Thứ Ba, 17 tháng 6, 2014

LÝ LẼ PHÁP LÝ ĐỐI PHÓ VỚI TRUNG QUỐC

LÝ LẼ PHÁP LÝ ĐỐI PHÓ
VỚI TRUNG QUỐC

       Trước tin: “Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết Ủy viên quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì sẽ thăm Việt Nam trong tuần này và dự kiến sẽ trao đổi về tình hình căng thẳng hiện nay trên Biển Đông”. Tôi viết bài này:
 Nghĩ lại, từ lúc bắt đầu dính vào chuyện viết lách, tôi đã viết rất nhiều về những cái sai đủ các lĩnh vực, từ khoa học, triết học, lý luận văn học đến lịch sử, luật pháp, v.v… Nhưng nước ta vốn không phải là cái nôi của phát minh, sáng chế, lý luận nên dường như người ta không quan tâm lắm chuyện đúng sai về tri thức. Còn tôi không hiểu sao, tôi không chịu được khi thấy người ta nói sai, viết sai.
Bài đầu tiên viết về văn chương, triết học tôi lại tranh luận với Đỗ Minh Tuấn về Nguyên lý Bất định. Kế tiếp là tôi viêt về Trần Mạnh Hảo khi thấy ông này không biết gì khi viết: “siêu thực và hiện thực là hai mặt của một thực thể”, rồi: “Đi hết tận cùng của hiện thực ta sẽ đến được siêu thực”. Có điều cái sai của ông Hảo thuộc dạng “chẳng chết ai”, thậm chí không có luôn cả cái Chủ nghĩa Siêu thực mà mấy ông nhà thơ Pháp nghĩ ra thì nền văn minh cũng chẳng sao. Không như nếu không có Thuyết Tương đối người ta sẽ không hiểu được bản chất đích thực của không gian, thời gian, của khối lượng, năng lượng; cũng như trong công nghệ không có việc phát minh transistor của Shockley, Bardeen và Brattain (Giải Nobel năm 1956) thì chúng ta sẽ không có tivi coi, không có laptop dùng, không có cả ngành điện tử.
Gần đây, trước việc Trung Quốc đặt giàn khoan xâm lấn biển đảo, vũ khí quan trọng nhất của chúng ta là những chứng tích, văn bản pháp lý thì những sai sót in ấn liên quan đến chủ quyền thật là tai hại. Như sách giáo khoa về địa lý và bản đồ được in vào những năm 60, 70 của thế kỷ trước đã xác nhận Tây Sa, Nam Sa thuộc Trung Quốc!
 
Rồi lá thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958 gởi Chu Ân Lai, sự hiểu sai dẫn đến biện bác sai bằng sự hiểu sai về lịch sử, trong những ngày hôm nay, rồi cũng sẽ gây ra những hậu họa khôn lường.
*** 
Cụ thể là ngày 9/6, Vương Dân, Phó đại diện thường trực Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc đã gửi thư cho Chủ tịch HĐBA LHQ kèm theo những "chứng cứ" nói trên chứng tỏ chính phía Việt Nam ta đã thừa nhận 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về họ.
Vậy chúng ta phải đối phó thế nào?
1-Sách Giáo khoa và bản đồ:
Chúng ta phải trình bầy rằng sách giáo khoa không phải văn bản pháp lý về chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Về Hoàng Sa và Trường Sa thì văn bản pháp lý có giá trị nhất chính là  LUẬT BIỂN VIỆT NAM mới nhất đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 21 tháng 6 năm 2012 do CHỦ TỊCH QUỐC HỘI Nguyễn Sinh Hùng ký. Trong đó CHƯƠNG I, Điều 1 ghi rõ:
“Luật này quy định về đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; hoạt động trong vùng biển Việt Nam; phát triển kinh tế biển; quản lý và bảo vệ biển, đảo”.
