Tôi đã
viết trong bài: NGUYÊN
NGỌC VÀ TUYÊN BỐ VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP VĂN ĐOÀN ĐỘC LẬP VIỆT NAM: “Thực chất
việc lập Hội Nhà Văn riêng chẳng qua chỉ vì cay cú, ghen ăn tức ở, chưa nguôi
tham vọng quyền thế. Nhà nước tước quyền, không cho quyền thì giờ mình tự
phong cho mình”.
Và hôm nay
thì tôi thấy người ta không chỉ cầu quyền mà còn cầu danh. Về chuyện cầu danh
với Nguyên Ngọc thì cũng có chuyện ngược đời. Với chính danh, Nguyên Ngọc đã
lừng danh từ lúc tôi mới đẻ, rồi quyền cao chức trọng. Nhưng chỉ vì mất
quyền, Nguyên Ngọc quyết liệt từ bỏ chính danh đó, không màng đến kể cả cái
danh cao nhất là Giải thưởng Hồ Chí Minh! Nguyên Ngọc lại đi cầu một cái danh
khác. Cái danh này tôi chợt nghĩ đến khi đang đọc cuốn “Ngọc sắc Tâm kinh” của nữ thánh Vũ Thị Hòa.
Nói qua
chút về cái danh này của cô. Trước kia tôi còn để trong ngoặc kép, nghĩa là
đệ tử bái phục đã coi cô như thế, còn bây giờ thì tôi thấy cô là thánh thật
thì tôi quẳng luôn cái ngoặc kép ấy đi. Có mấy người góp ý cho tôi là đừng ca
ngợi cô quá sợ dư luận và cũng sẽ hại cô. Tôi trả lời là tôi thấy cô là thánh
thì gọi là thánh chứ ca ngợi cái gì. Cũng như kẻ ác thì tôi nói là ác, là quỷ
cái, dù là GS Viện sĩ mà dốt thì tôi cũng nói là dốt. Xã hội dân chủ, nhà
nước pháp quyền phải nói sự thật, lẽ phải, nếu sai là bị kiện đi tù! Tôi là
người đủ trí để định hướng cả dư luận thì tôi sợ gì dư luận. Còn cô là thánh
thì cô tất hiểu tôi chỉ nói ra sự thật. Có điều chính phần người phàm, cô Vũ
Thị Hòa ở Yên Bái vẫn thường gọi tôi là anh xưng em đấy, cũng bảo cô không
thích tôi gọi cô như thế. Cái chính là cô sợ người ta không hiểu, người ta
lại nói sai, nói bậy sẽ lại tạo nghiệp nặng. Tôi trả lời cô là tôi là người
hiểu sự thật mà nói sai thì chính tôi sẽ bị tội. Nên tôi không thể nói sai.
Tôi không cầu gì, cô không cầu gì từ chuyện đó thì không có gì mà ngại cả.
Còn tôi đã viết hàng chục bài chứng minh khả năng thần thánh của cô, mà gần
đây nhất chính là cô đã nói đúng về vụ máy bay bị mất tích đang chấn động cả
thế giới. Chỉ có là thánh mới có con mắt thần như thế. Vậy mà người ta vẫn
không hiểu, cứ nghĩ về cô với lý lẽ phàm trần, cứ nhìn cô bằng con mắt thịt
phàm trần, thì kệ người ta thôi.
Tôi đã
nghĩ về việc cầu danh của ông Nguyên Ngọc qua việc lập hội văn đoàn độc lập
khi đọc chương cô Hòa bàn về Quân tử và Tiểu nhân trong cuốn “Ngọc sắc Tâm kinh”. Xin nhớ cô Vũ
Thị Hòa chỉ mới biết đọc, biết viết, nhưng để viết được cuốn kinh này thì
phải có tâm trí minh triết của một bậc hiền triết mới có thể viết ra được, và
để hiểu thấu nó thì không biết cái nước Việt Nam này có mấy người hiểu được,
bởi trong đó chất chứa những tinh túy của tư tưởng phương Đông và cả các pháp
tu mầu nhiệm, viết ra từ cõi thánh chứ không phải về cõi thánh. Cô viết:
“Người
quân tử trốn cái danh mà cái danh càng rạng tỏ, càng chịu lép với thế mà thế
vẫn tôn sùng, còn đứa tiểu nhân càng chuộng cái danh mà danh càng nhơ nhớp,
càng kiêu với thế mà thế vẫn thị khinh. Như vậy mà bởi cớ sao, hạnh quân tử
lại ít người làm còn thói tiểu nhân lại nhiều người học. Ôi thật buồn cho
nhân loại biết bao! Buồn…!”
