Thứ Tư, 18 tháng 4, 2012

CÓ PHẢI MÁC LẠI LÀM KHỔ DÂN VĂN GIANG?


ĐÔNG LA
CÓ PHẢI MÁC LẠI LÀM KHỔ DÂN VĂN GIANG?
     Trên trang Trương Duy Nhất, một trang có cái tuyên ngôn khá ấn tượng: “Có thể không mới, chưa hẳn đã hay, nhưng là một góc nhìn khác”! Trước đó ông nhà văn Đào Hiếu cũng lập một trang với tuyên ngôn là đi theo “lề trái”, với thâm ý ông sẽ đi ngược với báo chí chính thống mà ông cho là sai, nên cái “trái” của ông là “trái” của cái “sai” nghĩa là ông mới là “phải”. Trước đó nữa, tương tự như vậy, Dương Thu Hương cũng đã tự hào tuyên bố: “Tôi chọn con đường làm giặc”.
  TRANG CHÍNH TRỊ XÃ HỘI-VÌ MỘT VIỆT NAM ỔN ĐỊNH VÀ PHÁT TRIỂN: 

* VỀ CHUYỆN DƯƠNG THU HƯƠNG ĐI MỸ

*VỀ CHUYỆN ÔNG LÊ HIẾU ĐẰNG “ĐẰNG ĐẰNG SÁT KHÍ”!

*TƯỚNG VĨNH CÓ PHẢI LÀ CON RỐI?

*Cù Huy Hà Vũ – KIỆN NGƯỜI KHI CHÍNH MÌNH PHẠM TỘI

*CHÂN DUNG BÙI THỊ MINH HẰNG, THẦN TƯỢNG CỦA MỘT NHÓM TRÍ THỨC

*YÊU NƯỚC HAY HẠI NƯỚC? (VỀ CÁC CUỘC BIỂU TÌNH GẦN ĐÂY)

