Thứ Tư, 7 tháng 5, 2014

ĐIỆN BIÊN PHỦ-“NÊN THIÊN SỬ VÀNG”

ĐIỆN BIÊN PHỦ-“NÊN THIÊN SỬ VÀNG”

Xin được trích để đặt tên bài viết từ hai câu thơ tổng kết bằng hình tượng thơ về Điện Biên Phủ của Nhà thơ Tố Hữu:
Chín năm làm một Điên Biên
Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng.
 
Hôm nay, sau ngày chiến thắng Điện Biên Phủ chẵn 60 năm, nơi cha tôi cũng được trực tiếp tham gia chiến dịch, ông chú họ con ông em ruột ông nội tôi cũng đã hy sinh, tôi sưu tập những nét chính về chiến thắng “chấn động Địa Cầu” này để chúng ta cùng nhớ về những trang sử vàng chói lọi nhất của lịch sử dân tộc, trong cái thời buổi có những kẻ muốn xóa trắng hoặc lộn ngược lịch sử vì những tham vọng, những ảo tưởng đen tối.

Trận Điện Biên Phủ là trận đánh giữa Quân đội Nhân dân Việt Nam và quân đội Pháp. QĐNDVN do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy đã buộc quân Pháp có lúc quân số lên tới 16.000 người, với sự hỗ trợ của Mỹ, phải chịu đầu hàng. Lần đầu tiên quân đội của một nước thuộc địa châu Á đã đánh thắng một quân đội của một cường quốc châu Âu, buộc Pháp phải hòa đàm và rút ra khỏi Đông Dương. Điện Biên Phủ trở thành một tấm gương sáng, cổ vũ các nước thuộc địa ở Châu Phi đồng loạt nổi dậy. Đến năm 1967, Pháp đã buộc phải trao trả độc lập cho tất cả các nước thuộc địa, chấm dứt thời đại hơn 400 năm của chủ nghĩa thực dân cũ trên thế giới.
***
Tới năm 1954, 78% chiến phí của Pháp ở Đông Dương là do Mỹ chi trả. Tất cả các cấp của quân Pháp đều có cố vấn Mỹ. Tướng Henri Navarre từng than phiền trong hồi ký: "Địa vị của chúng ta đã chuyển thành địa vị của một kẻ đánh thuê đơn thuần cho Mỹ".
Chính phủ Pháp muốn chấm dứt cuộc chiến nhưng lại muốn duy trì quyền lợi tại Đông Dương nên đã bổ nhiệm tổng chỉ huy Henri Navarre sang Đông Dương tìm kiếm một chiến thắng quân sự quyết định để làm cơ sở cho một cuộc thảo luận hòa bình trên thế mạnh.
Navarre thấy nếu cả miền cực Bắc Đông Dương rơi vào quyền kiểm soát của Việt Minh sẽ là một nguy cơ lớn vì nước Pháp bất lực trong việc bảo vệ các quốc gia liên kết. Điện Biên Phủ là một thung lũng cách Hà Nội 300 km về phía tây, cách Lai Châu 80 km về phía nam. Xung quanh là núi đồi trập trùng bao quanh tứ phía, rừng già khắp nơi. Theo Tướng Cogny: “Điện Biên Phủ là một căn cứ bộ binh - không quân (base aéroterrestre) lý tưởng, là "chiếc chìa khoá" của Thượng Lào”. Vì thế Phía Pháp xây dựng Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ án ngữ miền Tây Bắc liên thông với Thượng Lào, làm bẫy nhử quân chủ lực Việt Minh tấn công để nghiền nát tại đó.
Ngày 2 tháng 11 năm 1953, Navarre đã chỉ thị cho Cogny đánh chiếm Điện Biên Phủ.
Ngày 7 tháng 12, Đại tá Christian de Castries được Cogny và Navarre chỉ định chỉ huy tập đoàn cứ điểm. Navarre nói: "Trong số các chỉ huy được lựa chọn, không ai có thể làm giỏi hơn Castries".
Phía Pháp tin rằng lợi thế công nghệ vượt trội và sự trợ giúp của Mỹ sẽ giúp họ đánh bại được QĐNDVN vốn có trang bị thô sơ hơn nhiều. Tướng Navarre viết: “thật là bất khả xâm phạm”. Đặc biệt, trước khi trận đánh diễn ra, đích thân đương kim Phó Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã lên thị sát việc xây dựng cụm cứ điểm để "đảm bảo cho khoản đầu tư của Mỹ ở Đông Dương được sử dụng hiệu quả".
Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Việt Nam nhìn nhận trận Điện Biên Phủ sẽ là cơ hội đánh tiêu diệt lớn để chấm dứt kháng chiến trường kỳ. Trung ương Đảng ta đã hạ quyết tâm: "Tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ để tạo nên một bước ngoặt mới trong chiến tranh, trước khi đế quốc Mỹ can thiệp sâu hơn vào Đông Dương."
Đại tướng Võ Nguyên Giáp được cử làm Tư lệnh chiến dịch. Thiếu tướng Hoàng Văn Thái làm Tham mưu trưởng. Thiếu tướng Đặng Kim Giang làm Chủ nhiệm hậu cần. Ông Lê Liêm làm Chủ nhiệm chính trị.
Về phía QĐNDVN có những khó khăn. Như chưa có kinh nghiệm đánh công kiên lớn; về hỏa lực và trang bị thì lại kém hơn hẳn so với Pháp; việc tiếp cận đồn Pháp cũng không dễ dàng vì họ san phẳng mọi chướng ngại vật trong thung lũng, để tạo điều kiện tối đa cho tầm nhìn và tầm tác xạ của các loại hoả lực, để có thể tiếp cận, bộ đội Việt Nam phải chạy khoảng 200 m giữa địa hình trống trải dày đặc dây kẽm gai và bãi mìn, phơi mình trước hỏa lực Pháp. Chỉ huy Pháp tự tin rằng, nếu QĐNDVN chỉ biết học theo Chiến thuật biển người mà Trung Quốc áp dụng ở Triều Tiên, thì quân tấn công dù đông đảo tới đâu cũng sẽ bị bom, pháo và đại liên Pháp tiêu diệt nhanh chóng.
Tuy quân Pháp bị bao vây vào giữa lòng chảo Điện Biên, Pháp ở đáy một chiếc mũ lộn ngược còn QĐNDVN ở trên vành mũ, nhưng đó là ở tổng thể. Từ đồn Pháp ra đến rìa thung lũng trung bình là 2 đến 3 km, vậy nên ở quy mô từng trận đánh thì Pháp lại ở trên cao, còn QĐNDVN phải ở dưới thấp tấn công lên. Quân Pháp cũng có dự trữ đạn pháo dồi dào hơn gấp 6 lần và hơn tuyệt đối về không quân và xe tăng. Trung bình cứ 1 bộ đội Việt Nam phải hứng chịu 2 trái đại bác, 1 trái bom và 6 viên đạn cối, trong khi không có xe tăng hay pháo tự hành để che chắn yểm trợ khi tiến công.
Và đặc biệt khó khăn lớn nhất của QĐNDVN là hậu cần. Phía Pháp cho rằng QĐNDVN không thể đưa pháo lớn (cỡ 105mm trở lên) vào Điện Biên Phủ. Navarre lý luận rằng Điện Biên Phủ ở xa hậu cứ Việt Minh 300–400 km, qua rừng rậm, núi cao, QĐNDVN không thể tiếp tế nổi lương thực, đạn dược cho 4 đại đoàn được, giỏi lắm chỉ một tuần lễ là QĐNDVN sẽ phải rút lui vì cạn tiếp tế. Trái lại quân Pháp sẽ được tiếp tế bằng máy bay.
Vì các lý do trên, khi thiết lập tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, các tướng lĩnh Pháp và Mỹ đã đánh giá sai khả năng của đối phương. Tướng Cogny đã nói: "Chúng ta đã có một hỏa lực mạnh đủ sức quét sạch đối phương đông gấp 4-6 lần… Tôi sẽ làm tất cả để bắt tướng Giáp phải “ăn bụi” và chừa cái thói muốn đóng vai một nhà chiến lược lớn". Tướng Navarre nhận xét: "Làm cho Việt Minh tiến xuống khu lòng chảo! Đó là mơ ước của đại tá Castries … Họ mà xuống là chết với chúng ta... Và cuối cùng, chúng ta có được cái mà chúng ta đang cần: đó là mục tiêu, một mục tiêu tập trung mà chúng ta có thể “quất cho tơi bời". Charles Piroth, chỉ huy pháo binh thì tự đắc: “Trọng pháo thì ở đây tôi đã có đủ rồi… Nếu tôi được biết trước 30 phút, tôi sẽ phản pháo rất kết quả. Việt Minh không thể nào đưa được pháo đến tận đây; nếu họ đến, chúng tôi sẽ đè bẹp ngay... và ngay cả khi họ tìm được cách đến, tiếp tục bắn, họ cũng không có khả năng tiếp tế đầy đủ đạn dược để gây khó khăn thật sự cho chúng tôi!" Pierre Schoenderffer, phóng viên mặt trận của Pháp, nhớ rõ câu trả lời của Piroth: "Thưa tướng quân, không có khẩu đại bác nào của Việt Minh bắn được 3 phát mà không bị pháo binh của chúng ta tiêu diệt!"
