Thứ Năm, 9 tháng 6, 2016

LẠI BÀN TIẾP VỀ CHUYỆN THA THỨ HAY KHÔNG THA THỨ CHO BOB KERREY (Với Bà Ninh, bà Bình, ông Ngọc, ông Hảo) (I)

ĐÔNG LA
LẠI BÀN TIẾP VỀ CHUYỆN THA THỨ
HAY KHÔNG THA THỨ CHO BOB KERREY
(Với Bà Ninh, bà Bình, ông Ngọc, ông Hảo)
Về quan hệ hai nước Việt – Mỹ, hai nước dùng chữ “khép lại” đối với quá khứ.
Với VN, vì nước ta là một nước nhỏ yếu, kém phát triển, chúng ta phải khép lại để thực hiện chiến lược ngoại giao đa phương vì lợi ích và sự phát triển của đất nước. Mà muốn khép lại thì buộc phải tha thứ cho những tội ác mà nước Mỹ gây ra cho VN, trong đó có những cá nhân cụ thể như Bob Kerrey.
 Nhưng cần phải hiểu với nước Mỹ, chữ khép lại có nghĩa khác. Họ khép lại trước hết là vì địa chính trị. Việt Nam thuộc chế độ nào thì cũng là tiền đồn, là cửa ngõ, là vùng đất phì nhiêu của Đông Nam Á. Về ý thức hệ “cộng sản”, họ sợ Liên Xô, Trung Quốc trước đây thời chiến tranh lạnh là chính, Việt Nam đã bị vạ lây vì cái nỗi sợ ấy, giờ LX không còn, chiến tranh lạnh chấm dứt, ý thức hệ cộng sản VN không còn là mối “nguy hiểm” với nước Mỹ. Cái quá khứ họ khép lại là cái quá khứ sai lầm do họ tính sai đã gây ra tổn thất về nhân mạng, tiền của và danh dự vì họ thua Việt Nam. Nhưng ngược với VN, họ không cho việc can thiệp, rồi gây ra cuộc chiến tại VN là phi nghĩa. Họ luôn coi lính Mỹ đến VN là chiến đấu vì “sự nghiệp tự do ở Việt Nam”. Chính vậy, TT Bill Clinton, 1995, khi tuyên bố việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam đã nói sự bình thường hóa là để tiếp tục “thúc đẩy sự nghiệp tự do ở Việt Nam”. Ông nói:
Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng việc cuốn người Việt Nam vào mặt trận kinh tế rộng lớn của cuộc cải cách kinh tế và mặt trận rộng lớn của cải cách! Dân chủ sẽ giúp tôn vinh sự hi sinh của những người đã chiến đấu vì tự do ở Việt Nam”.
Nghĩa là Mỹ vẫn tiếp tục cuộc chiến nhưng không bằng súng đạn mà bằng kinh tế và cải cách, chiến thắng cũng sẽ tôn vinh những người lính đã chiến đấu trong cuộc chiến tại VN trước đây. Vì vậy với VN những lính Mỹ tham chiến là tội phạm nhưng với nước Mỹ họ là anh hùng. Những người đã chết được vinh danh, được tưởng niệm bằng việc khắc tên trên bức tường ốp đá đen hình chữ V (victory-chiến thắng?) như nước ta xây các nghĩa trang liệt sĩ vậy. Còn những người lính trở về được thưởng huân chương, trong đó có Bob Kerrey. Bob Kerrey có bị cáo buộc giết dân thường bởi chính nơi này nơi kia bên Mỹ nhưng ông không sao cả, vẫn thăng tiến, nghĩa là nước Mỹ không coi ông là tội phạm. Ông sám hối vì tự thân mặc cảm tội lỗi mang tính nhân bản, từ tính người của chính ông chứ không phải vì bị nước Mỹ khép tội. Vì vậy ông sám hối, muốn lập công chuộc tội với nhân dân VN chứ không phải vì danh lợi. Ông đã lập công và vẫn tiếp tục trong lĩnh vực mà ông thấy mình làm tốt nhất, đã kiên trì góp công xây dựng từ lâu, đó là lĩnh vực giáo dục cho VN, kết quả cụ thể hôm nay là Đại học Fulbright Việt Nam mà chính phía VN đề cử ông giữ chức Chủ tịch.
***
Một trong những người nổi tiếng và có địa vị chống Bob Kerrey “lập công chuộc tội” quyết liệt nhất là bà Tôn Nữ Thị Ninh.
