ĐÔNG LA
VỀ CHUYỆN ÔNG HÀ TUẤN TRUNG,
MỘT CỰU
CÁN BỘ CAO CẤP CỦA ĐẢNG, “KIẾN
NGHỊ”
TỪ BỎ LÝ LUẬN CỦA ĐẢNG
Tôi
vốn ngại viết nhưng vì biết nhiều thứ nên bạn đọc, bạn viết thấy “có chuyện” là lại gởi thông tin cho tôi.
Lần này là việc góp ý cho Đại hội Đảng sắp diễn ra. Một cô bạn lại gởi cho tôi
đường link này: http://danquyenvn.blogspot.com/2015/06/kien-nghi-ve-sua-oi-ieu-le-va-cuong.html
Mở
ra coi thấy bài: KIẾN NGHỊ VỀ SỬA ĐỔI ĐIỀU LỆ VÀ CƯƠNG LĨNH CỦA
ĐẢNG, 29/06/2015, tác giả: Hà Tuấn Trung. Lên mạng coi thì biết ông Hà Tuấn
Trung “không phải là tay vừa đâu”, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung
ương Đảng kia mà:
Trong thư gởi ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT
NAM LẦN THỨ XII và BAN CHẤP HÀNH
TRUNG ƯƠNG ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM, ông Trung trình bầy việc “xin mạo muội soạn thảo về một số nội dung
cần đổi mới trong Điều lệ và Cương lĩnh chính trị của Đảng”.
Lại một việc dời non lấp biển, đội đá vá trời, chuyện đại
sự quốc gia hoàn toàn không đơn giản, nó đòi hỏi một cái đầu phải có trí, có
tâm và phải “có tầm”. Vậy cái nhà ông Trung này có gì đây?
Nhớ lại cũng một chuyện “đại sự quốc gia” ngày nào, chuyện góp ý sửa đổi Hiến pháp, ông Nguyễn Đình Lộc, Cựu Bộ trưởng Tư pháp,
4-2-2013, đã dẫn đầu một đoàn đến trao tận tay cho đại diện Ủy ban Pháp luật
của Quốc hội bản “Kiến nghị” về Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp và đề xuất
thay thế bằng bản “Hiến pháp mới” do
chính nhóm của mình soạn. Nguyễn Huệ Chi, sau khi theo đoàn, lập tức đã
được đài RFA phỏng vấn, trong bài DỰ THẢO HIẾN PHÁP: THỬ THÁCH SỰ SỐNG CÒN CỦA CHẾ ĐỘ,
ông ta huyênh hoang trả lời: “Chúng tôi
thấy cần phải đề xuất cho đến cùng. Đến cái chỗ mà dân tộc Việt Nam hiện nay
đang mong muốn, quan tâm nhất. Bản kiến nghị này hình thành là như vậy”.
Hồi ấy, tôi cũng được một bạn đọc “báo tin” và “xin bác cho ý
kiến”, tôi bảo “Tết đến nơi rồi không
có ý kiến ý cò gì hết”, nhưng “đ/c” này biết tôi quý nên cũng hay nhõng
nhẽo cứ năn nỉ hoài nên cuối cùng tôi phải chiều và khi quan tâm thấy đúng là có
chuyện to thật, nên mới “nổ” một loạt bài!
Tôi đã viết về phát biểu của
ông Huệ Chi: “Một đặc tính chung của các
vị trí thức hãnh tiến là phét lác, “tôi cao trí thấp tâm tối”, nhưng lại luôn
nhân danh những điều cao cả, luôn thậm xưng, tiếm danh “nhân dân” để thực hiện
tham vọng. Huệ Chi nên nhân danh chính ông và nhóm của ông thôi, không được
phép ba hoa nhân danh “nhân dân” lung tung như vậy!”