Cái đoạn
này vô tình mà y như cô viết về hội của ông Nguyên Ngọc vậy. Họ đã cầu danh
bằng những lời lừa mị hoa mỹ nhưng thực tế họ lại lộn ngược lại tất cả,
cả thẩm mỹ và đạo lý và cho đó là đổi mới văn chương! Họ cho cái ác là cái
thiện, cho những cái bẩn thỉu, nhầy nhụa, tục tĩu là cái hay, cái đẹp, cái
cao quý. Vậy cái danh họ cầu sẽ chỉ được ô danh mà thôi.
Thật thú
vị trong cuốn kinh của cô Hòa, cô đã bàn rất sâu về Đạo, trong khi chính tôi
đây cũng đã viết về Đạo. Trong bài phản bác GS Hoàng Ngọc Hiến, tôi đã chỉ ra
những ý sai của ông, kể cả Lê Quý Đôn cũng có ý sai. Với tư duy tiểu nông sẽ
có nhiều người cho tôi là hỗn, dám viết Lê Quý Đôn sai. Nhưng với tinh thần
khoa học, Einstein cũng sai thì Lê Quý Đôn có sai cũng là lẽ thường. Tôi đã
dùng tư duy khoa học hiện đại nhìn về cõi tư tưởng mông lung huyền bí phương
Đông, rất mong các đệ tử của cô Hòa đọc cho cô nghe, để cô, với con mắt từ
cõi đó, xem tôi viết ra sao?
|
VÔ VÀ HỮU
(TRAO ĐỔI VỚI GIÁO SƯ HOÀNG NGỌC HIẾN)
(Trích trong cuốn Bóng tối của ánh sáng)
Trong bài Về
vô và hữu/ chủ toàn và chủ biệt (Văn nghệ, số 39, ngày 30-9-2006)
của GS. Hoàng Ngọc Hiến trao đổi với Nhà văn Văn Chinh có nhiều điểm cần phải
bàn.
Trước hết, Hoàng Ngọc Hiến có một quan niệm khá mâu thuẫn về khái niệm vô
và hữu của Lão Tử: “vô tức là hữu (mà) vô cũng khác hữu”.
Để giải thích sự mâu thuẫn trên, Hoàng Ngọc Hiến viết: “vô tức là hữu vì cả
vô và hữu đều là thực tại”. Điều này cũng vô lý, bởi như vậy tôi có thể
nói: không khí là con bò vì cả không khí và con bò đều là vật chất. Ngay một
vật như tấm huân chương cũng không thể nói mặt trái là mặt phải vì cả
hai cùng là tấm huân chương được! Có thể nói GS. Hoàng Ngọc Hiến cũng là “fan”
(như cách nói của ông) của cụ Cao Xuân Huy. Nhưng theo cụ Cao, tiêu chuẩn của
chân lý là: nếu A là A thì A không phải là phi A (Cao Xuân Huy: Tư
tưởng phương Đông - gợi những điểm nhìn tham chiếu, NXB Văn học, H.,
tr.78). Như vậy, Hoàng Ngọc Hiến đã vi phạm tiêu chuẩn trên, đã cho A là phi
A rồi!
Hoàng Ngọc Hiến
lập luận tiếp: “vô khác hữu vì vô là thực tại“chưa phân hóa” còn hữu là thực
tại đã hiển hiện” thì tôi e rằng viết vậy ông đã hiểu sai tư tưởng của Lão
Tử.
