ĐÔNG LA
M Ộ T C Á
I C H Ế T
( Truyện ngắn)
Vừa rồi dư luận ồn ào về chuyện “Đại tướng quân Hai
Lúa” được Nhà nước Cămpuchia vinh danh và trọng thưởng. Tôi thấy sự việc đã bị
đẩy về phía hai cực. Việc coi thường, cho chiếc xe thiết giáp ông Hải chế tạo
sẽ như chiếc quan tài thép khi lâm trận là quá đáng. Ngược lại cho ông là một
nhà sáng chế phát minh mà nhà nước ta không trọng dụng phải sang Cămpuchia
trổ tài cũng không phải. Thực chất, ông Hải chỉ là người lắp ráp. Với một
hình mẫu có sẵn, các bộ phận đều có thể kiếm ra, với tay nghề cao và công cụ
đầy đủ thì tôi tin là Việt Nam
có nhiều người làm được như vậy. Sản phẩm là chiếc xe 6 bánh, trên mặt đất,
thì hoàn hoàn có thể chạy được. Cái khó là động cơ và súng đạn thì không chỉ
ông Hải mà cả nước VN cũng không thể làm nổi. Với sản phẩm phức tạp hơn, cần
độ chính xác và tính khoa học cao hơn, như máy bay chẳng hạn, thì tài năng và
trình độ của ông Hải không thể nào làm ra được sản phẩm đạt các tiêu chuẩn
nghiêm ngặt. Ông Hải chỉ hơn người ta ở lòng say mê, tinh thần dám nghĩ dám
làm. Điều này thì ông đúng là một tấm gương sáng.
Còn
bọn “lều báo” nhân vụ ông Hải để “đâm bị thóc, chọc bị gạo” là có thật và phê
phán bọn chúng là đúng.
Có điều nếu nghiêm túc đánh giá chính sách của nhà nước, mối quan tâm của nhà
nước đối với cả lĩnh vực nghiên cứu khoa học công nghệ ở nước ta và đối chiếu
với thực tế thì đúng là còn quá nhiều điều không tốt. Chính vì thế thành tựu
về khoa học công nghệ của ta rất ít và nước ta còn lâu mới có được một nền
kinh tế tri thức.
Tôi viết vậy với tư cách là người trong cuộc. Nhân vụ
việc “Đại tướng quân Hai Lúa” tôi muốn đăng một truyện ngắn tôi viết về việc
nghiên cứu của chính tôi. Đây là tác phẩm duy nhất mà tôi chưa đăng báo, chưa
in sách và cũng chưa hề cho lên mạng. Truyện ngắn này tôi viết về một trong
hai công trình nghiên cứu nhớ đời của tôi. Công việc có thật, nhân vật chính
là tôi có thật, còn các nhân vật khác có một phần sự thật, đơn giản là vì nếu
chỉ kể lại sự thật thì không thành văn chương được. Viết được truyện này không
dễ vì cần phải từng trải, người viết cũng phải có trí tuệ để cài đặt tư tưởng
trong các tình tiết. Tôi viết cách đây 15 năm, hồi còn chưa quan tâm đến Đạo
Phật, đến hiện tượng ngoại cảm, nhưng đã có nhiều ý mang tinh thần của đạo
Phật, như đoạn đối thoại coi cây cối là chúng sinh nên cũng biết đau. Thật kỳ
lạ, khi bàn về cái ác từ ngày ấy, cũng đã hiện lên bóng dáng của “em Thu
Uyên” hôm nay.
29-11-2014
ĐÔNG LA
|
Thế là hết. Tất cả chỉ còn như cái xác
không hồn. Không còn đâu bóng dáng vừa sôi nổi vừa thâm nghiêm của một viện nghiên
cứu khoa học; đến cái không khí cũng như được sơn phết bóng nhoáng lên. Ồn ã.
Thực dụng. Phía mặt tiền viện, một dãy ki-ốt chen nhau đứng kín. Ngay từ xa đã
thấy đập vào mắt hình những thiếu nữ to bằng người thực, nhí nhảnh, xinh tươi,
mặc quần soọc, khoe cặp đùi dài để quảng cáo cho phim ảnh Kodak; rồi những
cô người mẫu mông ngực hở hang đầy quyến rũ nhưng không thể yêu được vì chỉ là
ma-nơ-canh bằng nhựa ưỡn ẹo trong lồng kính cửa hàng thời trang, v.v…
Mỗi lần có dịp qua nơi chốn cũ, Huy không khỏi bùi ngùi, thấy nó giống như
một trận địa hoang phế, cái trận địa vô hình, không có xác chết mà chỉ có xác
những ước mơ và những hoài bão của một thời đầy nhiệt huyết ngày nào.
***
Sau buổi lễ đăng quang nhậm chức ồn ào, bà Mỹ Lệ, viện trưởng mới, lại cảm thấy
không vui. Bà thấy trong lòng cứ dâng lên một khối vô hình gì đó, ấm ách không
chịu được. Bà biết, giấu sau những nụ cười chúc tụng đầy tính xã giao môi mép
của đồng nghiệp chỉ là sự hằn học. Mất bao công sức và thủ đoạn mới đẩy được
ông viện truởng cũ về hưu, biết bao kẻ thèm muốn ngồi vào cái ghế của bà, giám
đốc một viện nghiên cứu quan trọng của cả một ngành!
Về nhà, đầu óc còn nặng trịch bởi bia rượu chúc tụng, bà thừ người ngồi ở bộ xa-lông.