Phía Việt Nam với hàng vạn dân công và bộ đội đã làm đường dã chiến trong khoảng thời gian cực ngắn. Các dân công tiếp tế bằng gánh gồng, xe đạp thồ kết hợp cùng cơ giới đảm bảo hậu cần cho chiến dịch. Mỗi xe thồ chở được 200–300 kg, kỷ lục lên đến 352 kg, còn có thể hoạt động trên những tuyến đường mà xe ô tô không thể đi được. Chính phương tiện vận chuyển này đã gây nên bất ngờ lớn ngoài tầm dự tính của các chỉ huy Pháp.
Tổng cộng trong thời gian tiến hành chiến dịch, quân ta đã huy động được hơn 26 vạn dân công, 20.911 xe đạp thồ, 11.800 bè mảng, đóng góp cho chiến dịch 25.000 tấn lương thực, 266 tấn muối, 62 tấn đường, 577 tấn thịt, 565 tấn lương khô. Ngoài ra cũng đã huy động được hơn 7.000 xe cút kít, 1.800 xe trâu, 325 xe ngựa để phục vụ hậu cần chiến dịch.
Ngoài ra, Pháp cũng đã đánh giá sai khả năng pháo binh của QĐNDVN khi cho rằng đối phương vốn không có xe cơ giới nên không thể mang pháo lớn (lựu pháo 105 mm và pháo cao xạ 37 mm) vào Điện Biên Phủ mà chỉ có thể mang loại pháo nhẹ là sơn pháo 75 mm trợ chiến mà thôi. Nhưng những người lính QĐNDVN đã khôn khéo tháo rời các khẩu pháo rồi dùng sức người để kéo, sau khi đến đích thì ráp lại. Bằng cách đó họ đã đưa được lựu pháo 105 mm lên bố trí trong các hầm pháo có nắp khoét sâu vào các sườn núi, xây dựng thành các trận địa pháo rất nguy hiểm và lợi hại, từ trên cao có khả năng khống chế rất tốt lòng chảo Điện Biên Phủ mà lại rất an toàn trước pháo binh và máy bay đối phương. Với thế trận hỏa lực này, các khẩu pháo của QĐNDVN chỉ cách mục tiêu 5–7 km, chỉ bằng một nửa tầm bắn tối đa để bắn chính xác hơn, ít tốn đạn và sức công phá cao hơn, thực hiện được nguyên tắc "phân tán hỏa khí, tập trung hỏa lực", từ nhiều hướng bắn vào một trung tâm, ngược lại pháo binh Pháp lại bố trí ở trung tâm, phơi mình trên trận địa.
Bên cạnh đó, các chỉ huy pháo binh QĐNDVN còn lập trận địa nghi binh – dùng gỗ thui đen thành khẩu pháo giả, nghếch nòng lên, khi trận địa thật phát hỏa thì chiến sĩ phụ trách nghi binh từ trong công sự, ném bộc phá, tung lên không trung, làm cho 80% bom đạn của Pháp dùng phản pháo đã dồn vào đánh trận địa giả, đồng thời bảo vệ được những trọng pháo quý giá của mình. Suốt chiến dịch, pháo binh QĐNDVN chỉ hỏng một pháo 105mm. Đây là một nguyên nhân làm cho pháo binh Pháp dù có các thiết bị phản pháo hiện đại vẫn bị thất bại. Đại tướng Võ Nguyên Giáp về sau nhận xét: "Thực tế kinh nghiệm này của chiến dịch Điện Biên Phủ đã trở thành truyền thống chiến đấu dùng thô sơ đánh hiện đại của quân đội ta trong suốt chiều dài chống Mỹ cứu nước". Còn tướng Paul Ély, Tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp khi diễn ra trận Điện Biên Phủ nhận định: “Một lần nữa, kỹ thuật lại bị thua bởi những con người có tâm hồn và một lòng tin.”
