Thứ Ba, 10 tháng 1, 2017

VÀI Ý VỀ CHUYỆN CUỐN “PETRUS KÝ – NỖI OAN THẾ KỶ” CỦA ÔNG NGUYỄN ĐÌNH ĐẦU GẶP RẮC RỐI

ĐÔNG LA
VÀI Ý VỀ CHUYỆN 
CUỐN “PETRUS KÝ – NỖI OAN THẾ KỶ” 
CỦA ÔNG NGUYỄN ĐÌNH ĐẦU GẶP RẮC RỐI
Trong những ngày qua dư luận xôn xao về chuyện ra mắt cuốn ‘Petrus Ký – Nỗi oan thế kỷ’ bị đình lại. Phía “lề trái” thì lu loa cho do một "lệnh miệng" nào đó chứ hòan toàn không do nội dung cuốn sách. Ông Nguyễn Đình Đầu, chủ biên, cho biết công trình của ông khảo cứu tất cả những người khen, chê về Trương Vĩnh Ký khi còn sống và sau khi qua đời:
“Trong tất cả giai đoạn thăng trầm lịch sử của Việt Nam, có những người khen Trương Vĩnh Ký, có người chê Trương Vĩnh Ký nhưng đều không dựa vào tài liệu chính thức. Vì thế tôi thấy muốn hoà hợp dân tộc, đại đoàn kết dân tộc, thì tôi nghĩ đối với nhân vật lịch sử đặc biệt như Trương Vĩnh Ký, thì nên làm một hồ sơ về Trương Vĩnh Ký”; “Tuy hợp tác với Pháp nhưng vẫn là giữ tinh thần quốc gia, tức tinh thần yêu nước, lúc đó là trung thân với ái quốc. Vì thấm nhuần tinh thần Thiên chúa giáo và tây phương nên thấm nhuần tinh thần dân chủ, nhưng vẫn giữ được các cốt cách của Việt Nam”.
Nguyễn Đình Đầu (sinh năm 1920) từng sang Pháp học tại Đại học Công giáo Paris , về nước sống tại Sài Gòn, với tính cách ôn hòa ông được xem như là một trong những thành viên tích cực của "Lực lượng thứ ba", sau năm 1975, vẫn tiếp tục nghiên cứu, hiện là Ủy viên Ban chấp hành Hội Sử học Việt Nam.
Về "Lực lượng thứ ba", ông Võ Văn Kiệt cho rằng: “Theo tôi, đã đến lúc ta phải nhìn nhận công lao, sự đóng góp to lớn của các tầng lớp người Việt yêu nước từng sống trong lòng chế độ cũ”; bà Nguyễn Thị Bình: “Nhiều người ngại nói đến lực lượng thứ ba, nhưng theo tôi, lực lượng này đã có những đóng góp nhất định vào thắng lợi của nhân dân ta”. Tôi thấy ý ông Lý Chánh Trung, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, là đúng bản chất vấn đề hơn cả: "Lực lượng hay Thành phần thứ ba chỉ là một khát vọng hơn là một thực lực thực tế. Tổ chức vỏn vẹn có vài trăm người. Nhóm người đó mở ra mọi phía và đón nhận nhiều ảnh hưởng. Vì thế họ không có một ý thức hệ chính xác nào
Và với riêng ông Nguyễn Đình Đầu thì đúng hơn cả là ý của  Jean-Claude Pomonti, một phóng viên báo Le Monde, Pháp, cho “tên gọi “lực lượng thứ ba” đã được dùng vào năm 1960, sau khi một nhóm 18 chính khách Caravelle đối lập với chính quyền Ngô Đình Diệm, nhưng cũng chống Cộng”. Bởi Nguyễn Đình Đầu gần đây cũng có mặt trong nhiều vụ việc “quấy rối chính trị”, om sòm nhất là ông cũng có tên trong cái danh sách 72 người đã ký vào "Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp 1992" ngày 19 tháng 01 năm 2013 tại Hà Nội, nói toạc móng lợn ra là muốn lật đổ chế độ VN hiện tại!
