn cuộc sống là điều không dễ, nó phụ thuộc vào trình độ lý luận cũng như trình độ mọi mặt của xã hội.
Từ lầm lạc trên, Đỗ Thị Thoan không ngần ngại cho cựu Tổng Bí thư Đỗ Mười là “bảo thủ”:
“sau chấn thương Thiên An Môn tại Trung Hoa… Tại Việt Nam, Đỗ Mười được bầu làm làm Tổng bí thư, đánh dấu sự khôi phục quyền lực của Đảng với tư tưởng bảo thủ về văn nghệ, bằng cách „tái chế định nghĩa của Nguyễn Văn Linh về Đổi Mới: - Văn học ta chỉ có thể Đổi Mới đúng hướng trong sự nghiệp đổi mới của nhân dân ta theo hướng xã hội chủ nghĩa, dưới sự lãnh đạo của đảng.”…Tinh thần của Đổi Mới đã bị bóp méo, hay là vo tròn lại” (Luận văn, tr.27). 
Từ quan điểm như vậy, Đỗ Thị Thoan có những nhận thức ngược trước những hiện tượng văn chương “phản đạo lý” bị quan điểm chính thống phê phán:
“Sau Đổi Mới, tác phẩm của những nhà văn tỏ thái độ không theo chỉ thị và đường lối, như Dương Thu Hương, bị dán một cái nhãn khác: văn nghệ chống Đảng, chống chế độ cộng sản… Đó rõ ràng là một cách nói bị áp chế bởi quan niệm chính trị… tính chất văn học đều không được đặt lên hàng đầu. Chúng là một thứ công cụ của tuyên  truyền, về bản chất không có gì khác biệt”.  
Những tác phẩm: Những thiên đường mù, Bên kia bờ ảo vọng, Đỉnh cao chói lọi không phải như Đỗ Thị Thoan viết “bị dán một cái nhãn khác: văn nghệ chống Đảng” mà là “bị dán một cái nhãn đúng”. Dương Thu Hương đúng là đã chống đối chính trị một cách sai trái bằng văn chương nên đã bị chính trị trừng trị bằng pháp luật, nghĩa là bắt bỏ tù! Thế thôi!
Đỗ Thị Thoan tiếp:
Cao trào thời Đổi Mới bộc lộ tương đối rõ hai hướng đi: giai đoạn nỗ lực „nói sự thật với Dương Thu Hương, Nguyễn Huy Thiệp, và nỗ lực cách tân lối viết, chẳng hạn Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Bình Phương, Phan Huyền Thư trong thơ… Nhưng không khó thấy rằng việc chính quyền tạo ảo giác cho văn nghệ sĩ về việc „làm nghệ thuật một cách bình thường „làm gì thì làm miễn không động đến chính trị là một chiếc bánh vẽ của quyền lực (Luận văn, tr.30).
Rồi so sánh:
Việc Nguyễn Huy Thiệp nhét cứt vào miệng kẻ sĩ Bắc Hà để hạ bệ thần tượng hoàn toàn khác việc Mở Miệng đưa chuyện cứt đái ra nói công khai… Mở Miệng… thể hiện sự phản kháng bằng nhận thức rộng rãi hơn... Họ văng tục và nói về cứt đái nhưng muốn lật đổ hơn là xây dựng… vì niềm tin vào sự thật cũng không còn”; “Mở Miệng, sinh ra trong bối cảnh „thống nhất đất nước đã  tiếp thu cả hai nguồn nổi loạn ấy, để bị/được gánh vác thêm vai trò của „những kẻ phản đảng bên cạnh ý hướng văn chương”; “với những tác giả phản biện và đổi mới văn chương, những người đang giữ chặt lấy vị trí bên lề của mình để nuôi dưỡng một kinh nghiệm chống đối, năng lực chống đối, sáng tạo một thế giới thay thế”.
3-Đỗ Thị Thoan có hành vi kích động làm loạn và lật đổ:
Từ bối cảnh trên, Đỗ Thị Thoan cho nhóm Mở Miệng ra đời với sứ mệnh  nổi loạn và lật đổ cái “xã hội không chấp nhận đa nguyên về ý thức hệ và tư tưởng, Cái Khác là cái cần bị loại trừ, bị chèn ép”; “ở từ khóa Cộng Sản. Bùi Chát lật đổ các slogan xã hội, các ảo tưởng được đóng đinh trong ngôn ngữ ý thức hệ”; “Cuộc chiến đấu để phá vỡ tính chất đơn nhất của ý thức hệ mà nhà nước muốn duy trì ít nhiều trở nên xa lạ với nhiều người trẻ, bởi ý thức hệ theo mô hình Marx Lenin này đã tự tan rã và phần nhiều chỉ là những tuyên truyền trống rỗng”.