Về tính mới, văn bản mới luôn bác bỏ văn bản cũ. Về tính pháp lý, luật được Quốc hội thông qua phải có giá trị hơn sách giáo khoa. Còn sách giáo khoa thực chất chỉ là tài liệu giảng dậy và học tập, được biên soạn bởi một hoặc một nhóm tác giả, nên hoàn toàn có thể có sai sót. Hơn nữa tri thức trong sách giáo khoa cũng không cố định vì sự phát triển của nền văn minh là liên tục. Có thể có cái hôm nay đúng ngày mai đã sai rồi. Muốn coi sách giáo khoa là chứng cớ hợp lý thì toàn bộ sách giáo khoa từ trước tới nay đều phải thống nhất, cùng có sự công nhận Tây Sa và Nam Sa thuộc Trung Quốc. Còn coi một cuốn vừa cũ vừa là thiểu số độc nhất thì hoàn toàn vô lý vì có biết bao cuốn sách khác chính xác hơn đã phản bác cuốn sách đó. Một vài bản đồ được in lầm lẫn cũng tương tự như trường hợp sách giáo khoa vậy.
2-Về lá thư của cố Thủ tướng Phạm văn Đồng:
 
Rất nhiều người, được cho là học giả cả trong và ngoài nước, cho rằng cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết như vậy là đã công nhận Hoàng Sa, Trường Sa thuộc Trung Quốc, nên đã tìm đủ cách để bác bỏ giá trị pháp lý của bức thư đó.
Riêng ông GS Cao Huy Thuần (Pháp) muốn “bênh” cố Thủ tướng PVĐ thì cho phải phân biệt “hải phận” khác với “chủ quyền”. Ông cho “Vấn đề hải phận là pháp lý. Vấn đề chủ quyền là chính trị”, cố Thủ tướng PVĐ “tán thành cái chuyện 12 hải lý ấy” không có nghĩa là “tán thành cái chuyện chủ quyền” (về HS và TS). Một cách nghĩ tôi thấy ngồ ngộ.
Một ông GS ở Đại học New South Wales, Australia, là Phạm Quang Tuấn cho Cao Huy Thuần là"diễn nghĩa" khó hiểu”. Ông Tuấn cho “Công hàm PVĐ viết "tán thành tuyên bố [của Trung Quốc]" chứ đâu có viết là "tán thành phần tuyên bố của Trung Quốc về 12 hải lý, nhưng không tán thành phần tuyên bố của Trung Quốc về Hoàng Sa-Trường Sa"?”; “Sự thật khách quan là ông Phạm Văn Đồng đã "ghi nhận và tán thành" một bản tuyên bố về chủ quyền của Trung Quốc ở Hoàng Sa-Trường Sa”; “Ông Cao Huy Thuần, cũng như nhiều người khác, cho rằng Công hàm PVĐ không có tính cách pháp lý, không phải là một hiệp định phân định biên giới hay nhường đảo, và do đó không đáng sợ. Nhưng cái tai hại của nó không ở chỗ đó. Nó nguy hiểm ở chỗ là nó có thể được coi là chứng cớ rằng từ trước đó, chính quyền VNDCCH vẫn công nhận Hoàng Sa-Trường Sa đương nhiên là thuộc về Trung Quốc”.
