Chủ Nhật, 21 tháng 5, 2017

ĐẠO PHẬT BỊ LỘN NGƯỢC THEO CON MẮT THỊT CỦA TRẦN MẠNH HẢO

ĐÔNG LA
ĐẠO PHẬT BỊ LỘN NGƯỢC
THEO CON MẮT THỊT
CỦA TRẦN MẠNH HẢO

Khó có ai có thể đọc hết kinh điển Phật giáo vì số lượng rất lớn, lên đến "84.000 pháp môn" như truyền thống thường nói. Có 82.000 bài giảng của chính Đức Phật và 2.000 bài của các đệ tử của ngài. Cũng không ai hiểu hết Kinh Phật vì những bài giảng dựa trên sự thực chứng giác ngộ của Đức Phật Thích-ca cả về thế giới hữu hình lẫn vô hình, lại bằng ngôn ngữ cổ với nhiều hình ảnh ẩn dụ theo cách nói bản địa. Kinh lại được người khác tường thuật, rồi nhiều lần kết tập, sao chép, không tránh khỏi tam sao thất bản, thêm thắt, thêu dệt qua hơn hai thiên kỷ rưỡi.
Vì vậy trong thời hiện tại với nhiều chuẩn mực giá trị thực dụng gắn với tiện nghi vật chất ngược với Phật giáo, lại tự do tín ngưỡng tôn giáo, nên chuyện người ta không hiểu Phật giáo là chuyện bình thường.
Nhưng sẽ bất thường ở chỗ vì cái tôi hoang tưởng, thích chứng tỏ ta đây, Trần Mạnh Hảo không hiểu gì lại đi rao giảng Phật giáo một cách sai trái, và tệ hơn nữa, TMH lại dùng cái dốt của mình đó để diễu cợt, chửi bới từ Giáo hội Phật giáo VN, lãnh tụ Hồ Chí Minh cho đến cả học thuyết lẫn nhà tư tưởng vĩ đại sáng tạo ra nó.
Vậy TMH dốt như thế nào?

***
Tôi đã viết TMH trích dẫn như con vẹt thì đúng nhưng cứ diễn giải một tí thì sai. TMH viết:
“Ngài (Đức Thế Tôn) đến thế giới này … chỉ để làm một con người, hơn nữa là một con người nghèo khổ, một con người bình thường như mọi con người vô danh ẩn mình trong thế giới khổ đau”.
Người bình thường” là người được sinh ra rồi sống một cuộc sống bình thường. Ấu thơ thì được cha mẹ nuôi dạy trưởng thành; trưởng thành thì lo làm ăn, xây dựng nhà cửa, lấy vợ sinh con đẻ cái, phấn đấu có một cuộc sống hạnh phúc. Đức Thích-ca là Thái tử thì chỉ cần học tập, lấy vợ, sinh con và đợi vua cha truyền ngôi trị vì đất nước. Nhưng ngài không muốn sống một cuộc sống của người bình thường như thế, bởi ngài nhận ra tất cả những giá trị theo lẽ thường đều là vô thường, bản chất sâu xa đều là khổ. Vì vậy ngài đến thế giới này không phải “làm một người bình thường” như TMH viết mà ngài muốn làm Phật. Phật là từ phiên âm từ chữ "Buddha" trong tiếng Phạn hay Pali, có nghĩa là "Người đã thức tỉnh" hay "Người giác ngộ". Nhưng cứ sống như người thường thì không thể thành Phật nên ngài phải xuất gia, đi tìm con đường tu luyện để giác ngộ. Cuối cùng ngài đã thành công khi liên tục 49 ngày ngồi thiền dưới một gốc cây bồ đề.