Sau
loạt bài của tôi và của nhiều người khác nữa, Cựu Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn
Đình Lộc trên VTV1 đã phải sượng sùng thanh minh, vai trò trưởng đoàn đưa “Kiến nghị lật pháp” của mình chỉ là
chuyện bất ngờ, ông không tham gia soạn thảo bản Dự thảo Hiến pháp riêng, tóm lại ông không phải là người chủ
chốt mà chủ yếu bị lôi kéo, bị lợi dụng trong vụ “lật pháp” đó! Hai ông Nguyễn Minh Thuyết và Nguyễn Trung, theo blog Tư
Mã Thiên:
“Trong bản kiến nghị 72, cựu đại sứ Nguyễn
Trung đứng ở vị trí thứ 62 và cựu đại biểu quốc hội Nguyễn Minh Thuyết đứng ở
vị trí thứ 59… Nhưng chỉ sau đó vài ngày… thì cả ông Nguyễn Trung và ông Nguyễn
Minh Thuyết đều đã quên những gì mình đã ký”.
Trước
“hiện tượng” trên tôi đã viết
bài Dư-luận-viên-từng-đại-thắng cho rằng: “Công đầu chính là của những “dư luận viên”,
chính họ bằng blog của mình đã đi đầu trong việc nã pháo vào những trò đấu
tranh dân chủ nhí nhố và đỉnh điểm là trò “lật pháp” đó. Sau đó, các phương
tiện thông tin chính thống, nhất là VTV1, mới lên tiếng và phát huy được lợi
thế của mình”.
Vậy hôm nay Hà Tuấn Trung, một ông Phó Chủ nhiệm Ủy ban
Kiểm tra Trung ương Đảng, phải chăng cũng lại đi theo “vết xe đổ” của ông Cựu Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc ngày ấy?
Tôi
đọc lướt qua thì thấy ông Trung cũng chỉ lặp lại những điều quen thuộc mà các
cựu quan chức và các “chấy thức rận sĩ”
mà đường quyền lợi khi đương chức chưa thỏa; bao cay cú, ganh gét chưa nói được
thì nay hưu rồi mới xổ toẹt cả ra!
Ông Hà Tuấn Trung viết: “Tuy nhiên, từ sau khi kết thúc chiến tranh, Đảng ta đã phạm sai lầm về
đường lối xây dựng đất nước dựa trên nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin,
dẫn đến nguy cơ đổ vỡ vào giữa những năm 80 của thế kỷ trước”; “Chủ
nghĩa xã hội mà Cương lĩnh 1991 và 2011 của ĐCSVN xác định là “chủ
nghĩa xã hội khoa học” để tiến lên Chủ nghĩa cộng sản theo lý
luận ban đầu của Mác, lý luận đó đã bị thực tiễn chứng minh là sai lầm,
ảo tưởng…”
Y
như ngày nào trong Thư ngỏ gửi BCH Trung ương và toàn thể đảng viên Đảng
CSVN của các cựu quan chức đề nghị giải tán Đảng, với những “gương mặt thân quen” như:
Trần Đức
Nguyên, nguyên Trưởng ban Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ; Vũ Quốc Tuấn,
nguyên Trợ lý Thủ tướng Võ Văn Kiệt; Hoàng Tụy, Giáo sư Toán học; Nguyên Ngọc,
Nhà văn, nguyên Bí thư Đảng đoàn Hội Nhà văn Việt Nam; Tương Lai, nguyên Viện
trưởng Viện Xã hội học; Đào Công Tiến, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Kinh
tế TP. Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Việt Nam; Nguyễn Trung, nguyên Đại
sứ tại Thái Lan; Tô Nhuận Vỹ, nhà văn, nguyên Bí thư Đảng Đoàn kiêm Chủ tịch
Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên – Huế; Bùi Đức Lại, nguyên Vụ trưởng,
Ban Tổ chức trung ương Đảng, Hà Nội; Huỳnh Tấn Mẫm, nguyên Chủ tịch Tổng hội
Sinh viên Sài Gòn trước 1975; Lê Đăng Doanh, Tiến sĩ Kinh tế học, nguyên thành
viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ; Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa
học và Công nghệ, Hà Nội; Trần Đình Sử, Giáo sư Tiến sĩ Ngữ văn, Hà Nội; Phạm
Chi Lan, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ; v.v…
“Từ nhiều năm nay, Đảng Cộng sản Việt Nam
(ĐCSVN) dẫn dắt dân tộc đi theo đường lối sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội
theo mô hình xô-viết, được coi là dựa trên chủ nghĩa Mác-Lênin”; “ĐCSVN
tự giác và chủ động thay đổi Cương lĩnh, từ bỏ đường lối sai lầm về xây dựng
chủ nghĩa xã hội, chuyển hẳn sang đường lối dân tộc và dân chủ, trọng tâm là
chuyển đổi thể chế chính trị từ toàn trị sang dân chủ một cách kiên quyết nhưng
ôn hòa”.
