Thứ Sáu, 9 tháng 5, 2014

BIỂN ĐÔNG NỔI SÓNG



Tôi từng làm mấy câu thơ:
         Tổ Quốc!
          Có phải bão giông của thời gian hay của đất trời
                             đã thổi cong cả dáng hình của mẹ?
          Cái dải đất xanh mềm như dải lụa
          Mà như thành đồng trước sóng gió đại dương…
 Nhớ lại cuộc điện thoại của cô Vũ Thị Hòa gọi cho tôi sau khi cô thiền, cô nói về chuyện biển đảo với Trung Quốc là lại sẽ có rắc rối nhiều hơn. Cô nói hôm trước thì hôm sau VietNamNet đưa tin Trung Quốc đặt giàn khoan dầu xâm phạm lãnh hải Việt Nam.
Hôm nay tôi xin tổng hợp vài ý quan trọng về vấn đề này.
 Trước câu hỏi:
- Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng an ninh đã có yêu cầu gì với Chính phủ?
ông Lê Việt Trường, Phó chủ nhiệm ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội trả lời:.
- Ngày 6/5, Ủy ban quốc phòng an ninh đã họp và nghe đại diện Bộ Quốc phòng thông tin đầy đủ diễn biến tình hình cũng như thống nhất cách ứng phó và giải pháp tiếp theo.
Chúng ta kiên trì, kiên quyết đấu tranh bảo vệ quyền chủ quyền theo luật pháp quốc tế, buộc họ tuân thủ quy định DOC rút giàn khoan ra khỏi thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Chúng tôi cho rằng những thực thi vừa qua của chúng ta là rất phù hợp.
Nếu Việt Nam huy động lực lượng quân sự rất có thể sẽ trúng vào mong muốn của họ. Thử hình dung nếu tàu quân sự va chạm nhau thì câu chuyện sẽ như thế nào.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng tính toán để không đẩy vấn đề xấu hơn. Chúng tôi đánh giá phản ứng của Chính phủ là rất kịp thời, chủ động họp báo để thông tin cho dư luận trong nước và bạn bè quốc tế biết. Chúng ta đã và sẽ tiếp tục cương quyết. Phải đánh động với thế giới để họ thấy bản chất và ủng hộ quan điểm của Việt Nam và các nước trong khối ASEAN là duy trì DOC.
Theo Chí Hiếu (vnexpress)
-  Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc đưa giàn khoan và tàu hộ tống vào hoạt động tại thềm lục địa của Việt Nam. Phía Việt Nam sẽ có những biện pháp gì để ngăn chặn Trung Quốc lặp lại các hành động tương tự trong tương lai?
Ông Trần Duy Hải, phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia:
Trước đây, Trung Quốc cũng đã nhiều lần tiến hành thăm dò ở khu vực này và chúng ta cũng đã kiên quyết đấu tranh và Trung Quốc đã rút. Trung Quốc từng thuê các giàn khoan của các nhà thầu bên ngoài để dự tính khoan thăm dò trên vùng biển của Việt Nam. Nhưng chúng ta đã đấu tranh quyết liệt, kể cả gặp các nhà thầu đó để đấu tranh, nên chưa xảy ra trường hợp Trung Quốc khoan thăm dò trên vùng biển của chúng ta.
Đây là lần đầu tiên Trung Quốc sử dụng chính giàn khoan Trung Quốc chế tạo để tiến hành khoan thăm dò trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Như tôi đã khẳng định nhiều lần là chúng ta sẽ phải tiếp tục đấu tranh bằng mọi biện pháp hòa bình để bảo vệ quyền và lợi ích của chúng ta trên Biển Đông.
- Khi Trung Quốc đưa giàn khoan vào thềm lục địa Việt Nam, phía Việt Nam có bất ngờ không?
Ông Ngô Ngọc Thu, phó tư lệnh cảnh sát biển Việt Nam:
Về việc di chuyển của giàn khoan 981, chúng tôi đang theo dõi và nắm bắt rất chặt. Nhưng theo công ước quốc tế về luật biển, các tàu thuyền, phương tiện nổi được quyền di chuyển bình thường trên các vùng đặc quyền kinh tế. Chỉ khi nào những giàn khoan hạ đặt và tiến hành khoan thăm dò, lúc đó mới vi phạm pháp luật của nước có chủ quyền và quyền chủ quyền.
Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, chúng ta kiên quyết đấu tranh theo tinh thần sử dụng mọi biện pháp trên cơ sở đảm bảo hòa bình, ổn định ở khu vực, đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông, đảm bảo mục tiêu của chúng ta và các nước mong muốn.  