Ngay tại cái tổ ấm này bà vẫn không thấy thoải mái, lại còn cảm thấy trống vắng
hơn. Không phải do không gian mênh mông của ngôi biệt thự mà do sự trống vắng
của chính lòng bà. Không có ai chúc mừng bà ở đây. Ông chồng, một người khát
danh như khát nước, mặt lúc nào cũng phờ phạc vì những mơ mộng hão huyền; gần
một đời vì hãnh tiến mà theo đuổi một ngành quá khó là vật lý lý thuyết nên
không làm nên trò trống gì, không biết đã biến đi đâu? Bà cũng lại không có con
vì đã bị u xơ cắt bỏ buồng trứng. Ông Trời quả thật trái khoáy, chẳng cho ai
vẹn tròn cả. Nỗi bất hạnh cứ như một bó gai, tiền tài địa vị dù có bao nhiêu
cũng không sao trùm lấp đi được, đôi lúc nó vẫn lộ ra, cào xước, làm buốt nhói
trái tim bà. Bà không đẹp, cũng chẳng duyên dáng, cái tên Mỹ Lệ ba má đặt cho
hồi nhỏ đâm ra như một sự diễu cợt. Giờ đây, đã ngoài năm mươi, người bà như được
cuộn tròn lại từ một tấm thịt. Khuôn mặt bóng mỡ, má bầu bầu, mũi đo đỏ, mắt
trô trố, răng hô hô, tiếng nói thì rổn rảng (Có thể do bị “nam hóa” vì cắt mất
buồng trứng chăng?). Dù vậy, bà cũng còn được cái phong thái của giới trí thức.
Là con một liệt sĩ, bà đã được ưu tiên đi học nhiều năm ở Đông Đức (cũ). Có lẽ,
chỉ còn lại con đường duy nhất dẫn tới quyền lực là lôi cuốn bà, cho bà những
bấu víu, những khát vọng sống. Bà nhớ đến ông anh ruột, người mà không có ông,
bà không thể chiếm được cái ghế viện trưởng.
***
Cùng gốc máu, hai anh em nhác trông có vẻ giông giống nhau, nhưng đi vào đường nét
cụ thể thì khác nhau một trời một vực. Ông anh đã gần 60 mà vẫn dáng thể thao,
phong thái đĩnh đạc, khuôn mặt rất trí thức, chỉ riêng cặp mắt là có cái nét
rất hiểm. Ông là một thứ trưởng, tất nhiên là có quyền, còn biết khéo léo dựa
dẫm bề trên để tạo thêm uy thế. Vì vậy, trong lãnh địa mà cánh tay quyền lực
của ông có thể vươn tới, ông có khả năng thay đổi cả một trật tự hợp lý thành
một trật tự mới, trật tự của riêng ông. Chuyện bà em lên viện trưởng là một ví
dụ. Ông nói với bà em, vừa đến chơi như một sự đáp lễ:
- Sao, cô Ba, thỏa mãn rồi chớ? Bây giờ cờ đến tay rồi đó. Phất được hay không là
tùy ở cô.
- Tất cả lại trông vào anh, chớ đàn bà tụi em mà làm chi được. Cùng lắm ngồi được
cái ghế này dăm năm lại hưu thôi chớ gì, anh !
- Biết là vậy, nhưng cô cũng phải giữ thể diện cho tôi chớ. Ít ra cô cũng phải
làm được vài đề tài chi đó, cho dù chỉ là cái cớ thôi. Như vừa rồi, cái quy
trình lên men không làm ra được vài ký “ốcxy” (Oxytetracycline-một loại
thuốc kháng sinh), tôi có là thánh cũng không đưa cô lên cái ghế đó được đâu.
Mà không có cái cậu gì đó chắc chi đã kết thúc được đề tài. Cô muốn vững thì
phải biết lợi dụng những thằng như vậy. Cuộc đời thực ra cũng chỉ như một vở
kịch lớn thôi, ai diễn khéo thì được. Cô có hiểu không? Ngừng lại giây lát, ông
tiếp: -Nên kỳ nầy, có lẽ chúng tôi lại giao cho chỗ cô cái đề tài thuốc ung thư
đó.
Bà viện trưởng nghe ông anh nói vậy, giật nảy mình như chạm phải điện:
- Trời đất! Anh Hai tha cho tụi em. Cái việc đó khó lắm. Anh giao cho tụi em chắc
chết quá!
- Kế hoạch này là của cả ngành, không thể tránh được. Chỗ cô là viện nghiên cứu,
vậy không giao cho cô thì giao cho ai? Cô cứ như cũ mà làm, tức chỉ làm tượng
trưng thôi cũng được. Chớ tôi biết trước, cái này mình cũng chẳng làm được đâu!
Ông ngừng lại một lát, rồi tiếp, nhưng chậm hơn, nói với bà em mà như nói với
chính mình: - Đã là viện phải có đề tài, mà chỉ có đề tài mới có kinh phí, có
nước ngoài, nước trong này nọ!...Cô...cô còn... Như thói quen từ nhỏ, ông
định nói “cô còn ngu lắm” nhưng chợt nhớ cô em giờ đã trên 50, đã là viện
trưởng một viện nghiên cứu, nên ông ngừng lại rồi mới tiếp: - Mà tôi mất bao
công sức lo cho cô, để rồi cô ngồi không sao? Vừa mất mặt tôi, vừa...vừa... sau
này hưu trắng tay à! Thế, cái thằng chiết “oxy” đâu?
- Nó lại đang ở Lêningrat, sau đề tài ấy em đã thưởng cho nó một chuyến. Còn ở
bển cả nửa năm nữa mới chết em chớ!
- Vậy trong đám cán bộ nghiên cứu, cô không còn đứa nào khá sao?
- Có một cậu còn khá hơn cậu kia, nhưng em lại không hợp thằng này.
- Trời đất, cô là sếp mà nói chi lạ vậy? Sao lại có chuyện hợp với không
hợp?
- Thằng này bộ đội chuyển ngành, chuyên môn giỏi nhưng tính tình khó chịu lắm. Nói
ra thì lại bảo mất quan điểm lập trường, con cái bọn ngụy thất thế lại rất dễ
thương anh à. Không giống như mấy ông tướng trong rừng ra cậy công không coi ai
ra gì đâu!
