Thứ Năm, 25 tháng 5, 2017

VỀ CHỦ NGHĨA “DUY ÁC” THEO QUAN ĐIỂM CỦA TRẦN MẠNH HẢO

ĐÔNG LA
VỀ CHỦ NGHĨA “DUY ÁC” THEO QUAN ĐIỂM
CỦA TRẦN MẠNH HẢO

Trên diễn đàn tranh luận không phải cứ cho thiện ác, phải trái là thiện ác phải trái, mà quan trọng hơn, ai là người đưa ra quan điểm đó? Bởi một kẻ ác sẽ cho một điều thiện thành một điều ác, ngược lại một điều ác thành một điều thiện; còn kẻ dốt không an phận “tựa cột mà nghe” lại hoang tưởng đi dạy dỗ thiên hạ làm sao có thể chỉ ra được sự đúng sai, phải trái?
          Vậy ý Trần Mạnh Hảo như thế nào khi viết bài “SAO LẠI RƯỚC “ĐẠO DUY ÁC” VÀO CHÙA THỜ CHUNG VỚI ĐẠO TỪ BI, THƯA CÁC NHÀ SƯ?”
          Với người hiểu biết thì ai cũng biết TMH là người không có “một xu” tri thức nào cả nhưng lại vĩ cuồng, hoang tưởng, nên đã hung hãn xông vào những lĩnh vực tri thức cao siêu liên quan đến triết học, đạo lý để kiếm cớ chửi bới lung tung, chống phá thể chế.
          Vùa rồi ông Lương Chí Thành, một TSBS, chỉ kém tôi vài tuổi, viết bình luận là không biết TMH là ai? Tôi giật mình thấy thời gian trôi đi nhanh thật, xã hội phát triển, nhận thức mở rộng ra nhiều chiều khiến mối quan tâm của người ta cũng thay đổi theo. TMH cũng như nhiều người đã không hiểu vậy nên cứ tưởng mình còn là những “ông kễnh”, vẫn có thể phán bừa như ngày nào.  
TMH thuộc lớp nhà thơ, nhà văn thành danh ngay trong thời kháng chiến. Giờ Lương Chí Thành không biết TMH là ai nhưng sau giải phóng khi tôi còn là sinh viên ngành hóa chưa nghĩ đến chuyện viết văn thì TMH đã thuộc hạng siêu sao rồi. Đến cỡ Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh cũng biết tới TMH và trong nghể văn thì đến hàng tổ sư như Chế Lan Viên cũng quý TMH. Chính Chế Lan Viên đã khuyên tôi phải chơi với cỡ như TMH. Nhưng rồi thực tế một tài năng lớn, một người thông thái như Chế Lan Viên cũng không thể ngờ được tâm tính “kỳ nhông” của TMH thay đổi như thế nào và trong trường văn trận bút TMH đã liều mạng đến như thế nào khi xông vào các lĩnh vực tri thức?
***
          Trong lĩnh vực lý luận văn học TMH từng phê phán một loạt các giáo sư và nhà phê bình. Nhưng ngay những khái niệm cơ bản nhất TMH cũng không hiểu. Trần Mạnh Hảo từng viết: “Siêu thực và hiện thực là hai mặt của một thực thể”. Đây là một ý tưởng vô nghĩa. Bởi một thực thể chỉ tồn tại là chính nó với tất cả những thuộc tính vốn có, tức nó chỉ có một mặt hiện thực. Còn siêu thực không phải là một mặt tồn tại của sự vật mà là một khuynh hướng sáng tạo của một trào lưu văn học nghệ thuật. Như Dali vẽ cái đồng hồ trông như một cái bánh tráng chảy nhão. Như vậy, cái đồng hồ luôn là cái đồng hồ, nhưng người nghệ sĩ siêu thực thì thấy như thế, chứ không phải như ý Trần Mạnh Hảo, cái đồng hồ có hai mặt, một mặt thật và một mặt siêu thực-chảy nhão !
          TMH từng xổ toẹt tài thơ Nguyễn Quang Thiều, cựu bạn thân của tôi, nay là đương kim Phó Chủ tịch HNVVN, cho thơ Thiều là “lai căng”; “Tây giả cầy nhí nhố”, “thơ dịch xổi như xổ ra từ bản nháp”!