Một người như vậy liệu có khách quan, khoa học khi nhận định về những nhân vật lịch sử và về chính lịch sử?
***
 Nguyễn Đình Đầu theo truyền thông giới thiệu là một nhà nghiên cứu nổi tiếng trong lĩnh vực địa lý học - lịch sử Việt Nam. Có thể phần nào đúng như vậy. Có điều có những người nếu họ “biết điều”, chỉ “phán” trong lĩnh vực mà họ am tường, thì họ có thể rất hay. Nhưng lại lấn sân sang những lĩnh vực mà họ chỉ biết mặt chữ thì những ý kiến của họ có khi rất ngây ngô. Như cụ Cao Xuân Huy chẳng hạn, một người cả tuổi tác lẫn địa vị tri thức còn cao hơn ông Đầu rất nhiều, nhưng khi cụ viết về khoa học tự nhiên và triết học duy vật biện chứng thì rất sai. Tương tự Nguyễn Đình Đầu khi lấn sang lĩnh vực chính trị cũng rất dễ sai như cụ Cao Xuân Huy, vì chính trị liên quan đến triết học, mà triết học Mác là triết học duy vật biện chứng, muốn hiểu cho đúng và sâu sắc cần phải hiểu khoa học tự nhiên nữa. E rằng về những lĩnh vực đó “học giả” Nguyễn Đình Đầu cũng chỉ mới biết mặt chữ thôi.
Với khoa học xã hội, nhất là việc khảo cứu lịch sử, thực ra người ta không cần thông thái lắm mà chỉ cần biết chữ, có tài liệu và phải chăm chỉ hơn người một chút, tức có cung cách của một “con mọt sách”. Nhưng để công trình có giá trị người khảo cứu phải thể hiện những quan điểm đúng về những vấn đề còn mâu thuẫn của lịch sử. Muốn vậy buộc người nghiên cứu phải có tâm sáng. Tâm sáng để nhìn cho rõ, cho đúng, để công tâm, nghĩa là phải công bằng và khách quan.
Về Trương Vĩnh Ký còn bao nhận định mâu thuẫn nhau như vậy mà Nguyễn Đình Đầu lại đặt tên sách khẳng định cuộc đời ông là “Nỗi oan thế kỷ”. Vậy Nguyễn Đình Đầu có công tâm không? Khi được những người có trách nhiệm góp ý còn bướng không chịu sửa, nay sách chào đời bị rắc rối còn cãi cái gì?
***
Nhiều ý kiến cho rằng phải chăng do tên gọi của quyển sách là "Petrus Ký – Nỗi oan thế kỷ" mà tác phẩm này đã không được ra mắt như đã định?
Ông Chu Hảo cho biết:
“Theo tôi được biết thì tác giả, cụ Nguyễn Đình Đầu, không đồng ý sửa chữa bất cứ nội dung nào đã viết trong sách. Cụ là một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, cẩn trọng và có bản lĩnh”; “Đúng, có lẽ cái tựa sách ấy đã làm cho một số người kiên trì bài bác đến mức thóa mạ Trương Vĩnh Ký phật ý và phản ứng mạnh mẽ”.
Ông Nguyễn Nhã thì cho rằng:
 “Nếu nói về nỗi oan, thì có thể dưới một góc độ về chính trị, thì cho ông Trương Vĩnh Ký là người thân Pháp hay gì đó thì không đúng vì một người học thuật như ông thì ở bất cứ ở đâu và thời gian nào họ cũng thể hiện tính cách và công trình của họ có giá trị muôn đời”.
Còn theo ông Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam:
    “Petrus Ký cũng trải qua nhiều sóng gió của khen – chê, tôn vinh – phê phán, nhưng cuối cùng xu thế khách quan, trung thực vẫn chi phối”.