Về cái lý tưởng cả xã hội theo đó mà phấn đấu, Đỗ Thị Thoan cho biết Bùi Chát muốn “giải bỏ”; “Kết tinh trong từ „lý tưởng đó, là cả một quá khứ đau thương, hào hùng, đầy bi kịch của dân tộc, mà cái kết cục vừa bi thảm vừa hài hước: thế là hết. Bùi Chát lôi tuột những lý tưởng cao vời, những suy tư sâu xa xuống các vấn đề thực hữu, vui nhộn như một câu chuyện tiếu lâm dân gian”; “thực hành thơ của Mở Miệng như là nỗ lực giải trung tâm cái chính thống”, “Cùng với sự nổi tiếng của Mở Miệng, nxb Giấy Vụn đã trở thành một huyền thoại… nơi  tụ hội các  anh  em giang hồ, huyền thoại về sự thăm dò của an ninh, huyền thoại của những kẻ sẵn sàng „đái vào Chúa… hình ảnh Mở Miệng: Lạ, Phá  Phách,  phá  hỏng  tiếng  Việt,  phản  kháng  về  chính  trị,  chống  đối  chính quyền. Họ  là  kết  hợp  của  Cách  Tân  và  Phản Kháng”; “bức  tường Berlin có  thể chỉ mất một ngày để xây và mất mấy chục năm để phá. Vậy có nên ca ngợi sự phá của Mở Miệng?”
4-Đỗ Thị Thoan có những quan điểm phản thẩm mỹ, phi nhân tính, cũng với mục đích chống đối chính trị:
Đỗ Thị Thoan viết:
Xin đọc lại một số bài thơ đầu tiên của các nhà thơ Mở Miệng … hé lộ phẩm chất của những kẻ có tài. Bùi Chát đem đến phong vị đầy thi tính của đời thường” với những câu: “Tôi ném nước bọt lên tường/ Tôi yêu những người đàn bà đang là chuột dưới cống/ Tôi thấy em mặc quần lót mười nghìn ba cái mua ở vỉa hè”;  “Tôi kêu đòi chữ nghĩa/ Tôi tổ chức chiến tranh/ Tôi nam mô vị chúa trời”; “Tôi cải tạo âm hộ”.
Dường như giới thiệu như trên chưa đủ, cô bình thêm:
Những  thi phẩm này  (đúng  là phải gọi bằng  từ „thi phẩm) đều  sạch, đẹp và giàu năng lượng lẫn cảm xúc”(Luận văn, tr.64-65).
“có hai thứ  taboo vào loại lớn nhất, nguy hiểm nhất  trong các xã hội Việt Nam là Nói Tục và Chính Trị thì đều được các nhà thơ Mở Miệng và  những người đồng ý hướng xuyên thủng. Sự giải phóng trước hết thể hiện trong những cuộc chơi ngôn từ”.
Thơ nói riêng và văn chương nói chung là sản phẩm văn hóa, tức từ cuộc sống bề bộn và bụi bặm, phải tinh lọc, phải chưng cất công phu qua tài và tâm của thi sĩ thì mới có thể có được. Con người khác con vật vì biết xấu hổ. Bị lột truồng giữa đám đông ai cũng phải thấy xấu hổ. Nên làm thơ bằng cách lột truồng chữ nghĩa một cách vô cảm cũng là mất nhân tính. Vậy mà Đỗ Thị Thoan khen loại thơ tục tĩu và dơ dáy đó như thế này: “Hiếm có bài thơ nào sử dụng những chữ vốn bị cho là cấm kị tài tình và hấp dẫn đến thế”. Cô cho  là “mĩ học của cái tục”: “Quan niệm về ngôn ngữ của họ, khi dùng một cách công khai và vô tội [vạ] các từ chỉ bộ phận sinh dục, hành vi tính giao như… là nỗ lực, theo họ, trả lại sự bình đẳng của từ ngữ”.