Liên quan đến hai khái niệm “vô” và “hữu”, Lão Tử viết: “Vô danh thiên địa
chi thỉ; hữu danh vạn vật chi mẫu”, tôi dịch: Cái không gọi được thành tên
(cái vô) là nguồn gốc của trời đất; cái gọi được thành tên (cái hữu) là mẹ của
vạn vật; rồi: “Thiên hạ vạn vật sinh ư hữu, hữu sinh ư vô” nghĩa là: Vạn
vật trong thiên hạ sinh từ có, có sinh từ không; rồi
nữa: “Hữu vô tương sinh”: có không sinh ra
lẫn nhau. Như vậy, theo Lão Tử, cái vô không phải là thực tại “chưa
phân hóa” và cái hữu không phải là “thực tại đã hiển hiện”
như ý Hoàng Ngọc Hiến mà cả hai đều chưa phải là thực tại, vô và hữu
tương sinh, vô sinh ra hữu rồi chính hữu mới sinh ra “thiên
hạ vạn vật”, tức “thực tại đã hiển hiện”.
Trước đây vì khoa học chưa phát triển, các nhà nghiên cứu thường luận bàn về Đạo
Đức kinh như bàn về một tác phẩm thi ca có tính hàm súc như thơ tượng trưng
vậy, vì “ý tại ngôn ngoại” tất dẫn đến những cách hiểu khác nhau. Bây giờ chúng
ta thử khảo sát tư tưởng Lão Tử theo ánh sáng của khoa học hiện đại, xem tư
tưởng của Ngài sẽ ứng với những nguyên lý nào của khoa học, nghĩa là xem nó có
gì có lý, có giá trị thực tiễn hay không, hay chỉ có giá trị về mặt văn hóa?
Theo tôi, nếu coi năng lượng là “vô”, vật chất là “hữu” thì thực tiễn
khoa học hoàn toàn khớp với tư tưởng Lão Tử trong các mệnh đề nổi tiếng của
Ngài đã bàn như: “Vô danh thiên địa chi thỉ; hữu danh vạn vật chi mẫu”,
“Thiên hạ vạn vật sinh ư hữu, hữu sinh ư vô”; “hữu vô tương sinh”;
vì Năng lượng đúng là không hình dạng và là “gốc” của Trời Đất;
Vật chất đúng là có hình dạng và là “mẹ” của vạn vật, và theo
công thức E = mc2 của Einstein, năng lượng và vật chất
đúng là “hữu vô tương sinh”!
Vậy cũng có thể
nói theo tinh thần triết học cổ phương Đông, vô và hữu trong mệnh
đề “hữu sinh ư vô” của Lão Tử chính là hai mặt đối lập nhưng tồn tại thống
nhất tạo thành Đạo, cái bản thể của Vũ trụ.
Vậy mệnh đề: “vô tức là hữu (mà) vô cũng khác hữu)” của Hoàng Ngọc Hiến
cần phải viết cho đúng với tư tưởng Lão Tử: “vô khác hữu, là hai mặt đối lập
nhưng tồn tại thống nhất của Đạo”.
Trong phần
nghiên cứu về Lê Quý Đôn, GS. Cao Xuân Huy đã trích câu: “Thái cực là một,
nó là một khí hỗn nguyên… khép lại là vô, mở ra là hữu, qua rồi là vô, đang
đến là hữu, thấu xưa đến nay… Như thế mà (Lão Tử - ĐL chú) bảo rằng
“hữu sinh ư vô” (cái hữu là từ cái vô mà sinh ra) thì có được không?” (Sđd,
tr.186-187) và đánh giá rất cao: “Lê Quý Đôn có một vũ trụ luận rất đặc sắc”.
Và cụ kết luận, Lê Quý Đôn đã “bác truất” cái tư tưởng “hữu sinh ư vô”
của Lão Tử.
Đây cũng chính
là vấn đề phân tích và tranh luận giữa Hoàng Ngọc Hiến và Văn Chinh. Theo Hoàng
Ngọc Hiến, Văn Chinh đã sai khi hiểu chữ sinh ở trên là đẻ ra rồi
gán cho Lê Quý Đôn cũng hiểu như mình nên ngài mới “bác truất” cái
mệnh đề trên của Lão Tử. Hoàng Ngọc Hiến cho rằng chữ sinh đó cần phải
hiểu là “chuyển trạng thái” như trong những từ “sinh bệnh”, “sinh
loạn”.