Viết như trên, ông Hà Tuấn Trung và các vị trên đây đều là
những “tín đồ” của Đảng Cộng Sản đã phản
lại chính giáo lý của mình. Có điều tại sao khi đương chức đương quyền các ông
lại “ngậm miệng ăn tiền” không nói,
giờ hưu rồi mới nói? Cả ông Trung và vị trên đều là những cán bộ cao cấp, giữ
các vị trí quan trọng trong hầu hết các lĩnh vực thuộc thể chế, kể cả “cố vấn” cho các lãnh đạo tối cao của
Đảng và Nhà nước. Vậy bây giờ ta đang nói tới “lỗi hệ thống”, vật cản lớn nhất của sự phát triển, thậm chí còn đẩy
xã hội VN đến chỗ “nguy cơ tồn vong”,
lỗi này chủ yếu không do các vị trên gây ra thì ai gây ra?
Tôi đã viết bài VỀ LÁ THƯ NGỎ ĐÒI “LẬT ĐẢNG”
chỉ ra những sai trái cả về tư cách đảng viên và trình độ chính trị của các vị
trên:
“Theo Khổng Tử: "Tứ thập nhi bất
hoặc", nghĩa là tới tuổi 40 người ta có thể phân biệt được mọi sự đúng
sai, không còn nghi hoặc gì nữa. Vậy tại sao các vị ở tuổi 40 đã không nhận ra
mình sai khi vào Đảng? Phải chăng tuổi đó là tuổi các vị đang quá cần cái danh
Đảng viên để thăng quan, tiến chức. Còn bây giờ hưu rồi thì các vị muốn dựa vào
cái khác nên cần phải thay danh hiệu đảng viên bằng một cái danh khác là: “nhà
dân chủ”! Như vậy hóa ra các vị chả có lý tưởng quái gì cả, cái các vị cần là
quyền, danh và lợi! Nếu các vị đúng là những con người chân chính thì lý tưởng
cao đẹp của Đảng vẫn còn nguyên đó, bản chất ưu việt của CNXH, CNCS còn nguyên
đó, nếu có những Đảng viên sai, nếu Đảng có chính sách sai, gây ra những tệ nạn
thì các vị sẽ phải chiến đấu chống lại những cái sai ấy để bảo vệ lý tưởng cao
đẹp chứ. Còn hành động như các vị chứng tỏ các vị chỉ là những kẻ cơ hội, trâu
buộc ghét trâu ăn, không còn được ăn nữa thì đạp đổ, đạp đổ luôn cái Đảng mà khi
các vị cần vào đã phải thề sống thề chết! Vậy lý tưởng của các vị là lý tưởng
xôi thịt mà thôi”.
***
Hà Tuấn Trung viết:
“Đại hội VI của Đảng đã nhận ra sai lầm
và quyết định thay đổi đường lối, gọi là “đổi mới”, thực chất là từ bỏ một phần
những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin. Nhờ đó mà đất nước thoát khỏi
nghèo đói, khủng hoảng và có những bước phát triển nhất định... Nhưng do đổi
mới còn nửa vời nên sự phát triển rất chậm chạp và không bền vững dẫn đến tụt
hậu ngày càng xa so với các nước khác cùng có bước khởi đầu tương tự hoặc lạc
hậu hơn ta rất nhiều” cũng như các vị trên cho là nước ta đang có “đường
lối sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình xô-viết, được coi là dựa
trên chủ nghĩa Mác-Lênin”?
Tôi
đã cho rằng cái nhìn đó là một cái nhìn ấu trĩ của thời chiến tranh lạnh. Như
trước đây người ta thường nói là “Giọng
điệu của thế lực thù địch với chủ nghĩa Mác”.