Có một điều nguy hiểm từ lý lẽ của ông Tuấn này. Vì muốn chứng tỏ mình thông thái, chỉ muốn đổ cho cố Thủ tướng PVĐ tội “bán đảo”, ông này đúng là đã “nối giáo cho giặc”! Bởi Phạm Quang Tuấn nói như trên hoàn toàn theo quan điểm của Ngô Viễn Phú. Ngô Viễn Phú hiện là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Pháp luật Việt Nam (Đại học Dân tộc Quảng Tây), từng là du học sinh của Đại học Quốc gia Việt Nam (từ năm 2001 đến năm 2006). Ngô Viễn Phú viết:
Công hàm Phạm Văn Đồng đã rất rõ ràng “ghi nhận và tán thành” với tuyên bố về lãnh hải của chính phủ Trung Quốc, thì trước hết chính là thừa nhận và tán thành chủ trương về lãnh thổ của Trung Quốc”; “Công hàm Phạm Văn Đồng không đưa ra bất cứ quan điểm bất đồng hay ý kiến bảo lưu nào về Tuyên bố Lãnh hải của chính phủ Trung Quốc, thì theo lô-gich, là cho thấy chính phủ Việt nam tán thành với toàn bộ nội dung của Tuyên bố Lãnh hải do chính phủ Trung Quốc đưa ra, trong đó, có bao gồm cả chủ trương “quần đảo Tây Sa, quần đảo Nam Sa thuộc vào lãnh thổ Trung Quốc”.
 "Tây Sa, Nam Sa" vốn của Việt Nam từ ngàn đời, “Công hàm Phạm Văn Đồng" chỉ “ghi nhận và tán thành với tuyên bố về lãnh hải của chính phủ Trung Quốc" thì chỉ "thừa nhận và tán thành chủ trương về lãnh thổ của Trung Quốc”, nên cho ông "tán thành với toàn bộ nội dung" cho "Tây Sa, Nam Sa thuộc vào lãnh thổ Trung Quốc" là xuyên tạc, là suy diễn chủ quan của Ngô Viễn Phú.
Cả Phạm Quang Tuấn (Việt di tản) cũng như Ngô Viễn Phú (Tầu) đều xuyên tạc, cắt xén ý của Cố Thủ tướng PVĐ, đã suy diễn theo hướng có lợi cho phía Trung Quốc như trên.
Mặt khác, để phản bác tính pháp lý của lá thư của cố Thủ tướng, một ông Tuấn khác là Nguyễn Văn Tuấn cũng là giáo sư dạy cùng trường với ông Phạm Quang Tuấn trên, viết:
Một vài quan chức trong nước bây giờ họ cũng dùng cách lý giải mà các học giả Việt Nam ở nước ngoài đã đề nghị từ lâu … trong thời gian … năm 1958, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không có chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà đó là thuộc Việt Nam Cộng Hòa. Theo tôi lý lẽ này là hợp lý vì anh không thể sang nhượng cái mà anh không có được; tôi nghĩ như thế hợp lý nhưng nếu các quan chức chính phủ Việt Nam bây giờ nói như thế thì điều hợp lý đó phải xảy ra với điều kiện là phải công nhận chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Thế nhưng khổ nỗi phía bên bắc Việt Nam, tức Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa, luôn xem Việt Nam Cộng Hòa là ngụy, và đó là vùng đất tạm chiếm. Họ không công nhận Việt nam Cộng hòa như là một chính phủ hợp pháp. Thành ra để lý giải điều đó thì họ phải công nhận Việt Nam Cộng hòa, đòi hỏi phải thay đổi một quan điểm trong quá khứ. Như thế may ra mới thuyết phục được người ta!”.
Ý này vừa đúng vừa sai.
Đúng là có chuyện “Một vài quan chức trong nước bây giờ họ cũng dùng cách lý giải … năm 1958, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không có chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà đó là thuộc Việt Nam Cộng Hòa… anh không thể sang nhượng cái mà anh không có được”.
“Nhà sử học” Dương Trung Quốc, trên BBC Vietnamese, từng nói:
Vào thời điểm đó, theo Hiệp định Genève thì lãnh thổ nào của Việt Nam ở sau vĩ tuyến 17 thì đều thuộc quyền quản lý Việt Nam Cộng hòa”.