Đòi trả lại “sự bình đẳng của từ ngữ” là lý sự mất nhân tính, vì không thể lột truồng chữ nghĩa trong văn chương cũng như người ta không thể lột truồng trước đám đông. Kể cả cô Thoan này tôi tin là cũng không dám cởi truồng tiếp chuyện nhà thơ “tài tình” cởi truồng viết loại “thơ cởi truồng” giữa chốn đông người. Chỉ có súc vật và những người bị điên không còn biết xấu hổ thì mới có thể như thế mà thôi!
Nhưng Đỗ Thị Thoan lại giải thích: “Vấn đề bị phản ứng nhất của Mở Miệng  là Mở Miệng bị đồng nhất với  văng  tục”; nhưng “văng  tục xuất hiện như một cách xả bỏ,  một nỗi uất ức… Liên quan đến chính trị khi nó văng tục để chửi, để căm uất, … là cách nhổ vào ngôn ngữ  tuyên huấn giả  trá”; “Cái “bức tường Berlin”, hữu hình là chế độ kiểm duyệt, vô hình là ý thức làm thơ – và cùng với nó – ý thức đọc thơ lừng lững ngự trị, kiên cố, những thiết chế bảo toàn chân lý trong ngôn ngữ mang nặng tính chất ý thức hệ”; “Lịch sử không còn được là một sự thật, nó bị hoài nghi, và bản thân lịch sử hoài nghi chính nó, nó bị nhạo báng, và bản thân nó là một nỗi nhạo báng…Những cuộc lật mặt nạ liên tục diễn ra dưới hình thức phủ định, chơi đùa, hay mua vui với việc kể chuyện tiếu lâm lịch sử. Như thể chỉ cần gỡ bỏ những tấm áo đạo đức thần thánh đang choàng lên lịch sử, chúng ta có thể vạch mặt sự gian xảo của nó, tội lỗi của nó, chúng ta có thể tìm lại gương mặt đã bị giày xéo và bị xóa hết các đường nét của chúng ta…các nhà thơ Mở Miệng đã … phản ứng với quá khứ với một thái độ hủy diệt và lật đổ trong sự nhạo báng
Và rồi Đỗ Thị Thoan không ngần ngại kêu gọi “đập phá triệt để” như sau:
“Cái đập ngăn khủng khiếp không chỉ là vấn đề ngôn ngữ và tìm tòi ý hướng thể loại, thơ ca, nhập lưu với hiện đại mà là cả một đập ngăn về ý  thức hệ,  tư tưởng, chính  trị. Sau Mở Miệng, người  ta mới thấy thơ Việt cần một sự đập phá triệt để, một cuộc đập phá dữ dội, chấp nhận trả giá. Những người này không vị tương lai, mà họ trở thành kẻ dọn đường cho tương lai”.
Đỗ Thị Thoan còn liều mạng bình tán một hành động liều mạng không kém đó là việc làm thơ diễu nhại cả tác phẩm của Bác Hồ, người được cả một đất nước tôn thờ:
Tập Bài thơ một vần của Bùi Chát, mặc dù là thơ tự do, nhưng tính chất một  vần  nằm ở  từ  khóa  cộng  sản. Bùi Chát lật đổ các slogan xã hội, các ảo tưởng được đóng đinh trong ngôn ngữ ý thức hệ. Chẳng hạn:Đường Kách Mệnh Đi một ngày đàng, học [& hành] một giường khôn. Con đường nối những con đường. Dẫn tới các nhà thương. Ngồi một mình. Em nói như mưa. Thì tại sao chúng ta không lên giường. Để đào những cái mương. Giữ mãi lời thề xưa…”.
 (Đường Kách Mệnh: một tác phẩm của cố chủ tịch nước Việt Nam dân
chủ cộng hòa Hồ Chí Minh) (Luận văn, tr. 71-72).
Nhà phê bình Nguyễn Văn Lưu viết:
“Giễu nhại một con người như thế là một việc làm vô đạo, thất đức, bất nhân, bất nghĩa. Chúng tôi muốn góp ý với các bạn đồng nghiệp là nhà văn Nguyễn Đăng Điệp - Viện trưởng Viện Văn học và nhà văn Văn Giá - Trưởng khoa Lý luận - phê bình văn học Trường Đại học Văn hóa (Bộ Văn hóa), hai thành viên Hội đồng chấm luận án và Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội Phạm Xuân Nguyên - người đã đọc bản thảo “Những tiếng nói ngầm” cho Nhã Thuyên - rằng các bạn nên giữ sự trung thực cho ngòi bút của mình, nên tự trọng về nhân cách. Các bạn có thể xin ra khỏi Đảng, tự nguyện trả lại các chức danh và học vị mà thể chế này - do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập – đã phong tặng cho các bạn rồi làm một nhà văn tự do thì hay hơn”.