   Để khách quan, tôi xin trích ngay Trương Vĩnh Ký – Wikipedia tiếng Việt trên Google để so sánh với ý của các ông ở trên xem sao:  
Lược kê ra một số sự kiện đáng chú ý:
Năm 1859, quân Pháp đánh chiếm thành Gia Định, trung tá hải quân Jean Bernard Jaureguiberry và 800 lính ở lại giữ thành Gia Định. Pétrus Ký viết thư cho Jean, trong đó kêu gọi quân Pháp nhanh chóng đánh đuổi quân nhà Nguyễn để hỗ trợ các tín hữu Ki-tô giáo tại Việt Nam.
Không du học nữa, và cũng không thể ở quê nhà vì chuyện đã viết thư cầu viện Pháp, Pétrus Ký chạy lên Sài Gòn vào tá túc nhà vị Giám mục người Pháp Dominique Lefèbre, và được ông này giới thiệu làm thông ngôn cho Jauréguiberry vào ngày 20 tháng 12 năm 1860.
Ngày 8 tháng 5 năm 1862, Pháp thành lập trường Thông ngôn (Collège des Interprètes), ông được nhận vào dạy. Cũng trong năm này, ông theo sứ thần Simo đáp thuyền Forbin ra Huế bàn việc nghị hòa. Trong hiệp ước nghị hòa, nhà Nguyễn phải chịu mất 3 tỉnh Miền Đông Nam Kỳ cho Pháp, điều này khiến nhiều người Việt căm phẫn và chỉ trích Pétrus Ký vì ông đã giúp Pháp thương thảo hiệp ước này…
Từ năm 1866 đến 1868, ông được bổ làm Giáo sư dạy tiếng Pháp ở trường Thông ngôn Sài Gòn.
Năm 1869, Sứ thần Tây Ban Nha sang Việt Nam nhằm ký thương ước với triều đình Huế. Tới Sài Gòn, vị sứ thần này đã xin Chính quyền Pháp ở Nam Kỳ cho phép Pétrus Ký đi theo giúp đỡ. Nhiệm vụ hoàn thành, nhân thời gian rãnh rỗi, ông sang thăm Hồng KôngMa CaoQuảng ĐôngQuảng Tây,...
Năm 1872, Pétrus Ký được Pháp thăng chức Tri huyện hạng nhất, đồng thời được bổ làm Đốc học (Giám đốc) trường Sư phạm dạy người Pháp học tiếng phương Đông, kiêm chức thư ký Hội đồng châu thành Chợ Lớn (1 tháng 6 năm 1872).
Ngày 1 tháng 1 năm 1874, Pétrus Ký lãnh chức Giáo sư dạy chữ Việt và chữ Pháp cho người Pháp và người Tây Ban Nha tại trường Tham biện Hậu bổ (Collège des administrateurs stagiaires), rồi làm Chánh đốc học trường ấy, đồng thời lãnh chức Ủy viên thượng Hội đồng Giáo dục (17 tháng 11 năm 1874). Cũng trong năm này, Pétrus Ký được bình chọn đứng hàng thứ 17 trong 18 "Thế giới Thập Bát Văn Hào"…
Năm 1877, ông là hội viên duy nhất và đầu tiên người Nam, được cử làm Ủy viên Hội đồng cai trị Sài Gòn.
Ngày 17 tháng 5 năm 1883, ông được Hàn Lâm Viện Pháp phong danh hiệu Viện sĩ (Officier d'Académie).
Năm 1886Paul Bert (nghị sĩ, hội viên Hàn lâm, bác học gia sinh vật học) được cử sang Đông Dương làm Khâm sứ Trung Kỳ và Bắc Kỳ, trong bối cảnh sau khi Tôn Thất Thuyết và vua Hàm Nghi làm cuộc binh biến chống Pháp thất bại. Vốn là bạn từ trước, nên Paul Bert mời Trương Vĩnh Ký ra Huế giúp việc. Khoảng đầu tháng 6 năm ấy, Pétrus Ký ra Huế, được vua Đồng Khánh cho lãnh chức trong Cơ mật viện Tham tá, sung Hàn lâm viện Thị giảng học sĩ.