Đạo Đức Kinh của
Lão Tử vừa là bản thề luận (luận về cái cơ bản nhất tạo nên vũ trụ: Đạo
là bản thể, Đức là bản tính của Đạo) vừa là triết lý xã hội (Đạo đức sống của
con người). Nhưng những câu bàn về vô và hữu nói trên, ngài bàn
về bản thể luận. Vì thế hiểu chữ sinh là đẻ ra như Văn Chinh là
không sai. Nếu hiểu chữ đẻ ra không chỉ đơn giản là một động từ chỉ quả
trứng chui từ trong bụng gà ra mà nó là kết quả của cả một quá trình chuyển hóa
vô cùng tinh vi trong cơ thể động vật từ không đến có của tế bào sinh dục, thì
sự đẻ ra theo cách hiểu của Văn Chinh có khác gì sự chuyển trạng thái
của Hoàng Ngọc Hiến, nếu không muốn nói nó còn linh diệu hơn, vì nó là quá
trình chuyển từ không đến có, còn “sinh loạn”, “sinh
bệnh” của Hoàng Ngọc Hiến là những quá trình từ cái có này đến cái có
khác. Vì vậy, câu phê phán Văn Chinh của Hoàng Ngọc Hiến: “Trong mệnh đề của
Lão Tử hữu sinh ư vô không có chuyện vô đẻ ra hữu mà chỉ có sự chuyển trạng
thái vô sang trạng thái hữu” là vô nghĩa, và Văn Chinh cho Lê Quý Đôn bác
truất mệnh đề hữu sinh ư vô vì cho vô không thể sinh hữu là có
lý, không có gì là gán ghép cả. Bởi thực sự Lê Quý Đôn đã hiểu khác Lão Tử. Lão
Tử cho vô và hữu là hai mặt đối lập có thể tương sinh của
Thái Cực, tức Thái Cực không chỉ là vô hoặc hữu mà còn có trạng
thái chuyển hóa giữa vô và hữu, là cả vô và hữu;
còn Lê Quý Đôn cho vô và hữu là hai trạng thái đóng hoặc mở
không tương sinh của Thái Cực, nghĩa là Thái Cực chỉ có đóng
là vô hoặc mở là hữu mà thôi.
Trong phần cuối
bài viết, Hoàng Ngọc Hiến cố gắng chứng minh hai tư tưởng của Lão Tử và Lê Quý Đôn
vốn ngược nhau nhưng đều đúng, nghĩa là lại làm cho A là phi A; với Lão
Tử ông cho: “Sự chuyển từ trạng thái “vô” sang trạng thái “hữu” là kết quả
của sự biến hóa thiên hình vạn trạng của thực tại”; với Lê Quý Đôn ông cho:
“Chuyển hóa vô - hữu được thực hiện qua tương tác giữa những quá trình… Lê
Quý Đôn đã tạo ra một toàn cảnh hoành tráng tuyệt vời về vũ trụ biến hóa khôn
cùng, thiên hình vạn trạng”.
Như đã phân tích,
chữ sinh nghĩa là sinh đẻ hay là quá trình chuyển hóa cũng
không có gì khác nhau. Vậy Hoàng Ngọc Hiến viết như trên là ngược với ý Lê Quý
Đôn khi Ngài viết: có thể nói hữu mà sinh từ vô được sao! Hoàng Ngọc
Hiến cũng cho rằng có sự bác truất ý Lão Tử của Lê Quý Đôn là do cách hiểu về vô
và hữu của Lê Quý Đôn khác với cách hiểu của Lão Tử. Cái vô của
Lê Quý Đôn là cái “vô tương đối” (kết thúc quá trình hữu hạn) còn cái vô
của Lão Tử là cái “vô tuyệt đối” (bản thủy) (nên viết là bản thể hoặc
bản chất khởi thủy thì đúng hơn – ĐL chú). Sự giải thích này cũng không có lý
bởi đã cho hai cái không thể sinh ra (hoặc chuyển thành) nhau thì dù là “tuyệt
đối” hay “tương đối” cũng không thể được. Hoàng Ngọc Hiến còn cho Lê Quý Đôn
bác truất là do đã “ngỡ ngàng trước mệnh đề của Lão Tử”, và ông còn đắc
ý tự hỏi, liệu Lê Quý Đôn có ngờ được rằng hơn hai thế kỷ sau hôm nay ông nghi
ngờ sự hiểu biết của ngài không. Điều này tôi thấy cho một người như Lê Quý Đôn
mà không hiểu Dịch, Đạo là vô lý; hơn nữa, khi không hiểu thì Lê Quý Đôn không
thể tự tin đưa ra phát kiến riêng của mình được. Tóm lại, sự thực thế nào hãy
để nguyên như thế, sự thực đã có một sự bác truất của Lê Quý Đôn đối với tư
tưởng Lão Tử, nghĩa là đã có một cái là A, một cái là phi A. Vậy cái nào A, cái
nào phi A? Điều này không thể trả lời cụ thể được, vì khoa học hiện đại không
thể kiểm chứng những lời mơ hồ đầy tính tư biện của các ngài nói riêng và tư
tưởng phương Đông cổ đại nói chung. Riêng tôi, như đã cho cái vô là năng
lượng, cái hữu là vật chất như trên và liên tưởng một cách tương đối tới
những quá trình biến đổi của mọi sự vật và hiện tuợng trong thế giới, ta thấy
tư tưởng Lão Tử có tính bao quát hơn Lê Quý Đôn.
