TUYỂN TẬP 3 BÀI LIÊN
QUAN ĐẾN
NGUYỄN QUANG LẬP
|
VỀ CHUYỆN NGUYỄN QUANG
LẬP BỊ BẮT
Ngay khi Nguyễn Quang Lập bị bắt,
trên chat fb có người hỏi tôi: “Hôm nay bọ Lập bị bắt. A nghĩ sao?”; trên
email có người viết: “Chao anh! Mang den cho anh mot tin vui day... thang
cha Lap (que choa ) Bi bat roi ... Như là lời phán của anh đó ...”
Với Nguyễn Quang Lập tôi có lần gặp
duy nhất lâu lắm rồi trước cửa Viện Văn học. Hồi ấy tôi mới viết một số bài
buộc giới văn chương Bắc Hà vốn khụng khiệng phải chú ý nên Lập nói với tôi: “Ngoài
này tên anh còn lạ nên khi đọc bài của anh có người cứ nghĩ là tôi viết với bút
danh khác”. Vừa khen người lại khen được mình, quả là khéo!
Vì có chút quen biết giống như Huy
Đức, tôi không để ý hai người đó viết gì, tôi chỉ chú ý Huy Đức từ khi Huy Đức
viết Bên thắng cuộc, và đúng là duyên số, tôi cũng chỉ chú ý Nguyễn Quang Lập
khi vào đọc trang của bạn Hòa Bình
thấy bài Hòa Bình chửi tục Nguyễn
Quang Lập khi Lập, để bênh Huy Đức, đã cho việc “tra tấn bằng vôi bột, bị
đóng đinh, gí điện, bị đánh đến tàn phế… như những gì mà nhiều người trong số
họ từng đối xử với đối phương của mình ở Phú Lợi, Côn Đảo, Phú Quốc, Chuồng cọp
Sở thú và hàng trăm nhà tù khác khắp miền Nam” không phải là tội ác mà chỉ
là “đấu tranh để khai thác thông tin từ các tù binh trong cuộc chiến”.
Tôi đã quá bất ngờ khi Nguyễn Quang
Lập, một nhà văn của “Bên thắng cuộc”, từng đi bộ đội, lại có cái nhìn
phản bội lại đồng đội mình như vậy!
Chơi với giới văn chương tôi thấy vì
cuộc sống luôn gắn với cái danh nên họ sĩ diện hơn, cái tôi cao hơn. Họ cũng
nhạy cảm nên gặp chuyện không thích từ gia đình cho đến xã hội họ bị ấn tượng
mạnh hơn và họ cũng phản ứng mạnh hơn. Chính vì vậy sự bất bình trong giới văn
chương tỷ lệ cao hơn, có những nhà văn tên tuổi hiện đang trên tuyến đầu chống
chế độ. Họ tự cho mình là tầng lớp tinh hoa, cấp tiến, phải đấu tranh cho dân
chủ tiến bộ. Việc chống đối trong giới văn chương còn được coi là “mốt”, là bản
lĩnh. Có điều tôi cũng thấy giới văn chương tất có năng khiếu, có người rất
tài, nhưng như thế không có nghĩa là giỏi. Rất nhiều người chỉ thạo chuyện viết
lách còn những lĩnh vực tri thức khác họ rất dốt. Trong ứng xử họ lại nặng cảm
tính chủ quan mà không coi trọng sự đúng sai. Vì vậy những người máu “đấu
tranh” cho tiến bộ thường sai phạm rất nhiều.
Nguyễn Quang Lập là một nhà văn,
từng thi đậu vào học Bách khoa nên không phải loại người dốt. Lập đã có
danh nên không phải vì danh. Vậy vì cái gì đến nỗi hôm nay bị bắt?
Nhớ lại hồi bắt hai chủ blog “Nhất
Lác” và “Viết Bừa” (Phạm Viết Đào), Huỳnh Ngọc
Chênh viết:
“Dạo rày tự dưng bọn thế lực thù
địch tung tin đồn nói xấu chế độ tốt đẹp của ta hơi bị nhiều.
Chúng liên tục tung tin sắp tới sẽ
cho người nầy nhập kho, cho người kia đi giáo dục làm như chế độ ta được dựng
lên là để chuyên đi bắt dân không bằng. Chúng đưa ra danh sách 4 người, rồi
danh sách 5 người, rồi danh sách 10 người...và mới đây nhất, theo nhà văn đáng
kính Nguyễn Trọng Tạo, từ Bắc Kinh gởi về danh sách đến 20 người. Nghe cái danh
sách nầy, Nguyễn Trọng Tạo phải thốt lên: Bắt hết nhân dân thì sống với ai.
Lúc đầu nghe bọn xấu tung ra danh
sách 4 người gồm Nhất, Đào, Chênh, Lập mà trong đó đã có 2 người đi theo 258
rồi, tôi run quá”.
Cho một dúm những kẻ viết bậy, nói
bậy, quấy rối, làm càn là “nhân dân” như cách gọi của “Tao là Tạo” và
Chênh “Dái lệch” là cách nhìn lộn ngược. Cần phải thấy chuyện viết bậy,
nói bậy, quấy rối, làm càn là hành động gieo mầm bất ổn, xúc phạm nghiêm trọng
đến an ninh và cuộc sống bình yên của mọi người.