Trước nay tôi ít biết bà Ninh, trong tôi chỉ cảm thấy hình ảnh của bà luôn có bóng dáng một tiểu thư khuê các, dịu dàng, một trí thức sâu sắc, bao dung, vị tha, nên bà đã trở thành một nhà ngoại giao khéo léo và thành công. Nhưng những ngày hôm nay thì tôi ngạc nhiên khi bà viết:
Tôi ngạc nhiên về những tình cảm cảm thông sâu sắc dành đặc biệt cho sự khổ tâm của Bob Kerrey”, và:
“…khi biết rằng cựu thượng nghị sĩ Bob Kerrey được bổ nhiệm làm chủ tịch HĐQT của trường ĐH mới, tôi vô cùng bàng hoàng và không thể hiểu nổi”.
Bà trần tình, trong gần 30 năm hoạt động đối ngoại, bà đã xây dựng được những mối quan hệ hữu nghị với đông đảo người Mỹ nên bà không “ghét” người Mỹ mà sẵn sàng gạt quá khứ sang một bên để hướng tới tương lai vì lợi ích chung. Nếu BK không có quá khứ nặng nề đối với nhân dân Việt Nam thì chắc không ai bình luận gì. Nếu người được bổ nhiệm là cựu chiến binh như cựu Hạ nghị sĩ, Đại sứ đầu tiên của Hoa Kỳ tại Việt Nam Pete Peterson hoặc là chính ông Thomas Vallely, cũng là cựu chiến binh, là người có công lớn nhất trong việc thành lập FUV thì không ai sẽ có ý kiến gì.
Vậy tôi hỏi bà Ninh, bà chống Bob Kerrey, ủng hộ Đại sứ Pete Peterson vì ông Bob có “quá khứ nặng nề”, vậy ông Pete Peterson không có “quá khứ nặng nề” sao? Ông Bob mang tội bởi đơn vị của ông sát hại dân thường vậy ông Pete Peterson lái máy bay F-4 bỏ bom cầu Phú Lương và cầu Lai Vu thuộc tỉnh Hải Dương quê tôi ông không có tội sao? Ông không tội sao lại bị ta bắt giam trên 6 năm?
Bà Ninh cũng ủng hộ ông Thomas Vallely, nhưng Thomas Vallely cũng tham chiến 13 tháng tại Việt Nam, cũng là một người lính thủy quân lục chiến, ông cũng chứng kiến hỏa lực Mỹ giết hại quá nhiều dân thường vô tội như chính ông thổ lộ.
Còn Ngoại trưởng John Kerry? Tại sao mọi người dễ tha thứ cho ông mà với Bob Kerrey thì lại khó? Bởi cũng như Bob Kerrey, ông cũng được trao huân chương. Vậy có nghĩa là ông có công trạng với Mỹ mà công trạng đối với nước Mỹ thì đồng nghĩa tội ác đối với VN. Còn ông hối lỗi bằng hành động phản chiến thì Bob Kerrey hối lỗi bằng hành động khác. Bob Kerrey cũng như ông, cùng với TNS John McCain, là “bộ ba thượng nghị sỹ” đã có công chủ yếu trong việc nỗ lực vận động cho việc bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ.
***
Theo tôi với cả hai nước Việt-Mỹ, sự khép lại giống như một điều luật, với VN là chủ trương chính sách của Đảng, mà đã khép là khép những điều không hay, chứ những điều hay ho thì khép làm gì? Vậy sao chỉ khép với người này mà không khép với người kia? Cho nên thái độ của bà Ninh là kiểu ứng xử nặng tính tiểu nông, cảm tính và tùy tiện, cũng như trình độ pháp luật ở VN vậy. Cùng một sai phạm, có tội hay không còn tùy người. Thái độ như bà Ninh sẽ khiến phía Mỹ hiểu ra sao về sự thành tâm “khép lại quá khứ” của VN, họ sẽ chẳng biết ta khép lại cái gì và khép như thế nào, phải chăng lời nói không đi đôi với việc làm?
Bà Ninh cũng đầy chủ quan, võ đoán khi viết:
Việc ông hối hận về vai trò trong vụ thảm sát Thạnh Phong tôi không thể biết và chỉ có mình ông Kerrey biết. Không thể coi việc giữ vị trí lãnh đạo của đại học nhiều tham vọng như ĐH Fulbright là cách sửa sai cho những hành động trong quá khứ”.
Vậy bà Ninh thử xem vài ý kiến từ các trang lề trái, mà với bà thì chỉ có các trang lề trái mới dám nói sự thật, và cũng vì thành kiến như bà, họ cũng có thể có võ đoán như bà.