***
Về chuyện Đức thích-ca thành Phật, TMH viết:
Có điều, con người mà Ngài đạt tới là một con người được tu luyện bằng thiền định vươn tới một trí tuệ trác việt, vươn tới sự giác ngộ vượt thoát mọi khổ đau sinh diệt vô thường. Từ con người bình thường đến Phật chừng như chỉ cần vượt qua lằn ranh của một sợi tóc, hay một khoảng thời gian nhỏ nhất gọi là sát-na… Dường như Ngài (tồn tại trong phần thiện căn của Tâm tha nhân) dẫn dắt chúng sinh đến bờ của sợi tóc ấy, sát na ấy để chúng sinh tự mình vượt qua bản ngã (ảo ngã, hư ngã), giữ lấy chân ngã mà thành Phật. Ngài đã vượt qua trùng trùng trở ngại để tự mình đến tới bờ của sợi tóc ấy bằng 35 năm trầm tư mặc tưởng, khổ luyện tu hành; và trong một sát na lóe sáng đốn ngộ, Ngài thăng hoa giác ngộ, bước qua sợi tóc kia mà thành Phật. Sợi tóc mà Ngài đã vượt qua sau 49 ngày thiền định dưới gốc bồ đề kia, với chúng sinh có khi là nghìn trùng sông núi…
Phật chỉ cho ta con đường đến cõi giác ngộ nằm ở chính trong ta mà sao ta không tìm thấy? Khi tâm ta và thân ta lạc mất nhau thì sao ta ngộ được điều kỳ diệu: “Phật tại tâm”? Hãy ngồi xuống trong tĩnh lặng, quên đi mọi khổ đau dục vọng muộn phiền tìm lại tâm mình đang trôi dạt ngoài cõi ta bà, để tâm nhập làm một với thân ta mà thiền định, sẽ thấy Phật trong từ bi hỉ xả nơi chính tâm hồn mình…”
Nhận thức của Đức Phật khi giác ngộ hoàn toàn không đơn giản là “vươn tới một trí tuệ trác việt” như TMH viết. Trí tuệ có được do học tập, tích lũy tri thức, còn nhận thức do giác ngộ của Đức Phật là trí huệ. Trí huệ là nhận thức trực tiếp bằng các năng lực siêu phàm, tức có tam minh, lục thông. Mà sự giác ngộ đạt được không phải như TMH văn vẻ lăng nhăng “Hãy ngồi xuống trong tĩnh lặng, quên đi mọi khổ đau dục vọng muộn phiền tìm lại tâm mình đang trôi dạt ngoài cõi ta bà, để tâm nhập làm một với thân ta mà thiền định, sẽ thấy Phật trong từ bi hỉ xả nơi chính tâm hồn mình…”. Viết như vậy TMH đã không hiểu gì còn nói ngược. Cái “tâm” lúc nào chả ở trong ta sao phải đi tìm, để lạc mất “tâm” thế người ta sống thực vật à? Cần phải hiểu Đức Phật Thích-ca giác ngộ bằng thiền định. Định ở đây là định tâm, tức không để tâm bấn loạn. Từ đó mới phá chấp vào tham sân si của đời phàm, tức thanh lọc tuyệt đối ô nhiễm để trở về “tâm không”, khi đó bức màn vô minh được vén lên, trí huệ của ngài được khai mở.
 Chính Đức Phật kể lại kinh nghiệm giác ngộ của mình được ghi trong kinh sách như sau:
"... Sau khi hoàn lại sinh lực (sau khi tu khổ hạnh vô ích), ta chú tâm giải thoát khỏi những tư tưởng tham ái, bất thiện và đạt được sơ thiền, sau đó nhị thiền, tam thiền và tứ thiền, những cảm giác hỉ lạc này không để lại dấu vết gì trong tâm ta.
Khi tâm ta được an tịnh, thanh lọc … ta hướng nó về những ký ức và nhận thức về các kiếp trước. Ta nhớ lại nhiều tiền kiếp, một, hai, ba, bốn, năm,..., trăm ngàn kiếp trước, nhớ những chu kì của thế giới. 'Nơi đó ta đã sống, tên của ta đã như thế, gia đình của ta là như thế, nghề nghiệp của ta, giai cấp xã hội của ta... Ta đã chết như vầy...'. Sự hiểu biết đầu tiên này ta đã đạt được trong canh đầu...
Sau đó ta chú tâm đến sự sinh thành và hoại diệt của chúng sinh. Với con mắt của chư thiên, trong sáng, siêu việt mọi giới hạn nhân thế, ta thấy chúng sinh hình thành và tiêu hoại,... chúng sinh tái sinh theo nghiệp lực. Ta nhận ra rằng 'Chúng sinh tạo nghiệp bất thiện qua ba ải thân khẩu ý đều chìm đắm sau khi chết, tái sinh trong đoạ xứ, địa ngục. Các chúng sinh nào tạo thiện nghiệp bằng thân khẩu ý được tái sinh trong thiện đạo, sau khi chết được lên cõi thiên'...  Sự hiểu biết thứ hai này ta đã đạt được trong canh hai.