Trong vai trò này, Pétrus Ký chủ trương An Nam không thể chống lại Pháp được, mà phải tuân theo họ, nhất là sau khi cuộc nổi dậy của vua Hàm Nghi thất bại. Pétrus Ký coi những người tham gia phong trào Cần Vương chống Pháp chỉ là đám phiến loạn không hiểu thời cuộc, ông cho rằng rằng tinh thần ái quốc của họ chỉ là do sự hận thù đối với các con chiên Công giáo cộng tác với người Pháp. Ông đề nghị Paul Bert cho huấn luyện và cấp vũ khí cho các đơn vị lính người Việt, dùng các đơn vị này để trấn áp các cuộc nổi dậy của phong trào Cần Vương. Ông cũng cho rằng: về phương diện chính trị và kinh tế, nước Pháp là người đi đồng hóa, còn người An Nam là kẻ chịu đồng hóa. Ông tin rằng việc người Pháp tấn công Việt Nam là một sứ mệnh mà Thiên Chúa giao phó, và người Pháp với tư cách là chủ nhân, cần giảng dạy người An Nam những tư tưởng và khái niệm cần thiết cho việc cải tạo người An Nam.
Pétrus Ký đề ra nhiều chính sách có lợi cho Pháp, nên Paul Bert cho rằng sẽ rất có lợi cho Pháp nếu giữ Pétrus Ký làm việc lâu dài ở triều đình nhà Nguyễn. Nhưng ngày 11 tháng 11 năm đó, Paul Bert bất ngờ bị bệnh chết. Mất người bảo hộ, Trương Vĩnh Ký bị nhóm thực dân Pháp không cùng cánh bỏ rơi, bạc đãi; và bản thân Pétrus Ký sau đó cũng bị triều đình Huế nghi kỵ và trù dập nên ông lấy cớ đau phổi xin từ chức về lại Sài Gòn dạy học tại trường Hậu Bổ, trường Thông ngôn và viết sách...
Cuối đời
Mặc dù đã trở về đời sống của một viên chức nhỏ, nhưng Pétrus Ký vẫn bị những người khác phe tìm cách hạ bậc lương và làm khó dễ việc vào ngạch Giáo sư sinh ngữ Đông Phương của ông. Khi trước, lúc còn được người Pháp ưu ái, những sách của Pétrus Ký đều được nhà cầm quyền Pháp bỏ tiền ra in, để phân phối cho học sinh. Nhưng từ khi bị hắt hủi, lui về ẩn dật ở Chợ Quán, ông phải bỏ tiền riêng ra in ấn và tự phát hành. Sách ế ẩm khiến Pétrus Ký phải mắc nhiều nợ.
Năm 1887, sau khi đi công tác ở Bangkok để giải quyết vấn đề giữa Thái Lan và Đông Dương, ông nghỉ hưu.
Năm 1888, ông xuất bản tạp chí tư nhân Thông Loại Khóa Trình (Miscellanées) được 18 số (1888-1889). Cũng trong năm này, trường Thông ngôn đóng cửa, Pétrus Ký gần như thất nghiệp. Sống trong hoàn cảnh buồn bã, ông bệnh hoạn luôn. Pétrus Ký qua đời vào ngày 1 tháng 9 năm 1898”.
Hóa ra cuộc đời theo Pháp của Trương Vĩnh Ký lại đúng là lên voi xuống chó. Vì vậy câu nói theo cách ngôn Latinh "Ở với họ mà không theo họ" ("Sic vos non vobis") của Trương Vĩnh Ký là do ông bị thất sủng chứ hoàn toàn không phải “vì lòng yêu nước” mà không ít người có bản chất như ông, có cuộc sống giống ông, đã sơn phết vào danh dự cho ông.