Về triết học Trần Mạnh Hảo cũng mù tịt nhưng cũng đi phê phán lung tung. Trần Mạnh Hảo cho triết học phương Đông là “nhất nguyên” rồi lại cho là “trung dung nên không có chữ  DUY”. Đây là một sự mâu thuẫn, bởi theo hệ thống thuật ngữ, đã “nhất nguyên” thì phải “DUY”. Trong lịch sử triết học chỉ có hai học thuyết sử dụng phạm trù “bản nguyên”: Nhất nguyên luận (Duy vật hoặc duy tâm, coi VẬT hoặc TÂM là bản nguyên, là cái có trước, cái quyết định) và nhị nguyên luận, coi vật chất và tinh thần là hai bản nguyên như nhau, độc lập với nhau (triết học của Descartes và Kant). Còn triết học cổ phương Đông không phải “không có chữ DUY” mà cũng chia làm hai phái: Duy Tâm và Duy vật. Phái Duy tâm  đại diện là Khổng Tử, Mạnh Tử, và Chu Hy, người đã hệ thống hóa những tư tưởng đạo Khổng, coi , bản nguyên của tinh thần, là cái có trước, còn khí, bản nguyên vật chất, là cái có sau. Còn phái Duy vật đại diện là Lão tử, Trang tử, Tuân tử, coi Đạocái khởi nguyên của tất cả Trời, Đất, vạn vật, là “đường đi”, tức quy luật biến đổi của chúng (theo từ điển triết học và các sách chuyên ngành khác). Vậy hiểu như Trần Mạnh Hảo, triết học cổ phương Đông là: “trung dung”, rồi còn đồng nhất “trong âm có dương, trong dương có âm” với “trong tâm có vật, trong vật có tâm” là chưa hiểu gì.
***
Với hành trang tri thức như vậy, TMH đã liều mạng công kích Học thuyết Mác và hung hãn chửi bới Các Mác. Chỉ là một kẻ ngông cuồng, vĩ cuồng mới dám bậy bạ như vậy. Bởi với Mác, một người mà đến những người có tư tưởng đối lập với ông cũng có những người phải vị nể. Trên nước Đức, quê hương ông, tên ông vẫn được vinh danh trên các đại lộ:

Cụ thể, về đấu tranh giai cấp, TMH viết:
Cái sai lớn nhất của Mác... biến học thuyết “đấu tranh sinh tồn” của Darwin thành học thuyết “đấu tranh giai cấp”.
Học thuyết tiến hóa của Đác-uyn cho sự phát sinh những đặc điểm sai khác trong quá trình sinh sản (biến dị cá thể); rồi tác nhân chọn lọc là những điều kiện khí hậu, địa lý, thức ăn, kẻ thù tiêu diệt, sự cạnh tranh về thức ăn và chỗ ở. Những cá thể biến dị thích nghi hơn, sinh sản nhiều, sẽ có điều kiện tồn tại nhiều hơn. Như vậy TMH không chỉ không hiểu gì mà còn nói ngược. Thực chất, không phải Mác mà chính những người theo thuyết Đác-uyn xã hội (L. Gum-plo-vich, G. Rát-xen-hô-phơ, v.v...), coi đấu tranh sinh tồn là động lực của phát triển xã hội, cho rằng kẻ mạnh sẽ tồn tại, kẻ yếu sẽ chết; điều đó chính là mầm mống của sự phân biệt chủng tộc, tư tưởng phát-xít. Còn học thuyết của Mác lại đứng về phía những “kẻ yếu”, tức những người bị nô dịch, bị bóc lột. Động lực phát triển xã hội theo Mác là đấu tranh giai cấp, mà nguyên nhân của đấu tranh giai cấp không phải do mạnh yếu mà do những mâu thuẫn đối kháng, sự bất hợp lý trong lao động và hưởng thụ thành quả lao động. Mác chỉ rút ra những quy luật đó từ lịch sử phát triển xã hội chứ hoàn hoàn không phải tự đặt ra, chưa có Mác, xã hội loài người đã có đấu tranh giai cấp rồi.
          Về phép biện chứng
          TMH viết: “Bắt chước Hegel, Mác cũng cho ba thì của vận động vật chất (không có tinh thần tham dự) là nhập đề, phản đề, hợp đề lặp đi lặp lại mãi tới tận cùng là TUYỆT ĐỐI DUY VẬT, tức là chỗ vật chất ngừng lại”.