- Cô nên biết, bọn đó đến dịp HO là chúng dông tuốt chớ gì! Chúng ngoan, chúng
khéo cũng chỉ vì miếng cơm manh áo thôi. Cô là giám đốc, hãy coi cái mục đích
của mình mới là quan trọng, không nên chấp nhặt. Ngựa hay thường là ngựa chứng
mà. Thằng bộ đội đó chắc cũng bướng hả?
- Nó cũng không hẳn ngang bướng. Chuyện nầy khó nói lắm... Mỗi lần họp hành, nhất
là về mấy cái đề tài, nó mà nói thì… mình cứ như bị thừa ra vậy, chẳng còn kí-lô
nào hết trọi á.
- Tôi hiểu rồi. Cũng tại cô chưa biết làm lãnh đạo. Với việc chuyên môn, đừng có
dại mà đi vào chi tiết, chỉ nên góp ý chung chung thôi. Cái khéo của người làm sếp
là ở chỗ, mình không làm gì cả mà lại làm tất cả. Làm sao khi mỗi công trình
hoàn thành thì thiên hạ phải hiểu rằng, mình mới chính là cái đầu, còn bọn thực
hiện chỉ là cái chân, cái tay thôi. Cô...cô còn... (ông lại muốn nói “cô còn
ngu lắm”). Muốn làm lãnh đạo, cô phải dẹp cái tự ái vụn vặt của đàn bà đi!
- Tại anh chưa biết thằng này, mặt nó lì lì, lúc nào cũng cứ như đi guốc trong
bụng mình vậy, khó chịu lắm!
- Cô có biết cái nghệ thuật buộc cho bọn thuộc cấp phải lệ thuộc vào mình
không? Hãy đừng để cho đứa nào ngồi đúng chỗ của chúng! Cô cứ bắt thằng khá
chuyên môn làm việc hành chánh, bắt thằng giỏi việc hành chánh làm chuyên môn.
Như vậy, đứa nào cũng phải gặp khó khăn mà cần đến mình. Tất nhiên, muốn vậy
thì cô cũng phải có bản lãnh. Cô nhớ cho, cô chỉ được sử dụng khả năng của bọn
chúng như một công cụ khi thực sự cần thiết, không được để cho đứa nào
tạo được một thanh thế quá lớn, cũng giống như việc chơi cờ. Mà chơi cờ nghĩa
là thế nào cô có biết không, mà là cờ người đấy?
***
Sau buổi nhận được những “ý chỉ” trên, viện trưởng Mỹ Lệ tổ chức một cuộc họp cán
bộ nghiên cứu, phổ biến kế hoạch đề tài, và cho gọi anh chàng “bướng bỉnh” gặp
riêng tại phòng. Lúc đầu Huy rất băn khoăn, không biết có chuyện gì. Anh biết
trước nay bà ta vốn không ưa gì mình. Nhưng rồi anh quá đỗi ngạc nhiên, không
ngờ bà viện trưởng mới lại vồn vã quá đáng. Có thể do bà đã toại nguyện nên
niềm vui của bà đã san bằng mọi hố ngăn cách chăng?
- Sao, đi học lớp tiếng Anh về có vui không em? Đó, em thấy đó, năm trước có bao
đứa muốn đi học, nhất là mấy cô tre trẻ cứ năn nỉ hoài, chị vẫn nhứt định dành
suất đó cho em.
Anh cười thầm: “Bà tống tôi đi học, để dứt tôi ra khỏi cái đề tài “tetra”
chứ tốt đẹp gì”. Bà viện trưởng tiếp:
- Quả thực, trước nay chị còn chưa hiểu hết em. Em cũng ít nói, tối ngày lại lọ
mọ ở phòng thí nghiệm. Nhưng giờ thì chị đã hiểu hơn. Từ hôm nay, có lẽ chính
em chớ không phải ai khác sẽ là chỗ dựa tin cậy của viện. Rất mong em giúp chị,
rồi chị sẽ tạo mọi điều kiện cho em làm việc, chị tin là em nhất định sẽ thành
công, nhà khoa học trẻ ạ.
Tiếp theo, bà như giội lên anh hàng loạt những lời khen. Nào là thông minh, nào
là giỏi giang... Cái tính nết bà từng cho là bướng bỉnh thì giờ được chuyển thành
sự trung thực thẳng thắn; sự khác người bà từng cho là gàn dở thì trở thành độc
đáo. Rồi bà còn vẽ ra cả một tương lai xán lạn ...
Anh vẫn im lặng. Là đàn ông con trai có ai lại không thích được coi là quan trọng?
Không muốn sự nghiệp thăng tiến? Nhưng khổ nỗi anh lại quá nhạy cảm, rất dễ bị
dị ứng với những giả trá, lươn lẹo. Anh thấy rất rõ trong cái vẻ thơn thớt nói
cười ấy chỉ là những tình cảm giả tạo. Nhưng nếu không vậy bà ta cũng không thể
lên viện trưởng được, bởi bà ta thuộc típ người làm việc bằng đầu óc
nguời khác mà. Anh nhớ, hồi còn là một trưởng phòng, cứ mỗi lần bàn luận việc
chuyên môn, anh phát biểu là bà ta lại đưa tay ôm ngực, kêu đau tim, rồi bỏ
luôn không họp nữa! Không điều khiển nổi một phòng sao lại có thể làm được viện
trưởng?
Sau bao vòng vo, ve vuốt, bà viện trưởng mới nói ra ý định:
- Huy à, hôm nay chị muốn dành cho em một phần thưởng bất ngờ. Chị nghĩ, đàn ông
con trai như em không nên làm những chuyện nhỏ nhặt. Có một đề tài hóc búa, chị
muốn giao nó cho em. Em ráng giúp chị nghe?