Với Nhã Thuyên cũng vậy, cô nên nhớ Trường ĐHSP HN là một cơ quan thuộc thể chế này. Cô muốn chống thể chế nên xin nghỉ dậy, chọn vị trí đối nghịch để viết như trên thì có lý hơn!  Chỉ với tư cách công dân, việc cố tình cổ vũ những kẻ nhân danh “thơ” để chống và đòi lật đổ chế độ là phạm pháp. Để có được những ngày hòa bình hôm nay, máu của biết bao người đã đổ, tại sao những kẻ thế hệ sau và kẻ đứng ngoài cuộc chiến, không đổ dù chỉ một giọt mồ hôi, cũng được hưởng cuộc sống thanh bình, lại muốn làm loạn, đòi lật đổ? Phải chăng chỉ vì ghen ăn tức ở, vì bất tài mà tham vọng không đạt, đã chống đối?
***
Còn thơ Mở Miệng, không phải làm theo lý thuyết của Derrida như sai lầm của Đỗ Thị Thoan và những người đã cho cô điểm 10, mà tất cả những cái kỳ quái của nhóm này đã dựa trên lý thuyết Hậu hiện đại. Các nhà phê bình cho rằng, tất cả những sự khác thường đó của bút pháp Hậu hiện đại, theo Lyotard: “Hiện nay chúng ta đang ở trong một hình thức mới của bệnh thần kinh phân liệt". Mọi sự việc và con người đều bị bóp méo; tính trung thực và lành mạnh bị phế bỏ; lịch sử bị làm méo mó một cách có ý thức. Sự nhại phỏng (pastiche): một loại hoán vị, xáo trộn những kiểu viết cũ, đó là lối lai tạp tạo ra sự giật gân và nhại văn để giễu cợt. Nhà văn hậu hiện đại Phá vỡ cấu trúc, gắng hết sức đập nát bốn yếu tố của tiểu thuyết là cốt chuyện, nhân vật, cảnh trí và đề tài, v.v…
Riêng về nhóm Mở Miệng tôi đã viết: “đã có những nhóm cực đoan đúng là đã làm ra được văn chương hậu hiện đại thứ thiệt nhưng tiếc là chỉ mới ở dạng thấp nhất của nó. Ví dụ như tính phản kháng, phản kháng cao cấp tức là phải có khả năng phân tích sự yếu kém của cái cũ và đưa ra được cái mới tốt hơn thay thế, còn chỉ chống đối suông thì quá đơn giản, chỉ đơn giản là “quậy”, cái thái độ không cần đến nghệ sĩ mà những kẻ bất hảo vô học còn làm tốt hơn. Có quá nhiều sự thô bỉ, bẩn thỉu, nhầy nhụa và hằn học, thậm chí lưu manh, trong văn chương “hậu hiện đại” này. Trong văn chương có hỗn loạn, thô tục, bẩn thỉu, bởi cuộc sống có phần như thế, nhưng coi chúng là “đặc trưng”, là “thi pháp” thì đã phi lý, phi mỹ, phi luân và cuối cùng là phi nhân hóa những đặc tính của văn chương.
Họ làm ra một loại thơ đi ngược lại luân thường đạo lý, phản thẩm mỹ, nhạo báng cả lịch sử, cả lãnh tụ, cả Chúa, cả Phật! Muốn dùng “bên lề” để chống lại “trung tâm”, tức là dùng tư tưởng vô chính phủ chống lại nhà nước. Chính vì thế họ đã được lực lượng chống phá nhà nước tung hô.
Tôi đã viết:
“Ngoài hành động kích động có tính chất phạm pháp của những kẻ nổi loạn, việc sử dụng tùy tiện hình ảnh các bậc thần thánh là hành động báng bổ của kẻ lưu manh, vô văn hóa, xúc phạm nghiêm trọng tín ngưỡng giáo dân. Giáo hội Thiên Chúa giáo và Giáo hội Phật giáo cần phải kiện những kẻ phạm pháp ra tòa!”