Sau đó ta chú tâm nhận thức về sự tiêu diệt các lậu hoặc và nhìn nhận như thật: 'Đây là khổ, đây là nguyên nhân của khổ, đây là phương pháp tiêu diệt khổ, đây là con đường tiêu diệt khổ', và khi ta nhận thức được điều này, tâm ta thoát khỏi dục vọng, ham muốn tồn tại, vô minh. Ta tự hiểu chân lý 'Tái sinh ta đã đoạn, cuộc sống tu tập của ta đã hoàn tất, ta đã hoàn thành những gì phải làm. Cuộc sống (khổ đau) này ta đã vượt qua'... Sự hiểu biết thứ ba này ta đã đạt được trong canh ba...".
***
TMH viết:
“Đọc kinh Phật ta thấy một số điều cực đoan, quá trớn được cho là lời Phật dạy… Ví dụ như câu nói về diệt dục rất cực đoan, rất dung tục sau đây lại được gán cho lời Phật dạy:
Ký giả Mỹ Simon Alex hỏi vị sư Tích Lan Bhante Gunaratana câu nói dưới đây có phải lời Phật dạy không: “Thà rằng đưa dương vật vào miệng một con rắn độc hay một con rắn hổ mang kinh tởm có lẽ còn tốt hơn là đưa nó vào một người đàn bà". Nhà sư thường đi giảng kinh Phật trên khắp các đại học danh tiếng trên thế giới thừa nhận rằng đúng là lời này có ghi trong kinh Phật. 
(Trích bài :'Thời Đức Phật, nhiều người tin rằng tình dục rất thánh thiện' (http://www.nguoiduatin.vn/thoi-duc-phat-nhieu-nguoi-tin-ran…) (Ký giả Simon Alev của tờ "Giác ngộ là gì" (What is Enlightenment) của Hoa Kỳ phỏng vấn một nhà sư Tích Lan, ngài Bhante Gunaratana về chủ đề Phật giáo và tình dục.) 
Dục nghĩa là ham muốn, mà ham muốn lớn nhất trong dục là ái dục, tức tình yêu trai gái. Dục (ham muốn) là bản năng của sinh vật nói chung, con người nói riêng. Khát nước đòi uống là dục, đói đòi ăn là dục, ham muốn ái tình là dục, thở khí oxy vào để sống là dục, tham giàu là dục, tham chức quyền là dục (nằm trong bản năng thống trị kẻ khác của sinh vật), tham sống sợ chết là dục, ham muốn được giải thoát, được giác ngộ cũng có thể được coi là dục…
Nói tóm lại, DỤC phần lớn là bản năng tự nhiên, sinh ra đã có trong con người. Cho nên về nguyên tắc DỤC KHÔNG THỂ DIỆT vì DỤC là bản năng con người, chỉ có thể TIẾT DỤC mà thôi. Ngay đến cả Đức Thích Ca Màu Ni sau khi giác ngộ thành Phật lúc 35 tuổi, cho tới khi Ngài viên tịch năm 80 tuổi vẫn còn bị DỤC đeo đẳng; vì Ngài vẫn chưa thoát khỏi vô thường đói ăn khát uống, còn phụ thuộc vào các hành như phải thở, phải ăn, phải uống, phải làm các hành vi trao đổi chất của con người, thì sao lại đề ra tiêu chí DIỆT DỤC cực đoan như thế? Nên nhớ là Đức Phật tổ năm 80 tuổi đã viên tịch vì ngộ độc thức ăn; chính Ngài khi tại thế cũng chưa thoát khỏi vô thường… Sau khi viên tịch, Ngài nhập Niết Bàn. Còn Niết Bàn là gì, ở đâu, tồn tại trong dạng thức nào thì Phật không nói. Chúng sinh phải tự tìm ra Niết Bàn trong tâm mình khi đã giác ngộ thoát khỏi tham, sân, si, đạt tới cõi từ bi hỉ xả…
Việc một số kinh sách được gán cho là lời Phật dậy (ngụy tạo) có thái độ lên án gay gắt, thậm chí phỉ nhổ, nguyên rủa hành vi tính giao của con người là một sự vô lối, một ứng xử thiếu văn hóa người, mà thiếu văn hóa người thì cũng thiếu văn hóa Phật…Thử hỏi ai trong chúng ta, kể cả Đức Thế Tôn không được sinh ra bởi hành vi giao phối giữa cha và mẹ mình?”