Trong bài viết,
Hoàng Ngọc Hiến đã cho Văn Chinh có cách hiểu sai và kéo thấp tầm tư tưởng của
cụ Cao Xuân Huy xuống, khi cho: phương thức “chủ toàn” là thuộc về
phương Đông còn “chủ biệt” là của phương Tây. Quả là cụ Cao có nói chủ
toàn, chủ biệt là phương thức chung của loài người, nhưng trong cuốn sách
của cụ, GS. Nguyễn Huệ Chi cũng đã đặt tựa đề phần I: CHỦ TOÀN CHỦ BIỆT/ HAI
NGÃ RẼ TRONG TRIẾT HỌC ĐÔNG TÂY và nội dung cụ viết phần này cũng rất phù
hợp với cách đặt như vậy, nghĩa là Văn Chinh không sai và chẳng có kéo thấp cái
gì xuống cả. Ngoài ra GS. Hoàng Ngọc Hiến còn kêu gọi tiếp tục tổ chức nghiên
cứu phát triển và hoàn thiện lý thuyết “chủ toàn, chủ biệt” trên của cụ
Cao.
Về tác phẩm của cụ Cao Xuân Huy, tuy có nhiều điều như tôi đã bàn, nhưng tôi thấy cụ
hoàn toàn xứng đáng được tôn vinh, kể cả việc cụ được Nhà nước trao giải Hồ Chí
Minh, bởi cụ là một trong số rất ít người đã đặt nền móng cho lĩnh vực nghiên
cứu triết học cổ phương Đông trong xã hội Việt Nam hiện đại. Theo lẽ thường,
công khai phá luôn có tính cách mạng. Có điều, cuốn sách của cụ lại do GS.
Nguyễn Huệ Chi sưu tập, tuyển chọn, bình tán. Tôi không biết nếu cụ còn sống,
tự tay sưu tập, nắm được những thành tựu mới của khoa học, liệu cụ có thể để
nguyên mà in ra những bài viết cách nay đã nửa thế kỷ có liên quan đến khoa học
tự nhiên, cái khoa học phát triển từng giây, từng phút, biến đổi cả cuộc sống
và nhận thức của con người cũng từng giây từng phút, được không? Ngay nhà bác
học vĩ đại Einstein, với sự phát triển của khoa học, ông cũng phải thừa nhận
quan niệm “vũ trụ tĩnh” của mình là sai; còn những ngày hôm nay, nhà bác học
hàng đầu Hawking cũng phải thú nhận mình sai khi thấy lý thuyết dây của
vật lý lý thuyết phát triển. Về mặt yếu liên quan đến khoa học tự nhiên của
cuốn sách, tôi biết đã có hai bài viết, một: “Để viên ngọc không còn tì vết”
của Đỗ Kiên Cường đăng trên phụ san Văn nghệ Quân đội năm 1999;
và bài của tôi “Những điều cần bàn của một công trình triết học”, trong
cuốn Biên độ của trí tưởng tượng (NXB Văn học, H., 2001). Ở đây, nhân “lời kêu
gọi” của GS. Hoàng Ngọc Hiến, tôi lại viết thêm đôi điều.