PGS, TS Nguyễn Bá Diến, Khoa Luật-Đại học Quốc gia Hà Nội:
“…theo Hiệp định Giơnevơ năm 1954, thì về phương diện Nhà nước,VNDCCH không có thẩm quyền để quyết định về vấn đề chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa …. Chính phủ Việt Nam Cộng hòa (VNCH) là người kế thừa hợp pháp … luật gia Monique Chemillier - Gendreau - một trong những học giả hàng đầu về Luật quốc tế đã viết như sau: “… những lời tuyên bố hoặc lập trường nào đó của chính quyền miền Bắc Việt Nam (VNDCCH) không có hiệu lực gì đối với chủ quyền. Đây không phải là chính quyền có thẩm quyền trên các quần đảo này. Người ta không thể từ bỏ cái mà người ta không có quyền lực...”
Rồi trên VTV tối 22/5/2014, ông Trần Công Trục- Nguyên Trưởng ban Biên giới và tại cuộc Họp báo chiều 23/5/2014, ông Trần Công Trục và ông Trần Duy Hải (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới của Chính phủ) đều khẳng định rằng:
"Khi Công thư này được gửi cho Trung Quốc, bấy giờ Hoàng Sa, Trường Sa đang được quyền quản lý của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, theo Hiệp định Genève năm 1954 mà Trung Quốc là một bên tham gia. "Bạn không thể cho ai thứ mà bạn chưa có quyền sở hữu, quản lý được" - ông Hải dẫn chứng”.
Xin mọi người hãy nhớ lại cho không có cái “Hiệp định Genève” nào như mấy “bố” ở trên cho là như vậy cả. Chỉ có một Hiệp định Genève được ký giữa đại diện của nhân dân VN chiến thắng ngoại xâm là Chính phủ Việt nam Dân chủ Cộng hòa và bên bại trận là Pháp. Quốc gia Việt Nam là bù nhìn, là quân bài của Pháp không có vị trí gì trong hội nghị khi ông chủ đã bị thất bại. Hiệp định đó ghi rõ: “Đường ranh giới quân sự tạm thời không thể diễn giải bằng bất cứ cách nào rằng đó là một biên giới phân định về chính trị hay lãnh thổ”. Vì vậy Việt Nam Cộng hòa do Mỹ “nặn” ra về sau, vi phạm hiệp định, nên hoàn toàn không có chuyện “theo Hiệp định Genève thì Hoàng Sa và trường Sa thuộc quyền quản lý của Việt Nam Cộng hòa”!
Trong tranh luận cần phải có lý chứ không thể sai. Nếu họ vạch ra cái sai trong lý lẽ thì sao cãi thắng. Xin nhớ là tranh cãi với đối thủ chứ không phải nói cho phe ta nghe sướng tai.  Còn giả sử phía Trung Quốc chịu thua với lý lẽ trên thì cũng sẽ có không ít rắc rối. Việt Nam lại phải viết lại lịch sử, đạo lý của loài người cũng phải lộn ngược theo cho phù hợp. Nhà nước Việt Nam hiện thời phải trả lại đất cho Việt Nam Cộng hòa vì dù bị xóa sổ gần 40 năm nhưng không ít người Việt di tản vẫn luôn mơ phục dựng, và kỳ quái thay, có không ít kẻ “Việt Cộng” đang chiêu hồi, dù chỉ là chiêu hồi một thây ma!
Có điều cần phải biết người biết ta. Phía Trung Quốc họ không khờ như thế. Trung Quốc không chỉ lớn hơn, giàu mạnh hơn mà mọi mặt họ đều phát triển hơn ta rất nhiều. Người Trung Quốc, người gốc Trung Quốc từng đoạt giải Nobel không chỉ một lần cả về khoa học lẫn văn chương. Trung Quốc cũng là nơi sinh ra các nhà tư tưởng như Khổng tử, Lão Tử, v.v… Nên họ không thể kém ta về lý sự.