***
Ngày 14 tháng 1 năm 1954 tại hang Thẩm Púa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ chỉ huy chiến dịch phổ biến lệnh tác chiến bí mật với phương án "đánh nhanh thắng nhanh" và ngày nổ súng dự định là 20 tháng 1. Do một đơn vị trọng pháo vào trận địa chậm nên ngày nổ súng được quyết định lùi lại ngày 25 tháng 1. Sau đó, do tin về ngày nổ súng bị lộ, Pháp biết được, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định hoãn lại 24 giờ, chuyển sang 26 tháng 1.
Ngày và đêm 25 tháng 1, Đại tướng suy nghĩ: Bộ đội chủ lực chưa thành công trong việc đánh các công sự nằm liên hoàn trong một cứ điểm; với một trận đánh hiệp đồng lớn, pháo binh và bộ binh chưa qua tập luyện, diễn tập; quân ta chỉ quen tác chiến ban đêm ở những địa hình dễ ẩn náu, chưa tấn công đồn ban ngày trên địa hình bằng phẳng, trước họng sung đối phương có máy bay, pháo binh, xe tăng chi viện. Nên Đại tướng đã quyết định lui quân vì phương án "Đánh nhanh thắng nhanh" không thể đảm bảo chắc thắng. Ông kiên quyết tổ chức lại trận đánh theo phương án "Đánh chắc, tiến chắc", đánh dài ngày theo kiểu "bóc vỏ" dần. Sau này, Đại tướng cho rằng đây là quyết định khó khăn nhất trong đời cầm quân của mình.
Tại cuộc họp Đảng ủy, Bộ chỉ huy QĐNDVN sáng 26 tháng 1, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nêu quyết định hoãn cuộc tấn công vào chiều hôm đó. Ra lệnh cho bộ đội trên toàn tuyến lui về địa điểm tập kết, và kéo pháo ra.
Trong vòng gần 2 tháng sau đó, tất cả được chuẩn bị chu đáo hơn cho trận đánh dài ngày, có thể sang đến cả mùa mưa.
Về chiến thuật tác chiến, Bộ chỉ huy QĐNDVN chủ trương tiêu diệt dần từng cứ điểm từ ngoài vào trong, không sử dụng lối đánh xung phong trực diện mà dùng cách đánh vây lấn, đào hào áp sát cứ điểm địch.
Diễn biến chiến dịch Điện Biên Phủ
Ngày 11 tháng 3 năm 1954, Bác Hồ gửi thư tới các chiến sĩ: "Các chú sắp ra trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn nhưng rất vinh quang... Bác tin chắc rằng các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới... Chúc các chú thắng to!"
Chiến dịch diễn ra trong 55 ngày đêm:
Đợt 1 từ 13 tháng 3 đến 17 tháng 3, quân ta tiêu diệt các trung tâm đề kháng phân khu Bắc: Him Lam, đồi Độc Lập, Bản Kéo, kiềm chế pháo binh địch ở Hồng Cúm.
Charles Piroth, chỉ huy pháo binh cứ điểm, sau hai đêm không thực hiện được lời hứa bịt miệng các họng pháo của Việt Minh, đã tự sát trong hầm của mình bằng một trái lựu đạn. Jean Pouget viết trong hồi ký: "Trung tá Piroth đã dành trọn một đêm (13 tháng 3) quan sát hỏa lực dần dần bị đối phương phản pháo chính xác một cách kinh khủng vào trận địa pháo của ông..." Trung tá André Trancart, bạn thân của Piroth kể lại sau trận Độc Lập, Piroth khóc và nói: "Mình đã mất hết danh dự. Mình đã bảo đảm với Castries và tổng chỉ huy sẽ không để pháo binh địch giành vai trò quyết định, và bây giờ, ta sẽ thua trận. Mình đi thôi".
Chỉ sau năm ngày chiến đấu, cánh cửa phía bắc của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã mở toang.