Kể như lúc mới ra trường thì chắc chắn anh sẽ rất mừng khi nghe tin này, đề tài
càng khó lại càng cuốn hút anh. Vốn là một chàng trai có cá tính, anh thích trí
tuệ mình được thử thách. Nhưng giờ đây, sau những lần bị giằng ra khỏi tay
những công việc đang làm dở dang, cái ngọn lửa khát vọng luôn ngời lên trong
mắt anh ngày nào đã lịm tắt, chỉ còn lại trên gương mặt hốc hác cái vẻ mệt mỏi
và buồn nản. “Còn tàn nhẫn hơn cả giết đi một con người khi giết đi những
ước mơ của họ”, có một nhà văn nào đó đã viết như thế. Huy mở miệng đáp lời
bà viện trưởng như ném từng viên âm thanh ra khỏi thanh quản mình:
- Đề tài gì vậy chị?
- Thì chị vừa nói trong cuộc họp hồi nãy đó. Kỳ này trên lại giao cho mình cái đề
tài chiết xuất thuốc chống ung thư em à. Chị tin vào khả năng của em. Nếu em mà
thành công, thì quả thực, cả viện mình cũng sẽ được thơm lây đó!
Anh nhếch miệng cười thầm. Mẹ kiếp! Đúng là cái số mình nó vậy! Hết đề tài lại đề
tài! Biết là ở viện nghiên cứu tất phải vậy, nhưng khổ một nỗi, cứ những miếng
xương xẩu thiên hạ gặm không được là người ta lại dồn cho mình! Đây không phải
là lần đầu và chắc cũng chẳng phải là lần cuối. Anh đáp:
- Chị Lệ ạ... không phải em không muốn giúp chị, nhưng... em thấy việc này khó
lắm!
- Thì có khó vậy chị mới phải nhờ đến em!
Anh ngần ngừ. Như trước đây, nếu không nhận anh sẽ từ chối thẳng thừng, nhưng giờ
thì cũng đã biết mềm mỏng, trả lời nước đôi:
- Thôi, chị cứ để em suy nghĩ xem sao.
Bà viện trưởng vốn nóng tính, hơi một chút mặt đã đỏ bừng bừng. Với người khác,
việc khác, bà sẽ áp đặt ngay, làm gì có chuyện phải lụy cấp dưới. Riêng trường hợp
này bà không thể nên vẫn phải tươi cười:
- Được rồi, em cứ suy nghĩ kỹ đi, chị sẽ đợi. Nhưng ráng giúp chị nghe cưng!
Huy ra về, lòng đầy phân vân. Mới năm ngoái đây thôi, sau khi chiết được ít gam
“tetra”, chính bà ta chứ ai xa lạ gì đâu đã tìm cách đẩy anh ra khỏi đề tài,
rồi cùng mấy “đệ tử ruột” tiếp tục, không phải để hoàn thành công việc mà nghĩ
cách tiêu hết số kinh phí khổng lồ sao cho hợp lý nhất. Còn đề tài, cứ có chút
sản phẩm mẫu là có thể tổng kết được rồi... Còn lần này?
Về đến khu tập thể, anh không lên phòng mình mà vào căn hộ của ông viện trưởng cũ.
***
Sau cái biến cố làm xôn xao cả ngành, ông viện trưởng cũ không cay cú kiểu như
những kẻ tham lam bị giật khỏi miệng những miếng mồi ngon mà chỉ rất đau
đớn.Vốn là người ham việc, ông như con cá bị tách ra khỏi nước. Người ông vốn
xương xẩu lại càng xương xẩu hơn. Tay chân như
gióng trúc. Trên khuôn mặt có nét thông thái như một nhà giả kim thuật, nếp
nhăn ken nhau như mạng nhện. Chỉ nguyên đôi mắt sâu tinh anh là vẫn luôn ánh
lên những nét thông minh, cái tầm nhìn của một nhà khoa học hàng đầu.
Vào nhà, Huy thấy ông đang cặm cụi ngoài ban công:
- Bác đang làm gì đấy?
- Chà, cái cây cảnh của mình nó bị đau, bị cảm sốt cậu ạ. Thằng cháu phá quá làm
gãy mất một cành. Mình cho nó uống Aspirin.
Ông già đúng là một pho từ điển sống. Mỗi lần truyện trò, anh rất thú khi được biết
thêm nhiều chuyện lạ.
-Cây cối mà cũng bị đau sao bác?
- Đã gọi là sinh vật sao không đau, cậu? Ngồi ghế rót nước uống đi, đợi mình rửa
tay. Về cái chuyện này cũng nhiều điều thú lắm.
Sau một lát, ông trở lại bàn nước:
- Cậu biết không? Mọi sinh vật đều có cùng một nguyên lý sống cả thôi. Chúng chỉ
khác nhau ở chỗ cao thấp và độ phức tạp. Dù là con người, con vật hay cây cối
cũng vậy. Nếu bị tổn thương, chỗ vết thương đều sinh ra chất Prostaglandine
gây đau. Chính Aspirin trung hòa được cái “thằng” này, nên người ta mới
dùng nó làm thuốc giảm đau. Cậu thấy đấy, đến cây cỏ cũng còn biết đau đớn, thế
mà có những kẻ, chúng không biết đến cả nỗi đau đớn của con người!
- Cháu thấy cũng lạ, rõ ràng ai cũng thấy điều thiện là điều tốt đẹp, cái ác là
cái xấu xa, nhưng tại sao vẫn có những người cứ đi làm điều ác?
- Làm mỗi điều thiện dù nhỏ cũng kèm theo sự hy sinh, trái lại, làm mỗi
điều ác, ít nhiều cũng thỏa mãn được tính ích kỷ.
- Nhưng cháu thấy, tính ích kỷ thực chất cũng chỉ là một dạng của bản năng đấu
tranh sinh tồn. Mà đã thuộc về bản năng, tức là chính Tạo hóa đã sinh ra vậy,
nên khi làm những điều xấu, điều ác, có lẽ, người ta cũng không biết chúng là
xấu, là ác đâu bác ạ.