Có người viết, bà là một người gốc hoàng tộc, từng du học ở Pháp, Anh, tức là đồng minh của Mỹ trong Chiến tranh Lạnh. Trước năm 1975, bà dạy ở Ðại Học Văn Khoa Sài Gòn, tức thuộc chính quyền VNCH. Ai cũng nghĩ như bà về chuyện hối lỗi của Bob Kerrey, liệu bà có được kéo về làm việc tại Ban Ðối Ngoại Trung Ương không? Để rồi với vốn sinh ngữ, bà có cơ hội gần gũi với một số lãnh đạo cao nhất, mà công danh thăng tiến vượt bực như thế không?
Một người khác nghĩ bà không sẵn sàng gạt bỏ qúa khứ, trái lại, bà đã khơi mào cho việc chống lại Bob Kerrey và ĐH Fulbright VN vì động cơ cá nhân. Người này viết:
“Tôi còn nhớ bà Ninh đã sang California để tìm sự ủng hộ, đầu tư cho trường Trí Việt của bà, và bà đã bị tẩy chay. FUV có thể là đối thủ cạnh tranh của bà chăng? Nhiều điều bà viết trong bài chưa đủ sức thuyết phục đối với tôi, ví dụ bà cho rằng "Không thể coi việc giữ vị trí lãnh đạo của đại học nhiều tham vọng như ĐH Fulbright là cách sửa sai cho những hành động trong quá khứ" - đây là ý kiến chủ quan, cảm tính của riêng bà thôi”. 
Khi nghĩ một cách võ đoán về ông Bob Kerrey như trên, bà nghĩ sao khi một tờ báo bên Mỹ viết về bà như thế này: “Trước năm 1975, bà dạy ở Ðại Học Văn Khoa Sài Gòn và là người liên lạc giữa Viện Ðại Học Saigon với Tòa Ðại Sứ Mỹ, nhưng không biết vì sao vào giờ phút chót bà lại không có tên trong danh sách dược di tản. Những ngày cuối cùng của tháng 4, 1975, Tôn Nữ thị Ninh đã chạy đôn đáo nhưng không kiếm được ra đường đi, đành phải kẹt lại”.
***
Với lá thư ngỏ mới nhất trần tình việc chống Bob Kerrey, bà Ninh được một tờ hải ngoại ca ngợi là “truyền nhân xứng đáng của Hai Bà Trưng”, tôi thấy ca ngợi thế thì hơi quá. Nhưng lại tự hỏi, lỡ bà ấy có thành tựu ngoại giao nổi bật thì sao? Vậy là lại phải tìm hiểu một chút, được biết, tại buổi họp báo tại Câu Lạc Bộ Báo Chí Quốc Gia Hoa Kỳ hồi tháng 10 năm 2004, bà Ninh đã có một câu nói nổi tiếng:
 “Trong gia đình chúng tôi có những đứa con, cháu hỗn láo, bướng bỉnh thì để chúng tôi đóng cửa lại trừng trị chúng nó, dĩ nhiên là trừng trị theo cách của chúng tôi. Các anh hàng xóm đừng có mà gõ cửa đòi xen vào chuyện riêng của gia đình chúng tôi”.
Người đồng tình cho đó là những phản bác mạnh mẽ trước những cáo buộc về vấn đề nhân quyền từ phía Mỹ. Người không đồng tình thì cho bà là hỗn láo. Vì vấn đề “đấu tranh vì nhân quyền” mà Mỹ nhắc tới không chỉ có lũ trẻ ranh mà có cả những công thần của chế độ như Trần Độ, những nhà lý luận như Hoàng Minh Chính, và ngay những ngày hôm nay đây có nhà văn nổi tiếng Nguyên Ngọc. Vậy theo văn chương, Thạc sĩ Tôn Nữ Thị Ninh sai khi dùng hình ảnh ví von và cũng chưa thấu hiểu thực trạng nhân danh nhân quyền chống lại thể chế ở VN, hoàn toàn không đơn giản như lũ con cháu hỗn láo. Nếu tôi ở vị trí bà Ninh tôi sẽ phản bác trên cơ sở luật pháp và học thuật chứ không phải gọng điệu mà những người phản bác cho bà còn sót lại cái thái độ quan lại phong kiến, quan lại là cha mẹ của dân, chứ không phải là công bộc của dân của chế độ dân chủ.
Tóm lại, sự chống lại Bob Kerrey của một nhà ngoại giao rất nổi tiếng như bà Tôn Nữ Thị Ninh xem ra cũng cần phải xem lại. Vì không chỉ với Bob Kerrey mà vì đại cuộc Quan hệ giữa VN và Mỹ!
(Còn tiếp)
9-6-2016

ĐÔNG LA