Đợt 2 từ 30 tháng 3 đến 30 tháng 4, Quân ta đánh phân khu trung tâm, chủ yếu nhằm chiếm dẫy đồi phía đông khống chế cánh đồng Mường Thanh với hơn một vạn quân, ken nhặt với nhau trên cánh đồng hai bên bờ sông Nậm Rốm. Hơn ba mươi cứ điểm ở đây được chia thành 4 trung tâm đề kháng mang tên những cô gái: Huguette, Claudine, Eliane, Dominique. Trong số các cao điểm này, Eliane 2 (đồi A1) giữ vai trò đặc biệt quan trọng, vì nó khống chế một phạm vi khá rộng gồm cả khu vực sở chỉ huy của de Castries và hai chiếc cầu trên sông Nậm Rốm.
18 giờ ngày 30 tháng 3 năm 1954, đợt tiến công thứ hai vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bắt đầu.
Tại đồi A1 (Eliane 2), hỏa lực của ta bắn vào cứ điểm yểm hộ cho xung kích mở cửa. Tuy nhiên, pháo binh Pháp phản pháo, bắn dữ dội vào cửa mở. Mất hơn nửa giờ, hai mũi tiến công của ta mới vượt qua 100 mét rào và bãi mìn. Lực lượng bị tổn thất nhiều vì không vượt qua được hàng rào lửa đại bác. Quá nửa đêm, cuộc chiến đấu tại A1 diễn ra giằng co. Mỗi bên giữ được nửa đồi. Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định tiếp tục tiến công tiêu diệt A1. Hai đại đội chi viện đã đảo lộn thế trận. Những cuộc phản kích của Pháp đến 31 tháng 3 đã hoàn toàn thất bại. 10 giờ tối, Chỉ huy trưởng Phân khu Trung tâm Langlais gọi điện thoại cho Bigeard, hỏi có thể giữ được những gì còn lại trong đêm nay không! Bigeard trả lời: "Thưa Đại tá, chừng nào còn một người sống sót, tôi sẽ không bỏ Eliane (A1)". A1 đã trở thành "thành luỹ cuối cùng" (demier rempart) của tập đoàn cứ điểm.
Để chống lại các cứ điểm phòng ngự kiên cố của quân Pháp, quân ta đã áp dụng chiến thuật "vây lấn" rất có hiệu quả bằng việc đào các giao thông hào dần dần bao vây và siết chặt, tiếp cận dần vào các vị trí của Pháp.
Những tuyến chiến hào dài khoảng hơn 100 km. Ta đã xây dựng 2 loại: đường hào trục chạy vòng rộng bao quanh toàn bộ trận địa địch ở phân khu trung tâm. Loại đường hào thứ hai chạy từ trong rừng đổ ra cánh đồng cắt ngang đường hào trục, tiến vào vị trí sẽ tiêu diệt.
Các loại đường hào này đều có chiều sâu 1,7 mét và không quá rộng để bảo đảm an toàn trước bom đạn địch. Đáy của đường hào bộ binh rộng 0,5 mét, đáy hào trục rộng 1,2 mét. Dọc đường hào, bộ binh có hố phòng pháo, hầm trú ẩn, chiến hào và ụ súng để đối phó với những cuộc tiến công của Pháp. Từ những đầu hào chỉ cách quân Pháp vài chục mét, bộ đội dùng ĐKZ bắn sập dần những lô cốt, ụ súng.
(Quân Pháp bị vây hãm trong chiến hào)
Đợt 3 từ 1 tháng 5 đến 7 tháng 5, quân ta đánh dứt điểm dẫy đồi phía đông và tổng tiến công tiêu diệt các vị trí còn lại. Mở đầu kế hoạch đợt 3 là tiếp tục tiêu diệt hoàn toàn hai cao điểm A1 và C1, thu hẹp thêm nữa vòng vây, chuẩn bị cho tổng công kích.