- Tôi thấy các tàu Trung Quốc chủ động đâm vào các tàu Việt Nam, vậy các tàu Việt Nam có đâm vào tàu Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền hay không?
Ông Ngô Ngọc Thu:
Mặc dù những ngày vừa qua, tình hình trên thực địa rất căng thẳng, Trung Quốc chủ động tiến hành đâm va và sử dụng các loại trang bị trên tàu để bắn, phun nước vào tàu Việt Nam. Cho đến nay, có 6 kiểm ngư viên Việt Nam bị thương.
Như quý vị xem clip, các tàu hải cảnh và các tàu bảo vệ của Trung Quốc chủ động đâm va vào các tàu Việt Nam, gây hư hỏng và ảnh hưởng đến tranh thiết bị của tàu Việt Nam. Vừa qua, lực lượng cảnh sát biển và lực lượng kiểm ngư hết sức kiên trì và kiềm chế. Chúng tôi tiếp tục bám trụ và giải quyết mọi việc trên biển. Nhưng mọi sự chịu đựng đều có giới hạn. Nếu tiếp tục đâm vào chúng tôi thì chúng tôi cũng có những tự vệ tương tự để đáp lại.
- Việt Nam có theo gương Philippines kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế Liên Hiệp Quốc hay không?
Ông Trần Duy Hải:
Quan điểm nhất quán của Việt Nam là thông qua các biện pháp hòa bình, trong đó ưu tiên cho việc đàm phán thương lượng giải quyết các vấn đề tranh chấp với các nước láng giềng. Tuy nhiên, chúng ta không thể loại trừ một biện pháp nào cả để bảo vệ hòa bình. 
- Trong cuộc điện đàm hôm qua với Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc đã nói gì? 
Ông Trần Duy Hải: Trong cuộc điện đàm giữa Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì, phía Trung Quốc cũng nhắc lại lập trường của Trung Quốc trên Biển Đông. Họ cho rằng khu vực mà giàn khoan 981 đang hoạt động thuộc quyền tài phán của Trung Quốc. Nhưng Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã bác bỏ những quan niệm từ phía Trung Quốc và khẳng định chủ quyền của chúng ta đối với quần đảo Hoàng Sa, cũng như quyền chủ quyền, quyền tài phán của chúng ta đối với vùng biển. Chúng ta nhấn mạnh rằng các hoạt động của tàu và giàn khoan 981 vi phạm, xâm phạm các vùng biển của Việt Nam và Việt Nam sẽ kiên quyết phản đối. 
Theo Trọng Giáp (vnexpress)
Như vậy thái độ và hành động của những người và những cơ quan có trọng trách phía Việt Nam rất đúng.
Với các nhà lãnh đạo phía Việt Nam tôi thấy, chúng ta cần giữ vững chủ trương quan hệ hữu nghị láng giềng với Trung Quốc nhưng đã đến lúc cần nêu vấn đề, góp ý thẳng với lãnh đạo phía Trung Quốc về sự xâm phạm chủ quyền lãnh thổ nước ta của họ. Vị trí giàn khoan 981 lần này thật nguy hiểm, nó như cái ổ khóa khóa cửa biển của chúng ta vậy. Chúng ta mềm mỏng nhưng phải kiên quyết chứ không nên cả nể, nhún nhường. Như Bác Hồ từng dy hồi kháng chiến chống Pháp: “chúng ta đã nhân nhượng nhưng càng nhân nhượng quân Pháp càng lấn tới”. Chúng ta cần tăng cường quốc phòng,
tăng cường ngoại giao đa phương. Nếu Trung Quốc thực hiện được tham vọng “đường lưỡi bò” thì sẽ ảnh hưởng mọi mặt và cụ thể nhất là vận tải biển đến toàn thế giới, nên cần kêu gọi toàn thế giới chống lại tham vọng vô lý của Trung Quốc. Chúng ta cũng cần tỉnh táo rà soát tỷ trọng quan hệ về kinh tế của ta với Trung Quốc. Nếu xung khắc xảy ra nền kinh tế có bị ảnh hưởng nặng nề không? Vừa rồi phía trung Quốc chậm mua dưa hấu, các xe dưa đã nối dài bất tận ở cửa khẩu rồi?
Tóm lại quan hệ với Trung Quốc là khó, cần theo gương cách ứng xử của chúng ta thời bác Hồ còn sống. Liên Xô và Trung Quốc chống nhau nhưng ta vẫn xin được tên lửa của Liên Xô và chở vũ khí đó qua đất Trung Quốc về nhà! Còn nghe theo lời bọn trí thức chấy rận, biểu tình quấy rối thì chỉ làm rối vấn đề thêm mà thôi.
9-5-2014
ĐÔNG LA