Thực
tế nước ta phải chịu hậu quả tàn khốc của chiến tranh, tay trắng, nền sản xuất
tiểu nông, khoa học công nghệ lạc hậu, nguyên vật liệu, quy trình sản xuất
không có, Mỹ và phương Tây cấm vận, chiến tranh hai đầu biên giới, đối đầu với
Trung Quốc, mất chỗ dựa khi Liên Xô và cả hệ thống XHCN tan vỡ, cả hai miền đột
ngột mất nguồn viện trợ lớn, dẫn đến nền kinh tế với siêu lạm phát kéo dài từ
năm 1985 đến 1988 từ 500% đến 800%! Nước ta thực sự đứng trước bờ vực của sụp
đổ và hỗn loạn. Chính vì vậy chúng ta buộc phải bình thường hóa quan hệ với TQ
với đột phá khẩu chính là Hội nghị Thành Đô, ngày 3 đến ngày 4 tháng 9 năm
1990, để rồi hơn một năm sau, 1991, quan hệ Trung-Việt dần trở lại bình thường.
Chúng ta dần hồi phục, có vị thế thực hiện chiến lược ngoại giao đa phương, Ngày 11 tháng 7 năm 1995, Tổng thống Bill
Clinton tuyên bố Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Những thành
tựu ngoại giao đó đã tạo điều kiện cho chúng ta đổi mới tư duy kinh tế, mở cửa
với thị trường thế giới, nhập nguyên liệu, máy móc, kỹ thuật ta không có, xuất
những sản phẩm ta làm được. Vì thế mà chúng ta đã đứng vững và phát triển đến ngày
hôm nay.
Sự thật là thế chứ không chỉ đơn giản như ông Hà Tuấn Trung
và các vị trên viết là “Đảng ta đã phạm
sai lầm về đường lối xây dựng đất nước dựa trên nền tảng lý luận của chủ nghĩa
Mác-Lênin”.
“Nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin”
chỉ rõ quan hệ sản xuất phải phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản
xuất. Vậy chính chúng ta đã sai chứ không phải “nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin” sai. Viết như ông Hà Tuấn
Trung và các vị trên là dốt, là chưa hiểu lý luận.
***
Nếu
nước ta đã và sẽ còn có sai lầm thì không phải do “dựa trên Chủ nghĩa Mác Lê Nin” mà đơn giản là do trình độ mọi mặt
của chúng ta còn yếu kém, nhất là trình độ của các quan chức đảng viên về chính chủ
nghĩa Mác – Lê nin. Thời nay, cần phải coi Chủ nghĩa Mác như một học thuyết
chính trị, một khoa học về sự phát triển, cần phải hiểu đúng, vận dụng đúng thì
mới có được thành công. Cũng như mọi lý thuyết khoa học đều có sẵn đó, các nhà
khoa học “vẹt” của Việt Nam đã thuộc làu làu, nhưng tại sao chúng ta vẫn không
thể tạo ra được một thương hiệu công nghệ nào có tầm cỡ thế giới? Điều đó do
nhân lực của chúng ta dốt chứ không phải do nước ta theo Chủ nghĩa Mác- Lênnin.
Ngay chuyện Liên Xô do theo Chủ nghĩa Mác-Lênin, từ một đất nước lắp ráp cồng
kềnh, lạc hậu hơn nhiều so với phương Tây, nhưng đã phát triển, có sức mạnh
chiến thắng bọn phát-xít, trở thành siêu cường, đối trọng được cả với Mỹ!
Stalin từng nói: “Chúng ta lạc hậu hơn
các nước tiên tiến 50 năm đến 100 năm, chúng ta phải chạy hết khoảng cách này
trong 10 năm, hoặc chúng ta làm được điều này, hoặc chúng ta bị người ta đánh
ngã”. Tiếc là đất nước Liên Xô đã thay đổi nhưng bản chất con người không
thay đổi theo. Những cán bộ Xô Viết vẫn mang nguyên trong mình dòng máu quan
lại, nghĩa là thượng tầng kiến trúc không thay đổi kịp theo hạ tầng cơ sở. Vì
thế mà mâu thuẫn và đã dẫn tới sự tan vỡ! Kinh tế suy sụp, dân chúng bị bần cùng khi
nền chính trị bị maphia hóa, chính vì thế mà ông Pu-tin nói đó là một “đại thảm họa địa chính trị”!