- Cậu nói vậy chỉ đúng một nửa thôi. Đúng là con người cũng giống con vật ở chỗ
đều có cái bản năng. Nhưng chỉ có loài người mới biết đỏ mặt xấu hổ, chứ loài
vật đâu có vậy. Nên chỉ những kẻ nào để bản năng lấn át tính người mới làm điều
xấu, điều ác. Và theo tôi, xấu hơn tất cả là, cậu biết không, chính là những kẻ
làm điều xấu, điều ác không phải do vô tình, do bị hoàn cảnh thúc bách, mà lại
làm một cách có ý thức, rồi còn móc nối nhau cùng làm nữa! Người ta còn khổ vì
loại người này cậu ạ! Cậu cứ xem ngay ở viện mình đấy!
- Quả thật, cháu cũng thấy, có những kẻ dường như không độc ác, không xấu xa là
họ không chịu được hay sao ấy! Rất may là chỉ có một số nhỏ như vậy thôi, nếu
không, có lẽ loài người chẳng còn đến được ngày hôm nay.
Ông viện trưởng cũ trầm ngâm một lát, rồi tiếp :
- Lúc đầu, tôi đi lấy các cậu về, cũng mong mình cùng chung vai làm cho viện phát
triển. Không ngờ lại đến tình trạng này. Thật thương các cậu quá! Sao, bây giờ
công việc thế nào rồi?
- Nhiều công trình hồi bác chủ trì đã dừng lại. Nếu có tiếp tục thì cũng chỉ là
làm cho có thôi. Nhiều người đã xin đi nơi khác. Bây giờ bác có đến viện thì
chán lắm. Viện nghiên cứu gì mà chẳng lo nghiên cứu, lại cứ đi mở thêm xưởng
sản xuất phụ, để kiếm thêm những khoản chia nhau mà!
Ông viện trưởng cũ chợt thấy buồn vô cùng. Chính ông là một trong những cha đẻ của
cái viện này. Ông đã đề xuất thành lập viện và khởi thảo những chương trình hoạt
động cho nó. Ông cảm thấy rất đau đớn khi thấy đứa con tinh thần của mình đang chết
dần chết mòn mà không có cách gì cứu được. Ông nói chậm rãi với người bạn vong
niên:
- Cậu có biết tôi nghĩ điều gì khi đề nghị trên thành lập cái viện này không? Quả
là kinh tế nước ta đã bắt đầu phát triển và có nhiều triển vọng. Nhưng chủ yếu
vẫn chỉ dựa vào những sản phẩm do cơ bắp và thiên nhiên mang lại thôi. Một nền
kinh tế vững cậu biết không, phải làm ra cho được những hàng hóa có hàm lượng
trí tuệ cao. Trên thị trường, cơ man là sản phẩm mang nhãn hiệu của ta, nhưng
thực chất cũng chỉ là những sản phẩm gia công. Chỉ cần nhập hoạt chất về, rồi
ngoáy ngoáy, trộn trộn là thành. Tôi thấy thật kỳ lạ, nước mình sao có quá
nhiều giáo sư tiến sĩ, nhưng cũng lại có quá nhiều người học cho có cái danh để
nắm chức gì đó chứ không phải học để làm việc.Thử hỏi, ta đã có mấy sản phẩm
sản xuất được từ những hóa chất, nguyên liệu lấy từ chính quặng mỏ nước ta? Tôi
e ngại, nếu mình không phát triển khoa học kỹ thuật, rồi cả nước sẽ biến thành
một xí nghiệp gia công khổng lồ mất! Buồn là dân mình đã mất bao xương máu mới
giành được độc lập, nhưng rồi cũng lại phải đi làm thuê ngay trên chính đất
nước mình !... Đấy, từ những suy nghĩ như thế, tôi mới đề xuất thành lập cái
viện này đấy. Tên của nó có chữ công nghiệp là thế. Bao nhiêu công sức
mới ra được cái hình hài như vậy, vậy mà giờ đây không biết rồi nó sẽ thành cái
giống gì?!
- Đầu tiên được bác chọn về đây, được cùng làm việc với bác, cháu tưởng
có thể sẽ hy sinh tất cả cho công việc nghiên cứu. Không ngờ, đến giờ cháu
không còn một chút ham hố gì nữa. Nhưng oái oăm là hôm nay người ta lại định
giao cho cháu cái đề tài thuốc ung thư bác ạ. Thật nản quá! Cháu tính đến hỏi
bác xem có nên nhận không?
- Phải nhận chứ. Cái đề tài này thú lắm đó. Các cậu là cán bộ nghiên cứu phải gắn
với những đề tài. Dù kết cục thế nào thì cậu cũng biết thêm được một việc, có
thêm kinh nghiệm, bổ ích lắm! Với lại, còn nhà nước, còn pháp luật nữa chứ. Chẳng
có kẻ nào lại có thể phá rối đời đời kiếp kiếp được đâu .Các cậu còn trẻ
mà!
***
Thế là Huy lại bắt tay vào công việc. Mà đã vậy thì không còn gì có thể chi phối
được nữa. Đến với mỗi việc nghiên cứu, anh đều thấy mình như bước vào một
khoảng không gian mới lạ, mà mỗi hoạt chất cần phải tìm kiếm cũng giống như một
cơ thể sống. Diện mạo của nó là cấu trúc hóa học; các nguyên tử gắn bó với nhau
bằng những mối liên kết, tạo ra những tính chất khác nhau, cũng giống như tính
cách của mỗi con người vậy. Nhưng tất cả trước mắt các nhà nghiên cứu chỉ là vô
hình. Tung tích của chúng chỉ hiện lên bằng những dấu hiệu, có thể là một chút
bọt khí, một vệt kết tủa, một sự đổi mầu... nào đó trong bình thí nghiệm. Nhà
khoa học chỉ có thể “nhìn” thấy chúng bằng sự suy luận, và chỉ có những kết quả
thí nghiệm mới trả lời được cái nhìn nào là đúng mà thôi.