Phải trích dài như thế không có TMH lại lu loa tôi cắt xén, xuyên tạc ý của ông ấy.
Viết như trên TMH mới chỉ đọc được lời của Phật bằng con mắt thịt. Mà muốn hiểu ý nghĩa đích thực lời của ngài người ta phải dùng trí chứ không phải mắt thịt. Chính Đức Phật sau khi giác ngộ cũng thấy chúng sinh khó mà hiểu được những điều ngài thấy:
"Pháp này do Ta chứng được thật là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, cao thượng, siêu lý luận, vi diệu, chỉ người có trí mới hiểu thấu. Còn quần chúng nầy thì ưa ái dục, khoái ái dục, ham thích ái dục. Đối với quần chúng ưa ái dục, khoái ái dục, ham thích ái dục, thật khó mà thấy được định lý 'duyên khởi ra các pháp' (Paticcasamuppada): sự kiện nầy thật khó thấy, tức là sự tịnh chỉ tất cả các hành, sự từ bỏ tất cả sanh y, ái diệt, ly tham, đoạn diệt, Niết bàn. Nếu nay Ta thuyết pháp thì các người khác không hiểu Ta, thời như vậy thật khổ não cho Ta, như vậy thật bực mình cho Ta" (Trung Bộ I, 268 - 269).
Vậy cần phải giảng giải cho TMH một ít.
Kinh Phật cho Ngũ uẩn là năm yếu tố tạo thành toàn bộ thân, tâm con người. Đặc tính chung của Ngũ uẩn là Vô thường, Vô ngã và Khổ. Khổ xuất phát từ sự bấp bênh, biến hoại của các uẩn. Con người được tạo thành từ năm uẩn đó nên cũng chỉ là một sự giả hợp, không có một cái "ta" thật sự bất biến đứng đằng sau con người, tức Vô ngã.
Theo Kinh nói về Vô ngã:
“Một thời Thế Tôn ở Bàrànasi, ngài nói với đoàn năm vị Tỉ khâu: “Này các Tỉ-khâu, Sắc là vô ngã… Nếu sắc là ngã, thời sắc không thể đi đến bệnh hoạn và có thể mong được như sau: “Mong rằng sắc của tôi như thế này… sắc của tôi chẳng phải như thế này!”… này các Tỉ-khâu, vì sắc là vô ngã, nên sắc đi đến bệnh hoạn, và không thể mong được: “Mong rằng sắc của tôi như thế này… sắc của tôi chẳng phải như thế này!”.
Rồi đến Thọ, Tưởng, Hành, Thức, đức Phật cũng dạy như vậy. Rồi ngài tiếp:
 “Này các Tỉ-khâu, Sắc là thường hay vô thường?”. “Là vô thường, bạch Thế Tôn!”. “Cái gì vô thường là khổ hay lạc?”. “Là khổ, bạch Thế Tôn”. “Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, vậy có hợp lý chăng khi quán cái ấy là: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi?”. “Thưa không, bạch Thế Tôn”… “Do vậy, này các Tỉ-khâu, phàm sắc gì quá khứ, vị lai, hiện tại, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần; tất cả sắc cần phải quán tưởng với sự hiểu biết sâu sắc như sau: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi…”
  Như vậy ta phải hiểu vô ngã theo kinh Phật là một khái niệm chứ không hiểu theo nghĩa thông tục, có nghĩa là tất cả những gì tạm thời, biến đổi, không vĩnh cửu đều là vô ngã. Và đạo Phật nhận thấy, tuy giả tạm nhưng cái ngã lại tác động rất lớn, toàn thể sự ganh đua của người đời đều là do cái ngã cả. Càng lúc cái ngã càng được tự tôn dẫn dắt con người nhận thức và hành động sai lạc. Mục đích của tu hành và thiền định là phá bỏ chấp ngã. Trong thiền định, phép quán Vô ngã là một pháp chủ yếu, giúp con người phá chấp những gì là nguồn gốc của mọi bất hạnh trong cuộc sống. Khi đó mới không bị vướng vào tất cả những tham vọng, yêu ghét, mê đắm..., mới diệt được khổ. Khổ không phải chỉ là những cảm thụ khó chịu, mà là tất cả mọi hiện tượng của tâm và vật. Mọi sự, mọi vật đều bị biến hoại nên phải khổ. Cả những điều an lạc cũng là khổ vì chúng sẽ bị thay đổi. Tứ diệu đế nói: "Sinh là khổ; già là khổ; bệnh là khổ; chết là khổ; lo lắng, than thở, buồn rầu, tuyệt vọng là khổ; không đạt gì mình ưa thích là khổ; nói tóm lại: mọi thứ dính líu đến Ngũ uẩn là khổ”.