     Với Trương Duy Nhất, với tuyên ngôn như trên, cũng là muốn thể hiện được cái tôi. Nếu một cái tôi độc đáo, dù không mới không hay, nhưng cũng đáng quý vì nó làm cho cách nhìn về cuộc sống phong phú hơn. Có điều, cái khác với lẽ thường, mà không tốt hơn, lại thường mắc phải sai trái.
Ngay như ông nhà văn Nguyên Ngọc, một tên tuổi lừng lẫy cũng đã muốn làm “khác” đi, nhưng như tôi đã viết: “từng là một vị quan chức văn chương to. Nhưng rồi đã bị thất sủng, không phải do tiên tiến quá, đi trước thời đại mà là bướng, dám không nghe lời ông Tố Hữu sửa chữa những quan điểm sai trái. Khi bị "hất xuống" làm TBT báo Văn nghệ, ông trở thành một thủ lĩnh của công cuộc “đổi mới”, nhanh chóng hiện thực hóa những quan điểm sai trái trên. Theo lẽ thường, đổi mới để làm ra cái mới cao hơn cái cũ theo chính đạo là rất khó, nhưng sức ông cũng như đội quân văn chương mà ông khai sinh ra có hạn, nên đã phải đi theo tà đạo, lộn ngược lại tất cả, đề cao quan điểm cá nhân, bất kể đúng, sai; thiện, ác. Tôi đã cho đó là một “cuộc “đổi chác” chứ không phải “đổi mới” văn chương””. Còn trang của Trương Duy Nhất, dù tôi đã biết qua một vài trang nào đó đã nhắc đến, nhưng tôi chưa vào đọc, vì chưa có Trương Duy Nhất, tôi đã phải đọc quá nhiều điều mà tôi “không viết không chịu được” rồi. Tận hôm nay, khi Bút Luận giới thiệu trên trang Trương Duy Nhất có bài thuộc lĩnh vực mà tôi quan tâm nên đã vào đọc, bài đó là Từ Marx đến Văn Giang  của ông TS Phạm ngọc Cương, với thông báo của chủ nhà: “Nếu ai đó muốn phản bác hãy tranh luận bằng những luận cứ, diễn giải khoa học, khách quan, xin chớ vội vã qui chụp hồ đồ”, càng làm tôi phấn khích hơn.
     Mở đầu bài viết, Ông Cương đã cho Mác là phản động, khi viết:
      “Thực tế là thước đo kiểm chứng chân lý. Theo qui chiếu này, chủ nghĩa Marx có rất nhiều luận điểm nghe thì nhân bản và tiến bộ, nhưng áp dụng vào cuộc sống lại thành đi ngược lại trào lưu tiến hóa thành… phản động!
       Để chứng minh, ông cho rằng Mác đã sai, là “chỉ hiểu theo bề mặt của vấn đề” khi Mác viết: “lịch sử tất cả các xã hội từ trước đến nay là lịch sử của đấu tranh giai cấp”. Mà theo ông Cương: “Phải hiểu là lịch sử của loài người từ thuở khai sinh lập địa đến nay là lịch sử của phát triển phương thức sản xuất mới là hiểu đúng gốc của vấn đề”.
        Ý này gần như ông Cương đã “nhai lại” ý của ông Hoàng Minh Chính phát biểu ở Mỹ, nên như vậy là sai, là như tôi đã nói “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, là “lấy toán chấm văn”!.
        Dựa vào hình thái mà các xã hội châu Âu đã trải qua trong suốt chiều dài lịch sử, Mác đã nêu ra bốn thời kỳ:
    - Xã hội nguyên thủy
    - Xã hội nô lệ
    - Xã hội phong kiến
    - Xã hội tư bản
    Trong quá trình đó, rõ ràng mỗi bước phát triển đều gắn với những cuộc “đấu tranh giai cấp”. Điều này là hiển nhiên, đến người mù, người điếc cũng có thể biết. Vì thế cái mà Mác nói ở đây là “lịch sử xã hội”, một khái niệm cụ thể, còn ông Cương lại đi bàn về “lịch sử loài người”. “Lịch sử loài người” là “lịch sử to” gồm biết bao cái “lịch sử nhỏ” trong đó, vậy mà mang ra để phê phán Mác sai thì quả thật, không biết cái ông TS Cương này học ngành gì, nhưng ông không hiểu triết học. Nói như GS Trần Chung Ngọc về Trần Mạnh Hảo, “bàn về triết học không có chỗ cho hạng như TMH”! Theo “” của ông Cương, tôi cũng hoàn toàn có thể cho là ông sai, khi tôi cho rằng, lịch sử loài người là lịch sử của những cuộc chiến đẫm máu cơ. Vì tôi thấy chính chiến tranh mới là cái tác động vào cuộc sống loài người và cải biến suy nghĩ loài người mạnh hơn cả.
     Thật tiếc, Việt Nam ta không phải là xứ sở của phát minh, của lý luận, nên đến tận hôm nay, chúng ta vẫn chưa có chuẩn tri thức, trên diễn đàn cứ cãi nhau ỏm tỏi lên rồi cũng chẳng cần phân định ai đúng, ai sai. Chính vậy, trong các lĩnh vực từ chính trị, khoa học, triết học, lý luận văn học, có rất nhiều người danh xưng rất ghê ghớm nhưng phát ngôn cụ thể về điều gì đó lại sai be bét cả.