Để chống lại hệ thống hầm ngầm cố thủ làm quân ta không thể xung phong đánh chiếm được đồi A1 có vị trí quyết định, công binh ta đã đào đường hầm từ trận địa tới dưới hầm ngầm ở A1, đưa bộc phá với số lượng lớn vào. Một đội đặc biệt gồm 25 cán bộ, chiến sĩ do Nguyễn Phú Xuyên Khung, cán bộ công binh của Bộ, trực tiếp chỉ huy, đã tiến hành công việc ngay trước mũi súng quân Pháp, trong tình trạng thiếu không khí, đèn, đuốc mang vào hầm đều bị tắt, số đất moi từ lòng núi ra ngày càng nhiều không được để cho quân Pháp phát hiện. Đến ngày 5 tháng 5, đường hầm ở A1 đã hoàn thành. Trong đêm, một tấn bộc phá chia thành những gói hai mươi kg đưa vào đã đặt được ở phía dưới hầm ngầm Pháp. Sáng ngày 6 tháng 5 năm 1954, quân phòng ngự của ta suốt 34 ngày đêm trên đồi A1 được lệnh rút ra để điểm hỏa. Tiếng nổ của khối bộc phá trên đồi A1 được chọn làm hiệu lệnh xung phong cho đợt tiến công. Trước giờ G năm phút, các chiến sĩ ở chiến hào được lệnh quay lưng về A1, nhắm mắt, há mồm đề phòng sóng xung kích và ánh chớp của ngàn cân bộc phá. Đúng 20 giờ 30, một tiếng nổ trầm, trên đồi A1 có một đám khói lớn phụt lên. Khối bộc phá nổ cách hầm ngầm vài chục mét thổi bay chiếc lô cốt bên trên, diệt phần lớn một đại đội dù của Pháp. Khối bộc phá một tấn cũng đã tiêu diệt một phần tuyến ngang, tạo nên một cửa mở quan trọng giúp cho quân ta xung phong thuận lợi. Sáng ngày 7 tháng 5 năm 1954, lá cờ Quyết chiến Quyết thắng tung bay trên cao điểm A1 báo hiệu giờ tàn của tập đoàn cứ điểm.
Đúng 3 giờ chiều, các đại đoàn quân ta được lệnh: "Không cần đợi trời tối, lập tức mở cuộc tổng công kích đánh thẳng vào khu vực
trung tâm, phải đánh thật mạnh, bao vây thật chặt, không để cho Đờ Cát hoặc bất cứ tên địch nào chạy thoát".
(Bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm đầu hàng)
Đại đội 360 chỉ còn 5 người: Tạ Quốc Luật, Hoàng Đăng Vinh, Bùi Văn Nhỏ, Nguyễn Văn Lam và Đào Văn Hiếu, khoảng 17 giờ, sau khi dùng thủ pháo tiêu diệt tổ bảo vệ ở phòng ngoài sát cửa ra vào, tiến vào gian hầm có tướng de Castries. Tạ Quốc Luật nói: "Các ông hàng đi!”. 5 giờ 30 chiều, đại đoàn 312 báo cáo lên: "Toàn bộ quân địch tại khu trung tâm đã đầu hàng. Đã bắt được tướng Đờ Cát"
(Đài tưởng niệm chiến thắng Điện Biên Phủ)
Ngày hôm sau, 8 tháng 5 năm 1954, Bác Hồ gửi thư khen. Sau đó, Bác đến gặp và chúc mừng Bộ tổng tham mưu và đại tướng Võ Nguyên Giáp Nhưng lại kèm theo một lời tiên tri: "Chúc mừng chú (Võ Nguyên Giáp) thắng trận. Nhưng đừng chủ quan, còn phải đánh với Mỹ nữa. Sớm muộn gì chúng cũng sẽ nhảy vào Đông Dương thế chỗ Pháp".
Một ngày sau khi Pháp thất bại, ngày 8 tháng 5 năm 1954, Hội nghị Genève bắt đầu. Sau đó, Pháp công nhận chủ quyền của các nước Đông Dương trong đó có Việt Nam. Tướng De Castries, sau khi thất bại trở về Pháp, đã trả lời trước Ủy ban Điều tra của Bộ Quốc phòng Pháp rằng: “Người ta có thể đánh bại một quân đội, chứ không thể đánh bại được một dân tộc”.Đại tướng Võ Nguyên Giáp tổng kêt:
“Dân tộc ta có thể tự hào rằng: Dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, chúng ta đã chứng minh một chân lý vĩ đại. Chân lý đó là trong thời đại ngày nay một dân tộc thuộc địa bị áp bức, khi đã biết đứng dậy đoàn kết đấu tranh, kiên quyết chiến đấu cho độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội thì có đầy đủ khả năng để chiến thắng quân đội xâm lược hùng mạnh của một nước đế quốc chủ nghĩa".
7-5-2014
ĐÔNG LA