***
Hà
Tuấn Trung viết:
“Chủ nghĩa cộng sản do Mác và Ăng-ghen
sáng lập từ giữa thế kỷ XIX với đặc trưng cơ bản là “Làm theo năng lực, hưởng
theo nhu cầu”. Song thực tiễn cuộc sống diễn ra mấy thập kỷ sau đó đã khiến cho
các ông nhận ra sai lầm và tự mình phủ định những quan điểm trước đó để đổi mới
tư duy, thay đổi mục tiêu và phương pháp đấu tranh. Thể hiện trong lời nói đầu
của cuốn “Đấu tranh giai cấp ở Pháp”, xuất bản ngày 6/3/1895 Ăng-ghen đã
viết: “Lịch sử chứng tỏ chúng ta đang mắc sai lầm. Quan điểm của chúng ta
hồi đó chỉ là ảo tưởng. Lịch sử còn làm được nhiều hơn, không những đã xóa bỏ
những mê muội của chúng ta hồi đó mà còn thay đổi điều kiện đấu tranh của giai
cấp vô sản, phương pháp đấu tranh năm 1848 nay đã lỗi thời về mọi mặt… Mặc dù
Mác và Ăng-ghen đã từ bỏ “Chủ nghĩa cộng sản”, nhưng sau khi giành được chính
quyền ở nước Nga vào năm 1917, Lênin và tiếp theo là Stalin vẫn kiên trì thực
hiện theo những luận điểm ban đầu của Mác về xây dựng xã hội cộng sản dựa trên
nền tảng đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản… Kết quả là thất bại và kéo
theo sự sụp đổ của cả phe xã hội chủ nghĩa”.
Viết
như trên ông Trung như thầy bói mù sờ chân voi đoán con voi dáng như cột đình, nói
như dân gian là xổ toẹt, vơ đũa cả nắm, chứng tỏ ông chẳng hiểu gì Chủ nghĩa
Cộng sản cả. Chủ nghĩa Cộng sản không chỉ có “đấu tranh giai cấp” mà còn có cả
một hệ thống lý luận từ Kinh
tế chính trị học; Triết học: chủ nghĩa duy vật
biện chứng, Chủ nghĩa duy
vật lịch sử đến Chủ nghĩa cộng sản khoa học.
Theo
Các Mác, sự bất công trong hưởng thụ thành quả lao động, rồi từ sự chiếm đoạt đó
nô dịch người lao động chính là nguyên nhân chủ yếu gây ra cách mạng xã hội.
Điều này là hiển nhiên. Thực tế CNTB đã ác hơn và tham lam hơn Mác nghĩ, nó
không chỉ bóc lột công nhân bản xứ mà còn đi xâm lược để bóc lột được nhiều
hơn. Vì thế mà lịch sử loài người đã xảy ra hai cuộc Đại chiến thế giới: thứ
Nhất (1914 - 1918) và thứ Hai (1939 - 1945). Chính sự phục thù của Đức khi bị
thua đã làm nên Đại chiến thế giới thứ Hai, một cuộc chiến khủng khiếp nhất
trong lịch sử nhân loại. Liên-xô cùng phe đồng minh đã chặn đứng được thảm họa
đó; và chính sự chiến thắng chủ nghĩa phát-xít đã sinh ra hệ thống các nước
XHCN rồi trở thành đối trọng với hệ thống TBCN. Thế là trong quá trình “thích nghi để tồn tại”, tránh sự diệt
vong theo tiên đoán của Mác, các nước tư bản đã tự thay đổi. Bách khoa toàn thư
Wikipedia viết: “Lý tưởng của chủ nghĩa
cộng sản là đối trọng để chủ nghĩa tư bản trở nên tốt đẹp hơn để được xã hội
loài người chấp nhận. Từ chủ nghĩa tư bản với sự tự do bóc lột - "Người
với người là chó sói" (Lenin) - và đầy rẫy bất
công tạo ra mầm mống của bạo động và cách mạng, thế giới cũ đã tìm các cách
thích nghi và triển khai một xã hội công dân mà trong đó mọi thành phần xã hội
đều có thể phát triển, các mâu thuẫn xã hội không thể đã hết nhưng đã có những
cơ chế thỏa hiệp để giải quyết trên cơ sở hợp lý cho các giai tầng xã hội. Đây
là một đóng góp gián tiếp rất lớn của chủ nghĩa xã hội”.