Đề tài mà anh được giao quả rất hóc búa. Đó là việc chiết xuất một loại hoạt chất
chống ung thư rất qúy giá với hàm lượng rất nhỏ (1/10.000), lại rất dễ bị phân
hủy, có trong một loại dược liệu.
Như thường lệ, việc đầu tiên là anh phải vào thư viện. Anh lấy cuốn Merck
index tra cứu, rồi cắm cúi ghi vào cuốn sổ nhật ký thí nghiệm:
Ngày 27-11-1988.
VLB(Vincaleukoblastine).Mol.wt.813.80.Antitumor alkaloid isolated from Vinca
rosea Linn.J.Am.Chem.Soc. 81,4745,4754(1959).
Practically insol in water,petr.ether.Soluble in alcohols,aceton, ethyl
acetate,CHCl3.LD50 i.v in mite 17 mg/kg.
Đây là một đoạn tóm tắt tên gọi và tính chất của hoạt chất. Với anh, lắm lúc chỉ
từ những điều hết sức chung chung như vậy, vẫn có thể làm ra đủ trò, có khi còn
tìm ra được cả những biện pháp trùng với tài liệu do một ông Tây ông Tàu nào đó
viết ra nữa. Những suy luận đúng đắn thường dẫn đến những con đường giống nhau.
Trong công việc mới này, anh biết rồi cũng sẽ có vô vàn khó khăn, liệu anh còn
có được sự thông minh như vậy nữa không? Thông thường, để tinh chế một chất,
người ta chỉ cần kết tinh chọn lọc. Nhưng trong trường hợp hóc búa này, phải
tách một đối tượng có hàm lượng vô cùng nhỏ ra khỏi dược liệu là một loại thảo
mộc, lại trong một hỗn hợp có hàng trăm chất khác. Anh nghĩ, sau khi chiết được
alkaloid toàn phần, để tách riêng hoạt chất cần tìm, có lẽ phải dùng đến phương
pháp kỳ công nhất là sắc ký cột thôi.
Anh từng đứng đầu những nhóm nghiên cứu và thấy chúng cũng giống như một xã hội
thu nhỏ, cũng những con người với những tính cách khác nhau. Lần này, bà viện
trưởng giao cho anh 4 người, một kỹ sư phụ trách thiết bị, một cử nhân hóa học,
một dược sĩ và một nhân viên trung cấp. Đầu tiên, anh gặp anh chàng kỹ sư Bách
khoa tên Tâm, không hiểu sao người gầy tong teo như cây củi, được cái khéo tay
và nhanh nhẹn. Anh yêu cầu Tâm lắp ráp các thiết bị cần thiết. Còn Lam, cử nhân
hóa học, một cô gái đẹp sắc sảo nhưng có nét ác, thuộc “tướng sát chồng”, khiến
anh ghê ghê, anh không ưa nhưng buộc phải nhận vì là con của một bạn sếp. Anh
giao cho Lam phần không cần chuyên môn sâu là giai đoạn chiết cồn. Còn một nhân
vật nữa anh cũng không ưa và cũng buộc phải nhận là bà Nụ, nhân viên trung cấp,
đã khá tuổi, cũng chỗ thân tín với bà viện trưởng. Trước kia gặp anh cứ khinh
khỉnh, nay về làm lính của anh thì miệng lúc nào cũng ngọt xớt, làm anh gai cả
người! Anh chỉ giao cho bà ta những việc vặt. Riêng có Hoa, một dược sĩ, là anh
thấy hợp. Hoa rất xinh, có nét như một cô gái lai, không điệu đàng ma mãnh, và
đặc biệt, tính cô làm việc rất cẩn trọng. Anh giao cho Hoa làm cùng mình khâu
quan trọng và khó khăn nhất là phân lập và kiểm tra hoạt chất. ***
Rồi bọn Huy thực sự bắt tay vào công việc. Trước hết là những cuộc tranh luận nảy
lửa dằng dai mà anh hay cắt ngang bằng câu “Việc này tôi sẽ chịu trách nhiệm!”