Như vậy, chính các ông Đầu, Chu Hảo, Nguyễn Nhã, Phan Huy Lê nghĩ, nói và viết về Trương Vĩnh Ký không khoa học, không khách quan mà chính những người “kiên trì bài bác đến mức thóa mạ Trương Vĩnh Ký” theo ý ông Chu Hảo mà tôi đã trích dẫn trong một bài viết và bài của nhà văn Nguyễn Văn Thịnh, có thể chưa toàn diện về Trương Vĩnh Ký, nhưng đúng về Trương Vĩnh Ký hơn.
***
Nhà văn Bác sĩ Nguyễn Văn Thịnh trong bài ĐỔI MỚI SỬ HỌC KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ TÔ ĐEN THÀNH TRẮNG viết:
 “Trương Vĩnh Ký (1837–1898): là nhân vật có diện mạo khá đặc biệt trong lịch sử Việt Nam cận đại. Sự đặc biệt ấy không phải do đương sự tạo nên mà do giới cầm quyền từ triều đình nhà Nguyễn và chính quyền thực dân đô hộ tô vẽ ra. Sau này, các thế lực chính trị đủ màu sắc lại dựa vào đấy nhằm phụ họa cho những ý đồ riêng của họ. Ông ta được Giáo hội Kito nuôi dạy từ tuổi ấu thơ để thành học giả nổi danh giữa lúc nền văn hóa Đông-Tây mới tiếp cận nhau.
Tuy nhiên học vấn là một chuyện và thái độ với tổ quốc và dân tộc lại là một chuyện. Trương ra hợp tác với quân xâm lược rất sớm. Từ người tu hành chuyển sang làm thông ngôn sau thành quan lại, đóng vai trò gạch nối giữa nhà nước thực dân với triều đình An Nam lúc đó. Năm 1876, được quan thuộc địa cử ra Bắc kỳ công cán, thực ra là làm nhiệm vụ dò xét thổ nhưỡng, dân tình. Trương gửi báo cáo về quan trên: “Các quan lại Nam triều thường nói với tôi rằng nước Pháp cố ý xâm chiếm xứ này. Tôi trả lời là không!... Tất cả qúy vị đều phải thấy rằng nếu nhà cầm quyền Pháp có ý muốn xâm chiếm xứ này, họ đã có thể làm việc đó từ lâu một cách dễ dàng, không cần bàn cãi gì cả. Qúy vị phải hiểu rằng qúy vị là những kẻ yếu, thật sự quá yếu, cần sự giúp đỡ của ai đó để gượng dậy. Và tốt  hơn, qúy vị chỉ nên tin vào người bạn đồng minh tiếng tăm và phải dựa vào họ một cách thành thật để đứng lên, nhưng phải thẳng thắn, không hậu ý, không mưu tính kín đáo, dang cả hai tay ra với họ chứ không phải một cái chìa ra còn bàn kia thì giữ lại. Bằng ngược lại, mệt trí vì những do dự, những điều nói nửa lời đầy âm mưu của qúy vị, nước Pháp buộc lòng phải ngưng che chở và bỏ mặc qúy vị với số phận”! … Trương bị giới nho sỹ Bắc Hà nhạo báng thẳng thừng trên những câu thơ, đối chương lên báo chí: “Hay tám vạn tư mặc kệ / Không Quân–Thần–Phụ–Tử đếch ra người”, phải bỏ dở chuyến công du.