Còn
ý mà Hà Tuấn Trung viết ở trên chỉ là sự thay đổi một phần quan điểm về đấu
tranh giai cấp của Mác và Ăngghen chứ không phải là sự chối bỏ Chủ nghĩa Cộng
sản. GS. Trần Chung Ngọc cũng đã viết về điều này:
“Chủ trương đấu tranh giai cấp của Mác không
phải là luôn luôn phải dùng đến bạo lực mà có thể thực hiện một cách hòa
bình. Ngày 8 tháng 9, năm 1872, trong một diễn văn dưới đầu đề “Có Thể
Làm Cách Mạng Mà không Cần Đến Bạo Lực” (The Possibility of Non - Violent
Revolution), đọc tại Amsterdam , Marx đã phát biểu như sau:
“Các bạn biết rằng chúng ta phải xét
đến những định chế, và hơn nữa, những truyền thống của các quốc gia khác
nhau, và chúng ta không phủ nhận là có những quốc gia như Mỹ, Anh, và Hòa Lan,
trong đó giới công nhân có thể đạt được mục đích qua những phương tiện hòa bình”. (The
Marx-Engels Reader, Edited by Robert C. Tucker, p. 523: You know
that the institutions, mores, and the traditions of various countries must be
taken into consideration, and we do not deny that there are countries – such as
America, England, and Holland – where the workers can attain their goal by
peaceful means).
***
Hà
Tuấn Trung viết: “Theo Mác… giai cấp vô
sản là đại diện cho lực lượng sản xuất tiền tiến nên phải trở thành giai cấp
lãnh đạo cách mạng và xây dựng chế độ mới.
Nhận định trên đây chỉ là cảm tính, xuất phát từ tình
thương yêu rất chân thành của Mác đối với những người vô sản... nhưng lại nhìn
nhận và đề cao quá mức khả năng của họ mà trên thực tế do hoàn cảnh bần cùng
nên không có điều kiện học tập, mở mang kiến thức cần thiết để thực thi sứ mệnh
lớn lao đó! Vì vậy việc suy tôn vô sản là giai cấp lãnh đạo chỉ là gán ghép một
cách gượng gạo. Trên thực tế, hầu hết các nhà sáng lập và hoạt động nổi tiếng
trong phong trào cộng sản trên thế giới đều xuất thân từ trí thức”.
Thật
nực cười khi tôi không phải đảng viên, chỉ là “dân đen”, lại giảng những điều A,B,C về lý luận Mác-Lê cho ông Hà
Tuấn Trung, một cựu cán bộ cao cấp của ĐCS. Đơn giản là vì tôi là “dân đen” nhưng lại có trình độ để có cái
nhìn biện chứng của một nhà khoa học, một nhà nghiên cứu, còn ông Hà Tuấn Trung
là cán bộ cao cấp nhưng lại có cái nhìn ngô nghê của dân đen.
Con
mắt của nhà lý luận là phải nhìn toàn diện, phải nhìn xuyên quan lớp vỏ ngôn
ngữ để hiểu bản chất vấn đề. Các Mác khi coi trọng giai cấp vô sản là trong
trường hợp so sánh cụ thể chứ không phải nói khơi khơi như ông Trung. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản viết:
“Trong tất cả các giai cấp hiện đang đối lập
với giai cấp tư sản thì chỉ có giai cấp vô sản là giai cấp thực sự cách mạng.
Tất cả các giai cấp khác đều suy tàn và tiêu vong cùng với sự phát triển của
đại công nghiệp, còn giai cấp vô sản lại là sản phẩm của bản thân nền đại công
nghiệp.