  Vì vậy Đạo Phật cho “đời là bể khổ”, mục đích cao nhất của Đạo Phật là tu luyện để siêu thoát, thành Phật, tức thoát khỏi luân hồi, quả báo, tái sinh. Mà tình dục là hành động để giúp con người tái sinh, nên với người có nguyện vọng tu luyện siêu thoát thì hành động tình dục đúng như lời Đức Phật mà TMH đã trích, và vì dốt, TMH thật liều lĩnh đã hung hãn cho lời Đức Phật “là một sự vô lối, một ứng xử thiếu văn hóa”!
Tất nhiên với đại đa số người không muốn tu thành Phật, sống một cuộc sống của con người bình thường thì tình dục đúng là khoái cảm cao nhất, là bản năng thiêng liêng duy trì nòi giống. Có điều không được tà dâm bởi sẽ tạo ác nghiệp, muốn tái sinh làm người để tiếp tục thụ hưởng tình dục cũng không được.
Cũng vì không hiểu như vậy, TMH viết tiếp:
“Chuyện một số kinh sách ngụy tạo lời Phật dạy cho rằng chỉ có các vị chân tu trong chùa, không có hành vi tính giao mới có thể giác ngộ, còn những người tu tại gia có vợ có chồng thì không thể giác ngộ, không thể thành Phật là những lời sàm tấu thiếu tính Phật…”
Đúng là điếc không sợ súng, TMH không sợ quả báo nên mới phán bừa, lại tiếp tục láo lếu cho lời Phật là “sàm tấu” như thế!
Nhiều người biết và hay nhắc tới câu nói của Phật: "Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành". Theo bộ kinh Phật sử trong Tam Tạng Pàli thì đúng như vậy nhưng không phải dễ dàng. Đầu tiên, chúng sinh muốn thành Phật thì phải phát tâm nguyện và được một vị Phật nghe và thọ ký cho. Muốn được Phật thọ ký thì phải có đủ những điều kiện, trong đó phải là người xuất gia, tu sĩ; phải thực hiện đầy đủ những pháp của bậc cao nhân đã đạt tứ thiền, bát định, có tam minh, lục thông, đã tích được phước báu cao thượng là từng bố thí mạng sống của chính mình ở tiền kiếp do tâm nguyện thành Phật. Sau khi đã được Phật thọ ký cho rồi, chúng sinh này còn phải tiếp tục luân hồi trong vô số kiếp sống để tích lũy đầy đủ các pháp Ba-la-mật thì mới thành một vị Phật được.
***
Như vậy theo giáo lý không phải Đạo Phật mà “đạo tặc” của TMH, không xuất gia mà cứ ở nhà ôm bà Giáng Tiền thì chỉ có thể thành TMH chứ không thể thành Phật được!
Còn tôi, vốn học ngành hóa học, một ngành khoa học cơ bản, tại trường ĐH Tổng hợp, một trường thuần đào tạo khoa học cơ bản, trước đây tôi cho rằng Đạo Phật chỉ là những giáo lý như những bài học luân lý người ta đặt ra để giáo dục con người. Nhưng rồi hiện tượng ngoại cảm xuất hiện, gặp và chứng kiến những khả năng đặc biệt của những nhà ngoại cảm, tôi thấy có những nét tương đồng với Đạo Phật; bản thân tôi tập thiền sơ sơ cũng thấy vài điều thú vị, tôi nhận thấy Đạo Phật còn có ý nghĩa hiện thực, có những giá trị thiết thực. Từ đó tôi mới nghiên cứu sâu rộng hơn về Đạo Phật. Nhưng tôi không có nguyện vọng tu thành Phật, cũng không là “Phật tử” theo nghĩa như người ta vẫn gọi nhau, tôi chưa một lần đi chùa thắp hương trước tượng Phật. Như vậy không có nghĩa là, là một nhà nghiên cứu hiểu Đạo Phật, tôi không tin, không theo những điều tôi thấy là tốt, là đúng. Tôi cũng tu nhưng là tu làm người và thực hành theo hiểu biết của mình.
(Còn nữa)
21-5-2017
ĐÔNG LA