Do sức ép của chính quyền thực dân, triều đình nhà Nguyễn phải chấp nhận dành phẩm trật cao giữa triều đình cho một số người của Giáo hội Kito. Năm 1886, Jean Baptiste Trương Vĩnh Ký được phong Đại quan Cơ mật viện tham tá, sung Hàn lâm thị giảng học sỹ. Trong vai trò ấy, Trương là một quan chức mẫn cán của nhà nước thực dân, kiểm soát mọi hoạt động và đốc thúc Nam triều thực thi cái gọi là Hòa ước Patenôtre – Giáp thân (1884), đặt toàn bộ Việt Nam dưới quyền cai trị của thực dân Pháp. Vua tôi An Nam nếu không thành bù nhìn thì cũng là công cụ trong bộ máy thống trị của ngoại bang! Trong thư gửi cho một linh mục: “Những gì tôi nói ở đây là do mắt thấy, tai nghe. Trong cái nhìn đặc biệt về lợi ích của nước Pháp, việc Đồng Khánh lên ngôi quả là may mắn” và Trương báo cáo với Toàn quyền Paul Bert: “Tôi sẽ trấn áp những hãnh thần (là những người có tư tưởng chống Pháp) và sẽ bao vây lấy nhà vua (Đồng Khánh). Tôi cũng sẽ gom những người thật sự có khả năng (?!) cho Viện Cơ mật”… Trương một mặt xúi vua Đồng Khánh “làm ra năm mười khoản ước đưa ông Paul Bert nghị lại mà tính với nhau” định rõ quyền hạn của Nam triều và Bảo hộ (Bắc kỳ) nhằm hoàn thành nghị trình thâu tóm Việt Nam ôn hòa hơn viên tướng De Courcy trước đó; một mặt tham mưu cho Toàn quyền Paul Bert: “Hãy nhanh chóng thành lập những đoàn Lạp binh (đặc nhiệm cơ động) và võ trang cho họ. Ngài không có điều gì phải quản ngại vì nhà vua và chính phủ Nam triều sau vụ bạo hành tháng 7/1885 (tức ngày  24/5/Ất dậu – ngày thất thủ kinh thành Huế), nay chỉ còn cách thần phục nước Pháp thôi”. Đội quân ấy đã tỏ ra hữu hiệu trong việc đàn áp và truy sát những nghĩa sỹ cần vương. Trương còn bày cách chiếm dụng những mảnh đất đẹp của các chùa chiền ở Huế giao cho nhà thờ mà chính quyền chính quyền thực dân từng làm ở những nơi đô hội từ Bắc vào Nam, ngay cả ở Hà Nội, Sài Gòn. Tất nhiên chính quyền bù nhìn sở tại phải cúi đầu làm lơ!
Một đời sáng tác, Trương cho ra 121 tác phẩm chữ Việt và chữ Pháp mà nội dung được ông nói thẳng ra : “Trong các tác phẩm của tôi không bao giờ đi lệch mục đích chính là sự biến cải và đồng hóa dân tộc An Nam” và đều được nhà nước bảo hộ bảo trợ ấn hành. Ông ta hăng hái bộc lộ ruột gan ra với quân cướp nước trong khi với đồng bào thì luôn viện dẫn câu cách ngôn La tinh “Ở với họ mà không theo họ” (Sic vos non vobis)! Ông ta góp phần không nhỏ đào tạo ra một lớp trí thức tân học vong bản, đến nỗi học giả Nguyễn Văn Vĩnh tuy là người hăng hái tiên phong trong việc Quốc ngữ hóa chữ Nôm từng phê phán: “Tôi so mấy chương báo bằng quốc văn và mấy chương báo bằng Pháp văn, thì hình như các đại huynh học Pháp văn kỹ qúa, kỹ hơn tiếng nước nhà nhiều”! Trong khi nhân dân ta phỉ báng Trương là “con người phản phúc” thì trùm thực dân Paul Bert khen là người “luôn trung thành với nước Pháp”. Con người Trương nhìn từ hai phía đều đúng với con người thực của ông! Đương thời, Trương đã bị giới sỹ phu yêu nước tẩy chay, khinh thị.