     Ví dụ như cụ Cao Xuân Huy, một mặt đề cao: “có một nhà vật lý người Đức là Einstein từ lâu đã tìm ra một học thuyết hết sức thâm viễn gọi là thuyết tương đối hẹp và rộng”, nhưng rồi cụ lại cho vì có “cách nhìn tách biệt” “không gian”, “thời gian” nên “đã có những nhà khoa học như Einstein và những nhà triết học mưu đồ thống nhất hai phạm trù này, nhưng họ không thành công, vì hai phạm trù này là kết quả của một sự sai lầm cơ bản trong tư tưởng logic” (Cao Xuân Huy, Tư tưởng phương đông gợi những điểm nhìn tham chiếu, NXB Văn Học 1995, tr.77). Ấy vậy mà một loạt học trò toàn là GS, PGS, TS, kể cả một ông Viện Sĩ nữa, xúm vào tung hô, như tôi đã viết trong bài ĐỌC “CAO XUÂN HUY-NGƯỜI THẦY-NHÀ TU TƯỞNG”. Đó chính là sự bộc lộ cái tính háo danh, một tật xấu của người Việt mình, mà theo Mác, chính là một “ý thức xã hội” tiểu nông hình thành trên một “tồn tại xã hội” tiểu nông. Người ta hay đi tôn thờ cái có vẻ cao thâm, cái vẻ lấp lánh của vỏ ngôn ngữ, còn ý nghĩa cụ thể ra sao, tác động cụ thể thế nào đến cuộc sống thì không cần biết.
    Bài của ông Cương có một điểm chính, ông cho là từ việc sai lầm của Các Mác, nhà nước ta lại làm “Nô lệ tư tưởng” của Mác, đã dẫn đến chuyện “xuất hiện cảnh tượng như người dân Văn Giang phải chít khăn tang kéo nhau ra đồng giữ đất” mà ông ta cho “Là sản phẩm nối dài và tất yếu của cách làm kinh tế XHCN: cải cách ruộng đất”.
       Về những yếu kém và tệ nạn của Xã hội VN hiện tại, một người có đầu óc bình thường ai cũng biết, ngay đứa cháu ruột tôi tốt nghiệp công nghệ thông tin muốn về huyện làm cho gần nhà, vậy mà muốn đậu công chức phải chi đến 150 triệu! Dù vậy, là người viết bàn về việc quốc gia đại sự, cần phải có cái nhìn toàn diện và phải biết suy xét, phải hiểu tất cả những cái đó là hệ quả tất yếu của một xã hội còn kém phát triển về mọi mặt, từ khoa học công nghệ, khoa học xã hội đến chính trị xã hội. Còn nói như ông Cương, tất cả là do Mác như trên là nói bậy. Vì nước ta từ 1945, từ chỗ bị mất nước, hai triệu người chết đói, nhưng vì đi theo lý tưởng của Các Các, chúng ta hoàn toàn có thể tự hào những ngày hôm nay là những ngày đẹp nhất so với toàn bộ lịch sử của dân tộc. Từ chỗ chết đói, chúng ta đã xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, chúng ta đã khai thác và lọc được dầu, tự xây được thủy điện và những công trình hiện đại, có vệ tinh viễn thông, về y học đã ghép được gan v.v…;  đặc biệt để bảo vệ đất nước, trong khoảng thời gian chỉ là chớp mắt của lịch sử, chúng ta đã đánh thắng đến 4 đội quân xâm lược: Pháp năm 1954, Mỹ 1975, Miên 1979, Tàu 1979. Dù rằng, nhiều người hưởng lộc của chế độ cũ, vẫn luôn cho cuộc sống thời VNCH là tươi đẹp nhất. Có điều họ quên rằng nền kinh tế đó chỉ là nền kinh tế tầm gửi, đó là lãi suất của việc chống Cộng thuê cho Mỹ, như lời ông TT Thiệu tuyên bố hùng hồn: “Mỹ còn viện trợ thì chúng tôi còn chống cộng”! Mà theo google, nền kinh tế ấy cũng lại rất ít thuộc về dân Việt: “ở miền Nam, Hoa kiều kiểm soát gần như toàn bộ các vị trí kinh tế quan trọng, và đặc biệt nắm chắc 3 lĩnh vực quan trọng: sản xuất, phân phối, và tín dụng. Đến cuối năm 1974, họ kiểm soát hơn 80% các cơ sở sản xuất của các ngành công nghiệp thực phẩm, dệt may, hóa chất, luyện kim, điện...và gần như đạt được độc quyền thương mại: 100% bán buôn, hơn 50% bán lẻ, và 90% xuất nhập khẩu. Hoa kiều ở miền Nam gần như hoàn toàn kiểm soát giá cả thị trường”.
      Từ cái nhìn phi lịch sử, từ chỗ chê bai cuộc sống ở trong nước, ông Cương ca ngợi Canada, nơi ông là một kẻ tha phương cầu thực. Mọi chuyện ông nói đều đúng cả, nhưng đó chỉ là tư duy “phản xạ có điều kiện” của Pap-lov, chứ không phải là cái nhìn biện chứng của một tư duy triết học. Cái nước Canada, thực dân Anh, Pháp sau khi giết thổ dân chiếm đất, thì đánh nhau tranh giành ảnh hưởng, rồi không giết được nhau đã chung sống hòa bình. Từ đó không phải trải qua cuộc chiến nào nữa, có chăng chỉ làm quân chư hầu cho các nước lớn, trong đó có chuyện đánh VN. Một nước to thứ 2 thế giới với “một dúm dân số” 34,8 tr người,  mật độ dân số thấp nhất trên thế giới, lại có tài nguyên khoáng sản giàu có, là quốc gia hàng đầu trong nghành công nghiệp khai thác gỗ và dầu khí… Thử hỏi làm sao không sướng?
     Còn những điều khác nữa, nhưng với thao tác tư duy “phản xạ có điều kiện” như trên của ông Cương, thiết nghĩ tôi không cần phải mất thì giờ hơn nữa, với lại nhà tôi đang bận.
TPHCM
18-5-2012
ĐÔNG LA