Với cái lý “Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Việt Nam Cộng Hòa.  Anh không thể cho cái mà anh không có” thì ý một tay Ngô Viễn Phú thế này thôi ta cũng khó cãi:
Trước năm 1975, tức là trước khi chính quyền miền Bắc giành chiến thắng để thống nhất hai miền Nam Bắc, miền Bắc một mực tuyên bố mình là chính thống, là đại diện hợp pháp duy nhất cho Việt Nam, và gọi chính quyền miền Nam là “bù nhìn”, là “chính quyền ngụy” phi pháp, cần phải tiêu diệt. Nếu theo quan điểm đã nhắc đến ở trên của các học giả Việt Nam thì, miền Bắc là “bên thứ ba ở ngoài không liên quan”, như vậy, sẽ có nghĩa là thừa nhận địa vị hợp pháp của chính quyền miền Nam, và thế thì, những cái gọi là “bù nhìn” hay “chính quyền ngụy” chỉ là cách gọi càn, và việc “giải phóng miền Nam” của chính quyền miền Bắc chính là hành động xâm lược. Theo nguyên tắc của luật quốc tế, bên xâm lược không có quyền “kế thừa” lãnh thổ và tất cả các quyền lợi của bên bị xâm lược, thế thì, chính quyền Việt Nam hiện nay, vốn là kế tục của chính quyền miền Bắc trước đây, sẽ không có quyền lấy tư cách người kế thừa của chính quyền miền Nam để mà đưa yêu cầu về lãnh thổ đối với quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa”!
***
Vậy chỉ có cách là chúng ta cần phải nhìn thẳng vào sự thật, vào văn bản thư của cố Thủ tướng PVĐ, vào từng câu chữ một, để hiểu cho thật chính xác, để đưa ra lý lẽ xác đáng, chứ không thể hiểu đại ý rồi diễn giải theo chủ quan của mình, rồi biện bác sai trái. Chúng ta hãy coi lại nguyên văn lá thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng:
Thưa đồng chí Tổng lý. Chúng tôi xin trân trọng báo tin để đồng chí Tổng lý rõ: Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4-9-1958 của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc. Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa trên mặt biển. Chúng tôi xin gửi đồng chí Tổng lý lời chào trân trọng”.
Như vậy, cố Thủ tướng PVĐ chỉ “tán thành” bản Tuyên bố “quyết định về hải phận của Trung Quốc”, còn Hoàng Sa và Trường Sa vốn của Việt Nam tất ông không công nhận. Nếu cố Thủ tướng chỉ viết: “tán thành bản tuyên bố ngày 4-9-1958 của … Trung Hoa quyết định về hải phận như bản Tuyên bố quyết định” thì giờ chúng ta hết cãi và cả Ngô Viễn Phú và Phạm Quang Tuấn đều đúng.
Cần phải phân biệt “hải phận của Trung Quốc” khác “hải phận như bản Tuyên bố quyết định”.
***
Xin nhắc lại, những chứng cớ phía Trung Quốc đưa ra cho Việt Nam cũng công nhận Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Trung Quốc như sách giáo khoa và bản đồ in sai cách nay cả nửa thế kỷ nói trên thì chúng hoàn toàn không có tính pháp lý, chúng chỉ là tài liệu tham khảo, giảng dậy và học tập, được biên soạn bởi một hoặc một nhóm tác giả, nên hoàn toàn có thể có sai sót. Mà tính pháp lý phải là luật biển được Quốc hội thông qua và những chứng tích, dấu tích, bản đồ từ cổ xưa cho đến nay đều thống nhất xác nhận chủ quyền Hoàng sa và Trường Sa thuộc Việt Nam. Còn lá thư của cố TT Phạm Văn Đồng, chúng ta phải hiểu chính xác cụ chỉ “tán thành” bản Tuyên bố “quyết định về hải phận của Trung Quốc”, còn Hoàng Sa và Trường Sa vốn của Việt Nam tất cụ không công nhận. Chỉ vậy thôi!
17-6-2014
ĐÔNG LA