Các tầng lớp trung đẳng là những tiểu công nghiệp,
tiểu thương, thợ thủ công và nông dân, tất cả đều đấu tranh chống giai cấp tư
sản để cứu lấy sự sống của họ với tính cách là những tầng lớp trung đẳng. Cho
nên họ không cách mạng mà bảo thủ. Thậm chí, hơn thế nữa, họ lại là phản động:
họ tìm cách làm cho bánh xe lịch sử quay ngược trở lại. Nếu họ có thái độ cách
mạng thì cũng chỉ trong chừng mực là họ thấy họ sẽ phải rơi vào hàng ngũ giai
cấp vô sản: lúc đó, họ bảo vệ lợi ích tương lai của họ, chứ không phải lợi ích
hiện tại của họ, họ từ bỏ quan niệm của chính họ để đứng trên quan điểm của
giai cấp vô sản.
Còn tầng lớp vô sản lưu manh, cái sản phẩm tiêu cực ấy
của sự thối rữa của những tầng lớp bên dưới nhất trong xã hội cũ, thì đây đó,
có thể được cách mạng vô sản lôi cuốn vào phong trào, nhưng điều kiện sinh hoạt
của họ lại khiến họ sẵn sàng bán mình cho những mưu đồ của phe phản động”.
Cũng
Tuyên ngôn của Đảng Cộng Sản viết: “Bác sĩ, luật gia, tu sĩ, thi sĩ, bác học đều
bị giai cấp tư sản biến thành những người làm thuê”; rồi: “Từng bộ phận trọn vẹn của giai cấp thống trị
bị sự tiến bộ của công nghiệp đẩy vào hàng ngũ giai cấp vô sản... Những bộ phận
ấy cũng đem lại cho giai cấp vô sản nhiều tri thức”.
Như
vậy, tầng lớp trí thức và tư sản tiến bộ cũng thuộc “giai cấp thực sự cách mạng”. Hơn nữa với chú thích của Ăngghen “Giai cấp vô sản là giai cấp những công nhân
làm thuê hiện đại”, vậy khái niệm “giai
cấp công nhân” với ý nghĩa triết học Mác chính là “giai cấp làm thuê hiện đại”, bao gồm tất cả những tầng lớp bị bóc
lột, bị trị, bị vô sản hóa, cả những tư sản tiến bộ, chứ không chỉ trơ trụi là
những người công nhân đứng máy, những người hoạt động cơ bắp.
Chính
vì không hiểu điều này nên những người như ông Hà Tuấn Trung đã ngô nghê cho
Mác sai khi đề cao sức mạnh cơ bắp, cho những người “ngu si tứ chi phát triển” làm sao mà lại “tiên phong”, lại lãnh đạo cả những tầng lớp có “đầu óc” được.
Viết
như trên ông Hà Tuấn Trung cũng chưa phân biệt được khái niệm “cộng sản” với “vô sản”. Khi viết về những người lãnh đạo phong trào cách mạng, Mác
và Ăngghen đã phân biệt rõ “những người
cộng sản” với giai cấp vô sản nói chung.
Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản viết: “Về mặt
thực tiễn, những người cộng sản là bộ phận kiên quyết nhất trong các đảng công
nhân ở tất cả các nước, là bộ phận luôn luôn thúc đẩy phong trào tiến lên về
mặt lý luận, họ hơn bộ phận còn lại của giai cấp vô sản ở chỗ là họ hiểu rõ
những điều kiện, tiến trình và kết quả chung của phong trào vô sản”.
Như
vậy, những người cộng sản, tức những người vô sản tiên tiến, có trí, có đức,
được giác ngộ tinh thần cộng sản mới chính là những người có khả năng lãnh đạo.
***
Ý
cuối của ông Hà Tuấn Trung tôi muốn bàn tới trong bài này là ý:
“…qua nhiều kỳ đại hội kế tiếp chỉ tiến hành
những bổ sung, cải tiến vặt, không căn bản và thiếu đồng bộ…nên tốc độ phát
triển rất chậm và không vững chắc, đời sống của nhân dân, nhất là công nhân,
nông dân và các dân tộc miền núi còn vô vàn khó khăn…đồng thời nạn tham nhũng,
lạm dụng chức quyền ngày càng nặng nề và trở thành “quốc nạn” mà chưa có cách
nào chống được, tệ nạn xã hội cũng ngày càng gia tăng, lòng tin của nhân dân
đối với Đảng ngày càng giảm sút… đó chính là hệ quả của việc kéo dài sự sùng
tín chủ nghĩa Mác-Lênin.