… Cuốn “Pétrus Trương Vĩnh Ký nhìn từ những khía cạnh và nhận thức khác nhau” của 7 tác giả: Bùi Kha, Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Sinh Duy, Hồ Hữu Tường, Phạm Long Điền, Mẫn Quốc và Tô Minh Trung đều chung một nhận xét. Người viết xin trích ra một ý kiến của nhà nghiên cứu quen thuộc Nguyễn Đắc Xuân: “Nếu lấy tiêu chí Việt gian dành để xếp những tên phản quốc Nguyễn Thân, Hoàng Cao Khải, Lê Hoan… vận dụng vào Trương Vĩnh Ký thì ta thấy Trương Vĩnh Ký vượt xa những nhà nho nêu trên. Lịch sử Việt Nam cận đại luôn luôn phải nhắc đến Trương Vĩnh Ký như một nhân vật phản diện điển hình. Đây là trường hợp có một không hai trong lịch sử Việt Nam”… Giữa lúc đường công danh đang như hội phong vân thì quan thầy Paul Bert bỗng lăn đùng ra chết. Giới chóp bu thực dân mỗi kẻ đều có thuộc hạ riêng. Trương bị thất sủng, bơ vơ trong nỗi cô đơn, ngậm ngùi thổ lộ nỗi lòng: “Học thức giữ tên con mọt sách/ Công danh rốt cuộc cái quan tài/ Cuốn sổ bình sinh công với tội/ Tìm nơi thẩm phán để thừa sai!” và lưu lại đời sau mấy dòng trên mộ chí: “Xin hãy thương tôi, ít ra những bạn hữu của tôi”! Còn gì đau đớn và cay đắng hơn với một trí giả văn nhân khi tự thấy mình đã tuột ra khỏi lòng dân tộc?! Học giả Ngạc Xuyên Ca Văn Thỉnh kết câu ngắn gọn: “Nhân tài thất đức thờ bạo chúa”! …”
“Còn việc Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh tôn vinh Trương Vĩnh Ký?
Tác giả Bùi Kha có bài viết rất kỹ về Trương Vĩnh Ký trên trang
giaodiemonline. Chỉ in trích vài đoạn. Bùi Kha viết:
“Sau một thời gian ngắn, trung tá hải quân Jean Bernard Jaureguiberry và 800 lính ở lại giữ thành Gia Định, còn Genouilly thì trở ra Đà Nẵng đánh phá lần thứ nhì.
Trước cảnh nước mất nhà tan, Trương Vĩnh Ký đã không tham gia phong trào đánh đuổi thực dân như bao nhiêu người khác. Trái lại ông còn viết thư cho viên trung tá thực dân nói trên, yêu cầu giúp đỡ để tiêu diệt quân dân Việt Nam mà họ Trương gọi đó là kẻ thù. Thư nói trên viết vào cuối tháng 3.1859, lúc Trương 22 tuổi, trong đó có một số đoạn như sau:
"... Nhưng tôi nhân danh là người đại diện cho tín hữu Ki-tô kính dâng lên Ngài lời cầu xin của chúng tôi... nỗi thống khổ mà chúng tôi hằng gánh chịu dưới bạo quyền của các quan lại triều đình gây ra... Tất cả chúng tôi chắc sẽ chịu chết nếu Ngài không kịp đánh đuổi kẻ thù [1] của chúng ta..." (Văn khố Hải quân Pháp, Paris: SUM Vincennes. TS Vũ Ngự Chiêu sưu tập)”.
“Trương Vĩnh Ký… trong thư ngày 28.4.1876, gởi cho tướng Pháp, Bossant, quyền thống đốc, để trình bày sự cầu mong thực dân Pháp chiếm và cai trị toàn xứ Bắc kỳ:
"…Và phải chăng sự khốn cùng đang bao trùm trong dân chúng, và phải chăng khắp nơi người ta đang nghe đòi hỏi những sự thay đổi và một nền cai trị hữu hiệu để duy trì trật tự, ban cho dân chúng một ngày mai”.