Như mọi lần, ngoài những khó khăn do chính công việc đặt ra, anh cũng phải vượt
qua bao chuyện vặt không ít rắc rối. Anh đã cố gắng làm vừa lòng mọi người mong
sao công việc tiến triển tốt đẹp. Riêng với Lam, một lần anh đã không giữ được
bình tĩnh. Tất cả chỉ tại cái tính đong đưa phù phiếm của cô ta. Anh thấy, từ
khi về nhóm, cô nàng có vẻ như “giăng lưới” mình, nhưng anh cũng biết, chẳng
phải do thương yêu gì đâu, mà chỉ là một sự chứng tỏ sức mạnh của phái nữ, sự
quyến rũ. Nếu không hiểu, “rờ” vào một cái là anh có thể bị mất mặt như chơi,
bởi cô ta sẽ có cớ kháo ầm lên mình muốn “dê” mà không được! Áo blu viện
phát Lam không mặc, lại đi may những cái mỏng dính, mặc vào trông lúc nào cũng
cứ như ở bãi biển vậy. Trước mặt anh, Lam lại tai quái, hay cúi xuống giả vờ
làm một cái gì đó, trưng ra nguyên vẹn bộ ngực thây lẩy của mình. Kể chỉ như vậy
thôi thì cũng chẳng chết ai, cho đây nhìn thì đây cứ nhìn cho mát mắt! Khổ nỗi,
Lam lại hay làm hỏng việc! Dịch chiết lần 1, lần 2, nước rửa bã, cứ đổ lộn tùng
phèo lên cả! Vậy là một mẻ thí nghiệm bao công sức công toi hết! Anh cáu, nghĩ
phải nói một câu thật sỗ để Lam xấu hổ mà chú tâm vào công việc. Nhưng anh đâu
biết rằng, cô gái này thực chất được bà viện trưởng phân về nhóm của anh chỉ để
“theo dõi” anh chứ không phải để làm việc; cả cái việc đong đưa mồi chài
cũng là nhiệm vụ của cô ta! Vì không hiểu điều “tuyệt mật” ấy, nên một
lần thấy Lam lại diễn cái trò đó, anh nói liền: “Chỗ này là chỗ làm việc Lam
ạ. Cô nên đậy kín lại hai cái quả dừa của cô đi! Nếu có nhã ý muốn mời ai uống
nước dừa thì đi chỗ khác”. Lam đã khóc, tuy chủ động làm ra thế, nhưng khi
bị đụng chạm, cô vẫn thấy tự ái bị tổn thương, và vốn là người háo thắng, đã
đem lòng thù hận anh thực sự... Dù vậy, dây chuyền nghiên cứu của nhóm cũng đã
nhịp nhàng hoạt động. Bộ chưng cất chân không Simax hình chữ U úp ngược,
to như cái cột nhà bằng thủy tinh thạch anh, cồn được chưng cất khỏi dịch chiết
rơi rào rào như mưa ở bộ phận sinh hàn; bộ cô quay trông như quả bưởi vẫn quay
đều đều cho ra bột Alkaloid toàn phần, khô mịn, vàng nâu như bột cánh
kiến. Anh chủ yếu ở phòng sắc ký cùng với Hoa. Những cột sắc ký như những bóng
đèn neon được kẹp chặt trên giá đỡ. Quá trình phản hấp phụ thường kéo dài, nên
để làm liên tục, hai người có khi phải thức trắng đêm. Anh nói Hoa cứ sau 30
phút hứng một faction, rồi tìm kiếm hoạt chất trong từng faction một
bằng sắc ký bản mỏng. Trên chiếc bàn lớn, lúc nào cũng bày la liệt những bản thủy
tinh như những quân bài được tráng một lớp bột Silicagel. Sau khi chấm
dung dịch kiểm ra, nếu có hoạt chất cần tìm, dưới ánh sáng tử ngoại bước sóng
254 nm (na-nô-mét), vết hoạt chất sẽ hiện lên huỳnh quang mầu nâu.
Mãi cho đến một đêm, sau nhiều tháng lăn lộn vất vả, anh và Hoa đã mang một loạt
bản sắc ký vào soi nhờ trong phòng tiệt trùng của bộ phận vi sinh. Rồi qua vách
kính phòng hộ, hai người đã thấy hiện lên trên những bản mỏng Silicagel màu
trắng những vết hoạt chất trông giống như những giọt nước mắt lớn, đúng là
huỳnh quang mầu nâu! Giữa đêm khuya, trong ánh sáng có vẻ ma quái của phòng thí
nghiệm, bởi nó được trộn bởi ánh đèn neon với ánh sáng tử ngoại màu tím xanh
lạnh lẽo, mờ ảo, hắt ra từ phòng tiệt trùng, anh và Hoa đã nhìn nhau sung
sướng, và anh đã không ngờ rằng, cô dược sĩ trẻ xinh đẹp có nét như một cô gái
lai ấy đã ôm chầm lấy anh, rồi còn hôn “chút” một cái lên má nữa! Dù chỉ là
khoảnh khắc thôi, và chỉ ở trong một vòng ôm “vô tư” thôi, anh vẫn đủ tỉnh táo
nhận thấy bộ ngực căng mẩy và ấm nóng của cô bạn đồng nghiệp tì lên ngực mình!
***
Thoắt cái đã 10 năm trôi qua rồi. Cũng bằng cái khoảng thời gian anh đã làm việc
ở cái viện ấy. Hai khoảng đời của cùng một con người, cũng với những đề tài,
nhưng lại hoàn toàn trái ngược nhau. Khoảng đời sau, từ tận đáy của những nỗi
tuyệt vọng, dù quá khứ không phải không lặp lại, cũng vẫn là những vật lộn, những
vùng vẫy, nhưng không ngờ rằng, kết quả lại là sự đột biến, sự lột xác. Còn
khoảng đời trước, từ trên chín tầng mây của những mơ ước, anh cũng như những
cán bộ khoa học trẻ mới ra trường, lúc nào cũng vùi đầu vào sách vở, hí húi
trên bàn thí nghiệm, quần áo thủng lỗ chỗ vì bị axít ăn mòn, tưởng chả mấy sẽ
đều trở thành bác học cả. Nhưng đáp lại chỉ là những thất vọng ê chề; có quẫy
đạp thì cũng chỉ là sự quẫy đạp trong mạng nhện, trong tóc rối, trong bùn lầy...
Riêng anh, nó đã để lại trong anh những vết thương tâm trí không bao giờ quên
được. Mà vết thương đau nhất chính là cái lúc anh làm thành công cái đề tài kể
trên đó. Chỉ với cái cớ anh nói sỗ với Lam một câu và một nhân viên làm bể
chiếc bình cấu quý, khi đã nắm được trong tay quy trình nghiên cứu, bà viện trưởng
tưởng không cần đến anh nữa đã loại anh ra khỏi đề tài. Vẫn thái độ mềm mỏng,
nhưng không phải thơn thớt nói cười mà tỏ vẻ đầy ái ngại, kiểu như phải làm một
việc lòng mình không muốn, nhưng vì công việc chung buộc phải xử lý:
- Thật tiếc, chị không hiểu sao tính
tình em không chịu thay đổi. Công nhận là em có năng lực, nhưng em không hòa hợp
được với ai, vậy một mình em liệu có thể tiếp tục làm được đề tài này không?
Cái bình cầu rất quý em cũng để nhân viên làm bể. Thôi, có lẽ em nên bàn giao
lại công việc.