***
Và thật lạ, trong những ngày hôm nay, trước việc thu hồi luận văn của Nhã Thuyên tuy muộn nhưng rất đúng và cần thiết, vậy mà lại xuất hiện cái BẢN PHẢN ĐỐI VÀ YÊU CẦU. Trong danh sách hơn trăm “nhà trí thức” đã ký tên dưới đó, những người ngoài ngành văn chương “nói leo” không kể làm gì, tôi chỉ nêu ra vài nhà văn.
Nguyên Ngọc từ 1979, khi còn được trọng dụng, từng nói: “nghệ thuật giữ cho con người không sa xuống thành con vật”. Vậy mà vì cái gì bây giờ ông bênh vực sự ca ngợi loại thơ mà đến con vật đọc cũng phải xấu hổ?
Trong danh sách đó, thật tiếc, cũng có người tôi từng coi là “bạn vong niên”, GS Trần Đình Sử. Ông cho phê phán Nhã Thuyên là do không hiểu chuyện “trung tâm, ngoại biên”; là “phê bình kiểm dịch”. Tôi đã viết: “tưởng ông sẽ có cái nhìn minh triết về cuộc đời, để có thể hiểu sâu sắc về lịch sử của đất nước này, hiểu hạn chế của dân tộc này, hiểu được những giá trị quý giá mà chúng ta đang có được bằng một cách đầy nhọc nhằn; ánh sáng của tư duy ông có thể nhìn xa, xuyên qua được những tăm tối vây quanh mình; nhưng không, ông lại có tên trong danh sách bênh vực Phương Uyên; và gần đây nhất, ông cũng bênh vực Nhã Thuyên!”.
Còn Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch HNV Hà Nội, cho: “Các văn bản sáng tác được viết theo cấu trúc nghệ thuật. Các văn bản phê bình được viết theo cấu trúc khoa học” nên phải đọc “có lý thuyết và phương pháp”, không thể hồ đồ suy diễn “ngoài văn học, ngoài khoa học”. Tôi đã viết: “trong vụ Nhã Thuyên, nếu không thấy được cái bẩn thỉu, cái thô tục, sự báng bổ lãnh tụ, sự quấy rối, sự chống đối, sự làm loạn trong thơ Mở miệng; và không thấy Nhã Thuyên tung hô sai thì Nguyên đã lấy cách đọc “mù chữ” của mình để chê cách đọc mà Nguyên cho là chưa “vỡ chữ” của ông Lưu!”
***
Với Đỗ Thị Thoan, một cô gái Tỉnh Đông (Hải Dương), đồng hương với tôi, nghe nói từng là học sinh chuyên văn của tỉnh nữa. Tại sao cháu lại có hành động như thế? Nhà phê bình Đỗ Ngọc Yên trong bài Thực chất vấn đề đằng sau cái gọi là “Vị trí của kẻ bên lề” trên trang  nguyenhuuquy đã trả lời trọn vẹn nỗi băn khoăn của tôi:
Và Nhã Thuyên cũng không giấu giếm ý đồ của mình… Tôi apply grant (có mối quan tâm lớn) của ANA, một quỹ tài trợ nghệ thuật độc lập ở châu Á… Thời điểm đó, ở VN, hầu như chỉ có các nghệ sĩ visual art (nghệ thuật thị giác) apply các tài trợ nghệ thuật, và tôi muốn thử tìm các cơ hội tài trợ cho văn chương”.  
Vậy là ý đồ làm tiền của Nhã Thuyên đã rõ ràng. Chỉ có điều để kiếm được tiền của một quỹ tài trợ nghệ thuật độc lập của nước ngoài thì chắc chắn là “Ông mất chân giò, bà thò chai rượu” là chuyện đương nhiên … Theo đó, Đỗ Thị Thoan đã chọn thơ của nhóm Mở Miệng để vừa khảo sát phục vụ cho dự định làm tiền trong tương lai, vừa đóng cho mình một cái mác “Thạc sĩ” bằng một “luận văn cao học”. Điều ấy cũng đồng nghĩa với việc để nhận được tiền tài trợ buộc Đỗ Thị Thoan phải tiến từ “phản biện” thơ ca đến phản kháng xã hội như một logic tất yếu… vì làm tiền mà Đỗ Thị Thoan sẵn sàng bán đứng tất cả những điều thiêng liêng nhất mà pháp luật nước ta không cho phép”.  
26-4-2014
ĐÔNG LA