 “Sợ Pháp do dự không chịu chiếm, Bao-ti-xi-ta (tên thánh của Trương Vĩnh Ký) còn đem miếng mồi kinh tế béo bở của xứ Bắc Kỳ ra để khơi động lòng tham của thực dân Pháp:
"Và tất nhiên, xứ sở chẳng thiếu tài nguyên, đất đai mà tôi dám quyết rằng có thể sánh với thổ nhưỡng của nước Pháp, ít ra là đối với Algérie, chất chứa nhiều của cải đủ để làm nên tài sản cho một quốc gia. Đất này tiện lợi cho những vụ trồng trọt các mùa thay đổi khác nhau. Những cuộc thí nghiệm trồng nho và gieo lúa mì cho thấy những kỳ vọng chắc chắn. Tôi từng thấy lúa mì mọc trong đất, cây trông đẹp, bông đầy và lớn hạt. Tôi chưa nói tới ở đây những tài nguyên khoáng chất, người ta bảo là bao la, và tôi xin được phép nói rằng dân của xứ này đã chết đói trên một chiếc giường đầy vàng".
Như vậy, Quỹ Văn hóa mang tên nhà chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh”, do cháu ngoại của cụ là Bà Nguyễn Thị Bình làm chủ tịch và ông Nguyên Ngọc làm Chủ tịch Hội đồng Khoa học, đã chọn Trương Vĩnh Ký để tôn vinh trong “Ngôi Đền Tinh hoa Văn hóa Việt Nam” chung với các nhà chí sĩ yêu nước chống Pháp, từng bị Pháp bắt là Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu, thì đã chống lại chính Phan Châu Trinh”
***
Còn chuyện ông Nguyễn Đình Đầu nói in sách giải oan cho Trương Vĩnh Ký để hòa hợp dân tộc? Đúng là chúng ta cần hòa hợp dân tộc cũng như tất cả các nước từng là cựu thù đã hòa giải để trở thành đồng minh. Như Mỹ trong giai đoạn gần kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ 2 từng thả một quả bom nguyên tử xuống Hiroshima, ba ngày sau Mỹ thả tiếp một quả bom nguyên tử xuống thành phố Nagasaki. Theo ước tính, hơn 200.000 người đã thiệt mạng và hàng nghìn người khác phải sống với nhiều di chứng sau chiến tranh. Nhưng ngày 27/5, ông Barack Obama là Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên tới thăm Hiroshima, trước đó ông khẳng định sẽ không nói lời xin lỗi, bởi ông cũng như dân Mỹ luôn coi hai quả bom góp phần kết thúc chiến tranh và tiêu diệt chủ nghĩa phát xít. Dù người Nhật sẽ không bao giờ quên những gì đã xảy ra song người dân ở đất nước "Mặt trời mọc" này đã hiểu vấn đề, họ cũng coi trọng quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ hiện tại, họ tin rằng điều quan trọng nhất chính là cùng với Mỹ hướng tới một thế giới không có vũ khi hạt nhân. Chuyến thăm của TT Obama tới Hiroshima là hành động trong nhiều bước hướng tới một thế giới phi hạt nhân. Hành động có nhiều giá trị hơn lời xin lỗi và là cách tốt nhất để tránh lập lại bất cứ "cơn ác mộng" nào như trong quá khứ. Vì vậy ông Obama vẫn được dân Nhật chào đón đến Hiroshima.
          Còn Việt Nam chỉ trong nội bộ một nước nhưng để hòa hợp dân tộc chúng ta cần học tập mối quan hệ Nhật – Mỹ. Chúng ta cần hòa hợp nhưng không vì thế mà phải đảo lộn cả hệ giá trị, lộn ngược lại từ lịch sử đến luân thường đạo lý. Sự hòa hợp đó sẽ lại dẫn đến hỗn loạn, nội chiến.
10-1-2017
ĐÔNG LA