Anh choáng váng, sững sờ, buột miệng phản ứng ngay:
- Thật vô lý!
Không để cho bà viện trưởng kịp diễn
giải, anh nói tiếp, giọng gay gắt vì máu đã dồn bừng bừng lên mặt:
- Chị cứ vòng vo làm gì! Sao chị không huỵch toẹt ra rằng, cả lũ đàn em của chị,
ngay cả bản thân chị cũng không thể làm nổi cái đề tài này, nên mới phải mượn
tay tôi. Giờ không cần nữa thì bày trò! Thật vô lý! Tôi sẽ...
Anh định nói “Tôi sẽ kiện lên trên”. Nhưng chợt nhớ, “cấp trên” trực tiếp lại chính
là ông anh ruột của bà ta, nên dừng lại ngay. Vốn là người có đầu óc tỉnh táo
biết suy xét, anh cũng hiểu ngay ra rằng, đi kiện anh sẽ thắng, nhưng để làm
được việc đó, có lẽ anh sẽ phải tiêu tốn cả cuộc đời mất. Nhớ đến đứa con trai
đầu lòng bụ bẫm đã ba tuổi và đứa con gái mới sinh được mấy tháng, anh tự thấy
cuộc đời mình còn nhiều việc quan trọng phải làm hơn cái việc kiện cáo này...
Nhìn bà viện trưởng há hốc miệng kinh ngạc, nhớ lại cái hôm bà ta năn nỉ mình
mà cười khẩy. Anh hiểu, thế là hết, với loại người này không còn trông mong
được điều gì nữa, nên thấy cần phải nói một câu cho bà ta nhớ đời:
- Chị Lệ ạ, tôi tin là không có cái viện này tôi cũng sẽ sống được. Còn chị, có
thể chị có quyền loại tôi ra khỏi những đề tài, có thể còn đuổi được tôi ra
khỏi viện nữa ấy chứ… Nhưng rốt cục rồi cuộc đời chị sẽ để lại được những gì
nào? Một mớ những thủ đoạn ư?… Tôi chỉ khuyên chị một điều là ông Trời có mắt
đấy, hãy sống để đức cho con !
Nghe Huy nói vậy, khuôn mặt bì bì của bà viện trưởng chợt tối sầm rồi bừng đỏ, bà
lắp bắp:
- Đồ… đồ…xỏ lá!
Anh hơi bất ngờ vì thái độ đó của bà ta nhưng rồi hiểu ra ngay vì câu nói của anh
đã chạm nọc, đụng vào nỗi đau không có con của bà ta. Anh nhếch miệng, cố giữ
thái độ cao ngạo bất cần, nhưng trong lòng vẫn thấy như có chùm móng vuốt nhọn
hoắt cào xé tim mình. Với người làm nghiên cứu, những công trình không chỉ là
công việc mà còn là niềm say mê, một điểm tựa tinh thần trong cuộc sống. Nên mỗi
lần bị thế, anh đều thấy chao đảo, chơi vơi, như đứng bên bờ miệng vực... Ra
khỏi phòng viện trưởng về phòng thí nghiệm, ngồi một mình nhìn những dụng cụ thủy
tinh thân thuộc, anh đã cố kìm nén nhưng không được, người “lì đòn” như anh mà
vẫn phải bật khóc nấc lên như một đứa trẻ. Anh đã khóc bởi sự tuyệt vọng, khi
đã cố gắng đến kiệt lực cho một công việc quá khó khăn mà cuối cùng vẫn bị đối
xử quá bất công...
Nhưng rồi cái đề tài tưởng đã ngon xơi
ấy cũng đã phải dừng lại vì những khoảng còn trống của quy trình mà những người
tiếp nhận không giải quyết được. Bà viện trưởng không ngờ đã bị một vố mất mặt.
Chưa hết, không hiểu sao, khi anh đi khỏi viện vài tháng, bà ta còn bị đụng xe
gãy xương đòn gánh nữa. Đúng là ác giả ác báo!
***
Còn anh, giờ đây, với một cơ chế khác mà công cuộc đổi mới đã mở ra, anh đã làm
chủ được khả năng của mình và đặc biệt thú vị là vẫn gắn bó được với công việc
nghiên cứu, không chỉ ở quy mô phòng thí nghiệm mà còn triển khai được trong
thực tế. Anh chợt nhận ra mình thuộc diện: luôn không gặp may một cách may
mắn. Bởi mỗi sự ngang trái trong cuộc đời lại giống như một bài tập thể dục
trí tuệ giúp anh trưởng thành hơn. Thủơ bé, anh hay được nghe nhiều chuyện cổ
tích về sự chiến thắng của cái thiện, giờ ngẫm lại thấy là chúng có lý. Cũng
như anh thấy trên trái đất này, cho dù cái xấu, cái ác vẫn không ngừng xảy ra,
lẽ phải không phải bao giờ cũng thắng thế, nhưng toàn bộ lịch sử thế giới
vẫn mãi mãi là một câu chuyện cổ tích vĩ đại luôn kết thúc có hậu.
Còn cái viện nghiên cứu kia, một viện được thành lập với những dự tính lớn lao,
muốn biến những công trình nghiên cứu luôn bị giam kín trong ngăn kéo thành những
quy trình sản xuất ở quy mô công nghiệp; thêm một khoảng thời gian ngắn nữa sau
khi bà viện trưởng bị tai nạn, đã bị xóa sổ! Nó đã thoi thóp sống được 10 năm,
và cuối cùng đã bị kẹp chết bởi một cuộc đụng độ giữa hai bên mà lại do cả hai
đều thương yêu nó quá, chỉ khác ở chỗ, một bên thì hy sinh cho nó, còn một bên
lại muốn lợi dụng nó. Thật tiếc những kẻ lợi dụng lại là bên thắng cuộc!
Bình Thạnh
2-9-1999
ĐÔNG LA