Từ tình hình thực tiễn kể trên, đã đến lúc cần dứt
khoát đoạn tuyệt với cái gọi là chủ nghĩa Mác- Lênin”.
Điều
này cũng đã có những cựu quan chức và những “chấy thức rận sĩ” nói và viết trước ông Hà Tuấn Trung. Tôi cũng đã
phản bác nhiều lần.
Xã
hội Việt Nam
hiện tại còn rất nhiều tệ nạn và yếu kém mà bài toán khó giải nhất hiện nay chính
là “lỗi hệ thống”. Nó được tích tụ
dần từ lâu, mà nguyên nhân chính là trình độ yếu kém của nhiều thế hệ cán bộ
đảng viên, chắc chắn có “công” của
ông Hà Tuấn Trung và những người đã nhắc tới ở trên, chứ hoàn toàn không phải “là hệ quả của việc kéo dài sự sùng tín chủ
nghĩa Mác-Lênin” như ông Trung viết.
Nhưng
phải coi đó là một sự tất yếu của quá trình phát triển. Triết học Mác chỉ ra,
xã hội XHCN chỉ được xây dựng trên nền tảng của XHTB cực phát triển, trong khi
nước ta xuất phát từ một chế độ phong kiến nô lệ với cơ sở hạ tầng là nền sản
xuất tiểu nông. Nước ta đã đi theo mô hình “Kinh
tế thị trường định hướng XHCN”. Đây là một mô hình tốt vì vừa phát huy được
sự năng động của nền sản xuất tư bản vừa vẫn giữ được lý tưởng XHCN vì số đông
người lao động. Có điều vì là một mô hình mới, lại thực hiện trên nền tảng lực
lượng sản xuất lạc hậu, tất sẽ có những trục trặc. Giống như một cỗ xe tăng tốc
mà các bộ phận phanh và tay lái còn chưa chuẩn nên còn va quẹt lung tung. Đó
chính là những yếu kém và tệ nạn, là căn bệnh của xã hội chúng ta hôm nay. Cái
cần nhất bây giờ là là phải định đúng được bệnh để đưa ra một toa thuốc đúng để
trị hết bệnh.
Thứ
nhất, Kinh tế thị trường định hướng XHCN đã sinh ra cái tình trạng công tư nhập
nhằng, lại chưa có cơ chế giám sát phù hợp và hiệu quả. Vì thế đã sinh ra quốc
nạn tham nhũng, dẫn tới tình trạng có những dấu hiệu chúng ta làm Kinh tế thị
trường định hướng TBCN chứ không phải XHCN. Chính TBT Nguyễn Phú Trọng nói trong
Đảng giờ cũng có người giầu, người nghèo.
Nền
tảng cơ bản nhất của Chủ nghĩa Mác là sự công bằng, cha ông ta cũng có câu “không sợ hàng thiếu chỉ sợ phân phối không
công bằng”. Từ các cuộc cách mạng xã hội, sự bất ổn xã hội đến những mâu
thuẫn gia đình, mâu thuẫn cá nhân, nguyên nhân chính đều là do cái sự chia phần
không đều ấy. Vì vậy cái quan trọng nhất cần phải đạt được chính là công bằng
xã hội. Thứ hai là sự minh bạch. Minh bạch chính là ánh sáng làm lộ nguyên hình
từ con người đến các ngõ ngách dẫn đến tham nhũng. Có điều những chỗ có ăn thì mấy
ai thực tâm muốn minh bạch? Triết học Mác dạy “Vật chất quyết định ý thức”. Vậy cái cần làm là làm sao công chức
có mức lương không cần phải tham nhũng cũng sống tốt, bên cạnh đó phải có một cơ
chế giám sát, người ta có muốn tham nhũng cũng không được!
Đó
chính là bài toán cần phải giải cho sự phát triển của đất nước chúng ta chứ
không phải là việc từ bỏ lý luận Mác-Lênin như những tín đồ trí thấp, tâm tối
đã “phản đạo”!
30-11-2015
ĐÔNG LA