Theo GS. Cao Xuân Huy, để nhận thức thế giới, tư tưởng con người phải trải qua
hai quá trình là đồng nhất hoá và dị biệt hoá, và sự đồng nhất
sau cùng là mục đích để tiến tới“hiểu biết”. Để thực hiện quá trình
nhận thức, con người lại có hai phương thức: “chủ toàn” và “chủ biệt”.
Phương thức chủ toàn lấy: “toàn thể quyết định bộ phận”; phương
thức chủ biệt lấy: “Bộ phận quyết định toàn thể”. Theo cụ, phương
thức chủ toàn là đúng vì có tính hữu cơ, năng động, liên tục (cụ chứng minh
bằng Chu Dịch); còn phương thức chủ biệt là sai vì có tính cơ giới, cố định,
gián đoạn (cụ chứng minh bằng tư tưởng Descartes (1596-1650)). Kể cụ chỉ
bàn riêng về tư tưởng cổ đại thì có phần có lý, nhưng để đề cao phương thức chủ
toàn và phê phán phương thức chủ biệt, cụ có nhiều ý kiến sai về khoa học và
triết học hiện đại.
Trong nghiên cứu khoa học, để “hiểu biết”, con người không cần thiết phải đồng
nhất hóa những sự vật hiện tượng khác nhau, mà thực chất chỉ có sự thống nhất
các quy luật khoa học (như đang diễn ra quá trình nghiên cứu thống nhất quy
luật của các lực vật lý). Thế giới đa dạng thì hãy nhìn nó là đa dạng, nó luôn
bao gồm những cái chung và cái riêng, cái giống cái khác; và trong cái này luôn
có phần cái kia và ngược lại, ở mọi cấp độ. Còn cho hai phạm trù cơ bản nhất
của khoa học và triết học là kết quả sai lầm, là vi phạm tư tưởng logic, thì
giải thích và đánh giá ra sao vô vàn thành tựu về nhận thức và khoa học công
nghệ của ngày hôm nay?
Về tư tưởng phương Đông cổ đại đúng là có giá trị về mặt lịch sử văn hóa, tư
tưởng và đạo đức. Ở cấp độ trực quan mơ hồ, như những bài thơ tượng trưng,
những tác phẩm nghệ thuật mang tính biểu tượng, từ tư tưởng cổ đại người ta có
thể ngẫm ngợi ra nhiều những điều lý thú. Nhưng coi chúng như những định luật
khoa học cụ thể thì không chính xác. Như cùng bàn
về bản thể, theo Dịch: Thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng;
còn theo Đạo: Một sinh hai, hai sinh ba… là đã vênh nhau rồi. Vậy cái
nào đúng cái nào sai? Như về âm dương, có thể nói Lão Tử có trực giác tuyệt vời
khi viết: mọi vật đều cõng âm ôm dương. Nhưng xét cụ thể, nếu Lão Tử
viết: mọi nguyên tử đều cõng âm ôm dương thì mới đúng, vì hạt nhân dương nằm
trung tâm và điện tử âm chạy vòng ngoài; còn khi đã thành vật là đã bao gồm vô
vàn nguyên tử, âm dương phân bố đều khắp, không còn “ôm” với “cõng” nữa. Giả sử
nếu cho Thái cực là Big bang sinh ra lưỡng nghi là âm duơng thấy cũng có
lý. Nhưng rồi lại cho: sáng là dương, tối là âm, nóng là dương, lạnh là âm,
trai là dương, gái là âm… thì không thể tìm ra được nét tương đồng nào
trong những lĩnh vực nghiên cứu của khoa học hiện đại.
Thiết nghĩ giữ
gìn, bảo tồn những giá trị cổ là điều cần thiết, nhưng đề cao phi lý, gán ghép,
siêu việt hóa một cách khiên cưỡng dẫn đến mâu thuẫn với khoa học, với sự phát
triển của nền văn minh thì không nên.
TP Hồ Chí Minh,
8-10-2006.
Viết thêm 27-4-2009.
(Đã
đăng trên http://hoinhavanvietnam.vn/News.asp? cat=&scat=36&id=1322).