          Vì không phân biệt được duy vật biện chứng với duy vật lịch sử, vo tròn lại, TMH đưa ra những phân tích ngô nghê, những kết luận ông chẳng bà chuộc, không ăn nhập gì với nhau. TMH viết: “TUYỆT ĐỐI DUY VẬT, tức là chỗ vật chất ngừng lại” thì khúc đầu vô nghĩa, khúc sau ngược với triết học Mác. Với chủ nghĩa duy vật biện chứng, quy luật “vật chất luôn vận động” là điều kiện để vật chất tồn tại, nó cũng là sự thật hiển nhiên của thế giới tự nhiên; điện tử chỉ ngừng quay quanh hạt nhân nguyên tử trong tích tắc thì toàn bộ thế giới sẽ thành hư vô. Đây là một quy luật khách quan, không phụ thuộc vào Hê-ghen hay Mác, kể cả Chúa (nếu có), và nó cũng không phụ thuộc vào bất kỳ chế độ xã hội nào, xã hội Cộng sản hay Tư bản. Sai lầm khi đồng nhất “các mặt đối lập trong thế giới vật chất” với “đấu tranh giai cấp trong xã hội”, một cái là quy luật khách quan trong thế giới tự nhiên, một cái là quy luật chủ quan do con người vạch ra, một cái không gì có thể can thiệp, một cái con người có thể hiểu và tác động, vận dụng hoặc tránh né; nên TMH mới hiểu sai khi cho xã hội Cộng sản không còn đấu tranh giai cấp thì giống như vận động của vật chất sẽ dừng lại. Lẽ ra phải viết phép biện chứng duy vật lúc đó cũng sẽ trở thành siêu hình. Thực chất theo Mác, hết đấu tranh giai cấp thì sự phát triển về chế độ do giai cấp lãnh đạo sẽ dừng lại, “chế độ tự quản xã hội” sẽ được thiết lập, như mọi sự vật và hiện tượng, nó sẽ còn mâu thuẫn nhưng không phải là đối kháng.
          Về chế độ tư hữu và con người
       TMH viết: “Việc chủ trương xóa bỏ triệt để tính tư hữu con người của Marx là hành vi xóa bỏ chính con người, chống lại nhân loại phản động vô cùng tận của học thuyết Marx”.
          Viết vậy TMH đã sai khi đồng nhất khái niệm “chế độ tư hữu” với “tính tư hữu”, một đằng chỉ hình thái kinh tế - xã hội, một đằng chỉ về bản tính con người.
          Khi Mác viết: “Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội”. TMH cho: “Marx đã hoàn toàn rơi vào duy tâm chủ quan khi tuyệt đối hoá yếu tính xã hội của con người;Với định nghĩa về con người tuyệt đối sai trái”, Mác đã “phủ nhận con người tự nhiên, tuyệt đối hoá vai trò xã hội của con người”.
          Thực chất Mác chỉ phê phán Phơ-bách cho bản chất tôn giáo là cái có sẵn trong bản chất người, mà Mác cho tín ngưỡng là do hoạt động tôn giáo của con người trong xã hội hình thành nên. Điều này hoàn toàn đúng, vì nếu ai đó lớn lên không học kinh lễ, không đi chùa, không đi nhà thờ, chỉ đi học và hiểu khoa học, họ sẽ hoàn toàn vô thần. Con người tự nhiên là con người sinh học, nếu sống cô lập hoàn toàn với các quan hệ xã hội thì chỉ có ý thức bản năng đơn giản mà thôi. Trong thời gian vừa qua, trường hợp người ta tìm thấy mấy “người rừng” và đưa họ trở lại đời sống bình thường, sự ngây ngô của họ là bằng chứng sinh động nhất chứng minh tính đúng đắn quan điểm của Mác. Thực chất, với triết học Mác, con người đã được định nghĩa toàn diện nhất: “Khả năng đối xử có tính người đối với thế giới và đối với những người khác, khả năng lao động, giao tiếp với những con người chung quanh, khả năng tư duy, có những tình cảm đạo đức và những xúc cảm thẩm mỹ - tất cả những cái đó đều không phải là những đặc tính của cơ thể... Những nét ấy được hình thành nhờ chỗ con người tham gia vào hệ thống các quan hệ xã hội, vào quá trình lao động, đi liền với... quá trình nắm vững và tái tạo nền văn hóa xã hội... Con người... kẻ sáng tạo ra lịch sử, kẻ sáng tạo ra thế giới văn hóa vật chất của mình, và theo nghĩa này, cũng sáng tạo ra chính bản thân mình” (Từ điển triết học).
          Vậy mà TMH viết: “Con người - đối tượng nghiên cứu của Marx là con người vật dục, con người của DUY miếng ăn và DUY cái dạ dày...! CON NGƯỜI TRONG HỌC THUYẾT MÁC LÀ CON NGƯỜI DUY LỢI, DUY ÁC, DUY KINH TẾ, DUY GIAI CẤP và do đó là CON NGƯỜI DUY TÂM, DUY Ý CHÍ - một hình nhân chứ không phải một con người đúng nghĩa!” thì TMH có còn là một con người không?
          ***
          TMH từng có phát kiến động trời cho chính phủ Trần Trọng Kim, tay sai của Phát xít Nhật, chỉ trong một thời gian rất ngắn đã tích cực thực hiện chính sách “phá lúa trồng đay” của chủ, “có công” làm 2 triệu dân ta chết đói, là chính nghĩa, thì chính TMH đã tự thể hiện mình là một kẻ ác. Một người như vậy mà đi bàn chuyện thiện ác thì người đọc cần phải hiểu ngược lại!
          25-5-2017
          ĐÔNG LA