Vậy mà ông Nguyễn Quang A, cho nhà
nước với chuyện bắt Lập hôm nay là: "họ nhổ toẹt vào cái mà họ nói là
nhân quyền của họ”. Cái quyền mà Nguyễn Quang A nói ở đây chính là “quyền”
phạm pháp. Bắt Nguyễn Quang Lập chính là ngăn chặn “quyền” phạm pháp, bảo
vệ quyền sống yên bình của nhân dân. Bởi Nguyễn Quang Lập ngoài việc có cái nhìn
phản bội khi bênh Huy Đức nói trên, trên blog Quê Choa, Nguyễn Quang Lập từng nhạo
báng cả TBT Nguyễn Phú Trọng: “Đánh chuột phải giữ lấy bình, hay phải giữ
lấy mình”? “Ném chuột sợ vỡ bình – Buồn thay Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng”.
Là người hiểu biết phải thấy ai
cũng có quyền phê phán người khác sai trái kể cả TBT. Câu “ném chuột phải giữ bình quý” là lời dạy quý giá của tiền nhân nên
ông Nguyễn Phú Trọng nói vậy là hoàn toàn đúng đắn. Vì vậy Nguyễn Quang Lập cố
tình nhạo báng một ông TBT thực thi trọng trách là đánh vào quyền lực tối cao
của thể chế chính trị, làm mất ổn định xã hội.
Đặc biệt, Nguyễn Quang Lập
thường dùng tài văn của mình xỏ xiên, bôi bác những gì mà xã hội coi trọng. Về
ngày 30-4, Lập viết:
“Tôi làm tình cô giáo tôi trong
niềm hân hoan không phải lần đầu trong đời biết thế nào là làm tình khiến tôi
cứ chọc lung tung, sốt ruột cô phải cầm lấy nhét thẳng vào cái hõm xác suất
luôn bằng một, mà vì vui sướng vô biên đón nhận tin chiến thắng... Ngày 30-4
quả là ngày trọng đại”.
Về gương anh hùng của Tô Vĩnh Diện,
Lập viết bài “Nhớ Trần Dần” kể chuyện Phùng Quán nói chuyện với Trần Dần
nói mình (Nguyễn Quang Lập) bảo “pháo chèn Tô Vĩnh Diện chứ không không phải
Tô Vĩnh Diện chèn pháo... Trần Dần vỗ tay đánh bốp kêu to: Hay! Giỏi! Thông
minh”. Trên Blog Quê choa Lập nhắc lại: “khi kéo pháo lên dốc, đã đứt
dây, anh Diện chạy không kịp thì bị chèn thôi”.
Khi thấy Nguyễn Quang Lập bị bắt, có
người viết “Dù anh Lập bị bắt nhưng di sản tinh thần của người cầm bút chân
chính sẽ còn mãi với thời gian. Thân thể nhà văn ở trong lao nhưng tinh thần
của anh vẫn ngoài lao, đồng hành tự do cùng hàng triệu bạn đọc”.
Tôi đã viết về văn tài của NQL,
dường như Lập cố bắt chước cho giống đàn anh Nguyễn Huy Thiệp- “thành tựu
đổi mới văn chương” của Nguyên Ngọc. Lập viết về kỷ niệm tuổi học trò, đã
kể chuyện từng cùng lũ bạn “trẻ con bảy, tám tuổi góp tiền lại xử sờ bướm
bạn gái”; rồi chuyện “đít thằng Thanh đang nhoáy trên bụng thím L”;
về tâm không kẻ nào bất nhân hơn khi Lập cho rằng anh Võ Điện Biên dùng xác cha
mình là cố ĐT Võ Nguyên Giáp để kinh doanh, chọn chỗ chôn như vậy là để phục vụ
dự án du lịch!!! Còn khi Lập cho việc đóng đinh vào đầu, đục răng, đục đầu gối
các chiến sĩ bị tù ở các “Địa ngục trần gian” dười thời VNCH không phải
là ác mà chỉ là “khai thác thông tin” thì về nhân, Lập đã mất nhân tính.
Một nhân cách như vậy thì để lại di
sản gì?
Với lối viết của Nguyễn Quang Lập
cũng không phải là phản biện như ông Nguyễn Trọng Tạo nói: "Tôi nghĩ
rằng nhiều khi cũng phải có những tiếng nói phản biện và tiếng nói phản biện
không phải là để lật đổ nhà nước. Mà đấy là những tiếng nói để một đất nước
phải suy nghĩ”.
Tôi đã viết nhiều lần. Xã hội Việt Nam hiện tại
quả thật còn rất nhiều yếu kém. Triết học Mác chỉ ra, xã hội XHCN chỉ được xây
dựng trên nền tảng của XHTB cực phát triển, trong khi nước ta xuất phát từ một
chế độ phong kiến nô lệ với cơ sở hạ tầng là nền sản xuất tiểu nông. Chúng ta
đi theo mô hình “Kinh tế thị trường định hướng XHCN” vừa phát huy được
sự năng động của nền sản xuất tư bản vừa vẫn giữ được lý tưởng XHCN vì số đông
người lao động. Có điều vì là một mô hình mới, giống như một cỗ xe chạy mà các
bộ phận phanh và tay lái làm chưa chuẩn nên còn va quẹt lung tung. Đó chính là
những yếu kém và tệ nạn của xã hội chúng ta hôm nay. Chế độ kinh tế tập thể ở
ta cũng như Trung Quốc vì công tư nhập nhằng nên đã dẫn đến quốc nạn tham
nhũng. Đây là thực trạng không chỉ những người chống phá mà tất cả mọi người có
lương tri đều thấy và cả những nhà lãnh đạo cao nhất cũng thấy. Vì thế đất nước
chúng ta đang như một con bệnh. Cái cần nhất bây giờ là có một toa thuốc đúng
để trị hết bệnh. Một con bệnh không thể khỏi với những toa thuốc độc của những
người chống phá như Nguyễn Quang Lập, cũng không thể chỉ chữa bằng nước đường,
cứ tuyên truyền một chiều về tính ưu việt của chế độ. Chính tư duy phản biện
chân chính, có tâm, có tầm, đúng đắn sẽ là toa thuốc cho xã hội.
Chính tôi đây đã viết không ít bài
phản biện. Ngay sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lần đầu lên nắm quyền đối
thoại trực tuyến, tôi đã viết bài đăng trên Talawas, bài mà có ông Phong Uyên ở
Pháp bảo ông đọc tôi viết mà thấy như được uống rượu vang của Pháp được định
niên hạn con heo vàng. Tôi cũng viết về giáo dục mà cũng có nhiều người thích,
v.v… Hiện tại, tôi cũng viết khá nhiều về sự sai trái của VTV. Vậy là tôi đã
viết phản biện trước Nguyễn Quang Lập rất lâu, tôi hoàn toàn tự do viết mà
không sao cả. Vì thế việc công an bắt Lập hôm nay vì Lập phạm pháp chứ không
phải phản biện.
Bài Huỳnh Ngọc Chênh viết sau khi
Nhất và Đào bị bắt cũng có đoạn:
“Rượu vào rồi thì chuyện tới trời
cũng xem như chuyện đùa bỡn. Những bạn bè ngồi trong bàn mà không có tên trong
danh sách tự dưng thấy thiệt thòi. Nhưng các bạn ấy cũng không ganh tị và tự
nguyện phân công nhau lo thăm nuôi những người được xem là có tên. Nguyện vọng
thăm nuôi của nhà văn Nguyễn Quang Lập là một cái laptop, nếu có ba gờ nữa thì
càng tốt để anh tiếp tục viết blog và liên lạc với thế giới bên ngoài. Nhà thơ
kiêm họa sĩ Đỗ Trung Quân thì cần giá vẽ với màu xịn để vẽ và một chút ánh
trăng qua cửa sổ...để làm thơ. Còn nguyện vọng của tôi: Cứ gởi đều đặn viagra
vào. Các bạn hỏi: Để làm gì trong đó? Tôi nói: Buồn quá để đục vô tường chơi
cho vui. he he”.
Như vậy bọn họ biết rõ mình vi phạm
pháp luật, không chỉ bất chấp mà còn ngông nghênh diễu cợt, như thách thức việc
thực thi pháp luật. Đợt bắt Nguyễn Quang Lập lần này cũng có một chi tiết: khi
công an bắt Nguyễn Quang Lập, vợ Lập cho biết Lập đã bảo sau 9 ngày không về
thì sẽ 3 năm. Nghĩa là Lập cũng biết trước mình phạm pháp chứ hoàn toàn không
phải điếc không sợ súng. Vậy vì cái gì Lập cứ bất chấp? Giống như buôn thuốc
phiện bị bắt là mất mạng mà vẫn có người đâm đầu vào. Phải chăng vì đô?
Có thể Lập cho công an sợ Lập nổi tiếng không dám bắt, Việt Nam sợ Mỹ không dám
bắt, ỉ vào mình bị tai nạn tật nguyền công an sợ mang tiếng nên không bắt…?
Nhưng sự thật đã không như Lập nghĩ.
Còn chuyện có người viết email “gởi
một tin vui” đến tôi và người hỏi tôi nghĩ sao? Tôi hoàn toàn không vui
chuyện Lập bị bắt nhưng quả thật có thấy nhẹ lòng. Bởi thật e ngại nếu pháp
luật cứ để rắn rết nghênh ngang tự do thì xã hội sẽ dẫn tới đâu? Lòng cũng cảm
thấy chút bình an vì kỷ cương phép nước đã được thực hiện. Ngược lại, những
người cùng băng nhóm Nguyễn Quang Lập tất sẽ có tật giật mình, như ông Nguyễn
Trọng Tạo, theo BBC:
“nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Trọng
Tạo cho rằng việc bắt bớ đang gây ra tâm trạng 'bất an'… Ông nói với BBC:
"Nó bất an lắm. Nếu mà cứ bắt bớ như thế thì quả bất an”.
8-12-2014
ĐÔNG LA